Hội thảo quốc tế việt nam họC


Tiểu vùng văn hoá Tây Nam Bộ



tải về 6.05 Mb.
trang19/99
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích6.05 Mb.
#37601
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   99
2.2. Tiểu vùng văn hoá Tây Nam Bộ

Cho đến nay thành tựu chủ yếu là một nền văn hoá cổ phát triển từ đầu Công nguyên đến thế kỷ VII và truyền thống của nó còn kéo dài đến thế kỷ X - XIII, đó là văn hoá Óc Eo với trung tâm là tứ giác Long Xuyên, vùng trũng ngập lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

Môi trường của văn hoá Óc Eo là vùng sông rạch, đầm đìa, bưng biền… và đồi núi như Bà Đen, Núi Sam, Núi Sập, Bảy Núi, Ba Thê… những giồng, gò nổi cao giữa vùng thấp trũng ngập nước hằng năm. Đây là vùng chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt biển tiến thời Holocene từ khoảng 5.000 năm tr.CN đến khoảng 1.200 năm (thế kỷ XII) sau CN. Thời kỳ tr.CN, biển tiến Holocene đã ngăn chặn sự lan toả của văn hoá Đồng Nai xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy, ở miền Tây Nam Bộ tìm thấy khá ít ỏi di tích khảo cổ thời tiền sử. Chỉ đến khoảng đầu Công nguyên, khi nước biển rút thì các nhóm cư dân bản địa của văn hoá Đồng Nai bắt đầu mở rộng địa bàn cư trú xuống vùng này cùng với một bộ phận cư dân từ hải đảo vào. Liên quan đến thời kỳ văn hoá Óc Eo là biển tiến Holocene IV bắt đầu từ giữa thế kỷ IV và đạt đỉnh cao vào giữa thế kỷ VII, sau đó rút biển dần trả lại bề mặt đồng bằng vào khoảng thế kỷ XII. Đợt biển tiến này được coi là yếu tố quan trọng đã “tàn phá” các di tích của văn hoá Óc Eo. Hiện nay, ở Nam Bộ chỉ còn lại các phế tích kiến trúc đền tháp, di tích cư trú kiểu nhà sàn kéo dài dọc sông rạch, di tích cư trú trên các giồng gò cao giữa đồng bằng… Các cuộc khai quật từ thời L. Malleret (1944) đã tìm thấy dấu tích khoảng 30 “đường nước cổ” là các kênh đào ngang dọc ở vùng thấp trũng tứ giác Long Xuyên. Đây vừa là hệ thống đường giao thông lợi dụng thuỷ triều ra vào cảng thị Óc Eo, vừa là hệ thống thuỷ lợi thoát nước trong mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long. Trên vùng trung tâm, khảo cổ học đã phát hiện những cổ vật quý giá, nhiều di vật như tượng thờ ngay trong các di tích đền tháp, mộ táng, vật dụng phục vụ sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần tồn tại khá nhiều tại các di chỉ cư trú (in - situ)… Đợt biển tiến Holocene IV ở đồng bằng sông Cửu Long đã là nguyên nhân chủ yếu làm cho nền văn hoá Óc Eo rực rỡ “đột ngột biến mất”, vì phần lớn cư dân buộc phải dần dần rời bỏ địa bàn cư trú thấp trũng, tìm các gò giồng cao để ở hay tiến lên vùng cao miền Đông Nam Bộ hoặc xa hơn. Vì vậy, di tích văn hoá Óc Eo miền Đông Nam Bộ thường có niên đại muộn và sau thế kỷ VII và trên toàn Nam Bộ vẫn tồn tại truyền thống văn hoá Óc Eo đến tận thế kỷ XIII, thời điểm mà theo ghi chép của Châu Đạt Quan trong Chân Lạp phong thổ ký, đây vẫn là vùng hoang vu hầu như không có người sinh sống.

Trong thời kỳ hình thành và phát triển của văn hoá Óc Eo từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, khu vực Óc Eo - Ba Thê được nhìn nhận là một cảng biển - đô thị của vương quốc cổ Phù Nam, trạm dừng chân quan trọng trên tuyến đường biển nối liền Nam Á và Bắc Á với hai trung tâm văn minh lớn của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa. Để có thể tồn tại và phát triển, cư dân Óc Eo đã tạo ra những điều kiện sống thích hợp, chấp nhận và khai thác những mùa nước nổi, nước lên theo chu kỳ hằng năm. Khái niệm “sống chung với lũ” chỉ mới xuất hiện từ khoảng năm 1996 với những ám ảnh tiêu cực, thiệt hại vật chất và sinh mạng. Vì vậy, chúng ta thường ứng xử một cách lúng túng và bi thảm hoá một hiện tượng bình thường của tự nhiên mà ông cha ta trước đây đã bình tĩnh khai thác làm lợi cho mình.

Đặc điểm nổi bật của lối sống cư dân văn hoá Óc Eo là tiếp tục cuộc sống trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo, chọn các vùng đất cao như đồi, gò, giồng… để cư trú và canh tác. Điều thú vị nhất là dù ở môi trường địa hình nào thì cư dân cổ toàn Nam Bộ vẫn chung một loại hình di vật độc đáo: bếp gốm - cà ràng, vật dụng của cư dân sống trên nhà sàn và trên ghe xuồng. Từ đó hình thành hai phương thức kinh tế chủ yếu là làm ruộng ở vùng thấp miền Tây sông Hậu - miệt ruộng và làm vườn ở vùng cao ven hạ lưu sông Tiền - văn minh miệt vườn. Cảnh quan làng Nam Bộ theo đó cũng có nét độc đáo riêng: phân bố trải dài theo sông rạch, nhà cửa quay mặt ra sông rạch đón gió mát khi nước lớn. Phương tiện giao thông chủ yếu là ghe xuồng nương theo con nước thuỷ triều lên xuống, các bến neo đậu ghe xuồng chờ nước lớn nước ròng dần trở thành thị tứ, chợ búa. Tính chất cởi mở, giao lưu rộng rãi là đặc điểm xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - văn hoá Nam Bộ ít nhất là từ thời văn hoá Óc Eo đến nay.



tải về 6.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   99




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương