Câu Chuyện Triết Học ns trí Hải o0o Nguồn



tải về 2.14 Mb.
trang21/56
Chuyển đổi dữ liệu03.11.2017
Kích2.14 Mb.
#34032
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   56

IV. ĐẠO ĐỨC HỌC


Đây là một tác phẩm vô cùng quí giá, trong đó Spinoza lần đầu tiên đem phương pháp toán học để nghiên cứu và giảng giải các vấn đề thuộc lãnh vực đạo đức. Sự cố gắng của Spinoza thật đáng khen. Tuy nhiên cần công nhận cuốn Đạo đức học rất khó hiểu. Trước Spinoza, Descartes cũng đã tin tưởng phương pháp toán học có thể áp dụng trong lãnh vực triết học nhưng Descartes chưa bao giờ thực hiện ý định này. Việc áp dụng phương pháp toán học vào khoa học đã được các khoa học gia như Copernic, Képler và Galilée, những công trình của các vị này khuyến khích Spinoza áp dụng phương pháp toán học trong triết học. Spinoza đã dùng những định đề, định luật, nguyên lý chứng minh... rất nhiều trong tác phẩm ông và người đọc có cảm tưởng như mình đang đánh một ván cờ với các tướng sĩ tượng xe pháo mã tốt. Có lẽ rằng trong những ngày dài cô đơn trong phòng đọc sách Spinoza đã sáng chế ra trò chơi này để giết thì giờ. Đối với phần đông chúng ta, vấn đề nghiên cứu triết học cần nhiều tưởng tượng hơn là lý luận, kết quả là một mớ kiến thức lộn xộn không ăn khớp với nhau. Spinoza muốn đi ngược lại khuynh hướng này, hệ thống hoá và thống nhất hoá tất cả các tư tưởng. Ông muốn đi tìm một chân lý minh bạch khô khan hơn là tìm những tư tưởng bóng bẩy dưới một văn thể hoa mỹ. Tác phẩm của ông là một tác phẩm của một kiến trúc sư cổ điển với những đường thẳng song song cân đối. Tác phẩm được viết bằng tiếng La tinh, do đó việc dịch thuật gặp nhiều trở ngại vì có những ý niệm rất minh bạch khi diễn tả bằng tiếng La tinh mà lại không rõ ràng khi phải diễn tả bằng một thứ tiếng khác. Nói tóm lại, tác phẩm của Spinoza không phải để đọc mà để nghiên cứu học hỏi. Phải đọc nó như khi ta đọc một cuốn sách toán học và đừng quên rằng tác phẩm với 200 trang ngắn ngủi đó là kết quả của một đời suy tư. Chúng ta cần phải đi từng bước một, không một chi tiết nào có thể bỏ qua vì chúng ta sẽ không thể hiểu những ý niệm trình bày ở sau nếu chưa thông suốt được những ý niệm đã trình bày ở trước. Một vài ý niệm có vẻ không quan trọng lại có thể là những ý niệm then chốt. Mặt khác, chúng ta sẽ không thể thưởng thức những ý niệm lẻ loi trước khi chúng ta đã thông suốt toàn bộ tác phẩm. Chính Spinoza cũng khuyên các độc giả nên đọc tác phẩm của ông một cách thận trọng, không nên đọc suốt một lần mà chỉ nên tiến theo từng giai đoạn nhỏ. Khi đã đọc xong toàn thể tác phẩm, chúng ta sẽ có cảm giác thích thú là chúng ta vừa mới bắt đầu hiểu tác phẩm. Ngoài ra, các bạn nên đọc một vài bài bình luận trứ danh viết về Spinoza rồi trở lại đọc tác phẩm Spinoza một lần nữa. Các bạn sẽ thấy rằng tác phẩm ấy sẽ đem lại cho các bạn nhiều nguồn ánh sáng mới, và sau đó các bạn sẽ trở thành một người say mê triết học.

---o0o---



1. Bản thể của Thiên chúa

Bắt đầu tác phẩm là một thiên trường luận siêu hình. Phần đông chúng ta rất sợ những vấn đề siêu hình nhưng nghĩ cho cùng thì, như William James đã nói, siêu hình học chỉ là một cố gắng tìm hiểu sự vật trong bản thể tối hậu của chúng và do đó, thống nhất hoá các tư tưởng để đi đến một chân lý toàn vẹn nhất. Ngay cả khoa học, mới xem qua có vẻ không dính dấp gì đến các vấn đề sieu hình, nhưng nếu nghiên cứu tường tận hơn thì khoa học cũng bắt nguồn từ những vấn đề siêu hình.

Spinoza cho rằng tất cả hiện tượng hoặc các sự vật đều do một bản thể. Bản thể ở đây phải hiểu theo một nghĩa rộng, đó là cái bản thể trường cửu và bất biến. Nếu chưa đạt được bản thể trường cửu và bất biến ấy chúng ta chỉ mới đề cập đến các hiện tượng mà thôi. Hình như Spinoza dùng chữ bản thể để nói đến cái nguyên lý trường cửu của vũ trụ. Cũng có đoạn Spinoza gom góp ba ý niệm: bản thể, thiên thể và Thiên chúa là một. Spinoza quan niệm thiên nhiên là mầm sống và quan niệm này đã được Bergson khai triển. Cũng có lúc Spinoza dùng tiếng "thiên nhiên" để chỉ những cái gì đã được tạo thành như rừng cây, sông núi, đồng ruộng v.v... Khi Spinoza viết rằng thiên nhiên là Thiên chúa, ông muốn nói đến cái quan niệm thiên nhiên sinh thành vạn vật chứ không phải là cái thiên nhiên đã được tạo thành. Quan niệm bản thể của Spinoza chính là một quan niệm siêu hình, nó không phải là vật chất, nó tạo ra vật chất.

Spinoza nói rằng bản thể của vũ trụ là Thiên chúa. Danh từ bản thể này không nên hiểu là thế giới vật chất. Những định luật bất biến của vũ trụ và những ý muốn của Thiên chúa chỉ là một. Những định luật này tuyệt đối bất biến trong không gian và thời gian, không khác gì những định luật toán học. Vũ trụ không khác gì một công trình kiến trúc vĩ đại. Sở dĩ công trình này đứng vững là nhờ những định luật quy định sự tương quan giữa những phần này và phần khác. Một cái cầu bắc qua một con sông dài sẽ không thể đứng vững nếu không theo những định luật căn bản về kiến trúc. Vũ trụ cũng đứng vững không khác gì cái cầu kia nhờ những định luật của Thiên chúa. Tất cả những hiện tượng chỉ là những diễn biến theo một quá trình đã ấn định. Sự hiện diện của Thiên chúa thật rõ ràng qua những hiện trạng ấy. Chúng ta không nên quan niệm Thiên chúa là một kẻ độc tài muốn thay đổi ý định lúc nào cũng được. Descartes xem cuộc sống chỉ là những tác động máy móc, Spinoza xem Thiên chúa và tâm linh cũng chỉ là những tác động máy móc. Vũ trụ của Spinoza là một vũ trụ xác định. Chúng ta thường có những thói quen suy nghĩ rằng tất cả những hành động của chúng ta đều do một mục đích hoặc một ý định nào đó. Chúng ta đem ý tưởng này gán cho vũ trụ và tạo nên một Thiên chúa theo hình ảnh của chúng ta. Do đó chúng ta gặp phải một trở ngại không thể giải quyết khi muốn giảng giải sự có mặt của điều ác trên trái đất này. Chúng ta không thể quan niệm một Thiên chúa toàn thiện tòan năng lại để cho các điều ác tồn tại. Sự thật thì Thiên chúa đứng trên các điều thiện và điều ác của chúng ta. Thiện hay ác chỉ là những quan niệm của những cá nhân nhỏ bé, nó hoàn toàn không có một ý nghĩa gì trong vũ trụ khách quan. Đối với vũ trụ ấy thì lịch sử của loài người không khác gì những chữ viết trên mặt nước. Có những sự việc mà chúng ta cho là ác, sự thật thì không có gì là ác với vũ trụ. Mặt khác có những sự việc lúc thì thiện lúc thì ác, lúc thì không thiện không ác tuỳ theo trường hợp. Một bản nhạc có thể là thiện đối với người này, ác đối với người khác và không thiện không ác đối với người đã chết.

Quan niệm về đẹp và xấu cũng không khác gì quan niệm thiện ác kể trên. Đó chỉ là những quan niện chủ quan: Cái gì hợp với chúng ta, chúng ta cho là đẹp, thiện. Cái gì không hợp với chúng ta chúng ta cho là xấu, ác. Spinoza đã đi xa hơn Platon còn tin tưởng rằng cái đẹp là cái gì phù hợp với định luật của Thiên chúa. Spinoza còn chỉ trích ý niệm cho rằng Thiên chúa là một người. Ông tự hỏi tại sao lại nói rằng Thiên chúa là một người đàn ông mà không nói Thiên chúa là một người đàn bà ? Ngay trong quan niệm này, chúng ta đã thấy sự suy diễn cái ý niệm trọng nam khinh nữ của con người vào lãnh vực siêu hình. Nếu cho rằng Thiên chúa là một người, chẳng bao lâu chúng ta sẽ quan niệm rằng Thiên chúa sẽ có thể thấy được, nghe được, quan sát được, mong muốn được vân vân. Spinoza kết luận rằng một hình tam giác sẽ nói rằng Thiên chúa là một hình tam giác và một vòng tròn sẽ bảo rằng Thiên chúa là một vòng tròn.

Spinoza quan niệm rằng không thể gán cho Thiên chúa một ý chí như ý chí của con người mà phải xem rằng ý chí của Thiên chúa là tất cả các nguyên lý và định luật trong vũ trụ, do đó lý trí của Thiên chúa là tất cả lý trí trong vũ trụ. Spinoza tin rằng tất cả các sự vật đều có một linh hồn. Linh hồn và thể chất chỉ là hai khía cạnh của một vấn đề.

---o0o---

2. Vật chất và tâm thức.

Vật chất là gì ? Tâm thức có phải là vật chất không, hoặc ngược lại thân xác phải chăng chỉ là một hình ảnh của tâm thức ? Sự suy nghĩ là nguyên do hay là kết quả của những diễn tiến trong bộ óc ? Phải chăng sự suy nghĩ và những diễn tiến ấy hoàn toàn độc lập với nhau ? Spinoza trả lời rằng tâm thức không phải là vật chất và vật chất cũng không phải là một hình ảnh do tâm thức tạo nên. Các diễn tiến trong óc não không phải là nguyên do mà cũng không phải là kết quả của sự suy nghĩ, các diễn tiến ấy và sự suy nghĩ cũng không phải hoàn toàn độc lập đối với nhau. Diễn tiến và suy nghĩ chỉ là một hiện tượng được nhìn dưới hai khía cạnh khác nhau. Nếu ở trong nhìn ra, thì chúng ta cho đó là suy nghĩ, nếu ở ngoài nhìn vào thì chúng ta cho đó là sự di chuyển của các dòng điện. Spinoza còn đi xa hơn và cho rằng tâm thức và vật chất chỉ là một hiện tượng nhìn dưới hai khía cạnh khác nhau. Tâm thức không thể ảnh hưởng đến tâm thức vì cả hai chỉ là một. Thân xác không thể bắt tâm thức suy nghĩ, tâm thức không thể bắt thân xác cử động hoặc nằm yên vì lẽ rất giản dị rằng quyết định của tâm thức và sự cử động của thân xác chỉ là một. Các hiện tượng khác của vũ trụ cũng đều có hai khía cạnh như vậy: một khía cạnh ngoài mặt và một khía cạnh bên trong. Quan niệm này đã được nhiều người Do thái tán đồng khi họ nói rằng trí năng Thiên chúa và những sự vật do trí năng ấy tạo ra chỉ là một. Nếu tâm trí được hiểu theo nghĩa rộng và được đồng hoá với toàn thể thần kinh hệ thì tất cả những sự thay đổi trong thể xác đều phải kèm theo những sự thay đổi trong tâm trí. Nếu ý nghĩ và những hiện tượng trong trí óc đều có liên quan chặt chẽ với nhau thì tất cả những gì xảy đến cho thể xác đều được trực nhận bởi tâm trí. Do đó những cảm xúc chỉ là hậu quả của những sự thay đổi trong cơ thể, trong bộ máy tuần hoàn, bộ máy hô hấp hoặc bộ máy tiêu hoá. Một môn phái tâm lý học ngày nay tin tưởng rằng ý nghĩ của con người có thể được phát hiện do những sự rung chuyển trong yết hầu.

Sau khi giải thích sự tương quan giữa tâm trí và thể xác, Spinoza đề cập đến sự tương quan giữa ý chí và lý trí. Ông cho rằng rất khó mà phân biệt thế nào là ý chí, thế nào là lý trí, thế nào là sự tưởng tượng, thế nào là trí nhớ. Tâm trí không phải là một bộ phận để sản xuất ra những ý nghĩ, tâm trí và ý nghĩ chỉ là một. Nhiều ý nghĩ họp lại và người ta cho đó là tâm trí, nhiều sự ham muốn họp lại và người ta cho đó là ý chí. Spinoza kết luận rằng ý chí và tâm trí chỉ là một, vì ý chí chỉ là một ý nghĩ có một mãnh lực đặc biệt và có thể biến thành hành động. Tất cả các ý nghĩ đều có thể biến thành hành động nếu không bị ngăn trở bởi những ý nghĩ khác. Ý nghĩ chỉ là bước đầu của một quá trình tư tưởng hành động. Những ý chí chỉ là những sự tham muốn và tham muốn là đặc tính căn bản của con người. Tham muốn có thể xem như là một bản năng. Chúng ta có thể nhận thức được sự tham muốn trong khi chúng ta rất ít khi nhận thức được bản năng. Spinoza cho rằng trong thế giới loài người, cũng như trong thế giới loài vật, bản năng tự tồn có một sức mạnh vô biên. Schopenhauer và Nietzsche cũng thấy rằng bản năng tự tồn và bản năng bành trướng thế lực là hai bản năng cơ bản của con người. Tất cả những bản năng đều nhằm mục đích kéo dài sự tồn tại của cá nhân hoặc của giòng giống. Khoái lạc và đau khổ là hậu quả của sự thoả mãn hoặc không thoả mãn của bản năng. Khoái lạc và đau khổ không phải là nguyên nhân của lòng tham muốn, chúng nó là kết quả của lòng tham muốn. Chúng ta không tham muốn những sự vật vì những sự vật ấy đem lại cho chúng ta nhiều khoái cảm. Phải nói rằng những sự vật đem lại cho chúng ta nhiều khoái cảm chỉ vì chúng ta tham muốn những sự vật ấy. Tại sao chúng ta tham muốn ? Vì đó là bản năng của chúng ta.

Do đó, tự do ý chí là một điều không thể có. Bản năng tự tồn quy định sự tham muốn và sự tham muốn quy định sự suy luận, sự suy luận quy định hành động. Các quyết định của con người chỉ là sự hiện diện của lòng ham muốn. Trong tâm trí con người không có một ý chí nào có thể gọi là tự do. Một ý chí xuất hiện là do một ý chí khác thúc đẩy và cứ như thế cho đến khi con người trở về với bản năng. Người ta tưởng rằng họ có tự do chỉ vì họ nhận thức được những ý chí và những sự thèm muốn của họ, nhưng họ hoàn toàn mù tịt về những cái gì thúc đẩy những ý chí và những sự thèm muốn ấy. Con người cho rằng mình có tự do không khác gì cục đá cho rằng nó có tự do khi nó bị ném đi đến một nơi xa. Sau khi đả kích quan niệm tự do trong ý chí và tư tưởng, Spinoza kết luận rằng thái độ của con người có thể được xác định bằng những định luật tâm lý minh bạch và khách quan không khác gì những định luật về hình học. Ông ước mong sẽ tìm được những định luật ấy hầu nghiên cứu tâm thức một cách khoa học không khác gì các kỹ sư nghiên cứ các đường thẳng và các mặt phẳng. Mục đích của Spinoza là tạo nên một khoa tâm lý hoàn toàn khách quan, không tìm cách phê bình chê bai những hành vi của con người mà trái lại chỉ tìm hiểu các hành vi ấy. Ông muốn nghiên cứu các sự đam mê, các tật xấu như những hiện tượng hoàn toàn khách quan, với thái độ của một nhà khoa học khi nghiên cứu các hiện tượng nóng lạnh mưa gió sấm chớp của vũ trụ. Sự cố gắng của Spinoza đã khích lệ rất nhiều triết gia.

---o0o---

3. Lý trí và đạo đức.

Có ba hệ thống tư tưởng về đạo đức. Hệ thống thứ nhất là hệ thống của Phật giáo và Thiên chúa giáo. Hệ thống này đề cao những đức tính từ bi mà Spinoza gọi là đức tính đàn bà. Theo hệ thống này thì nên yêu thương và quý trọng tất cả mọi người, đem ân trả oán, xem tình thương là đức tính cao cả nhất, và trên trên bình diện chính trị thì thiên về chế độ dân chủ. Hệ thống thứ hai là hệ thống của Machiavel và Nietzsche. Hai ông này đề cao những đức tính hùng tráng mà Spinoza gọi là những đức tính của đàn ông. Hệ thống đạo đức thứ hai chấp nhận sự bất bình đẳng giữa loài người, đề cao sự đấu tranh, chinh phục và thống trị, đồng hoá đạo đức với sức mạnh, trên bình diện chính trị thì cổ võ một chế độ quí tộc, huyết thống. Hệ thống thứ ba là hệ thống của Socrate, Platon và Aristote. Ba ông này muốn dung hoà những đức tính từ bi và hùng tráng. Họ cho rằng phải tuỳ thời mà hành động, không thể luôn luôn nghiêng về một phía nào, chỉ những lý trí sáng suốt và trưởng thành mới xét đoán được từng trường hợp và tìm kiếm những giải pháp. Trên bình diện chính trị họ chủ trương một chế độ vừa dân chủ vừa quý tộc. Bằng sự phân tích kể trên, Spinoza đã dung hoà những nguồn tư tưởng từ trước đến nay được coi như khác biệt.

Spinoza cho rằng hạnh phúc là mục đích của mọi hành động. Hạnh phúc là sự có mặt của khoái cảm và sự vắng mặt của khổ đau. Tuy nhiên khoái cảm cũng như khổ đau chỉ là những cảm giác tương đối. Chúng nó không phải là những tình trạng mà là những sự thay đổi. Ví dụ khoái cảm là sự thay đổi từ một trạng thái thấp đến một trạng thái cao hơn. Trong sự vui sướng, nghị lực của con người được tăng thêm. Đau khổ là sự đi từ một trạng thái cao đến một trạng thái thấp. Nếu không có sự thay đổi, nếu không có sự xê dịch thì con người sẽ không cảm thấy khoái lạc cũng như đau khổ. Một người vừa mới lọt lòng đã được thụ hưởng đầy đủ các tiện nghi sẽ mất khoái cảm đối với các tiện nghi ấy. Chữ passion có liên quan với chữ passage, nói một cách khác, cảm xúc là một sự xê dịch, chữ émotion có liên quan đến chữ motion, nói một cách khác sự xúc động là hậu quả của sự cử động.

Xúc động là một sự thay đổi trong tâm thức khiến cho khả năng của con người được tăng thêm hoặc bị giảm bớt, được hỗ trợ hoặc bị ngăn cản. Con người cảm xúc mỗi khi họ ý thức được những sự thay đổi ấy. Một cảm xúc tự nó không tốt cũng như không xấu. Tuy nhiên đối với chúng ta thì một cảm xúc tốt là một cảm xúc do sự tăng trưởng của các khả năng mà ra. Một cảm xúc xấu là một cảm xúc do sự giảm bớt của các khă năng mà có. Spinoza đồng hoá hai quan niệm đạo đức và nghị lực. Con người có đạo đức là con người có nghị lực để tranh thủ những cái gì ích lợi đối với mình. Sự ích kỷ chỉ là kết quả của bản năng tự tồn. Sự ích kỷ hợp với thiên nhiên vì bản năng tự tồn hợp với thiên nhiên. Spinoza xây dựng tư tưởng đạo đức của ông không phải trên sự vị tha, cũng không phải trên sự đấu tranh một mất một còn. Ý niệm ích kỷ của Spinoza có thể xem như là sự dung hoà giữa hai cực đoan ấy. Một nền đạo đức bắt buộc con người phải chịu đựng một cách yếu hèn là một nền đạo đức vô giá trị. Spinoza không tán thành sự nhún nhường, ông cho là một sự giả dối. Ông cũng không tán thành sự ăn năn hối hận. Những kẻ ăn năn hối hận là những kẻ yếu hèn, tự làm khổ mình một cách vô ích. Spinoza cho rằng tánh nhún nhường thật ra rất hiếm có. Ngay cả những tác giả viết sách đề cao tánh nhún nhường cũng không quên ghi bút hiệu của mình ngoài bìa sách. Những kẻ tự hạ mình có thể là để che dấu tánh kiêu căng của họ. Spinoza cũng lên án tánh tự phụ vì nó thường gây mâu thuẫn giữa người này và người khác. Họ chỉ thích làm bạn với những người thua kém họ, và thường bị sa vào cạm bẫy của những kẻ nịnh hót.

Spinoza cảm thấy rằng phần đông con người đều tội ác và khốn khổ, họ bo bo gìn giữ của cải và luôn luôn lo sợ các thứ ấy mất đi. Thế giới loài người đầy dẫy những sự ganh ghét dèm pha, hận thù. Ông muốn tìm một phương pháp để xoá bỏ những cảm xúc ấy, ông nhận thấy rằng hận thù là một loại phản ứng dây chuyền và chỉ có thể được chấm dứt bằng tình thương. Người ta thù hận vì cảm thấy bất lực. Nếu ta có toàn quyền đối với một kẻ khác thì ta không có lý do gì để thù hận kẻ ấy. Những kẻ hận thù luôn luôn sống trong khổ đau tủi nhục. Những kẻ không thù hận thường sống trong sự tin tưởng và hạnh phúc, do đó họ gặp được nhiều sự may mắn. Con người không thể bị chinh phục bằng vũ khí mà chỉ có thể bị chinh phục bằng đạo đức.

Spinoza bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của các triết gia Hi Lạp khi ông đề cao sự hiểu biết. Những kẻ đam mê tưởng tượng rằng họ đang điều khiển vận mệnh của mình trong khi chính những lúc ấy là lúc họ bị điều khiển nhiều nhất. Sự đam mê chỉ là một tình trạng thiếu lý trí. Những hành động có suy nghĩ là những hành động đã được trì hoãn lại cho đến khi nào tất cả các khía cạnh đã được lý trí soi sáng. Những bản năng có nhiều sức mạnh lôi cuốn nhưng sẽ trở nên nguy hiểm khi được dùng làm hướng dẫn. Mỗi bản năng khuynh hướng hoạt động riêng rẽ, không đếm xỉa gì đến những bản năng khác. Nếu con người tuân theo tất cả các bản năng cùng một lúc, họ sẽ bị lôi kéo bởi những khuynh hướng tương phản. Trong đờì sống hàng ngày, con người chỉ tuân theo và thoả mãn những cảm xúc nào mạnh nhất. Sự thoả mãn ấy cũng chỉ có giá trị cục bộ nghĩa là không phải luôn luôn phù hợp với quyền lợi tổng quát của cơ thể. 



Tất cả những ý kiến trên làm chúng ta liên tưởng sự phân biệt giữa lý trí và tình cảm dã được Socrate và các môn đệ của ông dề cập đến. Spinoza biết rằng tình cảm mà không có lý trí thì chỉ là một sự mù quáng, lý trí mà không có tình cảm thì chỉ là sự khô khan cằn cỗi. Mặt khác, người ta chỉ có thể đem tình cảm để phản ứng với tình cảm. Hai lãnh vực lý trí và tình cảm có thể bổ túc cho nhau. Sự suy tư có thể được sưởi ấm bằng lòng ham muốn, lòng ham muốn có thể được soi sáng bằng sự suy tư. Khi chúng ta biết rõ sự đam mê của chúng ta thì cái đam mê ấy không còn nữa. Tất cả những sự ham soi sáng bằng lý trí. Những sự ham muốn được soi sáng bằng lý trí có thể trở thành những đức tính.

Quan niệm về đạo đức của Spinoza bắt nguồn từ những tư tưởng siêu hình của ông. Các định luật thiên nhiên thể hiện cho ý muốn của Thiên chúa, và do đó lập thành một nền trật tự hoàn hảo trong vũ trụ. Về phương diện đạo đức, chính lý trí đóng vai trò điều hợp để lập nên một nền trật tự trong tất cả hành vi của con người. Sự nhận thức ý muốn của Thiên chúa và định luật thiên nhiên là ý niệm căn bản về siêu hình của Spinoza. Sự hành động theo hướng dẫn của lý trí là ý niệm căn bản về đạo đức. Trí tưởng tượng giúp đỡ người ta hình dung được những hậu quả tương lai và khuyến cáo người ta trong các hành động hiện tại. Người ta có khuynh hướng bị những cảm giác hiện tại thúc đẩy cho đến nỗi người ta quên những hậu quả tương lai. Sự suy luận chính là một phương pháp để chúng ta kiểm điểm tất cả các hậu quả và có một cái nhìn bao quát về quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự suy luận cho chúng ta biến kinh nghiệm thành sự khôn ngoan, nắm vững được tương lai và không bị quá khứ chi phối. Do đó chúng ta mới tìm được tự do. Đó là sự thoát khỏi vòng kềm toả của đam mê. Nói một cách khác chúng ta không để cho cái sức mạnh vô trật tự của đam mê sai khiến chúng ta. Tự do đi đôi với hiểu biết vậy. Con người hoàn toàn tự do không phải là con người đã thoát khỏi những vòng kềm toả của đam mê. Do đó, con người trở nên tự tại vô ngại. Đó là hình ảnh con người lý tưởng của Spinoza. Đây không phải là một con người tự mãn theo quan niệm của Aistote hoặc một con người tự kiêu theo quan niệm của Nietzsche nhưng mà là một con người bình thản và trầm tĩnh. Những người tốt không bao giờ ham muốn cái gì có lợi cho mình mà có hại cho nhân loại. Nói một cách khác, họ muốn tất cả nhân loại đều có thể như họ. Một người thượng lưu không phải là một người đứng trên kẻ khác để cai quản kẻ khác mà chính là người đã thoát khỏi những ham muốn riêng rẽ, vị kỷ và đã tự kiềm chế được mình. Sự tự do kể trên thật vô cùng cao cả hơn quan niệm tự do thông thường. Người ta thường nói đến tự do ý chí nhưng quan niệm về ý chí đã bị Spinoza bác bỏ. Con người vẫn chịu trách nhiệm về các hành vi của mình mặc dù không hoàn toàn tự do. Nhiệm vụ của xã hội là phải vận dụng những cảm giác sợ sệt hoặc ước muốn của con người để duy trì trật tự và sự hợp tác giữa mọi người. Tất cả những nền giáo dục đều căn cứ trên quan niệm rằng tâm trí con người có thể uốn nắn. Dù cho các hành vi của con người đều là những hành vi cần thiết do một định mệnh khắt khe những yếu tố thúc đẩy con người vẫn là sự sợ hãi và nguồn hi vọng. Xã hội có thể vận dụng hai yếu tố này để hướng dẫn hành vi của cá nhân. Mặt khác thuyết định mệnh có thể cho chúng ta một quan niệm về đạo đức cao cả hơn. Nó làm cho chúng ta dễ tha thứ những kẻ khác vì những việc làm của họ chẳng qua cũng chỉ là những thôi thúc của định mệnh. Xã hội có thể trừng phạt những kẻ lầm lỗi nhưng sự trừng phạt ấy không đi đôi với sự thù ghét. Mặt khác, ý niệm về định mệnh cho chúng ta đủ sức mạnh để chịu đựng những thăng trầm của cuộc đời bằng một tâm hồn trầm tĩnh. Nó có thể giúp chúng ta tìm thấy sự yêu thương Thiên chúa bằng cách vui lòng làm theo đúng những ý định của Ngài. Chấp nhận định mệnh là chấp nhận định luật thiên nhiên để nhận thức rằng mỗi biến cố đều nằm trong một chương trình của vũ trụ. Nhận thức được như vậy con người sẽ thoát khỏi những sự vui buồn nhất thời và trở nên trầm tĩnh vắng lặng, họ biết chấp nhận những gì không thể tránh khỏi với nụ cười trên môi. Họ biết rằng Thiên chúa nắm giữ trật tự của vũ trụ chứ không phải chỉ là một người sẵn sàng thay đổi các định luật thiên nhiên để làm lợi cho một vài cá nhân nhỏ bé. Quan niệm này cũng được Phaton diễn tả trong cuốn "Nền Cọng Hoà". Những kẻ nắm giữ bộ máy vũ trụ không có thì giờ để xen vào những việc cỏn con của người đời. Tạo hoá không có lý do gì để ghen ghét hoặc đấu tranh với những cá nhân. Nietzsche cũng cho rằng: "Những cái gì bắt buộc phải có không làm cho tôi bất bình, bản tính tôi là chiều theo định mệnh". Thi sĩ Keats cũng diễn tả ý nghĩ này khi ông bảo: "Con người xuất chúng là con người biết chấp nhận tất cả những sự thật và đương đầu với tất cả mọi trường hợp một cách bình tĩnh". Spinoza còn nói thêm rằng trong định mệnh, lẽ cố nhiên có cái chết và chấp nhận định mệnh có nghĩa là không băn khoăn về cái chết. Con người tự do là con người biết hướng tư tưởng của mình về cuộc sống thay vì về cái chết.

---o0o---



4. Tôn giáo và sự bất diệt.

Chúng ta thấy rằng triết lý của Spinoza là một cố gắng yêu thương một thế giới đã từ bỏ ông. Ông còn tự hỏi tại sao một dân tộc xuất chúng như dân tộc Do thái lại có thể bị xua đuổi khắp mọi nơi. Ông tìm nguồn an ủi trong quan niệm rằng những sự đau khổ của con người không có nghĩa lý gì đối với vũ trụ. Ông cố gắng hoà hợp ước vọng của mình với định luật thiên nhiên, cố gắng hoà mình với vũ trụ. Ông cho rằng hạnh phúc tối thượng là tìm ra mối tương quan giữa tâm trí cá nhân và vũ trụ. Chúng ta lầm tưởng rằng chúng ta là những thực thể cách biệt với vũ trụ. Sự thật thì chúng ta là những phần tử của vũ trụ như những tế bào trong một cơ thể. Tế bào trong cơ thể chết đi nhưng cơ thể vẫn tồn tại. Chúng ta là những tế bào trong cơ thể của giống nòi. Giống nòi của chúng ta là những tế bào trong cơ thể của chúng sinh. Tâm trí của chúng ta là những tia sáng trong nguồn sáng bất diệt. Tâm trí của chúng ta là một phần tử trong một thực thể rộng lớn hơn. Thực thể ấy cũng chỉ là một phần tử trong một cái gì bao quát hơn và cứ như thế cho đến khi chúng ta tìm lại nguồn gốc của tâm trí ở Thiên chúa. Tư tưởng của Spinoza làm chúng ta liên tưởng đến tư tưởng của các triết gia đông phương.

Chúng ta bất diệt, vì chúng ta là những phần tử của một thực thể bất diệt. Tâm trí con người không thể mai một cùng lúc với thân thể của nó. Tâm trí con người trở nên bất diệt khi nó được gắn liền với những tư tưởng bất diệt. Chúng ta thấy rằng với lối lý luận của Spinoza kể trên không được rõ ràng trong sáng cho lắm và mỗi người có thể hiểu một cách. Có người cho rằng Spinoza muốn đề cập đến sự tồn tại của thanh danh khi ông nói đến sự bất diệt của tâm trí. Có người cho rằng Spinoza muốn chủ trương một sự bất diệt cụ thể hơn là sự bất diệt của thanh danh. Có thể nói rằng ông đề cập đến sự bất diệt khi cái chết ám ảnh ông. Một điểm đáng để ý là quan niệm bất diệt của Spinoza muốn vượt lên trên thời gian. Giống như Aristote, Spinoza cho rằng trí nhớ của con người không thể tồn tại ngoài cơ thể của nó. Ông cũng không tin tưởng vào những sự thưởng phạt sau cái chết. Những kẻ sống một cuộc đời đạo đức không nên hy vọng rằng Thiên chúa sẽ tưởng thưởng cho họ. Cần phải quan niệm rằng cuộc đời đạo đức chính là phần thưởng của Thiên chúa và chính là hạnh phúc tối thượng, sự tự do tối thượng. Hạnh phúc không phải là phần thưởng của đạo đức. Hạnh phúc và đạo đức chỉ là một. Do đó sự bất diệt không phải là phần thưởng của chính tư duy (suy nghĩ chân chính), sự bất diệt và chính tư duy chỉ là một. Chính tư duy đem con người từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai và vượt qua những giới hạn của thời gian, những giới hạn của vô thường. Chính tư duy cũng bất diệt như chân lý và trở nên một phần tử trong gia tài tư tưởng của nhân loại.

Cuốn "Đạo đức học" kết thúc kết thúc bằng những tư tưởng trong sáng kể trên. Thật là một tác phẩm chứa đựng nhiều ý nghĩ và đã từng làm đề tài cho nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trên khắp thế giới. Chúng ta có thể không đồng ý với Spinoza trên phương diện siêu hình tâm lý, hoặc giáo lý, nhưng các tư tưởng trình bày vẫn có đủ mãnh lực lôi cuốn chúng ta. Spinoza kết luận như sau:

"Tôi đã nói tất cả những gì đáng nói về vai trò tâm trí trong việc chế ngự tình cảm. Con người lý trí luôn luôn mạnh hơn con người tình cảm. Những kẻ không biết đến lý trí thường sống một cuộc đời tối tăm, không tự hiểu mình, không biết đến Thiên chúa và luôn luôn bị tình cảm chi phối. Con người khôn ngoan ít khi vọng động và luôn luôn tâm trí được thoả mãn. Con đường đi đến sự thoả mãn của tâm trí là một con đường khó khăn do đó ít người sử dụng được con đường này. Tất cả những gì quý giá đều khó khăn và hiếm hoi".

---o0o---

V. CHÍNH TRỊ LUẬN

Đây là tác phẩm cuối cùng và dang dở của Spinoza. Tác phẩm này được soạn thảo khi tư tưởng của Spinoza đến độ trưởng thành nhất. Chúng ta cảm thấy thương tiếc một thiên tài bị mai một quá sớm. Trong khi Hobbes cổ võ một chế độ quân chủ chuyên chế thì Spinoza lại cổ võ một chế độ dân chủ tự do. Chính những tư tưởng này khởi nguồn cho những tư tưởng của Rousseau và đưa đến cuộc cách mạng Pháp.

Spinoza nói rằng tất cả những triết lý chính trị cần phải dựa trên sự phân biệt giữa trật tự thiên nhiên và trật tự xã hội. Trật tự thiên nhiên là trật tự giữa loài người trước khi xã hội được tổ chức. Spinoza cho rằng con người nguyên thuỷ sống trong sự cô lập, họ không biết phân biệt phải và trái, công bằng và bất công. Công lý và sức mạnh đối với họ chỉ là một. Con người nguyên thuỷ không bao giờ bận tâm đến sự phân biệt phải và trái. Họ chỉ biết đến quyền lợi của mỗi người và tuỳ theo chiều hướng của quyền lợi ấy mà phân biệt cái gì phải, cái gì trái. Con người nguyên thuỷ không chịu trách nhiệm với bất cứ ai và do đó họ không thể có ý niệm về tội lỗi. Ý niệm về tội lỗi chỉ có thể phát sinh trong một xã hội có tổ chức. Trong xã hội này, mọi người đều đồng ý về một số vấn đề. Mỗi một người tự nhận trách nhiệm của mình trước quốc gia và luật pháp. Trong trạng thái thiên nhiên con người không bị ngăn cấm, họ có thể làm bất cứ điều gì họ đủ sức làm. Luật thiên nhiên không ngăn cấm sự giành giựt, thù oán; lường gạt v.v. Chúng ta tìm lại luật thiên nhiên khi chúng ta quan sát lối cư xử giữa những quốc gia với nhau. Chỉ khi nào có một tổ chức được công nhận thì các nguyên tắc về đạo đức mới có thể được thực thi. Quyền lực của các quốc gia ngày nay không khác gì quyền lực của những con người nguyên thuỷ, nghĩa là nó đồng hoá với sức mạnh. Chữ "Power" ngày nay được dùng vừa để chỉ một quốc gia, vừa để chỉ một quyền lực. Sự tương quan giữa các giống vật của vậy. Không có một đạo đức nào hoặc một luật lệ nào quy định sự tương quan giữa một giống này và một giống khác. Mỗi giống vật có toàn quyền trên những giống vật khác.

Đối với loài người, những nhu cầu chung lôi kéo con người lại gần nhau và trật tự thiên nhiên dần dần được thay thế bằng trật tự xã hội. Trong mỗi con người ai cũng ghê sợ sự cô đơn vì con người cô độc không đủ sức mạnh để chống chọi với thiên nhiên, đó là động lực thúc đẩy con người họp thành xã hội. Tuy nhiên bản tánh của con người không phải là hướng thiện, họ sống thành xã hội chỉ vì họ phải là hướng thiện, họ sống thành xã hội chỉ vì họ bắt buộc phải làm như vậy để tránh những nguy cơ to lớn hơn. Con người có khuynh hướng theo chủ nghĩa cá nhân và chống lại các luật lệ cũng như các tập tục. Khuynh hướng cá nhân. Do đó khuynh hướng xã hội luôn luôn cần phải được bồi đắp. Spinoza cho rằng bản tính con người không phải là thiện như Rousseau đã lầm tưởng. Con người trở nên thiện nhờ ảnh hưởng của xã hội, bắt đầu là ảnh hưởng của gia đình. Chúng ta thích cái gì hợp với chúng ta. Do đó tinh thần tập thể dần dần nảy nở, con người bắt đầu có một lương tâm. Vậy lương tâm không phải tự nhiên mà có mà chính là do tập tục xã hội . Lương tâm thay đổi tuỳ theo không gian và thời gian. Có thể nói rằng lương tâm cá nhân là kết tinh của những tập tục xã hội. Dần dần lương tâm cá nhân trở thành một động lực giúp cho xã hội tồn tại chống lại các khuynh hướng vị kỷ. 

Dần dần luật thiên nhiên được thay thế bằng luật xã hội. Sức mạnh vẫn còn đồng hoá với quyền hạn, tuy nhiên sức mạnh của tập thể hạn chế sức mạnh của cá nhân và chỉ để lại cho mỗi cá nhân một số tự do nhất định làm thế nào để khỏi xâm phạm đến sự tự do của kẻ khác. Một phần quyền lực của cá nhân được chuyển sang cho tập thể để làm lợi cho tất cả. Ví dụ cá nhân từ bỏ quyền hành động trong sự giận dữ và do đó khỏi bị làm nạn nhân cho sự giận dữ của kẻ khác. Luật pháp rất cần thiết vì con người thường bị tình cảm chi phối. Nếu tất cả con người đều có đầy đủ lý trí thì luật pháp đối với cá nhân cũng giống như ảnh hưởng của lý trí đối với tình cảm: Đó là sự phối hợp những khuynh hướng tương phản để tránh đổ vỡ và thu hoạch hiệu năng tối đa. Trên bình diện siêu hình, lẽ phải là sự nhận thức nền trật tự trong vạn vật, trên bình diện đạo đức, lẽ phải là sự nhận thức nền trật tự trong sự tham muốn, trên bình diện chính trị, lẽ phải là sự nhận thức nền trật tự giữa những cá nhân. Quốc gia lý tưởng chỉ hạn chế tự do khi những sự tự do của những cá nhân tương phản nhau. Nói một cách khác, quốc gia chỉ hạn chế tự do với mục đích bảo vệ một nền tự do cao hơn. Mục đích của quốc gia không phải là đàn áp cá nhân hoặc đe doạ cá nhân mà là mưu cầu cho mỗi cá nhân một đời sống an ninh, không bị những kẻ khác đe doạ. Mục đích của quốc gia không phải là biến những cá nhân thành những nô lệ mà là đem lại cho cá nhân những điều kiện hoạt động hoàn hảo, cho mỗi cá nhân được toàn quyền suy nghĩ và lý luận. Nói tóm lại mục đích của quốc gia là tự do của mỗi cá nhân. 

Nhiệm vụ của quốc gia là phát triển cá nhân. Nếu quốc gia trở thành một bộ máy đàn áp thì phải làm thế nào ? Spinoza khuyên chúng ta nên tuân theo ngay cả những luật lệ bất công nếu chúng ta có tự do phát biểu ý kiến với hy vọng rằng một ngày kia các luật lệ ấy sẽ được thay đổi trong sự ôn hoà. Do đó những luật lệ chống lại quyền tự do ngôn luận là những luật lệ đáng ghét nhất. Chính phủ càng cố gắng xoá bỏ tự do ngôn luận, dân chúng càng cố gắng chống đối. Những kẻ chống đối phần đông là những kẻ có ý thức và đạo đức cao. Con người không thể chịu đựng nổi những luật lệ kết tội những tín ngưỡng của họ. Họ sẽ xem như một vinh dự khi chống lại những luật lệ ấy. Nếu con người vi phạm luật lệ mà tuyệt nhiên không làm hại đến bất cứ một ai thì luật lệ ấy cần phải được xét lại, nếu không dân chúng sẽ tìm thấy thú vui trong sự vi phạm luật lệ cũng như trẻ con tìm thấy thú vui khi làm những việc bị cấm đoán. Nói tóm lại, chỉ nên trừng phạt những hành vi phạm pháp và nên dành nhiều tự do trong vấn đề ngôn luận. Được như vậy chính phủ sẽ tránh được nhiều cuộc nổi loạn võ trang do sự tức nước vỡ bờ mà ra.

Chính phủ không nên tìm cách kiểm soát tư tưởng dân chúng. Do đó chính phủ không nên kềm hãm sự giáo dục nhất là sự giáo dục tại các viện đại học. Nên dành cho mọi cá nhân quyền tự do mở trường và giảng dạy. Dưới thời Spinoza chưa có những viện đại học tư nên vấn đề kiểm soát sự giáo dục chưa gây ra những trường hợp khó khăn như ngày nay. Hình như Spinoza muốn cổ võ một nền giáo dục do các triết gia đảm nhận như dưới thời Socrate, Platon và Aristote.

Spinoza không mấy quan tâm đến hình thức của chế độ mặc dù ông thiên về một chế độ dân chủ. Ông cho rằng chế độ quân chủ cũng có thể hữu hiệu mặc dù nó có tính cách đàn áp. Kinh nghiệm cho ta thấy rằng hoà bình và trật tự có thể giữ vững khi tất cả quyền hành trong quốc gia được gom vào tay một người. Không một chính thể nào có vẻ đứng vững bằng chính thể quân chủ chuyên chế của người Thổ-nhĩ-kỳ . Mặt khác những chính thể dân chủ quá trớn thường là miếng mồi ngon cho những cuộc nổi loạn. Tuy nhiên cần phải phân biệt thế nào là hoà bình trong trật tự, thế nào là hoà bình trong nô lệ. Trong một gia đình con cái thường cãi vả với cha mẹ, sự chống đối này không thể xảy ra giữa nô lệ và chủ nhân ông. Tuy vậy chúng ta không nên biến con cái trong nhà thành những nô lệ chỉ vì muốn có hoà bình và trật tự trong gia đình. Do đó nếu tất cả quyền hành trong quốc gia đều tập trung vào một người, dân chúng dễ bị sa vào một nền hoà bình trong nô lệ.

Spinoza không đồng ý đối với những cuộc thương thuyết mật giữa các quốc gia. Ông cho rằng những cuộc thương thuyết mật là bước đầu của sự độc tài. Trong những cuộc thương thuyết mật ấy, những kẻ độc tài có toàn quyền làm hại đến các quốc gia khác và rất có thể họ đã đem quyền lợi của toàn dân để đặt vào ván bài quốc tế.

Chế độ dân chủ là chế độ hợp lý nhất. Chính phủ có quyền trừng phạt hành vi của các công dân nhưng không có quyền trừng phạt tư tưởng của họ. Ý kiến của đa số là những điều luật mà tất cả phải tuân theo. Nhiệm vụ quân dịch phải là nhiệm vụ của toàn dân. Người dân có quyền cất giữ vũ khí sau khi chiến tranh đã chấm dứt. Về phương diện thuế vụ, chỉ nên đánh một loại thuế duy nhất. Một nhược điểm của chế độ dân chủ là những kẻ xảo ngôn thường được giao phó quyền hành. Để tránh tệ đoan này, chỉ nên giao quyền hành cho những người đã được huấn luyện đầy đủ. Ý kiến của số đông không nhất quyết là ý kiến hay nhất. Đám đông thường bị tình cảm chi phối và dễ mắc mưu những kẻ xảo ngôn. Những người xuất chúng không muốn để cho đám đông bình phẩm và lựa chọn. Những người này sẽ đứng về phe chống đối và khi phe này thắng thì chế độ dân chủ sẽ không đem lại trật tự và an ninh cho xã hội, dân chúng sẽ dễ dàng chọn lựa một nền độc tài vì dù sao độc tài vẫn còn hơn hỗn độn. Sự bình đẳng giữa mọi người là một điều không thể thực hiện được vì con người sinh ra đã bất bình đẳng.

Spinoza qua đời trong khi ông chưa viết hết về chế độ dân chủ. Nếu ông còn sống thêm vài năm nữa có lẽ những vấn đề trọng đại của nền dân chủ ngày nay đã được soi sáng rất nhiều.

---o0o---




tải về 2.14 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   56




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương