Thông tư số 204/2015/tt-btc ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế


Điều 23. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế



tải về 261.35 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích261.35 Kb.
#14486
1   2   3

Điều 23. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế

1. Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ về phân loại người nộp thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế tại Điều 19 Thông tư này để áp dụng biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hồ sơ hoàn thuế:

a) Phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế:

- Tổng cục Thuế căn cứ phân luồng của hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ để xác định hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau và hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.

- Trường hợp, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, pháp luật hải quan hoặc trường hợp nếu người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng, cơ quan thuế thay đổi việc áp dụng hình thức phân loại hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đang thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau sang thuộc diện hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau; việc phê duyệt thay đổi áp dụng hình thức phân loại phải được cập nhật vào hệ thống thông tin nghiệp vụ.

b) Kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế (theo yêu cầu của cơ quan cấp trên) đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau:

Cơ quan thuế lựa chọn người nộp thuế kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau căn cứ theo xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế tại Điều 19 Thông tư này, đồng thời phải đảm bảo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể:

b.1) Đối với người nộp thuế thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 41 Nghị định 83/2013/NĐ-CP: Kiểm tra, thanh tra sau hoàn trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế theo sắp xếp thứ tự thực hiện theo xếp hạng mức độ rủi ro từ cao xuống thấp.

b.2) Đối với người nộp thuế thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 83/2013/NĐ-CP: Kiểm tra, thanh tra sau hoàn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định hoàn thuế đối với 100% doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao; kiểm tra, thanh tra 50% đối với doanh nghiệp rủi ro trong thời hạn 90 ngày; kiểm tra, thanh tra 50% rủi ro còn lại trong phạm vi 180 ngày.

2. Cơ quan thuế các cấp căn cứ kết quả phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn người nộp thuế kiểm tra, thanh tra sau hoàn nêu tại khoản 1 Điều 23 Thông tư này để thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế và kiểm tra, thanh tra hoàn thuế theo quy định pháp luật.

3. Cập nhật, phản hồi kết quả:

- Cơ quan thuế tiếp nhận giải quyết hồ sơ hoàn thuế nêu tại điểm a khoản 1 Điều 23 Thông tư này, thực hiện cập nhật vào hệ thống hồ sơ hoàn thuế, cập nhật dự thảo quyết định hoàn thuế; Tổng cục Thuế trong thời gian không quá 6 giờ làm việc có trách nhiệm phản hồi kết quả. Căn cứ kết quả phản hồi của Tổng cục Thuế, Cục Thuế ban hành quyết định hoàn thuế và tự động cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế quyết định này.

- Cơ quan thuế khi thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với người nộp thuế nêu tại điểm b khoản 1 Điều 23 Thông tư này, ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra, thanh tra phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra, thanh tra vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể và phản hồi kết quả kiểm tra, thanh tra về đơn vị liên quan cấp trên để tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung kịp thời tiêu chí quản lý rủi ro, phục vụ việc đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Điều 24. Áp dụng quản lý rủi ro trong việc lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế

1. Cơ quan thuế lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hàng năm theo quy định tại Điều 78, Điều 81 của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và điểm 24 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Điều 49 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và theo xếp hạng mức độ rủi ro của người nộp thuế tại Điều 19 Thông tư này để lựa chọn trường hợp kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hàng năm đảm bảo nguyên tắc:

- Danh sách thanh tra yêu cầu đạt tỷ lệ từ 1% đến 2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; danh sách kiểm tra đạt tỷ lệ từ 15%-18% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

- Danh sách thanh tra do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định; danh sách kiểm tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quyết định.

a) Lựa chọn trường hợp thanh tra:

Cơ quan thuế lựa chọn trường hợp thanh tra tại trụ sở người nộp thuế đối với người nộp thuế đảm bảo:

- Số trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro không dưới 90% số lượng trường hợp được thanh tra theo kế hoạch hàng năm;

- Số trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên không quá tỷ lệ 10% số lượng trường hợp được thanh tra theo kế hoạch hàng năm.

b) Lựa chọn trường hợp kiểm tra:

Các trường hợp người nộp thuế xếp hạng mức độ rủi ro cao ngoại trừ các trường hợp đã được lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh tra nêu tại điểm a khoản 1 Điều 24 Thông tư này được lựa chọn đưa vào trường hợp kiểm tra. Việc lựa chọn trường hợp kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế phải đảm bảo:

- Số trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro không dưới 90% số lượng trường hợp được kiểm tra theo kế hoạch hàng năm;

- Số trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên không quá tỷ lệ 10% số lượng trường hợp được kiểm tra theo kế hoạch hàng năm.

2. Tổng cục Thuế xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ và quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan thuế các cấp trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế.

3. Việc xây dựng và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; danh sách bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế tại khoản 1 Điều 24 Thông tư này được thực hiện theo quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

4. Cập nhật phản hồi kết quả kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế:

- Cơ quan thuế khi thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với người nộp thuế nêu tại khoản 1 Điều 24 Thông tư này khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra phải cập nhật ngay vào hệ thống; trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với trường hợp có vướng mắc, ý kiến còn khác nhau... yêu cầu cập nhật vào hệ thống những nội dung này; trong phạm vi không quá 3 ngày làm việc, Tổng cục Thuế có trách nhiệm phản hồi bằng phương thức điện tử thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế. Ngay sau khi kết thúc việc kiểm tra, thanh tra phải thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra, thanh tra vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể và phản hồi kết quả kiểm tra, thanh tra về đơn vị liên quan cấp trên để tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung kịp thời tiêu chí quản lý rủi ro, phục vụ việc đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

- Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính pháp luật về thuế bằng phương thức điện tử, trường hợp bằng giấy phải cập nhật ngay vào cơ sở dữ liệu “Danh sách người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế” và thực hiện ban hành Quyết định công bố công khai “Danh sách người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế” trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

5. Cơ quan thuế tiếp nhận khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, thực hiện cập nhật kịp thời vào hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Điều 25. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

1. Cơ quan thuế thực hiện việc quản lý thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Tổng cục Thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý nợ đối với người nợ thuế để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Tổng cục Thuế, thủ trưởng cơ quan thuế các cấp thực hiện xây dựng hệ thống quản lý nợ thuế và các biện pháp đôn đốc đối với từng danh sách người nộp thuế như sau:

- Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, không còn nợ thuế;

- Người nộp thuế nợ thuế từ 60 - 90 ngày;

- Người nộp thuế nợ thuế từ 91 - 121 ngày;

- Người nộp thuế nợ thuế trên 121 ngày.

3. Cơ quan thuế căn cứ danh sách trường hợp quản lý theo dõi thu nợ thuế và trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Điều 19 Thông tư này và cảnh báo của hệ thống thông tin quản lý nợ để áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế với từng người nộp thuế, theo quy định pháp luật hiện hành; xác nhận về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; chuyển các thông tin của người nộp thuế chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử hoặc qua đường công văn bằng giấy cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

4. Quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

- Cơ quan thuế thực hiện gửi thông báo nợ thuế và tiền chậm nộp, Quyết định cưỡng chế đến người nợ thuế nêu tại khoản 3 Điều 25 Thông tư này và đến các bên liên quan (nếu có) bằng phương thức điện tử; cập nhật đầy đủ, chính xác kết quả vào hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với từng trường hợp cụ thể để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

- Hàng tháng, cơ quan thuế các cấp thực hiện công khai tình hình nợ thuế của người nộp thuế theo quy định tại Khoản 1, Điều 74 và Khoản 3 Điều 102 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội.



Điều 26. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý việc tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế

1. Cơ quan thuế thực hiện quản lý việc tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế theo quy định pháp luật hiện hành về ấn chỉ thuế.

2. Thủ trưởng cơ quan thuế căn cứ phân luồng của hệ thống thông tin nghiệp vụ về người nộp thuế thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính (như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế) và trường hợp người nộp thuế cần kiểm tra, thanh tra về in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế tại Điều 19 Thông tư này để ban hành Quyết định áp dụng biện pháp nghiệp vụ quản lý ấn chỉ thuế (Quyết định bằng hình thức điện tử hoặc bằng giấy; trường hợp Quyết định bằng giấy cán bộ thuế phải cập nhật vào hồ sơ điện tử của cơ quan thuế) như sau:

a) Quyết định trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn lần đầu, thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính (như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế) hay thuộc đối tượng được tự tạo hóa đơn để sử dụng;

b) Quyết định trường hợp doanh nghiệp dừng việc sử dụng hóa đơn tự in, đặt in và chuyển sang sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo theo quy định của Bộ Tài chính như hóa đơn đặt in hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc diện rủi ro cao về thuế hoặc doanh nghiệp có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Theo lộ trình triển khai của cơ quan thuế, người nộp thuế (bao gồm cả tổ chức và cá nhân kinh doanh) thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì lập hóa đơn điện tử và gửi thông tin trên hóa đơn bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế để nhận mã xác thực hóa đơn từ cơ quan thuế theo quy định hiện hành;

c) Công bố công khai “Danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao vi phạm pháp luật về thuế phải sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế tạo” trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quy định hiện hành về quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;

d) Xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính về tạo, in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế theo quy định hiện hành;

đ) Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với những hóa đơn theo quy định của pháp luật đã không còn giá trị sử dụng (bao gồm trường hợp hóa đơn do người nộp thuế tự tạo; trường hợp hóa đơn do cơ quan thuế tạo và trường hợp hóa đơn hết giá trị sử dụng do thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định hiện hành);

e) Quyết định trường hợp người nộp thuế cần tiến hành kiểm tra, thanh tra việc in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra và Quy trình kiểm tra, thanh tra về thuế hiện hành.

3. Cập nhật phản hồi kết quả:

Cơ quan thuế cập nhật kết quả thực hiện biện pháp quản lý về ấn chỉ thuế bằng phương thức điện tử, trường hợp bằng giấy phải cập nhật ngay vào hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để phục vụ việc quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.



Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 27. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 02 năm 2016.



Điều 28. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế căn cứ vào điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định áp dụng các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong từng hoạt động nghiệp vụ thuế; ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế theo Kế hoạch và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính theo quy định của Thông tư này.

2. Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý thuế có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại Thông tư này.

3. Thủ trưởng các Vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tổ chức thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ thuế, quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ và triển khai áp dụng quản lý rủi ro thống nhất trong toàn bộ các cơ quan thuế các cấp.

4. Cục trưởng Cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế có trách nhiệm tổ chức áp dụng thống nhất các quy định về quản lý rủi ro: Thu thập, xử lý thông tin, tiêu chí đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về quản lý rủi ro theo phân công, phân cấp nhiệm vụ; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc để xảy ra buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại do việc tổ chức thực hiện không đầy đủ các quy trình, quy định về áp dụng quản lý rủi ro trên phạm vi địa bàn quản lý.

5. Tổng cục Thuế tổ chức đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý rủi ro trực thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh thành phố, Chi cục Thuế có số doanh nghiệp quản lý lớn (trên 3.000 doanh nghiệp) và số thu lớn (từ 1.000 tỷ đồng), đối với các Chi cục Thuế còn lại giao Đội Kiểm tra thuế làm đầu mối, chủ trì giúp Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp tổ chức thu thập, xử lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ tiêu chí quản lý rủi ro, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ thuế để phân tích, xác định, đánh giá mức độ rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và trực tiếp chủ trì thực hiện các Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20 của Thông tư này.

6. Tổ chức và cá nhân kinh doanh (cá nhân kinh doanh gồm: cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình) nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thực hiện các quy định về áp dụng quản lý rủi ro theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này./.

 


 

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Văn phòng BCĐ phòng chống tham nhũng Trung ương;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website (Bộ Tài chính; Tổng cục Thuế);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu VT; TCT (VT, TTra) (05).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn


 


tải về 261.35 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương