Lc 15,1 11-32 14-03-2010 lòng thưƠng xót của thiên chúa lm. Px vũ Phan Long, ofm 02


CÂU CHUYỆN NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG



tải về 0.57 Mb.
trang4/9
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích0.57 Mb.
#19782
1   2   3   4   5   6   7   8   9

CÂU CHUYỆN NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Đọc trang Tin Mừng hôm nay, tôi thấy man mác một màu tím buồn với người con thứ.


Người con thứ đòi Cha chia gia tài rồi bỏ đi vô tình. Rời khỏi ngôi nhà, nơi nó sinh ra, nơi nó được nuôi dưỡng và lớn lên. Trẩy đi miền xa, người trai trẻ mang nỗi khát khao mãnh liệt là ra khỏi luỹ tre làng, muốn nhìn xem thế giới mới lạ bên ngoài, thích miền xa hơn là gần gũi quê nhà.


Người con thứ bỏ nhà ra đi với tiền bạc và lòng kiêu ngạo. Nó quyết sống riêng tách khỏi gia đình và cộng đoàn. Nó ra đi không phải để học hành, chẳng phải tìm việc làm mà là ăn chơi đàng điếm. Nó phung phí hết tài sản và sức khoẻ, bất kể đó là mồ hôi nước mắt của cha mẹ, bất chấp tiếng tốt của gia đình. Chơi bời trác táng nên mau chóng suy sụp. Nó trở nên hèn hạ khi đi chăn heo và muốn ăn thức ăn của heo. Heo là con vật người Do thái ghê tởm.


Khi trở về nó chẳng còn gì cả. Tiền bạc, sức khoẻ, danh giá, lòng tự trọng… mọi thứ đã bị tiêu xài hoang phí. Nó chỉ còn lại một điều duy nhất là ”đứa con nhỏ của cha nó”.


Động lực nào đã khiến nó trở về ? Thánh Luca viết rõ: “Hồi tâm lại, nó nói: biết bao người làm công cho Cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây ! Thôi, đứng lên, tôi sẽ về cùng Cha tôi”. Như thế động lực nó trở về là đói, vì miếng ăn. Trước khi bị đói chắc chắn nó không bao giờ nhớ đến Cha, không bao giờ sám hối vì bỏ Cha ra đi, không thấy băn khoăn hồi tâm về mái ấm gia đình, nơi còn có Cha già chẳng biết đau yếu ra sao, không thấy tiếc nuối vì phá tan cả sự nghiệp của Cha. Khi bị cơn đói hành hạ, phải đi chăn heo, nó mới băn khoăn tìm đường về. Cái hồi tâm, cái băn khoăn của nó là làm sao để được ăn. Nó dự tính nói với Cha là nó “trót phạm lỗi nghịch với trời, nó không còn đáng gọi là con, nó chỉ xin được đối xử như người làm công”. Phải chăng đó là một cuộc trở về trọn vẹn? Đó là cuộc lên đường được thúc đẩy bởi lòng sám hối hay sao ? Sự thống hối của nó chỉ là vị kỷ nhằm khả năng có thể sống sót thôi.


Nếu người con thứ thành công xây dựng cơ nghiệp, có lẽ sẽ không hiểu được tình Cha. Vì nếm mùi thất bại chua chát của cuộc đời nên nó lên đường trở về. Nó không đủ can đảm đi làm người ăn xin. Nó không đủ liều mạng để đi trộm cướp. Nó không dám đánh đổi cả cuộc đời để gây tiếng xấu. Nó sống bằng nghề lương thiện là đi chăn heo, sống bằng sức lao động của mình. Từ kinh nghiệm của vực thẳm này, nó mới hiểu được mặt trái cuộc đời. Đó không là chốn nương thân cho kẻ nghèo khổ, không là chỗ hạnh phúc cho kẻ khố rách áo ôm, không là chỗ cho kẻ cô thân cô thế. Vì vậy chỉ còn một con đường duy nhất là trở về xin tha thứ và làm công cho Cha để có cơm ăn áo mặc.


Tất cả ý nghĩa của cuộc trở về được diễn tả cách cô đọng trong những lời “Cha ơi... con không đáng gọi là con Cha nữa”.


Giuđa đã phản bội Chúa, Phêrô đã chối Chúa. Cả hai đều đánh mất tình con cái. Giuđa không còn tiếp tục tin tưởng mình vẫn là con Chúa, không tin vào lòng tha thứ của Chúa nên đã đi thắt cổ tự vẫn.Còn Phêrô khi ở giữa sự tuyệt vọng đã muốn nối lại tình Cha - con với những giòng nước mắt thống hối. Giuđa chọn cái chết. Phêrô chọn sự sống.


Đọc câu chuyện, thấy sự trở về của người con thứ chẳng phải là mẫu mực. Sự trở về lý tưởng phải là sự trở về của lòng sám hối với tình yêu tha thiết. Nhưng trong thực tế cuộc sống, khi ngồi giải tội có nhiều hối nhân sau 5 năm, 10 năm thậm chí đến 20 năm, 30 năm mới trở về cùng Chúa. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Những bầm dập của của cuộc đời, những gian truân vất vả, những thất bại chua chát… đã cho họ rút kinh nghiệm là cần trở về với Chúa, nguồn mạch của bình an nội tâm, của niềm vui và hạnh phúc. Chính Chúa đã yêu thương, đã tác động và một khi nào đó như Chúa muốn họ trở về cùng Ngài. Như thế họ đã chọn lấy sự sống. Gặp gỡ nhiều người như thế, tôi cảm thông với người con thứ.


Cần phải trở về trong vòng tay của Thiên Chúa là Cha. Cho dù con tội nặng thế nào cũng được Cha tha thứ. Vì Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người, muốn cho con người được sống hạnh phúc. Thiên Chúa không thể ngồi yên để cho con người rơi xuống vực thẳm.


Nhiều người không chấp nhận lối hành xử nhân lành của Thiên Chúa theo dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Kiểu cách suy tư và thái độ của người anh cả là một biểu trưng. Người anh cả tưởng rằng, Thiên Chúa chỉ có nhiệm vụ thưởng người có công, phạt kẻ có tội. Người anh cả không hiểu rằng, Thiên Chúa không thể đứng yên nhìn cảnh con người bị hư mất, chịu thất bại trong ơn gọi làm người do chính Ngài tạo dựng nên; Ngài gìn giữ, yêu thương quí mến, nâng niu trong bàn tay nhân hiền của Ngài hay sao? Ðể cứu rỗi loài người khỏi hư mất, khỏi thất bại trong ơn gọi cao cả ấy, Thiên Chúa đã nhập thể làm người, làm anh, làm cha, làm mẹ để đem người con trở về trong vòng tay yêu thương của Ngài.


Anh Piere Marie người sáng lập Huynh Đoàn Giêrusalem, một cộng đoàn các tu sĩ sống trong thành phố, đã suy niệm về Chúa Giêsu như người con hoang đàng theo Phúc Âm một cách thú vị. Xin trích dẫn tác phẩm “Người Cha Nhân Hậu” của Henri J. M. Nouwen, trong đó có một đoạn anh Pierre Marie đã viết:

“Đức Giêsu được sinh ra không bởi dòng dõi, ước muốn hay ý chí của con người, nhưng bởi chính Thiên Chúa. Một ngày kia, Ngài đã để mọi sự dưới chân Người và ra đi với gia sản của Ngài, là tước hiệu làm Con Thiên Chúa của Ngài…

Với giá chuộc tất cả, Ngài đã ra đi tới miền xa... miền đất rất xa... nơi mà Ngài đã trở thành như con người và đã làm trống rỗng chính mình. Chính dân của Ngài cũng không nhận biết Ngài và cái giường đầu tiên của Ngài là một nệm rơm. Giống như một cây đâm rễ nơi đất khô cằn, Ngài trưởng thành trước chúng ta, đã bị khinh bỉ là hạng thấp nhất trong con người. Chẳng bao lâu Ngài đã nếm sự lưu đày, sự chống đối, sự cô độc... sau khi đã cho đi mọi thứ trong đời sống cách rộng rãi, của cải, bình an, ánh sáng, sự thật, chính đời sống của Ngài... mọi kho tàng hiểu biết, khôn ngoan và mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn đời.

Sau khi đã hạ mình xuống ở giữa những con cái hư mất của nhà Israel, Ngài đã phung phí thời giờ của Ngài với những người đau ốm tật nguyền, với những người tội lỗi, ngay cả với những gái điếm, Ngài cũng hứa cho họ vào Nước của Cha Ngài; sau khi đã bị đối xử như một tên tham ăn, như một bợm nhậu, như một người bạn của bọn thu thuế và tội lỗi, như một người Samaria, một người bị quỷ ám, một kẻ phạm thượng; sau khi đã hiến dâng tất cả mọi sự, ngay cả thân xác và máu Ngài; và khi linh hồn Ngài cảm thấy một nỗi buồn sâu xa, hấp hối, phiền sầu; sau khi đã đi tới đáy của sự tuyệt vọng, Ngài muốn mặc lấy nơi mình sự bị bỏ rơi bởi Cha, lìa xa ngưồn Nước Hằng Sống, Ngài đã kêu lên từ Thánh Giá nơi Ngài bị đóng đinh: ”Ta khát”. Ngài đã yên nghỉ trong bụi đất và bóng đêm sự chết. Ba ngày sau Ngài Phục Sinh, chỗi dậy từ chiều sâu ngục tối nơi Ngài đã xuống, Ngài đã mang lấy tội lỗi của chúng ta, Ngài đã gánh hết những đau thương của chúng ta. Đứng thẳng, Ngài kêu lên: ”Phải, Ta lên Trời với Cha Ta cũng là Cha của con, là Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các con”. Và Ngài đã trở lại Thiên Đàng...

Trong sự thinh lặng chiêm ngắm tất cả con cái trong Người Con từ khi Người Con trở thành tất cả cho mọi người, Người Cha nói với các tôi tớ: ”Nhanh lên, hãy mang áo đẹp nhất mặc cho cậu, hãy xỏ nhẫn vào tay cậu, giày vào chân cậu. Chúng ta hãy mở tiệc ăn mừng, vì con Ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy... Người Con Hoang Đàng của Ta đã mang tất cả mọi ngươì trở về...”


Và tất cả bọn họ bắt đầu dự tiệc, mang trên mình chiếc áo trắng dài đã được giặt sạch trong máu của Con Chiên...”



Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

CHÚNG TA PHẢI ĂN MỪNG HOAN HỶ

Lc 15, 1-3.11-32

Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Trên đường lên Giêrusalem để hoàn thành sứ mạng Chúa Cha trao phó, không ít lần Chúa Giêsu gặp phải những chướng ngại trên đường do bè phái Pharisêu và Kinh sư gây nên. Nhận thấy những người thu thuế và những người tội lỗi tuôn đến lắng nghe giáo huấn của Chúa, lòng căm tức của những ông “kẹ” này đối với Chúa Giêsu như càng thêm lửa, không dám nói thẳng, chỉ lẩm bẩm chê bai cái ông Giêsu này tại sao lại đi kết thân với những hạng người ấy- điều mà không một vị tư tế Dothái nào dám làm, vì sợ ra ô uế! Để trả lời cho những ta thán lẩm bẩm này, Chúa Giêsu đã kể cho họ liên tiếp ba dụ ngôn xoay quanh chủ đề nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa nhật hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm một trong ba dụ ngôn đó- dụ ngôn người cha nhân hậu.


Chúng ta hãy bắt đầu với người con thứ. Trong truyền thống Đông phương, một người con hay một ai đó chỉ có thể thừa hưởng tài sản của bố mẹ hay của một người nào đó khi và chỉ khi bố mẹ hoặc người đó qua đời, lúc đó, có thể nói, quyền thừa kế mới hiệu lực. Người con thứ hẳn phải biết điều này. Thế nhưng anh đã bất chấp tất cả, đòi người cha phải chia tài sản cho bằng được, điều đó cho thấy trong thâm tâm, anh ta đã xem người cha như đã chết, không còn hiện diện trên cõi trần này nữa, có chăng đó chỉ là cái bóng, “cản mũi kỳ đà” mà thôi.


Đạt được mục đích. Có được số tài sản cha chia, người con thứ nhanh nhảu ra đi. Thế là từ nay, như chim xổ lồng, thoát sự kiềm kẹp, tự do trác táng với túi tiền lúc nào cũng rủng rỉnh cùng chúng bạn vui suốt đêm thâu. Cái cách tiêu xài kiểu ấy thì đến núi cũng phải mòn huống nữa là… Tuy nhiên vấn đề không chỉ dừng lại ở đấy. Chúng ta thấy người con thứ cách nào đó, đã rơi vào tình trạng suy đồi về mặt luân lý vì lẽ niềm vui thú của anh ta là ở chỗ có tiền và ra sức hưởng thụ.


Một khi coi thường nền luân thường đạo lý, con người dễ dàng sa lầy hơn trên con đường mà hắn đang theo đuổi. Hơn ai hết, người con thứ giờ đây mới cảm nghiệm được thế nào là tình cảnh “còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi”, không còn tiền thì bầu bạn cũng cao chạy xa bay, để lại anh ta bơ vơ cùng với nạn đói xảy đến. Không tiền, không bạn, túng quẫn người con thứ dường như tự buộc mình hay nói đúng hơn là rơi tiếp vào tình trạng của người suy thoái về phương diện địa vị xã hội. Thật vậy, đang ở trong tình trạng của cậu ấm cô chiêu có người hầu kẻ hạ thì nay phải rơi vào cảnh làm đầy tớ cho người khác.


Chưa dừng lại ở đó, người con thứ lại tiếp tục làm cho chúng ta kinh tởm khi anh ta chấp nhận đi chăn heo cho một người trong làng chỉ vì đói. Đối với chúng ta, việc chăn heo là chuyện hết sức bình thường, nhưng với người Dothái không đơn giản như vậy. Trong Dothái giáo, heo là một con vật ô uế và đi chăn heo tức là đi vào con đường cùng của sự sa đoạ. Chấp nhận công việc này, tức là người con thứ để mình rơi vào tình trạng của người suy thoái về niềm tin Dothái giáo. Như thế là, cùng với tình trạng suy đồi về luân thường đạo lý, suy thoái về địa vị và nay niềm tin tôn giáo cũng mai một, người con thứ đã tự chuốc lấy tình trạng của một con người ở ngoài xã hội, cắt đứt mối quan hệ với dân tộc, với tôn giáo và gia đình.


Trong cảnh khốn cùng như thế, người con thứ hồi tâm. Mừng cho người con thứ vì biết hồi tâm nhưng cũng trách anh ta vì động thái của việc hồi tâm không có gì khá hơn. Thật vậy, lý do của việc quyết tâm trở về nơi người con thứ chỉ là vấn đề giải quyết cái đói, vấn đề bao tử chứ không phải vì anh ta yêu thương gì người cha đang ngày đêm mong chờ anh trở về. Tuy nhiên, cuối cùng anh cũng đã trở về…


Người cha trong dụ ngôn hẳn phải một phú hộ giàu sang, đầy quyền lực và oai nghi đúng với đặc điểm của một phú ông miền Đông phương. Đứng trước sự ngông cuồng của người con thứ, người cha đã chia gia tài cho các con không phải vì ông nhu nhược mà vì ông tôn trọng quyền tự do của con. Ngày người con thứ ra đi cũng chính là ngày ông bắt đầu ngóng chờ với niềm tin sẽ có ngày con ông trở về. Quả đúng như vậy. Mặc dù tuổi già sức yếu, người cha vẫn nhìn ra người con từ rất xa. Có thể nói chính ông đã phá tan dáng vẻ oai nghi đường bệ của một phú hộ Đông phương để hồ hởi chạy ra với người con tựa như trẻ thơ mong mẹ về.


Nổi mừng vui cũng như hàng loạt mệnh lệnh dồn dập của người cha làm cho chúng ta có cảm nghĩ hẳn ông đang chuẩn bị tiếp đón một nhân vật quan trọng. Mà không quan trọng sao được khi ý nghĩa của những mệnh lệnh trên hàm chứa một tình yêu vô bờ bến ông dành cho người con “phá gia” trở về mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết được. Chiếc áo mới nhất mà ông mặc cho người con hẳn phải là chiếc áo dành cho ngày Đại lễ. Bởi chỉ có ngày Đại lễ, dịp lễ hội, người ta mới mặc áo mới, mới có dịp để chưng diện mà thôi. Chưa dừng lại ở đó. Chúng ta biết rằng đối với người Dothái, chiếc nhẫn không chỉ là kỷ vật, là món đồ trang sức, không chỉ là biểu trưng cho tình yêu mà nó còn là cái ấn đóng dấu nhằm xác nhận tư cách của một người con và đồng thời cũng xác nhận tư cách của một người được thừa hưởng quyền kế thừa tài sản. Như thế, bằng việc xỏ nhẫn và xỏ dép vào tay chân của người con, người cha trong Tin mừng đã xác lập lại mối tương quan cha-con, đồng thời cũng xác lập lại quyền thừa kế và trả lại quyền tự do cho nó – điều mà người con thứ không hề nghĩ tới. Chưa hết, người cha còn ra lệnh giết bê đã vỗ béo để ăn mừng cho sự trở về này. Như thế đã rõ, bê chỉ vỗ béo để chờ dịp Đại lễ. Ngày người con trở về và người cha đã hạ bê béo để ăn mừng chẳng phải là dịp Đại lễ mà từ lâu ông hằng ôm ấp mong chờ để có được ngày hôm nay sao?


Nếu chúng ta vui mừng với sự kiện người con trở về và trân quý trước lòng bao dung và yêu thương vô bờ của người cha bao nhiêu, chúng ta lại càng thương cho người anh cả bấy nhiêu. Thật vậy, người anh cả, cách nào đó đã đại diện cho những người Pharisêu và Kinh sư mà Chúa Giêsu muốn nhắm tới. Người anh cả không biết rằng được ở với cha, được sống dưới tình yêu thương của cha là một hạnh phúc, trái lại anh đã xem đó là một gánh nặng, một sự cản trở và đè nén; cái đích của anh nhắm tới là phần thưởng, là tiền công, là “con dê con” để vui với chúng bạn chứ không phải là tình yêu và hạnh phúc được sống trong nhà cha. Tệ hơn nữa, anh đã lên án, chửi rủa và không thừa nhận đứa em ruột của mình mà lẽ ra anh phải có trách nhiệm với nó. Anh còn thua những người đầy tớ trong nhà – những người đã nhận và thông báo cho anh biết viêc người cha mở tiệc ăn mừng là do “em cậu đã trở về”.


Giống như những thủ lãnh tôn giáo, người anh cả tự cho mình là người công chính và dĩ nhiên không cần hối cải ăn năn. Không những thế, anh còn khước từ sự trở về của người em, không chấp nhận lòng sám hối ăn năn của người lầm lỗi. Và, tệ hơn, chính anh là người không chấp nhận lòng bao dung và tha thứ của người cha, không chấp nhận tình yêu thương của Thiên Chúa.


Tin mừng không cho biết cuối cùng thì người anh cả có vào dự tiệc với cha hay không, nhưng như thế cũng đủ để chúng ta nhận ra rằng dù thế nào đi nữa thì người cần trở về, cần phải hoán cải không chỉ có người con thứ, không chỉ có kẻ lỗi lầm mà đó còn là người con cả, là thủ lãnh tôn giáo, là tất cả những ai tự cho mình là công chính, là kiểu mẫu sống đạo. Có thể người con cả hay những người Pharisêu và Kinh sư không bỏ nhà đi hoang, không ăn chơi trác táng như người con thứ hay người tội lỗi, nhưng hãy coi chừng, rất có thể những thái độ và cách hành xử của họ đối với người đồng loại cách nào đó biến họ trở thành những người “xác ở nhà mà hồn đang phiêu du nơi nào”, trở thành những đồng bạc bị lạc mất ngay trong chính ngôi nhà mình.


Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta nhận ra những lầm lỗi thiếu sót của mình và mau mắn trở về; đồng thời cũng là thời gian để chúng ta nhận ra lòng bao dung, sự tha thứ và tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa.



Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

ĐƯỜNG CỦA CON NGƯỜI VÀ ĐƯỜNG CỦA THIÊN CHÚA

Lc 15,1-3; 11-32

Lm. Nguyễn Hữu Thy
Dụ ngôn « Người cha nhân hậu » trong bài Tin Mừng hôm nay đã nêu rõ những con đường khác nhau :

  • Con đường của người con thứ, con đường đã dẫn đưa cậu đi đến một miền đất xa lạ, cách xa khỏi cha cậu.

  • Con đường của người cha ra đón cậu con thứ.

  • Con đường của người con cả.

  • Và con đường người cha đi gặp người con cả.

Ðó là những con đường khác nhau, và chúng sẽ : hoặc dẫn tới đích, hoặc chúng chỉ là những ngõ cụt hay là những con đường mất hút trong rừng sâu và không tìm được lối ra.


Thứ nhất : Con đường đi tìm lại sự tự do.

Với số gia tài trong tay, người con thứ đã bỏ nhà cha mình và trẩy đi đến một miền xa lạ. Cậu muốn tận hưởng hạnh phúc và sự tự do riêng của mình theo ý muốn. Người cha đành phải để cho cậu ra đi. Giờ đây mọi sự chỉ còn tùy thuộc vào thái độ của cậu trước các thách đố của đời và liệu cậu có đứng vững được hay không ! Vâng, vấn đề có tính cách quyết định là ở chỗ : Tâm tình cậu con vẫn còn luôn tưởng nhớ đến cha cậu và luôn gắn bó với ông, cũng như cậu biết xử dụng phần gia tài được chia cho cậu, đúng với ý cha cậu; hay : Cậu đã cắt đứt mọi liên hệ với cha mình và tổ chức một cuộc sống riêng không dính dáng gì với cha nữa, nếu không nói là một cuộc sống phản lại cha ! Sự tự do với cha hay một sự tự do không có cha ! Chúng ta đọc thấy trong câu chuyện dụ ngôn. Người con thứ đã tìm cách sống sự tự do của mình không có cha !


Nhưng chúng ta cũng thấy được rằng con đường của người con thứ - với sự tự do không có cha – đã đưa dẫn cậu tới sự bất hạnh, tới một tình trạng bất tự do.


Thật vậy, những ai không còn muốn liên hệ gắn bó với cha mình, thì sẽ ràng buộc mình với nhiều thứ khác : tiền bạc, các đòi hỏi tự nhiên, các thú vui lệch lạc rẻ tiền, v.v… Người ta sẽ trở thành nô lệ cho những thứ đó và tự đánh mất các phẩm chất, tư cách và chính bản ngã của mình. Người ta sẽ trở thành một con người thiếu nội tâm. Ðó chính là sự đánh mất bản sắc riêng !


Câu chuyện dụ ngôn đã nói lên tình trạng buồn thảm đó khi tường thuật : con đường của cậu con thứ đã kết thúc nơi những con heo. Nói cách khác : Người con thứ đã không đứng vững được trước các cám dỗ và thử thách của đời. Cậu đã thất bại trong mọi lãnh vực : tài chánh, luân lý, đạo đức, nhân bản. Cậu thực sự hoàn toàn kiệt quệ và phá sản ! Cậu đã đánh mất tất cả. Trong thực tế, cậu quả là một người con hoang đàng dại dột !


Tuy nhiên, trong trái tim cậu, sự khao khát mong muốn sự tự do quá mãnh liệt, khiến cậu ngay giữa cảnh mất mát thất bại đã can đảm đứng lên và bước theo con đường dẫn về cùng cha cậu. Ðó chính là con đường dẫn tới sự tự do chân thật, một sự tự do cậu chỉ có được qua sự gắn bó mật thiệt với cha !



Thứ hai : con đường của người con cả - một con đường rừng !
Người con cả trong dụ ngôn tuy luôn có mặt bên cạnh với cha cậu, nhưng lòng cậu lại cách xa cha. Con đường của cậu xem vẻ bên ngoài không đi xa khỏi cha như con đường của đứa con thứ. Nhưng người con cả cũng không đi chung với cha cậu trên cùng một con đường, khi ông đi ra đón người con thứ của mình đang quay gót trở về cùng ông.

Ai không liên kết gắn bó với cha, thì cũng không tìm ra con đường dẫn tới người anh em của mình. Người con cả nói với cha cậu : « Thằng con của cha đó đã ăn chơi trác táng và phung phá tiền bạc của cha với bọn đĩ điếm… ! » Người cha liền nhân từ và đầy thông cảm cắt nghĩa cho cậu hiểu : « Em con đã quay trở lại nhà, nó đã chết nay sống lại, nó đã mất nay lại tìm thấy… ! » Ai không đi trên con đường dẫn tới người anh em của mình, người đó cũng lỡ bước trên con đường dẫn về cùng cha.




Thứ ba : Con đường của người cha !

Con đường của người cha trong dụ ngôn là hình ảnh tượng trưng cho con đường của Thiên Chúa. Con đường đó dẫn tới nhân loại. Người cha chạy ra đón tiếp đứa con hư hỏng trở về. Ông vui mừng ôm con vào lòng, chứ không hề trách móc la mắng con, như thể : Lỗi lầm của mi thật quá nặng nề. Cái dại của mi thật không sao nói hết… Nhưng tao tha cho lần này là lần chót… ! Không. Ông không hề nói gì cả, ông chỉ vui mừng ôm lấy con ! Ðó không phải là « chiến thuật » sư phạm, nhưng là dấu chỉ của tình thương và lòng nhân hậu chân thành của một người cha : Con tôi đã mất và nay lại trở về với tôi ! Ðứa con hoang đàng hư hỏng nay lại trở về trong nhà cha cậu và được nhận lại quyền làm con của mình.


Ðúng vậy, tình yêu đích thực không bới mói tội lỗi, nhưng là trao ban sự tha thứ và niềm vui mừng. Tuy nhiên người cha cũng đi ra gặp cậu con cả và cắt nghĩa cho cậu hiểu để cậu cùng mừng với ông. Vì ông rất biết là một bữa tiệc chỉ trọn vẹn khi mọi người cùng vui vẻ với nhau !


Nói tóm lại, qua dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu muốn nói cho chúng ta những điều này :



  1. Thiên Chúa là một Thiên Chúa đi tìm kiếm con người, một Thiên Chúa mời gọi con người đến dự tiệc với mình, một Thiên Chúa vẫn giữ vững lời mời, cả khi chúng ta tỏ ra thất trung và đi theo con đường của mình tự chọn lấy, chứ không bước đi trên con đường của Người đã chỉ cho.

  2. Thiên Chúa thương yêu chúng ta vô cùng, đến nỗi một kẻ dù đã sa ngã và lâm vào vòng tội lỗi, vẫn có thể trở thành một người tốt lành được. Người không bao giờ loại trừ ai, vì trong tình yêu của Người, Thiên Chúa không hề thất tín. Tình yêu của Người vô cùng bao la, đến nỗi Người vẫn luôn kiên tâm chờ đợi mong mỏi cả những kẻ đã bỏ Người đi xa muôn dặm. Người đi gặp gỡ họ và đón tiếp họ, như thể không hề có gì đã xảy ra, tương tự như người cha đón tiếp người con hư hỏng trong dụ ngôn.

  3. Thiên Chúa là một Thiên Chúa của tình yêu thương, của niềm hoan lạc vui mừng, Ðấng hằng muốn cùng chung vui với con cái loài người chúng ta.

Chớ gì tất cả những mặc khải đó mang lại cho tất cả chúng ta sự can đảm và sức mạnh, để tìm ra được con đường sám hối, con đường dẫn chúng ta tới cùng Thiên Chúa và tới cùng những người anh em đồng loại của chúng ta. Amen.

Lm. Nguyễn Hữu Thy

DỤ NGÔN NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG

Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

Thiên Chúa dựng nên con người có hồn có xác. Ngài còn ban cho họ lý trí và tự do để sống theo thánh ý Ngài. Tự do là tặng phẩm vô giá Thiên Chúa đã tặng ban cho con người để họ tự do trung thành với Chúa hay phản bội Ngài. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Vì thế, tự do là con dao hai lưỡi, nếu biết dùng nó cho đúng thì sống, mà dùng sai thì chết.


Chính vì con người có quyền tự do nên họ đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, Ngài vẫn yêu thương con người khi họ còn ở trong vòng tội lỗi, Ngài kiên nhẫn chờ đợi, kêu mời và tạo mọi điều kiện để họ trở về sống trong ân tình của Ngài. Dụ ngôn đứa con hoang đàng hôm nay nói lên chân lý đó.


Thánh Luca đặc biệt nói về lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa qua ba dụ ngôn, mà dụ ngôn người con hoang đàng là sâu sắc hơn cả. Con người yếu đuối và hay sa ngã.. Nguyên tổ Adong Evà đã sử dụng sai tự do của mình, đã sa ngã, nhưng Chúa vẫn thứ tha. Rồi đến lượt con cháu ông bà cũng đi vào vết xe cũ đó, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi, kêu gọi họ trở về để được ơn tha thứ. Đavít, Madalena, Phaolô, Augustinô, Charles de Foucauld… đã đi vào con đường tăm tối và đã được giải thoát sang vùng ánh sáng tự do.


Có lẽ mỗi người đều sẽ phải nếm nỗi chua xót vì đã sử dụng tự do sai trái ! Tất cả đã đúc thành cái giá cắt cổ mà Con Thiên Chúa phải trả thay bằng chính mạng sống mình. Bài học sâu sắc của đứa con hoang đàng đã trở thành tiêu biểu cho những người dám chân thành và cam đảm làm cuộc trở về với Người Cha Nhân Hậu.



I. BA MÀN CỦA MỘT VỞ KỊCH

Theo giáo thuyết của các giáo sĩ Do thái thì những người thu thuế và tội lỗi bị tách ra khỏi cộng đồng tôn giáo và xã hội Do thái. Nhưng ở đây những người này lại đến gần Đức Giêsu để nghe Ngài giảng và họ còn mời Ngài đến dùng bữa tại nhà mình.


Thấy thái độ Đức Giêsu đón tiếp những người thu thuế và tội lỗi trái với giáo thuyết của Do thái, nên biệt phái và luật sĩ là những người chủ trương giữ luật rất khắt khe đã kêu trách Đức Giêsu. Họ kêu trách Ngài về hai điểm:



  1. “Ông này đón tiếp những người tội lỗi”: Người Do thái hành động theo châm ngôn sau: Thiên Chúa yêu thương những người công chính và gớm ghét những người tội lỗi. Bởi vì Thiên Chúa gớm ghét người tội lỗi nên người Do thái cũng phải làm như thế. Nhưng ở đây Đức Giêsu làm ngược lại: Ngài đón tiếp các tội nhân.

  2. “Và cùng ăn với chúng”: Không những tiếp đón những người tội lỗi mà Đức Giêsu còn đi xa hơn: là cùng ăn với họ. Thông thường bữa ăn diễn tả thân hữu liên đới giữa con người với nhau. Vì thế, ở đây với hai thái độ “Cùng ăn với họ” Đức Giêsu cho thấy Ngài muốn hiệp thông với chính những người tội lỗi. Ngài muốn cứu giúp những người tội lỗi và chính Ngài là nơi nương tựa cho những kẻ bị bỏ rơi.

Trong chương 15, ta thấy Đức Giêsu đã kể ra 3 dụ ngôn có ý nhằm vào luật sĩ và biệt phái vì họ tự cho mình là công chính mà khinh khi những người tội lỗi và những người bị loại trừ.. Ba dụ ngôn ấy là:

- Con chiên lạc (Lc 15,4-7).

- Đồng tiền bị mất (Lc 15,8-10).

- Đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32).


Ba dụ ngôn này được ngắt nhịp bằng một điệp khúc ca tụng tình thương Thiên Chúa được bầy tỏ nơi Đức Giêsu; tình thương ấy dành cho những người không được yêu thương và không đáng yêu, những người một cách gián tiếp lên án sự nghiệt ngã và nghiêm khắc mà những kẻ tự phụ là công chính dành cho họ. Phụng vụ hôm nay không ghi lại hai dụ ngôn trên mà chỉ ghi lại dụ ngôn thứ ba là dụ ngôn đứa con hoang đàng, tức là dụ ngôn về tình phụ tử. Dụ ngôn này thật quí báu, do được một mình Luca kể lại, vì nó đặc biệt phù hợp với tinh thần của sách Tin mừng này.

Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, những nhân vật được nêu ra ở đây có tính cách ám chỉ:


  • Người kia tức là người cha: ám chỉ Thiên Chúa.

  • Người con cả: ám chỉ dân Do thái, cách riêng các luật sĩ và biệt phái.

  • Người con thứ: ám chỉ người có tội.



tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương