Jacques Philippe Tìm Kiếm & Giữ Lấy Bình An


THÁNH PHANXICÔ MARIA JACOB LIBERMANN



tải về 466.89 Kb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích466.89 Kb.
#38208
1   2   3   4   5   6

THÁNH PHANXICÔ MARIA JACOB LIBERMANN

(1802 - 1852)



Một người Do Thái cải đạo, sáng lập dòng Các Tổ Phụ của Chúa Thánh Thần. Sau đây là một số trích đoạn trong các thư linh hướng của thánh nhân.

1. Bình an: Vương quyền của Đức Giêsu trong linh hồn

Cách tốt nhất để thiết lập trong tâm hồn chúng ta vương quyền đáng suy tôn của Chúa Giêsu chính là cầu nguyện liên lỉ và giữ lấy bình an trong tâm hồn…

Con hãy thường xuyên nhắc nhở mình điều này và mạnh mẽ xác lập trong linh hồn và trong trái tim con chân lý này là: phương cách tối hảo và thậm chí, không thể sai lầm để có thể cầu nguyện liên lỉ là giữ cho tâm hồn luôn được bình an trước mặt Thiên Chúa.

Con hãy để tâm đến lời này, “Hãy giữ cho linh hồn con được bình an”. Đó là cách diễn đạt được Thầy Chí Thánh của chúng ta sử dụng. Linh hồn con phải luôn được bao bọc bởi chính nó hoặc hay hơn nữa, được bao bọc trong Chúa Giêsu, Đấng ngự trị trong nó - không phải bị giam hãm hay bị khóa chặt nhưng bằng sự nghỉ ngơi nhẹ nhàng trong Chúa Giêsu, Đấng ôm lấy nó trong vòng tay.

Việc ráng sức và tranh chấp làm co rút linh hồn; nhưng sự nghỉ ngơi êm ái, cư xử hoà thuận, một hành động nội tâm kiên định, chừng mực, lặng lẽ bên trong lại làm cho linh hồn triển nở.

2. Bình an, một tình trạng dễ bảo với Chúa Thánh Thần

Bị lung lay và dằn vặt bởi những năng lực của mình, linh hồn phải chòng chành, ngả bên này nghiêng bên kia, không để cho mình thuộc trọn về Thần Khí của Thiên Chúa. Giá mà linh hồn biết sẵn sàng phó mặc cho sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa, hẳn chúng đã tìm được sức mạnh, sự phong phú và hoàn thiện trong Ngài. Nhưng bởi xa lìa Thần Khí của Đức Giêsu và muốn tự mình hành động theo cách của mình, linh hồn chỉ gặp thấy bất an, đau khổ và bất lực sâu thẳm nhất… Chúng ta phải nhắm tới sự bình an và tiết độ nội tâm này trong viễn cảnh chỉ sống trong Thiên Chúa và qua Thiên Chúa bằng tất cả sự dịu dàng và tùng phục cũng như kiên quyết cố gắng từ bỏ chính mình. Mỗi người phải quên mình để không ngừng hướng linh hồn về Thiên Chúa và giữ cho nó được nhẹ nhàng và lặng lẽ trước thánh nhan Người.



3. Tin tưởng vào Thiên Chúa.

Ta muốn có thể mạnh mẽ khiển trách con vì con kém tin vào Chúa Giêsu. Đừng sợ Ngài, vì điều này xúc phạm đến Ngài một cách nặng nề; Ngài là Đấng rất tốt lành, rất ngọt ngào, rất rộng lượng và đầy khoan dung và thương xót đối với chúng ta. Con có thể đứng trước mặt Ngài trong tình trạng đầy hổ thẹn bởi thấy mình nghèo nàn và hèn hạ, nhưng sự xấu hổ này là sự xấu hổ của đứa con hoang đàng trở về - đầy tin tưởng và rất mực mềm mại. Đây là cách thức con đến trước mặt Đức Giêsu, Chúa nhân lành và là Thiên Chúa của chúng ta. Con vẫn còn sợ không yêu mến Ngài ư? Trong giây phút này, con thân mến, dường như đây là những giây phút con yêu Ngài nhất và Ngài cũng gần con hơn bao giờ hết. Đừng đo lường lòng yêu mến Chúa của con bằng chiều sâu của cảm xúc nơi con; thước đo ấy quả rất nhỏ bé. Hãy tin tưởng phó mình trong tay Ngài; tình yêu của con sẽ ngày càng lớn lên mà con không biết và điều đó cũng không quan trọng.



4. Đừng để vận rủi làm con chao đảo

Đừng bao giờ để mình hoảng sợ bởi những vận rủi của con. Đối mặt với đau khổ, con nhận ra mình đang ở trong một trạng huống đến từ thánh ý Thiên Chúa, hãy giữ mình khiêm hạ và thấp bé trước mặt Người và hãy hết sức bình tâm. Con hãy phản ứng trước tất cả những rủi ro, dẫu chúng là gì đi nữa, với sự nhẹ nhàng, bình an, trìu mến và chừng mực nội tâm. Trước mặt Thiên Chúa, con hãy đơn sơ phó mình trong tay Người để Người có thể làm từ nơi con, trong con những gì Người yêu thích. Hãy ao ước một cách lặng lẽ và thanh thản chỉ sống cho một mình Người, qua Người và trong Người.



5. Đừng để vẻ không sốt sắng của con làm con bối rối

Đừng để con trở nên ngã lòng hay nhụt chí nếu nhìn từ bên ngoài, xem ra con không mấy tiến bộ, lại nhút nhát, không sốt sắng; hoặc khi con thấy mình vẫn là đối tượng tác động của những tình cảm tự nhiên, thấy mình đầy kiêu ngạo và buồn phiền. Cách đơn sơ, con hãy cố quên những điều này và hướng lòng trí về Thiên Chúa, đứng trước nhan Người trong niềm khát khao khôn nguôi và lặng lẽ, rằng, Người đang thực hiện từ con và trong con niềm yêu thích thánh thiện của Người. Chỉ nhắm việc quên mình và bước đi trước mặt Người trong sự nghèo khó của con mà không bao giờ nhìn vào con người mình… Bao lâu con còn bận tâm đến những thất thường tự nhiên của bản thân, bấy lâu con còn bận bịu với chính mình và chừng nào con còn bận bịu với chính mình, con sẽ không tiến bộ nhiều trên con đường trọn lành. Những động thái thất thường sẽ chỉ kết thúc khi con không quan tâm đến chúng và quên hẳn chúng. Bên cạnh đó, ta đảm bảo với con rằng, chúng chẳng quan trọng cũng chẳng mang lại kết quả nào; đừng đặt tâm một chút mảy may nào vào chúng, một chỉ nhìn vào Chúa và chỉ làm điều đó với một đức tin tinh tuyền và đơn sơ.



6. Đừng lo lắng về những sa ngã

Hãy luôn quên đi quá khứ và đừng bao giờ lo lắng về những sa sẩy của mình, dẫu chúng có nhiều thế nào chăng nữa. Bao lâu con chỗi dậy, bấy lâu không gì có thể tác hại được con; trái lại, tai hại lớn sẽ xảy đến nếu con mất tinh thần hoặc nếu con quá tự trách mình vì những thất bại đó. Con hãy làm mọi việc cách điềm tĩnh và thanh thản ngần nào có thể bắt nguồn từ một tình yêu thanh khiết, thánh thiện và cao cả nhất dành cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria.



7. Kiên nhẫn

Một trong những trở ngại chính mà mỗi người sẽ đối diện trên con đường dẫn đến trọn lành là nỗi khát khao xem ra chơ vơ và sự mất kiên nhẫn của họ về việc làm sao phải tiến bộ và sở hữu những nhân đức mà họ thấy mình chưa có. Trái lại, phương cách đúng đắn để tiến tới cách vững chắc với những bước thật dài hiệu quả nhất là phải kiên nhẫn, bình tâm và làm nguôi những lắng lo này… Con đừng tìm cách vượt lên trước người dẫn đường của con, vì e rằng con sẽ lạc lối và trệch đường Thiên Chúa chỉ định cho con, vì nếu con làm thế, thì thay vì đến nơi bình an, con lại sa xuống hố. Người dẫn đường của con là Chúa Thánh Thần. Bằng những gắng sức và lo lắng của con, bằng những lo âu và vội vã của con, con đã qua mặt Ngài và làm ra vẻ tiến tới nhanh hơn. Rồi điều gì sẽ xảy ra? Con lạc đường và thấy mình chơ vơ trên một vùng đất cứng hơn, ghồ ghề hơn và thế là thay vì tiến tới, con lại thụt lùi; hoặc chí ít, con phải mất thời gian.



8. Hãy để Thần Khí Thiên Chúa hành động

Khi Thiên Chúa thích, Người tạo dựng vũ trụ, Người hành động mà không cần gì cả, Người nhìn những tạo vật xinh đẹp Người đã làm nên! Cũng vậy, nếu Người muốn hành động trong chúng ta để hoàn thành những gì vượt xa những vẻ đẹp tự nhiên vốn dĩ cũng từ tay Người, thì Người cũng chẳng cần chúng ta phải quá động đạc để giúp Người… Trái lại, hãy để Người tự mình làm lấy, Người thường thích làm từ cái không không. Chúng ta hãy thanh thản, lặng lẽ ở yên trước mặt Người và đơn sơ theo dõi những gì Người đổi thay. Vậy, hãy giữ cho linh hồn được bình an và sức mạnh tinh thần được nghỉ ngơi trước mặt Người trong khi chờ đợi mọi động thái và dấu chỉ của cuộc sống đến từ một mình Người. Hãy cố gắng đừng dịch chuyển, đừng ước muốn và cũng đừng sống trừ phi những điều này được thực hiện trong Thiên Chúa qua Thần Khí của Người. Thật cần thiết để quên mình và không ngừng hướng tâm hồn lên Thiên Chúa, con hãy thanh thản lặng lẽ đặt tâm hồn con trước thánh nhan Người!



9. Chế ngự những khát khao

Công việc chính của linh hồn con là chế ngự những xung động của nó và làm sao có được một thái độ khiêm tốn tùng phục phó thác vào tay Thiên Chúa. Con được phép, thậm chí đó là điều tốt nữa, khao khát tiến tới trên đường thiêng liêng nhưng khao khát này phải điềm đạm, khiêm tốn và phục tùng thánh ý Chúa. Một kẻ ăn mày bần tiện cứ khăng khăng nài nỉ khiến người ta khó chịu và anh ta chẳng được gì; nhưng nếu anh ta nài xin một cách khiêm tốn, nhẹ nhàng và thân ái, anh ta sẽ đánh động được những người mình đang khẩn xin. Lòng ước ao nhất mực cho được và quá độ đến từ bản tính tự nhiên đang khi mọi sự đến từ ân sủng thì dịu dàng, khiêm hạ và chừng mực; nó đổ đầy linh hồn và làm cho linh hồn nên mềm mỏng và phục tùng Thiên Chúa. Vì thế, nỗ lực riêng biệt của con cốt ở chỗ tiết chế những xung năng của linh hồn, giữ cho nó trầm tĩnh, dễ bảo và khiêm nhu trước Thiên Chúa.

Con ước ao được tiến bộ trên con đường nên thánh? Chính Thiên Chúa ban cho con khát vọng này và cũng chính Người sẽ hoàn tất điều đó. Thánh Phaolô nói, chính Thiên Chúa là Đấng khiến chúng ta ao ước và thực hiện ao ước đó. Chúng ta không thể tự mình ước ao điều gì trong lãnh địa ân sủng, chính Thiên Chúa ban cho chúng ta khát khao này. Có được nó, chúng ta cũng không thể tự mình hoàn thành được, chính Người ban cho chúng ta các phương tiện. Vai trò của chúng ta là tin theo sự dẫn dắt của Người, để Người thực hiện trong chúng ta những điều Người thấy tốt nhất. Thái độ lắng lo và vội vã thực hiện những ước muốn tốt đẹp Thiên Chúa gợi lên trong chúng ta chỉ việc làm hỏng công trình ân sủng của Người và kéo chúng ta ra khỏi con đường trọn lành của mình. Đừng cố sức trở nên trọn lành ngay tức khắc, nhưng hãy thực hiện cách từ tốn với lòng tín trung một cách bình thản như Thiên Chúa đã truyền. Nếu con thuyền của chúng ta tiến tới chậm chạp hơn lòng mình mong ước, nhưng nếu điều đó làm vui lòng Người, hãy cứ tuân theo thánh ý Người.

Nếu chúng ta thấy mình cứ sa đi ngã lại cũng với ngần ấy tội, hãy giữ mình hèn mọn trước mặt Người. Hãy mở linh hồn con ra cho Người hầu Người có thể nhìn thấy những vết thương, vết sẹo mà Người sẽ lấy làm vui khi chữa lành chúng vào giờ Người muốn, vào lúc Người thích. Cách đơn sơ, con hãy cố tránh đừng chạy theo những thôi thúc của các tội lỗi này. Và trong cái nhìn đó, hãy giữ mình khiêm hạ phủ phục trước mặt Chúa với sự nghèo khó và khốn cùng vốn được coi như những phương tiện duy nhất của mình. Hãy chịu đựng sự công kích của tội lỗi với thái độ điềm tĩnh, nhẫn nhục, hiền hòa, tin tưởng và khiêm tốn trước mặt Người; kiên quyết trở nên mọi sự cho Người bất chấp những lỗi lầm, không nhượng bộ nhưng chịu đựng chúng cho đến chết nếu đó là ý Chúa. Bởi lẽ, phải thật lưu ý điều này, một khi linh hồn chúng ta từ chối thuận theo những tội lỗi này, chúng không còn đáng phải khiển trách, Thiên Chúa cũng không còn bị xúc phạm; trái lại, linh hồn chúng ta sẽ hưởng được những ơn ích lớn lao để tiến tới.



10. Sống trong giây phút hiện tại

Hãy ngoan nguỳ và mềm mỏng trong tay Thiên Chúa. Con biết phải làm những gì để đạt được điều đó? Hãy giữ cho tâm hồn con được bình an và thư thái hoàn toàn, đừng bao giờ trở nên buồn phiền, cũng đừng bối rối về bất cứ điều gì. Hãy quên đi quá khứ và sống như thể không có ngày mai, hãy sống cho Chúa Giêsu trong từng khoảnh khắc mà con đang sống hoặc hơn nữa, hãy sống như thể con không có sự sống trong mình nếu không có Ngài, nhưng để Chúa Giêsu sống trong con một cách thoải mái; nhờ đó, con có thể bước đi trong mọi hoàn cảnh, trong tất cả mọi khó khăn mà không hề lắng lo sợ hãi vì con là con của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đừng bao giờ nghĩ đến bản thân, nhưng hãy để một mình Chúa Giêsu lo cho linh hồn con… Chính Ngài nắm giữ linh hồn bằng sức mạnh; nó thuộc về Ngài. Cho nên, chính Ngài có trách nhiệm chăm sóc linh hồn con, nó thuộc về Ngài. Con đừng quá sợ hãi trước sự phán xét của một Vị Thầy dịu hiền như thế. Cách chung, hãy loại bỏ mọi sợ hãi và thay thế cảm thức này bằng tình yêu. Trong mọi sự, hãy phản ứng hiền từ, dịu dàng, điềm tĩnh, đừng vội vã hay nóng giận. Hãy hành động như thể con đã chết mỗi khi có việc gì đó. Theo cung cách này, con hãy bước đi với tất cả sự dịu hiền, phó thác và hoàn toàn tin tưởng. Thời gian đày ải này sẽ chấm dứt, Chúa Giêsu sẽ thuộc về chúng ta và chúng ta thuộc về Ngài. Vậy thì mỗi khổ não của chúng ta sẽ là một vương miện vinh quang dành cho chúng ta mà chúng ta sẽ đội lên đầu Chúa Giêsu, bởi mọi vinh quang là của chỉ một mình Ngài.



11. Bất lực của chúng ta không là chủ thể của buồn phiền và thất vọng, nhưng là chủ thể của bình an và niềm vui

Nhìn nhận sự bất lực và hư vô của mình phải là một chủ thể lớn lao của bình an, bởi chúng làm cho chúng ta tin rằng, chính Thiên Chúa ước ao hoạt động trong chúng ta và qua chúng ta; Người hoàn thành những việc kỳ diệu mà vì chúng, Người đã tiền định cho chúng ta vì Người từng biết chúng ta hơn chúng ta, biết sự nghèo nàn cũng như những khốn cùng của mỗi người. Dẫu biết chúng ta không thể làm gì được, vậy tại sao Người chọn chúng ta nếu Người không chứng tỏ thật hiển nhiên rằng, chính Người sẽ làm chứ không phải chúng ta làm?

Nhưng con ơi, dường như đối với ta, nỗi thống khổ và sự ô nhục cùng cực vẫn là một cái gì đem lại niềm vui lớn lao hơn… bởi chúng đặt trong chúng ta một nhu cầu cấp bách, rằng, phải luôn luôn cậy trông vào Chúa và luôn kết hiệp mật thiết với Người trong từng khoảnh khắc cũng như trong mọi hoàn cảnh của đời mình. Chúng ta cần Thiên Chúa hơn thân xác cần linh hồn. Ta tự hỏi, liệu thân xác chúng ta có khó chịu khi không ngừng phải phụ thuộc vào linh hồn và lãnh nhận từ linh hồn sự sống cũng như mọi hoạt động của nó? Không, trái lại, đây chính là vinh quang của thân xác và cũng là niềm vui cao cả đối với nó, vì nhờ đó, nó trở nên thành phần tham dự vào một sự sống vốn cao trọng và quý giá gấp bội so với chính sự sống của nó. Việc tuỳ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa cũng tương tự như thế nhưng trong một cách thức cao vời hơn. Càng tuỳ thuộc Thiên Chúa, linh hồn càng đạt thấu sự cao cả, vẻ mỹ miều và niềm vinh quang, để rồi, mỗi người chúng ta có thể thật sự hãnh diện về những yếu đuối của mình. Càng yếu đuối, niềm vui sướng và hạnh phúc của chúng ta càng lớn lao, bởi lẽ, sự tuỳ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa trở nên một cái gì cấp thiết hơn rất nhiều. Vì thế, con thân mến, đừng lo âu thêm nữa nếu con cảm thấy mình yếu đuối. Ngược lại, hãy hân hoan vì Thiên Chúa sẽ là sức mạnh của con. Con hãy chỉ bận tâm giữ cho linh hồn hằng hướng về Người trong niềm bình an lớn nhất có thể, trong sự bỏ mình trọn vẹn nhất và cả trong trạng thái lúng túng nhất và bẽ mặt nhất về chính con người mình4.

THÁNH PADRÊ PIÔ

(1887-1968)



Linh mục dòng Phanxicô, người được in năm dấu thánh,

được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày 16 tháng 6 năm 2002

Bình an là hồn nhiên của nghị lực, là thanh thản của lương tâm, là yên tĩnh của linh hồn và là đai buộc của tình yêu. Bình an thì trật tự, nó là sự hài hoà trong mỗi một người chúng ta, là niềm vui miên trường được sinh ra để chứng thực cho một lương tâm trong sáng và cũng là niềm vui thánh thiện của một tâm hồn mà ở đó, Thiên Chúa ngự trị. Bình an, con đường dẫn đến trọn lành hoặc thậm chí còn hơn thế nữa, sự trọn lành cư ngụ trong bình an. Và ma quỷ, kẻ biết tường tận tất cả những điều này, nó làm những gì có thể hầu khiến chúng ta đánh mất bình an. Duy chỉ một điều mà linh hồn cần phải sầu não, đó là sự xúc phạm chống lại Thiên Chúa. Tuy nhiên, cả trong điều này, chúng ta cũng phải cẩn thận. Rõ ràng, mỗi người phải hối tiếc về những sa ngã của mình, nhưng với một hối tiếc trong bình an và luôn luôn tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Mỗi người phải đề phòng với những tiếc xót và xấu hổ vốn tác hại đến chính mình, vì phần lớn chúng đến từ kẻ thù, ma quỷ, kẻ muốn quấy nhiễu sự bình an của chúng ta trong Thiên Chúa. Nhưng nếu những tiếc xót và xấu hổ đó khiến chúng ta nên khiêm tốn và nhanh chóng sửa sai mà không mất niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta có thể bảo đảm rằng, chúng đến từ Người. Ngược lại, nếu chúng gây hoang mang sợ hãi, nghi ngờ, biếng nhác hoặc khiến chúng ta trì hoãn việc sửa sai thì có thể đoan chắc rằng, chúng đến từ ma quỷ; do đó, phải gạt chúng sang một bên và tìm nơi nương ẩn trong niềm tin vào Thiên Chúa.

Tổng Giáo Phận Huế, 29/6/2013,

Kỷ niệm lần thứ 12,

Ngày lãnh nhận Thiên Chức Linh Mục,

Lm. Minh Anh (Gp. Huế)





1 Đoạn văn này được dịch trực tiếp từ những ấn bản tiếng Pháp, Traité de la paix des âmes (A Treatise on the Peace of Souls), Juan de Bonilla, Editions Notre Dame de la Trinité, Blois, 1964, và La paix intérieure (Interior Peace), Juan de Bonilla, Editions Lion de Juda, 1991.

2 Những đoạn này được dịch trực tiếp từ bản tiếng Pháp Oeuvres Complètes, Visitation d’Annecy xuất bản. Bản tiếng Anh có thể được tìm thấy trong tập sách Serenity of Heart: Bearing the Troubles of This Life, Sophia Institute Press, 1997.

3 Đoạn này được dịch trực tiếp từ bản tiếng Pháp Oeuvres Complètes, bởi Fr. G. de Saint Joseph, Seuil. Bản tiếng Anh có thể được tìm thấy trong tập Way of Perfection, được dịch bởi E. Allison Peers, New York: Doubleday, 1991.

4 Đoạn này được dịch trực tiếp từ bản tiếng Pháp Lettres du Vénérable Père Libermann (Letters of the Venerable Father Libermann), biên soạn bởi L. Volgel, DDB, Paris, 1964.



tải về 466.89 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương