GIẢi nhân quyền việt nam 2008 giải truyền thông liên mạng 2011 trong số NÀY


Sẽ ra nghị quyết Biển Đông khi cần thiết



tải về 0.5 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.5 Mb.
#28731
1   2   3   4   5   6

Sẽ ra nghị quyết Biển Đông khi cần thiết

Trong cuộc họp báo sau phiên bế mạc kỳ họp quốc hội, chủ nhiệm văn phòng quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói với báo giới là tán thành tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hiện nay. Quốc hội tiếp tục theo dõi và sẽ có tuyên bố chính thức khi thấy cần thiết.

Theo nhiều người quan tâm tình hình tại khu vực Biển Đông hiện nay, sau khi Trung Quốc chính thức tuyên bố hoàn thành việc cải tạo một số bãi đá thành đảo nhân tạo, thì thực tế như thế là quá nguy cấp đối với Việt Nam chứ không thể nói là chưa đến lúc cần thiết.

Facebooker Trần Bang từ Sài Gòn trình bày về vấn đề này:



Theo tôi Quốc hội Việt Nam không độc lập, phụ thuộc vào đảng nên chẳng qua chỉ là nơi để thực hiện các nghị quyết của đảng. Cho nên nói quốc hội Việt Nam đại diện cho dân VN thì không đúng lắm.

Còn việc ra nghị quyết về Biển Đông theo tôi không phải chậm trễ mà là quá chậm trễ. Ngay từ năm ngoái khi giàn khoan HD981 đưa vào Biển Đông vào ngày 1 tháng 5, đến nay họ vẫn tiếp tục không ra nghị quyết. Trong khi đó nguyện vọng của nhân dân là quốc hội phải có tiếng nói để chứng minh rằng việc Trung Quốc cứ lấn tới ở Biển Đông là việc nghiêm trọng và nhân dân VN phải lên tiếng cho nhân dân thế giới và nhân dân Trung Quốc biết việc Trung Quốc làm như thế là không chính đáng, tham lam, là sử dụng sức mạnh của một cường quốc mới nổi để ăn hiếp Việt Nam.

Nhà nghiên cứu về Biển Đông, ông Trương Nhân Tuấn, từ Pháp cũng đưa ra những ý kiến về việc quốc hội Việt Nam qua mấy kỳ họp vẫn không có một nghị quyết nào về Biển Đông, mà trái lại còn cho là chưa cần thiết:

Chương năm bản Hiến pháp nói về vai trò Quốc hội. Điều 13 nói về thẩm quyền của quốc hội, nguyên văn như sau :

Quốc hội có quyền: “Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;”

Sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của VN bị đe dọa. Những công trình mà TQ vừa xây xong, trong những ngày tới sẽ trở thành những căn cứ quân sự, không quân và hải quân, một số có thể trở thành những pháo đài trên biển. Tất cả các đảo hiện do VN kiểm soát đều bị các căn cứ này đe dọa. Trong khi tham vọng của TQ, họ không giấu diếm, là làm chủ 90% Biển Đông. Thời gian tới họ sẽ ra tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Vùng biển của VN cũng bị đe dọa sẽ mất cho TQ.

Trước một tình huống như vậy, nếu ta so sánh với Phi, thì ta thấy thái độ của đại biểu VN khi cho rằng chưa cần thiết để ra một nghị quyết về Biển Đông là vô trách nhiệm.

Theo tôi, hợp lý thì quốc hội phải cấp thời ra nghị quyết về Biển Đông, ban bố tình trạng khẩn cấp ở Biển Đông, hoặc tuyên bố một biện pháp đặc biệt nào đó. Thí dụ kiện TQ ra Tòa. Hoặc là quốc hội ra văn bản chính thức yêu cầu LHQ can thiệp, yêu cầu TQ “tôn trọng luật quốc tế”. Điều này dễ dàng thực hiện vì thời gian qua các viên chức Mỹ đã nhiều lần yêu cầu TQ phải tôn trọng luật lệ quốc tế.”

Không thể đánh lại T.Quốc ?

Phó chủ tịch quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, trong cuộc gặp cử tri thành phố Đà Nẵng sau kỳ họp quốc hội vào ngày 29 tháng 6, được báo chí trong nước trích dẫn nói rằng “Chúng ta cũng đã nghĩ đến việc lấy lại, nhưng hiện nay chưa thể thực hiện được thì đời con cháu chúng ta sẽ làm việc đó. Bà con cử tri cũng hiểu cho các đồng chí lãnh đạo, không phải chúng ta lúc nào cũng hô hào đánh nhau. Hiện đã có phương án, giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Khi cần chúng ta sẽ ra nghị quyết và đã ra nghị quyết thì phải có hiệu lực”.

Cư dân mạng bàn tán xôn xao về bài phát biểu của phó chủ tịch quốc hội, thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn và có những phản ứng như trình bày của facebooker Trần Bang:

Điều này tôi có đọc lại một số báo thì thấy không hoàn toàn chính xác như Internet đưa. Còn nếu đúng như Internet đưa thì ông ấy không xứng đáng làm tướng, làm người dân Việt Nam cũng chưa được chứ đừng nói là làm tướng. Bởi vì như Internet đưa thì ông ta nói Trung Quốc mạnh lắm, mình không xâm phạm được nó. Nói như thế tức mình xâm phạm Trung Quốc, mà thực tế là Trung Quốc xâm phạm mình. Mình phải bảo vệ, bây giờ chúng ta chưa được mạnh thì chúng ta kêu gọi đồng bào, kêu gọi thế giới, tìm mọi biện pháp. Giống như chúng ta phải có Hội nghị Diên Hồng, kêu gọi người dân có kế gì hiến cho Nhà nước để đòi lại biển đảo. Trước mắt phải không để cho Trung Quốc xâm phạm nữa; sau đó chúng ta đòi lại từng phần đã mất. Phải kêu gọi như thế, ông ta là tướng khi kêu gọi phải ra được những ý như thế: chúng tôi cũng đã tìm cách đòi lại, lấy lại và trước mắt không cho Trung Quốc lấn tới nữa. Trung Quốc cứ nói hữu hảo mà cứ lấn tới hằng ngày, hằng giờ. Dân Việt Nam vẫn bị Trung Quốc xâm phạm. Ví dụ họ cấm không cho tàu thuyền của Việt Nam ra vùng Hoàng Sa từ tháng 6 đến tháng 8…

Về mặt pháp lý chúng ta hoàn toàn đủ sức chứ không yếu được. Mặt khác nếu thấy chưa đủ mạnh thì phải kêu gọi nhân dân, đồng bào, các nước ủng hộ chứ không thể nói yếu không dám chống giặc.

Các biện pháp khả thỉ

Nhà nghiên cứu Biển Đông Trương Nhân Tuấn trình bày quan điểm về việc nhắc đến biện pháp chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tình hình hiện nay:



Mình đâu có yêu cầu Việt Nam đánh, Phi cũng đâu chủ trương đánh; không ai chủ trương đánh cả.

Mình phải sử dụng những biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép. Vấn đề là Việt Nam có dư thừa những phương tiện để sử dụng, để chống lại Trung Quốc một cách hợp lý thì lại không sử dụng, ví dụ như Trọng tài Quốc tế, hay sử dụng diễn đàn của Liên Hiệp quốc để yêu cầu Liên Hiệp quốc đưa ra những nghị quyết để buộc Trung Quốc tôn trọng luật lệ. Hoặc là Việt Nam có thể thắt chặt đồng minh với Mỹ như Phi họ đang làm. Mục đích để tạo ra một thế đối trọng. Mình biết yếu không thể nào thắng được; nhưng từ bao lâu nay một nước yếu luôn liên minh với một nước mạnh khác để bảo vệ mình. Hành vi của Việt Nam hiện nay là thái độ tự cô lập mình. Thái độ này gọi là ‘tự sát’.

Theo nhiều người dân ở Việt Nam thì họ cho rằng chính quyền Hà Nội cần phải để cho dân chúng cùng tham gia lên tiếng về tình hình Biển Đông hiện nay. Đa số những người từng tham gia các lần biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam trước đây đểu nêu chất vấn tại sao chính quyền Hà Nội lại mạnh tay đàn áp với người dân yêu nước; cũng như mạnh mẽ chỉ trích, tuyên truyền về các thế lực thù địch mà không nói đủ cho người dân trong nước và cả thế giới về tình hình nóng bỏng tại Biển Đông



Lời bình của

GS Nguyễn Văn Tuấn:

“Ta như thế này thì bà con thấy ta ăn thua với họ được không?”

Tôi đọc trên một website lề dân thấy tác giả trích câu nói của ông Phó chủ tịch Quốc hội làm tôi kinh ngạc. Đại khái ông nói rằng VN mình coi như bó tay, không thể đòi hay lấy lại Hoàng Sa & Trường Sa đã mất vào tay giặc. Ông còn nói như thách thức: “Ai có giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng không”. Tôi không tin vào mắt mình và không tin tác giả trích dẫn đúng, nên tôi thử google thì quả thật câu nói này trong báo phapluat.vn! Nhưng vào trang web thì thấy người ta đã xoá câu nói này.

Báo phapluat.vn có đi bài “Vì sao Quốc hội chưa ra Nghị quyết về biển Đông” (1) mà trong đó ông Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn giải thích tại sao không cần ra nghị quyết về Biển Đông. Theo bản tin lề dân thì nguyên văn câu ông nói là:

“Không lẽ bây giờ bà con bảo là đánh nhau… Nhiều lần ta cũng nghĩ tới việc lấy lại nhưng trong lúc này chưa thể lấy lại được. Để đời con đời cháu chúng ta lấy lại. Trung Quốc bây giờ họ củng cố gần như là bất khả xâm phạm rồi”.

Nhưng càng ngạc nhiên hơn, tác giả cũng trích một câu khác của ông: “Ta như thế này thì bà con thấy ta ăn thua với họ được không? Ai tài giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng không? Đánh được rồi nhưng có giữ được không?”

Vào trang phapluat.vn thì thấy người ta đã lược bỏ hai câu “tế nhị” trên. Nhưng trong cache thì hai câu vẫn còn đó. Như vậy, rõ ràng là ông thượng tướng có nói câu đó, và báo lề dân trích dẫn đúng.

Phải nói rằng khó có một đại biểu QH nào mà nói thẳng như thế. Phong cách rất Nam bộ (và tôi đoán ông này chắc là dân miền Nam). Nhưng cũng chính cách nói “ta như thế này…” giúp chúng ta hiểu rõ hơn thái độ của chính quyền trước sự hung hãn của Tàu. Càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng người phát ngôn câu này là một thượng tướng trong quân đội! Không biết các vị khác nghĩ gì về hai câu nói bất hủ này.
ĐỊNH LƯỢNG ĐẤU TRANH

GS Nguyễn Văn Tuấn

02-07-2015

Tựa đề của cái note này nghe hơi lạ tai, nhưng ý tôi muốn nói là định lượng sự đấu tranh, nhân đọc một giải thích tại sao Quốc hội không ra nghị quyết về Biển Đông. Ngài Phó Chủ tịch Quốc hội giải thích rằng lí do là vì VN đã có các phản ứng và đấu tranh kịp thời trên mặt trận ngoại giao. Nhưng khác với những quan chức khác quen nói chung chung, lần này ngài Phó chủ tịch nói cụ thể bằng định lượng. Ngài cho biết phía VN đã 14 lần tiếp xúc với phía Tàu, 9 lần trao công hàm, và viên phát ngôn ngoại giao đã 10 lần phát biểu (1). Cộng lại tất cả là VN đã có 14 + 9 + 10 = 33 lần “đấu tranh”. Ngẫm nghĩ hơi tức cười…

Còn ngài Chủ tịch Nước thì có tiết lộ thêm là nhiệt độ đàm phán khá cao. Ông cho biết rằng trong thời gian qua VN đã có những “đàm phán nảy lửa về chủ quyền Biển Đông” (2). Nhưng hình như không có nhiệt kế để đo “nảy lửa” là bao nhiêu độ, dù chúng ta có thể đoán được là nhiệt độ phòng họp chắc cỡ 20-25 độ, rất thoải mái.

Nhưng tất cả những 33 lần đấu tranh đó có mẫu số chung: bằng chữ. Phản đối chỉ bằng chữ. Trao công hàm là bằng chữ. Tiếp xúc với Tàu cũng dùng chữ. Viên phát ngôn thì khỏi nói chúng ta cũng biết là dùng chữ. Chỉ dùng chữ, chứ không dùng hành động thực tế.

Khác với VN, Tàu chẳng những nói mà họ còn dùng hành động, có khi vũ lực. Họ cho tàu thăm dò dầu hỏa của họ dạo chơi trong vùng biển của VN. Họ đưa dàn khoan HD981 quay lại vùng biển Hoàng Sa. Họ cho tàu hải cảnh của họ cướp bóc tàu của ngư dân VN HÀNG NGÀY. Họ cho báo chí của đảng Cộng sản Tàu viết bài khiêu khích, mỉa mai, khinh bỉ, nói xấu lãnh đạo VN. Họ chẳng từ một thủ đoạn nào để “chơi” Việt Nam. Ấy thế mà có những quan chức Việt Nam ngọt ngào gọi họ là… bạn! Những hành động của Tàu cũng là một minh chứng cho thấy 33 cái đấu tranh bằng chữ trên đây của phía VN chẳng có xi-nhê gì cả.

Đành rằng chẳng có người Việt nào muốn gây chiến tranh với họ (Tàu), nhưng bất cứ người Việt nào cũng cảm thấy danh dự dân tộc bị xúc phạm trước những hành động gây hấn trên của Tàu. Chính phủ tồn tại là để bảo vệ người dân, kể cả bảo vệ danh dự cho dân. Nếu một Chính phủ không có khả năng bảo vệ ngư trường cho ngư dân, thì người dân hoàn toàn có lí do để thắc mắc: Chính phủ đó đang phục vụ vì lợi ích của ai? Những con số đếm về số lần tiếp xúc, đưa công hàm, và số lần mở miệng chẳng có tương quan gì đến việc bảo vệ danh dự dân tộc.

Phải nói là theo dõi nghị trường QH ở VN rất thú vị. Thú vị là vì những phát biểu rất ư là khó đoán trước (unpredictable) mà chúng ta –người bình thường– không nghĩ ra được. Ở bên Úc cũng thỉnh thoảng có những dân biểu phát biểu những câu lạ lùng và trực tiếp, nhưng so với đồng nghiệp bên VN thì dân biểu Úc thua xa. Trong cái nhìn của công chúng, đại biểu QH là những người thông thái, suy nghĩ sâu xa, mẫn cảm với thời thế, ăn nói hoạt bát, hay nói chung là những người ưu tú (elite) trong xã hội. Nhưng qua những phát biểu của họ, chúng ta nhận ra một sự thật hiển nhiên là họ cũng tầm thường như chúng ta thôi. Có đại biểu mới đây còn nói người Việt nói chung là… dốt (3). Hay là câu nói “Dân thế nào thì chính phủ thế ấy” nghiệm ứng cho trường hợp VN hiện nay.

____


(1) Phó Chủ tịch Quốc hội giải thích việc chưa ra nghị quyết về Biển Đông (Infonet).

(2) Chủ tịch nước: ‘Đã đàm phán nảy lửa về chủ quyền Biển Đông’ (VnExpress).

(3) Trưng cầu ý dân phải xem lòng Đảng (VNN).

Đấu tranh hòa bình bất bạo động

Giải thể chế độ độc tài cộng sản

Vạch trần bộ mặt Hồ Chí Minh

Trong thời gian vừa qua, dư luận nhắc nhiều đến sự kiện CSVN đang đàm phán với 11 quốc gia để được gia nhập vào TPP, chữ viết tắt của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partner-ship Agreement).

Hiệp định TPP khởi động từ tháng 3-2010 và đã trải qua hơn 5 năm đàm phán. Nếu được thành lập vào cuối năm 2015 như dự tính, các quốc gia thành viên của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Đây là thị trường không chỉ lớn nhất mà sẽ trở nên năng động nhất của thế giới.

Chính vì lẽ đó mà CSVN hy vọng việc “được” gia nhập vào TPP sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam lớn mạnh, đặc biệt là giúp tái cơ cấu nền kinh tế vốn đang gặp rất nhiều trì trệ sau khi một số tập đoàn kinh tế bị phá sản từ năm 2010.

Mục tiêu chính của TPP - vượt cao hơn WTO hay những hiệp ước thương mại (FTA) khác - là nhằm xây dựng vùng mậu dịch có 2 đặc điểm:

1/ Xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Trong nỗ lực này, bản thân TPP sẽ tạo ra các điều luật quốc tế có khả năng điều chỉnh chính sách và hướng đi luật pháp của các nước thành viên. Tức là các điều luật về mậu dịch của những quốc gia thành viên phải tuân theo định hướng của TPP.

2/ Thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, an toàn lao động, quyền công nhân, kiểm soát chặt chẽ các công ty quốc doanh không chèn ép tư doanh v.v…

Với nền tảng luật lệ và phạm vi kết nối của 12 quốc gia thành viên trong TPP như vậy, liệu CSVN có khả năng thích ứng hay không và nhất là Việt Nam được hưởng những lợi ích gì khi tham gia TPP?

Việt Nam được lợi gì?

Theo thống kê của Bộ tài chánh CSVN thì trong thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu của VN đến 11 quốc gia thành viên thuộc TPP đã có những thay đổi đáng kể. Trong 10 tháng đầu năm 2014, VN nhập khẩu gần 28 tỷ Mỹ kim hàng hóa của các nước trong TPP, tương đương với 23% tổng kim ngạch nhập khẩu, xuất khẩu đạt 48 tỷ Mỹ kim chiếm 39% kim ngạch xuất khẩu. Riêng về lãnh vực đầu tư, gần 32% vốn FDI của VN đến từ các nước thành viên TPP.

Với những số liệu thống kê nói trên, trao đổi mậu dịch giữa Việt Nam với các nước trong TPP rất khả quan. Vì thế nếu TPP chính thức ra đời sẽ còn mang nhiều thuận lợi cho VN.

Theo ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ công thương CSVN, cho biết việc gia nhập vào TPP sẽ giúp cho Việt Nam đạt 4 lợi điểm như sau:



Thứ nhất, thông qua lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước thành viên, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu gia tăng, thu hút đầu tư và mở rộng các hoạt động về dịch vụ mang tính toàn cầu.

Thứ hai, Việt Nam sẽ có lợi thế trong trung hạn trước nhiều đối thủ cạnh tranh khi xâm nhập các thị trường. Trong chiều hướng đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nâng cao chất lượng sản xuất bằng cách đổi mới kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao về hàng hóa, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp.

Thứ ba, cơ hội để người dân Việt Nam được tiếp cận với nguồn hàng hóa có chất lượng, phong phú, đa dạng về thể loại, giá cả cũng như giúp nâng cao đời sống tốt đẹp hơn.

Thứ tư, giúp tạo ra môi trường chính sách rõ ràng, minh bạch và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh, qua đó, giúp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công cuộc tái phối trí cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Như vậy, điều thuận lợi nhất cho VN khi gia nhập TPP chính là giúp cho hàng hóa xuất khẩu gia tăng và vì thế thu hút đầu tư nhiều hơn.



Việt Nam bị thách đố gì?

TPP là một hiệp định có mức độ tự do hóa cao và sâu giữa các quốc gia thành viên. Trong khi đó, Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, đa số các doanh nghiệp hoạt động dựa vào vốn bên ngoài, quản lý yếu kém, công nghệ thô sơ nên sẽ gặp một số thách đố, nếu không nỗ lực khắc phục:



Thứ nhất, các mặt hàng nông phẩm của VN khó cạnh tranh nổi các nước thành viên khác. Tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, năng xuất lại càng thấp so với tiêu chuẩn quốc tế và nhất là vốn đầu tư còn quá yếu kém nên sẽ khg thể khai thác các lợi thế xuất khẩu, thuế suất giảm của TPP.

Nếu Việt Nam không khắc phục thì nông phẩm của các nước khác sẽ nhập vào giết chết nền nông phẩm xuất khẩu của Việt Nam, như hiện nay hàng hóa Trung Quốc đang khống chế thị trường Việt Nam.



Thứ hai, đa số các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong môi trường kinh tế mang tính “ăn xổi ở thì” và thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế, do đó mà khi hội nhập vào TPP, doanh nghiệp Việt Nam chỉ loay hoay trong sân chơi của mình, trong khi các doanh nghiệp của những quốc gia thành viên TPP sẽ nhảy vào đầu tư ở Việt Nam để “đón sóng” TPP, nhất là các ngành da giày, dệt may - những ngành được cho là thế mạnh của Việt Nam.

Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là phải nhanh chóng tái cấu trúc nền kinh tế, qua đó đẩy mạnh phát triển khu vực tư doanh để tận dụng sự nhạy bén thị trường của giới doanh nhân, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị thì mới có thể tham gia vào sự cạnh tranh đầy hứa hẹn của TPP. Nếu không thì hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam tiếp tục đứng ở bảng thấp nhất trong các nước.



Thứ ba, trong các quốc gia thành viên TPP, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Trong quá trình đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, vì Hoa Kỳ có một nền kinh tế lớn, đa dạng và phức tạp nên vì thế mà nội dung đàm phán rất gay go, đặc biệt là những đòi hỏi mở rộng thị trường của Hoa Kỳ.

Phía Việt Nam thì ưu tiên đòi hỏi những ưu đãi trong xuất khẩu ngành dệt may, da giày. Trong khi đó phía Hoa Kỳ thì danh sách đàm phán khá dài như yêu cầu Việt Nam mở cửa cho ngành xe hơi, thịt lợn, thịt gà, sắt thép, nông phẩm được nhập vào. Ngoài ra, Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chống buôn bán động vật hoang dã và thực hiện công ước CITES (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora - Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).

Nếu sau khi đồng ý qua đàm phán mà Việt Nam không đáp ứng hay vi phạm những gì đã cam kết, thì Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên khác trong TPP sẽ trừng phạt bằng cách rút lại những ưu đãi. Đây là điều mà Hà Nội lo ngại nhất vì biết là chưa đủ khả năng để đáp ứng các đòi hỏi của những quốc gia đã phát triển về lãnh vực hàng hóa và dịch vụ.

Thứ tư, khi tham gia vào TPP, Việt Nam sẽ phải cam kết thi hành hai điều không có trong WTO. Thứ nhất là phải cam kết công khai hóa về đầu tư công, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh và vấn đề quản trị, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước… Thứ hai là phải điều chỉnh cả những nội dung không trực tiếp mang tính thương mại nhưng có liên quan đến thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, môi trường, công đoàn…

Những cam kết nói trên là các vấn đề rất mới và đụng ngay đến nền tảng của cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nói cách khác là CSVN sẽ phải điều chỉnh lại vai trò của thị trường, nhà nước, xã hội, trong đó thị trường sẽ giữ vai trò quyết định trong việc phân bố nguồn lực, thì VN mới tiến đến “nền kinh tế thị trường” đúng nghĩa.

Đó là Việt Nam phải cam kết tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cũng như công nhận sự hoạt động của các công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi người lao động.

TPP và tương lai Việt Nam

TPP sẽ không dừng lại ở 12 quốc gia thành viên mà sẽ thu hút thêm nhiều quốc gia khác tham gia trong tương lai. Tuy mang đặc tính là một thị trường mở để các quốc gia thành viên giao dịch hàng hóa và dịch vụ với nhau, nhưng trên mặt chiến lược, đây là thị trường nằm dưới sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ nhằm đối đầu lại thị trường có hơn 1,3 tỷ người ở Hoa Lục. Nói cách khác, TPP là một công cụ nằm trong chiến lược xoay trục về Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, bằng cách dùng các ảnh hưởng kinh tế để hình thành một liên minh chống lại sự bành trướng của TQ.

Trong khi đó, tham vọng bành trướng của Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh dưới thời Tập Cận Bình qua mục tiêu xây dựng Con đường Tơ lụa kinh tế xuyên qua vòng đai trung tâm Âu–Á và Con đường Tơ lụa hàng hải xuyên qua biển Đông và Ấn Độ Dương.

Với chiến lược bành trướng nói trên, Trung Quốc sẽ nối kết 64 quốc gia trong khu vực với tổng nhân số lên đến 4,4 tỷ người, chiếm 29% GDP của cả thế giới.

Điều này cho thấy là tại Á Châu sẽ có hai thị trường lớn được hình thành song song, trong đó TPP có nhiều ưu thế hơn vì là thị trường có hai cường quốc Hoa Kỳ và Nhật Bản dẫn đầu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ có hai chọn lựa:

Một là tích cực cải cách để hội nhập tốt đẹp vào TPP hầu tạo cơ hội phát triển đất nước, và nhất là thoát khỏi sự khống chế của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay mà cụ thể là chấm dứt nạn nhập siêu quá lớn từ hàng hóa Trung Quốc.

Hai là tiếp tục đu dây như hiện nay để tham gia vào cả hai thị trường TPP và Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh hầu không làm Trung Quốc khó chịu. Nhưng khác với trước đây, việc đu dây lần này sẽ bị chính những thành viên TPP tạo áp lực và bị chế tài vì không chu toàn trách nhiệm.

Nhìn thuần tuý trên mặt kinh tế, TPP là một thách đố rất lớn cho Việt Nam để thoát xác nghèo đói. Còn nếu nhìn trên mặt quyền lợi dân tộc, TPP là một cơ hội để thoát khỏi gọng kềm Bắc Phương.

TPP và nhân quyền Việt Nam

Trong Hiệp định TPP, các quốc gia thành viên phải cam kết công khai hóa về đầu tư công, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh và vấn đề quản trị, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước… Đồng thời phải điều chỉnh cả những nội dung không trực tiếp mang tính thương mại nhưng có liên quan đến thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, môi trường, công đoàn…

Trong một bài đăng trên tạp chí Politico Magazine ngày 11-6-2015, có tựa đề “TPP sẽ giúp người lao động ở VN theo đuổi nhân quyền”, ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về dân chủ, nhân quyền và lao động, đã viết như sau:

“Hiệp định TPP sẽ bao gồm đòi hỏi về việc Việt Nam phải bảo đảm quyền tự do lập hội, bằng cách cho phép người lao động thành lập công đoàn độc lập thực sự. TPP sẽ đòi hỏi tất cả các nước tham gia hiệp định này phải thay đổi luật pháp và tập quán theo những nguyên tắc và quyền lao động căn bản.

“Việt Nam sẽ phải thực hiện những cải cách cần thiết hoặc bị mất những lợi ích của hiệp định.

“Những diễn tiến này không tự chúng bảo đảm sự tôn trọng đầy đủ quyền con người và quyền lao động ở Việt Nam nhưng là những bước cần thiết và quan trọng để đi đến hướng đó”.

Với những quy định nói trên, nhiều người hy vọng là qua Hiệp định TPP, CSVN sẽ phải công nhận quyền thành lập Công đoàn Độc lập của người lao động tại Việt Nam, chấm dứt sự khống chế của Tổng liên đoàn Lao động trên người lao động trong những năm vừa qua. Và khi Công đoàn Độc lập xuất hiện thì dù có luật hay không có luật về quyền lập hội, lần lượt các tổ chức, đoàn thể xã hội và chính trị sẽ ra đời hoạt động công khai như các đoàn thể xã hội dân sự hiện nay.

Nhưng cũng có người không lạc quan như thế mà cho rằng CSVN sẽ tiếp tục trì hoãn bằng cách giao cho quốc hội nghiên cứu nhưng không bao giờ mang ra biểu quyết như tình trạng Luật Biểu tình, Luật về Quyền lập hội như hiện nay. Hơn thế nữa, trong lúc cần Hoa Kỳ và Nhật Bản ủng hộ cho việc tham gia TPP, CSVN sẽ hứa làm tất cả, nhưng sau khi gia nhập rồi thì Hà Nội làm ngơ, hay đàn áp thô bạo hơn. Sự tráo trở của Hà Nội khiến cho người ta không tin vào các cam kết của CSVN.

Tuy nhiên, nếu chúng ta coi các ràng buộc về quyền của người lao động, sự hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong TPP là những cam kết mà các quốc gia thành viên của TPP phải thi hành, thì đó là những lý cớ tốt nhất để tiếp tục vận động tạo áp lực buộc Hà Nội phải tôn trọng và thi hành.

Không có áp lực nào mạnh mẽ, buộc đối phương cam kết thi hành nếu không có đấu tranh. Vì thế, chúng ta nên coi việc CSVN đàm phán với các quốc gia, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ để tham gia vào TPP, là một cơ hội nhằm mở rộng các cuộc vận động buộc Hà Nội phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm, cũng như tôn trọng các hoạt động của những đoàn thể xã hội.




tải về 0.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương