22  leâ LÖÏu tieåu thuyeát  23



tải về 2.23 Mb.
trang4/22
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích2.23 Mb.
#32030
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

1
- Chị Hằng đâu, Chị Hằng?

- Dạ em đây. Em đang theo "thằng mù", chị bảo em gì?

- Alô này, em tranh thủ xuống đây ăn canh lá bỏng nhá.

- Bao giờ hở chị?

- Bây giờ xuống là vừa.

- "Thằng mù" đang xoáy rất dữ ở cây số bốn bảy, có hiện tượng nó đã bắt được xe ở mặt đường em phải theo xem đã chị ạ.

- Ừ thôi, cứ tập trung làm nhiệm vụ đi.

Bình Nguyên đặt ống nói, bước lên đài quan sát. Đó là một cái khe giữa những tảng đá lớn trên mỏm đất cao nhất của đỉnh Phù Lã mà trước kia người ta gọi là đài Lộng Gió và nay là đài Chị Hằng. Đài Chị Hằng có ba người làm việc báo động máy bay ở cả hai phía của liên hoàn trọng điểm và báo điểm bom rơi cho các trạm chỉ huy giao thông để họ cắm tiêu, tháo gỡ bom hoặc sửa đường. Hai người con trai đều đã có con, những ngày còn ở thanh niên xung phong Bình Nguyên vẫn gọi là chú. Cô bước lên gờ của tảng đá lớn một cách chật vật. Bàn chân run lẩy bẩy, mồ hôi vã ra ướt đầm chân tóc và vòm trời trọng điểm đang quay chờn vờn trước mắt. Không đủ sức đứng được nữa, cô ngồi bệt xuống thớ đá thấp hơn, đặt cánh tay lên gờ cao rồi gục đầu xuống cánh tay. Đang sức ăn, sức lớn, mỗi ngày lạng rưỡi gạo thấm tháp gì. Ở các đơn vị khác người ta kiếm được rau, măng, thú rừng ăn thêm, ở đây cắm tiêu túi bụi suốt ngày. Tối đến, ba chú cháu mới được bát cơm, vừa nuốt khỏi miệng đã thấy đói rồi. Mọi ngày các chú vẫn làm việc thay cho Bình Nguyên để cô đi ăn chực canh ở tổng đài. Hôm nay hai chú đi họp chi bộ. Sao lâu thế hả trời? Chị Ngà nữa. Chị chả hiểu gì cả, chị không biết là còn một mình em ở đây không thể nào bỏ đi được mà lại bắt em xuống. Cô chống tay nhỏm dậy, hai mắt vẫn còn sầm lại, người mềm ra. Cô ngồi xoay lại, thả một bàn chân xuống tảng đá phía dưới, rồi buông nốt chân nữa. Nhưng một lúc sau cô lại rút cả hai chân lên. Không. Không làm thế. Húp được bát canh tỉnh ra nhưng các anh, các chị ấy sẽ nhìn mình bằng con mắt khác. Một kẻ hèn nhát, tưởng lên đây béo bở, oai vệ, nằng nặc đòi lên, đến lúc đói khổ ác liệt lại bỏ chuồn ư? Không. Mình không phải là con người như thế. Đã tự nguyện lên làm nhiệm vụ ở trên này, mày còn sức chạy xuống núi để húp bát canh rau bỏng sao lại không đủ sức đứng dậy, đứng thẳng thớm như mọi ngày? Đồ hèn mạt! Hai má cô nóng bừng và vành tai đỏ lên, cô gượng sức đứng dậy. Hai bàn chân vẫn run run. Một làn gió như du người đi. Bàn chân trái choãi ra, những đầu ngón chân như bấm tỳ xuống, cô từ từ đưa chiếc ống nhòm lên mắt. Tất cả vẫn yên tĩnh. Chưa hề có dấu hiệu gì là "thằng mù" bắt được xe. Sao nó vẫn xoáy ở vùng ấy dữ thế? Cô hạ chiếc ống nhòm xuống, buông thõng ở ngực. Một mong ước dội lên: Giá lúc này chị Ngà bê một bát canh lên đây cho em! Chị đến với em như những hôm trước chị vẫn đến dù có bát canh, miếng thịt nai, khúc măng luộc, miếng sắn nướng... hoặc không có gì cũng được, chị cứ lên đây, đứng với em là đỡ đói rồi. Chao ơi, chị thông minh, tế nhị thế, lúc này chị có biết em gái chị đói rã rời như thế nào không? Em chán chị lắm. Chị lên đây, lên ngay bây giờ đi. Để đến lúc em giận tức, đừng hòng dỗ dành nữa! Cô đưa ống nhòm nhìn xuống. Khu tổng đài gần suối vẫn chỉ thấy im lìm, không hề có một bóng người. Liệu bây giờ chị đã ăn chưa? Có nhắc gì đến em không?

Có bao giờ Ngà quên được "cái đuôi" của mình. Lần nào tổng đài kiếm được chất tươi, dù chỉ một nắm rau môn thục chia mỗi người nửa bát, chị cũng dồn cả cho Bình Nguyên và khi nó xuống hỏi, chị chỉ một mực: "Ăn đi, chị ăn rồi". Sáng nay tự tay anh tiểu đội trưởng tổng đài múc canh vào ăng-gô dành phần nhiều nhất đưa cho Ngà:

- Ăn xong chị mang lên cho Bình Nguyên, rồi chị ở đấy canh máy bay giúp em nó, con bé kêu đói từ chập tối hôm qua cơ đấy.

Tiểu đội tổng đài ở trong một hang đá cách đài quan sát chỉ hai trăm mét theo đường chim bay, nhưng phải xuống núi, lội qua suối và đi men lối mòn theo dốc mất đến mười phút mới lên đến nơi. Ngà xách chiếc ăng-gô vừa qua khỏi suối thì nghe loạt súng 12 ly 7 từ đài quan sát. Súng báo động B.52, con Bình Nguyên bắn. Chị vừa kịp nhận ra điều đó, một loạt bom đã nổ xô dúi chị ngã nghiêng vào tảng đá. Sau phút choáng váng đột ngột, chị mừng vì nắp ăng-gô vẫn chưa bật ra. Chị ngẩng mặt lên. Những lưỡi lửa loè ra như máu, từng đụn khói phùi phùi đùn lên kéo từng vệt dài ngay trên đỉnh đài quan sát. Thốt nhiên, chị kêu và nhoai người trườn lên dốc. Cả tiếng kêu và bóng chị chìm trong cảnh mù mịt hoang vắng. Khói tạt xuống sườn núi, ùa vào nghẹn đắng cổ họng. Nước mắt giàn ra cay sè, chị không còn nhìn thấy gì đành cúi rạp người lần từng thớ đá bò lên. Lại một loạt bom kéo rền. Rồi loạt thứ ba lại càng to hơn, chị nhận ra vệt bom đã kéo ra xa. Lên đến đỉnh đài quan sát khói đã loãng mỏng. Bỗng người run lên, chị vất chiếc ăng-gô, hai tay quào quào xuống tảng đá nơi Bình Nguyên vẫn đứng. Bình Nguyên ơi, em ơi, đâu rồi? Nước mắt sặc ứa đầy cổ họng, chị không sao bật ra được tiếng gọi. Chị đang cuống cuồng, hai bàn chân ríu lại không thể bước đi được. Có tiếng gọi. Chị nhảy chồm xuống tảng đá phía dưới. Bình Nguyên đang nằm, mảnh đá và đất sỏi phủ từ chân đến ngang người. Ngà ngồi sụp xuống cào cào, gạt đất đá ra rồi kéo em ngồi dậy. Người Nguyên mềm oặt, cô thở dốc một hồi rồi lấy nước bọt nhấp trơn lưỡi đùn từng cục đất trong miệng nhả ra. Đợi cái miệng rất tròn và ngoan ấy cử động được chị mới sẽ sàng:

- Có sao không?

Bình Nguyên khẽ lắc đầu. Nước mắt tràn ra hai khoé. "Khổ, em tôi đói quá đây mà". Chị bế em đặt vào chiếc giường bằng mấy miếng ván trải trên mặt đất trong lán hầm. Lúc trở ra chị quanh quẩn ba bốn lần mới tìm ra chiếc ăng-gô nằm nghiêng ở cạnh tảng đá, phía dưới. Nước canh đang rỉ chảy, chỉ còn xâm xấp lẫn với rau. Còn thế này là mừng rồi. Chị tìm bát đổ canh, trao cho Bình Nguyên. Nguyên nhìn chị như muốn hỏi: "Trời ơi, ở đâu ra thế này? Chị ăn đi, húp một húp với em cho vui". Nhưng biết tính chị không bao giờ nhận lời mời chào, cô ngoan ngoãn nhận lấy bát canh rồi thích thú húp soàm soạp như một đứa trẻ. Chao ôi, cái lá bỏng dầy mòng mọng vừa bùi, vừa ruôn ruốt chua ấy nó như một thứ thuốc hồi sinh, con bé húp vào đến đâu trông tươi tỉnh đến đấy, hai má bợt ra cũng dần ửng lên phấn chấn. Hai mắt nó lại lung linh lên rồi. Húp hết bát canh, cô bé đưa tay áo lên chùi mép và "hà" một tiếng thật khoan khoái. Cô ngả người đặt đầu vào lòng chị:

- Chị ơi, sau thằng B.52 đã có thằng nào toạ độ chưa?

- Vừa dứt B.52, còn ắng lắm.

- Khổ, không biết tên C3 có việc gì không?

- C3 nào?

- Chỗ anh Trường, em đã nói với chị ấy. Đêm qua nó đánh, hai xe của đơn vị anh ấy rệ ở cây số 47, các anh ấy phải tổ chức kéo từ bốn giờ sáng. Các ông ấy cũng liều lắm. Ban ngày, ban mặt mà chủ quan, dẫn nhau đi co kéo. À, chị gọi Z7, Z9, Z15 hộ em. Bảo họ kiểm tra mặt đường xem có việc gì không? Và xe đã cấp cứu được chưa. Nói với các anh ấy rằng em bị văng ngất nên không theo được vệt bom rơi, các anh ấy phải tự kiểm tra. Chị bảo em chỉ sơ sơ thôi, khỏi rồi. Mà em, khỏi thật rồi chị ạ, em ngồi lên đây này thấy khoẻ ra chị ạ.

Ngà ấn đầu, bắt cô nằm xuống, còn chị đứng dậy quay máy điện thoại. Một lát sau chị bước đến bên hầm nói với Bình Nguyên:

- Xe của anh Trường không việc gì nhưng chưa kéo được.

- Thế hả chị?

- Họ nguỵ trang rất tốt.

- Em biết tính anh Trường tỉ mỉ cẩn thận chứ không toang toàng như ông Vũ.

- Đường thuộc phạm vi Z7 có mấy quả bom bị trúng "tim" đang tìm cách khắc phục.

- Thế thì tuyệt quá.

- Riêng em, các anh ấy bảo định cho người lên thay cho em xuống. Chị đã nói các anh cứ yên tâm để em ở lại đây có chị hỗ trợ thêm.

Nét mặt Bình Nguyên rạng rỡ hẳn lên. Cô vùng dậy nhoai người vòng tay ôm lấy cổ chị:

- Càng ngày, em càng cảm thấy không thể nào xa chị được.

- Lặng, có tiếng máy bay. Ngà quay ra. Bình Nguyên túm lấy tay chị giật lại:

- Chị ghi và theo dõi máy hộ em. - Nói rồi cô nhao lên trước, nhảy ra khỏi miệng hầm, nhảy mấy bước nữa lên tảng đá cao chỗ cô vẫn cầm ống nhòm đứng mọi khi. Vừa gõ kẻng liên hồi cô vừa quay sang một khe đá hũng xuống giống như một ngách hầm ở cạnh tảng đá phía dưới. - Chị ghi đi: 9 giờ 36 phút ba F4H. Còn chị ạ: Hai thằng F100 nữa. Chị chú ý nhé. Lát nữa, có thể ghi không kịp đâu. Chị báo cho các trạm họ theo dõi đi. - Cô quay lên ngửa mặt nhìn lần lần bốn phía rồi nhìn xuống xung quanh chân cao điểm. Rừng và núi vẫn lì bì như ngủ, choàng lên nó là màu sũng trắng. Những ngày mưa cuối cùng của tây Trường Sơn gặp mùa mưa mới bắt đầu ở phía đông, đỉnh Trường Sơn mù mịt suốt ngày đêm, nước chảy về cả hai phía, khiến hai sườn núi đều có suối. Tiếng suối chảy ầm ã làm chìm cả tiếng máy bay. Nhưng cái tai đã quen nghe, dù trời mù không dùng được ống nhòm cô vẫn biết tiếng máy còn tít tắp đâu xa đó là loại máy bay gì, nó có mấy cái. Ngà rất ngạc nhiên ghi những điều cô nhắc xong phải một lúc thằng địch mới xuất hiện và đúng như những điều chị đã ghi. Chợt tiếng máy ầm ầm sà vào núi, tiếng bom réo ào ào ngang tai, Ngà vội rạp người kêu:

- Cẩn thận Bình Nguyên.

Bom đã nổ rung cả chỗ đang đứng. Tiếng Bình Nguyên tạt xuống:

- Cây số 79 tám bom, nổ sáu.

Lại loạt bom khác và tiếng hô át lên:

- Ngang cây số 71 phía ta-luy âm, cách hai trăm mét: sáu quả, nổ hai. Chị ơi ghi kịp không?

- Kịp.


- Cây số 72: ba bom bi mẹ, nổ một. Cây số 73 rưỡi: hai bom bi chưa nổ. Hai từ trường chưa nổ. Ngầm Tà La bốn từ trường chưa nổ. Hết rồi đấy chị ạ.

Cô quay vào, chiếc ống nhòm quàng dây qua cổ buông thõng trước ngực, thở phào hỏi:

- Chị ghi hết chưa, em nhắc lại nhá.

- Chị ghi được nhưng em cứ đọc đi, chị kiểm tra lại.

Cô đọc lại từ đầu nơi bom rơi, số lượng đã hoặc chưa nổ, loại nào... đúng thứ tự như cô đã xướng lần trước để Ngà soát lại. Gọi điện báo cho các trạm theo dõi xong Ngà khen:

- Em giỏi lắm. Làm thế nào em biết được các loại máy bay và bom tài thế?

- Nó quen đi chị ạ. Dễ thôi. Chị có để ý không? Tiếng thằng F4H hùng hổ, nặng bè bè. Thằng F100 vo vo nhẹ. Tiếng B.52 có thằng F105 hộ tống đi trước, tiếng thằng này như đàn mồng bay qua.

- Còn bom?

- Loại bom nặng lao không có tiếng gió. Loại này nổ rành rõ từng tiếng, thằng nào câm biết ngay. Loại nhẹ nghe tiếng véo véo, rơi chậm, nó xuống từng chùm. Cứ nghe âm lượng tiếng gió to hay nhỏ sẽ biết được bốn, sáu hay tám quả. Tất nhiên loại này phải nghe quen mới phân biệt được. Lúc nó nổ cũng ríu vào nhau, mình nghe tinh sẽ biết nổ mấy quả còn mấy chưa nổ. Chị hiểu không? Riêng loại bom bi là dễ nhất. Tiếng bom mẹ nổ ầm như hắt thúng khoai lang vào hòm gỗ ấy mà. À chị ở Hà Nội làm gì có hòm gỗ đựng khoai lang. Em nói tiếp nhé. Sau đó không thấy tiếng lục bục là biết chú mày nổ chậm rồi. Còn thằng từ trường không có cánh nên lao vụt một cái, nếu nổ hay không, biết ngay. Nhưng cũng phải kết hợp xem từng loại máy bay, thằng nào hay mang loại gì, số lượng nó thường mang theo chị ạ.

Ngà ngồi nghe, mỉm cười nghĩ: "Con bé thông minh thật, vừa vào đây được mấy tháng trời đã tinh tường như thế". Bướng thì cũng phải biết. Có lẽ hai chị em cùng bướng nên thân nhau ngay từ khi mới gặp. Hôm ấy Ngà đi chữa dây về gặp cô bé mặc thường phục, đội mũ cát vòng quai xuống chật căng, khuôn mặt đỏ rựng như đánh phấn đang lặc lè lên dốc. Ba lô, súng, cuốc chim, bao gạo, bi đông lủng củng quanh người, trông nó như lùn xuống. Cô nàng leo dốc được nửa chừng bỗng ngã vật xuống trông thương quá. Ngà đến gần đỡ dậy:

- Đồng chí đưa tôi mang giúp mấy thứ nào?

Cô bé quay lại ngước nhìn từ đầu đến chân chị rồi đứng dậy xốc lại ba lô:

- Cảm ơn chị, tôi mang được.

"Hắn này bướng bỉnh, đang ở cái tuổi "hung hăng" đây. Thôi nó muốn thế cứ kệ nó". Chị nghĩ và im lặng rẽ sang đường về hang tổng đài. Buổi trưa cô nàng xuống suối tắm, bất ngờ lại gặp Ngà đang kiếm rau rừng. Vì chưa biết đường đành phải dừng lại:

- Đồng chí ơi, xuống suối lối này phải không ạ?

Ngà suýt bật cười vì hai tiếng "đồng chí" cứng nhắc mà chị đã nhiều lần nghe các cô cậu mới lớn hỏi. Chị nhìn cô âu yếm:

- Xuống lối này. Đến cây lim mốc đổ ngang đường rẽ trái. Đi một đoạn đường chừng năm mươi mét, rẽ phải, đi một đoạn nữa rồi rẽ phải nữa. Quanh co lắm, để mình đưa bạn đi.

- Thôi chị cứ chỉ thế là em đi được rồi.

- Đằng nào mình cũng phải xuống rửa rau và nhặt thêm ít hạt gắm ở đấy.

Hai người im lặng đi. Đến suối, cô bé tắm giặt, còn Ngà thì giải thích về các loại rau mình vừa kiếm được và vẽ đường hẹn cô bạn xuống hang tổng đài rang hạt gắm ăn. Cô ta hỏi:

- Chị là người Hà Nội, phải không?

- Sao biết?

- Em chả biết thế nào nhưng người Hà Nội bao giờ cũng thanh nhã lịch thiệp. Hình như cả dáng người, tiếng nói bước đi hay làm lụng gì cũng đều nhẹ nhàng, thư thái.

- Và hơi ẻo lả điệu nữa, phải không?

- Cũng tuỳ từng người chứ.

- Chắc mình ở trong cái chữ "tuỳ" ấy.

- Không đâu. Em nói nhá.

Ngà gật đầu, cô bé sôi nổi đáp:

- Buổi sáng em không nhờ chị mang các thứ vì em đoán chị là người thành phố. Mà người thành phố thì cái điệu cân nặng hơn người (kể cả quần áo và guốc bảy phân).

Ngà cố nén cười vì sự ngộ nghĩnh của cô bé. Còn cô bé đỏ mặt và càng nói to hơn:

- Tự vì nghĩ thế nên em cứ cố một tý còn hơn. Nhưng bây giờ thấy chị xắn quần ôm rau măng, bê mũ hạt gắm, em nghĩ chị sống cũng xô bồ như Thanh niên xung phong chúng em thôi.

Ngay từ phút ấy hai người đã quý nhau như hai chị em. Bình Nguyên rất thích mặc quần áo quân phục của Ngà; còn chị cũng muốn mặc thường phục để được dãn mình ra đôi chút. Đã thân nhau là cô có thể lôi hết mọi chuyện riêng tư của cô. Nào từ hồi lên bốn tuổi một lần bốc vụng mấy miếng thịt chó bị mẹ đánh, đến chuyện những anh chàng lớp trên cứ nhìn cô với con mắt ve vãn, tán tỉnh. Và cô cũng tin ngay lập tức những điều không có thật trong cuộc đời riêng của Ngà mà buổi đầu gặp, một người từng trải như chị không thể nào giãi bày ngay được. Dù thế, hai người vẫn hết sức thương yêu nhau một cách chân thành.

Cho đến ngày hôm nay hai chị em mới lại ngồi lâu với nhau hơn cả. Sự quấy nhiễu của bọn địch và công việc của đài quan sát cuốn họ đi. Mãi đến chiều, cái lúc mù mờ một khoảng ranh giới giữa ngày và đêm hai chị em mới được ngồi yên lặng, ngồi sát vào nhau trên tảng đá cô vẫn đứng quan sát. Ngà sổ mái tóc rối rắm bết nước ra chải, còn Bình Nguyên buông thõng chân nhìn sang khu rừng phía bên kia suối. Cứ yên lặng như thế. Rồi đột nhiên cô quay lại:

- Chị ơi, chị không có người yêu thật đấy à?

Ngà vẫn mải mê gỡ những sợi tóc rối:

- Ừ, chị nói thật với em đấy.

- Em vẫn thấy thế nào ấy, chị xinh thế, lại tốt nữa, rất đảm đang nữa, cánh con trai lại chẳng nhâu nhâu vào từ hồi học lớp bảy, lớp tám ý.

- Căn bản là mình chứ. Anh chàng nào cứ nhí nhố làm cản trở đến công việc mình thì nói thẳng, hắn quấy rầy sao được.

- Mà thế thật, em thấy chị vô tư lắm cơ. Chị rất bình thản nữa. Em thích được như chị ghê lắm, chả phải nghĩ ngợi gì. Chứ em ở nhà là mẹ em hay mắng em, bênh thằng Hoà. Anh Trình Nhật em nữa. Cứ bắt em phải đi nước ngoài, em ghét cái kiểu cứ nghĩ thế nào là bắt người khác cũng phải nghĩ như mình. Mà căn bản là chị sống tập thể nhiều rồi nên chị được thoải mái như thế.

Khuôn mặt Ngà bỗng ngây dại đi. Chị ngồi lặng, cắn chặt vành môi. Còn khuôn mặt non trẻ của Bình Nguyên cứ áp sát vào hai mắt chị, khi ấy chị phải tủm tỉm cười, tay trái chét lấy mớ tóc quay quay cho nước văng ra. Tự nhiên cô bé lại buồn lặng lẽ quay đi, hai mắt nhìn chằm chằm vào khoảng rừng cây đen mờ. Hai chị em cùng lặng im. Chỉ nghe tiếng suối chảy ầm ầm xung quanh như luồn dưới lớp mây mù mà chảy, chảy mãi. Không có tiếng bom, tiếng máy bay, chỉ có tiếng côn trùng rít lên như những thanh kim loại xiết vào nhau. Cái âm thanh hoang vắng ấy loang ra mọi nơi mênh mang, con người như lọt thỏm vào cái thế giới ri rỉ lạnh, trống trải. Không biết từ lúc nào hai hàng nước mắt Bình Nguyên trào ra, và mặc cho nó chảy ùa vào mồm mặn chát. Rồi thốt nhiên cô gục mặt kêu hoảng hốt:

- Ôi mẹ ơi. Mẹ ơi, giời ơi.

- Bình Nguyên, làm sao? Làm sao em? Làm sao?

Cô bé vẫn kêu khóc thảm thiết. Ngà bỏ thõng mớ tóc chưa kẹp, xoã xuống lòng, chị vòng tay qua vai Bình Nguyên lay lay:

- Em làm sao thế? Làm sao bảo chị mới biết được chứ. Làm sao Bình Nguyên, em?

Bình Nguyên nén tiếng khóc, tiếng nấc, nước mắt sặc trong cổ.

- Em không làm sao cả. Chị cứ mặc em. - Cô lại khóc và kêu: - Giời ơi, chiều nay mưa thế này mẹ em lại khóc hết nước mắt mất thôi. Bao nhiêu quần áo sách vở của em, mẹ em giở tung ra, ngồi nhìn rồi khóc đấy chị ơi. Mẹ em bảo: bố con đã bảo thế thì con cứ đi. Nhưng cả hai bố con mày cùng vào trong ấy, anh mày thì bận vợ con chả mấy lúc về, một mình mẹ ở nhà...

- Ai mà chả có hoàn cảnh như thế hả em?

- Nhưng mẹ em không phải là người lạc hậu đâu. Mẹ em bảo: thôi con cứ đi, mẹ không cản bước tiến của con đâu. Mẹ vui rồi. Ừ mẹ vui thật rồi. Sao mày lại khóc. Mẹ chỉ dặn con phải giữ gìn, mình là con gái chớ có nhẹ dạ. Thôi lau mặt đi, chị em người ta cười cho.

- Thế thì có việc gì phải lo vớ vẩn.

- Tự vì em bịa ra thư của bố em đấy, chứ hàng năm bố em có gửi được lá thư nào về đâu. Thích đi quá em bịa thư của bố em đấy mà. Ôi mẹ ơi, mẹ ơi...

Ngà nghe xong không khuyên nhủ gì, chị gục đầu vào vai cô, người chị rung lên từng chập, hai chị em cùng khóc. Từ lúc nước mắt chị thấm ướt vai thì Bình Nguyên lại thấy thương chị hơn, cô nén lại khóc thầm.

Hai chị em đang ôm nhau khóc giữa cảnh lạnh vắng của đêm mưa bỗng cây rừng loé sáng chập chờn và tiếng máy bay chàm áp vào vách núi. Cả hai người cùng vội vàng nhổm bật dậy. Bình Nguyên đưa ống nhòm lên mắt. Phải một lúc sau cô mới nhận ra việc làm theo thói quen của mình là rất vô nghĩa trong cảnh đêm tối mung lung này. Ngà chạy xuống khe đá nơi đặt điện thoại. Nghe từ đầu dây bên kia truyền lệnh xong, chị xỉ mũi, lau vội mắt rồi quay lên. Cái thứ ánh sáng chun giãn chập chờn trên các vòm cây đã mờ tối lại dần.

- Bình Nguyên này. Tối nay các anh ở tổ của em phải ở lại mặt đường đảm bảo xê ba đi, không về được. Chị và em thường trực ở đây. Chị nói với các anh dưới tiểu đội chị rồi, lát nữa sẽ có người mang cơm lên cho chị em mình.

Mặc cho nước mắt vẫn còn chảy vào miệng mặn chát, Bình Nguyên nói lại với chị:

- Báo cho Z15 có hai bom từ trường ở cây số 74 chưa nổ chị ạ.

- Lâu chưa?

- Ở vòng lượn sau khi thả pháo sáng.

- Em lấy áo mặc thêm vào, lạnh đấy.

- Kiểu này là đêm nay nó canh suốt đây chị ạ.

- Kệ cha nó, chị em mình ở đây lo gì mà. Vừa rồi là mười chín giờ phải không?

- Vâng. Mười chín giờ bảy phút. Một F4H, kilômét 74. Hai bom từ trường chưa nổ. Chị ghi vào sổ cho em đi. Sao lúc nãy chị lại khóc? Giời ơi, chị ở đây với em thì vui quá. Em rất thích được thản nhiên, vô tư như chị.

Ngà lại cắn chặt lấy vành môi, chỉ khác lúc trời còn sáng là nước mắt chị không sắp sửa trào ra nữa. Chị cười, cười rất to, giữa khoảng tối mênh mang, Bình Nguyên có thể hiểu rằng chị vẫn vô tư và thanh thản.




2
"Nhưng chị cũng có một gia đình, một đứa con. Song, bây giờ thì không, không còn gì nữa. Chị bắt đầu yêu, yêu vụng dại và trong trắng từ năm mười bảy tuổi. Ngày ấy chị là "con búp bê" hệ hơi trường âm nhạc. Chị học ô-boa. Con gái thổi ô-boa trông chướng, chưa thích hợp ở nước ta và dễ hỏng chân răng. Nhưng chị mê loại đó, mê đến điên cuồng suốt ngày đêm. Đã có lần chị nói cho em nghe ô-boa là thế nào rồi phải không? Em hỏi hệ hơi là gì hả? Tức là dùng hơi mình tạo ra âm sắc. Tất cả các nhạc cụ dùng bằng hơi người ta xếp vào một hệ. Em thích nghe tiếng sáo trúc ghê lắm ư? Ừ, tiếng sáo trúc gợi lên cảnh đồng nội về buổi sáng có những em bé cưỡi trên lưng trâu bên dòng mương và những cánh đồng lúa trải mãi xanh, những buổi sáng xanh xôn xao đất trời. Một anh bạn chị thổi sáo đã nói về sự say mê của nghề mình như thế. Còn tiếng ô-boa là tiếng của buổi chiều. Chiều đương xuống, hoàng hôn chìm dần. Luỹ tre làng và những hàng phi lao hai bên đường, cây đa cạnh giếng nước, rặng nhãn sẫm đen đang tối lại ở đầu đình và cánh đồng chớm lạnh bồi hồi trong những khao khát đang tới, nó yên lặng mênh mang của những niềm lắng sâu trong tâm trạng. Tại sao chị ở thành phố lại mê những làng quê về chiều như thế? Thú thật chị không thích phố xá vì ở đấy bao buổi chiều đều bị vỡ ra bởi những âm thanh xô bồ, vụn vặt. Những ngày nghỉ chị thường về quê với ông bà nội và chơi thân với những bạn gái ở làng. Trong những bộ phim có những cánh đồng về chiều mờ sương, có tiếng kèn nghe lạnh mênh mông làm chị nhớ da diết quê nội, thèm khát bao điều mơ hồ và thú vị. Biết tiếng kèn đó là tiếng ô-boa chị đã tìm mọi cách để xin vào học. Cậu mợ chị đốt hết quần áo, sách vở chị vẫn trốn đi, vừa học vừa làm thêm để may mặc và mua sách bút. Niềm vui mang lại cho chị trong những ngày như thế là bạn bè. Trong những người hiểu và trân trọng cách sống của chị có một anh. Anh ấy mê tiếng ô-boa ghê lắm. Anh bảo có lần nghe bản độc tấu ô-boa của một nghệ sĩ người Ý xong anh cứ ngẩn ngơ suốt một tuần lễ không thiết làm việc gì. Mọi thứ âm thanh quanh mình lúc ấy nhỏ hẹp chật chội, nó "phô" một cách kinh khủng. Anh bảo thèm đến phát ghen vì anh không có hàm răng "giời cho" đều và đẹp như chị để học ô-boa đành phải học vi-ô-lông. Anh nói đến những khao khát rộng lớn, những tâm hồn rung động mãnh liệt do âm sắc của ô-boa đem lại. Anh nói hay đến nỗi chị quên hết nỗi âu lo trống trải. Có lần anh thức đêm liền một tháng để chép và giảng nhạc lý cho chị. Có những chủ nhật, anh phải đến nhà chị từ sáng sớm đến tối tìm cách làm cho cậu mợ chị thông cảm nguyện vọng của chị. Anh mất rất nhiều thời gian cho chị mà vẫn là học sinh giỏi nhất của hệ dây. Anh ấy học vi-ô-lông mà. Thế là chị yêu. Tình yêu đến từ lúc nào và vì sao chị hoàn toàn không biết nữa. Rồi hai người cùng về một đoàn và cưới nhau. Một năm sau, chị có cháu. Trong lúc chị nghỉ sinh cháu, anh ấy đi công tác và bí mật yêu một cô diễn viên hát cùng đi trong tổ "xung kích" đợt ấy. Khi về, anh tìm đủ mọi lý do để không ăn cơm nhà và tối nào cũng đi chơi rồi về ngủ ở nhà người chú họ. Anh bắt đầu tiêu tiền riêng và đau khổ bực dọc. Suốt một năm trời sống trong sự ruồng bỏ, khinh bạc, không mấy đêm ngủ với con, chị không khóc. Nhưng lúc ở dàn nhạc người ta vẫn bố trí chị ngồi cạnh anh ấy. Cùng nhìn chung một giá nhạc, cùng một nét mặt rộn ràng hân hoan hay đau thương phẫn nộ để những âm sắc hoà vào nhau trong mọi tiết tố, giai điệu. Đau khổ và tởm hơn là: ở trước mặt mọi người bao giờ anh ấy cũng tỏ ra rất chiều, âu yếm và chăm sóc chị làm cho mọi người tưởng chị ỷ lại vào con, đòi hỏi quá đáng anh ấy, là chị tầm thường nhỏ nhen. Và tất nhiên do sự khéo léo của anh ấy và những thiếu sót không thể tránh khỏi của chị nên cơ quan khó nắm được thực chất, việc giúp đỡ giáo dục chưa đến nơi, đến chốn. Điều chủ yếu anh ấy đạt được; khi bỏ nhau, dư luận cho rằng cũng "tại anh tại ả, tại cả hai bên". Riêng chị, chị đã thức hơn một trăm đêm để dằn vặt, để đau khổ, để suy nghĩ về mình, cả về anh ấy. Chị hiểu rất rõ tình cảm và cách sống của một con người mà mình đã từng rung động, trao cả cuộc đời mình cho họ. Bỏ nhau! Có hai bản nhạc trên hai giá nhưng vẫn ngồi cạnh nhau, vẫn nét mặt sôi sục hoặc êm đềm như nhau trong mọi tiết tấu giai điệu, thậm chí có khi anh ta còn thay nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy mọi xúc động tình cảm của tâm hồn mình trong đêm biểu diễn. Như chị đã kể em nghe rồi đấy: tiếng kèn hay là tiếng kèn có âm sắc tròn, đặc thiết tha nó dầy lên mênh mang. Thế mà những đêm nhạc trưởng vắng mặt anh ấy thay, khi cái roi chỉ huy vung lên là ngay tức khắc chị đã hình dung ra cái nhìn đắm đuối, những cử chỉ nhẹ nhàng vuốt ve dạo trước rồi lại ngay lúc đó vẻ lạnh lùng khinh bạc ngấm ngầm của anh ta trong những ngày qua đối với mình cũng trồi cộn, hơi cứ ùa đầy lên cổ. Nhưng phải nén lại, chị phải cố nén lại để những âm thanh khỏi toè ra, chua rỗng em ạ. Em có hiểu không? Những đêm như thế mình vẫn phải ngồi biểu diễn dưới sự điều khiển của con người mà mình đã biết rõ ràng sự tê lạnh bạc bẽo trong tâm hồn anh ta, vẫn phải dồn dập khi nhịp tay anh ta bốc lên, hay là khi anh ta buồn nản, bàn tay chai cứng thì mình cũng phải uể oải theo, mặc dù lúc đó mình đang say mê tha thiết. Anh ta đang chỉ huy nhạc điệu, chỉ huy cả cuộc đời nghệ thuật của mình đây. Có lúc chị muốn rời dàn nhạc đi nơi khác, đi làm bất cứ việc gì cũng được. Nhưng nghĩ đến cháu, nghĩ đến sự say mê trân trọng của người xem, chị đã vượt qua tất cả.

Cứ sống trong một tâm trạng như thế đến hơn một năm sau. Hơn một năm... một năm sau". Tiếng chị bỗng chìm dần rồi im hẳn. Bình Nguyên cũng ngồi lặng đi, cô nén hơi thở của mình, sợ một động tĩnh rất nhỏ lúc này cũng có thể xói thêm vào nỗi đau của chị. Nhưng chị không muốn em phải buồn vì mình, lại gượng giọng kể: "Hôm đó chúng đánh vào ban đêm. Chị đang biểu diễn ở Bộ Tư lệnh phòng không. Sau hồi còi báo yên, đèn bật sáng sửa soạn diễn tiếp thì chị nhận tin cháu...

Sau này nghe người ta nói là chị ngất ngay giữa dàn nhạc. Suốt hai tháng trời không sao ngủ được, miệng lúc nào cũng lảm nhảm rồi tự nhiên khóc hú lên. Đêm nào chị cũng mơ thấy cháu, quờ tay ra ôm ghì cháu vào lòng, vỗ vỗ vào cái lưng bé bỏng của cháu, nhưng tỉnh ra chỉ thấy tay mình đang đập đập vào ngực mình, thế là nước mắt lại ứa ra giàn giụa. Phải gần một năm chị mới nguôi được, anh trai chị xin cho chị đi học trung cấp bưu điện. Chị ra với lý lịch Nguyễn Thị Ngà hai mươi tuổi, chưa chồng, chưa con. Cái tên Thanh An của những ngày ngồi trong dàn nhạc chị không muốn ai nhắc đến nó, chị lấy lại cái tên bà nội đặt cho từ hồi còn nhỏ. Chị khai rút đi bốn tuổi nhưng với nước da và khuôn mặt của chị không ai nghi ngờ gì. Học mới được một năm chị xung phong đi bộ đội. Em bảo chị không bao giờ buồn, không phải suy nghĩ gì ư? Ừ, em đoán cũng đúng thôi. Vì ai cũng thế cả, đã biết quyết định tìm cho mình một lối mà vượt lên khỏi cái hiện tại đau buồn thì cũng phải biết nén chịu, dồn mọi sức lực lại mà ghìm nén những cái gì giằng níu mình lại. Nếu không, mình sẽ là cái gì khi chỉ nhận lấy sự thông cảm thương xót của người khác? Chị nghĩ rất nhiều đêm về chuyện đó em ạ. Có phải thế không Bình Nguyên? Đêm nay chị đã nói hết, nói thành thật hết với em mọi chuyện rồi nhưng mà em đừng tin, như thế vội vàng đấy. Chị biết em còn trong trắng lắm, đừng tin ở người khác một cách dễ dãi. Ở đời này không có niềm tin nào bắt đầu bằng sự dễ dãi đâu".


Каталог: UserFiles -> RadEditor
UserFiles -> PHƯƠng pháp viết nghiên cứu khoa họC Ứng dụng sư phạM
UserFiles -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
UserFiles -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
UserFiles -> BỘ XÂy dựNG
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
UserFiles -> BỘ XÂy dựng số: 10/2013/tt-bxd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
UserFiles -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
UserFiles -> MÔn toán bài 1: Tính a) (28,7 + 34,5) X 2,4 b) 28,7 + 34,5 X 2,4 Bài 2: Bài toán
UserFiles -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
RadEditor -> BẢn thảO ĐẦu tiêN (để bổ sung/góp ý) thông tin đÓng góp về XÃ HỘi dân sự TẦm nhìn asean 2025

tải về 2.23 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương