Eymard an Mai Đỗ O. Cist. SỐng đam mê giúp nên hoàn thiện Hành trình từ nhân bản



tải về 0.85 Mb.
trang1/19
Chuyển đổi dữ liệu26.12.2017
Kích0.85 Mb.
#35093
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19
EYMARD

An Mai Đỗ O.Cist.

SỐNG ĐAM MÊ

giúp nên hoàn thiện

Hành trình từ nhân bản

đến tâm linh

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO
2013

LỜI NÓI ĐẦU.


Cuốn sách bạn đang cầm trên tay được hình thành từ một ngẫu nhiên hết sức thú vị. Trong khi tra cứu thuật ngữ Passion: cuộc thương khó của Chúa Giêsu, tôi lại thấy chúng có một nghĩa khác là Đam mê. Sự trùng hợp này đã tạo nơi tâm trí tôi một sự chú tâm và ý thức lớn lao về chủ đề này. Sau đó tôi càng xác tín hơn về định hướng của mình khi tham dự các tiết học về môn Tâm Lý học do linh mục Nguyễn Đình Vịnh OFM, tiến sĩ tâm lý trị liệu, giảng dạy tại học viên. Trong dịp đó, chúng tôi thuyết trình về chủ đề Đam mê mà đã được ngài đánh giá cao. Thời gian sau, tôi tiếp tục được tham dự những buổi nói chuyện về Nhân cách do nữ tu Trần Thị Giồng CND, cũng là tiến sĩ Tâm lý trị liệu với nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy và trị liệu. Từ đó, tôi đã quyết định tiếp tục theo đuổi đề tài này và tìm cách tiếp cận dưới nhãn quan Nhân cách. Nhưng người viết sẽ mở rộng theo nhãn quan nhân cách tôn giáo. Như thế, đam mê sẽ được “nhập thể” trong hành trình tâm linh.

Điều thao thức của người viết là trình bày cách nào giúp bạn đọc dễ lĩnh hội. Chắc hẳn, cuốn sách này không phải là một nghiên cứu thực nghiệm của Tâm lý học nhưng là một sách thuộc loại hướng dẫn kỹ năng sống. Vì vậy, chúng có xu hướng dẫn dụ thực hành. Song bạn sẽ không tìm được những hướng dẫn cụ thể, vì những nguyên tắc thực hành thiết thực không thể phổ quát cho mọi người, nhưng phải đáp ứng cho một đối tượng cụ thể; trong đó, phải xét đến: môi trường, di truyền, cá tính, ý chí của cá nhân...Đó là một việc nhiêu khê, ngoài khả năng người viết.

Trong cuốn sách này, sau khi xác định thuật ngữ đam mê, người viết đề cao giá trị của đam mê như một lực đẩy giúp bạn định hướng và sống đam mê. Tiếp đến, người viết trình bày về những mê lầm trong cuộc sống ngang qua ba đam mê chủ đạo: Danh, Lợi và Thú. Sau đó, từ những kinh nghiệm đau thương của thực trạng đam mê vừa nói trên, người viết đề ra những bậc thang giá trị, hầu giúp bạn xác lập một lần nữa những gì là đam mê đúng đắn. Cuối cùng, là những chứng nhân đam mê; chính những người này đã hoàn tất những đam mê của mình trong những nền văn hoá Đông – Tây khác nhau. Qua đó, người viết muốn khẳng định rằng, trong bất cứ xã hội, nền văn hoá nào, con người đều khả dĩ sống đam mê và hoàn tất nó một cách khả quan.

Chúng ta cùng khởi động từ câu chuyện người thật việc thật.

Tiger Woods sinh ngày 30 tháng 12 năm 1975 là một vận động viên Golf chuyên nghiệp người Mỹ. Cha của anh là Earl Woods, một tay chơi Golf nghiệp dư, người đã có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời sự nghiệp của anh. Ông đã truyền đam mê chơi Golf cho anh từ lúc 2 tuổi, và đến năm 11 tuổi, anh đã đánh bại đối thủ đầu tiên là chính cha mình. Năm 1996, anh chính thức bước vào môn thể thao này với tư cách một tay chơi Golf chuyên nghiệp. Dần dà, anh đã đi vào lịch sử huyền thoại của nước Mỹ, với kỷ lục quán quân nhiều năm. Nhưng gần đây, anh công khai tự thú rằng: là một người nghiện sex. Mặc dù, anh đang sống rất hạnh phúc bên người vợ và hai con. Với nỗi đam mê sắc dục, anh đã quan hệ với gần 20 phụ nữ khác nhau đủ mọi tầng lớp: từ các nữ diễn viên khiêu dâm đến những nữ chủ hợp đêm. Ngoài ra, anh còn nhiều lần hẹn hò với người tình một đêm.

Như thế, chúng ta thấy, nơi anh, có hai nỗi đam mê: thể thao và sắc dục; một tốt, một xấu. Đánh giá khách quan này chỉ dựa trên đối tượng đam mê. Với đam mê thể thao là một điều tốt, anh cần phát huy và phát triển tối đa. Còn đam mê sắc dục là một nguy hại, vì không làm chủ được bản thân, anh đã sa đà trở thành một tay nghiện sex. Cuối cùng, tiền mất tật mang, anh phải trả 100 triệu bản cho người vợ khi phân chia tài sản trong cuộc ly dị này.

Đứng trước đam mê xấu đại loại như thế, chúng ta đưa ra hai giải pháp: một là triệt tiêu đam mê ấy, hai là chuyển hướng nó. Cách thứ hai sẽ là hướng đi của cuốn sách này; vì theo Karl Jaspers: “ Không một thiện chí hay một thiện tâm nào, không một lý luận hay một chương trình biện pháp nào, nói tóm lại, không một lực lượng nào, vật chất hay tinh thần, có khả năng bịt mồm bịt miệng của đam mê đến độ làm cho nó hoàn toàn bị hủy diệt1. Thật vậy, đam mê nằm trong chính khuynh hướng của bản tính con người nên hủy diệt đam mê là hủy hoại mầm mống hoạt động, là tự hủy diệt mình. Bởi vậy, thay vì chúng ta cứ loay hoay tìm cách chặn đứng và bóp nghẹt đam mê thì cần chuyển hướng và thăng hoa nó.

Và cuốn sách này là đứa con tinh thần đầu tiên nên không tránh những thiếu sót, rất mong bạn đọc thông cảm. Chính khi đón nhận cuốn sách này, bạn nhận lấy hoa trái của niềm đam mê của người viết.

Bây giờ, xin mời bạn bước vào thế giới của đam mê.

DẪN NHẬP


Có thể nói, hạn từ thành công mang một hấp lực rất lớn, đến nỗi, nó là “nỗi ám ảnh” của con người. Vì vậy, con người truy tìm và khám phá mọi phương thế đạt đến thành công; khởi đi từ thế giới bên ngoài đến những thực tại bên trong. Đã có một thời, con người nói đến nhiều chỉ số IQ.

CÁC LOẠI CHỈ SỐ

IQ - chỉ số thông minh là khái niệm được nhà khoa học người Anh, Francis Galton đưa ra trong cuốn sách Hereditary Genius xuất bản vào cuối thế kỷ 19. IQ - (Intelligence Quotient – chỉ số thông minh), khái niệm này đã “thống trị” khá lâu trong quan niệm về thước đo phẩm chất dẫn đến thành công của con người. Một người bình thường có chỉ số IQ khoảng 100, còn nhà thiên tài như Einstein đạt đến 150.

Chỉ số này đôi khi được đồng hóa với tính suy luận của con người. Nhưng thực tế cho thấy, không phải ai có chỉ số thông minh cao hay đạt kết quả cao trong những năm học đường, đều thành công trong cuộc sống. Trong số họ cũng có người “thành công” nhưng là thành công trong việc tổ chức cướp nhà băng.2 Thật vậy, có tài mà không có đức là người phá hoại. Vấn đề đặt ra, yếu tố nào thực sự quyết định đến việc thành công?

Tiến xa hơn bước nữa, năm 1995 Daniel Goleman đã đưa ra một khái niệm mới: chỉ số cảm xúc (EQ – Emotional Quotient) 3 như một yếu tố cơ bản dẫn đến thành công. Chỉ số này mô tả kỹ năng hay khả năng nhận thức để xác định đánh giá tâm trạng và điều tiết cảm xúc của bản thân cũng như người khác. Chính khi người có chỉ số tri cảm xúc cao biết rõ và làm chủ cảm xúc của mình mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của công việc. Sự phát hiện chỉ số mới này giải thích tại sao một số người không thông minh lý tính IQ nhưng có sự nhạy cảm cao lại thành công hơn. Có thể nói, đây là bước đầu mà khoa học nhìn nhận tầm ảnh hưởng của cảm xúc trong đời sống con người.

Có một số người muốn phối hợp hai chỉ số IQ và EQ khi gọi một tên chung là trí tuệ xúc cảm, nhưng phần lớn các nhà khoa học không chấp nhận cảm xúc thuộc loại trí thông minh. Thật vậy, EQ không thể được đo bằng con số. Cho dù, bạn có chấp nhận phối hợp hai chỉ số này, cả hai cũng không phải là yếu tố hoàn toàn quyết định sự thành công của con người.

Chỉ sau hai năm, tức năm 1997, nhà tâm lý học người Mỹ, Paul Stoltz lần đầu tiên đưa ra một khái niệm mới: AQ (Adversity Quotient) trong cuốn Adversity Quotient:Turning Obstacles into Opportunities (AQ - Xoay chuyển trở ngại thành cơ hội). Trong đó, ông định nghĩa AQ là đại lượng đo khả năng đối diện và xoay sở của một người trước các thay đổi áp lực và các tình huống khó khăn gọi tắt là chỉ số vượt khó. Như chúng ta biết, tiến sĩ Stoltz là giám đốc dự án ứng phó toàn cầu và phụ trách giám sát tại 17 quốc gia. Ông được người điều hành của Excellence ca ngợi “là một trong số 100 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất của thời đại chúng ta”. Quan trọng hơn cả, cuốn sách này sẽ giúp người đọc tìm lại được nguồn nghị lực bên trong để kiên cường chiến đấu và chiến thắng. Bằng những kiến thức, kỹ năng lĩnh hội được từ AQ - Chỉ số vượt khó, chúng ta không những sẽ cải thiện được bản thân mà còn có thể giúp những người khác, cũng như chính tổ chức của mình tiến lên phía trước.

Cho đến năm 2005, tác giả nhà báo Thomas L. Friedman đã cho xuất bản cuốn “Thế giới phẳng: tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ 21”, đề cập đến hai khái niệm CQ (Curiosity Quotient - Chỉ số tò mò) và PQ (Passion Quotient- chỉ số đam mê). Nhưng đến những năm gần đây, PQ - chỉ số đam mê mới được chính thức tác giả Virender Kapoor giới thiệu trong tác phẩm PQ - chỉ số đam mê. Trong đó, tác giả cho rằng: "Chất lửa trong con người, hay chính là chỉ số say mê, đã đóng góp rất nhiều cho những thành tựu kỳ diệu của nhà khoa học thiên tài Albert Einstein hơn cả chỉ số IQ của ông". Thật vậy, sự đam mê là ngọn lửa thổi bùng lên lòng nhiệt huyết, khiến mỗi chúng ta không ngừng khám phá những tiềm năng vô tận ẩn sâu trong mỗi con người. Virender Kapoor còn khẳng định: “Đam mê mang đến cho con người hai điều: thứ nhất, nó giúp chúng ta được là chính mình, sống và đối nhân xử thế như mình mong muốn. Thứ hai, nó hòa hợp và làm hoàn thiện bản thân” 4. Tất nhiên, hoàn thiện bản thân theo tác giả, là sự thành công được nhiều người biết đến và nhìn nhận. Nhưng, cuốn sách bạn đang cầm còn có tham vọng hơn, hoàn thiện bản thân theo tinh thần kitô giáo, nghĩa là nên thánh. Vì như chân phước Gioan Phaolo II nói: “Thành công lớn nhất của đời người là nên thánh”.


SỐNG ĐAM MÊ ĐỂ NÊN HOÀN THIỆN.

Phần đông con người trên thế giới đều mong muốn và đi tìm sự thành công. Đó không chỉ để chứng minh năng lực của bản thân mà còn thỏa mãn khao khát chiến thắng vốn tự có trong mỗi con người. Mà chiến thắng lớn nhất là làm chủ bản thân, nghĩa là đạt được điều mình muốn. Bạn có thể kể hoặc viết ra một loạt những ước muốn của mình nhưng xét cho cùng, tất cả chỉ là phương thế giúp đạt đến ước muốn cao cả nhất là hoàn thiện bản thân,5 nên thánh mỗi ngày.

Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người: Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. Thế mà, đã có một thời gian dài, người ta nghĩ rằng, nên hoàn thiện hay nên thánh là việc dành riêng cho bậc trọn lành, những người “đi tu”. Còn bạn, bạn nghĩ sao ? Nếu như người khác Chúa trao cho năm nén bạc để họ sinh lợi ra năm nén khác thì bạn được Chúa trao cho hai nén, lại không sinh lợi hai nén sao? Ai nấy sẽ hạnh phúc trong chức phận của mình, vì đã hoàn thành sứ mạng được trao ở trần gian.

Bởi đó, khi cuốn sách này đề nghị với các bạn: sống đam mê để nên hoàn thiện, có thể tạo cho bạn một cảm giác khó chịu, vì từ lâu đam mê chỉ được hiểu là dẫn đến sa đọa. Điều này không thể có nơi các thánh,6 thì nói gì đến việc nên thánh bằng cách sống đam mê. Ở đây, chúng ta có thể hiểu một cách khái quát: “các đam mê là thành phần tự nhiên của sinh hoạt tâm lý con người. Chúng nối kết với đời sống cảm giác và tinh thần. Theo lời của Đức Kitô, tâm hồn là nguồn phát xuất các rung động đam mê”.7 Chính lúc làm chủ các khuynh hướng này thì con người có cơ may sống hoàn thiện bản thân. Đó là điều các nhà thiên tài đã tận dụng tối đa, và thành công trong đời sống cụ thể cách nào đó. Đơn cử trường hợp của chân phước Têrêsa Calcutta vì đam mê phục vụ Thiên Chúa trong người nghèo khổ mà ngài đã hoàn tất đời sống mình trong sự thánh thiện.

Có thể nói, cuốn sách này là một cố gắng lấy lại thế quân bình cho việc sống đam mê, và chúng tôi muốn khẳng định rằng cả Thiên Chúa cũng sống đam mê theo một nghĩa siêu việt nhất, như lời Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã khẳng định trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, rằng: “Một mặt, chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối và là nguồn mạch mọi loài; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này … Logos, Đấng Thượng Trí-lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thực sự” 8.

Quả thât, Thiên Chúa vẫn đang sống đam mê bằng một tình yêu thực sự cũng muốn mời gọi bạn sống đam mê đích thực để đạt đến Ngài, vì Ngài là Tình Yêu, “nỗi đam mê đích thực” mà mỗi chúng ta nhắm đến. Cuốn sách này, cách nào đó sẽ giúp bạn đạt đến điều bạn đang mong chờ. Điều chúng ta cần làm lúc này là đánh thức đam mê, vì theo Vince Lombardi thì “nếu trong bạn trước giờ vẫn chưa có được ngọn lửa đam mê thắp sáng, thì bạn phải thổi bùng nó lên”.



ĐÁNH THỨC ĐAM MÊ

Truyện kể rằng: có một người nhặt được quả trứng đại bàng đặt vào ổ trứng gà. Tất cả cùng nở ra và lớn lên. Chúng cúi mặt xuống đất chỉ biết bắt mồi, mổ trùng mà ăn… cho đến một ngày, chú gà đại bàng ngẩng cổ lên trời cao thấy một con chim vĩ đại, nó hỏi chú gà khác: “con gì đấy?” – “Đó là chúa tể của các loài chim. Nó thuộc về trời cao còn chúng ta thuộc về trái đất”. Một ngày kia, chú gà đại bàng nằm mơ nghe tiếng vọng từ trời bảo rằng: “Mày không thuộc đất thấp, nhưng thuộc về trời cao. Mày là chúa tể các loài chim”. Tỉnh giấc, chú sống với một ý thức mới, tôi là chúa tể các loài chim tôi thuộc về trời cao. Một ngày đẹp trời, chú đã tạm biệt đàn gà và tung cánh bay thẳng hướng về mặt trời.

Cũng vậy, chúng ta được đặt làm chủ điều khiển muôn loài và thuộc về trời cao, chúng ta phải dùng đôi cánh ĐAM MÊ mà hướng thẳng về cội nguồn và cũng là đích điểm của đời người. Ví như đôi cánh giúp chim bay cao, đam mê cũng giúp con người vươn tới Chúa. Ví von như thế cũng chưa lột tả được chiều kích nội tại của đam mê vì đam mê là quà tặng được ban cho con người ngay từ đầu. Hơn nữa, đam mê ví thể bản tính thứ hai của con người. Bản tính thứ nhất giúp xác định con người với một nhân phẩm đáng tôn trọng, bản tính thứ hai cao trọng hơn khi nó giúp tái lập sự hiện hữu độc đáo, riêng biệt của một nhân vị. Thật thế, đam mê làm nên phẩm chất độc đáo nơi chúng ta.

Bạn cần dành nhiều giờ cho đam mê và nhận diện ra nó vì đam mê không dừng lại ở những việc giải trí mà đam mê gắn liền với sứ mạng của bạn ở trần gian. Chúng ta sẽ bàn sâu rộng điểm này sau nhưng ngay bây giờ bạn phải xác tín giá trị lớn lao của nó để việc bạn dành nhiều giờ đầu tư không trở nên vô ích. Trong lúc bạn đang khám phá niềm đam mê chủ đạo của mình, chúng tôi xin giới thiệu cho bạn những nhân vật nổi tiếng với cách thức họ đã nhận diện niềm đam mê của mình và phát huy thế mạnh bản thân.

Có một giai thoại kể lại:

Đại tướng Nhật Bản là Nabunaga quyết định tấn công quân giặc, cho dù đội quân của ông chỉ có “một chọi mười”. Nhưng ông biết chắc thế yếu của quân địch và sẽ dành chiến thắng, còn binh sĩ của ông thì đầy nghi ngờ điều đó.

Trên đường đi đến chiến trường, ông đã dừng lại ở một đền thờ Thần Giáo. Sau khi đã cầu nguyện trong đền thờ, ông đi ra và nói:

“Bây giờ tôi tung một đồng tiền lên: nếu ‘ngửa’ chúng ta sẽ thắng; nếu ‘sấp’ chúng ta sẽ thua”.

Ông tung đồng tiền lên: “ngửa”. Các binh sĩ nức lòng chiến thắng nên họ đã ra quân và thắng trận cách dễ dàng.

Bạn biết không ? Vị chỉ huy này đang cầm trong tay một đồng tiền đều hai mặt ngửa. Ngửa hay sấp chỉ là chiêu bài điều binh khiển tướng của các vị chỉ huy.

Ở đây, chúng ta ghi nhận công của ông đã kích thích những tư tưởng tích cực nơi các binh lính, đồng thời, kích động niềm khát khao giành chiến thắng nơi họ.

Trong cuộc đời của bạn, chắc hẳn, cũng có người đã đến gõ cửa lòng bạn, muốn khơi gợi nỗi đam mê nơi bạn. Họ đến rồi đi, nhưng nỗi đam mê vẫn trong bạn, nó cuồn cuộn như những đợt sóng vỗ dập, vượt qua mọi hiểm nguy, lướt thắng tất cả để giúp bạn sống thực sự đam mê.

Có một ngày bạn buồn, “tôi buồn chẳng biết vì sao tôi buồn”, bỗng nghe được một bản nhạc, cảm thấy mình phấn khởi và lấy lại sức sống. Tài năng của người cha đã khơi dậy nỗi đam mê âm nhạc nơi bạn: muốn phục vụ người khác, muốn lấy đàn mua vui. Đó cũng có thể là cách thức Chúa muốn bạn phục vụ trong nỗi đam mê này.

Mahatma Gandhi 9 đã từng bị tống khỏi chuyến tàu ở Nam Phi vì ông là người Ấn Độ. Ông rất bất bình khi bị đối xử bất công, nhưng thay vì trở nên con người hiếu chiến đứng lên chống lại những người nhục mạ mình, ông đã coi đó như một bài học giúp mình sống cao thượng hơn khi lấy “việc lành đáp lại lời nguyền rủa”. Cũng từ đó, niềm đam mê chính trị đã lớn mạnh trong ông. Với chủ trương bất bạo động, ông đã chứng minh cho con người thời đại: chiến thắng thuộc về sức mạnh bên trong.

Không phải ai cũng lợi dụng được những sự kiện tiêu cực. Đôi khi hoàn cảnh nghiệt ngã giết chết một đam mê. Truyện kể rằng: có một phụ nữ hiền lành và nhân hậu, hằng ngày làm việc và chu toàn bổn phận của mình cách tốt đẹp. Nhưng vào một ngày vì quá mỏi mệt, người mẹ này chỉ muốn nằm nghỉ. Đứa bé với thói quen đến nhảy múa ca hát làm vui lòng mẹ. Thay vì, người mẹ vui tươi và khen ngợi, lại mất tự chủ, không kiểm soát được bản thân nên thốt lên: “Im đi, tiếng của mày nghe chát chúa quá!”. Câu nói tiêu cực ấy thấm nhiễm đứa bé và giết chết nỗi đam mê múa hát trong em.

Bởi vậy khi đối diện với những hình thái tiêu cực, bạn cần phải thăng hoa và “gán” cho nó một ý nghĩa. Nếu đam mê giúp bạn đủ sức vượt qua mọi khó khăn thì bạn cần bắt đầu bằng những câu nói khẳng định đam mê của bạn: Tôi biết những đam mê cháy bỏng từ nơi sâu thẳm lòng mình sẽ giúp tôi thành công và hoàn thiện; tôi khát khao được làm mọi điều tốt đẹp cho bản thân và cho mọi người; mỗi ngày trôi qua, đam mê trong tôi càng mãnh liệt hơn. Tôi sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ để đạt được trọn vẹn nỗi đam mê của mình… và tin vào ơn Chúa trợ lực giúp thành công.

Bạn cần xác quyết, đam mê là một yếu tố quan trọng, là động lực chủ yếu thúc đẩy bạn đi tới không ngừng, đam mê giúp bạn đứng dậy, tiếp tục bước đi mỗi khi bạn có suy nghĩ bỏ cuộc, đầu hàng. Một khi ngọn lửa đam mê trong bạn bùng cháy mãnh liệt thì chẳng có rào cản nào, chẳng có ai có thể làm chùn bước tiến của bạn. Xin gởi đến cho bạn một "người thật việc thật" về kinh nghiệm biết vượt qua nghịch cảnh để thực hiện ước nguyện của mình, cô Terry.

Ngay từ bé, Terry rất thích thể thao và tham gia vào bất kỳ môn nào mà cô bé có thể chơi được. Chưa hết, cô bé luôn có mặt trong các buổi học múa ba lê, bởi cô mơ ước một ngày nào đó, sẽ trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp. Nhưng khi lên 12 tuổi, một chuyện không may ập đến với cô bé, một tai nạn xe hơi rất kinh hoàng đã làm lưng và cột sống của cô bé bị chấn thương nặng. Ai cũng nghĩ rằng cô ta sẽ chẳng bao giờ có thể vận động được nữa.

Đối với nhiều người, có lẽ một tai nạn như thế hẳn sẽ dập tắt mọi ước mơ và khát vọng thành công của họ. Nhưng với Terry thì khác hẳn! Mặc dù được bác sỹ cho biết hung tin này, nhưng ngọn lửa hy vọng trong cô vẫn không hề tắt lịm bởi chúng đã là một phần tất yếu luôn hiện hữu trong cô. Với mẫu người có cá tính mạnh, những khó khăn này càng giúp cô thêm nghị lực và sống xác quyết với nỗi đam mê hằng ấp ủ trong lòng; vượt lên nỗi đau, không ngừng phấn đấu, cô bé vẫn yêu đời, lạc quan, cô cảm thấy cuộc đời vẫn mỉm cười với mình.

Tai nạn đã cướp đi sự hoạt động của đôi chân cô, nhưng không cướp đi được nghị lực kiên cường và nỗi đam mê bền bỉ trong cô. Đôi chân cô không thể cử động, nhưng ý chí và lòng khát khao trong cô không hề bị tê liệt. Cô bé phát huy hết sức mạnh phần cơ thể còn lại của mình để có thể di chuyển tốt hơn bằng xe lăn. Cuối cùng nỗ lực của cô đã sinh hoa trái, nghĩa là cô đã khẳng định mình trong lãnh vực tri thức, đã tốt nghiệp đại học với hai chuyên ngành: nghệ thuật và truyền thông. Như thế, đam mê nghệ thuật khi xưa của cô giờ đây có dịp được biểu diễn mỗi ngày chuyên nghiệp hơn. Một điều thú vị nữa là, từ đây, cô quan tâm hơn đến những người cùng cảnh ngộ. Cô nuôi quyết tâm sẽ làm một điều gì đó để có thể giúp được những người như cô tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Qua đó, bạn thấy rằng đam mê là ngọn lửa nung nấu niềm hăng say, là động lực tiếp sức cho sự phấn đấu không mệt mỏi. Đằng sau bất cứ một thành công nào cũng chất chứa một ngọn lửa đam mê khát vọng luôn hừng hực cháy. Keith D. Harrell thật chí lý khi nói: “Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên, tiềm tàng bên trong mỗi con người. Động lực này được thể hiện qua những hoạt động không ngơi nghỉ, để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục hoàn cảnh”.

Bạn có thể nuôi khát vọng đam mê của mình bằng cách mỗi ngày dành một chút thời gian để quan sát, cảm nhận rõ hơn những gì mà bạn đang mong muốn. Một khi bạn đã nhận diện niềm đam mê của mình và phát huy thế mạnh bản thân, bạn cần tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa này để niềm đam mê ăn sâu trong tâm khảm, chảy mạnh vào huyết mạch, chuyển lưu trong từng hơi thở và làm phong phú hiện hữu của bạn vì như lời khẳng định của Margaret Deland: “Ai cũng cần phải khao khát một điều gì đó để có thể tồn tại ”. Và nói một cách xác quyết hơn: ai cũng cần phải đam mê một điều gì đó để có thể nên hoàn thiện.

Với những xác quyết đó, xin mời bạn tiếp tục đồng hành với chúng tôi qua những trang sách này để có thể hiểu đam mê là gì ? Những hình thức đam mê; Đam mê và các bậc thang giá trị; Và những chứng nhân của đam mê.



tải về 0.85 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương