阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không



tải về 12.87 Mb.
trang10/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   101

Tập 10



Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ mười:
(Sớ) Cử thanh, trược, hướng, bối, ý cai thiện, ác, thánh, phàm, hữu, vô, sanh, diệt, tăng, giảm, nhất, dị đẳng.

(Diễn) “Ý cai thiện ác phàm thánh đẳng” giả, Mạnh Tử đạo tánh thiện, Thiên Thai thuyết tánh ác, nhất tắc tựu Sự tạo biên thuyết, nhất tắc tựu Lý cụ biên thuyết.

() 舉清濁向背,意該善惡聖凡有無生滅增減一異等。

() 意該善惡凡聖等者。孟子道性善,天台說性惡,一則就事造邊說,一則就理具邊說。

(Sớ: Nêu “thanh, trược, hướng về, trái nghịch”, bao gồm những ý nghĩa thiện, ác, thánh, phàm, có, không, sanh, diệt, tăng, giảm, một, khác v.v...

Diễn: Bao gồm những ý nghĩa thiện, ác, phàm, thánh v.v... Mạnh Tử nói tánh thiện, ngài Thiên Thai nói tánh ác, một đằng là nói theo phương diện “Sự tạo tác”, một đằng là nói theo phương diện “Lý đầy đủ”).
Chúng ta đã từng thảo luận những ý nghĩa này. Nói thật ra, pháp giới quả thật là viên dung. Do vậy, cổ nhân nói “viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên” (người viên mãn thuyết pháp, không pháp nào chẳng viên mãn). Chúng ta bắt chước nói theo kiểu ấy: “Viên nhân quán pháp, vô pháp bất viên”, “viên nhân thính pháp, vô pháp bất viên”. Nói cách khác, sáu căn của người viên mãn tiếp xúc hết thảy cảnh giới đều là viên dung tự tại, quyết định không bị chướng ngại. Cảnh giới ấy là cảnh giới Hoa Nghiêm, Lý - Sự vô ngại, Sự - Sự vô ngại, đấy mới tính là người khỏe mạnh, không bệnh tật gì! Nếu có chướng ngại, tức là có bệnh, chướng ngại là có bệnh. Không bệnh, lẽ đâu có chướng ngại? Giống như một người thân thể khỏe mạnh, huyết khí thông suốt chẳng bị chướng ngại. Nếu bộ phận nào đó trên thân thể bị chướng ngại, huyết mạch chẳng thông, sẽ đổ bệnh. Do vậy, người thật sự mạnh khoẻ là Phật và các vị đại Bồ Tát, các Ngài nhập Nhất Chân pháp giới. Từ đấy trở đi, hết thảy chướng ngại đều không còn. Nếu hiểu rõ đạo lý này, chẳng những chúng ta có thể nắm vững một cương lãnh trọng yếu trong tu học mà đồng thời cũng có thể quán sát rất nhiều chứng bệnh của người tu hành ở chỗ nào. Nếu không thâm nhập các bộ kinh lớn, quả thật hết sức khó nhận biết vấn đề lớn này. Nói tới “tánh thiện” hay nói tới “tánh ác” đều là nói lệch vào một bên, nên Nho gia nói “Mạnh Tử chủ trương tánh thiện”, “Tuân Tử chủ trương tánh ác”, những cách nói như vậy đều chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa. Vì sao? Thiện và ác, trong tập tánh mới có, chứ trong bổn tánh chẳng có. Khổng lão phu tử cao minh hơn các vị này một bậc, Phu Tử nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn” (Về tánh thì gần giống như nhau, do được rèn luyện mà trở thành khác nhau). Ngài không nói thiện hay ác, “tương cận” là không khác nhau lắm, Tánh là một, Trong Phật pháp cũng nói hoàn toàn giống hệt như vậy. Khổng lão phu tử nói “tánh gần giống như nhau” [là nói về bổn tánh], nói tánh thiện hay tánh ác là nói về “tập tánh” (cái tánh do được huân tập, do được rèn luyện mà có), do huân tập nên khác nhau, chúng ta thường gọi tập tánh là “tập quen thành bản tánh tự nhiên”, “thiếu thành nhược thiên tánh” (tập quen từ nhỏ nên trở thành giống như bẩm tánh), đấy là tập tánh, chứ không phải bổn tánh.

Trong Phật pháp nói tới cả chân tánh lẫn tập tánh. Phật pháp nói Chân Như là nói đến bổn tánh, nói A Lại Da Thức là nói tập tánh. Vì sao? Trong A Lại Da Thức, thiện, ác, vô ký (không thiện, không ác) đều có. Do đây có thể biết: Thiện, ác, vô ký đều là tập tánh. Bổn tánh vốn sẵn có; tập tánh vốn không. Tánh của bổn tánh vốn là Không, nên gọi là Chân Không, bản thể của tập tánh là Không. Vì sao? Không có tự tánh; tập tánh không có tự tánh. Chúng ta nhất định phải nhận biết điều này. “Ngài Thiên Thai nói tánh ác” cũng là nói theo tập tánh, chứ không phải nói theo bổn tánh. Trong đoạn mở đầu lời Tựa này, Liên Trì đại sư nói tới “tánh” thì tánh ấy là bổn tánh, chứ không phải tập tánh.


(Diễn) Kim tắc như thật không trung, thiện ký bất lập, ác diệc hà tồn?

() 今則如實空中,善既不立,惡亦何存。

(Diễn: Nay như trong Thật Không (Chân Không), thiện đã chẳng lập, ác cũng làm sao còn?)
Thật” là chân thật, chữ Không ở đây là Chân Không, do vậy gọi là Thật Không, đấy chính là ý nghĩa của chữ Không như trong Tâm Kinh đã nói: “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”, nói đến cái Không ấy. Nó chính là Chân Như bổn tánh. Trong Chân Như bổn tánh, “thiện đã chẳng lập, ác cũng làm sao còn?” Cả hai bên thiện và ác đều tìm chẳng được, Thiền gia bảo “một pháp chẳng lập, vốn chẳng có một vật”. Đấy là chân tánh. Chúng ta phải tu, phải chứng điều này.
(Diễn) Tổ vân: “Khuếch nhiên vô thánh”, phi thánh dã. Kinh vân: “Phàm phu giả tức phi phàm phu”, phi phàm dã.

() 祖云,廓然無聖;非聖也。經云,凡夫者即非凡夫;非凡也。

(Diễn: Tổ sư nói: “Rành rành là không có thánh”, nên chẳng phải là thánh. Kinh dạy: “Phàm phu tức chẳng phải là phàm phu” nên chẳng phải phàm).
Nói rõ ý nghĩa sau đây: Trong Chân Như không có thánh mà cũng chẳng có phàm. Phàm và thánh bình đẳng. Bình đẳng được nói trong Phật pháp là bình đẳng thật sự, “tâm, Phật, chúng sanh, ba pháp không sai biệt”. Kinh Hoa Nghiêm nói tới sự bình đẳng thật sự, không có pháp nào chẳng bình đẳng. Trong bổn tánh, thiện - ác, phàm - thánh, đến - đi, tịnh - uế đều chẳng thể được, vốn không có một vật. Những thứ ấy đều không có. Những thứ ấy đều sanh từ Đệ Nhị Nghĩa. Trong Đệ Nhất Nghĩa, hoàn toàn không có.
(Diễn) Hữu vô như thượng.

() 有無如上。

(Diễn: Hữu và vô như trên đây [đã nói]).
Phàm - thánh, hữu - vô như trong phần trên đã nói.
(Diễn) Tánh vô tiền tế phi sanh dã, tánh vô hậu tế phi diệt dã.

() 性無前際非生也,性無後際非滅也。

(Diễn: Tánh không có thời gian trước nên chẳng sanh, tánh không có thời gian sau nên chẳng diệt).
Sanh và diệt đều chẳng thể được. Trong bổn tánh không có sanh hay diệt. Quý vị phải nhớ kỹ: Không có sanh diệt sẽ không có sanh tử. Phàm phu chúng ta chấp trước hiện tượng, cho là “có sanh tử”, hết sức sợ hãi, hoảng hốt đối với sanh tử. Nếu thấu triệt đạo lý này, vốn không có sanh tử, quý vị sẽ đoạn được ý niệm sợ hãi ấy, chẳng còn có ý niệm ấy. Đó là sự thật. Hiện thời, khi chúng ta thấy sanh, lão, bệnh, tử đều là huyễn tướng, chẳng phải là chân thật.
(Diễn) Bổn tự cụ túc.

() 本自具足。

(Diễn: Vốn tự đầy đủ).
Trong Chân Như bổn tánh có đầy đủ hết thảy pháp, chẳng thiếu khuyết mảy may nào. Do vậy, nói:
(Diễn) Vô pháp khả tăng, phi tăng dã. Bổn vô nhất vật, vô pháp khả giảm, phi giảm dã.

() 無法可增,非增也。本無一物,無法可減,非減也。

(Diễn: Không có pháp nào để có thể tăng, nên chẳng tăng. Vốn chẳng có một vật, chẳng có pháp nào để có thể giảm, nên chẳng giảm).
Cổ đức nói: “Tại thánh chẳng tăng, nơi phàm chẳng giảm”, chẳng tăng, chẳng giảm.
(Diễn) Nhiễm tịnh thiên sai, phi nhất dã.

() 染淨千差,非一也。

(Diễn: Do nhiễm và tịnh ngàn phần sai khác, nên chẳng phải là một).
Đây là nói theo mặt Tướng, trong mười pháp giới, tứ thánh pháp giới thanh tịnh, lục phàm pháp giới ô nhiễm, thiên sai vạn biệt, xét về Tướng thì chẳng giống nhau nên Tướng “phi nhất” (chẳng phải một).
(Diễn) Nhất vị bình đẳng, phi dị dã.

() 一味平等,非異也。

(Diễn: Một vị bình đẳng, nên chẳng phải là khác).
Thể là bình đẳng, toàn là Tướng của Tánh [có biểu hiện sai khác]. Tướng do đâu mà có? Tướng ấy là Tướng của Tánh. Nhìn theo Tướng thì thiên sai vạn biệt, nhìn theo Tánh thì “một vị bình đẳng”, không hai, không khác. Cổ nhân nói: “Dùng vàng làm thành đồ vật, món nào cũng đều là vàng”, chẳng khác nhau, “chẳng phải là khác”. Nếu nói, sẽ nói chẳng hết. Nêu lên mấy trường hợp, chúng ta hãy lắng lòng đọc kỹ vài lượt, tuy chẳng thể diễn tả Chân Như bổn tánh được, nhưng nói chung là có một phương cách để có tìm cầu, có thể biết đại khái. Đúng là giống như phương thức “đùn mây để biểu lộ trăng” trong hội họa khiến cho chúng ta có được một chút ý tưởng, ấn tượng. Vì sao chẳng thể nói được? Hai câu tiếp theo đây giảng rất rõ ràng!
(Diễn) Dĩ nhất thiết ngôn thuyết giả danh vô thật, đản tùy vọng niệm bất khả đắc cố.

() 以一切言說假名無實,但隨妄念不可得故。

(Diễn: Do hết thảy ngôn thuyết là giả danh, không thật, chỉ thuận theo vọng niệm, nên chẳng thể đạt được).
Dĩ nhất thiết ngôn thuyết giả danh vô thật” (Do hết thảy ngôn thuyết là giả danh, không thật): Vì lẽ này, ngôn ngữ dứt bặt, “đản tùy vọng niệm bất khả đắc cố” (chỉ thuận theo vọng niệm nên chẳng thể được), tâm hạnh xứ diệt. Cảnh giới chân thật này ngôn ngữ chẳng thể diễn tả được, tâm tư chẳng thể tưởng tượng được. Chỉ cần quý vị khởi tâm động niệm là sai mất rồi! Chỉ cần quý vị kèm theo lời nói thì cũng sai, chắc chắn là chẳng thể được. Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát đã dạy chúng ta một cương lãnh tu học, Ngài dạy chúng ta bất luận đọc kinh hay nghe kinh đều có ba cương lãnh quan trọng: Thứ nhất là “ly ngôn thuyết tướng”, tức là chẳng thể chấp vào ngôn ngữ. Thứ hai là “ly danh tự tướng” tức là đừng chấp vào những danh từ, thuật ngữ. Thứ ba là “ly tâm duyên tướng”, tức là trong tâm đừng suy lường những đạo lý ấy. Trong ấy không có đạo lý thì quý vị mới thấu hiểu được. Hễ quý vị khởi tâm động niệm thì đều là vọng tưởng. Mọi người nghe kinh chẳng thể khai ngộ là vì chấp vào tướng, chấp vào gì vậy? Chấp tướng ngôn thuyết, chấp tướng danh tự, chấp tướng tâm duyên. Chấp tướng nghe kinh, dẫu nghe suốt vô lượng lần ba đại A-tăng-kỳ kiếp vẫn chẳng thể khai ngộ, vẫn là phàm phu. Nếu lìa tướng nghe kinh, thưa với quý vị, nghe một lượt liền đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Khi nào thành Phật? Không thể nói nhất định, khi nào quý vị lìa tướng, khi ấy sẽ thành tựu. Nếu quý vị vẫn chẳng bỏ được, không chịu lìa, thời gian [để đạt đến khai ngộ] sẽ dài lắm. Do vậy, thành tựu hay không, thời gian dài hay ngắn, hoàn toàn do chính mình quyết định, chẳng phải do người khác, chẳng liên quan đến người hay cảnh, hoàn toàn do chính mình! Phật pháp gọi là “vô y đạo nhân”, đúng là danh phù hợp với thật, tùy thuộc chính mình có thể bỏ lìa phân biệt, chấp trước hay là không?

Đoạn này nhằm giải thích ý nghĩa được bao hàm trong “thanh, trược, hướng, bối”. Những điều Ngài nói đều là tương đối, dùng tương đối để hiển thị tuyệt đối, đấy là một mánh khóe dạy học. Chỉ có dùng mánh khóe này thì bản thân chúng ta mới có thể khế nhập.


(Sớ) “Đại tai” nhị cú, tán từ.

() 大哉二句,讚辭。

(Sớ: Hai câu “lớn thay...” là lời ca ngợi).
Hai câu này là lời tán thán, ý nghĩa cũng hết sức sâu. Trong lời Tựa có hai câu: “Đại tai chân thể, bất khả đắc nhi tư nghị giả” (Chân thể lớn lao thay! Chẳng thể nghĩ bàn được).
(Sớ) Đại giả, đương Thể đắc danh, cụ “biến, thường” nhị nghĩa, dĩ

hoành mãn thập phương, thụ cực tam tế, cánh vô hữu pháp khả dữ vi tỷ, phi đối tiểu ngôn đại chi đại dã.

() 大者,當體得名,具遍常二義。以橫滿十方,豎極三際,更無有法可與為比,非對小言大之大也。

(Sớ: Đại là căn cứ trên Thể mà đặt tên, nó có hai nghĩa Trọn Khắp và Thường Hằng, vì theo chiều ngang trọn khắp mười phương, theo chiều dọc tột cùng ba đời, lại chẳng có pháp nào có thể sánh bằng. Sự to lớn ấy chẳng phải là do so với nhỏ mà nói là “lớn”).
Nêu rất rõ ý nghĩa của chữ Đại này. Vì không có cách nào khác, bất đắc dĩ phải dùng chữ Đại này để làm từ ngữ tán thán. Đại ở đây không phải là lớn trong “lớn, nhỏ”. Chữ “lớn” trong “lớn, nhỏ” là tương đối, vượt thoát khỏi “lớn, nhỏ” mới thật sự là lớn! Trong kinh Phật, chữ Đại trong Đại Phương Quảng mang ý nghĩa này. Trong kinh Lăng Nghiêm, chữ Đại trong Đại Phật Đảnh cũng mang ý nghĩa này, đều là xưng tán, xưng tán bản thể, xưng tán pháp tánh. Đều là “đương Thể đắc danh” (dựa trên Thể để đặt tên), “cụ biến thường nhị nghĩa” (có hai nghĩa Trọn Khắp và Thường Hằng), trong danh từ này, bao gồm hai ý nghĩa ấy.
(Diễn) Đương Thể đắc danh giả, Thường ngôn Đại giả, đối tiểu chi xưng, kim tắc bất nhiên, trực chỉ Tánh Thể, danh chi viết Đại.

() 當體得名者,常言大者,對小之稱,今則不然,直指性體,名之曰大。

(Diễn: “Do Thể mà được tên”: Do Thường Hằng mà nói là Đại, ở đây không phải là do đối với nhỏ mà nói là Đại, mà là nhằm chỉ thẳng cái Thể của Tánh nên gọi là Đại).
Câu này vừa đọc liền hiểu ngay, ý nghĩa đã giảng rồi.
(Diễn) “Cụ thường, biến nhị nghĩa” giả, Niết Bàn vân, sở ngôn Đại giả, danh chi vi Thường. Thử minh Thể vô biến dịch.

() 具常遍二義者,涅槃云,所言大者,名之為常,此明體無變易。

(Diễn: “Có hai nghĩa Thường Hằng và Trọn Khắp”: Kinh Niết Bàn nói: “Nói là Đại, đó là tên gọi diễn tả ý nghĩa Thường Hằng, nhằm chỉ rõ Thể này chẳng biến đổi”).
Trong kinh Niết Bàn có mấy câu kinh văn giống như thế này, đại sư đặc biệt nêu ra để ấn chứng ý nghĩa của chữ Đại đang được nói ở đây. Kinh nói tới Đại thì có ý nghĩa là Thường, tức là nói: Thường là vĩnh hằng chẳng biến đổi, vĩnh viễn giống như thế. “Thánh như thế, mà phàm cũng như thế”. Thành Phật [thì Tánh vẫn giống] như thế đó! Dẫu có tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, đọa trong địa ngục A Tỳ, Tánh ấy vẫn là như thế, Thể của nó vĩnh viễn chẳng biến đổi. Ở đây, chớ có hiểu lầm; nếu hiểu lầm sẽ phiền phức lớn lắm! Vừa nghe nói phàm và thánh đều như nhau, vậy thì [đọa] địa ngục A Tỳ và thành Phật cũng chẳng khác nhau, ta tạo nhiều tội nghiệp hơn một chút cũng đâu có sao? Về Lý thì giống nhau, nhưng thụ dụng khác hẳn. Ví như ta hằng ngày, buổi tối đi ngủ nằm mộng, có người nằm mộng rất vui sướng, có người hằng ngày gặp ác mộng, toàn gặp phải yêu ma, quỷ quái, toàn là những giấc mộng kinh hoàng. Vậy thì cái tâm nằm mộng, tâm nằm mộng đẹp và tâm sanh ác mộng đều cùng là một cái tâm tạo ra giấc mộng, chẳng hai. Mộng đẹp do tâm quý vị biến hiện ra, ác mộng vẫn do tâm quý vị hiện ra. Nếu xét theo tâm để nói thì không hai, nhưng quý vị có thích hằng ngày gặp ác mộng hay không? Nếu quý vị không thích bị ác mộng, quý vị hãy nghĩ vào trong ba ác đạo giống như ngủ gặp ác mộng, chẳng dễ chịu đâu! Nói theo Lý thì không hai, nhưng trên mặt Sự, thụ dụng khác biệt lớn lắm. Sự thụ dụng trong ác đạo rất đáng sợ, quý vị đọc Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh sẽ hiểu ngay. Đó là ác mộng, cơn ác mộng hết sức đáng sợ. Do vậy, phải hiểu: Tánh là một, nhưng Tướng có sai biệt. Do vậy, vẫn phải tu nhân, vẫn phải đoạn ác tu thiện thì mới có thể tương ứng với Phật pháp.
(Diễn) Hựu ngôn Đại giả, kỳ tánh quảng bác, do nhược hư không.

() 又言大者,其性廣博,猶若虛空。

(Diễn: Lại nói Đại là vì tánh ấy rộng rãi, mênh mông dường như hư không).
Đây là ý nghĩa thứ hai, tức là ý nghĩa “biến” (: trọn khắp), tận hư không, trọn pháp giới. “Thường” là nói theo phương diện thời gian, muôn đời chẳng biến đổi, chẳng cải biến.
(Diễn) Thử minh thể tánh châu biến.

() 此明體性周遍。

(Diễn: Điều này nêu rõ thể tánh trọn khắp).


Tận hư không, trọn pháp giới, mỗi một pháp trong pháp giới đều là vật được biến hiện bởi Tánh Thể (bản thể của chân tánh). Nói cách khác, chúng là Tướng Phần của Tánh Thể. Tánh Thể là con người thật sự của chính ta, nhận biết Tánh Thể thì mới thật sự kiến lập được nhân sinh quan và vũ trụ quan như các nhà khoa học hiện thời thường nói, mới có thể thật sự tìm ra ý nghĩa sanh mạng và ý nghĩa của đời người. Nếu chẳng đạt đến cảnh giới này mà bàn đến vũ trụ quan hay nhân sinh quan thì trong Phật pháp có hai chữ để phán định, tức là “hý luận”, nói đùa ấy mà! Vì sao vậy? Về căn bản, quý vị không có trình độ, bàn đến những vấn đề này thì trình độ tối thiểu phải là bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo mới được! Phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, mới có tư cách thảo luận những vấn đề này. Nói cách khác, mang thân phận học sinh lớp Một chỉ có thể lắng nghe để học hỏi. Thảo luận những vấn đề này là chuyện của Phật và các đại Bồ Tát; biên bản ghi chép cuộc thảo luận của các Ngài là kinh điển Nhất Thừa, là kinh điển Đại Thừa như chúng ta thấy trong hiện tại.

Khi tôi chưa học Phật, rất thích đọc các sách Triết Học và Tâm Lý Học, tôi cảm thấy rất bội phục, rất tôn trọng; sau khi đọc kinh Phật, bỏ sạch những sách ấy. Bây giờ quý vị bảo tôi đọc lại một lượt, tôi không đọc, vì sao? Lãng phí thời gian, trong những sách ấy đều là phỏng đoán, bịa đặt, đều là những thứ Phật pháp gọi là “hý luận”, đều là đoán mò, suy diễn. Tôi nghĩ như thế này, anh nghĩ như thế nọ, không có một ai nghĩ đúng cả. Nếu chúng ta hỏi: Những điều trong kinh Phật nghĩ có đúng hay không? Thích Ca Mâu Ni Phật có nghĩ đúng hay không? Cũng chẳng đúng! Nếu quý vị bảo là đúng, quý vị lại trật rồi! Rốt cuộc, gì mới là đúng? Đức Phật đã nói rồi đó, trong một đời Ngài chưa nói một câu pháp nào. Nếu ai nói Phật thuyết pháp tức là [kẻ đó] báng Phật. Đúng vậy, chẳng sai tí nào! Trong bốn mươi chín năm, đức Phật thật sự chưa từng nói một chữ nào! Nói suốt ngày từ sáng đến tối, nhưng không nói một chữ. Nếu quý vị hiểu được ý nghĩa này, thì đó là đúng. Nếu quý vị cho là Phật đã nói này nói nọ, tức là chấp vào tướng ngôn thuyết, chấp vào tướng danh tự, chấp vào tướng tâm duyên, có khác gì học thuyết thế gian đâu? Biến cả Đại Tạng Kinh thành hý luận! Bởi lẽ, đức Phật thuyết pháp ý nằm ngoài lời. Nếu quý vị hiểu được âm thanh nằm ngoài dây đàn, quý vị mới được coi là bạn tri âm. Chỉ có Phật, chỉ có Bồ Tát mới là tri âm của Phật. Đấy là chỗ khó khăn của Phật pháp, chỗ khó nhất trong tu học Phật pháp. Nếu chúng ta có thể thấu hiểu chỗ này, hướng về đây dụng công sẽ chẳng khó nữa. Do vậy, điều khó khăn trong Phật pháp là buông xuống.

Hôm nay có một vị cư sĩ đến chỗ tôi, gần đây, ông ta thường đến một ngôi chùa nhỏ, nghe nói nơi ấy rất vắng vẻ, tôi chưa từng đến đó, rất ít người đến nơi ấy. Ông ta tính làm cho ngôi chùa ấy được hưng vượng trở lại, tôi lắc đầu: “Không cần thiết!” Ngôi chùa ấy chỉ có một vị pháp sư, vị tỳ-kheo-ni ấy đã cao tuổi lắm rồi, bà ta muốn lập Niệm Phật Đường tại đó. Tôi nói: “Cần gì phải làm vậy?” Bà ta xuống tóc với pháp sư Quảng Khâm. Cụ Quảng Khâm là một vị cao tăng hữu đạo, năm nay đã hơn chín mươi bốn tuổi, thời gian Ngài trụ thế chẳng còn bao lâu nữa, vì sao không đến thân cận lão nhân gia? Chính mình muốn tách rời thầy để dựng một ngôi chùa nhỏ. Nếu bà ta thật sự giác ngộ Pháp Thân huệ mạng là khẩn yếu, sẽ nhanh chóng bỏ ngôi chùa nhỏ ấy. Ở phương Nam, hiện thời lão pháp sư đã lập một ngôi Niệm Phật Đường, nghe nói có sáu bảy chục người cùng tu ở đó, đến nơi đó sẽ tốt hơn nhiều! Chính mình dựng một ngôi chùa nhỏ, trong chùa củi, gạo, dầu, muối thứ gì cũng phải bận tâm. Bà ta đến nơi kia cùng đại chúng niệm Phật, chuyện gì cũng chẳng phải bận tâm. Suốt ngày từ sáng đến tối một câu A Di Đà Phật, chắc chắn vãng sanh, đấy mới là người thông minh. Ông ta lắc đầu, buông xuống không được! Buông xuống không được thì Tây Phương Cực Lạc thế giới chắc chắn chẳng có phần. Sau khi chết đi, ở nơi ấy, trên núi là nơi không có ai đến, cũng không có dân chúng qua lại nơi đó, chuyển thế đầu thai lần nữa, trên núi có những loài như sóc, chuột, rắn, trong nhà có gián, chỉ đành là đầu thai vào những loài ấy, vì sao vậy? Bỏ không được nơi ấy, đáng thương! Thật sự đáng thương!

Lão hòa thượng Hư Vân cả đời đi khắp nơi dựng chùa, sửa miếu, tu bổ xong xuôi, ngay lập tức kiếm người trẻ tuổi nào không có chỗ trụ, mời đến giao lại, lão nhân gia bỏ đi. Chỉ cần xây dựng xong bèn bỏ đi, không hỏi đến nữa, như vậy là đúng, quyết định chẳng lưu luyến. Lập đạo tràng cho ai? Nhằm tạo thuận tiện cho người khác tu hành, cúng dường người tu hành trong mười phương, chính mình quyết định chẳng tiêm nhiễm, thân tâm thanh tịnh, lão nhân gia nêu tấm gương sáng cho chúng ta, phải bỏ được, phải buông xuống được! Người có thể buông xuống được sẽ thật sự có phước! Suốt ngày từ sáng đến tối đeo cõng cả đống bao, bị, người ấy đáng thương, chẳng có phước báo! Người có phước báo là người một thân thong dong, thân tâm không vướng mắc, người ấy có phước. Mê là gì? Ngộ là gì? Chúng ta phải có năng lực phân biệt, chọn lựa, phải thường tự mình phản tỉnh, phá mê khai ngộ.

Tánh đã đầy đủ hết thảy pháp, hết thảy pháp là vật được biến hiện bởi chân tánh. Do vậy, chớ nên tham luyến, chớ nên chấp trước. Năng biến (có thể biến hiện) chẳng phải là khuyết điểm mà là công đức. Sau khi biến hiện, người ta chấp trước, tham luyến, đó là bệnh, bệnh ở chỗ này. Tổ sư nói “có thể sanh ra vạn pháp”, đấy là công đức của nó, “vốn sẵn thanh tịnh”, “vốn sẵn đầy đủ”, “có thể sanh ra vạn pháp”, đó là công đức. Vốn chẳng có chấp trước! Ngài chẳng nói là vốn sẵn chấp trước, chẳng nói là sẵn có phân biệt, chẳng nói là sẵn có vọng tưởng, không hề có! “Vốn sẵn thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn không có một hay khác”, hãy quán sát từ những chỗ này thì nói chung sẽ giác ngộ đôi phần.
(Diễn) Vô pháp khả tỷ giả.

() 無法可比者。

(Diễn: “Không có pháp nào có thể sánh bằng” là...)
Pháp thế gian và xuất thế gian không có một pháp nào có thể sánh bằng chân tánh.
(Diễn) Thế gian tối đại, mạc nhược hư không. Kinh vân: “Mê vọng hữu hư không”.

() 世間最大,莫若虛空。經云,迷妄有虛空。

(Diễn: Lớn nhất trong thế gian, không gì bằng hư không. Kinh dạy: “Do mê vọng nên có hư không”).


Câu này trích từ kinh Lăng Nghiêm, hư không do đâu mà có? Sau khi mê bèn hiện ra vọng tướng (tướng hư vọng), tướng hư không. Do vậy, hư không có sanh diệt hay chăng? Có sanh diệt! Do hư không có thời gian tồn tại quá dài nên quý vị chẳng thể dễ dàng nhận biết được. Khi nào hư không diệt, quý vị liền thành Phật đạo.
(Diễn) Không nãi hữu thỉ, thử pháp vô thỉ.

() 空乃有始,此法無始。

(Diễn: Hư không có khởi đầu, nhưng pháp này không có bắt đầu).
Đây là nói hư không có khởi đầu, có kết thúc. Hư không có sanh, có diệt. Hư không bắt đầu từ lúc nào? Bắt đầu từ lúc chúng ta mê mất bổn tánh, khi nào hư không chẳng còn? Khi nào hoàn toàn giác ngộ bổn tánh, hư không sẽ chẳng còn nữa. Trong hết thảy pháp, hư không sanh đầu tiên; trong hết thảy pháp, hư không diệt cuối cùng. Do vậy, hư không được gọi là “ngoan không” (cái Không trơ trơ), chẳng gọi là “chân không”. Chân Không là nói tới tự tánh, không có sanh diệt, không đến đi, không đổi khác. Chân Không là quang minh, ngoan không tối tăm nên gọi là vô minh. Hư không của chúng ta là một khối đen kịt, gọi là vô minh. Nói đến hư không thì nó cũng có khởi đầu, “không nãi hữu thỉ”. “Thử pháp vô thỉ” (Pháp này không có khởi đầu): Chân Như bổn tánh vô thỉ, không khởi đầu đương nhiên cũng chẳng có kết thúc. Hễ có khởi đầu ắt phải có kết thúc.
(Diễn) Hựu vân: “Nhất nhân phát chân quy nguyên, thập phương hư không tất giai tiêu vẫn”.

() 又云,一人發真歸元,十方虛空悉皆消殞。

(Diễn: Lại nói: “Một người nhận ra lẽ chân, trở về nguồn thì mười phương hư không đều tiêu sạch”).
Đây cũng là câu trích từ kinh Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm dạy: Một người thành Phật, nhà Thiền gọi “phát chân” là “kiến tánh”, chữ “nguyên” trong “quy nguyên” là bổn nguyên (nguồn cội gốc), tức là tự tánh. Khi ấy, mười phương hư không thảy đều tiêu sạch.
(Diễn) Không nãi hữu chung.

() 空乃有終。

(Diễn: Hư không có kết thúc).
Câu này có ý nghĩa giống như Vĩnh Gia đại sư đã viết trong bài Chứng Đạo Ca: “Giác hậu không không vô đại thiên” (Giác rồi, tam giới rỗng tang hoang). “Phát chân quy nguyên” là giác ngộ, đại triệt đại ngộ. Sau khi đại triệt đại ngộ, đại thiên thế giới không còn nữa, giống như người nằm mộng, chợt tỉnh giấc, tỉnh rồi cảnh giới trong mộng không còn nữa, hư không trong mộng cũng chẳng còn. Tất cả hết thảy pháp trong mộng đều là pháp sanh diệt, ngay cả hư không trong mộng cũng là pháp sanh diệt. Cảnh tượng ấy hết sức gần gũi [với những điều được diễn tả sau khi giác ngộ].
(Diễn) Không nãi hữu chung, thử pháp vô chung, thị “thụ cùng vô pháp khả tỷ” dã.

() 空乃有終,此法無終,是豎窮無法可比也。

(Diễn: Hư không có kết thúc, pháp này không kết thúc, tức là “theo tột cùng chiều dọc, không có pháp nào sánh bằng”).
Trong phần trước nói đến “trọn khắp”, là nói theo không gian, không có pháp nào có thể sánh bằng chân tánh. Ở đây là nói theo thời gian, cũng không có cách nào so sánh với chân tánh. Chân tánh không khởi đầu, không kết thúc, không trong hay ngoài. Những câu kinh được dẫn ở chỗ này đều trích từ kinh Lăng Nghiêm.
(Diễn) Hựu vân: “Thập phương hư không sanh nhữ tâm nội, do như phiến vân điểm thái thanh lý”.

() 又云:十方虛空生汝心內,猶如片雲點太清裡。

(Diễn: Kinh lại nói: “Mười phương hư không sanh trong tâm ngươi, giống như áng mây điểm giữa hư không”).
So sánh giữa hai thứ “hư không” và “chân tánh”, chân tánh quá lớn. Chân tánh giống như trọn hư không, còn hư không hiện thời của chúng ta thì giống như một áng mây giữa hư không. So sánh giữa hư không theo sự cảm nhận của chúng ta và Chân Như bổn tánh thì quả thật rõ ràng là hư không quá bé nhỏ; nói đơn giản, thẳng thừng thì là tỷ lệ chẳng cân xứng.
(Diễn) Không nãi hữu tế.

() 空乃有際。

(Diễn: Hư không có ngằn mé).
Hư không có ngằn mé. Hiện thời, có rất nhiều nhà khoa học nhận biết hiện tượng này. Vũ trụ của chúng ta có ngằn mé. Khoa học thăm dò vũ trụ trong nhiều năm như vậy, chẳng thể không bội phục họ. Hư không quả thật có ngằn mé. Trong kinh Phật đã nói rõ ràng điều này từ lâu, nhưng ở ngoài ngằn mé lại có thứ khác, chứ không phải là chẳng có gì, có gì vậy? Chân Như bổn tánh không có ngằn mé. Khi nào quý vị có thể đột phá vũ trụ, nói thật ra, nhà Thiền gọi hư không là “vô minh khoa” (無明窠: cái ổ vô minh). Vượt thoát cái ổ vô minh ấy sẽ kiến tánh. Hiện thời, các nhà khoa học đã biết hư không có ngằn mé, điều này đúng là chẳng dễ dàng, họ thật sự rất thông minh. Tuy họ biết nó có ngằn mé, nhưng hiện thời, rốt cuộc ngằn mé là như thế nào, họ mò không ra! Chỉ là nói theo lý luận thì hư không có ngằn mé. Hiện thời, họ vẫn chưa hiểu rõ, chỉ là dựa trên lý luận để nói thì hư không có ngằn mé, chứ chẳng biết ngằn mé của nó nằm ở đâu! Có nhiều giả thiết (假設, conjecture, hypothesis), nhưng những giả thiết ấy hoàn toàn chưa khẳng định. Mai sau cũng sẽ có những nhà khoa học hay triết gia lại lật đổ những giả thiết ấy, lại có những thuyết mới được lập ra. Do vậy, khoa học chỉ suy luận, chứ chưa thể kết luận. Nói cách khác, đều là suy đoán, suy đến đâu bèn phát hiện đến đó, mò đến đâu bèn phát hiện tới đó, chưa có kết luận. Phật pháp đã có kết luận, quyết chẳng phải là đoán mò.

Những nhà khoa học hết sức thông minh, đáng tiếc là họ chẳng đọc kinh Phật! Nếu họ đọc kinh Phật, do họ trí huệ thông minh hơn những kẻ tầm thường như chúng ta rất nhiều, nếu họ học Phật sẽ dễ dàng lắm. Họ không có thiện căn, phước đức, nhân duyên, sanh trưởng trong những nơi không có Phật pháp, không có cơ hội tiếp xúc. Chúng ta sanh trưởng ở nơi có Phật pháp, đầu óc không được thông minh như họ, năng lực giác ngộ thua người ta. Do vậy, đem khoa học hiện đại đối chiếu với kinh Phật, chúng ta đúng là chẳng thể không bội phục Thích Ca Mâu Ni Phật, không nói được câu nào! Những phát hiện của các nhà khoa học đều chẳng thể vượt khỏi phạm vi Phật pháp. Nhiều học thuyết được nêu ra trong thời cận đại đều nằm trong Phật pháp!


(Diễn) Thử pháp vô tế, thị “hoành biến vô pháp khả tỷ” dã. Dụ kim, dụ nguyệt, diệc phục như thị vô khả tỷ dã.

() 此法無際,是橫遍無法可比也。喻金喻月,亦復如是無可比也。

(Diễn: Pháp này không bờ mé, tức là “theo chiều ngang trọn khắp, không có pháp nào có thể sánh bằng”. Ví như vàng, ví như mặt trăng thì cũng giống như vậy: Chẳng thể sánh ví!)
Hết thảy các tỷ dụ chỉ có thể sánh ví hơi giống, chắc chắn chẳng thể sánh ví phù hợp khít khao được, tức là chẳng thể so sánh được! Chúng ta chớ nên nghĩ tỷ dụ là chân thật, phải từ tỷ dụ mà ngộ nhập pháp chân thật thì mới thật sự lãnh hội tác dụng của tỷ dụ ấy. Đến đây là giảng về ý nghĩa của chữ Đại, nó có hai ý nghĩa Trọn Khắp và Thường Hằng. Lại coi phần giảng về “chân thể”.
(Sớ) “Chân” giả, bất vọng. Dĩ tam giới hư ngụy, duy thử chân thật.

(Diễn) “Tam giới hư ngụy, duy thử chân thật” giả: Hư giả, bất thật, như không trung hoa, bổn vô sở hữu.

() 真者,不妄。以三界虛偽,唯此真實。

() 三界虛偽,唯此真實者:虛者不實,如空中花,本無所有。

(Sớ: “Chân” là chẳng vọng. Do ba cõi hư dối, chỉ có pháp này là chân thật.

Diễn: “Ba cõi hư dối, chỉ có pháp này chân thật”: Hư là chẳng thật; như hoa đốm trên không vốn chẳng có).
Đoạn này giảng chữ “hư” (虛). “Không trung hoa” là gì? Con mắt bị bệnh, thấy trên hư không có rất nhiều đốm sáng (hoa đốm) hiện ra, nhìn vào đèn, thấy đèn có quầng tròn. Thấy những hiện tượng ấy! Trên hư không có hoa đốm hay không? Không có! Nhưng con mắt quý vị thấy quả thật có hoa đốm. Khi mắt lành sẽ không thấy nữa, khi mắt bệnh sẽ thấy có. Ngọn đèn quả thật không có quầng tròn, nhưng mắt bệnh nhìn thấy đèn có quầng tròn; người bị bệnh mắt có kinh nghiệm ấy. Đó gọi là “hoa”. “Quầng sáng” là hư vọng, hoàn toàn chẳng có, nhưng quý vị lại thấy là có. Đó chính là ý nghĩa của chữ “hư”.
(Diễn) Ngụy giả, bất chân, như thâu tự kim, tất cánh phi kim.

() 偽者不真,如鍮似金,畢竟非金。

(Diễn: Ngụy là không thật, như đồng thau trông giống như vàng, nhưng rốt cuộc chẳng phải là vàng).
Ngụy” () là không chân thật, thường nói gộp chung là “hư ngụy”. Một đằng là về căn bản chẳng có, một đằng là quyết định chẳng chân thật. Hiện thời, hai chữ này hình dung điều gì? Tam giới! Trên sự thật, chúng ta rất khó thể hiểu được, cũng khá khó tiếp nhận. Trong tam giới gồm có lục đạo, Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, ba cõi chẳng chân thật, ba cõi là hư ngụy.

Các nhà khoa học cận đại có một tỷ dụ, tỷ dụ rất hay, gọi là Lịch Vũ Trụ (Cosmic Calendar), tức là từ khi bắt đầu có vũ trụ, một mực phát triển mãi cho đến thời gần đây, đem thời gian ấy chia thành một năm gồm ba trăm sáu mươi ngày, trong tháng nào đó, năm nào đó, vũ trụ phát triển như thế nào. Thời gian phát triển như thế nào? Mấy trăm ức năm được rút gọn thành ba trăm sáu mươi ngày. Trên địa cầu, từ khi có nhân loại cho đến nay, chiếm bao nhiêu thời gian trong Lịch Vũ Trụ? Trong vòng mười giây! Từ khi địa cầu có con người phát triển mãi cho đến ngày nay, từ thời gian ấy cho đến hiện tại chưa đầy mười giây! Nếu rút gọn thời gian như thế, sẽ rất gần gũi với cách nói trong kinh Hoa Nghiêm: Phá một vi trần, hiện ra vô lượng vô biên cõi nước, rất có ý vị, cho thấy hết thảy pháp hư vọng, chẳng thật. Đời người một trăm năm, [xét theo] Lịch Vũ Trụ thì chưa được một sát-na, mỗi một sát-na của người ta là mấy vạn năm. Đời người trăm năm, chưa đầy một sát-na, đâu có chân thật để đáng nói tới! Chúng ta phải giác ngộ.



Kinh Kim Cang giảng: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ, diệc như điển, ưng tác như thị quán” (Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như vậy). Lời nói này muôn vàn chân thật, xác đáng! Pháp hữu vi chỉ cho điều gì? Chính là tam giới. Tam giới là pháp hữu vi. Tam giới đem phân tích, chẳng ngoài tâm pháp, sắc pháp, tâm sở hữu pháp, bất tương ứng hành pháp. Lại thêm vào mấy thứ vô vi pháp (những pháp này thật sự chẳng phải là vô vi, chỉ là tương tự vô vi). Điều này cũng cho thấy tam giới chẳng phải là chân thật. Đã là hư ngụy, chẳng thật sự tồn tại thì nếu chúng ta phân biệt, chấp trước, tham luyến, há chẳng phải là lầm lẫn quá đỗi! Giống như nằm mộng, trong mộng là hư ngụy, trong mộng lo được, lo mất, trong mộng tranh danh, đoạt lợi, đánh nhau vỡ đầu, tuôn máu, tỉnh giấc bèn chẳng có gì hết, thứ gì cũng chẳng có, chuyện là như vậy đó! Đời người như nằm mộng, mê hoặc, điên đảo! Giác ngộ rồi giống như tỉnh mộng. Đã tỉnh giấc mộng, thấy những cảnh giới trong mộng rất thú vị, du hý thần thông mà! Chính mình chẳng có chuyện gì hết, thấy người khác đang mơ giấc mộng lớn, thấy người khác đang điên đảo, thị phi, đấy chính là Phật, Bồ Tát. Tiếp theo, Ngài nêu lên mấy thí dụ trong thực tế.
(Diễn) Sở vị Thái Sơn hữu băng liệt.

() 所謂太山有崩裂。

(Diễn: Như nói Thái Sơn có khi nứt sụp).
Trong các rặng núi tại Trung Quốc, Thái Sơn (Đông Nhạc) là quả núi hết sức nổi danh trong Ngũ Nhạc, là một quả núi lớn. Thái Sơn có khi nứt sụp, hoàn toàn chẳng kiên cố.
(Diễn) Đại hải hữu khô kiệt.

() 大海有枯竭。

(Diễn: Biển cả có khi khô cạn).
Biển cả có lúc khô cạn, ở đâu biển cả khô cạn? Có đấy! Ở Trung Quốc, nổi tiếng nhất là Hàn Hải30 nằm giữa Mông Cổ và tỉnh Cam Túc, là nơi tiếp cận tỉnh Sơn Tây, là một vùng sa mạc hết sức rộng lớn. Theo lịch sử ghi chép, trước kia nơi này là biển cả, hiện thời đã không còn nước nữa. Hoàng Hà thường ngập lụt, nếu có thể đem nước Hoàng Hà dẫn vào đó. Hiện thời, khi nào công trình thủy lợi có đủ sức sẽ dẫn nước Hoàng Hà vào nơi đó, vùng sa mạc ấy lại khôi phục, biến thành biển cả, có thể vĩnh viễn chấm dứt nạn lụt lội của sông Hoàng Hà, tạo thành một bình nguyên rộng lớn tại nơi đó. Chúng ta nghĩ đến chuyện sa mạc Hàn Hải vào thời cổ là biển cả. Hiện thời ở Phi Châu có khá nhiều sa mạc, hoặc sa mạc Đại Qua Bích (Gobi) ở Tân Cương, chỉ sợ rằng trong quá khứ chúng đều là biển cả. Quý vị nghĩ đến ngày nào đó biển cả khô cạn; đó gọi là “thương hải, tang điền” (biển xanh, ruộng dâu).
(Diễn) Nhất thiết vinh hoa, giai hữu suy tạ.

() 一切榮華,皆有衰謝。

(Diễn: Hết thảy vinh hoa, đều có lúc suy sụp).
Đây là nói về đời người. Con người thọ mạng càng ngắn ngủi hơn nữa. Nếu quý vị chú tâm suy nghĩ, vinh hoa, phú quý, như hoa Đàm thoáng hiện. Hoa Đàm nở trong một thời gian rất ngắn ngủi, nửa đêm hoa nở, ngày hôm sau đã không thấy nữa, chẳng còn nữa.
(Diễn) Nhất thiết quyến thuộc, giai hữu biệt ly dã.

() 一切眷屬,皆有別離也。

(Diễn: Hết thảy quyến thuộc đều có lúc chia lìa).
Phải giác ngộ! Tục ngữ có câu: “Ân ái phu thê bất đáo đầu!” [nghĩa là tình ân ái vợ chồng] chẳng thể tồn tại mãi được, rốt cuộc phải biệt ly. Đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng là huyễn tưởng trong chuyện tiểu thuyết, chẳng phải là sự thật. Đừng tưởng là thật, quý vị tưởng là thật thì sai mất rồi, chẳng thật đâu! Truyện tiểu thuyết viết “bảy đời làm vợ chồng”, tiểu thuyết gia bịa chuyện nói càn, họ chẳng chịu trách nhiệm trước pháp luật, cũng chẳng chịu trách nhiệm nhân quả. Phật pháp nói “duyên tụ, duyên tán”, đã có tụ, lẽ đâu chẳng có tán? Do vậy, nhất định phải giác ngộ. Điều này giảng rõ trong tam giới, hữu tình và vô tình, sơn hà đại địa là vô tình, chủ yếu là khoáng vật, vô thường. “Vinh hoa, suy tàn” có thể ví với thực vật, “hết thảy quyến thuộc đều phải chia lìa” là động vật. Nay chúng ta chia [mọi pháp hữu hình trong vũ trụ] thành ba loại lớn: động vật, thực vật, khoáng vật, chúng đều chẳng phải là chân thật, đều phải hư hoại. Trong kinh Phật nói động vật có “sanh, lão, bệnh, tử”, thực vật có “sanh, trụ, dị, diệt”, khoáng vật có “thành, trụ, hoại, không”, đều là vô thường, đều chẳng phải là chân thật, đều là tạm có, vốn là không!
(Diễn) Duy hữu Chân Như chư pháp trung thật.

() 唯有真如諸法中實。

(Diễn: Trong các pháp, chỉ có Chân Như là thật ).
Nói đến Chân Như bổn tánh, ở trong hết thảy các pháp, bất luận động vật, thực vật, hay khoáng vật, trong hết thảy các pháp, chỉ có Chân Như bổn tánh là thật sự tồn tại, chẳng giả!
(Diễn) Sở vị “hữu vật tiên thiên địa, vô hình bổn tịch liêu, năng vi vạn tượng chủ, bất trục tứ thời điêu” thị dã.

() 所謂有物先天地,無形本寂寥,能為萬象主,不逐四時凋是也。

(Diễn: Nói “có một vật tồn tại trước khi có trời đất, vô hình, vốn vắng lặng, mênh mông, có thể làm chủ của muôn hình tượng, chẳng bị tàn tạ theo bốn mùa” chính là nói về nó đấy).
Chữ “vật” (物) ở đây chỉ Chân Như bổn tánh, nó có trước trời đất, khi chưa có trời đất đã có nó. Nó là cái có thể biến (Năng Biến), trời đất là cái được biến hiện. “Vô hình, bổn tịch liêu”. “Tịch” (寂) là bất động, “liêu” (寥) là rộng lớn không có bờ mé. Chân tánh không có hình tướng, không chỗ nào chẳng trụ. “Năng vi vạn tượng chủ, bất trục tứ thời điêu”: Đây là bốn câu kệ của đại sư Tăng Triệu đã viết trong Triệu Luận. Ngài là đồ đệ của Cưu Ma La Thập đại sư, cũng là một vị thiên tài vào thời cổ ở Trung Quốc, là người thông minh tột bậc! Ngài tham gia đạo tràng dịch kinh của La Thập đại sư , là đệ tử đắc ý của La Thập đại sư, qua đời khi còn rất trẻ, ba mươi mấy tuổi đã khuất bóng, là người thông minh tuyệt đỉnh. Bốn câu kệ này miêu tả Chân Như bổn tánh. “Vạn tượng” chính là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. “Năng vi vạn tượng chủ”: Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do nó (Chân Như bổn tánh) biến hiện ra, nó là chủ thể có khả năng biến hiện (năng biến). “Bất trục tứ thời điêu”, “điêu” (凋) là điêu linh, biến đổi hư hoại. Muôn hình tượng bị biến đổi hư hoại, còn Chân Như bổn tánh chẳng biến đổi hư hoại, nên gọi là Chân Như. Nói những lời này, cho thấy căn cứ lý luận của kinh A Di Đà là Chân Như, là bổn tánh. Đã dựa trên Chân Như bổn tánh để kiến lập thì sử dụng phương pháp lý luận của bộ kinh này nhất định sẽ có thể minh tâm kiến tánh, nhất định có thể chứng được Chân Như. Chúng ta muốn kiến lập tư lương Tín trong ba món tư lương của bộ kinh này thì đã có căn cứ lý luận xác thực. Do vậy, mới nói: “Tam giới hư ngụy, chỉ pháp này là chân thật”.
(Sớ) Sở vị phi huyễn bất diệt, bất khả phá hoại, cố vân Chân dã.

() 所謂非幻不滅,不可破壞,故云真也。

(Sớ: Đã nói là “chẳng phải huyễn, bất diệt” thì chẳng thể phá hoại, nên nói là Chân).
Dưới đây là phần chú giải cho hai câu này, đại sư cũng nêu ra kinh luận để chỉ dạy chúng ta.
(Diễn) Phi huyễn bất diệt, xuất Viên Giác kinh.

() 非幻不滅,出圓覺經。

(Diễn: Chữ “phi huyễn, bất diệt” lấy từ kinh Viên Giác).
Phi huyễn bất diệt” là một câu trong kinh Viên Giác.
(Diễn) Kinh vân: “Huyễn thân diệt cố, huyễn tâm diệc diệt. Huyễn tâm diệt cố, huyễn trần diệc diệt. Huyễn trần diệt cố, huyễn diệt diệc diệt. Huyễn diệt diệt cố, phi huyễn, bất diệt”.

  () 經云:幻身滅故,幻心亦滅,幻心滅故,幻塵亦滅,幻塵滅故,幻滅亦滅,幻滅滅故,非幻不滅。

(Diễn: Kinh dạy: “Do huyễn thân diệt, nên huyễn tâm cũng diệt. Do huyễn tâm diệt, nên huyễn trần cũng diệt. Do huyễn trần diệt nên sự hoại diệt hư huyễn cũng diệt. Do sự hoại diệt hư huyễn đã diệt, nên chẳng có huyễn mà cũng chẳng có diệt).
Mấy câu kinh này ý nghĩa mỗi tầng một sâu hơn, có sự thú vị giống với phần “lục kết tam không31 trong kinh Lăng Nghiêm. Chữ “thân” chỉ thân thể Tứ Đại của chúng ta, tức nhục thân, đây là nêu lên một ví dụ nông cạn nhất để nói. Cái thân của chúng ta có sanh diệt, dẫu thọ mạng dài đến đâu vẫn có sanh diệt. Chư thiên thọ mạng dài, người trong Tứ Thiền Thiên thọ mạng càng dài hơn nữa, thân của họ có diệt hay không? Diệt chứ! Vẫn là có sanh diệt! Thọ mạng dài hay ngắn, thưa quý vị, cũng là hư vọng, chẳng thật. Nếu quý vị thật sự hiểu rõ đạo lý này, thọ mạng sẽ không có dài hay ngắn. Nếu quý vị không tin tưởng, hãy tự thí nghiệm, sẽ hiểu liền. Khi quý vị nằm mộng, trong mộng, cổ nhân nói là “hoàng lương mộng” (giấc mộng kê vàng): Một chàng Tú Tài nghèo khổ nằm mộng thấy mình lên kinh đô dự thi. Thi đậu, được hoàng đế sủng ái, bổ làm Tri Huyện, làm quan khá lắm, mấy năm sau lại được thăng chức. Dần dần thăng đến chức Tể Tướng, dưới một người, trên vạn người. Làm Tể Tướng hai mươi năm cáo lão hồi gia, trở về quê hương. Quý vị hãy đọc chuyện Hoàng Lương Mộng. Khi tỉnh giấc, nồi hoàng lương tức cao lương mễ (hạt kê) nấu bên cạnh vẫn chưa chín, thời gian ấy bất quá mấy phút, mà trong mộng đã trải qua mấy chục năm. Trong mộng cảm thấy đúng là mấy chục năm, tỉnh giấc mới được vài phút, chẳng có dài hay ngắn gì hết!

Nay chúng ta thấy chư thiên thọ mạng dài ngần ấy, rất hâm mộ! Nếu quý vị là chư thiên, trong lúc hưởng thọ mạng ấy, sẽ cảm thấy chẳng khác gì hiện thời, hoàn toàn giống hệt nhau. Con phù du (con vờ) sống trên mặt nước, chạy qua chạy lại trên mặt nước, sáng nở, tối chết, tuổi thọ chỉ được mấy tiếng đồng hồ. Chúng nó thấy thọ mạng của loài người chúng ta giống như chúng ta quan sát thọ mạng [của chư thiên] trong cõi trời Ma Hê Thủ La (Maheśhvara: Đại Tự Tại Thiên), người ta thọ mạng dài ngần ấy, thần tiên quá! Loài phù du nhìn con người chúng ta, chẳng nghĩ là thần tiên ư? Chúng nó chỉ sống được mấy tiếng đồng hồ, chúng ta thọ mấy chục năm, [so với chúng nó] đâu khác gì thần tiên, há chẳng giống hệt như chúng ta nhìn Sắc Giới Thiên ư? Tuy vậy, cảm nhận của chúng nó hoàn toàn giống như chúng ta, chúng nó cảm nhận mấy tiếng đồng hồ là một đời, chúng ta sống mấy chục năm cũng là một đời, chư thiên sống mấy ngàn năm, mấy vạn năm, cũng cảm nhận chỉ là một đời. Trong khi cảm nhận, dài hay ngắn chẳng có gì khác biệt. Chúng ta so sánh thì thấy dường như khác biệt rất xa, nhưng sự cảm nhận chắc chắn chẳng khác biệt cho mấy! Chúng ta cảm thấy mấy chục năm như trong khoảng khảy ngón tay, họ cảm nhận bao nhiêu đại kiếp cũng giống như trong khoảng khảy ngón tay.

Huyễn thân diệt”: Thế nào là “huyễn thân diệt”? Duy Thức Luận nói rất hay, “đệ bát thức tiên lai, hậu khứ, tác chủ công” (Thức thứ tám đến trước, đi sau, làm ông chủ). Khi đầu thai, thức thứ tám đến trước, đến khi chết, nó đi sau cùng. Quý vị phải hiểu: Năm thức trước, thức thứ sáu, và thức thứ bảy diệt trước. “Huyễn tâm diệc diệt”: Chữ “huyễn tâm” chỉ tâm phân biệt, tâm chấp trước, tâm vọng tưởng, chỉ cho những thứ ấy, tức thức thứ sáu, thứ bảy và năm thức trước. “Huyễn tâm diệt cố, huyễn trần diệc diệt”: “Trần” là gì? Khi Tứ Đại, Ngũ Uẩn phân tán, con người sau khi chết nhục thân cũng phân tán, cũng dần dần bị tiêu mất, huyễn trần cũng diệt luôn! “Huyễn trần diệt cố, huyễn diệt diệc diệt”: Đây là nói về “diệt kết” trong lục kết tam không, nói thật cặn kẽ.

Trong Phật pháp nói đến Lân Hư Trần, tức là cái nhỏ nhất trong những thứ cực vi, nó do đâu mà có? Nó là Tướng Phần, Tướng Phần do Kiến Phần biến hiện ra. Kiến và Tướng có cùng một nguồn. Trong Duy Thức nói Kiến và Tướng đều do Tự Chứng Phần32 biến hiện. Tự Chứng Phần là bản thể, Kiến Phần là tinh thần, là tâm pháp, Tướng Phần là sắc pháp. Tâm pháp và sắc pháp vốn là một pháp. Chữ “Kiến Phần” chỉ Kiến Phần của Thất Chuyển Thức (bảy thức trước, tức Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, Mạt Na) và A Lại Da Thức. Tướng Phần bao gồm hết thảy sắc pháp. Kiến Phần và Tướng Phần cũng diệt. Sự hoại diệt ấy chính là như Vĩnh Gia đại sư nói: “Giác hậu không không vô đại thiên” (giác rồi ba cõi rỗng tan hoang). “Huyễn diệt diệt cố”: Huyễn diệt cũng đã diệt rồi, cũng không có, đến cuối cùng trở thành gì? “Phi huyễn, bất diệt”, Chân Như bổn tánh chẳng phải là huyễn pháp, mà là gì? Nó chẳng phải là pháp hữu vi, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Chân Như bổn tánh chẳng phải là pháp hữu vi, cho nên nó chẳng diệt.


(Diễn) Cái vị thử tánh vô hữu biến dị, tất cánh thường trụ.

() 蓋謂此性無有變異,畢竟常住。

(Diễn: Ấy là nói tánh này chẳng đổi khác, rốt ráo thường trụ).
Đây là nói về Chân Tánh, nói tới năng lực sẵn có của chúng ta, đấy mới là chính mình. Nhà Thiền gọi nó là “bổn lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”, đấy là vị Phật sẵn có, là Như Như Phật, là Tự Phật, chẳng phải là Tha Phật.
(Diễn) Bất đồng chư huyễn chung tiêu diệt dã.

() 不同諸幻終消滅也。

(Diễn: Chẳng giống với các huyễn, rốt cuộc bị tiêu diệt).
Chẳng giống với hết thảy huyễn pháp, tức là chẳng giống hết thảy pháp hữu vi. Hết thảy pháp hữu vi sanh diệt, đổi khác, Chân Như bổn tánh quyết định không có sanh diệt, đổi khác. Do vậy, kinh Viên Giác gọi nó là “chân tâm thường trụ”, kinh Lăng Nghiêm cũng sử dụng danh từ “chân tâm thường trụ”. Kinh Viên Giác dùng những từ ngữ như “Viên Giác tánh” hoặc “tâm thanh tịnh” đều nhằm chỉ nó. Trong kinh Di Đà, nó được gọi là “nhất tâm bất loạn”. Quý vị phải nhớ, nhất tâm bất loạn là chân tâm thường trụ, là Phật tánh của chính mình, là bổn lai diện mục của chính mình. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối cầm xâu chuỗi niệm Phật, cầu điều gì? Khôi phục bổn lai diện mục của chúng ta, khôi phục vị Phật sẵn có như đức Thế Tôn đã dạy, mang ý nghĩa này. “Bất đồng chư huyễn chung tiêu diệt dã”. Câu này nói rõ chân tánh chẳng phải là huyễn, cho nên nó chẳng diệt. “Chẳng thể phá hoại”, quyết định chẳng hoại. Hôm nay đã hết giờ rồi!
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Phần 5 hết

---o0o---




tải về 12.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương