Amoris laetitia



tải về 1.39 Mb.
trang43/83
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích1.39 Mb.
#34795
1   ...   39   40   41   42   43   44   45   46   ...   83

Bạo lực và thao túng


  1. Trong bối cảnh của cái nhìn tích cực này về tính dục, thật là thích hợp để tiếp cận chủ đề trong tính toàn thể với một tinh thần thực tế lành mạnh. Thật ra, chúng ta không thể không biết tình dục rất thường bị phi nhân vị hóa và trở thành bệnh hoạn, đến nỗi, “nó luôn trở thành cơ hội và phương tiện cho người ta tự khẳng định mình và thỏa mãn cách ích kỉ các ham muốn và bản năng của mình”.155 Trong thời đại của chúng ta, tình dục có nguy cơ bị nhiễm độc bởi não trạng “sử dụng và vứt bỏ”. Thân xác của tha nhân thường bị thao túng và xem như một đồ vật để sử dụng bao lâu nó còn đem lại thỏa mãn, và bị khinh dễ khi nó không còn hấp dẫn nữa. Liệu người ta có thể không biết hay bỏ qua những hình thức cố hữu của sự thống trị, ngạo mạn, lạm dụng, lệch lạc và bạo lực tình dục, vốn là kết quả của một cách hiểu méo mó về ý nghĩa của tình dục, nhằm chôn vùi phẩm giá của người khác và tiếng gọi vươn đến yêu thương ẩn bên dưới một kiếm tìm u mê chính bản thân mình?

  2. Cũng không thừa khi chúng ta nhắc nhớ rằng ngay trong hôn nhân, tình dục cũng có thể trở thành một nguồn của đau khổ và của sự thao túng. Bởi thế cần phải xác nhận lại rõ ràng rằng “một hành vi vợ chồng áp đặt trên người phối ngẫu mà không xem xét đến điều kiện của người đó, hay không cần biết người đó có muốn hay không, thì không phải là hành vi đích thực của tình yêu, và do đó nó xúc phạm trật tự luân lí đúng đắn trong tương quan vợ chồng”.156 Những hành vi dành riêng cho sự kết hợp tính dục giữa vợ chồng phù hợp với bản chất của tính dục theo ý muốn của Thiên Chúa khi chúng được thực hiện một cách “hợp nhân tính thực sự”.157 Bởi thế Thánh Phaolô đã khuyên rằng: “Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình” (1 Tx 4,6). Cho dù Thánh Phaolô viết trong bối cảnh một nền văn hóa mà tính gia trưởng thống lĩnh, trong đó người phụ nữ bị coi như là hoàn toàn phụ thuộc vào đàn ông, song ngài vẫn dạy rằng tính dục phải liên quan đến việc tương giao vợ chồng: Thánh Phaolô nêu ra khả năng của việc đình hoãn quan hệ tình dục trong một giai đoạn nào đó, nhưng dĩ nhiên là “với sự đồng thuận” (1 Cr 7,5).

  3. Thánh Gioan Phaolô II cảnh giác một cách rất tinh tế rằng đôi vợ chồng có thể bị “đe dọa bởi sự ham hố vô độ”.158 Nói cách khác, họ được mời gọi đạt tới một mối kết hợp không ngừng thâm sâu hơn, nhưng có thể đưa đến nguy cơ xóa bỏ những sự khác biệt và khoảng cách không thể tránh được giữa hai người. Vì mỗi người có một phẩm giá riêng và độc đáo. Khi sự quí trọng thuộc về nhau chuyển thành sự thống trị, thì “nó thay đổi [...] về bản chất cấu trúc hiệp thông trong mối quan hệ liên vị”.159 Trong tâm thức thống trị, ngay cả người thống trị rốt cuộc cũng phủ nhận phẩm giá của chính mình,160 và sau cùng, họ không còn “đồng nhất một cách chủ quan với thân xác của chính mình nữa”,161 vì đã mất hết mọi ý nghĩa. Kết cuộc, họ dùng tính dục như cách để thoát li bản thân và chối bỏ vẻ đẹp của sự kết hợp vợ chồng.

  4. Điều quan trọng cần nói rõ là phải từ chối bất kì một hình thức nô lệ tình dục nào. Vì thế phải tránh tất cả những diễn dịch sai lạc bản văn của Thư gửi tín hữu Êphêsô, trong đó đề nghị rằng các phụ nữ hãy “tùng phục chồng mình” (Ep 5,22). Ở đây Thánh Phaolô diễn tả những phạm trù văn hóa của thời đó, nhưng chúng ta không buộc phải mang lấy hình thái văn hóa đó, mà chỉ nhận sứ điệp mạc khải mà nó chuyển tải. Chúng ta nghe lại cách giải thích khôn ngoan của Thánh Gioan Phaolô II: “Tình yêu loại trừ mọi loại qui phục theo nghĩa người vợ có thể trở thành một tôi tớ hay nô lệ của người chồng […] Cộng đồng hay sự hợp nhất mà họ phải kiến tạo nhờ hôn nhân được thực hiện bởi một sự tự hiến cho nhau, mà sự tự hiến này vốn cũng là một sự qui phục nhau”.162 Bởi thế Phaolô còn nói rằng “những người chồng phải yêu vợ mình như yêu chính thân xác mình” (Ep 5,28). Bản văn Thánh Kinh này thực ra mời gọi chúng ta vượt qua chủ nghĩa cá nhân tự mãn để sống lưu tâm tới người khác: “Anh em hãy tùng phục nhau” (Ep 5,21). Trong hôn nhân, sự “tùng phục” hỗ tương này mang một ý nghĩa đặc biệt và được hiểu như một sự thuộc về nhau theo cách tự do chọn lựa, với sự tập hợp các đặc tính là sự trung tín, kính trọng và quan tâm. Tính dục và phục vụ không tách rời nhau trong tình bạn này giữa vợ chồng, vì nó được đặt định để giúp người kia sống viên mãn.

  5. Thế nhưng, việc từ khước tính dục và nhục cảm lệch lạc không bao giờ được dẫn chúng ta đến chỗ xem thường hay dửng dưng với chúng. Lí tưởng của hôn nhân không thể chỉ được xem như sự quảng đại trao hiến và quên mình, trong đó mỗi người phối ngẫu từ bỏ tất cả những nhu cầu riêng và chỉ tìm cách làm vui lòng người kia mà không quan tâm gì đến sự thỏa mãn riêng của mình. Chúng ta cần nhớ rằng một tình yêu đích thực còn phải biết đón nhận từ người kia, đó là khả năng chấp nhận sự mỏng manh và thiếu thốn của mình, và không từ khước đón nhận chân thành và với lòng tri ân những biểu lộ tình yêu nơi thân xác như một cử chỉ vuốt ve, một vòng tay ôm ấp, một nụ hôn, và cả sự giao hợp. Đức Bênêđictô XVI tuyên bố điều này rất rõ ràng: “Nếu người ta mong muốn trở thành tinh thần thuần túy và loại bỏ xác thịt như một di sản thuộc về bản tính động vật mà thôi, thì cả tinh thần và thân xác đều mất đi phẩm giá của nó”.163 Vì vậy, “người ta không thể chỉ sống với tình yêu trao hiến mà thôi. Người ta không thể chỉ luôn luôn cho đi, mà còn phải đón nhận nữa. Bất cứ ai muốn trao hiến tình yêu thì cũng phải đón nhận tình yêu như một quà tặng”.164 Điều này đòi hỏi chúng ta không bao giờ được quên rằng sự cân bằng của con người chúng ta rất là mong manh; trong ta luôn có cái gì đó đề kháng lại sự trưởng thành nhân bản, và bất cứ lúc nào nó cũng có thể bộc lộ những xu hướng ích kỉ và hoang sơ nhất.

tải về 1.39 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   39   40   41   42   43   44   45   46   ...   83




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương