Yêu Và Được Yêu Cho Và Nhận



tải về 40.58 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích40.58 Kb.
#38807

Yêu Và Được Yêu

Cho Và Nhận

Sân khấu với tôi chỉ có không khí Tết nhứt mới thật là gần gũi vì cứ mỗi khi có gió chướng thổi về lành lạnh thì hồi còn đi học ở trường trung học Kiến hòa, tôi thường hay nôn nao lo lắng tập dượt để trình diễn thi đua trên sân khấu trường, nào kịch, nào đơn ca, vũ...Bàn về sân khấu người ta hay nghĩ đến nghệ thuật, mà thời còn nhỏ tôi đã tham gia trong lãnh vực này. Nói riêng về phần tôi thì vốn dĩ nó đã nằm trong dòng máu của ba tôi, xưa kia ông đã từng làm ông bầu gánh hát cải lương, mang đoàn đi lưu diễn đó đây, một thời giang hồ lãng tử.

Lúc tôi, út gái, lớn hơn chút xíu, người mới dẹp gánh hát về lại Bến Tre với mẹ và gia đình. Tôi không nhớ gì cả thời ba còn làm bầu gánh hát, chị em tôi hay lôi đồ đạc của đào kép đồ còn sót lại, ra mặc thử rồi nào gươm giáo áo mão linh tinh, rồi ử ử hát vọng cổ, giả bộ làm Tiết Đinh San sánh duyên cùng Phàn Lê Huê.

Vậy đó mà chúng tôi lớn dần theo thời gian, phần tôi ở trong lớp nói nhỏ nhau nghe thôi, vừa dốt vừa làm biếng, thí dụ khi cô giáo cho bài thủ công về nhà làm chờ ngày đến nộp bài tập như mẫu thêu mũi xương cá hay mũi dây chuyền, hay gì gì đó...Trời ơi, tui ghét ai bắt tôi làm cái gì mà ấn định thời gian đến đó thì phải xong, phải nộp, rồi khi đến ngày nộp bài, dĩ nhiên là tôi không có gì nộp cho cô rồi. Cô giáo nhìn tôi hỏi:

-Trò không có bài nộp, vậy trò có biết hát không, lên đây trình diễn cho cả lớp xem (lúc này tôi đang học lớp tư trường tỉnh Bến tre.)

Hát thì hát chớ sợ ai, tôi mạnh dạn đứng lên bước ra giữa lớp, vừa vung tay vừa hát vừa ra điệu bộ bài Bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ...Thế là tôi cũng được điểm ngon lành như các bạn khác, hình như không hiểu từ bao giờ ánh đèn sân khấu đã thu hút tôi.


Ra ngoài này còn có dịp nào nữa để mà gặp gỡ vui chơi như hồi còn trong nước, ngoại trừ những khi tổ chức Tết Nguyên Đán tại địa phương phải không quý vị? Tự dưng tôi đã đi theo con đường mà tôi không muốn nói là nghiệp dĩ, vì nó không tạo được chén cơm cho tôi mà tặng chúng tôi những trận cười rất thật, những giọt nước mắt cũng rất thật, những kỷ niệm khó quên, như hôm nay ngồi đây để viết về Tết, thì đã bao nhiêu năm qua. Kể từ lúc hát trên sân khấu tỵ nạn ở Kopenhagen năm 78, 80, rồi sang Tây Đức, tham gia vào Ban Văn nghệ vùng Saarland, nay thì anh trưởng ban nhạc là Hùng Lân và Sơn đã bỏ nghề đánh đàn để lo cho vợ con ở Frankfurt, những tay đàn khác như Dược nay sống tại Cali, ban kịch thì có Tuấn nay đang làm chủ nhà hàng Hongkong tại Saarbruecken, giọng ca đắt giá nhất thời đó trong ban là Hương Giá ( ba của Hương làm giá sống bán, nên Hương bị gọi là Hương giá ) nàng nay lấy chồng về sinh sống tít bên Hòa Lan, còn ban vũ thì nay tứ xứ hết. Đêm nay ngồi đây ôn lại kỷ niệm cũ mà tôi nhớ một mình về bạn bè mình.

Nhớ có lần nọ, Ban Văn Nghệ (BVN) đi trình diễn ở Metz, BVN đi thì nào quần, nào áo, nào dây thắt lưng, nón lá, ai đã từng làm văn nghệ thì biết. Đến phiên tôi chuẩn bị lên bộ để hát thì ông địa tui ơi, cái quần sa-tanh mới của tui không cánh mà bay, còn cái áo dài làm sao mà ra sân khấu đây trời! Tôi có cách là dậm chân mà khóc ngay tại chỗ, trong phòng thay đồ, quần áo chất cao như núi, kẻ trang điểm, người chải đầu, tiếng nhạc dồn dập ngoài sân khấu. Tôi đi tìm chị trong BTC để hỏi, chị Lan đề nghị tôi mặc tạm cái quần trắng của ai khác, hát xong thì xuống thay. Tôi chui vào trong toi-lét, thay xong còn nướng lại trong đó để tập hát lại nho nhỏ trước khi lên sân khấu. Hễ lên sân khấu là run mờ, bỗng có người gọi:


- Chị Tường Vy ở trong đó hả? Chị lấy quần của em phải hôn?
Hết hồn tôi chui đầu ra cửa, dàn xếp ai hát trước mặc quần trước, ai hát sau mặc quần sau. Kỷ niệm này thì nhớ anh chị Raymond, anh chị Hiệp, anh chị Chiêu, anh chị Thuận, anh chị Có, anh chị Tới, anh chị Minh Chính...Còn khi về Strasbourg vào dịp Đêm Văn Nghệ gây quỹ giúp đồng bào nạn lụt tại Việt nam, ban vũ chúng tôi trình diễn bài Trăng Sơn Cước, ôi dễ thương, phần các cô bé Việt đã xinh xắn, phần thì quần áo chị Cao Kim Thanh may xinh là xinh. Nhắc đến văn nghệ thì tôi với chị nhờ cái duyên văn nghệ mà gặp nhau, chị Kim Thanh ơi, đêm nay ngồi đây viết mà nhớ chị quá chừng. Mấy năm về sau chị Thanh cứ đòi về hưu giải nghệ sân khấu hoài, nhưng đã mang cái nghiệp vào thân thì dễ gì bỏ được nó phải không chị? Hai chúng tôi, người Strasbourg, kẻ bên sát biên giới Đức Pháp, nhưng thân nhau lắm xem như hai chị em. Cô xướng ngôn viên giới thiệu đến tên tôi, tôi nghi trong bụng là sắp có gì bất ổn, thì y như rằng, tôi cầm lấy micro phone đứng chờ anh nhạc sĩ, anh dạo xong thì tôi vô, thì ông nội của tui ơi, ổng quên mất tiêu cái melodie của người ta rồi, tui hát bài Lý Tình Tang mà anh lại vô bài Lý Con Sáo, thế có chết đời tui không chứ! Tui đi te te đến bên anh nói nhỏ, nó như vầy nè ông ơi! Khi hát xong tui nghe bà con vỗ tay an ủi mà trong khi chưa lần nào tui hát đau khổ bằng cái lần này.
Năm ngoái, cũng Tết tại Saarland, BVN chúng tôi ráng chạy đầu này réo đầu kia để tìm thêm nhân lực, vì kế sinh nhai nhiều người rời Saarland, may quá có Ly Ly đưa con gái là Julia tới, Nguyệt thì đưa cả mầm non theo, Thùy Chinh, Mai Ly, Việt Đức, Nga, Trà My con Tuấn Nhung Homburg. Thế là chúng tôi có mấy màn thiếu nhi thật dễ thương. Nhưng làm văn nghệ là phải chấp nhận khen chê, chúng tôi có những trận cười nghiêng ngửa sau cánh màn nhung, còn bà con đến xem Tết thì có người khó tính chê bai là BTC đã để mấy đứa trẻ con làm nhố nhăng trên sân khấu! Sorry bà con! Nhưng nguyên nhân chính vì tôi sợ, sợ nếu cứ hát Ka-ra-rồi-ô-kê thì đêm Hội Chợ Tết của mình chẳng còn gì là nghệ thuật hay sáng tạo, làm mất vẻ văn hóa quê hương. Nhắc đến đêm Tết, đến màn tốp ca thiếu nhi, các em lăng xăng bốn trai bốn gái, mà chúng tôi làm gì có đủ tám cái microphone, nên ra sân khấu trình diễn em nào hát giọng khỏe tôi cho cầm micro, còn em nào giọng yếu yếu thì không được. Trời đất ông nội, chúng nó quánh nhau ngoài sân khấu ông ơi! Thằng Việt Đức khóc nhè, Nhung thì ngồi phía dưới quay phim, mấy đứa tôi Nguyệt, Ly Ly đứng đàng sau cánh gà mà cười lộn ruột, cười đứt bung luôn nút áo dài, lòi luôn cái xú chiêng, vậy mà tuôn nước mắt nước mũi. Bà con chê cũng đáng đời. Sorry bà con lần nữa! Nhưng đối với người làm văn nghệ đi sưu tầm những kỷ niệm khó quên như chúng tôi trong lúc sống tha hương để làm quà tặng nhau vào dịp Xuân về vậy thôi.
Còn nói chi xa xôi, ngay cả chị Khánh Quyên nhà tôi đây, khi xưa còn bé cũng có máu văn nghệ rồi. Cũng vào dịp Tết, kỳ đó hội chúng tôi tổ chức để quyên tiền cho Cap Anamur, con Tàu vớt thuyền nhân giữa biển.

Như hàng năm chúng tôi đều có chương trình vừa vui Xuân vừa làm việc thiện. Lúc đó Khánh Quyên mới bốn tuổi rưỡi, ở vườn trẻ Quyên là đứa hát hay nhất, to nhất và thuộc bài nhất. Tôi đánh bạo ghi tên Quyên vào chương trình văn nghệ Tết. Đêm đại nhạc hội được tổ chức tại rạp hát lớn nhất ở Saarlouis – Theatre am Ring. Trong hội trường bà con hồi đó còn ham đi dự Hội Tết, bà con hồi đó chưa có phong trào về Việt nam ăn Tết như bây giờ, khách đến chật cả phòng, chương trình văn nghệ thật phong phú, nhưng kéo dài quá, đến phiên bé Quyên hát thì lạy Chúa tôi ơi! Bùa hộ mạng của con gái tui, tui bỏ đâu mất tiêu rồi. Con bé tuy chưa đọc được chữ vì mới có bốn tuổi rưỡi nhưng khi hát thì phải có bài bản đàng hoàng à, thì chị ta mới tự tin được. Cô xướng ngôn viên giới thiệu tên bé Quyên, tôi biết, tôi có lỗi nhiều với con mình cũng vì lo toan quá đổi nên bài Die Katze tanzt allein ( Con Mèo múa một mình) của nó tui kiếm không ra nữa, chắc là nằm lẫn lộn trong đống quần áo hóa trang của ban vũ rồi. Màn kéo ra, tôi núp đàng sau lưng hộ tống con mình, anh nhạc sĩ đệm, mấy câu đầu hai mẹ con còn thuộc nên hát tỉnh bơ, đến mấy câu sau, hai mẹ con bắt đầu lạng quạng, tôi hát nhỏ dần, Quyên cũng lính quýnh vì hết thuộc, nên…không còn cách nào hơn, con nhỏ khóc òa! Cả hội trường nín thở mà vỗ tay. Quý vị biết không, đêm hôm đó có đài truyền hình địa phương đến quay phim nữa chứ, eo ơi, cả tiểu bang Saarland đều được thấy bé Quyên khóc live trên sân khấu. Hôm sau, bạn bè Đức gọi điện thoại đến nhà, chúng tôi lại được một phen cười ra nước mắt nữa. Quyên ơi, mai kia lớn lên Quyên tha lỗi cho mẹ đã kể xấu Quyên ra đây nhé. Nhưng nhờ vậy mà mẹ con tôi có nhiều điểm giống nhau, mượn văn nghệ, mượn sân khấu để làm phương tiện truyền thông bảo tồn văn hóa, đem cổ tích vào văn nghệ. Những người moi tim moi óc làm văn nghệ không công, không chuyên nghiệp họ chỉ có một nguyện vọng duy nhất là tạo một đêm Xuân đầy ý nghĩa, có Sớ Táo Quân, màn này Thầy Tâm năm nào cũng đóng vai Táo rất đặc sắc. Còn tôi nhiều khi thấy sân khấu thưa thớt người tham gia, các màn kịch, múa hát ba miền Bắc Trung Nam trống vắng, tôi tiếc, tiếc cho một nền văn hóa hải ngoại bị phôi thai nguội lạnh đến hờ hững. Dù gì thì trong tiếng khóc ngây thơ của bé Quyên thời ấy và cái dằng co nhau vì mấy cái microphone của Việt Đức, của Chinh, Maily, với riêng tôi và các con cháu lại là việc làm có nhiều ý nghĩa. Các em tuy bé thế nhưng đã hy sinh để đóng góp trong việc quyên tiền giúp người khác trong khi hoạn nạn. Quả đáng khen thay, tôi hy vọng một ngày nào đó Khánh Quyên, Mai Ly, Thùy Chinh, Việt Đức, Trà My, Julia sẽ đọc những dòng này. Đây là tôi ghi hồi ký lại cuộc đời tỵ nạn của chúng tôi, đã qua, nhưng nó không là đoạn đầu hay đoạn cuối, nhưng mà là sự lặp lại.


Gần đây năm 1992 Cộng Đồng Người Việt vùng Saar lo họp tổ chức Tết, trong buổi họp tôi lấy hết can đảm để nói lên tư tưởng mình rằng: Bây giờ đã đến lúc chúng ta không cần phải gây quỹ để gửi đi nơi khác ( ngày xưa Cộng đồng Người Việt Saarland hay gửi tiền đi ủy lạo các nước Phi Châu, hay các trại tỵ nạn bên Đông Nam Á), lần nầy tôi đề nghị chúng ta gửi thẳng về giúp các em bé mồ côi ngay tại quê hương mình. Tôi hồi hộp chờ phản ứng của quý anh chị trong hội. Nhưng quý vị ơi, các anh chị trong hội tỏ thái độ phản đối kịch liệt, có người đứng dậy bỏ phòng họp ra về. Thế là năm đó chúng tôi không có tổ chức Tết, bà con trách cứ tôi. Liền sau đó tôi được ba lá thư nặc danh gửi về nhà, đại khái là: hãy vạch mặt chị Tường Vy đã âm mưu tiếp tay cho bọn csvn!
Ôi, tôi ăn cơm chan hòa với nước mắt, nhưng mỗi khi nước mắt tôi chảy, tôi lại thấy ánh mắt các em trẻ thơ vô tội nghèo rách tả tơi, tôi lại đau khổ, mà mỗi khi đau khổ thì tôi lại không cho phép tôi dừng lại, càng đau khổ thì càng phải làm một cái gì chứ! Những thư nặc danh chỉ làm cho các em khổ dài thêm, nước mắt của tôi chảy nhiều thêm và lại tạo cho tôi nhiều sức mạnh để tranh đấu thêm, vì ánh mắt các em soi sáng đường tôi đi mà.

Tôi vẫn sát cánh với các anh chị em trong hội, tôi không la toáng khi bị chụp mũ như vậy, tôi không bỏ hội này để đi lập hội khác vì tôi hiểu cái đau khổ của kẻ bỏ nước ra đi, trong đó có tôi. Tôi hiểu cái lao tù CS đến tận cùng đối với người vì quê hương mà vào tù ra khám, bao nhiêu kẻ chết dưới lòng biển sâu, tôi hiểu chứ, nên tôi thương các anh tù cải tạo hơn, tôi thương anh chị Trực, anh chị Trí, anh chị Lạc, anh chị Thanh Ròm, anh chị Thanh Mập, anh năm Nghé…Nhưng chưa lần nào có dịp để tôi nói những gì mình nghĩ. Dần về sau, người Việt về thăm quê hương nhiều hơn, cái suy nghĩ của người Việt hải ngoại có ít nhiều thay đổi, rồi chúng tôi tiếp tục tổ chức Tết và lẽ đương nhiên số tiền kiếm được đều gửi vào quỹ xã hội của các cơ quan từ thiện như chùa Viên Giác, hay Dân Chúa Âu châu. Số tiền tuy rất hiếm hoi nhưng hy vọng sẽ xoa dịu phần nào cái mất mát của các em đang gánh chịu. Ít nhất cho những “ khúc ruột ngàn dậm “ như chúng tôi cũng an ủi là mình đóng góp gì cho nhân dân mình.


Rồi bây giờ khi tổ chức Tết, thấy sự có mặt đông đủ của anh chị Thanasak Quý, của chị Là, anh Chung chị Nga, anh chị hai Cường, anh Khánh, anh chị Trực, anh chị Trí, lại anh chị Thanh Ròm, Thanh Mập, anh chị Thảo..Rồi nhìn nét hớn hở tung tăng của các em sinh ra và lớn lên tại đây, tình thương tôi dâng lên dào dạt. Nếu các em dần dần bị mất gốc Việt, không hiểu gì cả về nguồn gốc Việt thì không phải lỗi nơi các em, mà phần nhiều đều do người lớn không có đủ thì giờ hay đủ kiên nhẫn để truyền đạt. Vật chất đã kéo ta theo đời sống kinh tế, vì đồng tiền, nhưng ta không ngờ đồng tiền đó không mua được những con người có tư tưởng yêu nước thương nòi, nếu chúng ta không tự tay vun bồi cho nó. Tôi ngầm cảm ơn các anh chị nay đã hiểu ý tôi và các anh chị không ai bỏ phòng họp mà ra về nữa. Thiết nghĩ nay tôi được nhiều lắm chứ, mà những ai có tiền không vào siêu thị mua được đâu. Đó là Yêu Và Được Yêu lại, Cho Và Được Nhận Lại, đó quý vị ạ!

Tình yêu dành cho quê hương dân tộc cho đi nào tôi có tính toán, còn được Yêu lại đây là sự gắn bó, sự hưởng ứng đóng góp của Ban Ẩm thực, các chị thức đêm để gói bánh chưng, bánh tét bán gây quỹ cho Tết, còn các em tham gia vào chương trình văn nghệ, chứng tỏ mình được Yêu lại rồi. Nhưng sao lại Cho và Nhận? Cho đây là đem tâm sức mình để phục vụ cộng đồng hầu có chút đỉnh tiền đi ủy lạo cho các trại cùi, nạn nhân bão lụt, thương phế binh, văn nghệ sĩ bị cầm tù tại quê nhà. Còn tại sao gọi là Nhận? Cho đi thì mong nhận lại chứ, được đáp ứng chứ. Nhưng chúng tôi cho lâu quá, đến mòn mỏi, nhưng cũng ráng mà cho, vì cái Nhận tôi mơ ước đây là: Sự thanh bình no ấm thực sự của dân tộc mình, mà tôi chờ hoài chưa có.



Vì vậy những người như bọn tôi phải còn đi Cho nữa, để thế hệ con em mai sau mình như Khánh Quyên, như Mai Ly, Thùy Chinh, Việt Đức, Julia sẽ lớn lên thay thế các cô các chú mà Cho nữa. Cô Tường Vy cho hết cuộc đời cô cho dân tộc, mà cái quả yêu thương tươi tắn đó hy vọng sẽ rơi vào tay của các em vào một ngày nào đó chắc không xa.
Đêm nay ngồi viết những dòng này, bên ngoài lạnh ngắt, thiên hạ đang xôn xao chào đón Giáng Sinh, thì chúng tôi bắt đầu bao nhiêu cú điện thoại cho anh Trực, anh Trí, anh Thanh, chị Nga, chị hai Cường, cho Tường Sỹ:
- Hôm nào rảnh mình tập văn nghệ cho Tết nghe.
- Ừ!
Võ thị Trúc Giang - Lúa 9

Viết xong dịp Xuân Nhâm Ngọ 2002
Каталог: ButViet

tải về 40.58 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương