Chú Giải Kinh Kim Cang Và Chánh Pháp Chưa Từng Có ht. Huyền VI



tải về 1.4 Mb.
trang23/30
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích1.4 Mb.
#5475
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   30

QUYỂN THỨ III


Ngài Đại Sư Pháp Thiên, người Tây Thiên Trúc, hiểu thông ba tạng kinh điển, vâng chiếu chỉ nhà Vua dịch.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni lại bảo ngài Xá Lợi Phất rằng:

- Ông nay phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thật hành các hạnh Bồ Tát, không nên đắm trước theo quả Thanh Văn. Vì sao? Nầy Xá Lợi Phất, tất cả chúng sanh ở trong sự luân hồi95 không sanh lòng sợ hãi, không do dự giải thoát. Thế nên các Bồ Tát khởi lòng đại tinh tiến, ở trong nẻo luân hồi, tìm đủ cách hóa độ, khiến chúng sanh sợ khổ sanh tử, vượt ra ba cõi96. Ông, nếu chỉ thích quả Thanh Văn, không thể nào khởi tâm đại bồ đề97, cứu độ tất cả chúng sanh. Thế nên, tất cả chúng sinh, nếu được gặp gỡ vị có Bồ Tát tâm, khuyên họ phải khởi sự tinh tiến, liền đặng giải thoát sanh tử, cũng thường phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Xá Lợi Tử! Thuở đời quá khứ có Đức Phật ra đời hiệu là Cụ Túc Công Đức Như Lai, đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Trong pháp hội của Đức Phật nầy có chúng Thanh Văn hàng trăm câu đê98, có tám nghìn chúng Bồ Tát. Đức Phật kia sống lâu 10 muôn tuổi. Có hai vị Thanh Văn là bậc Thượng Thủ. Một vị gọi là Xuất Hiện, trí tuệ đệ nhất. Vị thứ hai gọi là Tấn Tật, thần thông đệ nhất. Lúc ấy, Cụ Túc Công Đức Như Lai, đến giờ thụ trai, đắp y, mang bát, cùng các đại chúng, thứ tự đi vào một góc thành vua. Thành kia gọi là Diệu Âm, tuần tự khất thực. Khi Đức Phật vào thành, vị Thanh Văn Trí Tuệ, đứng ở bên phải Đức Phật, vị Thanh Văn thần thông đệ nhất đứng ở bên trái của Đức Phật, còn các chúng Thanh Văn khác đều theo sau Phật, các chúng Bồ Tát tiến tới phía trước. Lại nữa, có các Đại Phạm Thiên Vương, Đế Thích, Thiên Chúa, hộ thế tứ thiên vương, vá các thiên chúng. Họ đi nhiễu đức Thế Tôn, vào trong thành vua kia.

Lúc ấy, trong thành có 3 vị đồng tử, dùng các đồ trang nghiêm đứng ở bên đường kia, cùng nhau tỏ vẻ phấn khởi. Ba vị đồng tử ấy, xa xa nhìn thấy đức Thế Tôn, tướng tốt đoan nghiêm, oai đức vô lượng, yến sáng chiếu soi cũng như Kim Sơn, nghi dung đỉnh đạc như Đại Long Vương99, thấy rồi tâm sanh hoan hỷ, cung kính tôn trọng. Vị đồng tử thứ nhất nói:

- Các ông có thấy Đức Phật Thế Tôn không? Đối với các chúng sanh là bậc tối tôn, tối thượng, phước đức không cùng tận; trên trời cùng nhơn gian, thảy đều tôn kính. Thế nên, chúng ta phải đồng cúng dường, quyết đặng phước báo lớn, cùng nhau bàn luận rồi, vị đồng tử thứ nhất nói bài kệ rằng:

Đức Phật nầy, tối tôn đại chúng,

Trên trời, nhơn gian nên cúng dường,

Chúng ta nên dâng đồ cung dưỡng,

Đặng phước báo lớn, nhưng không mất.

Vị đồng tử khác nói tiếp bài kệ:

Ta không dâng cúng dường hương hoa,

Cũng không phải các thứ quý khác,

Duy nhất toàn dùng thân mạng nầy,

Nên xả cùng dường Phật, Thế Tôn

Lúc ấy, vị đồng tử trước liền cổi các anh lạc100 trân châu trị giá đến trăm nghìn lượng vàng, hướng về hai vị đồng tử kia nói:

Tôi nay đem các thứ quý nầy,

Cúng Phật Như Lai, đại trí tôn,

Nguyện tôi trình bày cúng dường rồi,

Sẽ đặng Vô Thượng, đại phước tụ.

Lúc bấy giờ hai đồng tử khác thấy đồng tử nầy, hiến cúng của báu rồi, mỗi vị cũng cổi chuỗi anh lạc đang mang trong người, hướng về đồng tử nói bài kệ rằng:

Tôi dùng anh lạc để cúng dường,

Tất cả tối thắng chánh giác tôn,

Phát tâm thành nầy cúng dường rồi,

Thệ nguyện cầu nơi chánh pháp Phật.

Khi đó, một đồng tử trước thấy hai người nầy, cũng hiến anh lạc, mà bảo đó rằng:

- Các vị đã làm phước lợi vô lượng, đối với Phật Pháp muốn cầu quả báo gì?

Vị đồng tử thứ hai nói:

- Tôi muốn tương lai sẽ được làm đệ tử hầu bên mặt đức Thế Tôn, và sẽ đặng trí tuệ thứ nhất.

Vị đồng tử thứ ba nói:

- Tôi nguyện tương lai sẽ được làm đệ tử Phật, hầu bên trái ngài và được thần thông thứ nhất.

Hai đồng tử mỗi vị nói sở nguyện của mình xong, lại hỏi đồng tử thứ nhất rằng:

- Ông khéo khai đạo, vì tôi làm bạn lành, ông hiến cúng dường để cầu việc gì?

Đáp rằng:

- Sở nguyện của tôi sẽ cầu được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đủ tất cả trí, phóng quang chiếu sáng, khiến tất cả chúng sinh, ai thấy cũng đều phát tâm bồ đề. Như sư tử chúa, các loài thú đều vây quanh. Như Đức Phật ngày nay, bình đẳng không sai khác.

Đức Phật bảo:

- Xá Lợi Tử! ba vị đồng tử kia, như vậy, mỗi vị khi phát nguyện thì ở giữa hư không có 8.000 thiên tử, đồng thanh khen ngợi: Lành thay! Quý hóa thay! Các ông khéo nói lời ấy, hy vọng kết quả thù thắng quyết định không nghi! Ba vị đồng tử kia, mỗi người mang chuỗi anh lạc, đến trước chỗ Phật.Khi đó, Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Tử! Cụ Túc Công Đức Như Lai thấy ba vị đồng tử cầm chuỗi anh lạc đem đến chỗ Phật, liền bảo Hải Huệ Bí Sô101 rằng:

- Bí Sô! Sư thấy ba vị đồng tử nầy không?

Hải Huệ bạch Phật rằng:

- Vâng! Con đã thấy.

Đức Phật nói:

- Bí Sô! Đồng tử thứ nhất tâm ý mong cầu, cùng với hai đồng tử khác chẳng đồng, dở chân, động bước tự tại đặc tôn, như vị Chuyển Luân Thánh Vương102 giả sử có trăm nghìn Phạm Thiên, Đế Thích cũng không bì kịp. Nay đến chỗ Phật, khai phát đạo tâm, mong muốn chứng đến Vô Thượng Bồ Đề.

Ba vị đồng tử ấy đến chỗ Phật rồi, mỗi vị đầu mặt lạy dưới chân Đức Phật, dâng chuỗi anh lạc lên đức Thế Tôn, Phật đã thọ rồi, vị phát tâm Thinh Văn, đã hiến chuỗi anh lạc ở trước Đức Phật kia đã phát tâm bồ đề, đã dâng chuỗi anh lạc lên Đức Phật, trụ giữa hư không biến thành bốn trụ đài báu, bốn phía nghiêm túc; trên đó có các Đức Phật ngồi kiết già103, hiện các tướng tốt trang nghiêm, thù thắng vô lượng. Lúc ấy Cụ Túc Công Đức Như Lai liền nhập đại định, khắp quán sát tướng biến hóa của chư Phật Như Lai, từ trên diện môn phóng ra nhiều tia sắc sáng. Ấy là các sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, biếc, lục, yến sáng khắp soi, vô biên thế giới trên đến trời Phạm Thiên, sang chói lấn át yến sáng của mặt trời mặt trăng, khó mà hiện bày. Ánh sáng kia chiếu rồi, nhiễu bên hữu ba vòng, trở lại nhập vào đảnh môn của đức Thế Tôn. Lúc ấy, Hải Huệ Bí Sô, đến trước bạch Phật rằng:

- Thế Tôn! Có nhân duyên gì mà phóng hào quang nầy. Cúi mong Đức Thế Tôn, chỉ dạy cho chúng con biết.

Đức Phật bảo Bí Sô rằng:

- Ông thấy hai vị đồng tử nầy đã dâng chuỗi anh lạc, ở trước Phật có trụ không?

Bí Sô bạch Phật rằng: Vâng, con đã thấy.

Đức Phật nói:

- Bí Sô! Hai vị đồng tử nầy vì cầu quả Thanh Văn, ưa muốn chứng đến niết bàn tự lợi, không thể phát khởi tâm đại bồ đề; Bí Sô! Ông lưu ý vị đồng tử trước, đã dâng chuỗi anh lạc lên trên Đức Phật, ở giữa hư không, làm các việc biến hóa. Vị nầy vì muốn chứng đến Vô Thượng Bồ Đế, lợi ích cho tất cả chúng sinh. Hai vị đồng tử kia chỉ ưa trí huệ thần thông, không thể khắp vì lợi lạc, thế nên chỗ dâng đồ cúng dường cũng không có tướng thù thắng. Phải biết người phát tâm đại bồ đề, ra làm việc phước cũng không thể lường. Ông nay phải nên bỏ tâm Thanh Văn, phải cầu chứng đặng Vô Thượng Chánh Dẳng Chánh Giác, Đức Phật bảo;

- Xá Lợi Tử! Khi xưa đồng tử phát tâm đại thừa, đâu phải ai xa lạ, mà chính thân ta ngày hôm nay; người mà ưa trí tuệ, tức là thân ông. Vị ưa thần thông tức là Ngài Mục Kiền Liên đó. Các ông hàng Thanh Văn tuy khỏi sự luân hồi, chỉ ưa thích niết bàn, trọn không làm lợi ích quần sinh. Tâm bình đẳng của chư Phật đồng như hư không, không cùng không tận. Phước tu vô lượng, công đức vô lượng vượt hơn cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác, Xá Lợi Tử! Các vị chóng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lúc bấy giờ các ngài Xá Lợi Tử, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, A Nâu Lâu Đà, Ưu Bà Ly, Phú Lâu Na, Tu Bồ Đề…v.v…các vị đại Thanh Văn, khác miệng đồng tiếng bạch rằng:

- Quý hóa thay! Đức Thế Tôn, khéo hay khai đạo kiến chúng con phát khởi tâm đại Bồ Đề. Bạch Thế Tôn! Phải biết các thiện nam tử và thiện nữ nhơn, những ai đã trồng các căn lành, tìm cầu giải thoát, nên phát tâm rộng lớn và thật hành hạnh nguyện rộng lớn, các người ấy sẽ thấy được trăm nghìn các Đức Phật, được nghe chánh pháp. Bạch Thế Tôn! Chúng con từ xưa đến nay trí tuệ hẹp hòi, không dám mong cầu trí vô biên của Phật, nhưng nay tự lòng khắc trách, nên phát tâm rộng lớn. Ví như có người tạo những nghiệp bất thiện rồi, nếu không ăn năn đổi ác theo lành, thì không do đâu khỏi các khỗ não. Chúng con hàng Thanh Văn, chỉ cầu tự lợi, nếu kh6ong bỏ tâm hạ liệt, cầu trí tuệ Phật, trọn không khỏi cảnh vô dư Niết Bàn. Lại nữa cũng như người gần đến lúc mạng chung tâm thức hôn loạn, đối với thân bằng quyến thuộc không thể nào đoái hoài! Chúng con nếu cầu niết bàn tự lợi, đối với các chúng sanh, không tâm hóa độ, cũng lại như thế. Thế Tôn phải biết, tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng như quả đất lớn, tất cả chúng sinh trong thế gian đều nương theo đất mà trụ, nhờ nơi đất mà sinh sống. Tất cả căn lành đều y nơi tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà đặng sinh trưởng cũng lại như vậy.

Lúc bấy giờ trong pháp hội có một muôn người, nghe Đức Phật nói nhân duyên bổn sự104 , và nghe Xá Lợi Tử nói lời ấy rồi đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lúc bấy giờ Vua nước Ma Già Đà105 , phục sức nghiêm chỉnh, đích thân đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ dưới chân Đức Phật, đi nhiễu ba vòng, rồi ngồi một bên. Khi ấy, đức Vua hướng về Đức Phật chấp tay, một lòng tôn kính bạch Phật rằng:

- Thưa Thế Tôn! Tất cả chúng sinh, nhân tạo nghiệp gì? Nhân duyên tạo nghiệp do đâu mà trụ?

Đức Phật trả lời:

- Đại Vương! Tất cả mạng sống lâu của chúng sinh cho đến bổ đặc già la106 đều y ngã thân kiến107 mà trụ, điên đảo phân biệt, vì do phân biệt, nên khởi hoặc tạo nghiệp, do tạo nghiệp, nên không được giải thoát.

Vua lại hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Ngã thân kiến lấy gì làm căn bản?

Đức Phật dạy

- Vô minh làm căn bản

Lại thưa:

- Cái vô minh đó ai, làm căn bản?

Đức Phật đáp:

- Tác ý không như lý làm căn bản

Lại hỏi:

- Tác ý không như lý lại lấy cái gì làm căn bản?

Đức Phật đáp:

- Tâm bất bình đẳng làm căn bản

Lại thưa:

- Thế nào gọi là tâm bất bình đẳng?

Đức Phật dạy:

- Tử vô thỉ đến nay, biết không như thật, gọi đó là tâm bất bình đẳng.

Lại thưa:

- Thế nào gọi là biết không như thật?

Đức Phật dạy:

- Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, ở trong cái không mà chấp là có. Ấy gọi là biết không như thật.

Lại hỏi:

- Thế nào gọi là ở trong cái không mà chấp là có?

Đức Phật đáp:

- Các pháp phân biệt không sanh, không thật, chấp cho là có thật.

Lại thưa:

- Nếu các pháp không sanh nay làm sao nói được?

Đức Phật đáp:

- Đại Vương! Thân ta còn không, pháp không chỗ nói

Lại hỏi đức Thế Tôn:

- Thân nếu không có, làm sao tạo tác, thế nào an trụ?

Đức Phật đáp;

- Đại Vương! Mặc dù có chỗ tạo tác, cũng không nên chấp trước.

Lại hỏi:

- Tức không chấp trước việc ấy thì làm sao mà nói ra?

Đức Phật nói:

- Không chấp trước sự vật, như thật mà nói, ấy là lời Thánh.

Lại hỏi:

- Thế nào gọi là nói lời như thật? Lại làm sao mà cho là lời Thánh?

Đức Phật gọi:

Đại Vương! Đối với tất cả sự vật lìa trần cảnh, xa cố chấp, đó là lời chân thật, đó cũng gọi là nói như thật. Người nói như thật, là lời nói của bậc Thánh. Bậc Thánh đã nói, gọi là khéo biết các pháp, vốn không chỗ sanh, phải như thế mà trụ, theo như thế mà học.

Lúc bấy giờ, Vua nước Ma Già Đà, nghe Phật nói chánh pháp, tâm sanh hoan hỷ, rồi bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, thật là hy hữu, khéo nói pháp nầy, thật chưa từng có. Như Đức Phật Thế Tôn, dùng trí vô lậu108 , khắp vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh, nên nói pháp chân thật. Tất cả chúng sanh tội nghiệp đã ràng buộc, nhưng không thể nghe pháp lãnh thọ, tu hành. Con cũng như thế, Thế Tôn nên nghĩ, con từ xưa đến nay, không gặp bạn lành, đem tâm bất thiện, con cũng rộng tạo các nghiệp bất thiện. Thế nên không thể nào gần gũi đức Thế Tôn để nghe Chánh Pháp. Con ở trong thâm cung chỉ ưa hý ạc, ăn uống, yến tiệc, suốt ngày lẫn đêm, không bao giờ nhàm bỏ. Thế nên, con không thể đến chỗ Phật, nghe học chánh pháp. Bạch Thế Tôn! Con nay ăn năn tự trách, trước kia đã tạo các nghiệp dữ sâu sắc, ở trong ngày đêm, chưa bao giờ an vui, như người bị tội, thường sanh tâm sợ hãi. Đức Thế Tôn Đại Từ , là đấng cha chung của chúng sanh. Người không chỗ nương tựa, vì họ làm nơi nương tựa, ai không nhẫn nhãn mục vì họ làm người dẫn đường. Các chúng sanh bị khổ não, vì họ làm an lạc. Những người đi sai đường, vì họ chỉ con đường chính. Các người nghèo thiếu, vì họ thí cho của báu, tâm Phật bình đẳng, không bao giờ mỏi mệt, khắp hay lợi lạc, không phân biệt kẻ oán người thân. Bạch Thế Tôn! Cuối mong Ngài thương xót cứu độ chúng con. Con suy nghĩ trước đây đã tạo tội, luôn ôm lòng sợ hãi, cũng như kẻ rơi xuống hầm sâu, chỉ hy vọng cứu vớt. Con lo sợ rơi trong đường ác. Xin Thế Tôn cứu hộ, dứt hết các tội cấu kia hiểu rõ chánh pháp.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết Vua nước Ma Già Đà, ăn năn vì đã tạo ác nghiệp muôn đời, ưa thích giáp pháp đại thừa thậm thâm, mà tự suy nghĩ: Diệu Kiết Tường Bồ Tát trí tuệ biện tài, hay vì chúng sinh diễn thuyết. Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Tử, nhờ oai lực của Phật, biết được tâm niệm của Phật, liền bảo Vua nước Ma Già Đà rằng:

- Đại Vương nên biết, Bồ Tát Diệu Kiết Tường biện tài vô lượng, trí tuệ vô biên, khéo nói pháp yếu, quyết hay vị Vua tuyên nói chánh pháp, khiến Vua khai giải, thu hoạch đại an lạc, nên vào cung Vua thỉnh cầu, ăn cơm cúng dường, lợi ích vô lượng. Lại nữa khiến tất cả nhân dân trong thành Vương Xá, chiêm lễ, khen ngợi, thấy nghe tùy hỷ, trồng các căn lành, thu hoạch phước đức thù thắng.

Lúc ấy Vua nước Ma Già Đà, như tôn giả nói, liền đến trước bạch với Bồ Tát Diệu Kiết Tường:

- Vì lòng đại từ của Bồ Tát thương xót chúng tôi, quá bước vào cung ăn cơm cúng dường, giờ đây cúi mong, thương xót lời cầu thỉnh của chúng tôi.

Lúc ấy Diệu Kiết Tường Bồ Tát bảo Vua kia rằng:

- Tôi nhận lời thỉnh cầu của Đại Vương và sẽ làm Đại Vương như nguyện. Vua phát tâm thù thắng, tôi đã nạp thọ đồ cúng dường, ưa muốn nghe pháp, tôi sẽ vì Vua tuyên nói: Đại Vương! Nên đối với tất cả pháp, không nên chấp trước, tôi sẽ vì Vua thuyết Pháp; đối với tất cả pháp, không có vọng tưởng nghi lầm, tôi vì Vua thuyết pháp; đối với tất cả pháp, không có chấp trước ba đời, tôi sẽ vì Vua thuyết pháp; đối với tất cả pháp không dùng Niết Bàn của Thinh Văn, Duyên Giác làm tướng tịch diệt, tôi sẽ vì Vua thuyết pháp.

Vua bạch với Diệu Kiết Tường rằng:

- Lành thay! Rất ít có! Cúi mong Bồ Tát thương xót chúng con, cùng các đại chúng, đồng thọ cúng dường.

Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói;

- Đại Vương! Và để lời nói ấy, như Vua dùng đồ uống ăn, y phục cúng dường đại chúng, vì thương xót mà làm đồ cúng dường, đây cũng chẳng vì lợi, không vì phước . Luận vì sự cúng dường, đối với pháp phải khởi tâm ly hữu: không tạo tác, không ngã kiến, không chúng sinh, không thọ giả, không các tưởng bổ đặc già la; không trước tự tướng, không chấp trước tha tướng. Ấy là cúng dường. Phải quán sát các pháp không có thủ, không uẩn, xứ giới, không trong không ngoài, không chấp ba cõi, mà cũng không thể lìa ba cõi; cũng không thiện mà cũng chẵng ác, không ưa muốn, chẳng nhàm bỏ, không phải thế gian cũng không phải xuất thế gian, chẳng phải hữu lậu, không phải vô lậu, chẳng phải hữu vi, không phải vô vi, chẳng phải có phiền não, chẳng phải lìa phiền não, không phải luân hồi, mà cũng không phải tịch diệt. Được như thế đó, mới là chơn cúng dường. Vua lại bạch với Diệu Kiết Tường rằng:

- Bồ Tát thương xót, lợi lạc cho chúng con, xin nguyện lãnh thọ cúng dường.

Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói:

- Đại Vương sẽ không cầu lợi lạc, không chỗ nào thương xót. Tâm ấy "không sở trước"109 , không động, không chuyển, không khen, không chê, không lấy, không bỏ, không cầu lợi lạc, không chỗ thương xót, mỗi pháp bình đẳng, mà không sở đắc. Ấy gọi là thọ cúng. Đại Vương! Được như thế đó, gọi là chơn lợi lạc!

Vua bạch với Diệu Kiết Tường rằng:

- Pháp vốn vô tướng, mà cũng không động tác, con hiến cúng dường, cũng phải như thế.

Diệu Kiết Tường nói:

- Tánh không vô tướng, cũng không động tác. Người cầu pháp phải là không tưởng, không nguyện, không hành động, không tạo tác, mà cũng không vô tác. Vì cớ sao? Đại Vương! Tự tính các pháp vốn không chỗ động, cũng không có tạo tác. Tự tánh chúng sanh vốn không, ba nghiệp không chỗ động tác. Đại Vương phải quán sát tất cả hành nghiệp thảy đều vô tác, vì rõ biết tất cả pháp tự tánh vốn không.

Vua nói:

- Các hành nghiệp tạo tác, tại sao gọi nó là không?

Diệu Kiết Tường đáp;

- Đại Vương! Như pháp quá khứ đã diệt, pháp vị lại chưa đến, hiện tại không chỗ sinh, các hạnh hữu vi, cũng lại như thế. Do đó không trụ trước ba đời, vì đều là vô thường. Pháp không tăng cũng không giảm. Đại Vương! Đối với các hạnh, phải rõ biết như thế.

Vua nói:

- Thánh đạo cùng phiền não hai pháp có bình đẳng không?

Diệu Kiết Tường đáp:

- Hai pháp nầy bình đẳng, cũng không tăng giảm. Đại Vương! Yến sáng mặt trời khi mọc ra cùng với bóng tối có hiệp được không?

Vua tra lời:

- Không thể được. Khi yến sáng mặt trời mọc, các bóng tối đều dẹp hết.

Diệu Kiết Tường nói:

- Khi yến sáng mặt trời mọc ra, rồi các bóng tối kia, trở về chỗ nào?

Vua nói:

- Vậy bóng tối kia không có chỗ trụ?

Diệu Kiết Tường nói:

- Phiền não cùng thánh đạo cũng lại như thế. Hai cái nầy không đợi nhau, cũng không tăng không giảm, không trụ mà đều trụ. Đại Vương! Phiền não bình đẳng thì thánh đạo cũng bình đẳng. Hai cái nầy bình đẳng cho nên các pháp đều bình đẳng. Đại Vương nên biết! Phiền não tánh không cũng không chỗ trụ, vì phiền não nên đặng thánh đạo, vì đặng thánh đạo nên không bị phiền não trở lại. Thế nên hai đặc tính nầy, không tăng, không giảm cũng không sai khác.

Vua hỏi:

- Phiền não cùng thánh đạo từ đâu phát sanh?

Diệu Kiết Tường đáp:

- Từ tâm sinh ra, tâm nếu không sinh, phiền não không lại sanh; phiền não không sanh, thánh đạo không sanh. Thế nên, phải biết phiền não phải quán sát như thế. Thánh đạo cũng phải quán sát như thế, quán như thế rồi, thì tâm "vô sở đắc'110

Vua nói:

- Pháp thánh đạo trở về niết bàn phải không?

Diệu Kiết Tường nói:

- Không phải thế! Các pháp không khứ lai, niết bàn cũng như thế.

Vua nói:

- Thánh đạo phải trụ như thế nào?

Diệu Kiết Tường đáp:

- Thánh đạo phải trụ "như như"

Vua hỏi:

- Được Thánh đạo không phải chộ trụ Giới, Định, Huệ sao?

Diệu Kiết Tường đáp:

- Các pháp không hành, không tường lìa các hý luận. Nếu có giới, định, huệ tức là hý luận; có hành, có tướng, không nên trụ như thế. Người trụ như thế, chẳng phải trụ, chẳng phải không trụ, thánh đạo cũng như thế.

Vua nói:

- Có thiện nam cùng thiện nữ thật hành hạnh bồ đề, có đặng thánh đạo không?

Bồ Tát nói:

- Người thật hành bồ đề, không có một chút pháp nào có thể đặng. Con đường bồ đề không khổ, không vui, phi ngã, phi vô ngã, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, không tịnh, không uế, không nhàm chán luân hồi, cũng chẳng ưa chứng niết bàn. Thế nên tất cả pháp đều không thể đặng. Pháp thánh đạo cũng không thể đặng.

Vua lại bạch với Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:

- Quý hóa thay! Đại sĩ, thật là ít có, khéo nói pháp yếu, tôi đều tin hiểu. Song, lòng thành của tôi kính biện cúng dường, sẽ mang đồ ăn đồ uống, cúng dường các đại chúng. Bồ Tát hôm nay được thỉnh bởi tôi!

Diệu Kiết Tường nói:

- Ăn 'vô sở tác'111 thí 'không sở thọ'112, người thí kẻ thọ, không hai không khác. Vua đã thành tâm, sẽ lãnh thọ đồ cúng dường của Đại Vương.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Diệu Kiết Tường rằng:

- Nay chính là thời gian, nhận lời thỉnh của Vua, sẽ vì nhiều người làm lợi ích lớn.

Bồ Tát Diệu Kiết Tường bạch trước Phật rằng:

- Con nay vâng thánh chỉ của Phật đã thọ lời Vua thỉnh, sẽ cùng đại chúng đồng thọ cúng dường.

Lúc ấy, Vua nước Ma Già Đà biết Bồ Tát Diệu Kiết Tường đã nhận lời thỉnh, tâm sanh hoan hỷ, đặng đại an ẩn, kính lễ đức Thế Tôn và Bồ Tát Diệu Kiết Tường và các đại chúng. Sau đó đến chỗ tôn giả Xá Lợi Phất hỏi tôn giả rằng:

- Bồ Tát Diệu Kiết Tường gần đến thọ lãnh cúng dường của tôi. Vậy Bồ Tát đồng đến số ấy bao nhiêu?

Xá Lợi Phất đáp:

- Sẽ có 500 chúng đại Bồ Tát đồng đến phó hội nhà Vua. Khi đó, Vua nước Ma Già Đà, trước trở lại hoàng cung, trang hoàng chánh điện rộng lớn, sắc lịnh các cấp sứ giả đều giữ thân tâm tinh khiết, thiết đủ các đồ thượng vị ăn uống, la liệt các đồ tràng phan bảo cái thượng diệu, rải các hoa nhiệm mầu, đốt các hương thơm ngát, trân châu anh lạc hết sức hoa lệ, trang hoàng 500 tòa ngồi, lại ở trong thành Vua, ra lện sửa sanh đường sá, rải hoa đốt hương, không có các trần cấu, đường lộ huy hoàng. Lúc ấy nhân dân trong thành nghe tin Bồ Tát Diệu Kiết Tường đến trong cung Vua, thọ lãnh đồ cúng dường của nhà Vua. Dân chúng đều sinh tâm hoan hỷ và khát ngưỡng, mỗi người cầm hương hoa đứng chờ hai bên đường để cung nghinh Bồ Tát.

Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường, ở trong buổi tối, khởi tâm suy nghĩ: Ngày mai, do lời mời của nhà Vua, minh sẽ đến phó hội, các vị Bồ Tát đồng với tôi đến đó rất ít. Nay phải đến cõi nước của chư Phật để thỉnh các chúng Bồ Tát đồng đến cung Vua, trang nghiêm thắng hội. Nếu tôi vì Vua thuyết pháp, các Bồ Tát kia sẽ làm chứng minh sư. Nghĩ thế rồi, liễn ở nơi bản xứ, ẩn thân không hiện, trải qua trong giây phút, qua phương đông cách xa tám muôn cõi Phật, có một thế giới, tên là Thường Thanh. Đức Phật cõi ấy, hiệu là Kiết Tường Thanh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện tại thuyết pháp, vì các Bồ Tát, nói pháp đại thừa. Các Bồ Tát kia đều là bậc Thoái Chuyển113 . Trong cõi nước Đức Phật kia có bảy loại cây quý báu, cấy ấy có nhiều hoa quả. Nhánh là của cây ấy thường phát ra tiếng nói nhiệm mầu khen ngợi tiếng giong của chư Phật khen ngợi tiếng pháp ra chánh pháp và khen ngợi tiếng nói của Bồ Tát bậc Bất Thoái Chuyển. Ấy gọi là thế giới Thường Thanh. Bồ Tát Diệu Kiết Tường đã đến kia rồi, đến trước Kiết Tường Thanh Như Lai, đầu mặt lạy dưới chân Phật rồi bạch Phật rằng:

- Con từ thế giới Ta Bà đến đây, vì nhận lời thỉnh của quốc vương Ma Già Đà tại cung Vua để thọ lãnh cùng dường trai phạn, vì chúng Bồ Tát quá ít, nên đến thỉnh các Đại Bồ Tát thượng sĩ, cùng con đồng đến cung Vua, thọ lãnh đồ cúng dường kia, khiến tất cả chúng sinh đều được phước lớn, cúi mong Thế Tôn sắc chỉ cho các Bồ Tát, nhận lời con thỉnh cầu.

Khi ấy Kiết Tường Thanh Như Lai liền bảo tám muôn đại Bồ Tát rằng:

- Thiện nam tử! Nay Bồ Tát Diệu Kiết Tường đến thỉnh quý vị sang thế giới Ta Bà kia, phó hội trong cung Vua nước Ma Già Đà, cúng dường các đồ ẩm thực, các ông nên đến vì đồng là việc Phật.

Lúc ấy các Bồ Tát y lời Thế Tôn sắc chỉ, liển phải phụng hành. Khi đó Bồ Tát Diệu Kiết Tường, lễ tạ từ biệt đức Kiết Tường Thanh Như Lai, cùng tám muôn đại Bồ Tát ẩn thân không hiện; liền trở về thế giới Ta Bà đến trụ xứ chính. Lúc bấy giờ Bồ Tát Diệu Kiết Tường cùng các chúng Bồ Tát cùng nhau an tọa, liền bảo các Bồ Tát rằng:

- Tôi có pháp môn, gọi là đại tổng trì114 . Nay vì các Đại Sĩ, phân biệt diễn nói. Thế nào gọi là pháp môn tổng trì? Ấy là người ưa muốn thủ chứng pháp môn tổng trì, phải trụ tâm chánh niệm không tán loạn, lìa các giận si, đối với tất cả pháp trí huệ thông suốt, hành đạo Như Lai, đặng môn biện tài, trụ nơi vô tướng, vào tất cả pháp được trí môn tổng trì, tương tục thánh đạo, nhưng hay nhậm trì ngôi Tam Bảo, khi nào ngôn luận, không bị trệ ngại, khéo giải tất cả ngôn ngữ của chúng sanh; nếu có biện luận, vấn nạn, đủ cách phân biệt; ở trong đại chúng, tâm không sợ hải. Chỗ có tất cả trời115 , rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già, người và phi nhân, cho đến Đế Thích và Phạm Vương. Dưới đến thuộc dị loại116 , bàng sanh, các loại ngôn âm sai khac, nhưng hayu theo kia, các thứ ngôn âm, mà vì thuyết pháp, khéo biết căn tánh chúng sanh, lợi độn tùy theo mỗi loại mà hiểu biết các căn thanh tịnh, lìa các tà kiến, bình đẳng an trụ pháp môn tổng trì, không trụ trước các pháp thế gian tám thứ trái thuận; viên mãn tất cả thiện pháp xuất thế, vì các chúng sanh nói hạnh nghiệp kia về nhân duyên quả báo, khiến các chúng sanh đặng an lạc rộng lớn, đối với tất cả chỗ trí tuệ thông suốt, hay khiến chúng sanh, trừ bỏ gánh nặng tâm không lo rầu, biết rõ tự tánh các pháp, tùy theo trình độ diễn thuyết chánh pháp họp với tâm bịnh, khiến khởi tâm tinh tiến, thu hoạch các lợi lành. Bồ Tát sanh tâm hoan hỷ, không mong cầu quả báo; có được bao nhiêu căn lành cho lo hồi hướng đến tất cả trí tri. Cấu nhất thiết trí117 , khắp vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh, ở trong sáu phương, pháp độ thoát đều thành tựu, thí hạnh viên mãn hồi hướng tất cả giống trí. Giới hạnh viên mãn hồi hướng chúng sanh, khiến kia an lạc. Nhẫn hạnh viên mãn, đặng tướng tốt của Phật, trang nghiêm đầy đủ. Tinh tấn viên mãn, thành tựu tất cả căn lành. Thiền định viên mãn, đặng tương ưng với các pháp, tự tại vô ngại.Trí tuệ viên mãn, thông suốt tất cả sự vật, đối với các pháp tự tại, lìa các lỗi lầm. Các thiện nam! Pháp môn tổng trì như thế, được pháp môn nầy rồi, không chỗ nào quên mất, vì tổng quát hay nhiệm trì tất cả trí.

Lại nữa, thiện nam tử! Pháp môn tổng trì, lại hay thọ trì tất cả pháp. Ấy gọi là rõ biết tất cả các pháp, không, vô tướng, vô nguyện, không động, không tác, xa lìa sự phân biệt kia, không sanh, không diệt, chẳng đoạn, chẳng thường, chẳng phải có, chẳng phải không, không lai, không khứ, chẳng thành chẳng hoại, chẳng tụ, chẳng tán, chẳng phải có tánh, chẳng phải không tánh, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, lìa các hý luận,đối đãi. Không có ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, không bổ đặc già la, không thủ không xả, chẳng phải thấy, chẳng phải nghe, chẳng phải hay, chẳng phải biết. Ấy gọi là "trì tất cả pháp"

Lại nữa, thiện nam tử! lại nữa pháp môn tổng trì là gìn giữ tất cả pháp, tự tánh của nó là không; như chiêm bao, như bọt nước, như ánh nắng, như hư không v.v…lại hay trì tất cả pháp, khổ, không, vô thường, vô ngã, tịch diệt v.v…tự tánh của nó không tạo tác, không vui, không khổ, không đặng, không chứng. Lại nữa, pháp môn tổng trì vì như quả đất hay duy trì thế gian, không lớn, không nhỏ, đều được duy trì và bảo vệ, cũng không mỏi mệt. Đại Bồ Tát đặng pháp môn tổng trì cũng lại như thế, kháp vì chúng sanh, phát tâm bồ đề, nhiếp thu các căn lành, không cho tan mất, dù trải qua vô số kiếp, không bao giờ tạm giải đãi và thoái chuyển. Lại nữa, cũng như quả đất hay nuôi dưỡng muôn vật. Bồ Tát đặng tổng trì hay giáo hóa làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Lại cũng như quả đất lớn hay sanh cỏ cây, nuôi dưỡng chúng sanh. Chúng ta được tổng trì Bồ Tát thường sanh tất cả pháp lành, lợi ích chúng sinh. Lại cũng như quả đại địa, không tăng không giảm, nhậm trì muôn vật, không cao không thấp, kia được tổng trì Bồ Tát tâm cũng như thế, không tăng không giảm, nhận trì chúng sanh, không có tưởng oán thân. Lại cũng như quả đất lớn, thọ các mưa móc không bao giờ nhàm đủ, kia đặng tổng trì Bồ Tát ưa vui nghe thọ trong pháp hội của chư Phật và Bồ Tát, không bao giờ nhàm đủ. Lại cũng như quả đất lớn hay duy trì tất cả chủng tử, y theo thời gian sinh trưởng, trọn không bao giờ thôi dứt, kia đặng tổng trì Bồ Tát hay duy trì tất cả chủng tử về pháp lành, y theo thời gian sanh trưởng cũng không thôi dứt.

Lại nữa như kẻ sĩ dũng mãnh trong thế gian, oai lực mạnh mẽ, hay hàng phục các quân ma khác. Kia đặng tổng trì Bồ Tát đầy đủ đại tinh tiến, thần thông oai đức, hay hàng phục ma quân.

Lại nữa, thiện nam tử phải biết tất cả tự tánh các pháp không quên, không chỗ ghi nhớ, là thường là vô thường, là khổ, là vui, là tịnh, là bất tịnh, là ngã, là vô ngã, là hữu tình, là phi hữu tình, là thọ mạng, là phi thọ mạng, là bổ đặc già la, là phi bổ đặc già la v.v…pháp môn tổng trì cũng lại như thế. Cũng không ghi nhớ, vì các pháp lìa hai tướng, cũng không chỗ quên.

Lại nữa, thiện nam tử, pháp môn tổng trì, cũng như hư không, nhậm trì đại địa, không tưởng "sở trì"118 . Tổng trì tất cả pháp, không tưởng 'sở trì'.

Lại cũng như yến sáng mặt trời, chiếu soi tất cả sự tướng. Tổng trì hay quán chiếu tất cả pháp.

Lại cũng như chúng sinh hay duy trì tất cả hạt giống phiền não, trọn không tan mất, pháp môn tổng trì thường duy trì tất cả sự vật cũng không tan mất.

Lại cũng như tâm luân ghi nhận của chư Phật và Bồ Tát, hay chuyển được tâm ý cho tất cả chúng sanh, mà không có tướng năng chuyển, pháp môn tổng trì duy trì tất cả pháp, cũng không có tướng năng trì.

Các thiện nam tử! như trước đã nói các thứ thí dụ, không có cùng tận, các pháp không cùng tận, pháp môn tổng trì cũng không cùng tận, vì nó vô lượng vô biên như hư không.

Khi Bồ Tát Diệu Kiết Tường nói pháp nhiệm mầu nầy, trong pháp hội có năm trăm vị Đại Bồ Tát, chứng đặng Đại Tổng Trì.
---o0o---


Каталог: downloads -> giang-kinh -> kinh-kim-cang
giang-kinh -> GIỚi thiệu kinh trung a hàM Điền Quang Liệt Định Huệ Dịch Nguồn
giang-kinh -> Kinh tứ thập nhị chưƠng tt. Thích Viên Giác Dịch
giang-kinh -> Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA
giang-kinh -> Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao
giang-kinh -> PHẬt thuyết a di đÀ kinh yếu giải giảng ký 佛說阿彌陀經 要解講記
giang-kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
giang-kinh -> VỊ trí thánh ðIỂn hoa văn trên phật giáo thế giớI
giang-kinh -> Bàn Về Bốn Bộ a-hàm Lương Khải Siêu
giang-kinh -> Sự Thành Lập Kinh Điển Phật Giáo Daisaku Ikeda (The First Mileage of Buddhism) Nguyên Hảo dịch Nguồn

tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   30




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương