LƯỢc sử phật giáO ẤN ĐỘ Sa môn Thích Thanh Kiểm thpg tp. Hồ Chí Minh, tp. Hcm, 1989 o0o Nguồn


CHƯƠNG THỨ HAI. PHẬT GIÁO TÂY TẠNG



tải về 0.87 Mb.
trang20/20
Chuyển đổi dữ liệu19.04.2018
Kích0.87 Mb.
#36957
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20

CHƯƠNG THỨ HAI. PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

I.  PHẬT GIÁO BẮT ĐẦU TRUYỀN VÀO TÂY TẠNG


Tương truyền, Phật giáo bắt đầu truyền vào Tây Tạng đã từ ở khoảng giữa thế kỷ thứ III, nhưng Phật giáo chính thức được truyền vào là ở thời đại vua Sron Btsan Sgampo (569-650). Trong thời đại này, nhà vua đã phái khiển Sứ Tiết thân thiện đi các nước, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, và đón tiếp văn hóa của nhà Đường và Bắc Ấn, nên văn hóa của Phật giáo cũng được truyền vào. Đặc biệt là vương nữ nước Népal và công chúa Văn Thành nhà Đường được mời tới Tây Tạng, đều là những người tin theo Phật giáo. Sau, nhà vua lại đón các vị cao Tăng của nhà Đường và Ấn Độ tới, để phiên dịch kinh điển Phật giáo sang tiếng Tây Tạng, Phật giáo Tây Tạng được bắt nguồn tiến triển từ đấy.

Sau thời đại vua Sron Btsan Sgampo ước hơn 100 năm, có vua Khri Lde Btsan (755-781) ra đời. Trong thời đại vua này thì Mật giáo cũng được truyền vào. Nhà vua rất hâm mộ Phật giáo, sai sứ thần tới Ấn Độ cầu thỉnh kinh điển, và đón ngài Sàntaraksita (Tịch Hộ) tới Tây Tạng. Vua lại tự phát tâm thọ giới Bồ-tát ở ngài Sàntaraksita. Sau, vua nghe lời khuyên của ngài Sàntaraksita, thỉnh được ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sinh), tới để truyền bá Mật giáo ở Tây Tạng. Ngài Padmasambhava là bậc đại học giả của phái “Kim Cương thừa” Mật giáo Ấn Độ. Sau khi tới Tây Tạng, ngài hết sức truyền bá tư tưởng Mật giáo ở đó. Vua còn kiến thiết ngôi chùa Bsamyus để làm nơi phiên dịch kinh điển Phật giáo sang tiếng Tây Tạng. Ngôi chùa này phỏng theo kiểu mẫu của Vikramasila của Ấn Độ, toàn cảnh ngôi chùa này cấu tạo thành một đồ hình Đại Mandala và cứ tiếp tục như vậy, mỗi thời đại mỗi nhiều các bậc cao Tăng từ Ấn Độ tới, rồi di chuyển toàn thể Phật giáo từ Ấn Độ vào Tây Tạng.

Tới thời đại vua Ralpacan (814-836) ra đời, vua là người rất nhiệt thành với công cuộc chấn hưng Phật giáo. Công việc vĩ đại nhất của vua là việc ủng hộ sự nghiệp phiên dịch kinh điển. Nghĩa là tất cả những kinh điển đã dịch thuộc cựu dịch thì đều được dịch lại và đính chính, nên lần phiên dịch ở thời đại này gọi làl tân dịch. Bộ Đại tạng kinh của Tây Tạng hiện nay cũng đều căn cứ vào sự nghiệp phiên dịch ở thời đại này mà hoàn thành. Tới thời đại vua Clandarma, vua là người không tin theo Phật giáo, lại còn tìm nhiều cách phá hoại. Phật giáo Tây Tạng một thời đã lâm vào mối nguy cơ diệt vong. Sau vua Clandarma bị ám sát, trong nước bị phân liệt, nên Phật giáo cũng không thể phục hưng được một cách dễ dàng. Theo sự khu phân của lịch sử Phật giáo Tây Tạng, thì từ đời vua Clandarma trở về trước gọi là thời kỳ sơ truyền, từ thời vua đó trở về sau gọi là thời kỳ hậu truyền.

Từ thời vua Clandarma trở về sau, Phật giáo Tây Tạng dần dần được phát triển trên ba phương diện là Giới luật, Hiển giáo và Mật giáo. Đặc biệt về Mật giáo, sau khi ngài Rin-chèn-brán-po qua Népal học được Mật giáo đem về nước, và phiên dịch được nhiều “Nghi quỹ” của Mật giáo, làm cho Mật giáo được phát triển ở Tây Tạng, nên gọi là thời đại tân Mật giáo.

Lại ở thời đại vua Ysses Hod thuộc địa phương Tây bộ Tây Tạng, vua thỉnh được ngài Atìsa (980-1055) từ Ấn Độ tới. Ngài Atìsa xuất thân từ một vương tộc ở Trung Ấn, 29 tuổi đi xuất gia, và đã từng làm chức Thủ tọa tại ngôi chùa Vikramasilà, Trung Ấn. Ngài là một bậc học tượng nổi tiếng lúc đương thời. Sau khi tới Tây Tạng, ngài tích cực hoằng dương Mật giáo. Nhưng vì hệ thống Mật giáo của ngài thuộc Thời luân giáo của phái “Kim Cương thừa” nên có nhiều lối tác pháp kỳ quái. Sau 16 năm truyền đạo ở các địa vực Tây Tạng, rồi ngài mất tại đó. Sau khi ngài mất, người kế tiếp về giáo lý của ngài gọi là phái Bkàhgdams pa. Về sau, phái này lại chia thành nhiều phái khác nhau như: Atisa, Nin Ma Pa, Kadan Pa, Sa Skya Pa và Kargyùt Pa v.v... đều chủ trương dung hòa cả Hiển giáo và Mật giáo, nhưng màu sắc của Mật giáo mạnh hơn.

Khi vua Thế Tổ nhà Nguyên đem quân tiến vào chiếm Tây Tạng, và bắt được ngài Pags Pa (Phát Tư Ba) thuộc phái Sa Skya Pa đem về Mông Cổ. Và Lạt Ma giáo được truyền vào Mông Cổ bắt đầu từ đó.

Ngài Pags Pa được vua Thế Tổ rất mến phục, sau lại đưa ngài về Tây Tạng ủy thác cho chủ quyền cai trị. Vì thế nên vương triều Sa Skya Pa được thành lập. Vương triều này nắm giữ cả hai quyền hành là chính trị và tôn giáo. Trong vương triều này lại có ngài Mi La Ras Pa (1038-1120) xuất hiện. Ngài là một vị đạt tới chỗ bí mật của Mật giáo, trở thành một nhà thần bí, đồng thời ngài còn là một thi nhân, thơ của ngài hãy còn được nhiều người đọc ở hiện nay.

---o0o---


II. SỰ BIẾN THIÊN CỦA MẬT GIÁO TÂY TẠNG


Các phái kế thừa giáo nghĩa của ngài Atìsa, sau dần dần loại bỏ giáo lý Hiển giáo, chỉ chú trọng ở giáo lý Mật giáo, đi vào lối tác pháp cực đoan của “Kim Cương thừa” nên Mật giáo dần dần bị trụy lạc. Tức là Mật giáo đi vào con đường dị đoan của tà đạo.

Trong thời kỳ đó, may có ngài Tson Kha Pa (Tôn Khách Ba, 1357-1419) ra đời. Ngài xuất thân ở tỉnh Cam Túc, lúc đầu học về Hiển giáo, sau tu theo Mật giáo và rất nghiêm trì giới luật. Để cứu vãn lại tình thế của Mật giáo, nên ngài đưa hết năng lực vào sự nghiệp vận động cải cách Phật giáo, đưa Phật giáo lại một hệ thống tổ chức mới. Sau, sự cải cách của ngài đã thành công. Hệ thống phái cải cách này gọi là “Hoàng mạo phái” (phái Mũ vàng), phái này tuy cũng là Mật giáo nhưng lấy giới luật làm trọng. Còn các phái cũ gọi là “Hồng mạo phái” (phái Mũ hồng). Về trước tác của Tson Kha Pa gồm có bộ “Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận”, là trước tác đại biểu cho Hiển giáo; bộ “Chơn Ngôn Thứ Đệ Luận” là trước tác đại biểu cho Mật giáo, và các tác phẩm khác ước 300 bộ. Ngài còn sáng lập ra chùa Dgah Idan ở phía Đông thành phố Lhasa để làm nơi đạo tràng căn bản cho “Hoàng mạo phái”, và lấy ngày 15 tháng Giêng làm ngày lễ Đản sinh Đức Phật, theo lịch Tây Tạng. Sau khi cải cách thành công, thanh danh của ngài lừng lẫy khắp nơi. Vua Thái Tổ nhà Minh mấy lần phái sứ giả tới thỉnh ngài, nhưng ngài đều từ chối, mà chỉ phái khiển đệ tử tới triều kiến. Vua Thái Tổ và vua Nhân Tôn đời Minh đều là những ông vua tin theo Lạt Ma giáo, nên đã khắc được bộ “Tây Tạng Đại tạng kinh, kinh luật bộ”. Bộ Đại tạng này gọi là “Vĩnh Lạc bản Đại tạng kinh”.

Đời Dalai Blama thứ ba là ngài Bsodnams Rgya Mtsho (1543-1588), ngài có công truyền bá Lạt Ma giáo ở địa phương Nội Mông Cổ.

Sau khi Tson Kha Pa (Tôn Khách Ba) mất, các đệ tử kế thừa sự nghiệp của ngài có rất nhiều. Theo “Thánh Võ ký đệ ngũ Quốc triều Tây Tạng ký” chép: “Tson Kha Pa, trước khi tịch, ngài đem giáo pháp di chúc cho hai đệ tử Thượng thủ là Dalai Blama (Đạt Lai Lạt Ma) và Panchen Blama (Ban Thiền Lạt Ma). Ngài Dalai Blama là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ tát; Panchen Blama là hóa thân của A Di Đà Như Lai, hai vị này cứ đời đời chuyển sinh”. Nhưng thuyết này chép không được tường tận.

Tức là sau khi Tson Kha Pa, khai tổ của Hoàng mạo phái tịch, thì có hai đệ tử Thượng túc của ngài là Dharma Run Chen và Dge Hdun Grub. Ngài Dharma Run Chen được kế thừa pháp đăng của Hoàng mạo phái. Còn Dge Hdun Grub, năm 1439 được lên nối ngôi vua, nắm quyền cai trị quốc dân, đồng thời ngài còn dựng chùa Bkra sis Ihun po để khoáng trương giáo quyền, và chính ngài là Sơ tổ của Đạt Lai Lạt Ma. Mãi đến đầu thế kỷ thứ XVII, có Blo-zanchos-gyi-rgyal-mtshan dựng ra một ngôi chùa làm nơi căn cứ tu trì, rồi tự xưng tên hiệu là Panchen Blama, tức là đệ nhất thế của Ban Thiền Lạt Ma. Tiếp đến, Blo-bzanye-sés-dpal-bzan-po (mất năm 1737) là đệ nhị thế; Dpal-ldanye-sés (mất năm 1779), đệ tam thế; Blo-bzan-bstan-pahini-ma (mất năm 1852), đệ tứ thế; Chos-kyi-grags-pa-bstan-pa-idan-phyug (mất năm 1882), đệ ngũ thế; Blo-bza-thub-bstan-chos-kyi-ni-ma (mất năm 1935), đệ lục thế; ngài Ban Thiền Lạt Ma hiện đang ở Tây Tạng là đệ thất thế.

Ngài Panchen Blama cũng như Dalai Blama là hai vị Phật sống, đều được quốc dân cung kính; nhưng Dalai Blama vì ngài nắm cả chức vị Quốc vương và Pháp vương nên nhiều quyền hành hơn.

Sau khi ngài Dge-hdun-grub, thủy tổ của Dalai Blama tịch, những vị thừa kế sau cũng đều là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ tát hóa sinh, và đều là hóa thân của Dalai Blama thứ nhất. Đời Dalai Blama thứ ba tên là Bsodnamsrgya mtsho (1543-1588), ngài có công truyền bá Lạt Ma giáo ở địa phương Nội Mông Cổ.

Các đời truyền thống hóa thân của vị Dalai Blama cho tới hiện nay là đời thứ XIV.

Đời Dalai Blama thứ V là ngài Blo-kzan-rgyạ-mtsho (1617-1680), ngài có công thống nhất lãnh thổ Tây Tạng. Vì ngài được sự giúp sức của Cố Thủy Hãn, một tù trưởng của Mông Cổ, nên diệt được giáo đồ của “Hồng mạo phái” ở Tây bộ Tây Tạng. Trong tay ngài nắm tất cả quyền hành chính trị và tôn giáo, nên ngài vừa là ngôi Pháp vương của tôn giáo. Sau, ngài được Thanh triều mời tới Bắc Kinh và tôn ngài là bậc Quốc sư trong nước.

Đời Dalai Blama thứ VI, vì sự áp bức của Thanh triều nên ngài lại phải trốn sang Mông Cổ. Đời Dalai Blama thứ VII, ngài là bậc kiêm cả học vấn và đạo đức, lại thông hiểu đường lối chính trị, nên thế lực tôn giáo cũng như là quốc gia trở nên khá mạnh. Từ đời thứ VIII cho đến đời thứ XII thì không có việc quan trọng đáng kể xảy ra. Đặc biệt, đời Dalai Blama thứ XIII là Thub Idan rgya mtsho (1875-1933), vì ngài liên kết với Russia nên bị quân Anh xâm nhập, phải chạy sang tỵ nạn tại Mông Cổ, và sau lại trở về Lhasa, nhưng lại bị quân Tứ Xuyên tràn vào, nên lại phải chạy trốn sang Ấn Độ, cách mấy năm sau ngài lại trở về bản quốc. Sau khi trở về nước, ngài nhiệt tâm hưng long Phật giáo, và khuyến khích về sự nghiên cứu giáo học của Phật giáo. Ngài có công rất lớn về sự nghiệp in bộ “Tây Tạng Đại tạng kinh” và nhiều kinh khác.

Hiện nay là đương thời Dalai Blama thứ XIV, tên là Chamo-Tondrup, sinh ngày 6-6-1935 tại Amdo, thuộc tỉnh Thanh Hải (Tsinghai).

Chữ Blama có ý nghĩa là “Thượng nhân”, nhưng ý nghĩa phổ thông là “Sư trưởng” hay “Thiện tri thức”. Lạt Ma giáo là của riêng Tây Tạng.

Tây Tạng chiếm một diện tích rất rộng, gồm có 1.520.000km2, nhưng phần nhiều là rừng núi. Dân số có chừng 3.790.000 người, phần đông là tín đồ Phật giáo. Tổng Bản Sơn của Lạt Ma giáo là chùa Labrang ở giữa thành Lhasa. Chung quanh chùa này còn có 30 đại Già lam và rất nhiều chùa nhỏ ở trung tâm đô thị, gồm có hơn 10 vạn vị Tăng Lạt Ma. Người Tây Tạng gọi Lhasa, chữ này có nghĩa là Liên hoa (hoa sen), vì kinh đô này được coi như là cái nhụy hoa ở giữa các dãy núi cao Côn Lôn và Hy Mã Lạp Sơn, coi tựa hoa sen nên gọi là Lhasa.

---o0o---


III. KINH ĐIỂN CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG


Đại tạng kinh của Tây Tạng vì được dịch từ nguyên điển chữ Phạn sang tiếng Tây Tạng, dịch theo lối “trục tự” (dịch theo từng chữ một), nên rất sát nghĩa với kinh điển chữ Phạn. Lúc ban đầu thì chép bằng bút, mãi đến hồi thế kỷ thứ XIII mới khắc bản in, rồi dần dần in hết toàn bộ. Đại tạng kinh của Tây Tạng có nhiều bản khác nhau, nhưng bản được lấy làm “Quyết định bản” là bản in ở đời Dalai Blama thứ XIII.

Nội dung bộ “Đại tạng kinh” của Tây Tạng gồm có Kinh, Luật, Luận và các trước tác của các nhà học giả Phật giáo Tây Tạng. Bộ Đại tạng này chia thành hai bộ phận là Kanjur (Cam thù) và Tanjur (Đan thù). Kanjur gồm có những bộ luật và kinh. Tanjur gồm có những phần chú sớ kinh luận và các tạp thư  (xem mục Tây Tạng Phật điển ở trang thứ 133).

---o0o---

IV. GIÁO LÝ CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG


Giáo nghĩa của Lạt Ma giáo, thành phần gồm có giáo nghĩa của Mật giáo Ấn Độ lấy làm chủ yếu, và thêm vào sự tín ngưỡng tập tục cổ truyền của dân tộc, tức là tôn giáo “Bon”, một tôn giáo sùng bái thần linh, quỷ thần, đặc biệt tin sự bói toán. Cổ lai dân tộc Tây Tạng rất tín ngưỡng tư tưởng hóa thân, họ tin các vị Dalai Blama đời đời đều là những vị hóa thân của Phật mà ra.

Lúc đầu, ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) đem Mật giáo từ Ấn Độ truyền vào Tây Tạng, hệ thống Mật giáo này thuộc phái “Kim Cương thừa Thời Luân Tôn” của Mật giáo Ấn Độ. Phái này vì kết hợp với phái Sakta (Tính lực phái) của Ấn Độ giáo, nên pha trộn nhiều tà nghĩa. Hệ thống Mật giáo ở Tây Tạng thuộc phái “Kim Cương thừa Thời Luân Tôn” này gọi là “Cựu giáo”, tức là “Hồng mạo phái”. Nhưng sau ngài Tson Kha Pa đứng ra cải cách lại lập thành “Tân giáo”, tức là “Hoàng mạo phái”. Phái này vì dung hòa cả giáo lý của Hiển giáo và Mật giáo, nên lại gọi là “Hiển Mật tương quan giáo”.

Hiển giáo, phổ thông gọi là Đại thừa Phật giáo, và còn gọi là “Ba la mật thừa”. Hiển giáo chia ra làm ba bậc là “Tiểu trượng phụ đạo”, “Trung trượng phụ đạo” và “Đại trượng phụ đạo”. Tiểu trượng phụ đạo thì nương vào lý nhân quả mà tu hành để cầu lấy quả lành ở vị lai, tương đương với Tiểu thừa Phật giáo. Trung trượng phụ đạo thì quán tưởng lý Tứ đế, để mong đạt tới đích Niết-bàn, tương đương với Tiểu thừa Chung giáo. Đại trượng phụ đạo thì phải phát tâm đại Bồ-đề để tế độ chúng sanh và tu theo hạnh Lục độ để cầu đạo đại Bồ-đề, tương đương với Đại thừa Bồ-tát. Ba la mật thừa thì chú trọng vào phép tu Bát nhã ba-la-mật. Muốn hoàn thành phép tu này cần phải tu môn chỉ quán. Tới khi phép tu chỉ quán đã thành tựu, tức là chứng được đạo đại Bồ-đề.

Mật giáo của Tây Tạng thuộc hệ thống “Kim Cương thừa Thời Luân Tôn”, hay gọi là phái Tantra. Tantra có chia ra nhiều phép tắc về cách tu trì để đạt tới cảnh giới “Đại lạc”. Muốn đạt tới cảnh giới này cần phải tu theo năm giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là “Tam ma da giới”, nghĩa là tự mình phát tâm Bồ-đề để ngự chế ba nghiệp thân, khẩu, ý. Thứ hai là “Quán đỉnh”, nghĩa là Sư trưởng lấy nước pháp cam lộ dội lên đầu đệ tử để trao truyền cho tư cách là một hành giả của bí mật giới. Hai giai đoạn này là lối dự bị cho phép tu, nên gọi là “Nhân tướng”. Giai đoạn thứ ba là “Tu pháp”, nghĩa là phải tu các pháp như: Gia trì, tụng niệm, tu thiện v.v...; kiến lập Mandala để khuyến thỉnh chư Phật Bồ-tát, và phải quán tưởng Mandala với tự mình đều bình đẳng không hai tướng. Giai đoạn thứ tư là “Quán pháp”, nghĩa là người hành giả phải luôn luôn trụ ở phép quán Du-già (Thiền định) để tu luyện. Hai giai đoạn này thuộc bản chất của lối tu nên gọi là “Tính tướng”. Giai đoạn thứ năm là “Đắc quả”, tức là sự tu hành đã tới chỗ cứu cánh viên mãn, hiện thân được thành Phật nên gọi là “Quả tướng”. 


---o0o---

HẾT

tải về 0.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương