Khoa luật kỷ YẾu hội nghị TỔng kết công tác sinh viên nghiên cứu khoa học năm họC 2015 -2016


Vai trò của hoạt động thảo luận nhóm trong đào tạo tín chỉ ở trường Đại học Vinh



tải về 1.61 Mb.
trang3/12
Chuyển đổi dữ liệu31.12.2017
Kích1.61 Mb.
#35147
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12

1.3. Vai trò của hoạt động thảo luận nhóm trong đào tạo tín chỉ ở trường Đại học Vinh


Đào tạo đại học theo học chế tín chỉ ra đời từ năm 1872 tại Đại học Harvard, Hoa kỳ và nhanh chóng phát triển, lan rộng ra các nước trên thế giới. Ở nước ta, đào tạo theo học chế tín chỉ sau khi được áp dụng thí điểm ở một số trường Đại học từ năm học 2001 – 2002 , đến năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ thay thế cho quyết định 31 năm 2001. Từ đây, phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ được áp dụng rộng rãi trong hệ thống các trường Đại học và cao đẳng trên toàn quốc.

Ở trường Đại học Vinh, đào tạo theo học chế tín chỉ được bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm 2007 (khóa 48). Để cụ thể hóa Quy chế 43 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Vinh ban hành Quyết định số 2294/ĐT ngày 2 tháng 11 năm 2007 cụ thể hóa một số điều của Quy chế đào tạo Đại học và Cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.

Đối với Trường Đại học Vinh, việc tổ chức các giờ thảo luận trên lớp không chỉ là đổi mới theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn rất cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Việc tổ chức thảo luận nhóm sẽ tạo cơ hội cho người học được chủ động tiếp cận tri thức, biến kiến thức được dạy thành của mình, từ đó nâng cao chất lượng học tập của bản thân và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Đối với sinh viên, hoạt động thảo luận nhóm đóng vai trò chủ đạo để xây dựng tính chủ động tự học, củng cố lại những kiến thức đã học và rèn luyện những kỹ năng mềm mà những giờ học lý thuyết chưa truyền tải hết được. Nếu sinh viên tham gia nghiêm túc các giờ thảo luận trên lớp cũng như hoạt động thảo luận nhóm được tổ chức và điều khiển một cách khoa học, hợp lý sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, nếu phương pháp thảo luận nhóm không hợp lý, không phù hợp với nội dung và thiếu kỹ năng thực hiện thì có thể chỉ mang tính hình thức, gây mất thời gian… Vì vậy, để phát huy tối đa lợi ích của hoạt động thảo luận nhóm thì cần có sự phối hợp, tự giác của từng cá nhân thành viên cũng như sự gắn kết trách nhiệm công việc chung của nhóm; và cả sự tổ chức, định hướng, hướng dẫn cho sinh viên từ phía nhà trường và giảng viên.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THẢO LUẬN NHÓM

CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH




2.1. Thực trạng hoạt động thảo luận nhóm của sinh viên Trường Đại học Vinh

Thông qua khảo sát 227 sinh viên ở 3 khóa học: khóa 56, khóa 55 và khóa 53 ở các khoa đào tạo, tôi nhận thấy hoạt động thảo luận nhóm của sinh viên ở trường Đại học Vinh nói chung và sinh viên khoa Luật nói riêng vẫn còn những vấn đề sau:

2.1.1. Thực trạng mức độ tham gia làm việc nhóm của sinh viên


Xét về mức độ tham gia làm việc nhóm của sinh viên: Các nhóm sinh viên sẽ phải chuẩn bị nội dung thảo luận trước khi lên lớp, thảo luận và trình bày trên lớp. Tuy nhiên, qua khảo sát tôi thu được kết quả: 76,7% sinh viên thường xuyên tham gia hoạt động nhóm, trong đó, sinh viên năm thứ nhất (khóa 56) có tỉ lệ là 95,3%, sinh viên năm thứ 4 (khóa 53) là 69,2%. Tỉ lệ sinh viên chỉ thỉnh thoảng tham gia và rất ít tham gia làm việc nhóm còn khá cao là đáng lưu tâm bởi kết quả của hoạt động thảo luận phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia làm việc của các thành viên trong nhóm. Ngoài ra cũng có sự chênh lệch về mức độ làm việc nhóm giữa sinh viên các khóa với nhau:




Thường xuyên

Thỉnh thoảng

Rất ít, hầu như không

Khóa 56

95,3%

4,7%

0%

Khóa 55

65,7%

32,8%

1,5%

Khóa 53

69,2%

29,1%

1,7%

Bảng 1: Mức độ tham gia làm việc nhóm cuả sinh viên

Sở dĩ còn tồn tại lượng sinh viên không tham gia đầy đủ các buổi làm việc nhóm xuất phát một phần từ lý do để sinh viên tham gia hoạt động nhóm. Khi được hỏi lý do để sinh viên tham gia hoạt động nhóm thì có hơn 50% số sinh viên trả lời là do giáo viên bắt buộc. Hình thức thảo luận mà sinh viên tham gia chủ yếu là các buổi học thảo luận trên lớp, theo thời khóa biểu của nhà trường đã tổ chức. Bên cạnh đó, có 3,5% sinh viên cho rằng ngành luật không cần thảo luận nhóm, 15% sinh viên cho rằng việc thảo luận là không cần thiết, có cũng được, không có cũng được.


2.1.2. Thực trạng mức độ chuẩn bị nội dung thảo luận của sinh viên


Giảng viên thường yêu cầu sinh viên phải tự đọc bài, nghiên cứu trao đổi các nội dung sắp học hoặc chuẩn bị các câu hỏi, bài tập nhóm. Tuy nhiên, đa số sinh viên không chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu của giáo viên hoặc chuẩn bị sơ sài mang tính đối phó. Kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên năm thứ nhất có ý thức hơn trong việc chuẩn bị bài đầy đủ. 72,1% được khảo sát trả lời chuẩn bị bài đầu đủ, 27,9% số sinh viên trả lời chuẩn bị bài không đầy đủ và 0% sinh viên trả lời không hoặc rất ít khi chuẩn bị. Trong khi đó, các con số này của sinh viên năm thứ tư là 32,7%, 63,2% và 5,1%. Điều này cho thấy, càng về những năm cuối, ý thức tự học, làm việc nhóm của sinh viên chuẩn bị bài càng giảm.

2.1.3. Thực trạng vai trò chủ động xây dựng nội dung, tiến hành thảo luận của sinh viên trong quá trình thảo luận


Thông thường, việc phát biểu và xây dựng nội dung thảo luận trên lớp là theo sự phân công, chỉ định của giảng viên. Ở mỗi nhóm, sự phát biểu ý kiến tập trung vào nhân tố tích cực (nhân tố này cũng thường thực hiện hầu hết các công việc cho nhóm). Khi trình bày nội dung thảo luận trên lớp, 9,7% sinh viên cho rằng người trình bày nội dung bài tập nhóm là nhóm trưởng, 75,8% là do nhóm cử đại diện và 14,5% là do giáo viên chỉ định. Số lượng sinh viên chủ động phát biểu không nhiều, tập trung vào những sinh viên có học lực khá. Khi đưa ra ý kiến, sinh viên cũng chưa thực sự có kỹ năng trong việc lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.

Việc đưa ra ý kiến và lập luận bảo vệ quan điểm là một trong những kỹ năng cần thiết và quan trọng của sinh viên nói chung và đặc biệt là sinh viên ngành Luật. Tuy vậy, số lượng không nhỏ sinh viên ít khi đưa ra và bảo vệ ý kiến hoặc dẫn tới mâu thuẫn khi tranh luận chứng tỏ khả năng lập luận cũng như phản biện vấn đề của sinh viên còn yếu. Trong quá trình tiến hành thảo luận nếu phát sinh mâu thuẫn, 55,1% sinh viên tự xử lý giải quyết mâu thuẫn, 40,1% nhờ giáo viên giúp đỡ và 4,8% bỏ qua không giải quyết.


2.1.4. Thực trạng về cách thức tổ chức hoạt động thảo luận hiện nay


Hoạt động thảo luận của sinh viên hiện nay chủ yếu được tổ chức theo tổ chức, sắp xếp của nhà trường.

Như đã phân tích ở trên, do số lượng sinh viên chuẩn bị bài trước khi đến lớp, không chủ động trong việc xây dựng nội dung của buổi thảo luận, chưa hiểu hết bài nên nhiều khi, giảng viên thảo luận đã biến giờ thảo luận thành giờ dạy lại. 73% sinh viên khóa 53 có ý kiến cho rằng giờ thảo luận cần có giảng viên điều hành, đánh giá, mà chỉ có 12,8% số sinh viên lựa chọn hình thức lớp và các nhóm tự thảo luận. Với hình thức thảo luận này, hoạt động tự thảo luận của nhóm nhỏ ít có cơ hội phát huy, cũng như vai trò chủ động người học là trung tâm của sinh viên mờ nhạt, chủ yếu phụ thuộc vào giảng viên.

Về quy mô nhóm thảo luận, 86,8% sinh viên cho rằng nhóm thảo luận nên có từ 5- 10 thành viên, 10,6% là 10- 15 thành viên và 2,6% là 15- 20 thành viên. Trên thực tế, quy mô nhóm thảo luận tác động rất lớn đến sự làm việc của các thành viên. Vì vậy phần đông sinh viên chọn quy mô nhóm từ 5 – 10 thành viên để dễ phân chia công việc và quản lý nhóm. Nhưng hiện nay các lớp thảo luận ở trường ta đặc biệt là ở khoa Luật có số lượng sinh viên rất nhiều nên phần lớn quy mô nhóm thảo luận ở khoảng 10 – 15 thành viên.

Bên cạnh đó, đa số các giảng viên thường cho điểm theo nhóm, chưa có sự phân hóa hoặc phân hóa chưa rõ vai trò, công sức và thái độ học tập của từng thành viên trong mỗi nhóm. Khi được hỏi về việc đánh giá xếp loại đối với các thành viên trong nhóm, 68,3% sinh viên cho rằng cần thiết và đúng với năng lực từng thành viên, 7,9% cho rằng không cần thiết và 23,8% không công bằng, không phản ánh đúng năng lực. Do vậy, chưa khuyến khích được nhiều các nhân tố tích cực, bên cạnh đó, có một số thành viên có tâm lý dựa dẫm, ỷ lại, không tham gia vào làm việc nhóm.

Khi được hỏi về hiệu quả nhận được khi tham gia thảo luận nhóm, 79,7% sinh viên cho rằng được củng cố kiến thức, kĩ năng làm việc nhóm, 5,8% cho rằng không có lợi ích gì và 14,5% giúp bản thân có những vấn đề khác như khả năng thuyết trình, lập luận… Vẫn còn tồn tại một bộ phận sinh viên không thấy hiệu quả khi tham gia thảo luận nhóm, tuy nhỏ nhưng cũng phản ánh phần nào thực trạng đáng lưu tâm của sinh viên.

2.2. Đánh giá tổng quát thực trạng thảo luận nhóm của sinh viên Trường Đại học Vinh

2.2.1. Ưu điểm


Phần lớn sinh viên đã nhận thấy được vai trò và ý nghĩa của phương pháp thảo luận nhóm và có thái độ học tập tích cực.

Các giảng viên đã tích cực vận dụng phương pháp thảo luận nhóm trong quá trình giảng dạy để giúp sinh viên tự tìm hiểu kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể.

So với các phương pháp học tập khác, phương pháp thảo luận nhóm đã mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất là những thay đổi tích cực trong thái độ, ý thức học tập của sinh viên. Thứ hai, sinh viên phải tự mình tìm hiểu, thu thập kiến thức nên sẽ hiểu rõ, nhớ lâu; phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề theo nhóm, rèn luyện kỹ năng các kỹ năng mềm và hỗ trợ nhau cùng học tập.

2.2.2. Hạn chế


Vẫn còn tồn tại một số sinh viên chưa chủ động và tự nguyện trong việc tham gia hoạt động thảo luận nhóm.

Hầu hết sinh viên không chuẩn bị đầy đủ nội dung thảo luận trước khi đến lớp, dẫn tới hiệu quả thảo luận nhóm chưa cao.

Trong quá trình thảo luận sinh viên chưa chủ động xây dựng nội dung thảo luận, nêu quan điểm cá nhân, lập luận bảo vệ quan điểm và phản biện vấn đề. Dẫn đến việc thiếu và yếu các kỹ năng làm việc nhóm.

Cách thức tổ chức hoạt động thảo luận chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên phát huy cách khả năng của mình, cũng như việc đánh giá xếp loại cách thành viên chưa thực sự sát sao.


2.2.3. Nguyên nhân của những hạn chế


Nguyên nhân khách quan:

Do sinh viên tự chọn giờ học không cố định giống nhau nên khó sắp xếp thời gian phù hợp cho tất cả thành viên tập trung cũng như tìm địa điểm họp nhóm.

Giảng viên thường chỉ hướng dẫn nội dung thảo luận còn những kỹ năng và phương pháp thảo luận nhóm sinh viên không được hướng dẫn cụ thể.

Phương pháp thảo luận nhóm được áp dụng ở hầu hết các môn. Vì thế nhiều khi sinh viên phải làm việc nhóm quá nhiều trong cùng một thời gian; gây nên tâm lý mệt mỏi, nhàm chán trong sinh viên, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thảo luận nhóm.



Nguyên nhân chủ quan:

Đối với sinh viên năm nhất, còn quen với cách học trung học phổ thông nên không tránh khỏi việc chưa thích nghi với các phương pháp thảo luận nhóm.

Sinh viên không chuẩn bị đầy đủ nội dung thảo luận trước khi đến lớp thể hiện ý thức tự học còn hạn chế. Đặc biệt vấn đề càng về những năm cuối ý thức tự học làm việc nhóm của sinh viên chuẩn bị bài càng giảm; nguyên nhân xuất phát từ việc sinh viên không thấy hứng thú hoặc hiệu quả của thảo luận nhóm nên mang tâm lý học đối phó.

Trong quá trình thảo luận sinh viên chưa chủ động đưa ra ý kiến thường gặp ở những sinh viên có học lực ít nổi trội nên không dám nêu ý kiến và phản biện ý kiến của người khác. Cũng như nhiều nhóm chưa lắng nghe, chưa tạo cơ hội cho các thành viên được thể hiện, khẳng định mình, được thảo luận và phát biểu ý kiến.

Ngoài ra, một phần cách thức tổ chức thảo luận còn nặng về lý thuyết, chưa tạo sự hứng thú cho sinh viên. Những nhóm thảo luận có số lượng thành viên đông khiến sinh viên khó quản lý nhóm cũng như đánh giá năng lực thành viên nhóm hợp lý.

CHƯƠNG 3.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THẢO LUẬN NHÓM CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH


Sau khi khảo sát thực tế của sinh viên các khóa Trường Đại học Vinh, tôi đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động thảo luận nhóm như sau:

3.1. Giải pháp về nội dung thảo luận


Thay vì việc cung cấp các câu hỏi lý thuyết và các bài tập tình huống và yêu cầu sinh viên trả lời trên lớp, giảng viên cần xây dựng các nội dung thảo luận phong phú hơn. Giảng viên sẽ cung cấp những câu hỏi lý thuyết nhằm ôn lại, củng cố kiến thức lý thuyết đã học; thêm các câu hỏi, tình huống để sinh viên nghiên cứu, tranh luận và bảo vệ quan điểm trong mỗi nhóm và giữa các nhóm nhỏ với nhau trong lớp, rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế.

3.2. Giải pháp về phương thức tổ chức hoạt động thảo luận nhóm


Các giờ thảo luận bắt buộc vẫn phải tiếp tục duy trì để đảm bảo yêu cầu của nhà trường đối với chương trình đào tạo. Nhưng thay vì yêu cầu giảng viên phải có mặt thường xuyên ở các lớp thảo luận thì nhà trường cần cho phép sinh viên được thảo luận theo cơ chế tự giám sát, tự đánh giá chéo lẫn nhau giữa các nhóm sau khi sinh viên đã làm quen với thảo luận, tùy theo kế hoạch của từng giảng viên. Vai trò điều hành, tổ chức thảo luận có được giao cho nhân tố tích cực trong lớp (Lớp trưởng lớp thảo luận) hoặc các sinh viên tình nguyện tại chỗ và hỗ trợ tối ưu của giảng viên. Trong quá trình điều hành, nếu gặp khó khăn thì giảng viên giúp đỡ.

Về thái độ của giảng viên đối với sinh viên trong trong hoạt động thảo luận nhóm: Có cơ chế khen thưởng cho các sinh viên nhiều lần phát biểu ý kiến đúng; bên cạnh đó, cần khuyến khích, động viên, không bác bỏ đối với những sinh viên có ý kiến chưa chính xác; cần tôn trọng quan điểm cá nhân sinh viên.


3.3. Giải pháp về phương thức đánh giá, cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động thảo luận


Về phương thức đánh giá: Theo tôi, kết quả đánh giá cuối cùng của giảng viên cần dựa trên các yếu tố: (i) Biên bản làm việc của nhóm, kèm theo đánh giá, xếp loại của nhóm đối với từng thành viên; (ii) Kết quả làm việc của nhóm và từng thành viên được thể hiện trong vở bài tập và trình bày trong buổi thảo luận; (iii) Kết quả đánh giá chéo giữa các nhóm; (iv) Nhật ký thảo luận của lớp. Việc đánh giá dựa trên các yếu tố này giúp giảng viên có cái nhìn khách quan đối với từng nhóm và từng thành viên trong mỗi nhóm thảo luận.

Về cơ chế kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thảo luận: Một mặt, việc giám sát của giảng viên được thực hiện thông qua các nhóm trưởng, lớp trưởng, thể hiện trong biên bản, nhật ký thảo luận. Mặt khác, giảng viên sẽ kiểm tra trực tiếp kết quả thực hiện yêu cầu đối với các nhóm thảo luận. Qua đó, giảng viên sẽ đánh giá được ý thức tự học của sinh viên nhằm động viên sinh viên tự học, và có hình thức xử lý đối với những sinh viên, hoặc nhóm thảo luận chưa có ý thức trong việc chuẩn bị nội dung, yêu cầu thảo luận.


3.4. Giải pháp từ phía sinh viên:


Thứ nhất, tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về hoạt động thảo luận nhóm.

Đối với những thành viên tích cực cần có sự khen thưởng, khuyến khích phù hợp. Đối với những thành viên không tích cực làm việc cần có sự nhìn nhận, góp ý thẳng thắn và sự khuyến khích hoạt động của nhóm trưởng và các thành viên khác.

Nhà trường, các khoa, các câu lạc bộ sinh viên có thể tổ chức các buổi semina, các buổi thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về các chủ đề liên quan đến học tập theo nhóm. Đây là cơ hội để sinh viên nói lên những suy nghĩ, hiểu biết, cách tiếp cận khác nhau và học tập, chia sẻ kinh nghiệm thảo luận nhóm với nhau.

Quan trọng nhất vẫn là sự tự tìm hiểu, chủ động tham gia vào các câu lạc bộ học tập, ví dụ như Câu lạc bộ Thực hành Pháp luật ở khoa Luật sẽ giúp sinh viên vừa nâng cao kiến thức chuyên môn vừa cải thiện kỹ năng làm việc nhóm.



Thứ hai, tăng cường rèn luyện các kỹ năng thảo luận nhóm.

Khi chuẩn bị câu hỏi thảo luận, nhóm sinh viên cần lên kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ rõ ràng hợp lý. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và đạt kết quả thảo luận đúng thời gian, đúng nội dung yêu cầu.

Khi lập luận bảo vệ quan điểm bản thân và phản biện ý kiến, mỗi thành viên phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của thành viên khác.

Trong phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên của nhóm: Sinh viên không nên lúc nào cũng đảm nhận một vị trí, như: nhóm trưởng, người tổng hợp, người làm bản word, semina, người thuyết trình… mà nên thay đổi và tạo điều kiện cho các thành viên khác ở những vai trò khác nhau trong những lớp thảo luận khác nhau để có thể học được nhiều kỹ năng cần thiết. Cũng như sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các vai trò của các thành viên trong nhóm.



Thứ ba, kết hợp các hình thức học tập và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thảo luận nhóm.

Nhóm thảo luận lựa chọn hình thức hoạt động nhóm cho phù hợp với yêu cầu thảo luận. Ba hình thức hoạt động nhóm thảo luận đã đề cập ở trên đề tài được sử dụng phù hợp trong các trường hợp sau:

- Hình thức học tập theo nhóm ngang nên sử dụng trong các trường hợp: nội dung công việc nhiều, thời gian ít, tính chất công việc không phức tạp.

- Hình thức nhóm dọc nên sử dụng trong các trường hợp: nội dung công việc ít, tính chất công việc phức tạp, thành viên của nhóm có năng lực.

- Hình thức nhóm kết hợp nên sử dụng trong các trường hợp: Nội dung công việc nhiều, tính chất công việc phức tạp, thời gian nhiều.

Ngoài ra, trong quá trình thảo luận nhóm sinh viên không nhất thiết phải rập khuôn mà có thể sáng tạo, sử dụng những công nghệ mà sinh viên có thể tiếp cận như nghiên cứu, tìm kiếu tài liệu bằng internet, trao đổi thông tin qua email, phần mềm làm việc nhóm Google Docs giúp sinh viên tiết kiệm tối đa thời gian, không phải di chuyển tập trung tại địa điểm họp nhóm nhiều.

Bốn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thảo luận nhóm trên có mối quan hệ chặt chẽ, đan xen, hỗ trợ lẫn nhau và chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự quan tâm, tiến hành đồng bộ thường xuyên từ cả phía nhà trường, giảng viên và sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quyết định số 31/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 30 tháng 7 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thí điểm tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ.

2. ThS. Nguyễn Thị Oanh, “Làm việc theo nhóm”, Nhà xuất bản trẻ, 2007.

3. Đặng Vũ Hoạt, “Lý luận dạy Đại học”, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội 2006.

4. Đặng Xuân Hải, “Kỹ thuật dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ”, Nhà xuất bản Bách Khoa, Hà Nội 2013.

HOẠT ĐỘNG ĐẤU TRANH PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM

MA TUÝ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VINH, NGHỆ AN


Sinh viên thực hiện

1. Hoàng Thị Huệ - K54B1

2. Hoàng Thị Nhung - K54B2

Giảng viên hướng dẫn: Bùi Thị Phương Quỳnh
CHƯƠNG 1

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VINH

Tình hình tội phạm ma túy ở Nghệ An hiện nay diễn ra rất phức tạp và gây nhiều hậu quả xấu cho xã hội, tội phạm ma túy diễn ra thường xuyên tại các địa điểm: Con Cuông, Đô Lương, Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… đặc biệt là trên địa bàn Thành Phố Vinh trong những năm qua, được sự phối hợp của các đoàn thể, các cấp các ngành đã tuyên truyền vận động người dân nhưng tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn Thành Phố Vinh vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, các vụ án trên địa bàn hiện nay tính chất và mức độ nghiêm trọng hơn đã xuất hiện nhiều vụ buôn bán ma túy có số lượng lớn, nhiều loại ma túy mới, địa bàn hoạt động rộng tại các Phường trong Thành Phố Vinh như: Phường Hà Huy Tập, Phường Trung Đô, Phường Hưng Bình, Phường Cửa Nam… bọn tội phạm ma túy đã dùng vũ khí chống trả khuyết liệt các lực lượng phòng chống ma túy khi bị truy bắt. Do nhiều nguyên nhân mà việc truy bắt tại nhiều địa điểm còn gặp nhiều khó khăn.

Ngày nay do kinh tế ngày càng phát triển thì nhu cầu càng cao, một số người do không có việc làm bị lôi kéo tham gia vì mục đích lợi nhuận mà tội phạm ma túy ngày càng cao trên địa bàn Thành Phố Vinh, biểu hiện trước kia trên địa bàn thành phố Vinh thì ma túy chủ yếu là thuốc phiện đến nay ma túy là tổng hợp dạng amphetamine, methanphetamin, cần sa, ma túy đá… đã lan rộng trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận.

Từ năm 2010 đến năm 2015 toàn Thành Phố Vinh có tổng số vụ án cho tất cả các loại tội phạm là 3721 vụ án với 6122 bị can trong đó tổng số vụ án ma túy trên toàn thành phố là 1651 vụ án với 2170 bị can chiếm 44,37% trong tất cả các loại tội phạm, cao hơn rất nhiều so với các loại tội phạm khác xảy ra trên địa bàn. Đây là một con số báo động của thành phố Vinh trong thời gian vừa qua và trong số người phạm tội đó chủ yếu là số lượng ở độ tuổi thành niên tham gia và có cả công chức nhà nước sử dụng ma túy trái phép.

Để hiểu rõ hơn tình hình tội phạm ở Nghệ An nói chung và địa bàn thành phố Vinh nói riêng thì chúng ta cần tìm hiểu tội phạm rõ và tội phạm ẩn trên địa bàn thành phố Vinh hiện nay như sau:

1.1 Phần ẩn của tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố Vinh

Dựa vào tài liệu về tội phạm học ta có thể hiểu về tội phạm ẩn: "Tội phạm ẩn là số lượng tội phạm đã thực hiện; trên thực tế nhưng không được tường thuật với cơ quan có thẩm quyền hoặc chưa bị phát hiện (một cách chính thức) và do vậy chưa bị đưa ra xét xử, chưa có trong thống kê hình sự chính thức”.

Tội phạm ma túy trên địa bàn Thành Phố Vinh về tội phạm ẩn chưa được phát hiện chưa được thống kê hình sự rất nhiều so với thực tế, số vụ xảy ra trên thực tế số vụ án đó được đưa ra xét xử tại tòa án ít hơn tội phạm vẫn chưa bị xử phạt vì hành vi trái pháp luật của mình.

Số vụ thực tế trên địa bàn thành phố Vinh: Tính từ 2010 đến 2015 là 1651 vụ án

Số vụ đã được xét xử: Tính từ 2010 đến 2015 số vụ là 1460 vụ án chiếm 88,43% so với số vụ thực tế.

Số vụ án chưa được xét xử: 191 vụ án chiếm 11,57% số vụ thực tế trên địa bàn.



1.2 Phần hiện của tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố Vinh

Khác với tội phạm ẩn khái niêm tội phạm rõ được thể hiện: "Tội phạm rõ là tội phạm đã được xử lý về hình sự và đã được đưa vào thống kê tội phạm”.

Một tội phạm ma túy đã được xử lý về hình sự bao gồm:

+ Tội phạm đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.

+ Xác định tội phạm nhưng đã bị đình chỉ mà không được xử lý khác nhau nên hết thời hạn truy cứu TNHS

+ Chủ thể thực hiện tội phạm chết…

Như vậy tội phạm rõ về ma túy trên địa bàn tỉnh Thành Phố Vinh khi có đủ ba điều kiện:

+ Có người chứng kiến hoặc phát hiện ra tội phạm

+ Tội phạm đã được tường thuật tố cáo với cảnh sát

+ Cơ quan cảnh sát hoặc cơ quan áp dụng luật khác khẳng định đó là hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong BLHS năm 1999 SĐBS năm 2009.

Vì vậy tội phạm hiện về ma túy trên địa bàn Thành Phố Vinh trong những năm vừa qua được thể hiện cụ thể như sau:

Ở Thành Phố Vinh tổng số vụ tính từ 2010 đến 2015 là 1651 vụ án, số bị can là 2170.

Tòa án đưa ra xét xử trên thực tế tính từ 2010 đến 2015 là 1460 vụ án chiếm 88,43% thu được hàng trăm bánh heroin, ma túy đá, ma túy tổng hợp, khẩu súng, kim tiêm, dao nhọn…

1.3. Diễn biến của tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn Thành Phố Vinh

Diễn biến của tội phạm ma túy trong những năm gần đây từ năm 2010 - 2015 do bị chi phối hai yếu tố sau đây:

+ Các yếu tố về xã hội: Do địa bàn Thành Phố Vinh có dân số đông, nền kinh tế ngày càng phát triển là đô thị loại một, nơi tập trung nhiều sân bay, bến cảng, bến xe, trường đại học, chợ ..... mức sống người dân ngày càng được cải thiện, sự chênh lệch giàu và nghèo ngày càng được giảm thiểu.

+ Sự thay đổi về mặt pháp lý: Pháp luật hình sự hiện nay cũng có nhiều hình phạt về ma túy nhưng trong BLHS Việt Nam hiện nay không quy định cụ thể



Bảng số liệu thống kê các vụ án của các loại tội phạm và vụ án ma túy trên địa bàn thành phố Vinh giai đoạn 2010 – 2015.

Năm

Tổng số vụ án các loại tội phạm

Tổng số bị can

Tổng số vụ án tội phạm ma túy

Tổng số bị can

Vụ án ma túy đã xét xử

Tỉ lệ % của vụ án ma túy so với các loại tội phạm

2010

609

957

304

609

291

49.92%

2011

582

950

270

292

221

46.39%

2012

689

1214

298

343

210

43.25%

2013

594

968

234

271

210

39.39%

2014

615

1022

286

373

280

46.5%

2015

632

1011

259

282

248

40.98%

Tổng

3721

6122

1651

2170

1460

44.37%

(Nguồn : VKSND thành phố Vinh)



Nhận xét:

- Qua bảng số liệu thống kê tổng sô vụ án ma túy và các loại tội phạm cùng với biểu đồ ở trên cho chúng ta thấy: Tỉ lệ tội phạm ma túy cao, chiếm tỉ lệ phần trăm lớn, chiếm gần ½ tỉ lệ phạm tội của các loại tội phạm. Giai đoạn từ năm 2010 – 2015 địa bàn thành phố Vinh, tổng số các vụ án ma túy chiếm 44.37% trên tổng số các loại tội phạm. Vụ án ma túy chiếm tỉ lệ phần trăm trên tổng số vụ án các loại tội phạm của các năm thể hiện như sau: Năm 2010 vụ án ma túy chiếm 49.92%, năm 2011 chiếm 46.39%, năm 2012 chiếm 43.25%, năm 2013 chiếm 39.39%, năm 2014 chiếm 46.5%, năm 2015 chiếm 40.98% trên tổng số các loại tội phạm.



1.4. Đặc điểm nhân thân người phạm tội ma túy trên địa bàn thành phố Vinh

Bao gồm các đặc điểm sau:

+ Đặc điểm độ tuổi của người phạm tội ma túy

+ Đặc điểm giới tính của người phạm tội ma túy

+ Đặc điểm trình độ văn hoá của người phạm ma túy

+ Đặc điểm việc làm của người phạm tội ma túy

+ Đặc điểm tiền án, tiền sự của người phạm tội ma túy

+ Đặc điểm về hình thức phạm tội (một mình hay đồng phạm)

+ Đặc điểm về thời gian phạm tội, địa bàn phạm tội

+ Đặc điểm về hoàn cảnh gia đình

+ Đặc điểm về động cơ phạm tội

+ Đặc điểm về công cụ phương tiện thực hiện tội phạm



CHƯƠNG 2.

NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA TÌNH HÌNH
TỘI PHẠM MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VINH
VÀ CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG MA TÚY

2.1. Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố Vinh

Thành Phô Vinh là địa bàn có nền kinh tế phát triển, tập trung nhiều khu công nghiệp, được xếp vào khu đô thị loại một, tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện, bến xe, sân bay... nên thường hay phát sinh nhiều vấn đề và luôn có sự phân hóa giàu, nghèo, có nhiều người từ nơi khác di cư tới sinh sống nên nhu cầu của người dân càng cao, nên tỉ lệ phạm tội càng nhiều.

Vấn đề ma túy trên địa bàn thành phố Vinh còn gặp nhiều khó khăn xuất phát từ hai nguyên nhân:

- Nguyên nhân chủ quan: Do ý thức phấn đấu, tu dưỡng của bản thân quá yếu, trình độ học vấn thấp...

- Nguyên nhân khách quan:

+ Yếu tố môi trường tự nhiên - địa lý xét về mặt hành chính - lãnh thổ

+ Những điều kiện nhân tạo xét trong điều kiện của tỉnh Nghệ An

+ Các yếu tố tiêu cực xuất phát từ phía gia đình

+ Những yếu tố tiêu cực từ bên trong nhà trường

+ Những yếu tố tiêu cực xuất phát từ các khâu của quá trình quản lý nhà nước



2.2. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn Thành Phố Vinh

Các vụ án điển hình tại thành phố Vinh:

+ Chuyên án 101M ngày 25/10/2011, CQ CSĐT công an tỉnh Nghệ An triệt phá 43 đối tượng đang tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp tại nhà hàng Karaoke Avatar - số 28 đường Nguyễn Sỹ Sách, thành phố Vinh.

+ Ngày 31/7/2012 tại khu vực ga Vinh, cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang thu giữ 70 bánh heroin có trọng lượng 24.155 gam của các đối tượng Vũ Đức Mạnh trú tại Nam Định, Nguyễn Thị Nhung trú tại Thị Xã Thái Hòa - Tỉnh Nghệ An và 4 đối tượng khác.

+ Ngày 15/7/2014, bắt Nguyễn Hữu Song, trú tại Phường Quán Bàu-Thành phố Vinh vận chuyển 40 bánh heroin có trọng lượng 13.760, 26 gam, đồng thời triệt phá đường dây mua bán trái phép chất ma túy do Phan Đình Tuấn trú tại thành phố Vinh cầm đầu và Trần Quang Anh Dũng tại TP.HCM, thu giữu 2 khẩu súng và 122 viên đạn quân dụng các loại. Mở rộng điều tra, đã chứng minh được các đối tượng đã 3 lẫn mua bán 110 bánh heroin, tổng trọng lượng 73.840, 75 gam.



- Thành tựu đạt được:

Công tác đấu tranh phòng chống ma túy trên địa bàn được VKSND hai cấp thực hiện tốt nhằm đảm bảo ổn định trật tự xã hội, và đã đạt nhiều kết quả quan trọng đã bắt giữ hàng ngàn đối tượng phạm tội, hàng trăm kilôgam heroin, đảm bảo xử lý nghiêm minh các tội phạm, đúng người đúng tội, đúng pháp luật.



- Những vấn đề còn hạn chế:

Các cơ quan chức năng chưa kiểm tra để xử lý kịp thời các trường hợp có biểu hiện nghiện ma túy, chưa tuyên truyền pháp luật đến cho mọi người một cách phổ biến, số tội phạm ẩn chưa được phát hiện còn nhiều. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng làm cho hoạt động tién hành tố tụng kéo dài. Phong trào đấu tranh ở trên địa bàn thành phố Vinh chưa thực sự mạnh mẽ...



CHƯƠNG 3

CÁC GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH VỚI TÌNH HÌNH
TỘI PHẠM MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VINH

3.1. Dự báo xu hướng tội phạm ma túy trong thời gian tới trên địa bàn thành phố Vinh

Dựa vào bảng số liệu thống kê các vụ án ma túy trên địa bàn thành Phố Vinh của VKSND Thành Phố Vinh giai đoạn 2010 đến 2015 ở mục 1.3

Qua bảng số liệu cho chúng ta thấy tỉ lệ phạm tội ma túy trên địa bàn thành phố Vinh luôn chiếm tỉ trọng lớn hơn so với các vùng trong tỉnh. Nếu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố Vinh vẫn không khắc phục được những hạn chế thì dự tính tỉ lệ phạm tội ma túy ngày càng tăng hơn nữa.

Với tình hình ma túy trong những năm vừa qua thì chúng tôi có thể đưa ra dự báo tình hình tội phạm ma túy trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020 trên địa bàn thành phố Vinh: dự báo tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi và liều lính hơn, quy mô được mở rộng hơn, có thể dự báo với một con số báo động trong năm 2020 là 30% - 35%. Sự xuất hiện của những loại ma túy mới cũng như tội phạm về ma túy từ nước ngoài sẽ làm cho tính chất và cuộc đấu tranh về tội phạm ma túy ngày càng quyết liệt, khó khăn hơn. Ngoài ra sự xuống cấp về đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên sẽ làm gia tăng số người nghiện ma túy và các tội phạm liên quan đến ma túy.Sống lượng người nghiện ma túy có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, đa dạng về độ tuổi, giới tính và loại ma túy, hình thức sử dụng....



3.2. Phương hướng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố Vinh

Để công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về ma túy hiệu quả có thể thực hiện các phương hướng giải pháp sau:



- Một là, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp cần chủ động thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, bộ đội biên phòng. Phòng lao động TB&XH và một số ban ngành khác để nắm chắc các tin báo, tố giác về tội phạm ma túy, kịp thời xử lý nghiêm minh trước pháp luật những đối tượng phạm tội nhằm để răn đe cho những kẻ khác.

- Hai là, đối với công tác tuyên truyền cần đa dạng, phong phú hơn nữa về nội dung và hình thức nhằm giúp cho người dân hiểu được tác hại của ma túy đối với đời sống cộng đồng, Công tác giáo dục tuyên truyền cần có hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền. Cùng với tuyên truyền đại chúng, còn bằng với công tác giáo dục trực tiếp, đưa nội dung phòng chống ma túy vào các buổi học ngoại khóa của nhà trường, trung tâm văn hóa... giúp người dân có cái nhìn khách quan về ma túy và giúp cho học sinh - sinh viên thấy rõ tác hại của ma túy và tránh xa ma túy. Mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải tích cực tuyên truyền đến người dân tại nơi công tác, nơi cư trú, người thân hiểu được mối nguy hiểm của việc sử dụng ma túy. Đồng thời tích cực vận động mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng cùng tham gia phòng chống ma túy. Có trách nhiệm phát hiện, kịp thời những địa điểm sử dụng, buôn bán ma túy.

VKSND thành phố Vinh đã phối hợp với CQCSĐT và tòa án nhân dân tổ chức đưa các vu án về ma túy đi xét xử lưu động nhằm tuyên truyền đến người dân tác hại của tội phạm, ma túy, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội thành khẩn khai báo, hợ tác với cơ quan tiến hành tố tụng để giáo dục, phòng ngừa và nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân.



- Ba là, song song với việc tuyên truyền thì ngay trong mỗi bản thân người dân cần có ý thức về tác hại của ma túy. Quan tâm hơn nữa đến gia đình bởi gia đình là tế bào của xã hội, cần hướng con em mình vào những hoạt động vui chơi lành mạnh của thanh thiếu niên trong cộng đồng dân cư va nhà trường qua đó tránh xa tệ nạn ma túy. Đối với những gia đình có con em mắc nghiện cần phối hợp với các trung tâm cai nghiện để động viên con em mình đi cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng, hòa nhập xã hội.

- Bốn là, các cơ quan chính quyền địa phương cần có sự phối hợp, thống nhất trong công tác nhằm hạn chế tình hình nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Vinh.Bên cạnh đó cần xóa bỏ mặc cảm của người nghiện ma túy khi trở về xã hội, giúp họ có sự hòa nhập cộng đồng khi trở về từ các trung tâm cai nghiện.Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng trên giúp họ nhận thức được tác hại của ma túy để tránh xa các đối tượng xấu rủ rê họ quay lại con đường nghiện ngập.

- Năm là, tăng cường củng cố chặt chẽ mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình và các cơ quan chức năng trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm ma túy. Các cấp xã, phường cần gắn kết hơn nữa với gia đình nâng cao vai trò giáo dục của gia đình đối với thanh thiếu niên về tác hại của ma túy.Đồng thời, tăng cường các biện pháp giám sát của nhân dân trong cộng đồng dân cư. Động viên người dân tố giác tội phạm, phát động phong trào toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm ma túy, nâng cao hiệu quả của hoạt động tự quản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy.

- Sáu là, tăng cường công tác hoạt động văn hóa để giải trí, vui chơi lành mạnh bổ ích phù hợp với từng lứa tuổi, đồng thời quan tâm tới việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, khắc phục tình trạng thiếu việc làm. Vì khi có việc làm ổn định thì người lao động không cảm thấy thiếu thốn về vật chất, có thể nuôi sống được bản thân và gia đình, giúp hạn chế được sự lôi kéo, rủ rê từ các đối tượng xấu.

- Bảy là, Để thự hiện tốt đề án “Nâng cao hiệu quả xóa bỏ địa bàn phức tạp về ma túy ở thành phố Vinh” đạt kết quả cao cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, cần có sự lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

- Tám là, có thể thấy phòng chống tệ nạn ma túy không phải là trách nhiệm của riêng ai, riêng bất cứ cơ quan nào. Nó cần trở thành một phong trào quần chúng, mang tính chất rộng khắp để thực hiện có hiệu quả. Vì thế tất cả mọi người đều phải có ý thức, trách nhiệm phòng chống ma túy một cách triệt để, ngăn ngừa hiệu quả phạm tội ma túy.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm, tạo nguồn kinh phí để phục vụ cho công tác phòng chống tệ nạn ma túy. Hàng năm cần tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về công tác phong chống tệ nạn ma túy và các quy định pháp luật mới để cho kiểm sát viên và cán bộ làm công tác hình sự, Liên ngành công an, viện kiểm sát. Tòa án ở trung ương thống nhất ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể hơn nữa về xử lý các trường hợp sử dụng ma túy và tội phạm về ma túy. Thiết nghĩ, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng Công an - viện kiểm sát-tòa án, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiểu quả của nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là sự quan tâm và trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em mình, sự tu dưỡng rèn luyện của bản thân mỗi cá nhân. Khi làm rõ được các nguyên nhân dẫn đến tội phạm và thực hiện tốt đồng bộ các giải pháp, in chắc rằng công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về ma túy sẽ có nhiều kết quả khả quan, hạn chế ngăn chặn đến mức thấp nhất các tội phạm và tệ nạn về ma túy.



3.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy giai đoạn 2016-2020

Các biện pháp loại trừ tội phạm

+ Các biện pháp kinh tế

+ Biện pháp văn hoá - giáo dục và đào tạo

+ Biện pháp pháp luật

+ Tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân

+ Biện pháp tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện quyết định quản lý nhà nước

Vì vậy để các biện pháp loại trừ tội phạm ma túy có hiệu quả thì yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng chống ma túy trên địa bàn thành phố Vinh trong thời gian tới như sau:

- Tăng cường giải pháp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy; tiếp tục, thường xuyên phối kết hợp, mở rộng điều tra, xác minh, đấu tranh, phát hiện và bắt giữ các vụ tội phạm về ma túy được triệt để hơn. Đề ra các giải pháp hợp lý, cụ thể, sát thực nhằm từng bước hạn chế tình trạng vi phạm tệ nạn và tội phạm ma túy.

- Tăng cường công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước trrong khu vực để đấu tranh phòng chống ma túy khuyết liệt hơn. Phối hợp tốt hơn với công an 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlikhămxay (Lào) trong công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trên tuyến biên giới, chủ động phòng ngừa từ xa, hạn chế thấp nhất lượng ma túy thẩm lậu vào địa bàn. Duy trì có hiệu quả hoạt động của văn phòng liên lạc phòng chống ma túy qua biên giới (BLO).

- Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy trong tình hình mới, phối hợp thực hiện có hiệu quả tháng hành động phòng, chống tội phạm ma túy và ngày toàn dân phòng chống ma túy.

- Cần tăng thêm chế độ bồi dưỡng cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh về tội phạm ma túy, trang bị phương tiện hiện đại cho lực lượng này, trong đó có cả VKSND và TAND.Đầu tư nguồn kinh phí xứng đáng cho lực lượng công an cấp cơ sở, vì đây là lực lượng trực tiếp quản lý, nắm bắt các địa bàn dân cư, cần quan tâm chính sách khen thưởng đột xuất cho những đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc phá các chuyên án lớn, các tụ điểm phức tạp nhằm động viên kịp thời các cá nhân, đơn vị trong ngành Kiểm Sát cùng góp phần truy quét tội phạm.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở địa phương trong thời gian tới trước hết cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Ủy đối với công tác này, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục về phòng, chống ma túy. Các cấp các ngành chức năng cần xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.


  • Tăng cường tổ chức các hội nghị, tập huấn rút kinh nghiệm thực hiện công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, tổ chức bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, về phòng chống tội phạm ma túy cho cán bộ, kiểm sát viên trực tiếp làm án ma túy

KẾT LUẬN
Hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp CNH - HĐH cùng như trong tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, trên cơ sỡ đó giúp cho địa bàn thành phố Vinh thoát khỏi tỉnh trọng điểm về ma túy. Có như vậy, mới thúc đẩy nền kinh tế xã hội của địa phương phát triển, giữ vững được trật tự xã hội giúp cải thiện cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh theo chiều hướng phát triển.

Qua quá trình nghiên cứu đề tài này chúng tôi nhận thấy vấn đề ma túy trên địa bàn thành phố Vinh rất phức tạp vá khó khăn trong việc giải quyết. Vì vậy, chúng tôi đã đề ra một số phương hướng, giải pháp để góp phần giải quyết một phần nào đó những vướng mắc trong vấn đề ma túy.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bảng số liệu thống kê các vụ án của VKSND tỉnh Nghệ An

2. Bảng số liệu thống kê các vụ án của VKSND thành phố Vinh

3. Bộ luật Hình sự năm 1999 SĐBS năm 2009

4. Giáo trình Luật hình sự, Trường ĐH Luật Hà Nội

5. Luật phòng chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành.

6. Dương Tuyết Miên (chủ biên), Giáo trình tội phạm học, Trường ĐH Vinh

7. Nghị định 221-2013/NĐ-CP quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

8. Nghị định 80-2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 Hướng dẫn việc kiểm soát các họt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước.

9. Nghị định 67-2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 của chính phủ trong các lĩnh vực y tế công nghiệp phân tích kiểm nghiệp nghiên cứu khoa học điều tra về tội phạm ma túy phải được kiểm soát nghiêm ngặt.

10. Phạm Minh Tuyên, Các tội phạm về ma túy ở Việt Nam - Cơ sở lý luận và xét xử.


Каталог: DATA -> upload
upload -> 1. Kiến thức : hs phải làm được 1 tiêu bản tbtv ( tb vảy hành hoặc tb thịt quả cà chua chín). Kĩ năng
upload -> Thuật ngữ hàng hải quốc tế: a abatement Sự giảm giá
upload -> CÁP ĐIỆn lực hạ thế 1  4 LÕI, ruộT ĐỒNG, CÁch đIỆn xlpe, VỎ pvc low voltage 1 4 core Cable Copper conductor, xlpe insulation, pvc sheath
upload -> CÔng ty cp cung ứng và xnk lao đỘng hàng khôNG
upload -> BỘ NỘi vụ BỘ TÀi chíNH
upload -> Ubnd tỉnh hoà BÌnh sở KẾ hoạch và ĐẦu tư
upload -> Ớt cay f1 SỐ 20 Trái to, dài 14 15 cm, thẳng, cay vừa, chín tập trung, màu xanh trung bình khi non, màu đỏ đẹp khi chín, thịt dày, thích hợp ăn tươi và chế biến. Năng suất rất cao, 30 40 tấn/ ha. ỚT sừng vàng 1039

tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương