Năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu tăng kỷ lục


Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có 19/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015



tải về 0.84 Mb.
trang2/8
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích0.84 Mb.
#22662
1   2   3   4   5   6   7   8

Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có 19/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015

Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong năm 2014 là gần 1.562 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư trực tiếp 240 tỷ đồng, chiếm 15,4%; huy động nhân dân đóng góp hơn 224 tỷ đồng, chiếm 14,3%, còn lại từ các nguồn ngân sách địa phương, vốn tín dụng, lồng ghép từ các chương trình, dự án và doanh nghiệp đóng góp. Hiện nay, 6 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2012 gồm Long Tân, An Ngãi, Hòa Long, Quảng Thành, Châu Pha và Bưng Riềng đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; còn lại 21 xã triển khai giai đoạn 2013-2015 đạt được 306 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt được 14,57/19 tiêu chí, tăng thêm 114 tiêu chí so với trước khi xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, để có được kết quả trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải chú trọng đến việc huy động người dân tham gia mạnh mẽ vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, phải chú trọng xây dựng các tiêu chí mang tính bền vững, có như vậy việc xây dựng các xã nông thôn mới mới mang tính bền vững, lâu dài.

Trong năm 2015, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn từ các nguồn ngân sách và ngoài ngân sách hơn 1.477 tỷ đồng để bố trí đầu tư xây dựng nông thôn mới tại 21 xã giai đoạn 2013-2015; Phấn đấu đến cuối năm đạt thêm 82 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có 19/21 xã đạt 19/19 tiêu chí; Nâng thu nhập bình quân đầu người tăng lên 34 triệu đồng; 16 xã triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 hoàn chỉnh và phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới để triển khai vào đầu năm 2016.

Để thực hiện những mục tiêu trên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề ra những giải pháp căn cơ, cụ thể là: Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng như điện, giao thông thủy lợi; đồng thời triển khai các hoạt động sản xuất hiệu quả, phù hợp để nhân rộng trên địa bàn nông thôn. Cùng với đó, nhân rộng mô hình liên kết nông hộ với các doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả của các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Ngoài ra, việc chú trọng giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản để nâng cao thu nhập cho người nông dân, đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động của doanh nghiệp và địa phương cũng là mục giải pháp được tỉnh đưa ra trong năm 2015.



  1. Cần Thơ đầu tư gần 8.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố Cần Thơ đã dành nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn gồm xây dựng đường liên xã, ấp kết hợp phát triển thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài trên 1.300 km nhằm bảo đảm giao thông thông suốt và tưới tiêu 100% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, xây dựng trạm y tế, chợ, trường học, đưa điện, nước hợp vệ sinh về nông thôn để 100% số hộ nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia và nước hợp vệ sinh; mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ nông thôn hiệu quả; phục vụ đào tạo nhân lực đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao.

Tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn Cần Thơ có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới gồm: Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) và xã Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh). Theo kế hoạch đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ phê duyệt, trong giai đoạn 2015 - 2020, Cần Thơ phấn đấu công nhận thêm 17/36 xã tại 4 huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Phong Điền, Cờ Đỏ đạt 100% tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó có 7 xã đạt 100% các tiêu chí trong năm 2015.

Đến cuối năm 2014, thành phố có 33/36 xã có đường ô tô đến trung tâm; 29/36 xã có chợ liên xã, 100% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 99% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 99,7% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương đã giảm từ trên 8% (năm 2009) xuống còn 2,8% (2014). Năm 2014, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 58 triệu đồng/người/năm, thuộc loại cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Phạm Văn Quỳnh, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ, cho biết, trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, thành phố Cần Thơ đầu tư trên 7.977 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Cần Thơ phấn đấu hoàn tất công tác xây dựng nông thôn mới tại 16 xã cuối cùng trên địa bàn. Trước đó, từ năm 2010 - 2014, Cần Thơ đã thực hiện xây dựng nông thôn mới đối với toàn bộ 36 xã trên địa bàn. Ngoài 3 xã đạt 100% số tiêu chí như đã nêu trên, trong 33 xã còn lại, hiện có 1 xã đạt 18/19 tiêu chí, 13 xã đạt từ 14 - 17/19 tiêu chí, 18 xã đạt từ 9 – 13/19 tiêu chí, 1 xã đạt 9/19 tiêu chí.



  1. Thái Nguyên có thêm 11 xã cán đích nông thôn mới

Ngày 26/12/2014, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định công nhận 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm các xã Sơn Cẩm, Cổ Lũng (huyện Phú Lương); Tân Hương (huyện Phổ Yên); Đồng Liên, Lương Phú (huyện Phú Bình); Hà Thượng, La Bằng (huyện Đại Từ); Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ) và Phúc Trìu, Quyết Thắng, Đồng Bẩm (Thành phố Thái Nguyên).

Đặc biệt, trong 11 xã trên có xã Phúc Trìu, mặc dù không được chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới nhưng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới và hoàn thành 19/19 tiêu chí. Như vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 12/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

So với các địa phương khác trong khu vực, Thái Nguyên được Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới đánh giá cao về thành tích xây dựng nông thôn mới. Nhiều nội dung sáng tạo trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh Thái Nguyên vận dụng như: đơn giản hóa các thủ tục tự nguyện hiến đất xây dựng hạ tầng nông thôn; ban hành cơ chế cho vay xi măng; hỗ trợ ngân sách địa phương để lồng ghép các chương trình, dự án khác và huy động từ cộng đồng để đầu tư hạ tầng nông thôn; hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các mô hình sản xuất tập trung, hiệu quả kinh tế lớn gắn với ứng dụng khoa học công nghệ cao ở nông thôn... Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đã hình thành được 825 trang trại, 350 hợp tác xã, 606 doanh nghiệp, 105 làng nghề… từ nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Năm 2015, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu sẽ có thêm 25 xã đạt chuẩn về nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn về nông thôn mới trong toàn tỉnh lên 37 xã. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương tích cực thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã nông thôn trên địa bàn.



  1. Năm 2015, Thái Bình phấn đấu có trên 130 xã đạt chuẩn NTM

Năm 2014, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Bình đạt trên 6.323 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn trực tiếp hơn 1.704 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên 551 tỷ đồng, vốn huy động từ cộng đồng dân cư hơn 3.528 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp và nguồn khác là 539 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ 194,3 tỷ đồng hỗ trợ 59/76 xã đăng ký về đích năm 2014 đầu tư xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng xây dựng khu xử lý rác thải gắn với lò đốt rác tại 12 xã.

Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2013, địa phương có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2015, tất cả các xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, trong đó, ít nhất 70 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Nhưng qua triển khai thực tế, Thái Bình đạt được kết quả vượt bậc. Cụ thể, năm 2013 toàn tỉnh có 14 xã đạt chuẩn (vượt 6 xã so với mục tiêu đề ra), năm 2014 có thêm 71 xã đạt chuẩn (vượt 15 xã và hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu đề ra). Như vậy, hiện tỉnh Thái Bình đã có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỉnh Thái Bình phấn đấu hết năm 2015, sẽ có trên 130 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước. Theo đó, địa phương huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng thiết yếu như giao thông, nước sạch, môi trường, y tế, giáo dục... Các huyện thực hiện rà soát, tổng hợp các xã đăng ký về đích trong năm, từ đó có kế hoạch bố trí nguồn lực phù hợp. Tỉnh cũng hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới theo hình thức trả chậm, giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận, sử dụng, thanh và quyết toán lượng xi măng, đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn nhằm đạt mục tiêu 100% dân số được sử dụng nước sạch trong năm 2015.


  1. Lạng Sơn thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới

Trong thời gian qua, Chương trình XDNTM ở Lạng Sơn đã có nhiều hiệu quả góp phần tích cực vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống của người dân... Trong năm 2014, tỉnh Lạng Sơn đã huy động các ngồn lực cho Chương trình XDNTM với tổng số vốn đạt trên 1.400 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có 2 xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng và Mai Pha, thành phố Lạng Sơn đạt chuẩn nông thôn mới; có trên 100 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên. Ngoài ra, từ nguồn vốn sự nghiệp XDNTM, tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ xây dựng 56 mô hình với trên 2.300 hộ tại 50 xã điểm với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng để thực hiện các mô hình kinh tế có khả năng nhân rộng như: Sản xuất rau an toàn ở thành phố Lạng Sơn; trồng dong riềng, nghệ vàng xuất khẩu ở huyện Văn Quan; chăn nuôi lợn nái sinh sản ở huyện Bình Gia.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Lạng Sơn, cho biết, để chương trình XDNTM phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, đề án đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đặc biệt, trong đề án quy hoạch XDNTM, Lạng Sơn ưu tiên hợp phần phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, chủ động xây dựng các dự án, thành phần, thứ tự ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.

Tỉnh cũng khuyến khích hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hình thành chuỗi giá trị phù hợp. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng tập trung phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân.

Tuy nhiên, chương trình XDNTM ở Lạng Sơn vẫn đang gặp nhiều khó khăn như xuất phát điểm thấp, đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho XDNTM còn hạn hẹp; công tác hỗ trợ sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân chưa được quan tâm thỏa đáng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân phụ thuộc chính vào thị trường tự do; kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển còn nhiều hạn chế…



  1. Hải Dương công nhận 13 xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 9/1/2014, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ công bố và trao quyết định công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014” cho 13 xã đầu tiên về đích xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Các xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Nhân Quyền (huyện Bình Giang), xã Tân Dân (Thị xã Chí Linh), xã Quang Minh (huyện Gia Lộc), xã Đức Chính và xã Cẩm Sơn (huyện Cẩm Giàng), xã An Lâm (huyện Nam Sách), xã Thanh Bính (huyện Thanh Hà), xã Tứ Xuyên (huyện Tứ Kỳ), xã Cổ Dũng và xã Cộng Hòa (huyện Kim Thành), xã An Châu (thành phố Hải Dương), xã Bạch Đằng và xã Thượng Quận (huyện Kinh Môn).

Để động viên, khen thưởng cho những xã đầu tiên về đích xây dựng nông thôn mới, tại Lễ công bố và trao quyết định, tỉnh Hải Dương đã thưởng mỗi xã 50 triệu đồng. Trước đó, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn thẩm định xét công nhận từng tiêu chí của 13 xã nói trên. Theo đánh giá chung, diện mạo nông thôn ở những xã này đã được đổi mới, khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Trong 4 năm qua (2011-2014), toàn tỉnh Hải Dương đã huy động được 20.600 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn vốn đóng góp của nhân dân là 2.771 tỷ đồng. Kết quả, đến nay toàn tỉnh (gồm 226 xã) đã đạt 2.774 tiêu chí nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 12,3 tiêu chí.

Năm 2015, có thêm 38 xã đăng ký sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương, để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, với những xã này, dự kiến trên cơ sở cân đối được nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh sẽ phê duyệt danh sách các xã được hỗ trợ đặc thù năm 2015, kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn vượt thu ngân sách năm 2014 và ngân sách năm 2015.

Thu Hà
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn
Sau 5 năm thực hiện, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) đã dần đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực triển khai giải pháp để đạt được mục tiêu đến 2020, có khoảng 5,5 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề.

Việc thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn đã đi vào nền nếp, ổn định từ công tác chỉ đạo điều hành đến kết quả, hiệu quả thực hiện Đề án. Ban Chỉ đạo Đề án được thành lập, kiện toàn tại hầu hết các cấp, kịp thời công tác chỉ đạo, tạo sự quan tâm, tham gia tổ chức triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện của cả hệ thống chính trị, của các cấp trong xã hội, nhờ đó, 2 năm 2013 - 2014 đã hạn chế việc xảy ra các vụ sai phạm trong tổ chức thực hiện Đề án như những năm đầu.

Số lượng lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề hàng năm tăng đều. Tính đến hết tháng 11/2014, cả nước đã có hơn 535 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, tăng 0,8% so với năm 2013, đạt 107% kế hoạch năm và cao gấp 1,5 lần bình quân trong 3 năm đầu triển khai thực hiện Đề án. Như vậy, trong 5 năm (2010 - 2014), cả nước có gần 2,2 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, bằng 30,5% kế hoạch trong 11 năm (2010 - 2020) theo Đề án 1956.

Số lao động nông thôn có việc làm và thu nhập cao hơn sau học nghề luôn đạt khoảng 80%, cao hơn mức chỉ tiêu tối thiểu trong đề án đề ra (10%). Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, trong tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trong năm 2014, hơn 338 nghìn lao động nông thôn đã học xong; gần 267 nghìn lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo (đạt 78,87%) thấp hơn 1,47% so với năm 2013, tuy nhiên vẫn cao hơn 8,87% so với mục tiêu chung của Đề án. Cả nước có 7.851 hộ có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; 11.186 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập cao hơn mức bình quân của địa phương (trở thành hộ khá).

Trong 5 năm, cả nước đã có hơn 70 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 33,7% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề. Trong đó, một bộ phận đã được các doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề, một số đã thành lập tổ, nhóm sản xuất, doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn khác tại địa phương; một bộ phận tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất (10-20%), tăng thêm thu nhập, ổn định và bước đầu nâng cao hơn chất lượng cuộc sống.

Một bộ phận lớn lao động nông thôn sau học nghề có thay đổi về công việc, chiếm 61,38%, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trong cả nước, từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.

Qua khảo sát về việc làm tại 6 xã của 6 tỉnh, thành phố: Điện Biên, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng, Đồng Nai và Đồng Tháp cho thấy, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách về dạy nghề cho lao đông nông thôn bước đầu đã có tác động đến người dân. Một bộ phận lao động đã thay đổi nhận thức về học nghề, đưa ra những nhu cầu phù hợp, chuyển từ học nghề thụ động sang chủ động, lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân, để tìm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Chính quyền, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề đã có sự liên kết trong tổ chức dạy và học. Nhiều mô hình điển hình điển hình cho lao động nông thôn, sản xuất, làm kinh tế giỏi đã được hình thành tại các địa phương, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống cho người dân tại khu vực nông thôn.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, song việc dạy nghề cho lao động nông thôn ở nhiều địa phương vẫn chưa đạt được mục tiêu của Đề án. Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, số lao động nông thôn học nghề và hiệu quả sau học nghề thấp hơn so với các vùng khác trên cả nước. Lao động nông thôn sau học nghề chủ yếu làm lại nghề cũ chiếm hơn 80%; đối với cả nước số lao động này chiếm 69,1%.

Tại một số địa phương, việc đầu tư cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Nhiều cơ sở vẫn chưa hoàn thành đầu tư theo Đề án xây dựng ban đầu, 100% cơ sở tại Hà Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc... chưa hoàn thành đầu tư. Hiệu quả sử dụng thiết bị dạy nghề tại một số địa phương: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Kon Tum... mới chỉ đạt 60%. Việc quản lý, kiểm tra, giám sát tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn ở một số nơi chưa tốt, còn để xảy ra sai phạm. Công tác kiểm tra, giám sát quản lý theo dõi, thống kê kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, nhất là ở cấp huyện, cấp xã...

Mục tiêu đến năm 2015 sẽ dạy nghề cho khoảng 900 nghìn lao động nông thôn, trong đó 550 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 70%. Giai đoạn 2016-2020, dạy nghề cho khoảng 5,5 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đài tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án này cho khoảng 3,2 triệu người. Sau đào tạo, có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn trong giai đoạn này.

Với tinh thần "chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề", Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát lại danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát lại các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là các chương trình dạy nghề dưới 3 tháng về nội dung, thời gian đào tạo, cơ sở tham gia dạy nghề, giáo viên, chương trình dạy nghề; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện Đề án. Kết quả kiểm tra phải được thông báo kịp thời cho Ban Chỉ đạo 1956 cấp tỉnh để báo cáo giải trình và tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn đạt chất lượng, hiệu quả.



P. Hằng

Tăng cường phát triển ngành ca cao bền vững


Tại hội nghị thường niên của Ban điều phối ca cao Việt Nam được tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 2014, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhìn nhận, cây ca cao là cây có rất nhiều tiềm năng để phát triển cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, thời gian qua diện tích ca cao giảm từ 25.700 ha năm 2012 xuống chỉ còn 16.800 ha trong năm 2014. Nhiều nơi người nông dân vẫn chưa mặn mà với loại cây trồng này. Thực trạng này đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương cần nhìn nhận lại cách tiếp cận, chỉ đạo đối với việc phát triển cây ca cao trong thời gian qua, qua đó tìm ra những giải pháp phát triển mới phù hợp hơn, nhất là trong bối cảnh dư địa "xấu" về phát triển ca cao vẫn còn nhiều.

Ông Đinh Hải Lâm, Giám đốc phát triển ca cao Việt Nam của Công ty Mars Incorporated (Hoa Kỳ) phân tích, trước năm 2002, ca cao ở Việt Nam được phát triển dưới dạng khảo nghiệm. Sau đó, ca cao được đưa vào dưới dạng các dự án phi chính phủ và các dự án xóa đói giảm nghèo. Đối tượng mà các dự án này nhắm đến là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và thường có ít lợi thế về đầu tư, kiến thức, đất đai màu mỡ… để thiết lập các vườn ca cao năng suất cao. Trong khi đặc điểm của đối tượng này lại rất dễ “tổn thương” khi có sự biến động mạnh về giá cả, tình hình dịch bệnh, năng suất thấp và không đủ tiềm lực để phát triển cây công nghiệp lâu năm. Hiện nay, hầu hết diện tích ca cao ở các nông hộ có quy mô tương đối nhỏ, chủ yếu thuộc dự án phát 100 cây giống, 200 cây giống nên thời điểm năm 2011 - 2012 giá ca cao xuống thấp, các hộ này sẵn sàng chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Quan trọng hơn, cho đến nay cây ca cao vẫn chưa được nhìn nhận rộng rãi như là một lựa chọn tốt về kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho rằng, rõ ràng việc đầu tư phát triển ca cao ở Việt Nam chưa thật hợp lý. Việc nhìn nhận cây ca cao là cây giảm nghèo như trước đây thực sự không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Đa số, các chương trình dự án phát triển ca cao đều đưa về các vùng sâu vùng xa, nhưng mức độ tài chính cũng như trình độ kỹ thuật của bà con ở đây vẫn còn hạn chế. Điều này làm cho chương trình phát triển ca cao không có hiệu quả và sức lan tỏa kém do khi dự án kết thúc cũng là lúc cây ca cao bị thay thế bằng cây trồng khác có hiệu quả kinh tế và sức hấp dẫn hơn.

Theo ông Phan Văn Khổng, Trưởng Ban điều hành dự án phát triển ca cao ở Bến Tre, từ năm 2012 đến nay, cây ca cao đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các loại cây trồng xen khác như cây bưởi da xanh và một số loại cây có múi. Ở khu vực Đồng Nam bộ, Tây Nguyên, hầu hết diện tích đất màu mỡ đã được dành cho các loại cây trồng khác có lịch sử phát triển lâu đời như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều… Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, có tới 90% diện tích ca cao được trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác như: ở khu vực Nam bộ ca cao chủ yếu được trồng xen kẽ với dừa, cây ăn quả; Đông Nam bộ, Tây Nguyên thì trồng xen cây điều, cà phê.

Ngoài ra, theo các nhà khoa học, hầu hết các biện pháp kỹ thuật áp dụng đối với trồng cây ca cao chưa thực sự đạt yêu cầu. Cụ thể, đa số các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào cây ca cao ở Tây Nguyên là kỹ thuật trồng cà phê, còn miền Tây là kỹ thuật trồng cây ăn quả. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như mức độ thu hút nông dân tham gia vào ngành hàng này. Cây ca cao phải được nhìn nhận là một lựa chọn tốt về kinh tế. Bên cạnh đó, cần sự tham gia của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong sản xuất ca cao thông qua việc thành lập các trang trại, vườn cây có quy mô lớn và có mối liên kết chặt chẽ hơn với nông dân trong chuỗi sản xuất. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là lực lượng dẫn dắt ngành phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao kỹ thuật, cung cấp vật tư đầu vào và tạo dựng hệ thống thị trường cho các nông hộ nhỏ tham gia.

Là một đơn vị tiêu thụ ca cao tại Việt Nam , ông Nguyễn Mộng, Giám sát bộ phận thu mua của Công ty TNHH Cargill Việt Nam cho biết, trong niên vụ 2013 - 2014, chất lượng ca cao Việt Nam được thế giới ghi nhận khá tốt. Tuy nhiên, chất lượng ca cao trong nước vẫn đang gặp một số vấn đề cần phải cải thiện như tình trạng ca cao có mùi ôi do thùng không đạt kỹ thuật, kỹ thuật lên men chưa đúng, mưa không phơi hạt được, trữ trái bệnh quá lâu, ủ thối trái xanh... Để khắc phục tình trạng này cần thành lập các trung tâm sơ chế lớn có năng lực đầu tư lò sấy, sân phơi, nhà bạt nilon ở những nơi sản xuất tập trung.

Theo Ts. Phạm Hồng Đức Phước, Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, do cây ca cao của Việt Nam phát triển sau nên đã nắm bắt được một số kỹ thuật để hình thành tập quán sản xuất ca cao chất lượng cao. Vì vậy, trong thời gian tới phát triển ca cao ở Việt Nam cần nhắm vào sản lượng. Nếu sản lượng thấp mà giá không đảm bảo thì sẽ không hấp dẫn người dân đầu tư vào ngành này. Để khuyến khích nông dân trồng ca cao, năng suất ca cao phải đạt 2 kg/cây/năm mới có thể cạnh tranh nổi với các cây lâu năm khác. Thực tế cho thấy nhiều vườn ca cao hiện nay nếu được chăm sóc kỹ thuật đúng cách sẽ cho năng suất khá cao lên tới 2,5 -3 kg/hạt/cây. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần thực hiện tốt khâu chuyển giao công nghệ cho nông dân ở các địa phương để giúp họ nắm bắt kỹ thuật.

Để phát triển ngành hàng ca cao trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, Cục Trồng trọt đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương phát triển ngành hàng ca cao nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân qua phương thức xen canh để cung cấp nguyên liệu cho ngành bánh kẹo trong nước và hạt thô xuất khẩu. Cục cũng đề xuất bổ sung ca cao vào danh mục cây trồng có tiềm năng phát triển theo hướng nâng cao giá trị trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phát triển ca cao trong vùng quy hoạch, hạn chế trồng ngoài vùng quy hoạch, phân tán, quy mô nhỏ lẻ; gắn doanh nghiệp thu mua, chế biến với nông dân, xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng cánh đồng lớn gắn với cam kết giá sàn. Bộ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ sản xuất ca cao có chứng nhận; nâng cao năng lực cho nông dân thông qua công tác khuyến nông, tập huấn, xây dựng mô hình thông tin; Ngoài ra, các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác quản lý cây giống, hình thành cơ sở nhân giống đảm bảo chất lượng.



tải về 0.84 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương