Chuẩn mực việt nam về HỢP ĐỒng dịch vụ ĐẢm bảo chuẩn mực số 3000: Hợp đồng dịch vụ đảm bảo ngoài dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ


Thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo theo các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo



tải về 0.73 Mb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích0.73 Mb.
#18119
1   2   3   4   5   6   7   8

Thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo theo các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo

Tuân thủ các chuẩn mực có liên quan đến hợp đồng dịch vụ đảm bảo (hướng dẫn đoạn 1, 5, 15 Chuẩn mực này)

A21. Chuẩn mực này bao gồm các quy định và hướng dẫn được áp dụng cho toàn bộ các hợp đồng dịch vụ đảm bảo (ngoài dịch vụ kiểm toán hoặc soát xét các thông tin tài chính quá khứ), bao gồm hợp đồng dịch vụ phù hợp với một chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo áp dụng cho một đối tượng dịch vụ đảm bảo cụ thể. Trong một số trường hợp, một chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo áp dụng cho một đối tượng dịch vụ đảm bảo cụ thể cũng phù hợp với hợp đồng dịch vụ đảm bảo. Một chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo áp dụng cho một đối tượng dịch vụ đảm bảo cụ thể sẽ phù hợp với hợp đồng dịch vụ đảm bảo khi: (i) Chuẩn mực đó đang có hiệu lực; (ii) Đối tượng dịch vụ đảm bảo trong chuẩn mực đó có liên quan tới hợp đồng; và (iii) Tồn tại các điều kiện cụ thể của hợp đồng dịch vụ được quy định và hướng dẫn trong chuẩn mực đó.

A22. Các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ soát xét được áp dụng cho dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ và không được áp dụng cho các hợp đồng dịch vụ đảm bảo khác. Tuy nhiên, các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ soát xét có thể hướng dẫn cho kiểm toán viên về quy trình chung khi thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo phù hợp với Chuẩn mực này.

Nội dung của chuẩn mực (hướng dẫn đoạn 12, 16 Chuẩn mực này)

A23. Chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo bao gồm các mục tiêu của kiểm toán viên tuân theo chuẩn mực và các yêu cầu đặt ra giúp kiểm toán viên đạt được các mục tiêu này. Ngoài ra, còn bao gồm các hướng dẫn liên quan đến việc áp dụng và các giải thích khác, giới thiệu những hiểu biết cơ bản về Chuẩn mực này và các định nghĩa.

A24. Các mục tiêu trong từng chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo đưa ra định hướng theo đó các yêu cầu của từng chuẩn mực được đặt ra. Các mục tiêu này nhằm hỗ trợ kiểm toán viên:

(a) Hiểu biết về các công việc cần hoàn thành;

(b) Xác định xem liệu có cần thực hiện các công việc khác nhằm đạt được mục tiêu hay không.

Việc thực hiện các yêu cầu của một chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo một cách phù hợp dự kiến sẽ giúp kiểm toán viên có đầy đủ cơ sở để hoàn thành các mục tiêu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ đảm bảo rất đa dạng và các chuẩn mực này không thể lường trước mọi tình huống, kiểm toán viên có trách nhiệm xác định các thủ tục cần thiết để hoàn thành các yêu cầu của chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo và đạt được mục tiêu đã định. Hoàn cảnh của hợp đồng dịch vụ có thể phát sinh những vấn đề cụ thể đòi hỏi kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục bổ sung ngoài các thủ tục mà chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo yêu cầu để đạt được mục tiêu mà chuẩn mực đó đã quy định.

A25. Các yêu cầu của các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo bắt buộc phải được áp dụng.

A26. Khi cần thiết, phần hướng dẫn áp dụng cũng đưa ra những diễn giải cụ thể hơn về các yêu cầu của chuẩn mực và hướng dẫn cách thức thực hiện các yêu cầu đó, cụ thể như sau:



  1. Diễn giải rõ ràng, chi tiết hơn ý nghĩa của mỗi yêu cầu hoặc vấn đề mà yêu cầu đó hướng tới;

  2. Đưa ra các ví dụ phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể.

Hướng dẫn đưa ra cách thức áp dụng các quy định một cách phù hợp. Phần hướng dẫn áp dụng cũng đưa ra những thông tin cơ sở cho các vấn đề đã quy định trong phần nội dung của chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo. Trong một số trường hợp, các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo có những hướng dẫn bổ sung cho các tổ chức kiểm toán trong lĩnh vực công hoặc các doanh nghiệp kiểm toán nhỏ. Những hướng dẫn bổ sung này nhằm giúp việc áp dụng yêu cầu của các chuẩn mực nhưng không giới hạn hay làm giảm trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc áp dụng và tuân thủ các yêu cầu của một chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo.

A27. Các khái niệm được đưa ra trong các chuẩn mực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ đảm bảo giúp đảm bảo tính nhất quán khi áp dụng và diễn giải các chuẩn mực này, không thay thế cho thuật ngữ được xây dựng vì các mục đích khác, như các thuật ngữ trong văn bản pháp luật, các quy định khác.

A28. Các phụ lục là một bộ phận của phần hướng dẫn áp dụng. Mục đích và tác dụng của mỗi phụ lục được giải thích trong phần nội dung chuẩn mực hoặc trong tiêu đề và phần giới thiệu của phụ lục đó.

Tuân thủ các yêu cầu có liên quan (hướng dẫn đoạn 17 Chuẩn mực này)

A29. Mặc dù một số thủ tục chỉ yêu cầu áp dụng cho các hợp đồng dịch vụ đảm bảo hợp lý, các thủ tục đó vẫn có thể áp dụng cho một số hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn.



Chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp (hướng dẫn đoạn 3(a), 20, 22(a) Chuẩn mực này)

A30. Phần A của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán quy định các nguyên tắc đạo đức cơ bản mà kiểm toán viên phải tuân thủ:

(a) Tính chính trực;

(b) Tính khách quan;

(c) Năng lực chuyên môn và tính thận trọng;

(d) Tính bảo mật;

(e) Tư cách nghề nghiệp.

A31. Phần A của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cũng quy định và hướng dẫn những yêu cầu cơ bản đối với kiểm toán viên:

(a) Xác định các nguy cơ ảnh hưởng tới việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản. Các nguy cơ sẽ thuộc ít nhất một trong các loại sau đây:

(i) Nguy cơ do tư lợi;

(ii) Nguy cơ tự kiểm tra;

(iii) Nguy cơ về sự bào chữa;

(iv) Nguy cơ từ sự quen thuộc;

(v) Nguy cơ bị đe dọa.

(b) Đánh giá mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ được xác định;

(c) Áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết nhằm loại trừ hoặc làm giảm các nguy cơ xuống mức có thể chấp nhận được. Các biện pháp bảo vệ là cần thiết khi kiểm toán viên xác định rằng nguy cơ đó sẽ khiến cho một bên thứ ba phù hợp và có đầy đủ thông tin, sau khi xem xét các sự kiện và tình huống có sẵn cho kiểm toán viên tại thời điểm đó, có thể kết luận một cách tương đối chắc chắn rằng các nguyên tắc đạo đức cơ bản bị vi phạm.

A32. Phần B của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán quy định và hướng dẫn việc áp dụng khuôn khổ quy định trong Phần A vào một số tình huống cụ thể mà kiểm toán viên gặp phải, như sau:


  1. Bổ nhiệm cung cấp dịch vụ chuyên môn;

  2. Xung đột về lợi ích;

  3. Đưa ra ý kiến thứ hai;

  4. Giá phí dịch vụ và các khoản phụ phí khác;

  5. Quảng bá dịch vụ;

  6. Quà tặng và ưu đãi;

  7. Giữ hộ tài sản của khách hàng;

  8. Tính khách quan;

  9. Tính độc lập.

A33. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán định nghĩa tính độc lập bao gồm độc lập về tư tưởng và độc lập về hình thức. Tính độc lập đảm bảo khả năng kiểm toán viên đưa ra kết luận đảm bảo mà không bị tác động bởi những yếu tố có ảnh hưởng đến việc thay đổi các kết luận đó. Tính độc lập sẽ làm tăng khả năng một cá nhân hành động một cách chính trực, khách quan và duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tính độc lập được quy định và hướng dẫn ở Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán gồm:

  1. Lợi ích tài chính;

  2. Các khoản cho vay và bảo lãnh;

  3. Các mối quan hệ kinh doanh;

  4. Các mối quan hệ cá nhân và mối quan hệ gia đình;

  5. Làm việc cho khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo;

  6. Các dịch vụ gần đây cung cấp cho khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo;

  7. Làm việc với vai trò là Giám đốc, nhân sự cấp cao của khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo;

  8. Cung cấp dịch vụ đảm bảo cho khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo trong nhiều năm;

  9. Cung cấp dịch vụ phi đảm bảo cho khách hàng sử dụng dịch vụ đảm bảo;

  10. Phí dịch vụ (phí dịch vụ lớn, phí quá hạn và phí tiềm tàng);

  11. Quà tặng và ưu đãi;

  12. Tranh chấp hoặc nguy cơ xảy ra tranh chấp pháp lý.

A34. Khi tuân thủ các yêu cầu nghề nghiệp hoặc các yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan thì: (i) Tối thiểu phải áp dụng các quy định và hướng dẫn tại Phần A và Phần B của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán liên quan tới các hợp đồng dịch vụ đảm bảo trong trường hợp các yêu cầu và quy định này phù hợp với các sự kiện và tình huống hướng dẫn tại các đoạn A30 - A33 Chuẩn mực này; và (ii) Khi đó sẽ phát sinh các nghĩa vụ tương ứng theo quy định và hướng dẫn trong Phần A và Phần B của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán liên quan tới hợp đồng dịch vụ đảm bảo.

Chấp nhận và duy trì hợp đồng

Tiền đề của hợp đồng dịch vụ đảm bảo (hướng dẫn đoạn 24 Chuẩn mực này)

A35. Trong lĩnh vực công, một số tiền đề cho dịch vụ đảm bảo có thể được giả định là luôn tồn tại, ví dụ:



  1. Vai trò và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán trong lĩnh vực công và các cơ quan chính phủ (bên chịu trách nhiệm) liên quan đến dịch vụ đảm bảo được giả định là phù hợp vì đã được pháp luật quy định;

  2. Quyền tiếp cận các thông tin cần thiết để thực hiện dịch vụ của các tổ chức kiểm toán trong lĩnh vực công thường được pháp luật quy định;

  3. Báo cáo kết luận của Kiểm toán Nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán trong lĩnh vực công, theo mẫu phù hợp với hợp đồng dịch vụ đảm bảo hợp lý hoặc hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn, theo yêu cầu của pháp luật phải thể hiện bằng văn bản;

  4. Mục đích phù hợp của dịch vụ đảm bảo trong lĩnh vực công đã được pháp luật quy định.

A36. Nếu không có tiêu chí phù hợp với toàn bộ đối tượng dịch vụ đảm bảo nhưng kiểm toán viên có thể xác định các tiêu chí phù hợp với một hoặc một số khía cạnh của đối tượng dịch vụ đảm bảo, khi đó có thể thực hiện hợp đồng dịch vụ đảm bảo với riêng khía cạnh đó của đối tượng dịch vụ đảm bảo. Trường hợp này, báo cáo dịch vụ đảm bảo cần trình bày rõ báo cáo không liên quan tới toàn bộ các khía cạnh của đối tượng dịch vụ đảm bảo.

Vai trò và trách nhiệm (hướng dẫn đoạn 12(m), 12(n), 12(r), 12(v), 13, 24(a), Phụ lục Chuẩn mực này)

A37. Tất cả các hợp đồng dịch vụ đảm bảo đều có ít nhất ba bên: bên chịu trách nhiệm, kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán và đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo. Trong nhiều hợp đồng dịch vụ đảm bảo chứng thực, bên chịu trách nhiệm cũng đồng thời là bên đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo và là bên thuê dịch vụ đảm bảo. Xem Phụ lục Chuẩn mực này để xác định vai trò của mỗi bên liên quan đến hợp đồng dịch vụ đảm bảo.

A38. Bằng chứng cho thấy mối liên hệ thích hợp tồn tại liên quan đến trách nhiệm về đối tượng dịch vụ đảm bảo có thể được thu thập thông qua xác nhận do bên chịu trách nhiệm cung cấp. Xác nhận đó là cơ sở cho sự hiểu biết chung về trách nhiệm của bên chịu trách nhiệm và kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán. Xác nhận bằng văn bản là hình thức thích hợp nhất thể hiện trách nhiệm của bên chịu trách nhiệm. Trường hợp không có xác nhận bằng văn bản, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán vẫn có thể chấp nhận dịch vụ nếu pháp luật hoặc hợp đồng đã quy định rõ trách nhiệm này. Trong các trường hợp khác, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán có thể từ chối dịch vụ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể hoặc phải trình bày hoàn cảnh cụ thể này trên báo cáo dịch vụ đảm bảo.

A39. Bên đo lường hoặc đánh giá chịu trách nhiệm về cơ sở hợp lý đối với thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo. Một cơ sở hợp lý phụ thuộc vào bản chất của đối tượng dịch vụ đảm bảo và các hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ. Trong một số trường hợp, một chu trình chuẩn với các kiểm soát nội bộ cần thiết sẽ cung cấp cơ sở hợp lý cho bên đo lường hoặc đánh giá là thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo không có sai sót trọng yếu. Việc kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán đưa ra báo cáo về thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo không làm giảm trách nhiệm của bên đo lường hoặc đánh giá trong việc xác định cơ sở hợp lý đối với thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo.

Tính phù hợp của đối tượng dịch vụ đảm bảo (hướng dẫn đoạn 24(b)(i) Chuẩn mực này)

A40. Một đối tượng dịch vụ đảm bảo phù hợp là đối tượng có thể xác định được và có thể đo lường hoặc đánh giá được một cách nhất quán theo các tiêu chí xác định, do đó, kiểm toán viên có thể thực hiện các thủ tục để thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp về thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo để làm cơ sở đưa ra kết luận phù hợp cho dịch vụ đảm bảo hợp lý hoặc dịch vụ đảm bảo có giới hạn, khi thích hợp.

A41. Tính phù hợp của một đối tượng dịch vụ đảm bảo không chịu ảnh hưởng của mức độ đảm bảo, nghĩa là, nếu một đối tượng dịch vụ đảm bảo không phù hợp với dịch vụ đảm bảo hợp lý thì nó cũng không phù hợp với với dịch vụ đảm bảo có giới hạn, và ngược lại.

A42. Các đối tượng dịch vụ đảm bảo khác nhau có các đặc tính khác nhau về mức độ định tính hay định lượng, chủ quan hay khách quan, quá khứ hay tương lai, liên quan tới một thời điểm cụ thể hay cả một thời kỳ. Các đặc tính như vậy ảnh hưởng tới:


    1. Mức độ chính xác mà đối tượng dịch vụ đảm bảo có thể được đo lường hoặc đánh giá dựa trên các tiêu chí;

    2. Tính thuyết phục của các bằng chứng sẵn có.

A43. Xác định các đặc tính trên và xem xét tác động của chúng giúp kiểm toán viên đánh giá tính phù hợp của đối tượng dịch vụ đảm bảo và xác định nội dung của báo cáo dịch vụ đảm bảo (xem hướng dẫn tại đoạn A163 Chuẩn mực này).

A44. Trong một số trường hợp, một hợp đồng dịch vụ đảm bảo có thể chỉ liên quan đến một phần của đối tượng dịch vụ đảm bảo lớn hơn. Ví dụ, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán có thể chỉ được yêu cầu báo cáo về một khía cạnh của việc đóng góp vào chương trình phát triển bền vững của một đơn vị, ví dụ: một chương trình được đơn vị thực hiện có tác động tích cực đến môi trường. Khi xác định xem liệu hợp đồng dịch vụ có đối tượng dịch vụ đảm bảo phù hợp hay không, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán cần xem xét các thông tin mà kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán được yêu cầu phải báo cáo có đáp ứng được nhu cầu của đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo hay không và thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo sẽ được trình bày và cung cấp như thế nào. Ví dụ, liệu có các hoạt động lớn hơn có tác động không hiệu quả đến môi trường mà đơn vị không trình bày hay không.

Tính phù hợp và sẵn có của tiêu chí

Tính phù hợp của tiêu chí (hướng dẫn đoạn 24(b)(ii) Chuẩn mực này)

A45. Tiêu chí phù hợp có 5 đặc tính sau:

(a) Tính thích hợp: Tiêu chí là thích hợp khi đưa ra các thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo làm cơ sở cho đối tượng sử dụng ra quyết định;

(b) Tính đầy đủ: Tiêu chí là đầy đủ khi thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo được lập và trình bày theo các tiêu chí đó sẽ không bỏ sót các yếu tố liên quan có khả năng ảnh hưởng đến việc ra quyết định của đối tượng sử dụng dựa trên thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo. Tiêu chí đầy đủ bao gồm các mức chuẩn cho việc trình bày và thuyết minh (khi thích hợp);

(c) Tính đáng tin cậy: Tiêu chí là đáng tin cậy cho phép việc đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo, kể cả việc trình bày và thuyết minh (khi thích hợp) được nhất quán một cách hợp lý, khi được kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khác nhau sử dụng trong các trường hợp tương tự;

(d) Tính khách quan: Tiêu chí là khách quan giúp đưa ra thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo không bị thiên lệch trong hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ;

(e) Tính dễ hiểu: Tiêu chí là dễ hiểu khi đối tượng sử dụng có thể hiểu được thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo.

A46. Các trình bày không rõ ràng dựa trên kỳ vọng, xét đoán hoặc dựa trên kinh nghiệm của cá nhân không phải là tiêu chí phù hợp.

A47. Tính phù hợp của các tiêu chí đối với hợp đồng dịch vụ cụ thể phụ thuộc vào việc liệu chúng có phản ánh các đặc tính nêu trên hay không. Tầm quan trọng tương đối của mỗi đặc tính đối với hợp đồng dịch vụ là vấn đề cần phải xét đoán chuyên môn. Ngoài ra, một tiêu chí có thể phù hợp với một hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ nhưng lại không phù hợp với các hoàn cảnh khác. Ví dụ, việc báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước có thể cần sử dụng một bộ tiêu chí cụ thể, mặc dù bộ tiêu chí này có thể không phù hợp với một nhóm người sử dụng lớn hơn.

A48. Tiêu chí có thể được lựa chọn hoặc xây dựng theo nhiều cách, ví dụ:


      1. Quy định trong pháp luật và các quy định có liên quan;

      2. Do tổ chức nghề nghiệp có uy tín ban hành theo một quy trình chuẩn;

      3. Do một nhóm chuyên gia xây dựng không theo một quy trình chuẩn;

      4. Được công bố trong tạp chí khoa học;

      5. Được phát triển để phân phối độc quyền;

      6. Được xây dựng riêng cho mục đích lập thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo trong hoàn cảnh cụ thể của một hợp đồng dịch vụ đảm bảo.

Việc tiêu chí được lựa chọn và xây dựng như thế nào sẽ có thể ảnh hưởng đến công việc mà kiểm toán viên thực hiện để đánh giá tính phù hợp của các tiêu chí đó.

A49. Trong một số trường hợp, pháp luật và các quy định có liên quan quy định các tiêu chí có thể được sử dụng cho hợp đồng dịch vụ đảm bảo. Trừ khi có sự mâu thuẫn, các tiêu chí trên được coi là phù hợp, vì các tiêu chí này do cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức nghề nghiệp có uy tín ban hành theo một quy trình chuẩn nếu các tiêu chí này phù hợp với mục đích của đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo. Các tiêu chí đó được gọi là các tiêu chí đã được ban hành. Ngay cả khi có sẵn các tiêu chí đã được ban hành cho đối tượng dịch vụ đảm bảo, một số đối tượng sử dụng cụ thể có thể yêu cầu các tiêu chí khác cho mục đích riêng của họ (các tiêu chí được quy định riêng). Ví dụ, các khuôn khổ khác nhau có thể được sử dụng như là các tiêu chí đã được ban hành để đánh giá tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên một số đối tượng sử dụng có thể xây dựng và sử dụng các tiêu chí được quy định riêng để đáp ứng nhu cầu thông tin của họ, ví dụ, các tiêu chí được quy định riêng cho mục đích giám sát an toàn tài chính. Trong trường hợp này báo cáo dịch vụ đảm bảo phải:



  1. Lưu ý người đọc báo cáo dịch vụ đảm bảo về việc thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo được lập theo các tiêu chí được xây dựng riêng và theo đó thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo có thể không phù hợp cho mục đích khác (hướng dẫn đoạn 69(f) Chuẩn mực này);

  2. Trình bày rõ, tùy theo hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ, là các tiêu chí này không được quy định trong pháp luật và các quy định có liên quan hoặc do tổ chức nghề nghiệp có uy tín ban hành theo một quy trình chuẩn.

A50. Nếu các tiêu chí được xây dựng riêng cho mục đích lập và trình bày thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo trong hoàn cảnh cụ thể của một hợp đồng dịch vụ đảm bảo, các tiêu chí này sẽ không phù hợp nếu thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo hoặc báo cáo dịch vụ đảm bảo gây hiểu nhầm cho đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo. Thông thường, đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo hoặc bên thuê dịch vụ cần xác nhận là các tiêu chí được xây dựng riêng là phù hợp với mục đích của họ. Việc không có xác nhận này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá tính phù hợp của các tiêu chí được áp dụng và thông tin về các tiêu chí trên báo cáo dịch vụ đảm bảo.

Tính sẵn có của tiêu chí (hướng dẫn đoạn 24(b)(iii) Chuẩn mực này)

A51. Tiêu chí cần phải công bố cho đối tượng sử dụng để họ hiểu được cách thức đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo. Việc công bố tiêu chí cho đối tượng sử dụng phải theo một trong các hình thức sau đây:


    1. Thông báo công khai;

    2. Nêu một cách rõ ràng khi trình bày thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo;

    3. Nêu một cách rõ ràng trong báo cáo dịch vụ đảm bảo (xem hướng dẫn tại đoạn A164 Chuẩn mực này);

    4. Tiêu chí là các kiến thức thông dụng, ví dụ, tiêu chí để đo lường thời gian là giờ, phút.

A52. Một số tiêu chí có thể chỉ được công bố cho các đối tượng sử dụng cụ thể, ví dụ, các điều khoản của một hợp đồng, hoặc các tiêu chí do hiệp hội ngành nghề quy định chỉ áp dụng cho các đối tượng trong ngành nghề đó vì các tiêu chí này chỉ liên quan đến một mục đích cụ thể. Trường hợp này, đoạn 69(f) yêu cầu phải có đoạn lưu ý tới người đọc về vấn đề này. Ngoài ra, kiểm toán viên có thể cân nhắc trình bày rõ là báo cáo dịch vụ đảm bảo chỉ sử dụng cho mục đích của một số đối tượng sử dụng cụ thể (xem hướng dẫn tại đoạn A166 - A167 Chuẩn mực này).

Thu thập bằng chứng (hướng dẫn đoạn 24(b)(iv) Chuẩn mực này)

Số lượng và chất lượng của bằng chứng sẵn có

A53. Số lượng và chất lượng của bằng chứng sẵn có bị ảnh hưởng bởi:



  1. Đặc điểm của đối tượng dịch vụ đảm bảo hay thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo. Ví dụ, bằng chứng sẽ ít khách quan hơn khi thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo mang tính tương lai thay vì quá khứ;

  2. Hoàn cảnh cụ thể khác, ví dụ, khi bằng chứng dự kiến sẽ tồn tại nhưng không thu thập được vì các lý do như: thời điểm kiểm toán viên được bổ nhiệm cung cấp dịch vụ, chính sách lưu giữ tài liệu của đơn vị, hệ thống thông tin không đầy đủ, hoặc do các hạn chế do bên chịu trách nhiệm tạo ra.

Thông thường bằng chứng mang tính thuyết phục nhiều hơn là tính khẳng định.

Tiếp cận với hồ sơ, tài liệu (hướng dẫn đoạn 56(a) Chuẩn mực này)

A54. Việc kiểm toán viên nhận được xác nhận của bên có trách nhiệm liên quan về việc họ đã hiểu và thừa nhận trách nhiệm trong việc cung cấp cho kiểm toán viên các nội dung dưới đây sẽ giúp kiểm toán viên xác định xem liệu hợp đồng dịch vụ có đặc điểm là “kiểm toán viên có thể thu thập đầy đủ các bằng chứng cần thiết làm cơ sở đưa ra kết luận” hay không:


  1. Quyền tiếp cận với tất cả các thông tin mà bên có trách nhiệm liên quan cho rằng có liên quan đến việc lập thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo như hồ sơ, tài liệu và các thông tin khác;

  2. Các thông tin bổ sung khác mà kiểm toán viên có thể yêu cầu từ bên có trách nhiệm liên quan cho mục đích của hợp đồng dịch vụ;

  3. Quyền tiếp cận không hạn chế với bên có trách nhiệm liên quan mà kiểm toán viên xác định là cần thiết để thu thập bằng chứng.

A55. Bản chất của mối quan hệ giữa bên chịu trách nhiệm, bên đo lường hoặc đánh giá, và bên thuê dịch vụ có thể ảnh hưởng đến việc thu thập hồ sơ, tài liệu và các thông tin khác mà kiểm toán viên sử dụng làm bằng chứng khi thực hiện hợp đồng dịch vụ. Do đó, bản chất của các mối quan hệ trên là một yếu tố cần xem xét khi xác định liệu có chấp nhận hợp đồng dịch vụ hay không. Ví dụ về một số trường hợp mà bản chất của các mối quan hệ này cần được xem xét được trình bày trong đoạn A139 Chuẩn mực này.

Mục đích phù hợp (hướng dẫn đoạn 24(b)(vi) Chuẩn mực này)

A56. Khi xác định hợp đồng dịch vụ có mục đích phù hợp hay không, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán cần xem xét các yếu tố sau:


      1. Đối tượng sử dụng thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo và báo cáo dịch vụ đảm bảo (đặc biệt, khi các tiêu chí được xây dựng cho mục đích riêng). Kiểm toán viên cần xem xét thêm liệu thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo và báo cáo dịch vụ đảm bảo có được sử dụng hay cung cấp rộng rãi ngoài các đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo hay không;

      2. Một số khía cạnh của thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo liệu có bị loại ra khỏi hợp đồng dịch vụ đảm bảo hay không và lý do của việc loại ra đó;

      3. Đặc trưng của mối quan hệ giữa bên chịu trách nhiệm, bên đo lường hoặc đánh giá, và bên thuê dịch vụ, ví dụ, khi bên đo lường hoặc đánh giá không phải là bên chịu trách nhiệm, liệu bên chịu trách nhiệm có cho phép sử dụng thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo và khả năng soát xét thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo trước khi nó được cung cấp cho đối tượng sử dụng hoặc trước khi đưa ra lấy ý kiến đánh giá về thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo hay không;

      4. Ai là người lựa chọn các tiêu chí được áp dụng để đo lường hoặc đánh giá đối tượng dịch vụ đảm bảo, mức độ xét đoán và thiên lệch khi sử dụng các tiêu chí này. Hợp đồng dịch vụ có mục đích phù hợp hơn nếu đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo được lựa chọn hoặc được tham gia vào việc lựa chọn các tiêu chí;

      5. Có bất kỳ hạn chế đáng kể nào trong phạm vi công việc của kiểm toán viên hay không;

      6. Liệu kiểm toán viên có cơ sở cho rằng bên thuê dịch vụ có ý định gắn tên kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán với đối tượng dịch vụ đảm bảo hoặc với thông tin về đối tượng dịch vụ đảm bảo một cách không phù hợp hay không.

Thỏa thuận về các điều khoản của hợp đồng (hướng dẫn đoạn 27 Chuẩn mực này)

A57. Để đảm bảo lợi ích của cả bên thuê dịch vụ và kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán cần thống nhất các điều khoản của hợp đồng bằng văn bản trước khi bắt đầu thực hiện dịch vụ để tránh gây hiểu nhầm. Hình thức và nội dung của hợp đồng sẽ thay đổi theo hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ. Ví dụ, nếu pháp luật và các quy định có liên quan đã quy định đầy đủ, chi tiết một số điều khoản có liên quan đến hợp đồng thì kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán chỉ cần trình bày lại trong hợp đồng và bổ sung những điều khoản mà hai bên thấy là cần thiết.

A58. Pháp luật và các quy định có liên quan, đặc biệt là trong lĩnh vực công, có thể có quy định về việc bổ nhiệm kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán, quy định quyền hạn cụ thể của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán, như quyền tiếp cận hồ sơ, tài liệu và các thông tin khác của một bên liên quan và quy định trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán, như quy định kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải báo cáo trực tiếp cho cơ quan quản lý Nhà nước hoặc công chúng trong trường hợp bên có trách nhiệm liên quan đưa ra giới hạn về phạm vi của hợp đồng.

Chấp nhận thay đổi điều khoản của hợp đồng (hướng dẫn đoạn 29 Chuẩn mực này)

A59. Yêu cầu thay đổi từ một hợp đồng dịch vụ đảm bảo sang hợp đồng dịch vụ phi đảm bảo hoặc từ hợp đồng dịch vụ đảm bảo hợp lý sang hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn có thể được coi là hợp lý nếu xuất phát từ thay đổi về hoàn cảnh cụ thể làm ảnh hưởng đến nhu cầu của đối tượng sử dụng báo cáo dịch vụ đảm bảo, hoặc xuất phát từ sự hiểu nhầm về nội dung của hợp đồng dịch vụ đảm bảo. Yêu cầu thay đổi từ hợp đồng dịch vụ đảm bảo hợp lý sang hợp đồng dịch vụ đảm bảo có giới hạn không được coi là phù hợp nếu kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để hình thành kết luận đảm bảo hợp lý.


Каталог: Upload -> Video
Video -> TỔng cục thuế
Video -> Ngày 29 tháng 06 năm 2006
Video -> Căn cứ Nghị định số 129/2013/NĐ-cp ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VI phạm hanh chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
Video -> V/v tính và quyết toán thuế tncn cho người nước ngoài
Video -> Chuẩn mực việt nam về HỢP ĐỒng dịch vụ soát xét chuẩn mực số 2410: Soát xét thông tin tài chính giữa niên độ do kiểm toán viên độc lập của đơn vị thực hiện
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam số 1000 Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành
Video -> Khu công nghiệp Biên Hòa II, tp
Video -> Phòng 704, số 45 đường Võ Thị Sáu, phương Đakao, quận 1, tp
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam chuẩn mực kiểm toán số 810: Dịch vụ báo cáo về báo cáo tài chính tóm tắt
Video -> HỆ thống chuẩn mực kiểm toán việt nam chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục

tải về 0.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương