Dự thảo BÁo cáO



tải về 457.78 Kb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích457.78 Kb.
#29088
1   2   3   4   5

2. Khó khăn, tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như:



- Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với tần suất tấn công mạng và mức độ phức tạp ngày càng cao. Trong khi đó nhiều trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức trong nước thường xuyên tồn tại lỗ hổng an ninh mạng, mức độ bảo mật thấp. Nhiều hãng máy tính của nước ngoài cài phần mềm gián điệp vào trong các máy tính tạo ra các nguy cơ về an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

- Hệ thống báo chí nhiều về số lượng nhưng chất lượng nhiều tờ báo, tạp chí chưa đáp ứng được yêu cầu gây lãng phí nguồn lực của xã hội trong bối cảnh thông tin qua mạng internet rất nhanh và đa dạng về nội dung cũng như hình thức thể hiện. Cơ sở vật chất, chất lượng tin, bài ở các báo in và chương trình ở nhiều đài phát thanh, truyền hình địa phương, đặc biệt các đài khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nghèo nàn. Một số cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử xa rời tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, không tuân thủ kỷ luật thông tin khi đưa tin và thiếu nhạy cảm, chạy theo xu hướng thông tin giật gân, “câu khách”, gây hiệu ứng xấu cho xã hội. Có cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí và đạo đức hành nghề bị đình chỉ xuất bản hoặc thu hồi Thẻ Nhà báo.

- Ngành xuất bản, in, phát hành vẫn gặp nhiều khó khăn. Đa số nhà xuất bản đang trong tình trạng khó khăn trong khi vai trò, ảnh hưởng của tư nhân trong liên kết xuất bản ngày càng lớn. Hoạt động in lậu vẫn chưa giảm. Tình trạng chiết khấu giá sách bị đẩy lên cao vẫn phổ biến, tạo cơ hội cho sách giả, sách lậu có điều kiện phát triển. Thiếu cơ chế, chính sách về quản lý xuất bản phẩm điện tử.

- Tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn còn nhiều. Một số doanh nghiệp viễn thông cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động có thu cước nhưng vẫn không thông báo đầy đủ cho người tiêu dùng biết.

- Đa số các điểm kinh doanh, phục vụ bưu chính vẫn hoạt động thủ công, năng suất lao động thấp; sự tự động hoá, tin học hoá và tính chuyên nghiệp không cao. Ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo việc duy trì Điểm Bưu điện - Văn hóa xã gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, thu nhập cho nhân viên thấp, các loại hình dịch vụ được cung cấp không nhiều, sách báo hạn chế; do điều kiện địa hình phức tạp và tập trung dân cư ở mật độ thấp, bán kính Điểm Bưu điện - Văn hóa xã phục vụ bình quân và chỉ tiêu số dân phục vụ bình quân đạt mức thấp hơn bình quân cả nước.

- Quy mô phát triển của ngành công nghiệp CNTT nhỏ, khả năng cạnh tranh so với các nước còn yếu; đội ngũ nhân lực công nghiệp phần mềm còn thiếu; công nghiệp phần cứng, điện tử chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng đem lại không cao. Thói quen làm việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy vẫn còn phổ biến trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nhiều Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thiếu các giải pháp hiệu quả chống lại các cuộc tấn công mạng. Tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật CNTT (mạng, máy tính...), kinh phí phục vụ đầu tư, bảo trì vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ trong việc trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng tại các cơ quan nhà nước.

- Tiến độ xây dựng, triển khai một số chương trình, đề án còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch do Bộ ban hành còn phải điều chỉnh tiến độ xây dựng.

- Việc nắm số liệu các doanh nghiệp trong lĩnh vực TTTT vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, độ chính xác chưa cao. Công tác triển khai Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 10/3/2016 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở TTTT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh còn gặp khó khăn.

- Công tác theo dõi, tổng hợp việc quản lý nhà nước tại địa phương còn khó khăn do các địa phương gửi báo cáo về Bộ còn chậm và chưa đầy đủ; một số Sở TTTT chưa chủ động báo cáo công tác xử lý vi phạm, cũng như những bất cập trong quá trình cấp phép.

3. Nguyên nhân của các tồn tại, khó khăn

Các nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, khó khăn hiện nay có cả chủ quan, khách quan và cần phương hướng giải quyết trong Chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2016 và những năm tiếp theo. Có thể khái quát một số nội dung như sau:

- Hành lang pháp lý trong nhiều lĩnh vực của ngành TTTT chưa đầy đủ, nhất là trong các lĩnh vực mới, phát triển nhanh như thông tin điện tử, an toàn mạng internet, viễn thông,... Để đáp ứng thực tiễn phát triển ở các lĩnh vực TTTT, chỉ trong 6 tháng từ cuối năm 2015 đến nửa đầu năm 2016, Bộ đã xây dựng, tham mưu Quốc hội thông qua Luật An toàn thông tin mạng và Luật Báo chí (sửa đổi). Để 02 Luật này thực sự đi vào cuộc sống cần có thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn. Trong khoảng thời gian chờ các văn bản quản lý nhà nước được ban hành, một số cá nhân, tổ chức có thể khai thác việc chưa có các văn bản hướng dẫn Luật để thực hiện các hành vi “lách” luật.

- Thiếu các quy định hay văn bản ký kết với các nước liên quan về việc kiểm soát các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, blog cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam có máy chủ đặt tại các nước đó.

- Sự cạnh tranh về tốc độ đưa tin và chạy theo lợi nhuận của các cơ quan thông tấn, báo chí, trang thông tin điện tử khiến việc kiểm soát nội dung chương trình, bài viết trên mạng internet đôi khi còn chưa triệt để.

- Nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản còn chưa đúng mức ở nhiều cấp, ngành, thậm chí ngay ở cơ quan chủ quản của nhà xuất bản. Tình trạng in lậu chưa được hạn chế do các nhà xuất bản chưa kiểm soát được chất lượng, số lượng các cuốn sách liên kết với đơn vị bên ngoài; số lượng các cơ sở in tư nhân nhiều, quy mô nhỏ nên dễ có điều kiện thực hiện các hành vi in lậu.

- Dịch vụ liên lạc qua mạng internet là dịch vụ mới, hành lang pháp lý để quản lý còn thiếu không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông còn chạy theo lợi nhuận kinh tế nên chưa thật quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác; bên cạnh đó, mức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.

- Cùng với sự phát triển của CNTT, các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực CNTT, viễn thông sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị kỹ thuật hiện đại, tinh vi. Số lượng các dịch vụ nội dung, ứng dụng trên mạng viễn thông và internet phát triển nhanh. Một số lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp chưa quan tâm, chỉ đạo và gương mẫu trong việc ứng dụng các hệ thống thông tin điện tử để quản lý, điều hành tại cơ quan mình.

- Nguồn nhân lực và ngân sách hạn chế ảnh hưởng lớn đến việc triển khai công tác quản lý nhà nước, các chương trình, dự án, nhất là ở những đơn vị mới thành lập, một số địa phương và những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao như viễn thông, CNTT, an toàn thông tin mạng, thông tin điện tử.

Phần thứ hai

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016
I. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

Sáu tháng cuối năm 2016 có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2016 - năm mở đầu cho nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021. Bộ TTTT tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện Hiến pháp; Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực TTTT. Các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện Luật An toàn thông tin mạng và Luật Báo chí mới được Quốc hội thông qua; các đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các Chương trình, kế hoạch hành động Bộ đã ban hành. Hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; tiếp tục tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chỉ đạo tốt hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ. Tăng cường cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp giải quyết các vấn đề khó khăn, tồn tại trong 6 tháng đầu năm 2016 và tập trung triển khai thực hiện. Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về TTTT theo chức năng, nhiệm vụ được giao.



II. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Quán triệt, thực hiện Hiến pháp năm 2013; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; Quy chế làm việc của Chính phủ và sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

2. Tập trung, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về TTTT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và triển khai các đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng, đặc biệt là Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ.

4. Tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch.

5. Đẩy mạnh thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng. Kịp thời hỗ trợ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ứng phó trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng internet, giữ vững chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

6. Chỉ đạo phát triển thị trường viễn thông lành mạnh, bền vững; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Quản lý hiệu quả thuê bao di động trả trước và dịch vụ trên mạng internet di động.

7. Thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Triển khai hiệu quả công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử.

8. Chú trọng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý nhà nước, nhất là ở các lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

9. Tăng cường mở rộng các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương. Tổ chức và triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu, xây dựng phương án đàm phán các hiệp định trọng điểm, các thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực TTTT.

10. Hướng dẫn các Sở TTTT thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực TTTT; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ở địa phương.

11. Tiếp tục thực hiện công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực TTTT; thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TTTT phát triển mạnh mẽ và bền vững.



III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRÊN CÁC LĨNH VỰC

1. Về báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại

- Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn Luật Báo chí; Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; Quy chế quản lý hoạt động thông tin cơ sở; các thông tư hướng dẫn Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng;...

- Chỉ đạo và định hướng tốt công tác thông tin, tuyên truyền về việc triển khai các nghị quyết của Đại hội Đảng, Quốc hội; các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ; công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; công tác triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các hoạt động của Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; về quan hệ Việt Nam - ASEAN và năm APEC 2017. Thông tin đầy đủ về các vấn đề được dư luận quan tâm, nhất là về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, việc chống hạn, xâm nhập mặn, sâu bệnh, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, công tác tuyển sinh,...

- Đẩy mạnh triển khai Luật Báo chí, Quy hoạch phát triển và quản lý Báo chí toàn quốc đến năm 2025 và tiếp tục thực hiện cấp, đổi thẻ Nhà báo giai đoạn 2016-2020.

- Tập trung chỉ đạo quản lý thông tin trên internet, nhất là thông tin trên các blog, mạng xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc cung cấp thông tin sai sự thật và các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, thông tin điện tử.

- Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020. Tập huấn và bồi dưỡng kiến thức về thông tin đối ngoại, về kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

- Tiếp tục thực hiện các chương trình trong đề án tuyên truyền về biển, đảo; xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai hiệu quả các đề án tuyên truyền được Chính phủ giao.

2. Về xuất bản, in và phát hành

- Đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản phẩm điện tử nói riêng. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản, Nghị định sửa đổi Nghị định số 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in. Hoàn thiện Chương trình Sách Quốc gia giai đoạn 2016-2020, Đề án khôi phục, duy trì và phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm cấp huyện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Đề án quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn 2016-2020;...

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chỉ đạo các nhà xuất bản kiểm soát chặt chẽ nội dung các xuất bản phẩm.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật có liên quan; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.

- Đẩy mạnh kiểm tra, thu hồi và xử lý xuất bản phẩm có nội dung vi phạm Luật Xuất bản và các quy định về hoạt động xuất bản, in, phát hành.

3. Về bưu chính

- Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, nhà nước; Thông tư hướng dẫn và thực hiện Quyết định số 45/2015/QĐ-TTg về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

- Tập trung triển khai Thông tư quy định mức giá cước tối đa đối với dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng, điều tra thống kê dịch vụ bưu chính công ích năm 2016 tại các tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo chất lượng theo đúng quy chuẩn quốc gia.

- Thực hiện hiệu quả dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam ở các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã và thư viện công cộng. Tham dự Đại hội UPU lần thứ 26 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

4. Về viễn thông, internet và tần số vô tuyến điện

- Tập trung hoàn thiện chính sách quản lý thuê bao di động trả trước; xây dựng chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc qua mạng internet. Xây dựng và hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;...

- Chỉ đạo đảm bảo mạng lưới viễn thông hoạt động ổn định; thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Phối hợp với Liên minh viễn thông Châu Á – Thái Bình Dương (APT) tổ chức Hội nghị lần thứ 4 về tiêu chuẩn hóa viễn thông thế giới.

- Tăng cường triển khai các Chỉ thị: Số 82/CT-BTTTT ngày 24/12/2014 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng; S04/CT-BTTTT ngày 15/01/2016 về tăng cường quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định mặt đất và S11/CT-BTTTT ngày 18/3/2016 về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM di động sai quy định. Đẩy mạnh quản lý cạnh tranh, khuyến mại, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống kỹ thuật, dịch vụ internet; quản lý chặt chẽ địa chỉ IP/ASN quốc gia; hoàn thiện danh sách tên miền cần giữ chỗ, bảo vệ của các tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT. Tăng cường phát triển IPv6.

- Tập trung hoàn thành giai đoạn 1 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 tại 5 thành phố lớn và triển khai giai đoạn 2 của Đề án. Chuẩn bị tổ chức đấu giá băng tần 2.6 GHz. Sửa đổi, hoàn thiện Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia theo kết quả của Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-2015. Đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý các vụ vi phạm và can nhiễu về tần số. Tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về tần số và phối hợp tần số với các nước trong khu vực. Tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước về tần số tại địa phương.



5. Về công nghệ thông tin

- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật An toàn thông tin mạng theo chỉ đạo của Chính phủ như: Nghị định quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia.

- Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT. Ban hành Báo cáo Vietnam ICT Index 2016. Tập trung thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ TTTT thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước; Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam; Nghị định 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 quy định về khu CNTT tập trung.

- Đôn đốc, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương theo Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Tập trung thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; thẩm định và hướng dẫn xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Đánh giá, xếp hạng mức độ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước. Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thông điệp dữ liệu công dân trao đổi giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương.

- Triển khai Quyết định số 898/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020. Hoàn thiện kế hoạch về bảo đảm an ninh, trật tự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các hoạt động của năm APEC Việt Nam 2017. Chú trọng triển khai Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 và Đề án Tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020. Tiếp tục theo dõi, cảnh báo, hỗ trợ ứng cứu xử lý sự cố cho các cơ quan của Chính phủ, bộ, ban, ngành và địa phương.

- Thực hiện các nhiệm vụ của thành viên Thường trực Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT. Đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn CNTT và an toàn thông tin. Tiếp tục triển khai điều phối Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.



6. Các công tác khác

- Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 22/3/2016 của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng​.

- Hoàn thành Chương trình công tác trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016 và xây dựng Chương trình công tác năm 2017; ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ năm 2017.

- Nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TTTT giai đoạn 2016-2021; Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ TTTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực TTTT năm 2017; ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành TTTT. Hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016 và Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội cùng các văn bản liên quan đến quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, viễn thông; xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về báo chí; in lậu, phát hành xuất bản phẩm lậu; phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng không phép.

- Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tích cực chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế, hợp tác đa phương, song phương. Tăng cường thông tin đối ngoại và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền về ASEAN.

- Thực hiện hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý đơn vị sự nghiệp; tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là công tác cổ phần hóa Tổng công ty Viễn thông MobiFone; đôn đốc, giám sát, hỗ trợ kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp; xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.

- Thực hiện tốt Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2016. Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Hướng dẫn các Sở TTTT triển khai Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 10/3/2016 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở TTTT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

- Tổ chức xây dựng và bảo vệ kế hoạch khoa học, công nghệ nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2017 với các bộ, ngành liên quan. Triển khai hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, thành tích đề nghị khen thưởng cho tập thể và cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

- Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành TTTT 28/8 ở Trung ương và các địa phương.


Каталог: Upload -> TinTuc -> Chuyen muc Tieng Viet
Chuyen muc Tieng Viet -> Nghiên cứu xây dựng phần mềm giám sát, quản lý chất lượng tổng thể hệ thống mạng truyền hình cáp hfc
Chuyen muc Tieng Viet -> Ghiên cứu ảnh hưởng điện từ trường giữa các hệ thống điện gió đối với các trạm thông tin vô tuyến điện và radar quân sự, hàng không
TinTuc -> TẠi việt nam
Chuyen muc Tieng Viet -> Nghiên cứu các cam kết về thông tin và truyền thông trong một số Hiệp định thương mại tự do song phương của Việt Nam và đề xuất các nội dung, biện pháp cần thiết để thực thi
TinTuc -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học kinh tế tp. Hcm
TinTuc -> BỆnh việN ĐẠi học y dưỢC

tải về 457.78 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương