100 trò chơi dân gian trò chơi: CƯỚp cờ



tải về 251.72 Kb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích251.72 Kb.
#2679
1   2   3   4   5

22. Trò chơi: KÉO CO

Tục kéo co ở mỗi nơi có những lối chơi khác nhau, nhưng bao giờ số người chơi cũng chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình.

Có khi cả hai bên đều là nam, có khi bên nam, bên nữ. Trong trường hợp bên nam bên nữ, dân làng thường chọn những trai gái chưa vợ chưa chồng.
Một cột trụ để ở giữa sân chơi, có dây thừng buộc dài hay dây song, dây tre hoặc cây tre, thường dài khoảng 20m căng đều ra hai phía, hai bên xúm nhau nắm lấy dây thừng để kéo. Một vị chức sắc hay bô lão cầm trịch ra hiệu lệnh. Hai bên ra sức kéo, sao cho cột trụ kéo về bên mình là thắng. Bên ngoài dân làng cổ vũ hai bên bằng tiếng "dô ta", "cố lên".

Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Đang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào thắng liền ba keo là bên ấy được.




23. Trò chơi: ĐẤU VẬT

Đấu vật rất phổ biến ở nhiều hội xuân miền Bắc và miền Trung. Trong hội làng Mai Động (Hà Nội) có thi vật ở ngay trước bãi đình làng. Các đô vật ở các nơi kéo về dự giải rất đông. Làng treo giải vật gồm nhất, nhì, ba và nhiều giải khác.
Trong lúc vật, các đô vật cởi trần và chỉ đóng một cái khố cho kín hạ bộ. Cởi trần cốt để đôi bên không thể nắm áo, nắm quần nhau gây lợi thế cho mình được. Khố các đô vật phần nhiều bằng lụa, nhiều màu. Trước khi vào vật, hai đô vật lễ vọng vào trong đình.

Cuộc thi bắt đầu, các đô vật lên lễ đài. Sau một hồi khua chân múa tay để rình miếng nhau, họ mới xông vào ôm lấy nhau. Họ lừa nhau, dùng những miếng để vật ngửa địch thủ. Với miếng võ nằm bò, có tay đô vật nằm lì mặc cho địch thủ đẩy mình, rồi bất thần họ nhỏm đứng dậy để phản công.

Thường thì giải ba được vật trước, rồi đến giải nhì và sau cùng là giải nhất. Mỗi một giải vật xong, người chúng giải được làng đốt mựng một bánh pháo.


24. Trò chơi: VẬT CÙ

Trò vật cù: trên một khoảng sân, thường có khoảng 14 thanh niên trai tráng chia hai bên cởi trần, đóng khố, tìm cách lừa nhau để ôm cho được quả bóng bằng củ chuối gọt nhẵn chạy về bỏ vào chuồng (lỗ nhỏ được đào theo hình vuông hoặc tròn, gần như là vừa khít với quả cù) đối phương thì là thắng cuộc.

Quả cù được làm từ gốc chuối, đặc biệt thích hợp là gốc chuối hột loại lớn, đào lên lấy củ. Dùng dao sắc đẽo củ chuối thành hình tròn có đường kính cữ 30cm, trọng lượng 5 - 7kg là có quả cù đảm bảo yêu cầu. Quả cù phải sạch nhựa và có độ dẽo cần thiết, bởi nó thường xuyên bị giành giật, quăng ném mạnh dễ vỡ trong khi chơi. Vì vậy, quả cù sau khi lược đẽo xong, được luộc qua nước sôi, vớt ra phơi nắng khá kỹ. Lúc này quả cù có màu sẫm và rất dẽo, không bị nứt vỡ khi chơi. Sân chơi cù thường là những sân cát bên bờ sông hay trong làng, chiều dài độ 50m, ngang độ 25m. Có ba hình thức chơi cù: cù gôn, cù đẩy và củ nước. Cả ba lối chơi này đều có chung hình thức tính điểm và bố trí giống nhau, ở hai đầu sân của mỗi bên là hai chiếc sọt đan bằng nan tre, nứa cao 1,5m, đường kính 50cm (cù gôn, cù nước), hay đào một hố sâu rộng 50 x 50cm (cù đẩy). Bên nào giành và đưa được cù vào sọt (hay vào hố) của đối phương được một điểm. Để đưa được quả cù vào đích cũng không phải dễ dàng gì bởi phải giành giật, tranh cướp quyết liệt, bên nào cũng tìm mọi cách nhằm cản phá đối phương đưa cù vào sọt (hố) của mình. Hội vật cù vì thế rất sôi nổi, hào hứng, cuốn hút mọi người.

Mỗi cuộc chơi không qui định cụ thể, số người tham gia mỗi bên cũng không hạn chế. Có khi hội vật cù lên đến đỉnh điểm, đàn ông trai tráng trong làng đều hăng hái vào cuộc không kể tuổi tác, lúc ấy thường là vào dịp Tết Nguyên đán. Người tham gia vật cù đều cởi trần đóng khố. Đề phân biệt người của hai đội, ban tổ chức qui định rnàu sắc của khố hay dải khăn màu vấn trên đầu. Tuy từ xưa không có một điều luật cụ thể, nhưng trong hội vật cù không hề có lối chơi thô bạo, ác ý. Rất quyết liệt nhưng cũng rất trong sáng. Kết thúc cuộc chơi, đội nào có số lần đưa cù vào đích của đối phương nhiều hơn là đội thắng. Giải thưởng chỉ mang tính tượng trưng, danh dự. Ở hội cù, người các làng xem và cổ vũ rất đông, hò reo, đánh trống chiêng cuồng nhiệt cổ vũ cho đội nhà và tán thưởng những đường chạy cù ngoạn mục...




25. Trò chơi: BỊT MẮT BẮT DÊ

Trẽ con từ 6 đến 15 tuổi hay chơi trò bịt mắt bắt dê. Một người xung phong để mọi người bịt mắt lại bằng một chiếc khăn để không nhìn thấy, những người còn lại đứng thành vòng tròn quanh người bị bịt mắt.

Mọi người chạy xung quanh người bị bịt mắt đến khi nào người đó hô “bắt đầu” hoặc “đứng lại” thì tất cả mọi người phải đứng lại, không được di chuyển nữa. Lúc này người bị bịt mắt bắt đầu lần đi xung quanh để bắt được ai đó, mọi người thì cố tránh để không bị bắt và tạo ra nhiều tiếng động để đánh lạc hướng. Đến khi ai đó bị bắt và người bị bịt mắt đoán đúng tên thì người đó sẽ phải ra “bắt dê”, nếu đoán sai lại bị bịt mắt lại và làm tiếp.

Có ai đó muốn ra chơi cùng thì phải vào làm luôn, người đang bị bịt mắt lúc này được ra ngoài hoặc là phải oẳn tù tì xem ai thắng.


26. Trò chơi: KÉO CƯA LỪA XẼ

Hai người ngồi đối diện nhau, cầm chặt tay nhau. Vừa hát vừa kéo tay và đẩy qua đẩy trông như đang cưa một khúc gỗ ở giữa hai người.
Mỗi lần hát một từ thì lại đẩy hoặc kéo về một lần. Bài hát có thể là:

Kéo cưa lừa xẽ


Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ
Hoặc:
Kéo cưa lừa xẽ
Làm ít ăn nhiều
Nằm đâu ngủ đấy
Nó lấy mất của
Lấy gì mà kéo


27. Trò chơi: CƯỚP CẦU

Trò tung cầu, cướp cầu là một trò chơi mang tính nghi lễ (hoặc phong tục) mang tính bắt buộc ở nhiều lễ hội. Tuỳ từng địa phương có quy định, cách chơi hay tên gọi khác nhau.

Đây cũng là một hoạt động tín ngưỡng trong nghi thức cầu mùa của cư dân nông nghiệp, tín ngưỡng sùng bái giới tự nhiên.
Quả cầu bằng gỗ tròn, có khi là quả bưởi hay quả dừa (đối với những địa phương có tục cướp cầu nước). Tuỳ địa phương có cầu to hay nhỏ. Trước khi đưa cầu ra cướp phải qua nghi lễ trình Thánh.
Sau khi thực hiện xong các nghi thức tế lễ, quả cầu được tung ra sân đình. Hai nhóm thanh niên đại diện cho hai nhóm cộng đồng, tất cả đều mình trần đóng khố khác màu. Cuộc tranh cướp diễn ra rất quyết liệt. Bên ngoài trống thúc liên hồi, tiếng hò reo cổ vũ náo nhiệt cả sân đình. Nhiều người bị trượt chân ngã, người thì nhanh nhẹn bật lên đón bắt rồi chuyền ngay cho người khác... cuộc chơi rất sôi động.

Một bên cuớp cầu để ném vào một cái hố đào sẵn bên hướng đông, nhóm bên kia cướp cầu để ném vào hố hướng tây. Bên nào cướp được cầu và ném vào hố của bên kia nhiều lần là bên thắng cuộc. Cũng có nơi cầu được ném vào một hố ở giữa sân đình hay ném vào một cái giỏ không đáy treo trên cây, bên nào ném vào giỏ của bên kia trước thì bên đó thắng cuộc. Có nơi quy ước bên nào ném vào giỏ của bên mình trước thì bên đó thắng cuộc.




28. Trò chơi: KÉO CHỮ

Trò chơi kéo chữ phát triển ở vùng Hoa Lư, Tam Điệp (Ninh Bình). Một đội kéo chữ có 32 con trai dưới 15 tuổi mặc quần xanh, áo trắng có nẹp đỏ, chân quấn xà cạp, tay cầm gậy dài 1,2m cuốn giấy màu và ở trên đầu gậy có gù sặc sỡ.

Tất cả được chia làm hai dẫy, mỗi dẫy có một người cầm đầu (tổng cờ tiền) và một người đứng cuối (tổng cờ hậu). Tổng cờ phải chọn những người có mặt mũi khôi ngô, mặc quần trắng, áo the đầu đội khăn xếp, thắt lưng ba múi, tay cầm cờ thần vuông.

Vào cuộc kéo chữ, theo tiếng trống của người tiểu cảnh, hai cánh quân dàn ra dưới sự hướng dẫn của các tổng cờ để xếp thành các chữ khác nhau. Các tổng cờ vừa dẫn quân vừa múa hát, làm cho không khí rất sôi nổi và náo nhiệt. Đội quân theo tổng cờ chạy theo hình xoáy ốc với những động tác phức tạp, lần lượt các chữ được hiện ra (chữ Hán hoặc Nôm) "Thái bình", "Thiên phúc", "Xuân hoà khả lạc", "Quốc thái dân an"...


29. Trò chơi: ĐUA THUYỀN

Từ xa xưa ở Việt Nam đã có đua thuyền. Đua thuyền ở nhiều nơi không phải là trò thi tài mà là hành vi thực hiện một nghi lễ với thuỷ thần, xuất phát từ tục cầu nước của cư dân nông nghiệp - tín ngưỡng phồn thực.

Có nơi cuộc thi chỉ có hai thuyền (Đào Xá - Phú Thọ), một chải “đực” mang hình chim ở mũi thuyền, chải kia là “cái” mang hình cá. Hai biểu tượng đối ứng giao hoà âm - dương (chim trên cao, dương - cá dưới nước, âm); khô - ướt (thuyền và nước); thuyền trôi, mái chèo khuấy nước nhằm “đánh thức thuỷ thần” và cuộc đua ấy chỉ thực hiện vào ban đêm, đến dạng sáng thì kết thúc. Cuộc đua thuyền của cư dân miền biển thì lại mang ý nghĩa cầu ngư. Có địa phương tổ chức đua thuyền để tưởng niệm các anh hùng giỏi về thủy chiến...

Ngày nay, đua thuyền là một nội dung quan trọng trong chương trình của rất nhiều lễ hội từ Bắc chí Nam, nhất là các địa phương có sông hồ hoặc gần biển. Cuộc đua thuyền hiện nay ở nhiều địa phương không đơn thuần là một hoạt động tín ngưỡng như bưổi ban đầu mà đã trở thành sự kiện thể thao hấp dẫn có quy mô lớn, thu hút nhiều đối tượng tham gia. Đua thuyền đã có thêm sứ mệnh của cuộc thi tài và biểu dương sức mạnh tập thể.




30. Trò chơi: CHƠI HÓP

Chơi hóp là một trong những trò chơi trong dân gian Ninh Hòa mà tôi xin ghi lại để cống hiến quý bạn đồng hương ít nhiều đã có một thời trải qua trong thời niên thiếu tại quê hương mến yêu.
Để bắt đầu trò chơi, tùy theo cách chia bắt cặp hoặc chơi lẽ từng người, bao nhiêu người chơi cũng được, ăn thua hoặc bằng tiền, hoặc hình, hoặc bịch thuốc lá…v..v…, tùy theo điều kiện và giao kèo sẵn có.

Cách chơi:


Vẽ một hình chữ nhật, dài rộng tùy thích không cần kích thước. Chúng ta cần một cục gạch thẽ nguyên và nửa cục gạch thẽ khác được kê sát và nằm giữa lằn mức của cạnh (hay một đầu) của hình chữ nhật. Hai cục gạch này được cấu trúc sao cho nửa cục gạch dựng đứng (điểm tựa) và cục gạch nguyên vẹn được gát lên đầu tựa của nửa cục gạch kia. Như vậy, chúng ta có đuôi của cục gạch nguyên chạm mặt đất, đầu đưa lên trời, chính giữa tựa trên đầu của “nửa cục gạch” kia tạo thành một mặt dốc để khởi động vận chuyển tròn của đồng tiền cắc (hòn chì). Đến đây, chúng ta có mái xuôi (mặt dốc) giống hình của một đòn bẫy.
Tiếp tục thiết bị, chúng ta gạch một đường thẳng kể từ đường giao tuyến của mặt dốc (của cục gạch nguyên) và mặt đất (mái xuôi) dài khoảng 5 tấc và cứ cách 1 tấc gạch 1 lằn mức ngang dành cho những người bị hóp mang đồng tiền cắc (hòn chì) lên đặt ở mức ngang đó: “có thể bị hóp 1,2,3 ..v..v..”
Trước khi chơi, người chơi thi tranh đua để đi sau cùng bằng cách dùng đồng bạc cắc hoặc viên ngói bể được đập và mài tròn đến khi có diện tích (kích thước) bằng (hay vừa) đồng tiền mà người chơi gọi là hòn chì dùng để thi đua tranh giành phần thắng. Người chơi cầm hòn chì thẳng đứng khảy (khởi động chạy tròn) mạnh nhẹ tùy ý xuống dốc xuôi của cục gạch, sao cho hòn chì chạy và ngã dừng gần mức càng tốt, cán mức thì càng tốt hơn. Như vậy, người chơi có thể tranh giành đi sau cùng nhưng đừng để hòn chì lăn ra khỏi mức thì thua.
Thi xong người chơi đi theo thứ tự, nghĩa là người nào khảy hòn chì chạy ra ngoài mức đi trước, xa mức đi kế và gần mức đi sau cùng... Người thua cuộc thì được đi đầu tiên, khảy hòn chì xuống viên gạch (mặt xuôi) để cho nó lăn xuống mức dưới; phiên người kế tiếp cố gắng khảy hòn chì, chạy xa hơn người đi trước thì tốt, cứ như thế chúng ta thay phiên lần lượt đi, cố gắng đi xa hơn mấy người trước, đừng để hòn chì chạy ra khỏi mức phía trước gọi là hóp, có khi bị hóp 2,3,4 ..v…v…
Khi chơi người chơi bắt bồ và tìm cách cứu bồ. Khi hòn chì của bạn khảy thua phe khác, ta có quyền xê dịch viên gạch xéo qua góc này hoặc góc khác với mục đích là để khảy hòn chì không theo đường thẳng chính diện (trực chỉ song song với hai cạnh bên của hình chữ nhật) mà chạy xéo góc hơn bạn mình, thua người bắt bạn mình, như vậy gọi là "xỉa tiền".
Người thắng cuộc thi đi sau cùng, xem xét kỹ cách bắt những hòn chì của người đi trước, nếu khảy xa hơn để bắt được thì tốt và được đi sau cùng bàn kế tiếp, bằng không thì khảy nhẹ hòn chì để bắt những người bị hóp, xong cứ thứ tự người nào gần mức đầu dưới thì chố người thua mình ở phía trên.

* Luật chơi:


Người thắng cuộc cầm hòn chì lên trên tay rồi gạch lằn mức ngay tâm hòn chì nằm (tức là vị trí của hòn chì năm trước khi được lượm lên tay). Người thắng cuộc có hai chân đứng ngay lằn mức gạch làm điểm với tay cầm hòn chì cố gắng chố sao cho hòn chì của mình trúng hòn chì của người thua. Nếu trúng chố tiếp người kế, nếu chố trật không được quyền chố nữa mà nhường người chơi kế tiếp để chố những người thua. Nếu trúng khá nhiều, những người thua chung tiền, hoặc chung hình, hoặc chung bịch thuốc lá..., tùy theo giao kèo trước khi chơi.
Xong bàn này chúng ta tiếp tục chơi bàn khác và đi theo thứ tự khỏi cần thi lại, người thắng cuộc đi sau cùng.

31. Trò chơi: ĐÁNH TRỎNG

Đánh trỏng là một môn chơi rất là dân gian ở Ninh Hòa của lứa tuồi trẽ thơ dành riêng cho các cô cậu có gan bẫm.

Trò chơi không lệ thuộc vào số người, chia thành hai nhóm, cây trỏng để đánh thường thường chúng tôi chọn một trong hai loại cây ở quê nhà chỗ nào cũng có "cây dong hoặc cây gòn", vì hai loại cây này khi khô rất nhẹ, chặt làm hai khúc, cây cầm đánh dài khoảng 5 hoặc 6 tấc gọi là cây đập đầu mào, cây ngắn 2 tấc gọi là cây đầu mào.

Khi có sẵn hai dụng cụ trên, chúng tôi đào một lỗ dài hơn 2 tấc, chiều sâu không tính miễn sao để đầu mào nằm gọn vào lỗ là được rồi, gạch phía trước lỗ một đường mức khoảng cách 6 hoặc 7 thước. Sáp vào trận hai nhóm bắt đầu khắc tính điểm, bên nào khắc điểm nhiều thì đi trước. Cách chơi bắt đầu, nhóm thua ra đứng phía trước lằn mức, nhóm ăn ở trong và bắt đầu chơi. Trước khi chơi hai bên giao kèo đánh được bao nhiêu điểm thì thắng . Thường thì chơi đánh trên 100 điểm mới thắng.

1/ Phần dích đầu trỏng: đặt đầu trỏng ngắn nằm ngang trên miệng lỗ và lấy cây dài dích sao cho đầu trỏng ngắn bay ra khỏi mức, đừng để cho bên đối phương chận lại hay bắt được đầu trỏng là người đó chết, dích đầu trỏng bay cũng là một nghệ thuật, mắt nhìn liếc đối phương đứng chỗ nào trống hoặc phải dích xa hay cao để đầu trỏng bay cao, khi bên đối phương bắt không được thì người dích đặt cây trỏng dài nằm ngang trên lỗ, để cho đối phương lượm đầu trỏng ngắn nằm ở đâu thì từ chỗ đó chố vào, nếu trúng cây trỏng dài thì người đó chết " cứ như vậy nếu chết tiếp tục thì thay thế người khác đi".

2/ Phần ne đầu trỏng nhỏ: Đến phần ne đầu trỏng, người ăn thường đứng sát mức, tay cầm trỏng dài để đầu trỏng ngắn nằm ngang dựa vào cùm tay, bắt đầu hất đầu trỏng ngắn tưng lên rồi khắc, liếc mắt nhìn những người thua đứng hàng mức bên ngoài đánh đầu trỏng ngắn thật mạnh ra ngoài để bên thua đừng bắt được. Khi đầu trỏng rớt xuống đất, bên thua lượm và chố vào đừng cho người bên trúng đón đánh được đầu trỏng ngắn bay ra ngoài, thì bắt đầu tính được điểm rồi . Phần tính điểm ở đây tính vào phần khắc ở trên, khắc bao nhiều cái tính bao nhiêu điểm.

3/ Chặt đầu mào: Đặt đầu mào nằm xuôi xuống lỗ sao để một đầu chỏng lên, khi chặt đầu mào đầu trỏng ngắn bay lên, đón đầu trỏng ngắn rơi xuống rồi khắc bao nhiêu cái thì tính bao nhiêu điểm, nên đánh ra ngoài mức để sao cho đối phương đánh bắt không được thì mới tính điểm.

4/ Phần Âm u: Bên nào đánh thắng trước điểm đã giao kèo thì âm u bên thua, tùy theo chơi để bắt cặp người ăn, người thua âm u, bên ăn bắt đầu khắc bao nhiêu cái thì nhảy bao nhiêu bước khi âm u, người ăn một tay cầm cây trỏng dài dựa vào cùm tay tưng lên rồi ne thật mạnh cho đầu trỏng ngắn bay đi thật xa, rồi rơi xuống đất người thua lượm đầu trỏng ngắn cầm trên tay, người ăn bắt đầu nhảy bắt đầu từ vị trí đầu trỏng ngắn rớt xuống, nhảy bao nhiêu bước, từ điểm khắc bao nhiêu cái ở trên. Khi nhảy xong rồi đặt cây trỏng dài xuống để cho người thua chố, nếu chố trúng cây trỏng dài, thì người thua u một hơi dài về lỗ, người ăn chạy theo sau cầm cây trỏng dài đợi khi người thua tắt hơi để đánh người thua, rồi tiếp tục cặp khác âm u. Xong hết rồi hai nhóm chơi khắc lại, tiếp tục chơi tiếp.




32. Trò chơi: NHẢY CHỒNG CAO

Nhiều hay ít người chơi cũng được, chia làm hai phe.
Người cầm đầu trong toán chơi gọi là mẹ, người làm mẹ chơi hay và cao lớn nhất trong toán, người mẹ đi trước hoặc nhảy đầu tiên.
Bắt đầu chơi, hai bên bao tiếng xùm bên nào thắng đi trước.

Cách chơi như sau:


Bên thua hai người ngồi đối diện nhau, một người ngay một cẳng ra phía trước, bàn chân thẳng đứng gót chân chạm đất là canh một
Bên ăn nhảy qua canh một, người làm mẹ nhảy qua trước và đọc “đi canh một”, tất cả tụi con nhảy theo và lập lại câu “đi canh một” và vòng nhảy về cũng vậy, người cầm đầu cũng nhảy trước và đọc "về canh một" tụi con cũng nhảy qua sau và làm theo được hết rồi cứ như thế bên thua chồng cẳng lên canh 2, ngồi đối diện gác cẳng lên hàng tiếp tục lên canh 3 và canh 4, cứ như thế mà nhảy qua nhảy lại trong lúc miệng đọc đi hết canh này đến canh kia. Những canh cao như canh tư, tùy theo luật lệ chơi giao kèo trước, những đứa nhỏ không nhảy được cao, thì nhảy qua chỗ thấp thì sống, còn nếu không cho nhảy qua chổ thấp nhảy đụng chân thì chết ngồi đó chờ hết bàn chơi tiếp.

Một lượt nhảy qua nhảy lại xong rồi canh bốn, thì tới canh búp.


Khi làm canh tư, hai đứa ngồi làm chồng những bàn chân lên nhau gót chân chạm đầu ngón chân thành một tháp cao thẳng đứng tới lượt canh búp, canh nở, canh tàn, sau cùng là tới canh gươm, những canh trên chồng lên cao của ngón chân trên hết, giao kèo chơi chỉ được để cổ tay chạm ngón chân cái làm bàn tay búp, nở, tàn, gươm (nhiều bạn cũng ma giáo khi nhảy qua không để ý lú tay lên cho đụng người mẹ là chết cả đám). Những người con nhảy qua không được, có quyền nhảy qua chổ thấp nếu bên kia đồng ý.

- Sau cùng, là đi qua sông nhỏ, sông lớn là xong, hai người làm canh qua sông nhỏ bốn bàn chân chạm vào nhau bẹt ra hơi nhỏ để người đi bước vào cũng nói “đi canh nhỏ về canh nhỏ”. Vậy là xong canh nhỏ. Canh lớn hai người làm dang chân rộng ra để bên đi bước vào mà đi canh lớn, đi canh lớn là sắp hết trò chơi, toán đi bước qua và đọc "qua sông lớn về sông lớn". Khi về sông lớn hai người làm đưa tay lên cho người mẹ nắm và bắt đầu nói về sông lớn thì tất cả vụt chạy như rượt bắt, mấy đứa con thì lo chạy trước. Khi bắt được đứa nào thì đứa đó chết, bắt được hết thì xả bàn làm lại, hai bên tiếp tục bao tiếng xùm, bên nào thua thì làm.

Nói tóm lại, đó là trò chơi dân gian vui nhất đối với trẽ thơ.
***Canh búp, nở, tàn, gươm: điển hình là một nụ hoa, dùng bàn tay để trên canh tư
*Canh búp: dùng bàn tay chụm lại
*Canh nở: dùng bàn tay chụm, nhưng để hé miệng
*Canh tàn: xòe cả lòng bàn tay
*Canh gươm: để một ngón tay thẳng đứng


33. Trò chơi: KỂ CHUYỆN

Sự Tích Bưởi Năm Roi

Một buổi trưa hè nắng gay gắt, Ông Năm đang ngon giấc trong giấc ngủ trưa, chợt nghe tiếng chó sủa vang. Ông cầm ngay cây gậy để bên cạnh chiếc ghế bố ông thường nằm nghỉ trưa và đi thật nhanh đến nơi có tiếng chó sủa trong khu vườn sau nhà, một vườn cây ăn trái đang được mùa và những cây bưởi nhà ông có tiếng là ngọt lịm.


Thằng Được cùng lũ bạn trong xóm leo rào vào và nó đang trèo trên cây bưởi, còn lũ bạn chừng 5 đứa đang trong tư thế chờ chực những quả bưởi rơi xuống từ tay thằng Được. Tiếng chó sủa làm cả đám trẽ hú hồn, thoáng thấy bóng dáng ông Năm cầm cây gậy lũ trẽ ba hồn chín vía mỗi đứa một hướng tìm đường tẩu thoát, chỉ còn thằng Được là đang lơ lửng trên cây không tuột xuống kịp. Ông Năm la lớn:
- Thằng nhỏ mày xuống đây mau!
Thằng Được leo xuống trong gương mặt tái xanh vì bị bắt quả tang, Nó lí nhí:
- Dạ, ông tha cho con
-Tại sao hái trộm?
-Dạ, tại con thích ăn Bưởi của Ông
-À, vậy là hái trộm, tội này đáng đánh đòn.
Thằng nhỏ khóc hu hu và xin ông tha tội, nhưng ông không tha, ông quát:
-Mày muốn mấy roi?
Thằng bé chỉ biết khóc và im lặng với nét mặt sợ sệt, ông nói lớn:
-Tội ăn trộm, vậy ông đánh mày năm roi.
Thế là từ đó có tên Bưởi Năm Roi.


34. Trò chơi: OẲN TÙ TÌ

Trong các trò chơi dân gian khi chỉ có 2 người, để biết được một trong hai người ai là người được ưu tiên thì với trò Sình Sầm dễ phân biệt trước sau. Những vật dụng được thể hiện qua bàn tay :


- Cái Búa: nắm các ngón tay lại như quả đấm
- Cái Kéo: nắm 3 ngón tay gồm có ngón cái, ngón áp út, và ngón út lại, và xèo 2 ngón tay còn lại (ngón trỏ, ngón giữa) ta có hình cái Kéo
- Cái Bao: xòe cả 5 ngón tay ra .
Luật chơi: Cái Búa thì đập cái kéo, cái kéo thì cắt cái bao, cái bao thì chùm được cái búa
Khi cả hai cùng đọc: "Uýnh Sình Sầm mày ra cái gì? tao ra cái này", trong khi bàn tay được dấu sau lưng và khi dứt câu thì đưa tay ra cùng một lúc không được trước sau với dấu hiệu tùy vào mỗi bên, như thế ta biết được bên nào thắng bên nào thua theo luật định, khi hai bên ra cùng một dấu hiệu thì được sình sầm lại.


35. Trò chơi: RỒNG RẮN LÊN MÂY

Rồng rắn lên mây
Có cây thuốc Bắc
Có ông thầy ở nhà không?

Một số người chơi rồng rắn, nối đuôi nhau bằng cách người đứng sau hai tay ôm ngang hông người đứng trước, cứ thế xếp thành hàng dài tùy theo số người chơi, hình thù như một con rắn dài có mắt khúc.

Người đứng đầu làm đầu rắn, người đứng cuối làm đuôi rắn, giữa là thân rắn và một người làm ông thầy thuốc Bắc ngồi đối diện với con rắn. Khi con rắn (đoàn người nối đuôi nhau) cùng thưa với ông thầy bài tấu trên, Ông thầy không đồng ý thì con rắn sẽ đi vài vòng rồi quay lại tâu tiếp để xin ông thầy cho thuốc.
Sau nhiều lần từ chối, ông thầy đồng ý thì ông sẽ đứng lên để tìm cách bắt lấy được đuôi của con rắn ông mới cho thuốc. Tình trạng con rắn lúc đó phải cố tránh né để ông thầy không bắt được đuôi nên cố sức che chắn không cho ông thầy tiến về phía sau, và cùng nhau hò hét với bài hát:

"mạnh thầy thầy bắt được thầy ăn, mạnh rắn rắn bắt được rắn cắn”.


Thế là cả đoàn người nối đuôi nhau phải lượn qua lượn lại (chạy qua, chạy lại) theo đầu con rắn. Cả đám người cứ thế cố né tránh, ông thầy một mình nhanh chân hơn và dễ chạy hơn, nên con rắn một lúc lâu thấm mệt và thật khó giữ được sự ngay hàng như lúc đầu nên cũng sẽ bị đứt ra nhiều đoạn, thế là đầu con rắn không còn điều khiển cho phần đuôi nữa. Vậy là ông thầy bắt được cái đuôi rắn dễ dàng.

Trò chơi vui khi phải chạy lượn qua lại tránh thầy thuốc Bắc. Chỉ có vậy thôi nhưng với đám trẽ nhỏ trong những đêm sáng trăng ở quê nhà, với ánh sáng không tỏ tranh sáng tranh tối, thật là một trò chơi vui đùa thú vị.




36. Trò chơi: CÚNG THÍ THỰC CÔ HỒN

Tôi còn nhớ rõ lắm cách đây trên 30 năm, gia đình tôi sống tại một vùng quê nhỏ nhưng đầy ấp tình người, người dân quê vẫn luôn giữ được tập tục tốt đẹp: Ngày Lễ Vu Lan Rằm tháng 7 âm lịch, tức là ngày cúng Cửu huyền thất tổ, đồng thời là ngày cúng "Cô hồn các đảng" không nơi nương tựa. Việc cúng cô hồn không ai bảo ai nhà nhà đều lập bàn thờ cúng thí với lòng thành và ý thức rằng những oan hồn sống lây lất phiêu bạc nơi gò đồng, núi rừng, đói rách tả tơi, lang thang đây đó, không ai đơm quẩy thì ta nên nghĩ tưởng nhớ đến họ mà tội nghiệp, nếu không trong tâm họ sẽ cảm thấy bức rức trong lòng.

Vào mỗi đêm trong tuần tháng 7, bất kể kẽ giàu người nghèo, mọi người đều thiết lễ cúng cô hồn tùy theo khả năng, hoàn cảnh của mình, có gì cúng nấy. Lễ cúng được bày giữa sân nhà hoặc trước cửa nhà, trên hết là một bàn cúng hương hoa quả, chè xôi bánh trái, nhất là phải có một bát cháo trắng, một đĩa nhỏ gạo muối và một nia để bày bánh trái với dụng ý cúng cho cô hồn non trẽ gồm: kẹo, bánh, mía cắt khúc, khoai lang, khoai mì, đậu phộng, cốc, ổi...và những đồng tiền cắc.

Gia chủ đem cả lòng thành kính dâng cúng, không phải để cầu cho gia đình một điều gì, mà chỉ mong cô hồn các đảng được no đủ. Khi các vật phẩm dâng cúng được bày đầy đủ, gia chủ đốt hương khấn vái mời thỉnh các vong hồn về dự lễ.
Cứ vào đầu xóm, khi các gia chủ đang cúng thí thì xuất hiện từng tốp trẽ con kéo đến từng nhà, ngồi đứng quanh đó. Lúc gia chủ vừa đốt giấy tiền vàng bạc và rãi muối gạo coi như lễ cúng xong. Không ai bảo ai, nhóm trẽ ùa vào chụp nia, được gì lấy nấy, gây nên tiếng la hét cười cợt vui nhộn. Họ lần lượt từ nhà này đến nhà khác để "chụp nia", người ta thường gọi nhóm này là "Cô hồn sống". Gia chủ cũng cảm thấy hả hê trong lòng.

Qua lễ chúng ta nhận thấy một hình ảnh sống động, mang ý nghĩ "từ bi bố thí", tạo nên một tập tục tốt đẹp, người chết được ấm lòng nương theo phép Phật siêu âm nơi miền lạc quốc, người sống được cởi mở tấm lòng, thực hiện pháp bố thí cho hàm linh an lạc. Ngày nay lễ cúng này cũng chỉ còn một số ít, hình ảnh "chụp nia" cũng không còn nhiều, và truyền thống tốt đẹp ấy đã dần dần đi vào dĩ vãng.


Đối với nhà Phật thì lễ cúng thí cô hồn được thực hiện trong dịp Rằm đến 30 tháng bảy âm lịch.



tải về 251.72 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương