1 Truyện Kiều Thơ và Nhạc Nguyễn Thanh Liêm.



tải về 1.72 Mb.
trang18/31
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.72 Mb.
#8719
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   31

17 - Tiếng Đàn Thúy-Kiều

Phạm Thị Nhung


Trong tác phẩm Đoạn-Trường Tân-Thanh của Nguyễn Du, Thúy-Kiều, con gái đầu lòng của ông bà Vương Viên-Ngoại, không chỉ là một giai-nhân «quốc-sắc», với tấm hồng-nhan tươi-thắm, kiều-mị, đến hoa phải « ghen », liễu phải «hờn » :
Làn thu-thủy nét xuân-sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờng kém xanh.
Nàng còn là một phụ-nữ thông-minh, tài-hoa:
Thông-minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Đặc-biệt có ngón đàn tuyệt-diệu:
Nghề riêng ăn đứt Hồ-cầm một trương

với: Một Thiên Bạc-Mệnh lại càng não nhân.


Nguyễn Du (ND) đã coi tiếng đàn của Thúy-Kiều như mệnh của nàng. Thế nên, mỗi biến-cố trong đời Kiều là một lần tiếng đàn ấy lại thay xoang đổi điệu, để nói lên cảnh-ngộ, cùng diễn-tả tâm-trạng, tình-cảm của người con gái tài-hoa bạc-phận này. Phải chăng ND đã lấy 4 chữ Đoạn-Trường Tân-Thanh (ĐTTT) làm tựa đề cho tác-phẩm của ông là có ngụ-ý ấy, thay vì Kim Vân Kiều Truyện (KVKT), như nguyên-tác chữ Hán của Thanh-Tâm Tài-Tử (TTTT), viết từ cuối đời nhà Minh (thế-kỷ 18) bên Trung-Quốc.
Mặc dù KVKT của TTTT chỉ là một cuốn tiểu-thuyết văn xuôi, viết theo lối chương-hồi (20 hồi), trần-thuật, kết-cấu lỏng-lẻo, tâm-lý nhân-vật nông-cạn ; nói chung là tầm-thường đến người Trung-quốc cũng ít ai biết tới. Nhưng ND, vào đầu đời Nguyễn, đọc được cuốn này, ông đã nhìn thấy nỗi đoạn-trường của nhân-vật Thúy-Kiều trong cái xã-hội nhà Minh thuở ấy, chẳng khác nào nỗi đoạn-trường ông đang đòi-đoạn cho chính thân-phận mình, cũng như cho bao kiếp người đã bị vùi-dập trong cảnh bể-dâu thời Lê mạt Nguyễn sơ (cuối thế-kỷ 18, đầu thế kỷ 19) ở nước ta: loạn-lạc, tàn-bạo, bất-công, sa-đọa mà ông từng trải qua :

Trải qua một cuộc bể-dâu

Những điều trông thấy mà đau-đớn lòng.
Bởi thế, ND muốn mượn cốt truyện kia như một cái khung thích-hợp, để từ đó ông có thể đem cái tài văn-chương trác-tuyệt , cái học-vấn uyên-thâm, cái từng-trải việc đời cùng nỗi lòng khắc-khoải về thế-sự nhân-sinh, và cả cái mộng anh-hùng ấp-ủ từ bao lâu nay, là làm sao cải-thiện được xã-hội, đem lại công-bằng và cuộc sống an-vui, hạnh-phúc đến cho muôn dân ; mà viết nên ĐTTT, gọi nôm-na là truyện Kiều, một tác-phẩm văn-chương quốc-âm, ghi lại bằng chữ nôm, dài 3254 câu thơ lục bát, một thể thơ thuần-túy dân-tộc.

Cốt truyện tuy vẫn giữ đúng như nguyên-tác, nhưng nhờ vào thiên-tài, ND sau khi cải-biên nhiều chi-tiết về nội-dung cũng như hình-thức, ĐTTT lập-tức được thay hồn đổi xác, trở thành một kiệt-tác-phẩm văn-hóa của nước nhà, một áng văn-chương bất-hủ của dân-tộc.

Trong ĐTTT, tiếng đàn tuyệt-diệu của nhân-vật Thúy-Kiều đã được gẩy 4 lần, đánh dấu 4 mốc quan-trọng trong tấn bi-kịch đoạn-trường của đời nàng:
Lần đầu Kiều đàn cho Kim Trọng thưởng-thức khi mới bước vào cuộc tình.
Lần hai Kiều đàn trong vai con hầu giúp vui tiệc rượu cho Thúc-sinh (chồng nàng) và Hoạn-Thư (cô vợ cả ghen-tuông thâm-hiểm của chàng).
Lần ba Kiều hầu đàn Tổng-đốc Hồ Tôn-Hiến, kẻ vừa giết Từ Hải, người chồng anh- hùng, tình-nghĩa của nàng.
Và lần chót, khi Kiều vừa được tái-hồi Kim Trọng.
Sau đây chúng ta hãy phân-tích 4 tiếng đàn đặc-biệt này của Thúy-Kiều để tìm hiểu những nỗi đoạn-trường của người phụ-nữ tài-hoa bạc-phận này, đồng thời cũng để hiểu rõ hơn về thiên-tài của ND trong kiệt-tác-phẩm ĐTTT của ông.


  1. LẦN ĐẦU THÚY-KIỀU ĐÀN CHO KIM-TRỌNG THƯỞNG-THỨC

(Tiếng đàn dự-báo cuộc đời phong-trần của Thúy-Kiều)

(cc. 471-492)

Nhân Hội Đạp-Thanh, Thúy-Kiều cùng hai em là Thúy-Vân và Vương Quan đi du xuân. Trên đường về, Kiều trông thấy ngôi mộ hoang thì động lòng trắc-ẩn ; được Vương Quan cho biết, đây là ngôi mộ Đạm-Tiên, một ca-nhi tài sắc chết giữa tuổi hoa-niên. Kiều vô cùng xúc-động, làm thơ viếng mộ ; nàng chẳng những thương cho Đạm-Tiên mà còn lo cho hậu-vận « Thấy người nằm đó biết sau thế nào ? ».
Trước khi rời gót, Kiều gặp Kim Trọng, một văn-nhân tuấn-tú, hào-hoa phong-nhã.Trai « thiên-tài » gái « quốc-sắc » gặp nhau, tiếng sét ái-tình đã xẩy ra làm cho đôi bên cùng chuếnh-choáng, đê-mê « Chập-chờn cơn tỉnh, cơn mê ».

Đêm hôm ấy về nhà, Kiều đã tơ-tưởng ngay tới chàng Kim. Nhưng những mộng-mơ yêu-đương vẫn không trấn-áp nổi nỗi khắc-khoải lo-âu cho số-kiếp hồng-nhan, tài-hoa bạc-phận của mình, do câu chuyện về cuộc đời Đạm-Tiên gợi ra ; đến nỗi nàng nằm mê thấy Đạm-Tiên hiện về, báo cho hay, nàng có tên trong sổ đoạn-trường. Từ đó Kiều mới mang nặng hội-chứng đoạn-trường.


Còn Kim Trọng từ ngày gặp Kiều trở về thì ôm mối tương-tư ; chàng bèn lấy cớ du-học, tìm thuê căn phòng ngay sau nhà Kiều, để được « Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông ». 

Nhờ bắt được kim-thoa, đôi bên tái-ngộ. Nhân dịp cha mẹ và hai em đi dự Lễ sinh-nhật bên ngoại, Kiều liền sang chơi nhà Kim Trọng rồi thề-nguyền gắn-bó. Đêm ấy, Kiều đã ở lại tới khuya tình-tự với người yêu « Đủ điều trung-khúc ân-cần / Lòng xuân phơi-phới, chén xuân tàng-tàng », và nàng đã có dịp gẩy đàn cho chàng thưởng-thức.

Đoạn tả tiếng đàn của Kiều ở đây đã được ND trình-bầy trong 22 câu thơ (cc. 471- 492).

A - Nội-dung tiếng đàn (cc.471- 480)

Sau khi so dây, thử tiếng: 



So dần dây vũ, dây văn

Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương.
Kiều bắt đầu đàn :



Khúc đâu Hán Sở chiến-trường

Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Nét nhạc mở đầu mang đầy khí-vị trầm-hùng, với những tiếng đàn vừa mạnh-mẽ vừa dồn-dập, huyên-náo như có hàng ngàn, hàng vạn tiếng chân binh-sĩ rầm-rập ngoài chiến-trường, với đủ loại khí-giới xô-xát vang lên… tiếng sắt (tiếng đục, trầm) tiếng vàng ( tiếng trong, cao) chen nhau hỗn-loạn… Kim Trọng có cảm- tưởng như đang nghe Kiều gẩy khúc Hán Sở Chiến-Trường, tả cuộc giao tranh giữa quân Hán (Lưu-Bang) với quân Sở (Hạng-Võ) đang hồi khốc-liệt.
Khúc đâu Tư-Mã Phượng Cầu

Nghe ra như oán, như sầu phải chăng?
Sau đó, nét nhạc ngả sang tình buồn với những tiếng đàn dịu-nhẹ, nghe rủ-rỉ, lâm-ly... Kim Trọng tưởng chừng như nghe khúc Phượng-Cầu-Hoàng của Tư-Mã Tương-Như, đang tỉ-tê như oán, như than để quyến-rũ Trác Văn-Quân. Người góa-phụ trẻ đẹp, giầu-có này đã bị tiếng đàn của chàng Tương-Như mê-hoặc, đến bỏ nhà trốn theo chàng.
Kê-Khang này khúc Quảng-lăng

Một rằng lưu-thủy, hai rằng hành-vân.
Tiếp theo, nét nhạc trở nên vui-tươi thanh-thoát, với những tiếng đàn nhẹ-nhàng, lưu-loát như nước chảy (lưu thủy), mây bay (hành vân) ; Kim Trọng có cảm-tưởng như đang nghe đoạn nhạc vui trong khúc Quảng-Lăng-Tán của Kê-Khang.
Quá quan này khúc Chiêu-Quân

Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.
Kết-thúc bản đàn, nét nhạc buồn thương, nghẹn-ngào với những tiếng đàn trầm xuống, và kéo dài như vấn-vương, như lưu-luyến… Kim Trọng tưởng đâu đang nghe khúc Chiêu-Quân-Oán. Nàng Chiêu-Quân phải đi cống Hồ, lúc qua ải-quan biệt Hán sang đất Hung-Nô, nàng ngồi trên lưng ngựa, gẩy đàn tỳ-bà khúc biệt-ly, tỏ tình thương chúa, nhớ nhà. Tiếng đàn mới ảo-não làm sao !

8 câu thơ tả ý đàn vui buồn, mừng lo chen-lấn, đang làm dao-động mãnh-liệt tâm-tư Thúy-Kiều ở đây là do ND sáng-tác thêm vào, không có trong KVKT, nguyên-tác Hán-văn của TTTT.


B - Nhạc-tính chung của tiếng đàn (cc.481-484)
Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Hai câu trên bàn về âm-sắc tiếng đàn.

Âm-thanh tiếng đàn « trong » tức tiếng nhạc tinh-khiết, rõ-ràng, không gợn chút tạp-âm ; chẳng khác nào tiếng hạc lảnh-lót vừa trong-trẻo, vừa ngân vang từ trên không-trung vọng xuống. Từ «trong» đi liền với hình-ảnh « hạc bay », còn diễn-tả tiếng đàn vừa trong vừa cao-vút.Trong, cao-vút là nói đến thính-giác ; tuy nhiên ND cho thấy, tai ta nghe âm-thanh tiếng đàn mà đồng thời mắt ta còn thấy được tiếng đàn ấy qua hình-ảnh cánh hạc trắng-phau đang bay cao ngang bầu trời.

Âm-thanh có lúc lại « đục». Nói âm-thanh đục là nói đến tiếng trầm. Câu « Đục như nước suối mới sa nửa vời » cũng vậy, tai ta nghe tiếng trầm, thật trầm của dây đàn, mà tưởng như nghe tiếng ầm-ì, nằng-nặng của luồng nước suối đang rơi giữa lưng-chừng thác, trước khi đổ xuống mặt đất. Như thế, tai ta vừa nghe âm-thanh, mắt ta lại vừa trông thấy hình-ảnh luồng nước trắng-xóa, tức trắng đục (không trong suốt) của âm-thanh đó nữa.

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm-sập như trời đổ mưa.
2 câu sau bàn về tiết-điệu bản đàn.

Ngoài âm-sắc, nhạc-tính của bản đàn còn phải kể tới tiết-điệu, tức ở nhịp khoan, nhịp nhặt, «khoan» là thong-thả, tiếng này cách tiếng kia một tiết-tấu. Nhịp khoan thường đi đôi với những âm-thanh lướt nhẹ, kéo dài như  tiếng « gió thoảng ngoài »… ; « mau » nói về nhịp nhặt, là những nhịp-điệu dồn-dập như tiếng mưa « sầm-sập », tức tiếng mưa lớn, nước mưa đổ xuống ồ-ạt, tới-tấp.


C - Hiệu-lực của tiếng đàn (cc. 489-492)
1. Để đề-cao biệt-tài về âm-nhạc của Thuý-Kiều qua tiếng đàn lần đầu này, ND nói về hiệu-lực tác-động trực-tiếp của tiếng đàn vào ngọn đèn và Kim Trọng:
Ngọn đèn khi tỏ, khi mờ

Khiến người ngồi đó cũng ngơ-ngẩn sầu

Khi tựa gối, khi cúi đầu

Khi vò chín khúc, khi trau đôi mày.

« Tỏ » là sáng rõ lên khi tiếng đàn mạnh và dồn-dập ; « mờ » là ánh sáng tối lại khi tiếng đàn giảm nhẹ âm-thanh và tốc-độ ; vậy ngọn đèn « khi tỏ, khi mờ » là bởi nó bị cường-độ và tần-số âm-thanh của tiếng đàn chi-phối.

Nhưng hình-ảnh ánh sáng lung-linh chập-chờn khi tỏ khi mờ của ngọn đèn giữa đêm khuya, lại tạo được cho người đang thưởng-thức âm-nhạc cái cảm-tưởng tiếng đàn ấy có sức mạnh lôi-cuốn gần như ma-quái. Chính cái cảm-tưởng này đã ảnh-hưởng vào tâm-trạng Kim Trọng, khiến chàng càng bị tiếng đàn réo-rắt trầm bổng của Thúy-Kiều lôi-cuốn thêm, đến « ngơ-ngẩn sầu » và không sao cưỡng lại được: « Khi tựa gối, khi cúi đầu, Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày ». Nói khác đi, qua cử-chỉ biểu-lộ tâm-trạng khi thơ-thới, khi bứt-rứt, khi sầu-não khi quằn-quại của Kim Trọng là do bị tiếng đàn của Kiều chi-phối hoàn-toàn.
2. Cảm-tưởng của Kim Trọng.

Khi tiếng đàn vừa chấm-dứt, Kim Trọng phải công-nhận ngay:

 

Rằng: Hay thì thật là hay

Nhưng:  Nghe ra  ngậm đắng, nuốt cay thế nào.


Nên chàng đã phải năn-nỉ Kiều, từ nay đừng gẩy những khúc đàn buồn não-nuột, ẩn-tàng nhiều nỗi bất-bình « ngậm đắng, nuốt cay » như thế nữa ; vừa làm khổ lòng mình vừa làm đau lòng người:
So chi những khúc tiêu-tao

Dột lòng mình cũng nao-nao lòng người.


Nhận-xét

Chúng ta cũng nên biết:


1. Bốn câu thơ tả nhạc-tính tiếng đàn của Thúy-Kiều như vừa được giới-thiệu ở trên, không phải ND dịch từ bản gốc KVKT chữ Hán của TTTT, mà ND lấy chất-liệu từ bài Cầm, trong cổ-thi:
Sơ nghi táp táp lương phong động

Hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh

Cận nhược lưu tuyền lai bích chướng

Viễn như huyền hạc hạ thanh minh.
(Nghiã là, mới nghe tưởng cơn gió mát thào-thào thổi. Lại nghe rộn-rã tựa trận mưa chiều. Tiếng gần nghe như tiếng suối nước dội từ vách đá xuống. Tiếng xa nghe tựa tiếng hạc từ trên cao vọng lại).
Vậy là tiếng đàn đã được tả theo quan-điểm của Nhạc-ký, phỏng thanh của thiên-nhiên để tả tiếng đàn.

Cái hay của ND là ông không dịch đúng theo từng chữ, từng nghĩa, từng câu thơ trong nguyên-tác, mà ông đã đảo ngược thứ-tự các câu thơ, đoạn thêm vào mỗi câu một thuật-ngữ về âm-nhạc, như « trong », « đục », « khoan », « mau » một cách chính-xác, tinh-tế ; làm cho tiếng đàn như vừa được « điểm nhãn », bỗng trở nên có hồn, rõ-ràng, khúc-triết hẳn lên. Có thể nói, thơ tả tiếng đàn của ND đã vượt xa cái thô-sơ của chất-liệu ban đầu mà vươn lên một nghệ-thuật tinh-xảo.


2. Lý thú hơn nữa, Nguyễn Du ngoài sự mượn thanh của thiên-nhiên để tả tiếng đàn, ông còn dụng điển, mượn ý những bản đàn cổ như Hán Sở Chiến-Trường, Phượng-Cầu-Hoàng, Quảng-Lăng-Tán và Chiêu-Quân-Oán như đã được phân-tích ở trên, không ngoài mục-đích giúp chúng ta, những độc-giả của ông, hiểu được những tình-cảm vui buồn, tâm-trạng mừng lo bất ổn của nàng Kiều buổi ấy.

Thật thế, nàng Kiều đang thời son-trẻ xuân-sắc, lại vừa bước vào một cuộc tình đẹp như mộng và đầy hứa-hẹn với chàng Kim Trọng, thì trong cái đêm hội-ngộ, được đối-diện với người tình, đối-diện với hạnh-phúc yêu-đương của đời mình, Kiều có cơ-hội được gẩy đàn cho chàng thưởng-thức, tiếng đàn ấy đáng lẽ chỉ có một điệu nhạc vui-tươi, nhẹ-nhàng phơi-phới hay rộn-ràng, trong- trẻo ; biểu-lộ một tâm-trạng hớn-hở vui-mừng, tình ý hả-hê sung-sướng mới đúng. Đằng này tiếng đàn lại quá đỗi huyên-náo, hỗn-tạp, khi thì khuya động rầm-rộ như có hàng ngàn hàng vạn tiếng chân hùng-binh ra trận, cùng tiếng khí-giới xô-xát dữ-dội, chẳng khác nào nghe khúc Hán Sở Chiến-Trường; khi lại nhẹ-nhàng thanh-thoát như nước chảy mây bay trong khúc Quảng-Lăng-Tán ; khi lại nỉ-non, than-oán như khúc Phượng-Cầu-Hoàng ; khi lại ảo-não bi-ai như khúc Chiêu-Quân-Oán.


Nhịp-điệu thì biến đổi liên-tiếp. Tại sao vậy?

Thưa rằng phải vậy mới diễn-tả hết được nỗi rối-bời đang diễn ra trong đời sống nội-tâm Kiều lúc ấy, đó là giữa hai trạng-thái tình-cảm cực-kỳ mâu-thuẫn.


Hạnh phúc hay khổ đau?

Giữa hai hướng đời cực kỳ đối chọi: Nàng thực sự có tự do, đã nắm bắt được hạnh-phúc thiên-đường trong tay hay đang đứng trên bờ vực thẳm của định-mệnh tàn khốc, chỉ chờ chực xô đẩy nàng xuống địa ngục của số kiếp đoạn trường? Bởi thế, dù đang ngồi đàn cho người yêu thưởng-thức mà Kiều niềm vui nào có trọn, nỗi khắc-khoải về mệnh bạc do bóng ma Đạm-Tiên báo mộng, cũng như lời tiên-tri của người thầy tướng thuở nào:


«Nghìn thu bạc-mệnh một đời tài-hoa», vẫn không buông tha nàng.
Tâm lý Kiều đang rối-bời như thế, tiếng đàn mới trở nên phức tạp, đầy biến động. Và cũng vì biết mình đang hạnh-phúc mà lo sợ không giữ được hạnh phúc (Bây giờ tỏ mặt đôi ta, Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm-bao?) khiến Kiều ấm ức, tiếng đàn mới có khuynh hướng ngả nhiều về nỗi bi thương, nghe ra « Ngậm đắng nuốt cay », đúng như Kim Trọng đã tinh-tế nhận ra.

Tóm lại, qua tiếng đàn lần đầu trình-tấu này với bao nhiêu biến điệu kỳ ảo, Thúy Kiều hay chính ND đã chứng tỏ được cái tài hoa, cái vi-tế về tài âm nhạc của mình.

Đồng thời, tiếng đàn ấy đã phản-ảnh tấn bi-kịch đầu tiên về sự tranh chấp giữa hạnh-phúc và khổ-đau đã thực-sự xuất-hiện trong đời sống tâm-lý của nàng Kiều, vì thế nó dự báo:
Cái « tàì » cái  « mệnh » rồi sẽ phân-tranh gay-gắt trong suốt cuộc đời Kiều (Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau!).
Cuộc tình của Kiều với Kim Trọng sẽ tan-vỡ

Đời Kiều rồi sẽ phải lưu-li, gặp lắm nỗi đoạn-trường éo-le.

Quả nhiên, sau lần hội-ngộ đó, Kim Trọng phải về gấp Liêu-Dương hộ tang chú, còn Kiều thì gặp cảnh gia-biến, phải bán mình lưu-lạc xứ người, chịu trăm cay nghìn đắng suốt 15 năm trường.

(1) Lần đàn thứ 1, Kiều hầu đàn Kim Trọng, trích trong Kim Vân Kiều Truyện (KVKT) của Thanh-Tâm Tài-Tử (TTTT) (Nguyên-tác chữ Hán). Bản dịch của Tô-Nam Nguyễn Đình-Diệm , Nha Văn-Hóa, Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc-Trách Văn-Hóa xuất-bản, Saigon 1971 « Kiều nghiêng người đỡ lấy cây đàn.Vừa mới động dây đã bật ra những tiếng như tiếng hạc kêu vượn hót, bỗng chậm như gió nhẹ, bỗng nhanh như mưa đổ, âm-vận thê-thiết, thanh-luật du-dương, như ai như oán, như khóc như than.Chàng Kim nghiêng tai lắng nghe, hoan-hỉ vô cùng ; lúc vén áo ngồi ngay-ngắn, lúc thì gật đầu tán-thưởng, lúc thì mặc-nhiên cảm-thán.Cho mãi tới khi đẩu chuyển sao dời, đồng hồ điểm canh ba, Thúy-Kiều mới ngừng tay báo cho biết là khúc đàn đã hết.».(tr .67)

2. KIỀU HẦU ĐÀN HOẠN-THƯ và THÚC-SINH

(Tiếng đàn đoạn-trường 1)



(cc.1853-1858)
Xẩy cảnh gia-biến, Kiều bán mình chuộc cha, phải theo Mã Giám-Sinh về Lâm-Truy. Rơi vào bẫy của Tú-Bà, nàng buộc phải làm gái làng chơi. Nơi đây, Kiều gặp Thúc-Sinh, người quê Vô-Tích, theo cha buôn bán ở Lâm-Truy, say-mê, chuộc khỏi lầu xanh, lấy làm vợ bé. Hoạn-Thư, vợ cả Thúc, biết chuyện cả ghen ; mượn uy-thế cha, sai bọn tôi-tớ thân-tín chụp thuốc mê bắt cóc Kiều về cho Hoạn-Bà uy-hiếp, đánh-đập, rồi ép vào vai Hoa-nô ; sau đưa sang hầu-hạ Hoạn-Thư để chờ cơ-hội trả thù.

Nhân dịp Thúc-Sinh về quê, Hoạn-Thư thực-hiện mưu sâu.

Nàng Hoạn cho gọi Hoa-nô lên chào ông chủ, đoạn bắt hầu rượu, hầu đàn, giúp vui tiệc rượu cho vợ chồng nàng.

Tiếng đàn Kiều gẩy trong trận đòn ghen thâm-độc này của Hoạn-Thư, đã được ND giới-thiệu trong 6 câu thơ (cc. 1853-1858)


Bốn dây như khóc, như than

Khiến người trên tiệc cũng tan-nát lòng

Cùng trong một tiếng tơ đồng

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm

Giọt châu lã-chã khôn cầm

Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt sương.

A - Giới-thiệu tiếng đàn (c. 1853)

Tiếng đàn của Thúy-Kiều lần này không còn « Ngậm đắng, nuốt cay », vì giờ đây Kiều đang phải đối-diện trước một thực-tại phũ-phàng, trớ-trêu. Lòng nàng đau-khổ quá, nên dưới những ngón tay bấm phím, dạo đàn của nàng, cả bốn dây tơ đều bật lên thành những tiếng nức-nở ai-oán, nghe ra « như khóc », « như than »:


Bốn dây như khóc, như than
Kiều đau-khổ vì bị sa-cơ rơi vào hoàn cảnh éo-le, dở khóc, dở cười: Ông chủ, vị thượng-khách ngồi trên tiệc rượu kia lại chính là chồng nàng, người chồng đã dành cho nàng một tình yêu thiên-vị, nồng-nàn bấy lâu «  mặn tình cát-lũy » « nhạt tình tào-khang ». Người chồng đầu tiên đã cho nàng biết thế nào là hạnh-phúc lứa đôi:
Hương càng đượm, lửa càng nồng

Càng sôi vẻ ngọc, càng lồng màu sen.
Vợ chồng nàng thương-yêu khăng-khít như vậy, mà nay Hoạn-Thư đánh ghen bằng quỉ-kế, tách-biệt danh-phận «con ở»,  «chúa nhà», khiến cả hai lâm vào thế kẹt «đất thấp/ trời cao», không thể mở lời nhận nhau:
Bây giờ đất thấp, trời cao

Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?
Kiều đau-khổ bởi vợ chồng nàng mới hôm nào chia tay quyến-luyến là thế, hoạn-nạn xẩy ra cho nàng là thế, nàng mong mỏi tin ai là thế, mà giờ đây giáp mặt lại phải nín câm, không được cùng ai một lời than-thở ; vợ chồng nhìn nhau mà phải xem nhau như kẻ lạ-xa, làm sao ruột nàng không « đòi đoạn rối-bời ».
Càng trông mặt, càng ngẩn-ngơ

Ruột tầm đòi đoạn như tơ rối-bời.
Kiều đau-khổ vì phải chứng-kiến cảnh trêu-ngươi trước mắt, tình-địch và chồng nàng rót rượu mời nhau hết chén này tới chén khác, nói-nói cười-cười vui-vẻ, thân-mật trên bàn tiệc ; trong khi nàng, thân-phận con nô-tỳ hèn-mọn phải trực hầu hai bên,chịu bao lời bắt-bẻ, quát mắng của họ Hoạn, bà chủ nhà đầy quyền-uy, đang cố tình hành-hạ làm nhục nàng trước mặt chồng nàng:
Vợ chồng chén tạc, chén thù

Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi

Bắt khoan, bắt nhặt đến lời

Bắt qùy tận mặt, bắt mời tận tay.
Nào đã xong, Kiều còn bị Hoạn-Thư mát-mẻ khen ngợi lắm tài, để buộc Kiều phải gẩy đàn giúp vui cho chàng Thúc.

Trước cảnh-ngộ éo-le, đau lòng nhường ấy, tiếng đàn của Kiều tránh sao khỏi rung lên thành những tiếng rên-xiết «  như khóc, như than ».


B - Hiệu-lực của tiếng đàn (cc.1854-1858)
Khiến người trên tiệc cũng tan-nát lòng

Cùng trong một tiếng tơ đồng

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm

Giọt châu lã-chã khôn cầm

Cúi đầu, chàng những gạt thầm giọt sương.

« Người trên tiệc » mà là người trong cuộc thì còn ai khác Thúc-Sinh ?

Thúc-Sinh nghe tiếng đàn của Kiều, người thiếp yêu-quí của mình, vang lên những tiếng nức-nở, nghẹn-ngào « như khóc như than » thì thương quá. Chàng tội-nghiệp Kiều phải chịu sự đầy-đọa quá-quắt của Hoạn-Thư. Giá như trước kia chàng nghe lời Kiều khuyên, về thú thực ngay cùng nàng ta, người vợ cả « Ở vào khuôn- phép, nói ra mối giường » và « nham-hiểm » của chàng, thì đâu nên nỗi ? Chàng Thúc xót-thương Kiều đến « tan-nát lòng », song bị kẹt cứng vào địa-vị ông “chúa nhà’’ trong một gia-đình đại-quyền-thế, nên không thể mở lời nhận con hầu của vợ là thiếp của mình ; huống chi bản tính chàng vốn hèn-nhát, sợ vợ đã quen, chuyện lấy thiếp đã chót dấu rồi, thì nay đành ngậm miệng, chịu trận. Bởi vậy, dù có thương Kiều đến mấy chàng cũng chỉ dám « khóc thầm » ; khốn thay lực bất tòng tâm, những dòng lệ cảm cứ đầm-đìa tuôn rơi, chàng vội-vàng cúi đầu lo gạt thầm nước mắt,vì sợ nàng Hoạn hay biết:
Giọt châu lã-chã khôn cầm,

Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt sương.
Còn « Người ngoài cười nụ » thì « Chính-danh thủ-phạm kia là Hoạn- Thư »!

Hoạn-Thư là một người phụ-nữ khôn-ngoan, có bản-lãnh ; nàng còn đầy mặc-cảm tự-tôn đối với Thúc-Sinh, chồng nàng. Cha nàng là quan lớn Lại-Bộ trong triều, trong khi chồng nàng là con nhà buôn, bản thân chàng tuy theo đòi bút nghiên, nhưng chưa đỗ-đạt, chưa nên danh-phận gì. Vậy mà dám bội-bạc nàng lấy thiếp, còn cả gan qua mặt nàng, lại bặt tin nhà suốt một năm nay ; bảo sao nàng không uất, không hận, không « Ngứa ghẻ, hờn ghen »? Nàng phải tìm cho ra mưu sâu chước hiểm, trả được thù này cho đích- đáng:


Làm cho nhìn chẳng được nhau

Làm cho đau-đớn ê-chề cho coi!
Tiệc rượu tẩy trần ngày Thúc-Sinh trở về quê là dịp cho Hoạn-Thư thực-hiện mưu-kế đã định.

Hoạn-Thư không cho tình-địch được ở vai ngang hàng với nàng, vợ cả /vợ lẽ, trong vấn-đề đánh ghen, tranh-chấp tình yêu của chồng. Nàng tách-biệt danh-phận con ở / chúa nhà để đôi bên không thể nhận nhau. Đồng thời, nàng dìm tình-địch xuống tận đất đen trong thân-phận tôi-đòi, để biến cuộc đánh ghen tàn-nhẫn, sâu-độc của nàng thành một câu chuyện bình-thường như trong hầu hết các gia-đình quyền-quí phong-kiến xưa, bà chủ nhà, trong bữa tiệc tẩy trần đón chồng đi xa về, vì muốn chiều chồng nên có hơi gay-gắt với con ở.

Để hoàn-thành vai trò này, Hoạn-Thư đã phải nén cơn ghen, dẹp cơn giận, bình-tĩnh và chủ-động trong mọi tình huống. Nàng vờ-vĩnh nói cười tự-nhiên như không ; trong khi đó, nàng không bỏ lỡ một cơ-hội nào để hành-hạ cô vợ bé của chồng .Nàng truyền gọi Hoa-nô ra “lạy mừng’’ ông chủ cho đôi bên phải giáp mặt; thấy chàng Thúc xúc-động, nói dối thương nhớ mẹ xưa vì vừa đoạn tang, Hoạn-Thư liền bầy chuyện mở tiệc rượu tẩy trần giải khuây ; khi chàng Thúc cáo say để lảng ra, Hoạn-Thư vội thét - “Con Hoa / Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn ! ’’ ; nghĩa là hết bắt khoan bắt nhặt, hét mắng lại đến dọa đòn… cốt làm nhục cô ta, đồng thời cũng là cách làm cho anh chàng Thúc phải điêu-đứng, khổ-sở.

Lúc đầu, người thiếp của chồng nàng có thấy hơi khựng lại, vẻ bối-rối vì quá bất-ngờ trước thực tại phũ-phàng khi nhận ra ông chủ lại chính là Thúc-Sinh. Nhưng chỉ giây phút sau, cô ta lấy lại được bình-tĩnh, im-lặng chịu-đựng, không nhỏ một giọt nước mắt, không cả đến một cái chau mày. Cho tới lúc Hoạn-Thư nhắm chừng cô ta đã thấm-thía hết nỗi đau-đớn tủi-nhục của mình, nàng bèn dứt điểm, ra chiêu cuối : Bắt đàn !  

Quả nhiên, khi ra lệnh cho cô ta đàn, thì thấy cô ta run-rẩy choáng-váng (than-hoán tê-mê), vì biết không thể chịu-đựng hơn được nữa. Bởi tiếng đàn là tiếng lòng, nên khi cô ta dạo đàn, thì cả bốn dây tơ đều bật lên thành những tiếng kêu-thương, ai-oán « như khóc, như than ».

Tiếng đàn ấy mặc-nhiên tố-cáo, chủ-nhân của nó đã đớn-đau ê-chề lắm rồi, đã chịu ép một bề trong thân-phận tôi-đòi rồi và chỉ dám  than khóc âm-thầm qua mấy đường tơ.

Còn anh chồng Thúc-Sinh của nàng, nghe tiếng đàn “ như khóc, như than’’ của cô vợ bé, thì nước mắt thương-cảm “ lã-chã’’ tuôn rơi không dứt:

Giọt châu lã-chã khôn cầm
Nhưng sợ vợ biết, chàng Thúc cứ phải cúi đầu luôn tay gạt lệ một cách âm-thầm, giấu-giếm:
Cúi đầu, chàng những gạt thầm giọt sương.

Nước mắt ấy, cử-chỉ ấy, nỗi khổ-tâm nhục-nhã ấy làm sao qua được cặp mắt soi-mói của Hoạn-Thư này ? Xét cho cùng, chàng Thúc dù có thương thiếp đến đâu, vẫn biết nể-sợ vợ lớn mà không dám lấn-lướt bênh-vực.

Hoạn-Thư sau khi nhìn thấu ruột gan hai nạn-nhân của nàng thì tủm-tỉm “cười nụ’’, biểu-lộ niềm thích-thú riêng-tư, vì biết rằng cuộc trả thù đã thành-công mỹ-mãn: Đúng là :

Cùng trong một tiếng tơ đồng,

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.
Mà nàng Hoạn không chỉ “cười nụ ’’, nàng còn “ tấp-tểnh mừng thầm’’ như đã tự thú :
Lòng riêng tấp-tểnh mừng thầm

Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay.

.

Cái vui ngày hôm nay khi thấy anh chồng bội-bạc cùng cô vợ bé của chàng phải khổ-sở, cay-đắng, nhục-nhã vì nàng, đủ bù lại bao nỗi sầu-hận, uất-ức “ngứa ghẻ hờn ghen’’ ngấm-ngầm mà nàng phải chịu-đựng bấy lâu.

Đêm đã khuya, tiệc rượu kéo dài cũng đã khá lâu, nhìn mặt Kiều và Thúc-Sinh thấy quá thiểu-não, Hoạn-Thư mới “dường đà cam-tâm’’, bèn cho lệnh bãi tiệc, giải-phóng cho hai nạn-nhân khốn-khổ của nàng.

Nhận-xét
Tiếng đàn của Thúy-Kiều gẩy đêm đó đúng là “ khúc đoạn-trường’’ như Hoạn-Thư đã nhận ra (Cuộc vui gẩy khúc đoạn-trường ấy chi ?), nó nỉ-non, ai-oán đến nỗi cả hai thượng-khách trên bàn tiệc đều nghe ra “ như khóc, như than’’.

Đây chính là điểm báo-hiệu sự đắc-thắng hoàn-toàn của Hoạn-Thư trong âm-mưu trả thù anh chồng bội-bạc, cùng cô vợ bé thân cô thế cô mà dám chơi trèo, đòi chia-sẻ tình yêu của chồng nàng.

Như chúng ta đã biết, Hoạn-Thư vốn là một phụ-nữ có bản-lãnh vững-vàng, lại sắc-sảo, thâm-hiểm.Nàng ta đã nghĩ ra được mưu sâu, đánh ghen bằng thủ-đoạn tách-biệt danh-phận “ con ở / chúa nhà’’ để chia uyên, rẽ thúy. Nàng Hoạn không những dựa vào sự khôn-ngoan, ranh-mãnh của mình mà còn lợi-dụng quyền-thế của cha mẹ làm hậu-thuẫn.Từ đó nàng sắp sẵn kế-hoạch, nên khi lâm trận, giáp mặt đối-phương, dù căm-giận, dù ghen-tuông, dù nôn-nóng trả thù đến thế nào, nàng ta vẫn giữ được bình-tĩnh, thi-hành từng bước theo dự tính, để đưa hai nạn-nhân của nàng vào tròng không lối thoát : Kẻ phải «đau-đớn ê-chề», phải «than-hoán tê-mê», kẻ phải“nát ruột tan hồn’’... ; nghĩa là cả hai đều phải tởn đến già không bao giờ còn dám tơ-tưởng tới ngày sum-họp.

Vậy là nàng Hoạn vừa giành được chồng về cho riêng mình, vừa giải đi được bao nỗi uất-ức, ghen-hận bấy lâu. Sự vui-mừng đắc-thắng này đã khiến nàng ta trở nên độ-lượng, lập-tức cho bãi tiệc, giải-phóng cho hai nạn-nhân của nàng khỏi cảnh bị đầy-đọa kéo dài thêm nữa ; và sáng hôm sau, đọc tờ trần-tình và thỉnh-nguyện của Hoa-nô, nàng Hoạn đã hoan-hỷ chấp-thuận cho Hoa-nô ra tu ở Quan-Âm-Các, giải-thoát vĩnh-viễn kiếp “con hầu’’ cho người phụ-nữ “hữu tài’’ mà “ -duyên’’ bạc-phận này.
Tóm lại, tiếng đàn đoạn-trường “như khóc, như than’’của Thúy-Kiều lần này phải nói là nhập điệu đến đâu, nó đã diễn-tả được hết những nông-nỗi éo-le cùng bao nhiêu đắng-cay tủi-nhục mà Kiều đã phải gánh chịu trên bước phong-trần của đời nàng, khi làm vợ bé Thúc-Sinh. Mặc dầu đã được quan Phủ chính-thức công-nhận là phu phụ, Kiều vẫn bị mắc vào bẫy, trở thành con hầu của nàng Hoạn, vợ cả Thúc, người phụ-nữ có bản-lãnh phi-thường với cái ghen nham-hiểm «giết người không dao» của nàng ta.

Chỉ trong vòng 6 câu thơ ngắn-ngủi tả tiếng đàn đoạn-trường “như khóc, như than’’ của Thúy-Kiều, cùng hiệu-lực tiếng đàn ấy qua cử-chỉ, điệu-bộ của Thúc-Sinh và Hoạn-Thư trong trận đòn ghen “sâu-sắc nước đời’’ của nàng Hoạn, mà ND đã dựng lên thành một màn đại-bi-hài-kịch rút gọn, lột trần được đời sống nội-tâm (tình-cảm, tâm-lý) cùng cảnh-ngộ của cả ba nhân-vật Thúy-Kiều, Thúc-Sinh và Hoạn-Thư một cách tài-tình, sống-động, dí-dỏm và sâu-sắc ; khiến độc-giả nhiều khi phải vừa khóc vừa cười, đủ chứng-tỏ, ND quả là một kỳ-tài trong giới văn-thi-gia của dân-tộc ta.


(2) Lần đàn thứ 2, Kiều hầu đàn Hoạn-Thư : « Nàng Kiều ôm lấy cây đàn, thử lại cung bậc, rồi cảm tưởng đến chàng Thúc với ta, trước đây là bạn đồng sàng, thế mà hôm nay trở nên một vị thượng khách trên tiệc, nhìn nhau không dám nhận nhau, cảm nỗi hưng vong, xót tình sau trước, dạo thành một khúc thảm sầu , khúc ấy như sau : «  Thiếp phận mỏng rơi vào nhà hát...Tin ông chủ mới về thử ngó/ lúc tương phùng nhận rõ cố nhân/...Ôi vị thứ vì đâu ngăn cách/Ngán việc xưa gõ phách than dài/Can trường như cắt làm hai/Bao giờ chắp cánh cùng ai phương trời ».

Cung đàn còn chưa dứt khúc, mọi người hầu như cảm thấy những trận gió thảm mưa sầu phảng phất đến trước mâm rượu. Chàng Thúc thì đôi dòng lệ tuôn ra xối xả, nàng cũng nuốt lệ đoạn trường... Hoạn tiểu thư thì rất hể hả... cười thầm : « Tiệc rượu đêm nay cũng đủ tiêu được mối hận từ trước rồi đó. » KVKT của TTTT, bản dịch của Tô-Nam NĐD, sđd, tr.316.

3. KIỀU HẦU ĐÀN HỒ TÔN-HIẾN

(Tiếng đàn đoạn-trường 2)

(c c.2569 -2574)


Trốn khỏi nhà Hoạn-Thư, Thúy-Kiều đến nương-náu tại Chiêu-Ẩn Am của Sư-Bà Giác-Duyên. Chẳng ngờ chuyện Kiều ăn cắp chuông vàng khánh bạc của nhà họ Hoạn mang theo phòng thân, bị bại-lộ. Để tránh phiền-lụy cho nhà chùa, Kiều đến tá-túc nhà Bạc-Bà. Bị cô cháu họ Bạc lừa bán vào một thanh-lâu ở Châu-Thai.

Kiều đang sống những ngày chán-chường, tuyệt-vọng nơi đây, thì Từ Hải, một khách anh-hùng ngoài biên-thùy xuất-hiện. Trước tướng-mạo oai-phong lẫm-liệt của Từ, Kiểu không khỏi sửng-sốt và có cảm-tình ngay. Chỉ sau một cuộc đàm-thoại tâm-đắc, Kiều xin phó-thác thân-phận. Từ vui-vẻ nhận lời và tôn Kiều làm bậc tri-kỷ. Từ chuộc nàng ra khỏi địa-ngục lầu xanh, lấy làm vợ, hết dạ yêu-thương và cho chung hưởng một cuộc đời rất mực hạnh-phúc, quyền-quí.

Cuộc sống với họ Từ tưởng vững-vàng là thế :
Triều-đình riêng một góc trời

Gồm hai văn võ, rạch đội sơn-hà.

……………..



Trước cờ ai dám tranh-cường !
Hay đâu chỉ năm năm sau, vì tin vào lời dụ hàng phỉnh-phờ của Tổng-Đốc Hồ Tôn-Hiến, Kiều đã nỉ-non khuyên chồng ra đầu-phục triều-đình.

Bị họ Hồ lừa, Từ phải chết oan, còn Kiều bị ép phải hầu rượu, hầu đàn trong bữa tiệc hạ-công của hắn.

Nguyễn Du đã tả tiếng đàn đoạn-trường này của Thúy-Kiều trong 6 câu (cc.2569-2574):

Một cung gió thảm, mưa sầu

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay !

Ve ngâm, vượn hót nào tày !

Lọt tai Hồ cũng nhăn mày, rơi châu

Hỏi rằng : Này khúc ở đâu

Nghe ra muôn oán, nghìn sầu, lắm thay !
A - Giới-thiệu tiếng đàn (cc.2569-2571)

Vừa trải qua một cú “sốc” khốc-liệt trước cái chết oan-ức, tức-tưởi của Từ Hải ; xác chồng vừa chôn đó, Thúy-Kiều còn chưa qua khỏi cơn thống-khổ bàng-hoàng thì đã bị Tổng-Đốc Hồ Tôn-Hiến cho điệu tới giữa cảnh tưng-bừng náo-nhiệt của buổi tiệc khao-quân, ăn mừng chiến-thắng của hắn:


Trong quân mở tiệc hạ-công,

Xôn-xao tơ trúc, hội-đồng quân quan.

Kiều chẳng những bị họ Hồ buộc phải hầu tiệc, mà còn bị ép phải hầu đàn:


Bắt nàng thị yến dưới màn

Giở say lại ép vặn đàn nhặt tâu.

Sao mà cắc-cớ trớ-trêu; sao mà tàn-nhẫn, ác-độc, bất-nhân đến thế! Buộc mình phải gẩy đàn để mua vui, để gây thêm hứng-thú cho bữa tiệc khao quân mừng chiến-thắng của hắn, kẻ thù vừa giết được chồng mình!

Bị rơi vào hoàn-cảnh cực-kỳ éo-le ấy, sự đau-khổ của Kiều đã lên đến tột-độ; Kiều như mê như dại, nàng ôm đàn, xiết năm đầu ngón tay trên bàn phím rồi xoắn mạnh vào từng dây tơ cho vang lên, cho trào ra tất cả những nỗi đớn-đau, uất-hận trong lòng:
Một cung gió thảm / mưa sầu

Bốn dây / nhỏ máu /năm đầu ngón tay

Ve ngâm / vượn hót /nào tày!
Đến nỗi tiếng đàn của Kiều đã bật lên thành những tiếng “gió thảm”, “mưa sầu” ! “Gió thảm”, hình-ảnh gợi tả những trận gió lớn trong cơn bão-tố, khi luồn qua những vách núi, những hang thẳm hay qua những hàng cây to rậm-rạp, gây thành những tiếng gào, tiếng hú ghê-hồn và cả tiếng vặn mình nghiêng-ngà, vật-vã của cây-cối. “Mưa sầu’’, hình-ảnh gợi tả những trận mưa to, mưa rơi tầm-tã, mù trời, tối đất.
Như vậy “ Một cung gió thảm, mưa sầu” đã diễn-tả tiếng lòng cuồng-nộ, bi-phẫn và khổ-đau quằn-quại, thống-thiết của Thúy-Kiều, qua tiếng đàn khi rên-xiết, khi rít lên từng hồi, nghe ra như những tiếng gào, tiếng hú thê-thảm của những trận cuồng-phong trong cơn mưa bão mịt-mù, kéo dài của đất trời.
Đến nỗi cả năm đầu ngón tay Thúy-Kiều đều rập nát, máu chảy ướt đầm cả bốn dây đàn, mà nàng nào có hay… chỉ mê-man gào khóc qua mấy đường tơ.

Ngoài ra, Nguyễn Du còn mượn điển “vượn hót” lồng vào tiếng đàn của Kiều. ND muốn nhắc lại một tấn bi-kịch trong truyện Thang Ưng Tăng, sách Ngu-Sơ Tân-Chí. Chàng Tăng có biệt-tài về đàn tỳ-bà, sang Sở ở luôn ba năm chưa về. Một hôm gẩy đàn dong chơi trên hồ Động-Đình,Tăng nghe thấy tiếng một con vượn hót thảm-thiết suốt đêm.Sáng ra, thuyền vừa cập bến, con vượn bỗng vồ lấy cây đàn, chạy biến mất. Tăng trở về nhà, mới hay vợ đã chết. Bà mẹ cho biết, hôm vợ Tăng chết, có con vượn hót thảm-thiết ở ngoài cửa.


Tiếng hót của con vượn trong điển-tích Thang Ưng-Tăng thảm-thiết nhường ấy, khi đem so-sánh với tiếng đàn sầu-thảm của Kiều trong tấn đại-bi-kịch của đời nàng lúc này, thì còn kém xa, đúng hơn là không thể so-sánh được (nào tầy!). Tiếng đàn của Kiều không chỉ gào khóc cho cảnh-ngộ đoạn-trường thê-thảm của Kiều mà còn vì cái chết oan-ức, tức-tưởi của Từ Hải, chồng nàng!

Quả thế, còn gì đau-đớn cho Kiều hơn, Từ Hải, một người chồng anh-hùng nghĩa-hiệp, đã cứu Kiều ra khỏi chốn bùn-nhơ; lại hết lòng che-chở, bảo-vệ nàng.Từ còn là một người chồng tri-kỷ, hiểu được giá-trị tâm-hồn cao-đẹp của Kiều, Từ đã yêu nàng bằng mối chân-tình và trân-trọng hiếm thấy ở đời. Khi vừa lập được nghiệp lớn,Từ phong nàng làm phu-nhân, cho đón rước nàng về thủ-phủ với tất cả lễ-nghi trang-trọng nhất, như đón rước một Vương-phi về nhà chồng, Từ lại cho nàng được bàn việc trong quân. Hơn thế nữa, Từ còn lập riêng cho Kiều một toà án để trả ân, báo oán, giải đi cho nàng bao nỗi uất-ức trong lòng. Lại vì cảm thương nỗi nhớ nhà của Kiều, Từ đã hứa sẽ có ngày giúp nàng trở về cố-lý gặp lại mẹ cha.


Nghĩa là đối với Kiều, Từ đã trọn tình, trọn nghĩa làm chồng. Còn Kiều thì sao?

Ân-tình với ai Kiều cũng đã trả. Với Thúc-Sinh: “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân / Tạ lòng dễ xứng, báo ân gọi là” ; với Kim Trọng, Kiều đã nhờ Thúy-Vân thay lời “ Ngày xuân em hãy còn dài/ Xót tình máu mủ thay lời nước non”. Chỉ riêng với Từ Hải: Ân chưa trả, nghĩa chưa đền. Đau-đớn thay, nay lại chính Kiều là nguyên-nhân đưa tới cái chết oan-ức của Từ.

Chỉ vì quá nông-nổi, Kiều đã nhẹ dạ nghe lời dụ hàng của Tổng-Đốc Hồ Tôn-Hiến , những “ Tưởng rằng phu quí, phụ vinh / Nở-nang mày mặt, rỡ-ràng mẹ cha / Trên vì nước, dưới vì nhà” Mới nỉ-non khuyên Từ Hải ra qui-thuận triều-đình.

Trước tin dụ hàng của Tổng-Đốc Hồ Tôn-Hiến, lúc đầu Từ Hải đã khẳng-khái chối từ. Nhưng sau vì quá yêu Kiều“Nghe lời nàng nói mặn-mà”, quá tin Kiều “Tin tôi nên quá nghe lời”, mới chấp-nhận “Đem thân bách chiến làm tôi triều-đình”. Ngờ đâu họ Hồ bội-tín, cho quan quân đánh úp, Từ bị bắn xối-xả, chết tức-tưởi giữ trận tiền.

Quá oan-ức, Từ chết rồi mà còn đứng sừng-sững “chôn chân giữa vòng/ Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời”. Chỉ tới khi Kiều bị giải qua, biết chuyện, chạy ào tới, ôm chân chàng khóc rống lên:
Khóc rằng - Trí dũng có thừa

Bởi nghe lời thiếp nên cơ-sự này!
Và đập đầu xuống đất đòi chết theo, thây Từ mới đổ xuống. Linh-hồn Từ được an-ủi, vì Kiều đã hiểu rõ lòng Từ; Từ chết vì quá tin yêu nàng chớ không phải vì thua tài, kém trí Hồ Tôn-Hiến!

Còn gì đau-đớn, trớ-trêu hơn khi Hồ Tôn-Hiến bảo, nàng cũng có công trong việc diệt trừ Từ Hải:



Đã hay thanh-toán miếu-đường

Giúp công, cũng có lời nàng mới nên!
Oan ôi! Nàng mà cũng giúp công trong âm-mưu giết người chồng tình-nghĩa như thế của nàng ư?!

Bởi vậy, tiếng đàn của Thúy-Kiều lần này đã bật lên không còn là những tiếng “như khóc, tiếng than” nữa mà là những tiếng gào, tiếng hú cuồng-nộ của những trận “gió thảm, mưa sầu”, của những tiếng “ve ngâm, vượn hót” thảm-thiết ; cùng “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”. Có vậy mới đủ diễn-tả hết được những nỗi khổ-đau, cay-đắng, uất-hận tràn-đầy của Thúy-Kiều trong tấn đại-bi-kịch của đời nàng.


B - Hiệu-lực của tiếng đàn (cc. 2572-2574)
Sau khi nghe tiếng đàn “gió thảm, mưa sầu”,“ve ngâm, vượn hót” Kiều vừa gẩy đó, Hồ Tôn-Hiến, người được ND mệnh-danh là kẻ “mặt sắt ”, kẻ lòng gang dạ thép, thủ-đoạn , bất-tín và độc-ác đến tàn-nhẫn, vô-lương. Hắn bắt Kiều hết hầu rượu rồi lại đến hầu đàn, để giúp vui trong buổi tiệc khao quân mừng chiến- thắng của hắn, vì đã giết được Từ Hài, chồng nàng! Vậy mà hắn vẫn không thoát khỏi tiếng đàn rên-xiết ai-oán của Thúy-Kiều lôi-cuốn đến mất cả tự-chủ, không kìm được xúc-động, đã phải “nhăn mày” khi tiếng đàn nghe ra “muôn oán”, đã phải “ rơi châu” khi tiếng đàn nghe ra “nghìn sầu” :
Lọt tai, Hồ cũng nhăn mày, rơi châu

Hỏi rằng - Này khúc ở đâu?

Nghe ra muôn oán, nghìn sầu lắm thay!

Nhận-xét
Thiên Bạc-Mệnh-Oán mà Thúy-Kiều đã sáng-tác và phổ nhạc khi còn thơ, nay đã ứng vào cảnh-ngộ đoạn-trường khốc-liệt nhất đời nàng. Thế nên, khi Kiều gẩy lên là thành những tiếng “gió thảm, mưa sầu”, “ve ngâm, vượn hót”, đã khiến trái tim sắt-đá, vô-lương của Hồ Tôn-Hiến phải vô-cùng xúc-động. Điều này đủ rõ sức mạnh tuyệt-kỹ của tiếng đàn Thúy-Kiều; tiếng đàn ấy đã thể-hiện được trọn-vẹn vai-trò tiếng nói nội-tâm của Kiều, làm nổi bật số-kiếp tài-hoa bạc-mệnh của nàng.

Để diễn-tả tiếng đàn đoạn-trường khốc-liệt này của Thúy-Kiều, ND đã sử-dụng nhiều hình-thức nghệ-thuật đặc-biệt:

Trước hết, ông phối-hợp mỹ-từ-pháp đảo-trang với thậm-xưng. Ông đặt túc-từ “bốn dây” lên đầu câu, đổi vị-trí cho chủ-từ “năm đầu ngón tay”: “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”, thay vì “Năm đầu ngón tay nhỏ máu bốn dây’’ ; với mục-đích nhấn mạnh tiếng đàn đoạn-trường thảm-sầu nhất đời Kiều: Cả bốn dây đàn đã hòa-quện máu thịt nàng, tạo cho ta cái cảm-giác rờn- rợn, vì chỉ có cái đau thể-xác, thịt tưa máu đổ thấm đậm bốn dây tơ như thế, khi gẩy lên mới diễn-tả được hết cái khổ tinh-thần của nàng Kiều buổi ấy.


Sau nữa, ND còn sử-dụng lối ngắt câu nhiều biến dạng:
Một cung gió thảm / mưa sầu

Bốn dây nhỏ máu / năm đầu ngón tay

Ve ngâm / vượn hót / nào tầy
Nhờ có những nhịp dài (4/2, 4/4) và tiểu đối (gió thảm/ mưa sầu, ve ngâm /vượn hót), làm nhịp thơ chậm lại, để cực tả tâm-trạng thống-khổ đến tê-dại của Kiều trước bao cảnh oan-trái ập tới đời nàng.

Chừng ấy cũng đủ để chứng-tỏ cái tài-tình và bút-lực ghê-gớm của ND qua đoạn tả tiếng đàn trầm-thống này.


(3) Lần đàn thứ 3, Kiều hầu đàn Hồ Tôn-Hiến“Nàng đâu dám từ chối, đành phải nuốt lệ ôm lấy cây đàn , nhìn cảnh hiện-tại, nhớ sự đã qua, bất giác gẩy thành cung Bạc-Mệnh-Oán. Lại vì có sự đau-đớn bên trong, nên lúc thanh-âm phát động ra ngoài, trở thành những tiếng nghẹn-ngào than khóc, khiến cho tất cả những người trong tiệc cảm thấy mất vui. Khi gẩy trọn khúc, Đốc-Phủ liền hỏi: Đó là khúc gì, mà khiến người nghe thảm-sầu như vậy?..” KVKT của TTTT. Bản dịch của Tô-Nam NĐD (sđd), tr.402-403.

4. TIẾNG ĐÀN TÁI-NGỘ

(Tiếng đàn an-lạc)

(cc. 3197--3210)

Sau khi Từ Hải bị Tổng-Đốc Hồ Tôn-Hiến lừa, bắn chết. Kiều tuy quá đau-khổ nhưng vì còn nuôi hy-vọng được trở về cố-hương (Thân tàn được thấy gốc phần là may) nên phải nhẫn-nhục hầu đàn cho kẻ thù vừa giết chồng mình. Chẳng ngờ hôm sau Kiều lại bị họ Hồ ép gả cho một tên Tù-Trưởng ; Hắn vội đem kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền, đưa thốc Kiều đi. Quá tuyệt-vọng, Kiều không thể vượt qua được nỗi thống-khổ cùng-tột này, nên đã nhẩy xuống sông Tiến-Đường tìm cái chết để mong thoát nợ đoạn-trường.

May sao Sư-Bà Giác-Duyên nghe theo lời tiên-tri của Tam-Hợp Đạo-Cô, thuê dân chài giăng lưới vớt được Kiều lên, dẫn về cho tu ở thảo-am của bà.

Kiều nhờ đã trải-nghiệm qua bao khổ-đau của sống chết, lại nhờ được Sư Giác-Duyên dẫn-dắt cho tu-hành theo đạo giải-thoát của Đấng Thế-Tôn, nên đã sớm tỉnh-thức mà lĩnh-hội được cái triết-lý nhân-sinh thâm-diệu của nhà Phật: Đời là bể khổ, thế-giới vô-thường. Con người chỉ khi nào có được cái tâm thanh-tịnh, không còn mê-vọng, tham ái, chấp-chước...mới mong giải-thoát khỏi khổ-đau và đạt tới hạnh-phúc an-lạc, tự- tại. Kiều đã chứng-nghiệm được phần nào điều này ngay trong cuộc sống đơn-giản, chay-tịnh với Sư-Bà Giác-Duyên nơi thảo-am, trên bờ sông Tiền-Đường.

Khi được tái-ngộ với gia-đình và người yêu xưa, Kiều bị cả nhà nài-ép,và nhất là chàng Kim Trọng cứ một mực buộc Kiều vào mối tình cũ với lời thề xưa, Kiều bất-đắc-dĩ phải vâng theo làm lễ giao-bái nên danh-nghĩa vợ chồng. Rất may, trong đêm động-phòng, KimTrọng là người quân-tử, khi hiểu rõ ý-nguyện tha-thiết của Kiều là muốn được “Đem tình cầm-sắt đổi ra cầm cờ”, nghĩa là đổi tình chăn gối vợ chồng ra tình bạn-bè,vì nàng không muốn chạm đến cái thân “bướm chán, ong chường’’ hổ-nhục của nàng, nên đã thỏa-thuận như lời Kiều khẩn-cầu.

Nhờ vậy, Kiều được gạn đục khơi trong, khỏi mang tiếng một đời lưu-đãng, tà-dâm và giữ được tiết-nghĩa với Từ Hải, gọi là trả chút nghĩa người. Đồng thời, từ nay Kiều tuy sống trong gia-đình song nàng đã gỡ bỏ được những ràng-buộc của thế-tình, những hệ-lụy của nhân-sinh, để có thể an lòng tiếp-tục tiến tu theo sở-nguyện. Trong trường-hợp này tâm Kiều vui là lẽ tự-nhiên, không còn gì có thể nghi-ngờ.

Cũng trong đêm động-phòng hoa-chúc ấy, Kim Trọng tha-thiết xin được nghe lại tiếng đàn năm xưa của Kiều, nàng đã vui-vẻ nhận lời.

ND đã giới-thiệu Tiếng ĐànTái-Ngộ này trong 14 câu thơ (cc.3197-3210).
A - Nội-dung bản đàn (cc.3197-3202)

Kiều bắt đầu đàn:


Phím đàn dìu-dặt tay tiên

Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa.

Dưới những ngón tay thoăn-thoắt bấm phím của nàng, tiếng đàn nhịp-nhàng, êm-ái vang lên… âm-thanh trầm bổng, lả-lướt theo khói trầm bay, rồi nhẹ-nhàng lan tỏa vào không-gian. Kim Trọng nghe đàn:



Khúc đâu đầm-ấm dương-hòa

Ấy là hồ-điệp, hay là Trang-Sinh ?
Chàng tưởng đâu như đang nghe một khúc nhạc trầm-ấm, thiết-tha ca-ngợi lòng yêu-thương bao-la, chan-chứa tình người gửi đến muôn loài ; chẳng khác nào nắng xuân chan-hoà sưởi ấm khắp nơi-nơi.

Tiếng đàn còn gợi Kim nhớ đến chuyện Trang Chu đồng-hóa mình với bướm, thấy bướm chẳng khác gì mình ; trong tích Trang Chu ngủ mơ hóa bướm, tỉnh dậy lấy làm ngờ, không rõ mình là bướm hay là Trang Chu.


Khúc đâu êm-ái xuân-tình,

Ấy hồn Thục-Đế hay mình đỗ-quyên ?
Có khi Kim tưởng đâu như đang nghe một khúc nhạc dịu-dàng êm-ái, ca-ngợi tình yêu thương hồn-hậu trong-sáng của tuổi trẻ.

Tiếng đàn của Kiều lần này gợi Kim nhớ đến chuyện vua Vọng-Đế nước Thục, khi chết đi hồn hóa thành chim đỗ-quyên. Vậy hồn Thục-Đế hay mình đỗ-quyên có khác chi đâu, tuy hai mà vẫn là một !

Như thế đủ rõ, cả hai khúc đàn Kiều vừa gẩy đó, ý đàn đều mang chủ-đề đề-cao tình thương-yêu từ-bi, bao-la, bình-đẳng của con người, đã được thăng-hoa thành tình nhân-loại.
B - Nhạc-tính tiếng đàn (cc.3203-3204)

Còn về âm-sắc tiếng đàn, thì tiếng đàn tái-ngộ của Kiều, Kim nghe sao mà trong-vắt, tinh-khiết đến thế (tức không bợn một tạp-âm), Khiến chàng liên-tưởng đến hình-ảnh những hạt ngọc trai trắng-muốt (từ miệng trai) nhỏ xuống vụng biển đầy ánh trăng soi, trông mới trong-trẻo, thanh-khiết làm sao !


Trong sao! Châu nhỏ doành-quyên.

Tiếng đàn của Kiều khi lại vang lên dìu-dịu, êm-êm… âm-hưởng của nó như còn kéo dài mãi, Kim nghe mới trầm-ấm làm sao ! Khiến chàng liên-tưởng tới hình-ảnh những hạt ngọc (ngọc thạch) mới đông nơi núi Lam-điền, dưới nắng trời êm-ả, ngọc mới đông như còn đang bốc hơi ấm:



Ấm sao ! Hạt ngọc Lam- điền mới đông.

C - Cảm-tưởng của Kim Trọng (cc.3205-3210)

Nghe Tiếng đàn tái-ngộ của Thúy-Kiều đêm ấy Kim Trọng nhận thấy thật êm-ái, uyển-chuyển và lôi-cuốn, làm chàng vô-cùng xúc-động (não-nùng), thích-thú (xôn-xao):
Lọt tai nghe suốt năm cung

Tiếng nào là chẳng não-nùng xôn-xao.
Khi Kiều vừa đàn xong, Kim trọng đã vội lên tiếng về sự ngạc-nhiên của chàng, vì chàng nhận ra ngay Tiếng đàn tái-ngộ đã có sự biến cung rõ-rệt. Tuy vẫn bản đàn xưa (phổ ấy), và vẫn một tay Kiều gẩy (tay nào) nhưng nay tiếng đàn nghe trong-trẻo, đầm-ấm (cung bắc), mang khí-vị « vui-vầy» khác hẳn tiếng đàn bi-thiết, ai-oán (cung nam) mang khí-vị « sầu-thảm »  năm xưa :
Chàng rằng- Phổ ấy tay nào

Xưa sao sầu-thảm, nay sao vui-vầy !
Và chàng liền giải-thích, chẳng phải tiếng đàn của Kiều (nghệ-thuật đúng nghĩa) nghe buồn hay vui là bởi nó phản-ảnh cõi lòng tẻ hay vui của Kiều mà ra ? Và Kiều (một nghệ-sĩ chân-chính) tránh sao khỏi rung-động, khỏi chịu ảnh-hưởng buồn vui theo hoàn-cảnh ?  

Tẻ vui cũng bởi lòng này,

Hay là khổ-tận đến ngày cam-lai?
Ý Kim Trọng muốn nói, suốt 15 năm luân-lạc nơi xứ người, Kiều đã phải trải qua biết bao cảnh-huống oan-khổ đắng-cay. Giờ đây nàng đã hoàn-toàn tai qua nạn khỏi, lại được đoàn-tụ với gia-đình, với người xưa. Bởi cảnh-ngộ nay vui, lòng Kiều nay vui, tiếng đàn của nàng nghe «vui-vầy», khác hẳn với tiếng đàn «sầu-thảm» năm xưa là chuyện tự-nhiên.

Nhận-Xét
Chúng ta cũng nên biết, 6 câu tả tiếng đàn của Thúy-Kiều trong bản Tiếng Đàn Tái-Ngộ là ND tái-tạo từ 4 câu thơ trong bài Cẩm-Sắt của Lý Thương-Ẩn, một danh-sĩ đời Đường. Những câu này không hề được nhắc tới trong bản chữ Hán KVKT của TTTT.

Đây là bốn câu trong bài Cẩm-Sắt (Đàn Gấm) của Lý Thương-Ẩn :
Trang-Sinh hiểu-mộng mê hồ-điệp

Vọng-Đế xuân-tâm thác đỗ-quyên

Thương-hải nguyệt-minh châu hữu lệ

Lam-Điền nhật-noãn ngọc sinh yên.
Nghĩa là, Trang-Sinh sáng sớm ngủ mơ, còn mê-mải mình là bướm / Vua Vọng-Đế gửi tình xuân, tức tấm lòng thương-tiếc nước cũ, vào chim đỗ-quyên (Theo điển, vua Vọng-Đế nước Thục mất nước. Sau khi chết, hồn hóa thành chim đỗ-quyên, tức chim cuốc, ra-rả kêu thương nhớ nước).
Chốn biển rộng, trăng sáng, hạt châu như có nước mắt / Nơi núi Lam-Điền, dưới nắng ấm mặt trời, hạt ngọc bốc hơi trông như khói.

Đã được Nguyễn Du viết lại thành sáu câu thơ lục bát (cc.3199-3204) để tả Tiếng đàn tái-ngộ chan-hoà niềm vui của Thúy-Kiều trong tác-phẩm ĐTTT của ông:


Khúc đâu đầm-ấm dương-hòa

Ấy là hồ-điệp hay là Trang-Sinh ?

Khúc đâu êm-ái xuân-tình

Ấy hồn Thục-Đế hay mình đỗ-quyên ?

Trong sao, châu nhỏ doành-quyên

Ấm sao, hạt ngọc Lam-Điền mới đông.
Từ đó, một số nhà phê-bình văn-học dựa vào ý thơ của Lý Thương-Ẩn, suy- diễn vào thơ Nguyễn Du, nên cho rằng: « Tiếng đàn tái-ngộ của Thúy-Kiều vui đượm lẫn buồn » và « Văn-lý mơ-hồ, viển-vông khó hiểu » (Lê Văn Hoè, Truyện Kiều Chú-Giải); hay : «...  chính là một sự “tập cổ’’ ít nhiều không tránh khỏi tính chất hình thức chủ nghĩa và do đó, thiếu sự thuần nhất về nội dung cảm xúc » ( Đặng Thanh-Lê, Truyện Kiều và Thể Loại Truyện Nôm)…

Thực sự, bài thơ Cẩm-Sắt (Đàn Gấm) đã gợi hứng cho Nguyễn Du viết đoạn tả Tiếng Đàn Tái-Ngộ của Thúy-Kiều. Chuyện này đã hiển-nhiên. Song Nguyễn Du đã không lấy ý thơ buồn, tả nỗi tiếc-nuối của họ Lý trước mối tình đầu tan-vỡ, mà Nguyễn Du chỉ mượn chất-liệu trong đó, rồi bằng những sáng-tạo riêng, ông lái câu thơ họ Lý theo chủ-đích của mình, để phục-vụ cho tiếng đàn vui tái-ngộ của Thúy-Kiều.

Bởi thế, Tiếng đàn tái-ngộ của nàng Kiều đã khác hẳn ý thơ trong nguyên-tác; điều này quá rõ-ràng, như đã phân-tích ở trên.

Riêng 2 câu Lý Thương-Ẩn tả về tính-chất âm-thanh tiếng đàn:



Thương-hải nguyệt-minh châu hữu lệ,

Lam-Điền nhật-noãn ngọc sinh yên.
Thì được Nguyễn Du lấy gần như nguyên ý (cc.3203-3204)
Trong sao, châu nhỏ doành-quyên

Ấm sao, hạt ngọc Lam-Điền mới đông.
Nhưng Nguyễn Du đã thêm vào hai từ “trong” “ấm” là những thuật- ngữ của âm-nhạc, làm cho 2 câu thơ tả tiếng đàn thêm rõ-ràng. Đồng thời, 2 câu thơ ấy còn được đảo trang, đưa túc-từ “trong sao’’ và “ ấm sao” lên trước chủ từ, có mục-đích nhấn mạnh tính  « trong » và « ấm » của tiếng đàn:
Tiếng đàn mới « trong » làm sao! (như) Hạt châu tựa những giọt nước mắt trong trẻo, tinh-khiết nhỏ xuống vụng biển có ánh trăng soi, trông càng thêm lóng-lánh, trong-sáng!
Tiếng đàn mới “ấm” làm sao! (như) Hạt ngọc trên núi Lam-Điền vừa đông (Núi Lam-Điền, nơi nổi tiếng có nắng ấm quanh năm, sản-sinh được nhiều ngọc quí). Ngọc mới đông còn đang bốc hơi đã ấm, dưới nắng trời êm-ả càng thêm ấm !
Nói khác đi, Nguyễn Du đã cụ-thể-hóa tính « trong » và « ấm » của tiếng đàn qua hai hình-ảnh trong-sáng và ấm-áp tuyệt-vời này. Còn từ « sao» đi sau từ « trong » thì biểu-thị tính nhấn mạnh ở mức-độ làm ngạc-nhiên vì thán-phục ; nhằm đề cao tiếng đàn tuyệt-vời « trong » và tuyệt-vời « ấm » của Kiều.

Với những câu thơ tả tiếng đàn trong, ấm, vui-tươi, nhẹ-nhàng thanh-thoát như thế; với ý đàn ca-ngợi tình yêu-thương vị-tha, hòa ái, bình-đẳng ; xây-dựng tình người đối với nhân-loại, đối với chúng-sinh như thế, tất phải hay, phải vui là lẽ đương-nhiên ; làm sao có thể pha lẫn ý buồn trong đó được ?!

Tiếng đàn ấy đã biểu-hiện cho trạng- thái ổn-định và thanh-thản, an-lạc trong đời sống nội-tâm Thúy-Kiều. Đồng thời dự báo, cuộc đời Kiều sẽ được hoàn-toàn yên-vui ; đặc biệt, tình ân-ái vợ chồng theo thế-tục giữa chàng Kim và nàng Kiều sẽ không thể xẩy ra, mà nhường chỗ cho một tình bạn tri-kỷ, tương-kính, tương-tri, như nàng Kiều đã xác-nhận:

Một phen tri-kỷ cùng nhau

Tương-tri dường ấy mới là tương-tri!

Từ đấy, đôi bạn Kim Kiều đã thực sự được tận hưởng những năm tháng sống an-lạc, hạnh-phúc bên nhau, như Nguyễn Du đã thông-báo trong phần cuối truyện:


Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên

Ba-sinh đã phỉ mười nguyền

Duyên đôi-lứa cũng là duyên bạn-bầy.
(4) Lần đàn thứ tư, Kiều gẩy đoạn tái-hồi Kim Trọng: “Nàng xắn tay lựa lại cung bậc, tùy theo tâm- sự ghép nên bản đàn, kỳ thủy xôn-xao ồ-ạt, dần-dần tiếp đến dung-hòa êm-ấm tình xuân,ngạt-ngào hương mới, thanh như vừng trăng lấp-ló, mềm tựa cái én dập-dìu, càng nghe càng đắm, càng ngẫm càng say, tâm-thần cảm thấy phiêu-diêu bên ngoài vũ-trụ.Mỗi khi đắc ý chàng lại hết sức ngợi khen :“ lạ chưa phổ ấy tay nào? Xưa sao sầu-thảm, nay sao vui-vầy. Cam-lai hẳn đã đến ngày, mà cơ khổ tận từ đây hết rồi.’’. KVKT của TTTT. Bản dịch của Tô-Nam NĐD (sđd) tr.436.

TỔNG-KẾT


Trong ĐTTT của ND, 4 tiếng đàn của Thúy-Kiều tuy cùng một bài bản (Một Thiên Bạc-Mệnh), cùng một loại đàn (đàn Nguyệt) với chừng ấy dây đàn, chừng ấy nốt nhạc , lại do một tay Kiều gẩy mà sao mỗi lần mỗi khác hẳn. Tiếng đàn ấy chẳng đã tùy theo từng tình-cảm, từng tâm-trạng vui buồn của Thúy-Kiều trong mỗi biến-cố cuộc đời mà tạo nên biết bao biến-thái của âm-thanh, của tiết-điệu.

Cả bốn tiếng đàn đều tuyệt hay, đều tràn-ngập cảm-xúc, đều gây được sức hấp-dẫn, lôi-cuốn đến kỳ-lạ, làm xúc-động mãnh-liệt lòng người. Điều đó chứng-tỏ nghệ-thuật siêu-đẳng của ND khi tả những tiếng đàn trữ-tình này. Nghệ-thuật đó chính là:

ND đã sử-dụng phối-hợp một cách tinh-tế, khéo-léo nhiều yếu-tố nghệ-thuật thi-ca trữ-tình để tả tiếng đàn của Thúy-Kiều (kể cả ảnh-hưởng của tiếng đàn ấy đối với người nghe):

Trước hết,tiếng đàn ( nói chung về âm-nhạc ) vốn mang tính trữ-tình ở cấp độ cao hơn hẳn tiếng nói. Và thi-ca cũng mang tính trữ-tình hơn hẳn văn xuôi. ND đã tả tiếng đàn của Thúy-Kiều bằng thơ, là đã có sẵn tính nhạc trong đó, từ âm-vận, thanh luật BT,thanh sắc bổng trầm đến tiết-điệu.

Và ND đã dùng rất nhiều từ-ngữ biểu-cảm ( ngơ-ngẩn sầu, nao-nao,tan-nát, đầm-ấm, não-nùng,sầu-thảm...) bên cạnh những từ-ngữ gợi thanh gợi hình, láy âm ( sầm-sập, xôn-xao...lã-chã...) và những từ có giá-trị nhấn mạnh như những dấu chấm than ( nào tầy! lắm thay! trong sao! ấm sao!) ; cộng với nghệ-thuật so-sánh, ẩn-dụ, hoán-dụ ( tiếng sắt/ tiếng vàng...), nhân-cách-hóa ( gió thảm, mưa sầu...), điệp ngữ, đảo-trang, thậm-xưng... Khi cần tác-giả sử-dụng nghệ-thuật thậm-xưng một cách táo-bạo ( đem cả máu đổ, thịt tưa để tả tiếng đàn) ; làm cho những câu thơ tả tiếng đàn thêm nổi, thêm dồi-dào âm-hưởng, đậm-đà cảm-xúc; gây được ấn-tượng mạnh, làm rung-động lòng người .

ND còn pha điển-tích vào tiếng đàn, khiến tình-tiết tiếng đàn thêm phong-phú, ý đàn thêm đậm-đà, sâu-sắc.

Đặc-biệt ND đã đem cảnh-sắc thiên-nhiên tràn-ngập vào tiếng đàn. Hầu như mỗi âm-thanh, mỗi tiết-tấu đều được diễn-tả bằng một hình-ảnh, dầu thực hay ảo, đều mang nét kỳ-thú và lãng-mạn; tiếng đàn trở nên vô-cùng hấp-dẫn ( Trong như tiếng hạc bay qua / Đục như nước suối mới sa nửa vời/ Trong sao châu nhỏ doành-quyên/ Âm sao hạt ngọc Lam-Điền mới đông...). Thú-vị nào hơn khi tai ta vừa nghe âm-thanh tiếng đàn, mắt ta vừa nhìn thấy hình-ảnh thi-vị, gợi cảm của tiếng đàn; sau nữa, tiếng nhạc ấy, cảnh-sắc thiên-nhiên ấy còn có tác-dụng gợi tả, giúp ta hiểu được đời sống tâm-lý rất đỗi vi-tế và cũng đầy biến-động của nhân-vật.

Nói khác đi, nhờ kỹ-thuật chuyển tiếng nhạc vào điển-tích và lồng cảnh-sắc thiên-nhiên vào tiếng nhạc, ND đã đưa tiếng đàn của Thúy-Kiều ra khỏi sự đơn-sơ của ngữ-nghĩa một chiều mà giúp cho trí tưởng-tượng của độc-giả đi vào nội-dung tiếng đàn một cách dễ-dàng; hơn nữa, còn chắp cánh cho trí tưởng-tượng ấy bay xa với hai, ba từng nghĩa, tùy vào khả-năng cảm-thụ của mỗi độc-giả.

Xét cho cùng, đây mới chỉ là tiếng nói của điển-tích ; của hình-ảnh thiên-nhiên hay qua sự phỏng thanh từ những âm-vang của vũ-trụ ; với sự liên-tưởng, suy-diễn qua ngôn từ, qua nghệ-thuật thi-ca trữ-tình của tác-giả. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý về khía-cạnh âm-học và ngữ-học ta sẽ thấy được, qua những khúc đànThúy-Kiều gảy trong ĐTTT, ND còn muốn nói lên tiếng nói của âm-nhạc, tức âm-thanh, tiết-tấu của tiếng đàn, để trực tả đời sống nội-tâm bén-nhạy và phong-phú của nhân-vật này nữa.

Muốn thực-hiện điều này, ND căn-cứ ngay vào trọng-tâm tính nhạc căn-bản của thể thơ lục bát ( 6/8) mà ông đã chọn để thực-hiện tác-phẩm ĐTTT của mình.



Trước hết nói về tiết-tấu, tức nhịp-điệu. Nhịp-điệu căn-bản của thể thơ 6/8 với số chữ chẵn là nhịp đôi:

2/2/2 --- 2/2/2/2



Sau đến thanh luật BT, thể 6/8 chỉ có một từ thanh T ở vị-trí thứ 4 câu 6 và một từ thanh T ở vị-trí thứ 4 câu 8, còn các từ khác hầu hết là thanh B:

- 0B 0T 0B ( v)

0B 0T 0B (v) 0B ( v)

- 0 B 0T 0B (v)

0B 0T 0B (v) 0B (v)

Sau nữa là vần.Trong mỗi 4 câu thơ, thể 6/8 có tới 6 vần: 4 cước-vận (vần cuối câu) , và 2 yêu-vận (vần giữa câu 8). Vậy mỗi câu 8 có 2 vần, nếu yêu-vận có dấu huyền ( trầm-bình-thanh) thì cước-vận phải không dấu (phù-bình-thanh), hoặc ngược lại. Trong khi đó, ở các thể thơ Ngũ ngôn hay thất ngôn của Trung-Quốc chỉ có 3 cước-vận ; thơ Tây phương cũng chỉ có cước vận. Như thế, âm-vận thể 6/8 phải nói là dồi-dào, nhưng lại toàn là vần bằng (B).

Với những yếu-tố nhạc-tính căn-bản là vậy, thơ 6/8 chỉ thích-hợp để diễn-tả những nét nhạc êm-ái, nhẹ-nhàng. Trong khi đó, 4 lần Kiều đàn là 4 lần nhân-vật này đang sống trong những tình-huống rất khác nhau ; tình-cảm, tâm-trạng vui buồn của Kiều tất rất khác nhau. Đặc-biệt 2 lần Kiều đàn cho Kim Trọng thưởng-thức, lần đầu hội-ngộ và lần 4 tái-ngộ, ND rõ-ràng cố-ý bộc-lộ đời sống nội-tâm Kiều trực-tiếp qua âm-thanh tiếng đàn. Vậy tiếng đàn Kiều gảy lên, âm-thanh tiết-tấu phải như thế nào, khiến Kim Trong nghe mà có được những liên-tưởng, và những suy-diễn như chúng ta đã biết?

Tất-nhiên, để có được những tiếng nhạc cần-thiết cho nhu-cầu diễn-đạt tùy theo từng trường-hợp như thế, ND đã phải sử-dụng nhiều thủ-thuật riêng để hóa-giải những nhược-điểm, những hạn-chế của thể thơ 6/8, đồng-thời tạo thêm thật nhiều chất nhạc thích-hợp cho tác-phẩm của mình.

Trước khi giải-đáp vấn-đề này, chúng ta cũng nên biết sơ qua vài điểm quan-trọng về hình-thức ngữ-âm tiếng Việt.

Tiếng Việt gồm những từ đơn âm-tiết (từ đơn) và đa âm-tiết (từ ghép, từ láy). Mỗi âm-tiết được tạo nên bởi nguyên-âm đơn hay kép đứng độc-lập ( a, ôi, oai...) hay kết-hợp bởi phụ-âm đầu cộng với nguyên-âm và phụ-âm cuối ( khi có khi không) gọi là vần, cộng với thanh-điệu ( dấu giọng).

Mỗi bộ-phận của một âm-tiết phát ra, sẽ tùy theo vị-trí phát âm của nó , từ môi đến cuống họng và độ mở của miệng, mà người ta phân-biệt được âm-thanh nhẹ/mạnh, trong/đục, cao/thấp. Đó chính là cơ-sở ngữ-âm, cho phép người ta dựa vào đấy để tạo nên những từ-ngữ, những vần-điệu bổng trầm, ngân vang thanh-thoát hay nghẹn-ngào tức-tưởi tùy theo nhu-cầu diễn-đạt trong lời nói hay trong thơ văn.

Vậy ND, khi tả những tiếng đàn của Kiều, ông đã phải sử-dụng những thủ-thuật gì?

Khi cần tả nét nhạc mạnh-mẽ, trầm-hủng như khúc Hán Sở Chiến-Trường:



Khúc(T) đâu( B) Hán(T) Sở (T) Chiến (T)Trường (B)

ND đã dựa vào luật BT của thể 6/8, hầu tạo thêm nhiều từ có thanh T ở những điểm BT được tự-do chọn-lựa. Kết-quả, câu 6 trên, số từ có thanh T đã chiếm tỷ-lệ cao hẳn hơn (4/6) so với số từ có thanh B (2/6).

Đồng thời, ND còn sử-dụng liên-tiếp 5/6 từ có phụ-âm đầu mà điểm phát âm ở mãi phía cuống họng, như: KH,H,S,CH,TR. Âm phát ra đã khó, khi phát ra được rồi thì tiếng mạnh nhưng đục và trầm. Trái lại, khi cần có nét nhạc vừa giầu âm-hưởng, vừa êm-ái, nhẹ-nhàng, như:

Kê-Khang, này khúc Quảng-Lăng

Một rằng lưu-thủy, hai rằng hành-vân.

Thì ND, ngoài việc tạo thêm vần cho câu thơ, như vần “ang’’ ( Khang, Quảng), vần “ăng’’ ( rằng, rằng ) ; nhờ kết-hợp được nguyên-âm “ a, ă ’’ có độ mở rộng trong khẩu-âm, với phụ-âm cuối “ ng’’ thuộc loại âm vang, nên luồng hơi phát ra được dễ-dàng, thanh-thoát.

Lại nữa, những từ : lưu, thủy, hai , vần được tạo bởi một ( hay hai ) bán-âm đi kèm với một nguyên-âm, có tác-dụng làm cho nhạc-tính của từ đó thêm dài ra ( Tác-giả Trần Ngọc-Ninh trong bài biên-khảo Thơ Trong Truyện Kiều, gọi đó là “âm dài’’ thuộc loại vần phức-tạp ( Truyền Thông, số 39&40, trang 310).

Ngoài ra, ND còn hoán-cải nhịp thơ đều-đặn của thể thơ 6/8 trong nhiều câu, hầu đem lại cho chúng những hình-thức chuyển-biến đa dạng, như:

Trong / như tiếng hạc bay qua

Đục / như nước suối mới sa / nửa vời

Tiếng khoan / như gió thoảng ngoài

Tiếng mau / sầm-sập / như trời đổ mưa.

Xem thế đủ rõ, ND quả là một nhà thơ có thiên-khiếu về tài thẩm-âm và về ngôn-ngữ-học. Ngày xưa, thời ND chưa có khoa âm-học, ngôn-ngữ-học như ngày nay, để có thể tách-bạch một cách khoa-học về nhạc-tính trong từng bộ-phận của âm-tiết, nhưng ND cũng như một số các thi-gia có tài của ta, do trực-cảm biết được giá-trị này nên đã áp-dụng một cách vô-thức luật âm-thanh trong ngữ-âm tiếng Việt một cách tài-tình, quen dần trở thành kinh-nghiệm. Chẳng thế, khi cần biểu-hiện một cách sinh-động tâm-trạng phức-tạp, kể cả đời sống tiềm-thức, vô-thức của nhân-vật Kiều ở đây, ND đã tạo được biết bao cách kết-cấu trùng-điệp kỳ-thú.

BĐ1: - Khúc đâu Hán Sở Chiến-Trường

Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau.

..............



- Kê-Khang / này / khúc Quảng-Lăng

Một rằng lưu-thủy // hai rằng hành-vân

- Quá quan / này / khúc Chiêu-Quân

Nửa phần luyến chúa // nửa phần tư-gia.

...........................

Tiếng khoan như g thoảng ngoải

Tiếng mau sầm-sập như trời đổ mưa.

BĐ4


- Khúc đâu / đầm-ấm dương-hòa

Ấy là hồ-điệp / hay là Trang-Sinh.

- Khúc đâu / êm-ái xuân-tình

Ấy hồn Thục-Đế / hay mình đỗ-quyên

Trong sao, châu nhỏ doành-quyên

Ấm sa, hạt ngọc Lam-Điền mới đông.

. Ta thấy:

Ngoài sự trùng-điệp một từ hay một nhóm từ trong một câu hay trong mấy câu liên-tiếp, như:



này/này, rằng/rằng, nửa phần / nửa phần

là/là, sao/sao, Khúc đâu/ khúc đâu

Ta còn thấy sự trùng-điệp hiện-diện cùng khắp:



Từ những sự trùng-điêp nhỏ nhất trong một âm-tiết, như sự trùng-điệp về phụ-âm đầu “kh’’( khang, khúc) “ qu’’(quá, quan, Quân),và s ( sầm-sập) ; về nguyên-âm “ a ’’ ( khang, quảng), “ ă ’’( lăng, rằng, rằng) và “â’’( quân, phần, phần), đó là chưa kể sự trùng điệp về vần trong câu của những từ láy-âm (đầm-ấm) hay sự trùng điệp liên-tiếp của 5 từ mà vần có âm dài ( tiếng , khoan, g,thoảng, ngoài) ; đến sự trùng-điệp về phụ-âm cuối “ng’’ (khang, quảng, lăng) và “ n ’’( quan, quân ; phần,phần) ; cùng sự trùng-điệp về thanh BT, khi thì 4 từ có thanh T trùng-điệp trong 1 câu (Khúc đâu Hán, Sở Chiến-Trường), khi thì 5 từ có thanh B trong 1 câu (Trong sao châu nhỏ doành quyên ).

Thêm vào đó là sự trùng-điệp về nhịp-điệu trong Bản Đàn 1:

2 / 1 / 3 --- 4 / 4 ( 2)

Và sự trùng-điệp về nhịp-điệu trong Bản Đàn 4:

2 / 4 --- 4 / 4 (2)

v.v....


Kết-quả đương-nhiên do những sự trùng-điệp này là tạo được sự luyến-láy về âm, về nhịp, làm giầu-mạnh tính nhạc và gây được sự đa dạng về tiết-tấu. Nhờ vậy, âm-nhạc có đủ khả-năng trở thành tiếng nói trực-tiếp, biểu-hiện trung-thực được từng biến-động vui buồn nhẹ-nhàng hay những khắc-khoải, nặng trĩu ưu-tư trong đời sống nội-tâm của người nhạc-sĩ, ở đây là nhạc-sĩ Thúy-Kiều.

Cũng bởi bản-chất Thúy-Kiều vốn đa-sầu, mẫn-cảm, nên ngay khi còn thơ, qua thi văn, cảm thương cảnh-ngộ người xưa đã sáng-tác “Một thiên Bạc-mệnh’’ ; vừa thấy ngôi mộ hoang liền động lòng trắc-ẩn ; mới nghe gần xa về cuộc đởi bạc-phận của Đạm-Tiên đã dầm-dề lệ tuôn và than khóc chung cho số kiếp đàn-bà... Thế nên, trên đường đời, mỗi khi rơi vào cảnh-ngộ éo-le, bi-thiết, tránh sao khỏi rên-xiết, oán-than?!

Thúy-Kiều lại gửi-gấm, phó-thác tất cả tâm-hồn, tình-cảm vui buồn, hạnh-phúc hay khổ-đau của mình cho tiếng đàn và nhập thân với tiếng đàn ; tiếng đàn trở nên tiếng nói nội-tâm Kiều, hiện-thân cho mệnh Kiều. Bởi vậy, qua tiếng đàn Kiều diễn-tấu, thính-giả biết được, theo dõi được từng biến-động tình-cảm, tâm-trạng, cũng như từng cảnh-ngộ của đời nàng. Tiếng đàn vì mang đậm nét trữ-tình như thế, nên có sức truyền-cảm mãnh-liệt, đã làm cho các thính-giả của nàng bị ảnh-hưởng, bị lôi-cuốn theo, không sao cưỡng lại được.

Tiếng đàn tài-hoa của Thúy-Kiều vô-hình-trung đã làm sâu-đậm thêm những nỗi thống-khổ đoạn-trường của nàng. Những thống-khổ của Kiều là gì? Chính là những biểu-hiện của sự đau-thương, bất-mãn, phản-kháng tiêu-cực của một tâm-hồn thanh-cao, của một tấm lòng trong-trắng, trung-hậu, tình-nghĩa, đã bị đời vùi-dập vào những cảnh-huống đoạn-trường éo-le hay trong những chốn xấu-xa nhơ-nhuốc. Từ những thống-khổ ẩy, tâm-hồn Kiều được tô-luyện, thăng-hoa trở thành cao-cả, đúng như Alfred De Musset, một thi-sĩ lãng-mạn nổi danh của Pháp-quốc thế-kỷ 19, đã viết:

Rien ne nous rend si grangds qu’une grande douleur.’’

(không gì làm ta cao-cả bằng nỗi thống-khổ).

Quả vậy, Nàng Kiều nhờ trải-nghiệm qua bao khổ-đau của sống chết, lại được Sư Bà Giác-Duyên dẫn-dắt cho tu-tập theo đạo từ-bi giải-thoát của Đấng Thế-Tôn, nên đã sớm tỉnh-thức ; nàng biết đem tình thương-yêu vị-tha cao-thượng hướng về tất cả, để hóa-giải những khổ-hận xưa, đồng thời đem lại an-vui hạnh-phúc đến cho mọi người. Tâm nàng giờ đây đã được hoàn-toàn thảnh-thơi, an-lạc. Tiếng đàn đoạn-trường vì thế không còn lý-do tồn-tại, như chính Kiều đã tuyên-bố:

Cuốn dây từ đấy, về sau cũng chừa!


tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương