BÁo cáo kế hoạch phát triển kinh tế XÃ HỘI 5 NĂM 2016 2020



tải về 392.4 Kb.
trang5/9
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích392.4 Kb.
#16018
1   2   3   4   5   6   7   8   9

7. Về công tác đối ngoại:


Hoạt động đối ngoại và tăng cường các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ luôn được tỉnh quan tâm thúc đẩy. Trong 5 năm, đã tiếp hơn 200 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh; ký kết thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, y tế, giáo dục, khoa học – công nghệ,... giữa tỉnh với 05 địa phương và 03 cơ quan của các quốc gia như vùng đô thị Đại dương BMO (Pháp), thành phố Pohang (Hàn Quốc), thành phố Kawasaki và thành phố Izumiotsu (Nhật Bản);... Tính đến nay tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với 17 địa phương và tổ chức nước ngoài. Hàng năm tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua các mối quan hệ đối ngoại, giới thiệu các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh; đồng thời hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường.

8. Công tác cải cách hành chính, thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo:


8.1. Công tác cải cách hành chính:

Lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm và phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính đã tạo được sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể:

- Về cải cách thể chế: Các văn bản quy phạm pháp luật đều được xây dựng theo đúng quy trình, kịp thời, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

- Về hiện đại hóa nền hành chính: đến nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, UBND cấp xã đã được đầu tư trang thiết bị tin học; xây dựng hệ thống mạng nội bộ thông suốt để phục vụ cho giải quyết công việc; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ứng dụng phần mềm quản lý văn phòng eOfice, chữ ký, con dấu điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ trong hoạt động. Cổng thông tin điện tử của tỉnh được xây dựng và hoạt động tương đối ổn định.

- Về cải cách thủ tục hành chính: Các mô hình tiếp nhận trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được hoàn thiện và vận hành ngày càng đi vào nề nếp, có 43 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Tất cả cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã đầu tư cơ sở vật chất và thực hiện thống nhất mô hình niêm yết Bộ thủ tục để trên bàn, chia thành từng lĩnh vực, phục vụ có hiệu quả cho việc tra cứu, tìm hiểu thủ tục của người dân, doanh nghiệp. Việc công khai thủ tục hành chính trên trang Thông tin điện tử Cải cách hành chính của UBND tỉnh luôn được duy trì và cập nhật thường xuyên các thông tin pháp luật về thủ tục hành chính. Đưa vào vận hành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh.

- Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả hoạt động. Hiện nay toàn tỉnh có 233 cơ quan hành chính và 523 đơn vị sự nghiệp công lập.

- Về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức: Các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị... cho cán bộ, công chức được tổ chức thường xuyên, trong 5 năm đã đào tạo, bồi dưỡng cho 17.774 lượt người. Tổ chức thực hiện Đề án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài, trong 5 năm đã cử 16 cán bộ công chức đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.925 cán bộ công chức và 392 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ.

8.2. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo:

Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được Lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và kịp thời. Tại các cơ quan, đơn vị đều có địa điểm tiếp công dân thuận tiện, trang bị đủ các thiết bị cần thiết phục vụ cho việc tiếp công dân; tổ chức bộ máy, nhân sự cơ quan tiếp công dân được kiện toàn. Đã cơ bản giảm tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm.

Trong 5 năm đã triển khai 219 cuộc thanh tra và 19 cuộc thanh tra trách nhiệm, thu hồi nộp ngân sách tổng số tiền 36,43 tỷ đồng và 656.359,6m2 đất, thu hồi 14 dự án và chuyển cơ quan điều tra 02 trường hợp; thực hiện 3.116 cuộc thanh tra chuyên ngành, đã xử phạt hành chính 15.212 đơn vị, thu nộp ngân sách nhà nước tổng số tiền khoảng 39 tỷ đồng. Các cấp chính quyền, sở, ban, ngành trong toàn tỉnh đã tiếp 14.980 lượt công dân, trong đó số đoàn đông người là 180 đoàn với 3.193 người; giải quyết 8.853/12.368 vụ khiếu nại của công dân, đạt tỷ lệ 71,6% và giải quyết 418/478vụ tố cáo, đạt tỷ lệ 87,4%. Qua giải quyết công nhận quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân hơn 49 tỷ đồng, 53.246,5m2 đất và 60 lô đất; thu hồi về cho Nhà nước 152,5 triệu đồng và 3.989,7m2 đất.

II. Những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân:

1. Về kinh tế:


- Bên cạnh một số chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, vẫn còn một số chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch đề ra, như: GRDP tăng bình quân 5%/năm (NQ 14%/năm), giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,6%/năm (NQ 15,42%/năm), tổng doanh thu thương mại – dịch vụ tăng 14,12%/năm (NQ 24,39%/năm), tổng vốn đầu tư trên địa bàn tăng 6,04%/năm (NQ 16,64%/năm).

Nguyên nhân: Về khách quan do tình hình kinh tế thế giới những năm gần đây diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao, giá cả nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng tăng, sức mua giảm,… đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, làm giảm tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Về chủ quan, việc xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế chưa đánh giá đầy đủ các nhân tố phát triển, việc phân tích, dự báo chưa đáp ứng kịp yêu cầu, trong công tác chỉ đạo, điều hành có lúc còn thụ động,…

- Phát triển công nghiệp đạt thấp so với Nghị quyết, chủ trương phát triển các ngành công nghiệp chế biến, sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng… chưa mang lại kết quả rõ nét; chưa xác định được sản phẩm công nghiệp chủ lực để thu hút và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; thu hút quá nhiều dự án thép sử dụng nhiều điện, gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, thu hút đầu tư gặp khó khăn; mặt khác do các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chuyên sâu triển khai đưa vào thực tế còn chậm; tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp chậm, nhất là việc hình thành và phát triển khu công nghiệp Phú Mỹ III và Khu công nghiệp Đá Bạc; công tác quản lý về cấp phép đầu tư chưa chặt chẽ.

- Dịch vụ cảng biển tăng trưởng thấp, công suất khai thác đạt thấp so với quy mô công suất đã đầu tư xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu do việc đầu tư hệ thống cảng chưa tính toán đồng bộ với phát triển dịch vụ hậu cần cảng và hạ tầng kỹ thuật bên ngoài cảng. Đến nay hệ thống cảng biển và các khu công nghiệp đã hình thành và đang phát triển mạnh, nhưng hệ thống giao thông cần thiết như đường liên cảng, đường cao tốc, đường sắt… chưa được đầu tư kịp thời; các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường điện, nước, viễn thông chưa được triển khai đồng bộ và kịp thời.

- Xuất khẩu trong những năm qua tuy tăng trưởng nhanh, nhưng chủ yếu từ một số mặt hàng do khối doanh nghiệp FDI sản xuất, đặc biệt là mặt hàng thép. Mặt hàng xuất khẩu và giá trị thiếu tính ổn định, dễ bị tác động bởi những biến động của thị trường, giá cả, các rào cản thương mại quốc tế. Nguyên nhân: do khi triển khai dự án đa phần các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có thị trường đầu ra, trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa chú trọng khâu này nên khi dự án đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, sản phẩm xuất khẩu của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là những sản phẩm công nghiệp có quy mô sản lượng và giá trị xuất khẩu cao; trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy hải sản, khai thác từ thiên nhiên, hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản phẩm thấp nên giá trị xuất khẩu không cao.

- Việc phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như: chưa thu hút được nhiều dự án chất lượng cao, sản phẩm du lịch chưa phong phú. Nguyên nhân do việc lựa chọn dự án đầu tư thiếu chặt chẽ, nhiều nhà đầu tư không có khả năng triển khai dự án đúng tiến độ; chất lượng quy hoạch các khu du lịch thấp, phần lớn nội dung quy hoạch các dự án du lịch ven biển có sản phẩm tương tự nhau, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính hỗ trợ, thúc đẩy, có tác động lan tỏa… phát triển sản phẩm khác; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn thấp.

- Việc di dời các cơ sở chế biến thủy sản nằm xen lẫn trong các khu dân cư vào năm 2015 không thực hiện được, tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở chế biến hải sản chưa được khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu do tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các khu chế biến hải sản tập trung chậm.



2. Về đầu tư phát triển:

- Hoạt động thu hút đầu tư chưa tích cực, chủ động, hiệu quả không cao, chưa gắn việc thu hút đầu tư với các giải pháp bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của tỉnh. Vốn thực hiện các dự án của doanh nghiệp đạt thấp so với kế hoạch đề ra, số dự án chậm triển khai so với cam kết ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư còn nhiều. Về cơ cấu ngành nghề lĩnh vực thu hút đầu tư, chưa thu hút nhiều dự án có công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các dự án trong lĩnh nông nghiệp kỹ thuật cao.



Nguyên nhân: do tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước những năm gần đây có nhiều khó khăn, tác động đến hoạt động và định hướng đầu tư của doanh nghiệp, nhiều dự án quy mô lớn đã giãn tiến độ đầu tư; thời gian thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài do vướng chính sách về bồi thường và khảo sát, xác định giá đất theo giá thị trường; thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định còn dài; sự phối hợp giữa các ngành và địa phương trong công tác theo dõi, hậu kiểm chưa đồng bộ và thường xuyên, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; một số nhà đầu tư thiếu tích cực triển khai thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án; hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án chưa được đầu tư kịp thời.

Ngoài ra, công tác dự báo quy hoạch còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tốc độ đô thị hóa, nhưng lại chậm được điều chỉnh, bổ sung. Mặt khác một số đồ án quy hoạch chi tiết chất lượng quy hoạch còn thấp nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh; công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế; một số quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng thường xuyên thay đổi.

- Việc bố trí đầu tư bằng vốn ngân sách còn dàn trải, chưa tập trung, còn lãng phí ở một số loại công trình, dự án.

3. Về thu, chi ngân sách:

Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân: do ảnh hưởng khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tài chính dẫn đến tình trạng nợ đọng tiền thuế qua các năm luôn ở mức cao, có năm vượt mức trần tối đa theo quy định của Trung ương. Đồng thời, việc triển khai các chế độ, chính sách mới về miễn, giảm, gia hạn nộp các khoản thu thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất,... cũng đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.



tải về 392.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương