BÁo cáo kế hoạch phát triển kinh tế XÃ HỘI 5 NĂM 2016 2020



tải về 392.4 Kb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích392.4 Kb.
#16018
  1   2   3   4   5   6   7   8   9


ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

straight connector 1straight connector 2

Số: 235/BC-UBND Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 30 tháng 11 năm 2015


BÁO CÁO

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020
Phần 1

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 được xây dựng vào cuối năm 2010, trong bối cảnh kinh tế của cả nước và của tỉnh có nhiều thuận lợi. Kinh tế của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng với tốc độ khá cao, nhiều dự án quy mô lớn đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, cảng biển, phát triển đô thị... được đăng ký đầu tư. Tuy nhiên ngay sau khi bước vào đầu nhiệm kỳ 2011 - 2015, kinh tế cả nước cũng như của tỉnh đã đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế cả nước, cộng với những khó khăn yếu kém nội tại đã đẩy lạm phát lên cao, kinh tế vĩ mô mất cân đối,... Ngay từ đầu năm 2011, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm theo hướng tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Bước sang năm 2013, 2014 vấn đề tranh chấp Biển Đông gia tăng căng thẳng. Những yếu tố trên đã gây ra những tác động khó khăn lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được HĐND tỉnh khóa V thông qua cho giai đoạn 2011 - 2015. Tuy vậy trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội.


I. Những kết quả đạt được:

1. Về phát triển kinh tế:

1.1. Trong bối cảnh khó khăn, kinh tế vẫn có bước tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng tăng tỷ trọng dịch vụ:


- Tốc độ tăng trưởng GRDP không tính dầu khí bình quân 5%/năm (NQ 14%/năm); tính cả dầu khí tăng bình quân 4,2%/năm (NQ 10,81%/năm).

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ:

+ Cơ cấu kinh tế năm 2015: Công nghiệp - xây dựng chiếm 54,37% (giảm 3,1% so với 2010); dịch vụ chiếm 33,97% (tăng 1,07% so với 2010) và nông nghiệp chiếm 11,66% (tăng 2,03% so với 2010).

+ Cơ cấu kinh tế tính cả dầu khí năm 2015: Công nghiệp - xây dựng chiếm 88,44% (giảm 1,05% so với 2010); dịch vụ chiếm 8,6% (tăng 0,47% so với 2010) và nông nghiệp chiếm 2,95% (tăng 0,57% so với 2010).


1.2. Về phát triển công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 7,6%/năm (NQ 15,42%/năm); cả dầu khí tăng bình quân 4,95%/năm (NQ 11,66%/năm).


Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác. Tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng từ 41,15% năm 2010 lên 52,01% năm 2015; tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm từ 49,64% năm 2010 xuống còn 40,87% năm 2015 và tỷ trọng công nghiệp sản xuất phân phối điện, khí đốt giảm từ 8,98% năm 2010 xuống còn 6,87% năm 2015. Công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng 8,51%/năm, cao nhất trong các ngành công nghiệp của tỉnh, thể hiện rõ nét sự dịch chuyển cơ cấu của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa.

Sản phẩm công nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng, ngoài những sản phẩm chủ lực như: dầu thô, khí đốt, điện, thép, phân bón, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản… trong giai đoạn 2011-2015 đã phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như: xi măng, dầu ăn, dầu điều, cơ khí, tháp gió, nhựa các loại, da thuộc, vải giả da, bia, sợi, conden sate, pha chế xăng, cấu kiện kim loại… Một số ngành sản phẩm công nghiệp như thép, nhựa, hóa dầu, cơ khí,… đã trở thành những sản phẩm công nghiệp đầu vào để phát triển các sản phẩm công nghiệp khác.



Về thu hút đầu tư các dự án công nghiệp: Trong giai đoạn 2011-2015 đã thu hút được 87 dự án với tổng vốn đăng ký 1,521 tỷ USD và 41.906 tỷ đồng, gồm 49 dự án đầu tư nước ngoài và 38 dự án đầu tư trong nước. Trong 5 năm, có 56 dự án sản xuất công nghiệp đưa vào hoạt động, trong đó có một số dự án quy mô lớn như: Nhà máy thép Fuco, Nhà máy thép Posco –SS, dự án China Steel,… đã góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến cuối năm 2014 có 323 dự án sản xuất công nghiệp còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,3 tỷ USD và 84,4 ngàn tỷ đồng, trong đó có 248 dự án đã đi vào hoạt động, 18 dự án đang xây dựng, 23 dự án chuẩn bị đầu tư và một số dự án đang giải phóng mặt bằng,...

Đã thu hút được 12 dự án thuộc loại sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng, có sức lan tỏa thu hút công nghiệp hỗ trợ và các dự án khác, như: Nhà máy sản xuất khí công nghiệp và khí y tế, sản xuất sợi, bột mì, pin năng lượng mặt trời,… với tổng vốn đầu tư đăng ký 224,41 triệu USD và 26.870 tỷ đồng.



Về phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

Năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung thêm Khu công nghiệp Đá Bạc giai đoạn 1 với diện tích 300 ha vào Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, trong đó bao gồm cả 75 ha của cụm công nghiệp Đá Bạc đuợc chuyển thành khu công nghiệp1. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 8.510,27 ha; trong đó có 09 khu đang hoạt động2. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của 13/15 khu công nghiệp có thể cho thuê là 1.809,38 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 33,72%. Nếu chỉ tính 09 khu công nghiệp đang hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt 61,58%. Trong 5 năm các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã thu hút thêm 15.740 lao động, nâng tổng số lao động trong các khu công nghiệp đến năm 2015 là 48.040 lao động.

Tỉnh đã chọn khu công nghiệp Phú Mỹ 3 làm Khu công nghiệp chuyên sâu gồm 4 phân khu chính: Khu công nghiệp đa ngành và công nghiệp hỗ trợ, Khu công nghiệp nặng, Khu cảng và logistics, Khu dịch vụ tiện ích. Hiện nay đang xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 và Khu công nghiệp Đá Bạc.

Đã tiến hành rà soát, điều chỉnh giảm số lượng cụm công nghiệp quy hoạch còn 13 cụm, tổng diện tích 489 ha; đến nay đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 07 cụm, trong đó có 05 cụm đang xây dựng hạ tầng3. Có 4 cụm công nghiệp đã thu hút được 11 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 3.621 tỷ đồng, tổng số vốn đầu tư thực hiện 3.571 tỷ đồng. Trong đó có 09 dự án đã đi vào hoạt động. Các sản phẩm công nghiệp phát triển trong các cụm công nghiệp như: may mặc, dệt sợi, gạch không nung.



Về thực hiện các chương trình dự án hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp:

Nhằm hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, tỉnh đã triển khai các chương trình, dự án như: đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối, hệ thống điện, nước cho các khu công nghiệp; đầu tư nhà ở cho công nhân; đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho người lao động; đào tạo lao động;… Trong giai đoạn 2011 – 2015, có 04 dự án nhà ở công nhân hoàn thành và đưa vào sử dụng4, giải quyết được nhu cầu nhà ở cho 1.810 lao động. Đã tiến hành khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo, đào tạo lại lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và phối hợp với các cơ sở đào tạo thực hiện chương trình “Đào tạo có địa chỉ”. Một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi cho công nhân như: sân bóng đá, sân quần vợt, sân bóng chuyền, sân cầu lông, bàn bóng bàn, thư viện – phòng đọc sách, nhà thi đấu - sân khấu biểu diễn, hồ bơi, phòng vi tính, phòng đào tạo… Đời sống tinh thần của công nhân ngày càng được cải thiện.


1.3. Về phát triển dịch vụ:


- Tổng doanh thu thương mại - dịch vụ trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân 14,12%/năm. Trong đó:

+ Doanh thu thương mại tăng bình quân 14,68%/năm.

+ Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng bình quân 26%/năm.

+ Doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng bình quân 12,4%/năm, trong đó dịch vụ cảng tăng bình quân 10%/năm (NQ 35%/năm).

- Giá trị xuất khẩu trừ dầu khí tăng bình quân 23,54%/năm (NQ 13,5%/năm); tính cả dầu khí tăng bình quân 15,45%/năm.

a) Về phát triển thương mại:


Hoạt động kinh doanh thương mại được nâng cao về chất lượng. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn,… với phong cách phục vụ văn minh, giá cả minh bạch, ổn định, ngày càng chiếm được sự tin cậy của khách hàng. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được đẩy mạnh và tổ chức lồng ghép với các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình bình ổn thị trường, đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều hình thức xúc tiến thương mại được triển khai hoặc hỗ trợ triển khai như: hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại Quốc gia và các tỉnh thành khu vực phía Nam, bán hàng khuyến mãi của hệ thống siêu thị, cửa hàng tự chọn; hợp tác kết nối cung cầu phát triển và bình ổn thị trường,...5

Hệ thống phân phối thương mại được đầu tư phát triển trên cơ sở Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống chợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2013 – 2025. Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có thêm 01 trung tâm thương mại, 02 siêu thị, 11 chợ và hàng chục cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn đưa vào hoạt động. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 99 chợ, 08 siêu thị và 03 trung tâm thương mại đang hoạt động.


b) Về phát triển du lịch:

Dịch vụ du lịch tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng, chất lượng phục vụ được nâng lên. Các tiềm năng du lịch được chú trọng khai thác theo hướng kết hợp phục vụ phát triển du lịch với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, di tích, thể dục thể thao6. Trong giai đoạn 2011 – 2015, đã phát triển nhiều tour, tuyến du lịch mới, đặc biệt là tour dành cho khách tàu biển7. Hàng năm các cơ sở du lịch của tỉnh đón và phục vụ khoảng 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 450 ngàn lượt khách quốc tế.


Hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch được triển khai thường xuyên thông qua nhiều hình thức như quảng bá trên các phương tiện truyền thông, tham gia các hội chợ - triển lãm xúc tiến du lịch, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế,…

Công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường, bình ổn giá cả dịch vụ tại các điểm tham quan, các khu du lịch được tăng cường. Đã đưa vào hoạt động Trung tâm hỗ trợ khách du lịch tại thành phố Vũng Tàu.

Cơ sở vật chất ngành du lịch tiếp tục phát triển. Giai đoạn 2011-2015 đã có thêm 50 khách sạn và khu du lịch đưa vào hoạt động, trong đó có những dự án quan trọng như: Khu nghỉ dưỡng Vietsopetro và Khu du lịch phức hợp Hồ Tràm Strip (giai đoạn 1). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 203 khách sạn và khu du lịch với 9.490 phòng, trong đó có 136 cơ sở được xếp hạng từ 1 – 5 sao và hạng cao cấp.

c) Về phát triển dịch vụ cảng biển, logistics:


Dịch vụ cảng biển, logistics được tỉnh xác định là nhóm dịch vụ có tiềm năng phát triển to lớn. Trong giai đoạn 2011-2015 tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện tiền đề thúc đẩy phát triển, như: Phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011 - 2020, Đề án phát triển hoạt động cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải giai đoạn 2013 – 2020; xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2014 – 2020, định hướng đến 2030 và đang nghiên cứu lập quy hoạch phát triển Trung tâm logistics Cái Mép hạ. Hệ thống hạ tầng kết nối hệ thống cảng đang từng bước hoàn thiện. Đã hoàn thành tuyến đường 965, nâng cấp Quốc lộ 51, Đường và cầu từ Gò Găng sang Long sơn, đường Hội Bài - Châu Pha - Đá Bạc - Phước Tân (giai đoạn 1); đang đầu tư đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, Đuờng vào Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và chuẩn bị xây dựng đường Phước Hòa – Cái Mép và Đường 991B.

Trong 5 năm, đã có thêm 04 dự án cảng biển lớn đưa vào hoạt động, nâng tổng số dự án cảng biển đang hoạt động là 28 dự án, tổng công suất khoảng 98 triệu tấn/năm. Lượng hàng trực tiếp qua cảng đạt bình quân 36 triệu tấn/năm.


d) Về phát triển các dịch vụ khác như: tài chính, ngân hàng, thông tin truyền thông, bất động sản…


Các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, bất động sản,… phát triển mạnh cả về số lượng và nâng cao chất lượng phục vụ.

- Trên địa bàn tỉnh hiện có 40 chi nhánh tổ chức tín dụng và 07 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, tăng 08 chi nhánh so với năm 2010. Tổng vốn huy động đến cuối năm 2015 khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng hơn 45.000 tỷ đồng so với năm 2010. Tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2015 khoảng 40.000 tỷ đồng, tăng hơn 14.000 tỷ đồng so với 2010. Các dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử và thanh toán quốc tế, dịch vụ thẻ ATM được triển khai rộng rãi và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

- Trong 5 năm đã phát triển thêm khoảng 3,3 triệu thuê bao điện thoại và 2,5 triệu thuê bao internet. Đến năm 2015, số điện thoại đạt 205 thuê bao/100 dân, số thuê bao Internet đạt 53,5 thuê bao/100 dân; 100% các trường học, bệnh viện, cơ quan, doanh nghiệp và các xã trong tỉnh sử dụng Internet. Hạ tầng mạng lưới bưu chính được phát triển rộng khắp, cung cấp đầy đủ các dịch vụ bưu chính cơ bản với 100% số xã đã có điểm phục vụ. Tốc độ tăng trưởng của các dịch vụ viễn thông luôn đạt mức cao, đặc biệt là dịch vụ thông tin di động; hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có trạm thu phát sóng thông tin di động đang hoạt động với 1.168 trạm;… Toàn Tỉnh hiện có 06 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, internet; 13 đơn vị hoạt động bưu chính, chuyển phát; 02 đơn vị hoạt động lĩnh vực truyền hình trả tiền, 01 cơ quan báo chí và 01 đài phát thanh truyền hình tỉnh; 7/8 huyện, thành phố và 82/82 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh.

- Về phát triển bất động sản: trong 5 năm đã thu hút được 20 dự án nhà ở của doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 21.158,6 tỷ đồng và 8,6 triệu USD. Có 09 dự án nhà ở hoàn thành đưa vào hoạt động, tổng vốn đầu tư thực hiện 1.620,4 tỷ đồng và 8,6 triệu USD, đã góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân và phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.


đ) Về xuất, nhập khẩu:


- Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí duy trì ở mức tăng trưởng khá cao 23,54%/năm (NQ 13,5%/năm). Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có thêm một số mặt hàng xuất khẩu mới như: thép, sản phẩm cơ khí, vải giả da, da thuộc, dầu thực vật, tháp gió, gạch men, phân bón, nhựa, kính,… Thị trường xuất khẩu cũng như quy mô các mặt hàng đạt trên 100 triệu USD được mở rộng, tập trung vào các mặt hàng chủ lực như thép, cơ khí chế tạo, hải sản chế biến, vải giả da, da thuộc, dầu thực vật, sản phẩm giả da. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc...

- Kim ngạch nhập khẩu tăng 24%/năm. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu vật liệu và vật tư chiếm trên 97% tổng kim ngạch nhập khẩu.


1.4. Về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp:


Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng bình quân 5,13%/năm. Trong đó: nông nghiệp tăng bình quân 4,4%/năm (NQ 4,4%/năm); lâm nghiệp tăng bình quân 0,58%/năm (NQ 2,45%/năm); ngư nghiệp tăng bình quân 5,71%/năm (NQ 5,6%/năm).

a) Về phát triển nông nghiệp:


Sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2011 – 2015 giữ được tốc độ tăng trưởng khá chủ yếu từ hoạt động chăn nuôi tăng cao bình quân 7,3%/năm; trong khi sản xuất trồng trọt chỉ tăng nhẹ bình quân 2,5%/năm. Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi ngày càng tăng. Năm 2015, chăn nuôi chiếm 43% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng 5% so với năm 2010 và trồng trọt chiếm 57% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, giảm 5% so với năm 2010.

- Về trồng trọt phát triển chủ yếu trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động và nâng cao giá trị sản phẩm. Trong 5 năm qua, đã chuyển đổi khoảng 750 ha đất lúa 01 vụ thiếu nguồn nước tưới chủ động sang trồng rau màu; thực hiện cải tạo vườn tạp, đầu tư thâm canh các vườn cây ăn quả và hình thành các vùng trồng tập trung chuyên canh trên địa bàn các huyện8. Xây dựng đuợc vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 87,236 ha, sản lượng cung cấp khoảng 1.700 tấn/tháng. Tỷ lệ sử dụng cây giống mới, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã được nâng lên đáng kể, như: giống lúa xác nhận 80-90%, bắp lai 100%, rau đậu các loại 90%, điều cao sản 80%, tiêu kháng bệnh 60%,... Tỷ lệ cơ giới hóa trên cây lúa đạt 100% khâu làm đất, 20% khâu gieo trồng, 96% khâu thu hoạch, 100% khâu vận chuyển, 95% khâu sấy.

Nhiều mô hình trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao đã được tập huấn, hướng dẫn chuyển giao cho bà con nông dân ứng dụng vào sản xuất9 cùng với áp dụng quy trình sản xuất theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, cây rau, hệ thống tưới tiết kiệm nước,… đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Giá trị sản lượng bình quân trên 01 ha đất trồng trọt đạt 91,2 triệu đồng, tăng 38 triệu đồng so với năm 2010.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, công trình Hồ chứa nước sông Ray với dung tích 215 triệu m3 đã đưa vào hoạt động, khả năng đáp ứng nhu cầu nước tưới cho 9.357 ha đất sản xuất nông nghiệp; tỉnh đã đầu tư nâng cấp và kiên cố hóa 183,8 km kênh mương; hoàn thành tuyến đường ven kênh chính công trình hồ Suối Giàu và trạm bơm Phước Bửu. Đến năm 2015, hệ thống các công trình thủy lợi cơ bản đảm bảo nước tưới cho 18.465,8 ha đất sản xuất nông nghiệp, tăng 7.115,5 ha so với năm 2010.

- Về chăn nuôi: Cơ cấu đàn vật nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng phát triển chăn nuôi heo và gia cầm10. Tổng sản lượng thịt hơi các loại 83.500 tấn, tăng 6,02%/năm; sản lượng trứng gia cầm 103 triệu quả, tăng 8,36%/năm. Phương thức chăn nuôi đã chuyển mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại, hình thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp tập trung với quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại. Đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ.

Năng lực sản xuất con giống được nâng lên, đã đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đưa vào hoạt động 02 trại heo giống ở Bà Rịa, Đất Đỏ và 01 trại gà giống ở Đất Đỏ11. Ngoài ra, đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất xây dựng và đưa vào hoạt động 01 trại giống heo bố mẹ ở Tân Thành, 04 trại nhân giống gà lông màu ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành, 01 cơ sở nhân giống vịt siêu thịt ở Châu Đức. Nhiều mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao đã được tập huấn, phổ biến, chuyển giao cho bà con nông dân ứng dụng vào sản xuất12.

Mạng lưới thú y được tổ chức từ tỉnh, huyện đến xã; công tác phòng chống dịch bệnh được tập trung chỉ đạo đã hạn chế được sự phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh trên vật nuôi; đến nay tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh là 68,3%, tăng 26,3% so với năm 2010; các hộ đã được hỗ trợ đầu tư hệ thống biogas xử lý chất thải đạt 25,6%, tăng 9,6% so với năm 2010. Tỉnh đã thiết lập hệ thống kiểm dịch xuất nhập tại các đầu mối giao thông quan trọng để kiểm tra số gia súc, gia cầm xuất nhập và quá cảnh, đồng thời tăng cường kiểm dịch nội bộ, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

b) Về phát triển lâm nghiệp:


Trong 5 năm, đã trồng rừng tập trung 3.363 ha, trong đó: trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng 254 ha, trồng nâng cao chất lượng và phục hồi rừng sau bão 600 ha, trồng rừng sản xuất sau khai thác 2.509 ha; chăm sóc 11.533 ha rừng; khoanh nuôi phục hồi 2.827 ha rừng và khoán bảo vệ 7.326 ha rừng. Ngoài ra, đã thực hiện trồng phân tán 412.000 cây lâm nghiệp các loại, góp phần tạo cảnh quan môi trường ở các cơ quan, trường học, khu công nghiệp, đô thị,... Đến cuối năm 2015, tổng diện tích rừng của tỉnh là 25.647 ha. Tỷ lệ che phủ cây xanh được duy trì ở mức 44%, trong đó tỷ lệ che phủ rừng là 13,11%.

Công tác quản lý và bảo vệ rừng được tăng cường, số vụ vi phạm pháp luật về rừng giảm dần qua các năm. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm được thực hiện tương đối tốt, tỉnh đã đầu tư công trình hồ chứa nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng khu vực núi Minh Đạm và các trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng; ý thức phòng cháy rừng trong cộng đồng dân cư được nâng lên, nên đã hạn chế được số vụ cháy và mức độ thiệt hại về rừng, hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra đều được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời.


c) Về phát triển ngư nghiệp:


- Về khai thác thủy sản: Giá trị sản xuất khai thác thủy sản giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 5,7%/năm; tổng sản lượng khai thác thủy sản 5 năm đạt khoảng 1,4 triệu tấn, tăng 3,47%/năm. Tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 6.292 chiếc với tổng công suất 1,1 triệu CV, tăng 351 ngàn CV so với năm 2010; trong đó có 2.827 chiếc tàu cá khai thác xa bờ, 56 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trong giai đoạn 2011-2015, hoạt động khai thác thủy sản đã chuyển mạnh sang ngư trường đánh bắt xa bờ, giảm những nghề khai thác gần bờ; đã thành lập đuợc 109 tổ đội đoàn kết khai thác trên biển với 582 tàu cá. Cơ cấu sản lượng hải sản khai thác xa bờ, có giá trị cao, làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu được nâng lên.

Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa được triển khai tích cực, trong 5 năm đã hỗ trợ 32,387 tỷ đồng cho 151 lượt tàu cá của bà con ngư dân. Công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản và trang bị bảo đảm an toàn hàng hải cho người và phương tiện hoạt động trên biển được thực hiện thường xuyên.

Về hậu cần nghề cá, hiện nay tỉnh có 08 cảng cá kiên cố và bán kiên cố với chiều dài cầu cảng là 1.463m có khả năng đáp ứng dịch vụ hậu cần khoảng 360.000 tấn hàng hóa/năm; có 08 cơ sở cơ khí đóng sửa tàu thuyền với năng lực đóng mới 350 chiếc/100.000 CV/năm và sửa chữa 3.500 chiếc/năm. Trong giai đoạn 2011 – 2015, đã hoàn thành khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Bến Lội – Bình Châu, đang triển khai đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tại Sông Dinh và Côn Đảo.



- Về nuôi trồng thủy sản: Giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 6,27%/năm; tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng thủy sản 5 năm đạt khoảng 69,1 ngàn tấn, tăng 6,28%/năm, với các sản phẩm thủy sản nuôi ngày càng phong phú; trong đó sản lượng tôm chiếm khoảng 30 - 40%. Giá trị sản phẩm tính trên 01 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản là 149,92 triệu đồng, tăng 57,42 triệu đồng so với năm 2010.

Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản như: Tập huấn kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng các mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao cho các hộ nuôi thủy sản; thường xuyên lấy mẫu nước, quan trắc, kiểm tra, cảnh báo tình trạng môi trường trên các vùng nuôi thủy sản tập trung cho các hộ nuôi biết để xử lý trước khi lấy nước vào ao nuôi, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi trồng.



- Về chế biến thủy sản, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 169 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có 42 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP với tổng công suất chế biến trên 250.000 tấn thành phẩm/năm (tăng 07 nhà máy so năm 2010), có 28 cơ sở được cấp giấy chứng nhận CODE-EU đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Châu Âu và các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Sản lượng chế biến xuất khẩu hàng năm khoảng 110.000 tấn, trong đó: hàng đông lạnh chiếm tỷ trọng 64%, hàng khô 12% và bột cá 24%. Các mặt hàng hải sản xuất khẩu chủ yếu là Surimi, cá, mực, bạch tuộc, ghẹ, cua,...

Để phát triển chế biến hải sản bền vững, bảo vệ môi trường, Tỉnh đang đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật 02 khu chế biến hải sản tập trung tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ và xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, dự kiến hoàn thành năm 2016; và đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư để tiếp tục xây dựng khu chế biến hải sản tại phường 12, thành phố Vũng Tàu.


d) Về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới:


Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm đã huy động được 5.489 tỷ đồng để đầu tư, trong đó: vốn ngân sách nhà nước 1.880 tỷ đồng, vốn tín dụng 1.698 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 970 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 921 tỷ đồng và nguồn vốn khác 20 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 06 xã điểm gồm: Long Tân, An Ngãi, Bưng Riềng, Quảng Thành, Châu Pha và Hòa Long. Đến cuối năm 2015, hoàn thành xây dựng nông thôn mới 13/43 xã.

Đến năm 2013, thu nhập bình quân của người dân tại 06 xã điểm là 34,31 triệu đồng/người/năm, tăng 19,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Thu nhập bình quân của người dân 21 xã giai đoạn 2013 – 2015 đến nay là 33,37 triệu đồng/người/năm, tăng 18,2 triệu đồng so với trước khi xây dựng nông thôn mới (cuối năm 2012). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia của các xã đã giảm đáng kể, có 27/43 xã đã đạt tiêu chí có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia dưới 3%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên được nâng cao, có 21/43 xã đạt tiêu chí có tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 90%. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn được cải thiện, có 19/43 xã đạt tiêu chí về môi trường. Môi trường sống của người dân nông thôn được nâng cao hơn so trước đây.




tải về 392.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương