2, Đặc trưng của truyền hình 10



tải về 1.25 Mb.
trang5/17
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.25 Mb.
#13034
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

5, Kịch bản điện ảnh


5.1, Kịch bản phim truyện

Một kịch bản phải hội tụ đầy đủ những yêu cầu sau:

-Thứ nhất, phải có ý tưởng.

-Thứ hai, phải có cốt truyện là lịch sử các mối quan hệ mâu thuẫn được thể hiện qua hành động, có các nhân vật xung đột, va chạm với nhau để bật ra các tình huống khác nhau và thái độ của tác giả trước tình huống đó.

-Thứ ba, phải tạo ra được trạng thái tình cảm.

Kịch bản phải có tính kịch. Đó là động lực để đẩy cốt truyện lên, tính kịch nằm ở ngay trong mâu thuẫn mà mâu thuẫn thì đầy tính kịch.

Kịch bản phim truyện chi tiết đến từng cảnh quay

5.2, Kịch bản phim hoạt hình:

Cũng giống như kịch bản của phim truyện, những nhân vật không phải là con người thực. Những hình vẽ, con rối, búp bê được nhà làm phim “thổi hồn” và trở thành nhân vật mang tính cách, suy nghĩ như con người. Phim hoạt hình có khả năng dẫn dắt người xem đi đến những thế giới kỳ lạ của những câu chuyện dí dỏm, ngộ nghĩnh, ít thấy ở mảng đời dung tục.


5.3, Kịch bản phim khoa học

Mục đích của phim khoa học là nhằm nâng cao nhận thức khoa học cho người dân. Kịch bản phim khoa học đơn giản không có hư cấu, không có mâu thuẫn như trong phim, nhằm thể hiện những công trình khoa học một cách đúng đắn nhất. Trong kịch bản, nhất thiết phải nêu rõ người chủ trì và phát minh ra công trình khoa học ấy.


5.4, Kịch bản phim tài liệu

Phim tài liệu phản ánh người thực việc thực. Phim tài liệu đem đến cho người xem những nhận thức và tư duy xuất phát từ hình ảnh có thực; nó nâng sự kiện lên tầm khái quát bằng hình tượng, phát hiện bản chất có ý nghĩa triết học của hình tượng, sự kiện, nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của hiện tượng. Đối tượng của phim tài liệu là con người, sự kiện, sự việc có thật trong đời sống.

Do những đặc điểm trên nên kịch bản phim tài liệu không giống như phim truyện, không có hư cấu và không có gợi ý diễn xuất dàn dựng. Kịch bản phim tài liệu bao gồm kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh.

Kịch bản văn học được viết ra theo ý tưởng, cảm xúc, lập luận của người biên kịch, nhưng chất liệu phải lấy từ cuộc sống hiện thực; các nhân vật, sự kiện, sự việc được ghép nối theo đường dây liên tưởng, cảm xúc lập luận lôgic của tác giả. Khác với phim truyện, phim tài liệu lựa chọn hình mẫu. Phim truyện khắc hoạ tính cách nhân vật ở những giây phút cá biệt, còn phim tài liệu nêu bật phẩm chất con người ở những giây phút tiêu biểu nhất, còn phim tài liệu nêu bật phẩm chất con người ở những giây phút tiêu biểu nhất.

Kịch bản phim tài liệu mang tính giả định, dự kiến mọi sự kiện, nhưng các dự kiến này đều có cơ sở để thực hiện. Vì vậy kịch bản phim tài liệu có thể chi tiết đến từng cảnh quay.

Như vậy, kịch bản điện ảnh là một loại hình mới của văn học. Bởi vì, một tác phẩm điện ảnh không phải là kết quả của một phút cảm hứng ngẫu nhiên của một nghệ sỹ thiên tài nào. Nó là sản phẩm của một sự đầu tư lớn, cả về nghệ thuật, khoa học kỹ thuật và kinh tế. Là kết quả của sự đóng góp của tập thể các nghệ sỹ thuộc rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau: tác giả kịch bản văn học, đạo diễn, hoạ sỹ, nhạc sỹ, diễn viên, quay phim, dựng phim, thu thanh... Để có một bộ phim cần huy động cả một đội ngũ những nhà kinh tế (chủ nhiệm phim), kỹ sư hoá, công nhân in tráng, thợ máy chiếu, thợ mộc, thợ may... người ta đã tính đến những người tham gia quá trình sản xuất và phổ biến phim tới người xem là 72 dạng nghề khác nhau. Bảy mươi hai dạng nghề khác nhau xây dựng nên ngành điện ảnh. Nhưng “nghề” nào trong 72 nghề đó góp phần quyết định trong nghệ thuật đưa thứ trò kỹ thuật giải trí chợ phiên (thời kỳ đầu của điện ảnh) thành một nghệ thuật quan trọng? Đó là “nghề” sáng tác kịch bản văn học của điện ảnh nghệ thuật- nghề thực hiện khâu đầu tiên của một quá trình sáng tạo tập thể.

Nhà nghiên cứu, sáng tác và nhà sư phạm lão thành Xô Viết I.Mannhêvích viết trong cuốn “Điện ảnh và văn học”.

Nhu cầu về chất liệu văn học đã xuất hiện đồng thời với sự ra đời của điện ảnh với tư cách một nghệ thuật trình diễn công cộng” Ngay những bộ phim đầu tiên đã được quay theo một dự kiến có sẵn từ trước và đã có một cốt truyện xác định. Mầm mống của kịch bản điện ảnh đã tồn tại ngay từ những ngày đầu mới phát minh ra điện ảnh. Muốn truyền đạt được nội dung phức tạp hơn món “kỹ thuật thần kỳ”- điện ảnh lúc ấy hướng trông vào văn học và đã trở thành một nghệ thuật. Nó đòi hỏi ngày càng cao ở những người viết chuyên môn cho màn ảnh.

Sự tham gia của những nhà văn chuyên nghiệp và những nhà biên kịch có tài năng văn học thật sự đã nâng cao chất lượng của phim, đã buộc bản thân nền điện ảnh phải tự nâng cao tầm mức khả năng thể hiện, phải hoàn thiện ngôn ngữ của mình để có thể tiếp nhận những kịch bản có chất lượng.

Sự xuất hiện của văn học điện ảnh chân chính đã thúc đẩy sự chuyển biến nhanh chóng của nền điện ảnh từ một trò giải trí kỹ thuật thành một nền nghệ thuật thật sự. Và trong quá trình tự tiến lên của chính mình điện ảnh lại đòi hỏi văn học cũng tự hoàn thiện thêm nữa, “điện ảnh” thêm nữa để trở thành một loại hình hoàn toàn mới trong văn học, loại hình văn học điện ảnh.

Kịch bản văn học điện ảnh không giống một loại hình văn học nào sẵn có bởi vì, nó mang hai yếu tố văn học và điện ảnh.

Kịch bản điện ảnh nhằm gửi đến người thưởng thức một (hay nhiều) thông điệp nghệ thuật. Trong kịch bản có phần tác giả miêu tả người, việc, thiên nhiên, có đối thoại giữa các nhân vật và có khi cả lời nói sau màn ảnh... Trong kịch bản điện ảnh có mâu thuẫn, xung đột... Các yếu tố tự sự, trữ tình và kịch đều được vận dụng trong kịch bản điện ảnh. Có thể đọc nó như một tác phẩm văn học.

Nhưng nó được viết ra chủ yếu làm phim, cho nên nhất thiết phải có chất điện ảnh: phải miêu tả những gì trông thấy được (để quay phim), có thể nghe thấy được (để thu thanh), phải dung dị, trong sáng dễ hiểu (để đáp ứng nhu cầu của số đông người xem), phải tính toán kiềm chế mức sử dụng bối cảnh phức tạp, cầu kỳ (để phù hợp với điều kiện kinh tế kỹ thuật), phải khống chế dung lượng vừa đủ để làm phim với số giờ, phút kéo dài nhất định.

Định nghĩa về kịch bản điện ảnh, nhà lý luận V.Jđam nguyên hiệu trưởng trường Đại học Điên ảnh Liên xô (cũ) nói:

Kịch bản điện ảnh là điện ảnh ở dạng văn học hoặc là văn học trên đường đi lên màn ảnh, cũng giống như kịch bản sân khấu là sân khấu ở dạng văn học hoặc là văn học trên đường đi lên sân khấu”

Tóm lại, kịch bản điện ảnh là một loại hình mới của văn học bao gồm hai yếu tố văn học và điện ảnh, chất liệu sáng tác của kịch bản xuất phát từ đời sống xã hội- con người, cách thể hiện của nó dựa trên cơ sở hư cấu (đối với phim truyện và phim hoạt hình) và sáng tạo của người nghệ sỹ.


6, Kich bản truyền hình

6.1, Sự ra đời và ưu thế của truyền hình

Mặc dù những chương trình truyền hình đầu tiên của những năm 30 của thế kỷ này là các tác phẩm điện ảnh, nhưng nguồn gốc của truyền hình lại độc lập với điện ảnh. Điện ảnh bắt đầu khai sinh với các bộ phim của anh em Luymiêre (Pháp 1859), trong khi đó mầm mống của truyền hình lại lại là con lắc truyền ảnh (1843). Mcụ đích của những thử nghiệm đầu tiên là những hình ảnh tĩnh, có nghĩa là nó có mối liên hệ với nhiếp ảnh trong giai đoạn tiền thân này. Có lẽ vì thế mà người ta cho rằng sự ra đời của vô tuyến truyền hình là một bước tiếp nối từ nhiếp ảnh “kỹ thuật vô tuyến truyền hình thường được xem là gắn liền với kỹ thuật nhiếp ảnh, nhờ vào sự thay đổi có tính chất cách mạng, việc ghi nhận các hình ảnh bằng điện, điện tử hay từ tính, cho phép làm được những “bức ảnh đóng hộp” dưới những hình thức khác nhau trên các băng nhựa hay trong hộp (catset). Thế nhưng truyền hình hiện đại (truyền hình sử dụng cable hay sóng vô tuyến) “màn ảnh nhỏ” đã kế thừa từ điện ảnh những hình ảnh chuyển động và thành quả phim có tiếng. Hơn thế nữa, truyền hình còn được thừa hưởng những điểm mạnh của nền nghệ thuật thứ 7 như Montage, cỡ cảnh, góc độ máy mà điện ảnh sơ khai đã phải mất hàng chục năm thử nghiệm mới gặt hái được. Và ngôn ngữ truyền hình gần như đồng nhất và kế thừa ngôn ngữ tạo hình điện ảnh. Lịch sử loài người là lịch sử của kế thừa. Điện ảnh ra đời là sự kế thừa của nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc, còn truyền hình là sự kế thừa từ điện ảnh và báo chí. Như vậy truyền hình, một tờ báo hình, dùng phương tiện ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh để chuyển tải thông tin.

Mỗi một phương tiện truyền thông đều có một thế mạnh nhất định, nó bổ sung hỗ trợ cho nhau trong sự nghiệp chung. Tuy nhiên trong ba loại báo noi, báo viết, báo hình thì loại báo hình có thể hơn hẳn so với hai loại kia. Bởi ngoài việc bình luận, giải thích các hiện tượng, sự việc, hoặc một vấn đề nào đó truyền hình còn có hình ảnh sống động giúp người xem chứng kiến các sự kiện đang diễn ra. Ví dụ như đoạn phim cảnh tai nạn giao thông, xác người mặt nát bên vũng máu với chiếc xe máy bẹp dúm dưới gầm một chiếc xe ôtô, nhà làm phim truyền hình đã quay ngay thực tế đang diễn ra tạo ra được những hình ảnh đặc biệt nhất, tiêu biểu nhất nhằm làm rõ chủ đề của phim để người xem hiểu được ý nghĩa của người định truyền đạt tới họ. Hay những cảnh đi lại mất trật tự trên đường, vỉa hè trở thành vị trí thuận lợi để buôn bán, kinh doanh, họp chợ làm ách tắc giao thông nghiêm trọng. Những hình ảnh sống động đó, phần nào khiến cho người xem ý thức được tình trạng mất trật tự giao thông ở nước ta hiên như thế nào. Đây cũng chính là ưu điểm của truyền hình mà các loại hình báo chí khác không có được.

Hình ảnh phát sóng của truyền hình còn có khả năng vươn tới những vùng xa xôi khác nhau trong mọi miền của cả nước một cách nhanh chóng. Nhờ đó, mọi người dân dù ở đâu cũng có thể nhanh chóng biết được được những sự việc ở rất xa một cách tường tận. Đây là thế mạnh nữa của loại hình báo hình so với các thể loại khác.Ưu thế về âm thanh, hình ảnh, phản ánh cuộc sống một cách chân thật nhất đó cũng cho ta thấy quá trình làm ra một sản phẩm truyền hình khá phức tạp và kỳ công.


6.2. Vai trò và đặc điểm của kịch bản truyền hình

Một phóng viên báo viết đi đến cơ sở, thu thập tin tức, viết tin bài. Hoạt động sáng tác của nhà báo mang tính chất cá nhân. Họ viết những gì mình thu nhận được ra giấy bằng phương tiện ngôn ngữ chữ viết đơn thuần. Và bài báo hoàn thành, dẫu sao công việc cũng đơn giản.

Làm một chương trình truyền hình, cho dù là một bản tin ngắn cũng đều phải qua các khâu: xác định đề tài, chủ đề, phác thảo nội dung, lựa chọn cách để quay sao cho thich hợp với nội dung đó,... khâu cuối cùng là sắp xếp ghép nối các cảnh thành những câu bình, nối tiếp nhau lôgic. Dựa trên ý nghĩa đề tài của các cảnh, để viết lời bình.

Bất kỳ một tác phẩm truyền hình nào cũng là sản phẩm mang tính tập thể cao, là kết quả đóng góp củ các thành viên: quay phim, biên tập, đạo diễn, dựng phim.

Vậy làm thế nào để có sự thống nhất giữa các khâu và tập thể tác giả đó? Về mặt này, truyền hình đã học tập điện ảnh: kịch bản truyền hình.

Một kịch bản có thể xem như xương sống của một sản phẩm truyền hình. Mỗi thể loại của truyền hình lại có những kịch bản mang đặc trưng tính chất riêng, phù hợp với thể loại đó. Chúng tôi xin bàn kỹ hơn về vấn đề này trong chương sau.

Kịch bản báo chí truyền hình mang tính dự kiến, dự báo, chứ không phải ở dạng ổn định. Bởi vì phần lớn các chi tiết trong kịch bản đều là những dự kiến của phóng viên về những cái sắp xảy ra trong một tương lai gần. Mặt khác nó không được phép hư cấu, vì vậy nó luôn dựa trên cơ sở người thật việc thật.

Kịch bản truyền hình bao giờ cũng dự kiến được những nét chung nhất của vấn đề mà nó đề cập. Các sự kiện, vấn đề, đặc biệt là những chi tiết của các sự kiện,vấn đề mà truyền hình đề cập thường hay thay đổi. Thông thường cho đến lúc dựng được một chương trình hay tác phẩm truyền hình thì bản thân chương trình và tác phẩm đó có khác nhiều so với kịch bản lúc ban đầu. Vì thế mà có nhiều kịch bản chỉ hoàn chỉnh sau khi đưa vào giai đoạn hậu kỳ.

Kịch bản báo chí truyền hình được xây dựng trên cơ sở các sự kiện có thật và nghệ thuật “ráp nối” các sự kiện bằng tư duy logic của tác giả. Nó thường được thể hiện dưới dạng: vừa là kịch bản văn học vừa là kịch bản đạo diễn, trong kịch bản toát lên toàn bộ nội dung của tác phẩm và biện pháp thể hiện tác phẩm. Kịch bản truyền hình được sử dụng tất cả các thủ pháp nghệ thuật điện ảnh để thể hiện tác phẩm, nhưng chất liệu của nó là những sự kiện, con người...có thật không được hư cấu. Hơn nữa, nó được viết ra ở dạng đề cương và sử dụng trong phạm vi hẹp nên nó không được dùng để thưởng thức như một tác phẩm kịch bản điện ảnh hay văn học nói chung.

Kịch bản, ngoài những tác dụng là “kim chỉ nam” cho hoạt động của phóng viên và quay phim, là “linh hồn” cho tập thể làm phim, giúp cho tác phẩm có chủ đề tư tưởng, đối tượng phục vụ, cách thể hiện tác phẩm rõ ràng rành mạch,...kịch bản còn là căn cứ để phóng viên thu thập tài liệu, sử dụng có hiệu quả tiếng động hiện trường, chọn âm nhạc phù hợp với nội dung tư tưởng, tác phẩm...bởi vì xem kịch bản người phóng viên biết mình cần thu thập tài liệu gì, phỏng vấn ai, câu hỏi như thế nào?... Hơn nữa, kịch bản còn chỉ cho ta thấy cảnh nào, chi tiết nào của sự kiện là chính và hình ảnh nào, chi tiết nào là phụ để từ đó xác định số cảnh cần quay và sắp xếp các sự kiện theo logic nhất định (nếu là kịch bản chi tiết), qua kịch bản người quay phim còn có thể biết quay cảnh nào, góc độ nào có hiệu quả cao... Nhờ có kịch bản mà toàn bộ tư liệu và hình ảnh quay về, phóng viên đều có thể sử dụng vào các tác phẩm và đủ thể hiện toàn bộ nội dung mà tác phẩm muốn trình bày.

Xây dựng kịch bản là công việc đầu tiên sau khi xác định đề tài, chủ đề. Việc xây dựng kịch bản chính là sự xác định và thống nhất hành động đối với những việc cần làm của thành viên nói trên thông qua các bước quay, dựng và viết lời bình. Đấy là kịch bản của một tác phẩm truyền hình.

Đối với cả một buổi truyền hình thì sao? Việc sắp xếp các chương trình truyền hình, chương trình nọ lại tiếp nối chương trình kia một cách logic, và sử dụng hình hiệu của các chương trình như thế nào, cần có một kịch bản không. Theo chúng tôi, chắc chắn phải có kịch bản. Nhưng chức năng kịch bản này không phải là sự thống nhất giữa các khâu và tập thể làm phim mà là sự thống nhất giữa các chương trình truyền hình nhỏ (bông hoa nhỏ, thời sự, chuyên đề, quảng cáo thời tiết) để tạo nên một tổng thể chương trình lớn của một tờ báo hình với đúng nghĩa của nó.

Như vậy thể hiện bằng ngôn ngữ âm thanh, hình ảnh, truyền hình thực sự mở rộng phạm vi của mình: không chỉ thông tin thời sự, chính trị, truyền hình đã sang cả khu vực sân khấu và điện ảnh, những vở kịch, sân khấu cổ truyền hay bộ phim. Giờ đây muốn xem, người ta không cần phải ra rạp xinê hay nhà hát để thưởng thức. Màn ảnh nhỏ đã đáp ứng được nhu cầu này, nó thực sự là người bạn thân thiết trong gia đình và đó là sự kỳ diệu và uyển chuyển của truyền hình.

Một chương trình truyền hình là tổng hợp của nhiều thể loại báo chí và loại hình nghệ thuật khác nhau (sân khấu, điện ảnh) nên kịch bản các thể loại này cũng hết sức đa dạng. Tuy nhiên, truyền hình trước hết là một loại báo hình, nó mang các đặc tính của báo chí. Do đó vấn đề kịch bản truyền hình, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết trên phương diện kịch bản của các thể loại báo chí như tin truyền hình, phóng sự, bình luận, phỏng vấn...trong chương II.

Đối với báo viết và phát thanh công việc chuẩn bị kịch bản đã là quan trọng, nhưng trong truyền hình thì kịch bản là cần thiết không thể thiếu được. Bởi vì, ngôn ngữ của báo viết là dùng chữ viết để thể hiện (đôi khi còn dùng ảnh để minh hoạ), phát thanh thì dùng ngôn ngữ âm thanh để tác động vào thính giác người nghe, nên khi đi thực tế phóng viên báo viết và phát thanh chủ động hơn trong việc thu thập tài liệu và tiếp xúc đối tượng mà tác phẩm đề cập, hơn nữa phương tiện kỹ thuật dùng trong quá trình làm tác phẩm gọn nhẹ và đơn giản hơn. Còn trong truyền hình, do đặc trưng của ngôn ngữ truyền hình là nghe- nhìn, nó không những chỉ thể hiện bằng lời bình, âm nhạc, tiếng động hiện trường mà còn có cả hình ảnh. Đối với truyền hình, hình ảnh là yếu tố tác động mạnh nhất tới người xem (60% nhìn và 30% nghe). Vì vậy khi đi thực tế ngoài việc thu thập, khai thác tài liệu như báo viết, phát thanh, người phóng viên truyền hình còn phải ghi được những hình ảnh về các sự kiện, vấn đề diễn ra trong thực tế. Nếu không có sự chuẩn bị kịch bản thì làm sao phóng viên có thể chủ động htực hiện được tác phẩm trong lúc hàng trăm chi tiết của cuộc sống liên tục tác động vào nhãn quan, giác quan của phóng viên; không có kịch bản làm sao người quay phim có thể hiểu được ý đồ phóng viên và nội dung tác phẩm cần thể hiện để mà chọn lọc ghi lại những hình ảnh có giá trị, mang đầy nội dung và ý nghĩa. Hơn nữa, một tác phẩm truyền hình không phải là sản phẩm riêng biệt của người phóng viên như trên báo viết và phát thanh mà nó chỉ là sản phẩm của cả một tập thể gồm: phóng viên, quay phim, ánh sáng, kỹ thuật, lái xe... Vì vậy kịch bản ngoài tác dụng cho phóng viên quay phim còn là “phương tiện” giúp cho nhóm làm phim hiểu được nội dung, hình thức tác phẩm và nhìn vào kịch bản tự mỗi thành viên còn có thể biết công việc của bản thân mình. Nhờ có kịch bản tập thể làm phim thực hiện công việc nhịp nhàng ăn ý, và góp phần làm giảm bớt sự tốn kém vật chất cho đoàn làm phim.

Khác với kịch bản sân khấu, kịch bản truyền hình thường chỉ sử dụng một lần giống như kịch bản phim. Bởi vì kịch bản trong truyền hình và kịch bản điện ảnh sau khi dàn dựng thành một tác phẩm hoàn chỉnh có thể phát sóng hoặc chiếu phim được coi như kịch bản đã hoàn thành “nhiệm vụ”. Muốn xem lại tác phẩm người ta chỉ việc đem phát sóng hoặc chiếu lại tác phẩm đã được dàn dựng và sử dụng lần trước chứ hiếm khi mang kịch bản đó được dàn dựng lại. Nói một cách khác, sau khi kịch bản truyền hình hoặc phim truyện được sử dụng, người ta đã có một “thành phẩm” hoàn chỉnh và muốn xem lại người ta đem “thành phẩm” đó ra phát sóng và chiếu lại. Còn một kịch bản sân khấu thì được nhiều đoàn sân khấu dàn dựng và biểu diễn, đồng thời sau buổi biểu diễn thì “thành quả” chỉ còn lại ở tâm trí những người xem vở diễn, muốn trình diễn cho những khán giả xem thì lại dùng kịch bản đó dàn dựng từ đầu. Nói cách khác mỗi lần biểu diễn là một lần các nghệ sỹ sân khấu lại sử dụng kịch bản một lần và một kịch bản sân khấu có thể được lưu truyền từ thời đại này qua thời đại khác. Ví dụ như các vở bi, hài kịch của Sừchxpia.


6.3, Phóng viên biên tập tác phẩm truyền hình

Phóng viên biên tập là người chịu trách nhiệm chính, đảm nhận những công việc quan trọng, nặng nề trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí truyền hình. Trong hàng loạt công việc người biên tập phải làm, việc quan trọng đầu tiên là viết kịch bản hay làm đề cương cho tác phẩm. Dù là kịch bản hay đề cương thì cũng phải xác định rõ đề tài tư tưởng, chủ đề cho tác phẩm.

John Hohenberg, một tác giả người Mỹ đã viết:

“Người nào viết cho truyền hình cũng phải biết kết hợp sự khéo léo và trí sáng suốt của nhà soạn kịch, của người viết truyện cho điện ảnh và của ký giả thực nghiệm”
6.4, Một số khác biệt giữa truyền hình và điện ảnh

Tuy truyền hình được thừa hưởng nhiều điểm mạnh của nền nghệ thuật thứ bẩy đặc biệt là về kỹ thuật Montage, cỡ cảnh, góc độ máy... nhưng truyền hình cũng có những nét riêng phân biệt để có bản sắc đặc thù của mình về mục đích và kỹ thuật quay dựng hình ảnh.



Về mặt hình thức, truyền hình và điện ảnh có cùng một phương thức truyền thông: Ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh nhưng về bản chất, truyền hình điện ảnh là hai lĩnh vực khác nhau, do đó nội dung, mục đích đối tượng tác động, vai trò của hình ảnh và âm thanh giữa chúng cũng có những điểm khác biệt.

Cũng như bất kỳ một loại hình báo chí nào khác, truyền hình có chức năng chủ yếu là thông tin thời sự và xác thực về mọi sự kiện diễn biến xảy ra hàng ngày trong cuộc sống tới đông đảo quần chúng. Tính phổ cập là điều không thể thiếu được trong thông tin báo chí. Đối tượng phản ánh của truyền hình là bản thân sự phát triển của cuộc sống, là cuộc sống như chính nó có trên thực tế thông qua việc thể hiện những sự kiện hiện tượng, con người có thực, những vấn đề hết sức lớn lao, quan trọng được mọi người quan tâm.

Trong khi đó, điện ảnh lại là một loại hình nghệ thuật thường phản ánh cuộc sống thông qua những hình tượng nghệ thuật qua sự đề xuất và cảm xúc thẩm mỹ với khả năng hư cấu không hạn định. Nhiều thủ pháp điện ảnh ra đời nhằm phục vụ cho yêu cầu tái tạo một cách thẩm mỹ cuộc sống ở mọi khía cạnh, mọi ngóc ngách, ở dạng thái biểu hiện của hiện thực cuộc sống.

Ở điện ảnh, người xem thưởng thức tác phẩm nghệ thuật nắm được thông tin, ý đồ của đạo diễn thông qua câu chuyện kể trên màn ảnh người xem nhiều khi có cảm giác đứng cạnh sự kiện đang xảy ra khi người quay phim sử dụng góc độ chủ quan, nhưng giữa họ với nhân vật vẫn có một khoảng cách. Nhân vật trong phim không bao giờ nhìn vào khán giả (có thể nhìn vào ống kính quay phim, nhưng là vào đối tượng được chiếu lên những cảnh sau đó…) với mục đích tái tạo cuộc sống ở mức độ cao nhất có thể được để khán giả không có cảm tưởng đó là phim, mà là cuộc sống. Khi xem một bộ phim, khán giả có thể bị say mê, cuốn hút vào cốt truyện, vào những tình tiết và những mối quan hệ, những mâu thuẫn phức tạp. Họ dường như sống một cuộc sống khác, cuộc sống của những nhân vật trong phim, họ có thể yêu nhân vật này, ghét nhân vật kia… Điện ảnh thuyết phục con người bằng tình cảm. Qua con đường tình cảm, điện ảnh thể hiện chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục và chức năng giải trí của mình.

Truyền hình thì sao? Một tác phẩm truyền hình đến với công chúng là sự kể lại, tường thuật bằng hình ảnh và âm thanh những gì tác giả đã chứng kiến, cho nên phải có đối tượng để kể, đó là người xem. Cái mà người xem quan tâm không phải là cốt truyện hư cấu cùng với sự diễn xuất của người diễn viên trong điện ảnh, mà là những sự kiện, hiện tượng có thật trong đời thường có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân: những chỉ thị của Đảng, Chính phủ, tình trạng thiếu nước ở Hà Nội, vấn đề môi trường và ô nhiễm môi trường, vấn đề đê điều, vụ án Nguyễn Tùng Dương, chân dung cuộc đời người nữ anh hùng Nguyễn Thị Định… và việc đưa những thong tin này với những lỹ lẽ mang tính thuyết phục một cách nhanh chóng nhất, trực tiếp, kịp thời nhất.

Sự kế thừa ngôn ngữ điện ảnh của truyền hình là một tất yếu đã giúp cho truyền hình có một tầm ảnh hưởng vượt trội so với anh em của nó- báo in, báo phát thanh. Nhưng đó không phải là sự sao chép y nguyên bản gốc kể cả khi truyền hình có mối liên hệ mật thiết với điện ảnh chính luận (phim thời sự, tài liệu) về phương pháp và nội dung phản ánh (các bộ phim đầu tiên do anh em Luymiere thực hiện “Tàu vào ga”, “Bữa ăn sáng của em bé” mà trừ một và trường hợp ngoại lệ (chẳng hạn như phim “Người làm vườn nổi tiếng”), hầu hết các phim của Luymiere đều là phóng sự, tài liệu.

Việc chỉ ra sự khác biệt giữa hình ảnh truyền hình và chính luận không có một mục đích nào ngoài việc tăng hiệu quả tác động thông tin, truyền cảm đối với khán giả truyền hình, bởi vì áp dụng tiến bộ thủ pháp điện ảnh nhiều khi không làm cho hình ảnh truyền hình thêm phần nghệ thuật mà ngược lại là khác. Hơn nữa sự khác biệt ấy một phần nào chỉ ra đặc trưng của kịch bản phân cảnh điện ảnh và kịch bản phân cảnh truyền hình.

Về đặc tính kỹ thuật của hình ảnh: Hình ảnh điện ảnh trên phim nhựa (sau khi quá trình xử lý kỹ thuật hoá chất) là những hình ảnh mang tính quang học thuần tuý và sự truyền đạt chất lượng cao độ trung thực và sắc nét gần giống như cuộc sống.

Hình ảnh truyền hình chỉ là những hình ảnh được xử lý, tái tạo thông qua các tài liệu điện tử mà khả năng truyền đạt về độ sắc nét, trung thực về màu sắc còn kém so với điện ảnh.

Chính vì lý do đó nên hình ảnh truyền hình kém rõ ràng trong những cảnh quay xa, những vật nhỏ khó nhận ra hoặc không tìm thấy được, nhất là những hình ảnh truyền hình lại được xem trong phạm vi “màn ảnh nhỏ gia đình”. Ngoài ra độ đậm nhạt, tương phản của truyền hình cũng còn kém xa so với điện ảnh. Muốn khắc phục điểm yếu đó truyền hình không còn cách khác phải sử dụng phương pháp phóng to lên như là một nghệ thuật quan trọng hướng người xem tới những điểm chủ yếu, hiểu được sự việc đang diễn ra. Bởi vậy, người ta quan niệm truyền hình là nghệ thuật cận cảnh. Khái niệm cận cảnh trong truyền hình nên được hiểu một cách linh hoạt theo kiểu “những hình ảnh phóng to” chứ không nhất quán là cận cảnh điện ảnh, những hình ảnh ở dưới vai người trở lên.

Sự khác nhau về mục đích và yêu cầu: Một tác phẩm điện ảnh là một bộ phim kể bằng hình ảnh. Các cảnh, các trường đoạn không những phải được kết hợp logic, bám sát kịch bản phân cảnh mà còn phải thể hiện được tính nghệ thuật tới mức cao nhất bằng việc sử dụng các cách quay chủ quan, khách quan kết hợp với các xảo thuật trong điện ảnh.

Trong phim “khi đàn sếu bay qua” (Đạo diễn M.Kola tazop) “Nhà quay phim tài năng Urusepxki đưa ra khuôn mặt của Xamolova lên màn ảnh với kích thước lớn nhất mà ống kính cho phép. Ông ghi lại được tất cả những thay đổi tinh tế nét mặt người nghệ sỹ. Có thể nói, từ khuôn mặt Xamolova, nhà quay phim đã sáng tác ra một bài thơ về sức diễn cảm” (1). Sức mạnh của nghệ thuật điện ảnh chính là ở chỗ thể hiện sự vật một cách tinh tế nhất, biểu cảm nhất, chân thực nhất bằng hình ảnh.

Đối với báo hình, tính thông tin, tính thời sự của hình ảnh được đặt ra rất cao so với yêu cầu thẩm mỹ của hình ảnh. Nừu như ở phim truyện, để có một bộ phim thì phải mất nhiều thời giờ dàn cảnh, bố trí đạo cụ, phục trang, hoá trang... Một cảnh quay được thực hiện nhiều lần để cho ra một thước phim nghệ thuật, tính thẩm mỹ cao trong từng khuôn hình, bố cục ảnh, ánh sáng, lý tưởng thì trong truyền hình, cụ thể là những thể loại báo chí phóng sự tin, giá trị thông tin, tầm quan trọng của sự kiện, vấn đề được ghi lại trong những thước phim thời sự đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến tính thẩm mỹ. Hơn nữa thông tin báo chí là thông tin sự kiện hiện tượng nóng hổi xảy ra, nếu chỉ chăm làm sao đạt được tính thẩm mỹ, nghệ thuật thì sự kiện đó vụt trôi qua mất rồi. Nhiều khi những hình ảnh “nhấp nhổm” không nuột mà lại tăng tính thuyết phục của phóng sự lên, nhất là những thước phim chiến sự. Để thu hình kịp mà không bỏ lỡ diễn biến sự kiện, người quay phim ít có điều kiện bố cục, khuôn hình chuẩn, góc độ lý tưởng, ánh sáng hoàn hảo để tạo hình mà cố gắng ghi cho được không sót một chi tiết nhỏ nhặt nhưng quan trọng của sự vật đang diễn ra. Nhờ ghi lại được những hình ảnh có giá trị tư liệu như vậy nên có thể cung cấp chất liệu cho các bài bình luận hàng tuần, cho các phim tài liệu.

Âm thanh: Nhờ có sự trợ giúp của âm thanh, hình ảnh trong chương trình truyền hình trở nên sống động như cuộc sống chứ không phải là những hình ảnh ghi chép khô khan không hiện thực. Âm thanh làm cho tính chân thực của truyền hình rõ nét hơn rất nhiều. Giới hạn phản ánh của báo hình chỉ dừng lại ở hiện thực cuộc sống chứ không nhào nặn, hư cấu chất liệu cuộc sống như trong phim truyện. Do vậy mục đích của truyền hình là ghi lại không chỉ hình ảnh mà còn hơi thở, động thái của cuộc sống trong thế giới hình ảnh và âm thanh biến động không ngừng của cuộc sống.



tải về 1.25 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương