TỈnh ủy quảng nam đẢng cộng sản việt nam



tải về 145.36 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích145.36 Kb.
#18238


TỈNH ỦY QUẢNG NAM

*




ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Tam Kỳ, ngày 21 tháng 10 năm 2014

Số 305-BC/TU







BÁO CÁO


Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ

Tỉnh uỷ “về đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số”


Ngày 22/12/2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU “về việc đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số" (gọi tắt Nghị quyết 13). Qua 10 năm chỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo những kết quả đạt được như sau:



I- Triển khai quán triệt các quan điểm, nguyên tắc, văn bản về công tác cán bộ và Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy:

1. Triển khai quán triệt các quan điểm, nguyên tắc, văn bản về công tác cán bộ

Quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối về công tác cán bộ trong thời kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo các cấp ủy Đảng thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ; triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Trung ương đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng triển khai thực hiện trên tất cả các khâu trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở như: Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 28/4/2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên(1); Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 06/12/2006 của Tỉnh ủy về xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2006 - 2010 và đến năm 2015; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/6/2011 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020... Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 100/2007/NQ-HĐND ngày 14/12/2007 của HĐND tỉnh khóa VII và một số chính sách xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020(2). UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/2008/QĐ-UBND ngày 02/4/2008 về việc ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ luân chuyển và thu hút cán bộ(3); Quyết định số 2835/QĐ-UBND ngày 07/9/2011 ban hành Đề án đào tạo cán bộ công chức, viên chức có trình độ sau đại học giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020(4); Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 (thay thế Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 22/7/2010) về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 29/5/2012 quy định chính sách nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam(5); Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ngày 23/7/2010 quy định chính sách, chế độ đối với học sinh thuộc khu vực II, Chương trình 135 giai đoạn II, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số....

Tất cả các văn bản trên đều nhấn mạnh ưu tiên đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.

2. Triển khai, quán triệt Nghị quyết 13-NQ/TU

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 22/12/2004 “về việc đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số", ban thường vụ huyện uỷ các huyện miền núi đã kịp thời, chủ động tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết cho các cấp uỷ đảng, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở; đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và tiến hành chỉ đạo thực hiện nghị quyết tại địa phương mình.

Qua triển khai thực hiện nghị quyết, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở về tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể; tạo sự phấn khởi, yên tâm công tác trong đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

II- Kết quả thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU:

1. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 13-NQ/TU về công tác cán bộ

1.1- Về công tác quy hoạch cán bộ dân tộc thiểu số:

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt quan tâm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, cơ cấu, tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ tỉnh đến cơ sở từ khi Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra đời đến nay đã có tiến bộ. Số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch nhiệm kỳ sau tăng hơn so với các nhiệm kỳ trước:

- Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch ban chấp hành đảng bộ xã, thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020 là 84,31%, tăng 63,31% so với nhiệm kỳ 2005-2010 và tăng 63,61% so với nhiệm kỳ 2010-2015.

- Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch ban chấp hành đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 là 51,1%, tăng 36% so với nhiệm kỳ 2005-2010 và tăng 37,7% so với nhiệm kỳ 2010-2015; quy hoạch ban thường vụ huyện ủy nhiệm kỳ 2015-2020 là 19,39%, tăng 4,89% so với nhiệm kỳ 2005-2010 và tăng 7,59% so với nhiệm kỳ 2010-2015; quy hoạch các chức danh chủ chốt huyện nhiệm kỳ 2015-2020 là 16,85%, tăng 6,25% so với nhiệm kỳ 2005-2010 và tăng 1,75% so với nhiệm kỳ 2010-2015.

- Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 là 11,7%, tăng 2,8% so với nhiệm kỳ 2005-2010 và tăng 1% so với nhiệm kỳ 2010-2015; quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 là 12%, tăng 6,5 % so với nhiệm kỳ 2005-2010 và tăng 0,6% so với nhiệm kỳ 2010-2015.

Nhìn chung, công tác quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số được thực hiện đúng mục đích, quan điểm, nguyên tắc và phương châm và quy trình; nhiều đơn vị, địa phương đã chú ý đến tỷ lệ cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số đưa vào quy hoạch; từng bước khắc phục tình trạng bị động, lúng túng trong công tác nhân sự.



1.2- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 2005-2014:

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong việc tạo nguồn cán bộ cho miền núi nói riêng và toàn tỉnh nói chung, nhằm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt quan tâm phát hiện cán bộ người dân tộc thiểu số có triển vọng, cử đi học chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ theo học. Kết quả như sau:



- Đào tạo ở các trường cao đẳng thuộc tỉnh và Đại học Quảng Nam(6): đã đào tạo được 5.017 sinh viên là người dân tộc thiểu số; trong đó: trung cấp, cao đẳng 4.725 em (học lực loại giỏi 0,2%, khá 16,45%, trung bình khá, trung bình 79,01%, yếu 2,37%); đại học 292 em (học lực trung bình khá, trung bình 89,04%, yếu 10,96%, không có khá giỏi).

- Cử tuyển học sinh người dân tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước: tổng số 1.429/1.592 em, chiếm tỷ lệ 89,9%, trong đó: nữ 545 em, tỷ lệ 38,1%; trung cấp 149/153 em, tỷ lệ 97,4%; cao đẳng 317/329 em, tỷ lệ 96,4%; đại học 963/1.110 em, tỷ lệ 86,6%; các chuyên ngành đào tạo cụ thể: kinh tế 157; nông lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản 142; sư phạm 733; y tế 227, ngành khác 170(7). Riêng học sinh là người DTTS thuộc 06 huyện miền núi cao được cử tuyển là 1.244 em (nữ chiếm tỷ lệ 48,63%; cử tuyển hệ trung cấp 248 em, chiếm tỷ lệ 19,93%; cao đẳng 231 em, chiếm tỷ lệ 18,57%; đại học 765 em, chiếm tỷ lệ 61,5%; các chuyên ngành đào tạo: kinh tế 104; nông lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản 109; sư phạm 557; y tế 158, luật 54, ngành khác 262).

- Tổng số cán bộ người dân tộc thiểu số 2 cấp (huyện và xã) được cử đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ là 1.187 đồng chí; trong đó: cấp xã 1.002/3.268 đồng chí (sau đại học 02 đồng chí, đạt tỷ lệ 2%; đại học 581 đồng chí, đạt tỷ lệ 57.98%; cao đẳng, trung cấp 412 đồng chí đạt tỷ lệ 41.82%); cấp huyện 185/714 đồng chí (sau đại học 06 đồng chí, tỷ lệ 3,3%; đại học 161 đồng chí đạt tỷ lệ 87%; trung cấp 18 đồng chí, đạt tỷ lệ 9,7%).

- Tổng số cán bộ người dân tộc thiểu số được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ là 1.826 đồng chí; trong đó: cấp tỉnh 157 đồng chí; cấp huyện 20 đồng chí; cấp xã 1.649 đồng chí được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các bồi dưỡng kiến thức khác.

- Tổng số cán bộ người dân tộc thiểu số 3 cấp được cử đi đào tạo lý luận chính trị là 2.259 đồng chí (cấp xã 1.944 đồng chí, cấp huyện 199 đồng chí, cấp tỉnh 116 đồng chí); trong đó: Sơ cấp, trung cấp là 2.149 đồng chí (xã 1.923, huyện 121, tỉnh 105); cao cấp, cử nhân 110 đồng chí (xã 21, huyện 78, tỉnh 11).

1.3- Công tác luân chuyển cán bộ dân tộc thiểu số

Từ khi Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra đời đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chú trọng đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ người dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW và Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị. Trong 10 năm qua, tỉnh đã thực hiện luân chuyển đối với 04 cán bộ người dân tộc thiểu số từ tỉnh về huyện và từ huyện lên tỉnh; luân chuyển đối với 74 cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc 06 huyện miền núi cao (Phước Sơn 12, Bắc Trà My 15, Nam Trà My 10, Đông Giang 15, Nam Giang 21, Tây Giang 01), trong đó: luân chuyển từ huyện về xã, thị trấn 10 đồng chí; từ xã, thị trấn lên huyện 23 đồng chí; giữa các phòng, ban, ngành cấp huyện 41 đồng chí. Phối hợp thực hiện chủ trương tăng cường 14 cán bộ bộ đội biên phòng về làm phó bí thư cấp ủy xã, phó chủ tịch UBND các xã biên giới, các xã vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn ngoài số lượng quy định (Tây Giang 08 đồng chí, Nam Giang 06 đồng chí).

Việc luân chuyển cán bộ bước đầu đã góp phần tích cực trong việc củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Phần lớn cán bộ được luân chuyển đều phát huy được năng lực công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, có nhiều đồng chí đã trưởng thành, giữ các vị trí quan trọng tại các địa phương; góp phần ổn định tư tưởng, trật tự an toàn – xã hội, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân các huyện miền núi.

1.4- Công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cơ sở 1.749 đồng chí. Trong đó: cấp xã 1.140 đồng chí, cấp huyện 275 đồng chí, cấp tỉnh 334 đồng chí. Ngoài ra, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang từ tỉnh đến huyện thực hiện tuyển dụng đối với 127 đồng chí (trong đó: công an 39, quân sự 08, biên phòng 80). Đa số cán bộ được tuyển dụng, bố trí làm việc ở các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

- Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, thị trấn theo Dự án 600 của Chính phủ và Đề án 500 của UBND tỉnh được triển khai thực hiện đúng quy trình, đảm bảo số lượng và chất lượng. Trong những năm vừa qua, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo 03 huyện miền núi cao (Tây Giang, Nam Trà My, Phước Sơn) tiếp nhận và tổ chức kỳ họp HĐND cấp cơ sở bầu bổ sung 30 phó chủ tịch UBND xã, thị trấn đúng mục tiêu Dự án 600 của Chính phủ; trong đó có 12 đồng chí là cán bộ dân tộc thiểu số (Tây Giang 09, Nam Trà My 02, Phước Sơn 01). Tổ chức chiêu sinh và mở 03 khóa đào tạo cán bộ nguồn theo Đề án 500 của UBND tỉnh; kết quả có 36 học viên là người dân tộc thiểu số trên tổng số 418 học viên toàn tỉnh. Các học viên của các lớp đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, thị trấn khóa I, khóa II đã tốt nghiệp ra trường được bố trí công tác tại các xã miền núi đều phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, bước đầu đã tiếp cận được công việc tại cơ sở.

1.5- Thực hiện chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số

Việc thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số đảm bảo đầy đủ, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; trong đó nhiều chính sách về giáo dục, dạy nghề nâng cao dân trí tại các huyện miền núi đạt kết quả tốt. Ngoài ra, các huyện miền núi đều chủ động thực hiện chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ... Hằng năm, các huyện Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang đều trích nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ cho cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyen nghiệp trên toàn quốc. Các trường đại học, cao đẳng và các trường thuộc Sở Giáo dục – Đào tạo quản lý trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm thực hiện chính sách ưu tiên đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số: như cấp học bổng, miễn học phí, cho vay tín dụng ưu đãi, ưu tiên chỗ ở trong ký túc xá của trường...

Các chính sách khác như tiền lương, nghỉ hưu, nghỉ thôi việc, ốm đau, tang lễ, bảo vệ sức khỏe cán bộ, chính sách đối với người có công là người dân tộc thiểu số được ban thường vụ các huyện quan tâm đúng mức. Trong thời gian qua, đã giải quyết chế độ đối với 105 cán bộ công chức xã, thị trấn thuộc 06 huyện miền núi cao theo Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 và Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 29/5/2012 của UBND tỉnh với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng (trong đó nghỉ thôi việc 01 lần 61 đồng chí, nghỉ hưu trước tuổi 43 đồng chí; trợ cấp để đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội 01 đồng chí)(8); một số huyện miền núi đã thực hiện cấp đất cho cán bộ công tác tại địa phương (Tây Giang); hỗ trợ 01 – 02 triệu đồng cho cán bộ chủ chốt nghỉ hưu (Nam Giang).

1.6- Thực trạng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số:

Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số gồm 2.204 đồng chí (cấp xã 1.130, cấp huyện 332, cấp tỉnh và ngành dọc 469, lực lượng vũ trang 273). Chất lượng cụ thể như sau:



- Đối với xã, thị trấn:

Tổng số cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số cấp xã 1.130/1.483 đồng chí, chiếm tỷ lệ 76,2%; trong đó: đạt 3 chuẩn 474 đồng chí, chiếm tỷ lệ 41,9% (đại học 75 đồng chí, chiếm tỷ lệ 15,82%);

+ Đội ngũ cán bộ cấp xã (gồm 11 chức danh bầu cử): 587/724 đồng chí, chiếm tỷ lệ 81,08%; đạt 3 chuẩn 245 đồng chí, chiếm tỷ lệ 41,7% (trong đó có trình độ đại học 37 đồng chí, chiếm tỷ lệ 15,1%).

+ Chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã (bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND): tổng số có 319/432 đồng chí, chiếm tỷ lệ 73,84%; trình độ đại học chuyên môn trở lên 46 đồng chí, tỷ lệ 14,42%; trong đó: cán bộ dân tộc thiểu số giữ chức danh bí thư cấp ủy 54/67 đồng chí, chiếm tỷ lệ 80,6%; phó bí thư 53/79 đồng chí, tỷ lệ 67,09%; chủ tịch HĐND 33/50 đồng chí, tỷ lệ 66%; phó chủ tịch HĐND 55/56 đồng chí, tỷ lệ 98,21%; chủ tịch UBND 47/66 đồng chí, tỷ lệ 71,21%; phó chủ tịch UBND 77/104 đồng chí, tỷ lệ 74,04%; trưởng ngành, đoàn thể 296/339 đồng chí, tỷ lệ 87,32%.

+ Đội ngũ công chức cấp xã (07 chức danh chuyên môn): 543/759 đồng chí, chiếm tỷ lệ 71,54%: đạt 3 chuẩn 229 đồng chí, chiếm tỷ lệ 42,2% (trong đó có trình độ đại học 38 đồng chí, chiếm tỷ lệ 16,59%).

Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã 1.149 đồng chí, đạt 3 chuẩn 152 đồng chí, tỷ lệ 13,2% (trong đó: cán bộ có trình độ đại học 11 đồng chí, chiếm tỷ lệ 7,23%).



- Đối với cấp huyện:

Tổng số cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số cấp huyện: 332/1.375 đồng chí, chiếm tỷ lệ 24,15%, tăng 4,55% so với thời điểm chưa có Nghị quyết 13. Trong đó: tổng số cán bộ, công chức giữ chức danh lãnh đạo từ phó phòng trở lên 153/452 đồng chí, chiếm tỷ lệ 33,85%, tăng 7,8 % (cán bộ có trình độ sau đại học 02/153 đồng chí, tỷ lệ 1,3%).

+ Cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh bí thư cấp ủy huyện 06/06 đồng chí, chiếm tỷ lệ 100%; chủ tịch HĐND 05/06 đồng chí, chiếm tỷ lệ 83,33%; phó chủ tịch HĐND 02/06 đồng chí, chiếm tỷ lệ 33,33%; chủ tịch UBND 02/06 đồng chí, chiếm tỷ lệ 33,33%; phó chủ tịch UBND 08/13 đồng chí, chiếm tỷ lệ 61,54%; ủy viên thường trực HĐND 04/06 đồng chí, chiếm tỷ lệ 66,67%.

+ Cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là trưởng phòng và tương đương: 56/186 đồng chí, chiếm tỷ lệ 30,11%, tăng 4,74%; trong đó trình độ chuyên môn đại học trở lên 38 đồng chí, tỷ lệ 67,85%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 39 đồng chí, tỷ lệ 69,64%.

+ Cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là phó trưởng phòng và tương đương: 70/217 đồng chí, chiếm tỷ lệ 32,26%, tăng 13,94%; trong đó, trình độ chuyên môn đại học trở lên 42 đồng chí, tỷ lệ 60%; trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị 28 đồng chí, tỷ lệ 40%.

- Đối với cấp tỉnh:

Tổng số cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số tại các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tỉnh, kể cả các chi cục, trung tâm trực thuộc sở, ngành và ngành dọc: 469/3.443 đồng chí, chiếm tỷ lệ 13,62%, trong đó:

+ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự khuyết: 01 đồng chí; Đại biểu Quốc hội: 01/08 đồng chí, đạt tỷ lệ 12,5%; Đại biểu HĐND tỉnh: 07/57 đồng chí, đạt tỷ lệ 12,28%.

+ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 05/56 cán bộ là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,93%; 100% có trình độ đại học chuyên môn và cao cấp, cử nhân lý luận chính trị.

+ Cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức vụ giám đốc sở và tương đương 01/46 đồng chí, chiếm tỷ lệ 2,17%; phó giám đốc sở và tương đương 01/96 đồng chí, chiếm tỷ lệ 1,04%(9); trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành của tỉnh 25/322 đồng chí, chiếm tỷ lệ 7,76%, ngành dọc 07 đồng chí(10).

+ Cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan sở, ban, ngành, mặt trận và đoàn thể cấp tỉnh là 29/1.449 đồng chí11, chiếm tỷ lệ 2,0%; trong đó 100% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (25 đại học trở lên, tỷ lệ 86,2%; cao đẳng 01, tỷ lệ 3,5%; trung cấp 03, tỷ lệ 10,3%).

+ Công chức, viên chức đang công tác tại các trung tâm, đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành 385 đồng chí(12)

2- Kết quả việc củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở các huyện miền núi cao:

2.1. Về công tác xây dựng Đảng:

Từ khi có Nghị quyết 13-NQ/TU đến nay, cấp ủy các huyện miền núi ngày càng chủ động hơn trong đổi mới phương thức lãnh đạo, có sự thay đổi tích cực về tư duy, nhận thức trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số. Trên cơ sở triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của Tỉnh uỷ, những năm qua các cấp uỷ đảng ở 06 huyện miền núi đã tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, kiện toàn củng cố tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể đạt nhiều kết quả. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được các cấp uỷ đảng các huyện miền núi quán triệt và triển khai thực hiện khá tốt; nhiều huyện đã có những giải pháp thiết thực cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ (Huyện uỷ Bắc Trà My tổ chức hội thi tìm hiểu về công tác xây dựng Đảng; Huyện ủy Nam Giang tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi...); 06/06 huyện miền núi cao thực hiện hoàn thành việc cấp phát, hướng dẫn sử dụng, bảo quản 6.490 cuốn Sổ tay đảng viên... nhờ vậy, tình hình hoạt động của các chi bộ có nhiều chuyển biến đáng kể (13); số tổ chức cơ sở đảng TSVM tăng, số tổ chức cơ sở đảng yếu kém giảm(14). Cấp ủy xã, thị trấn đã nhận thức đúng đắn và xác định đầy đủ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng, phát huy được vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện ở cơ sở, xây dựng quy chế làm việc quy định cụ thể trách nhiệm và thẩm quyền của tập thể cấp ủy, của từng cấp uỷ viên, xác định rõ mối quan hệ với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở. Nhờ vậy, công tác xây dựng Đảng ngày càng đi vào nề nếp và đồng bộ trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số hằng năm đạt chỉ tiêu đề ra; chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng nâng lên rõ rệt. Trong năm 2013, 06 huyện miền núi đã kết nạp 486 đảng viên là người dân tộc thiểu số (tăng 215,58% so với năm 2004), nâng tổng số đảng viên người dân tộc thiểu số 06 huyện miền núi lên 9.538 đồng chí(15).



2.2- Về hoạt động của Chính quyền:

Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) và Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 30/8/2002 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn tỉnh Quảng Nam”, các huyện miền núi đều xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện.

Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hội đồng nhân dân các cấp từng bước được củng cố và đã có nhiều cố gắng trong việc đề ra các nghị quyết phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng cao. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện đã được sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều nơi đã xây dựng quy chế phối hợp giữa hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, Uỷ ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể; phát huy vai trò của trưởng thôn, trưởng bản; vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; tích cực cải tiến lề lối, phong cách làm việc góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng gần dân, sát dân và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống tại địa phương. Ở một số xã, HĐND, UBND xã dần khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ chính trị: đã quan tâm thực hiện công tác huy động nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm cho nhân dân...

2.3- Về hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể:

Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể tại các huyện miền núi trong thời gian qua có nhiều tiến bộ, nội dung và phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, đã có nhiều cố gắng đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng, xây dựng lực lượng nòng cốt ở cơ sở; tích cực thúc đẩy việc thực hiện quy chế dân chủ, vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở vững mạnh. Nội dung sinh hoạt của đoàn, hội cơ bản đã hướng vào các chủ đề được nhân dân miền núi, đồng bào các vùng cao quan tâm chú ý như vấn đề xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, bình đẳng giới, giáo dục kỹ năng sống…

Việc kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở các huyện miền núi cao tuy có nhiều chuyển biến tốt nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ cơ sở còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát của một số tổ chức cơ sở đảng chưa hiệu quả; công tác kết nạp đảng viên ở nhiều xã yếu, cơ cấu đảng viên không đều; trình độ học vấn của thanh niên con em đồng bào dân tộc thấp dẫn đến việc kết nạp đảng viên khó khăn (đến nay còn 09 thôn thuộc huyện Phước Sơn còn sinh hoạt ghép), các vị trí chủ chốt ở thôn như: trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, nông dân... là đảng viên chiếm tỷ lệ chưa cao; chất lượng đảng viên còn thấp (tỷ lệ đảng viên đủ tư cách HTXS nhiệm vụ của 06 huyện miền núi cao năm 2013 giảm 41,26% so với năm 2004).

2.4- Đánh giá về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã, thị trấn:

Theo kết quả khảo sát của cấp ủy các xã miền núi đánh giá về: hoạt động của Hội đồng nhân dân xã đạt chất lượng tốt 35,8%, khá 52,8%, trung bình 9,4%, yếu 1,9%; hoạt động của Ủy ban nhân dân xã đạt chất lượng tốt 35,8%, khá 54,7%, trung bình 7,5%; hoạt động của Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt chất lượng tốt từ 17% - 39,6%; khá từ 45,3% - 54,7%; trung bình từ 11,3% - 28,3%; yếu từ 1,9% - 5,6%. Các chức danh chủ chốt cấp huyện đánh giá về: hoạt động của Hội đồng nhân dân xã đạt chất lượng tốt 7,7%, khá 38,5%, trung bình 38,5%, yếu 15,4%; hoạt động của Ủy ban nhân dân xã đạt chất lượng tốt 11,5%, khá 46,2%, trung bình 42,3%; hoạt động của Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt chất lượng tốt từ 3,8% - 19,2%; khá từ 19,2% - 46,2%; trung bình từ 34,6% - 65,4%; yếu từ 3,8% - 15,4%.

Qua kết quả khảo sát lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt ở các huyện miền núi cho thấy: hiện nay hệ thống chính trị ở cơ sở xã, thị trấn tuy có những tiến bộ nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ khả năng để giải quyết khi có sự cố đột xuất xảy ra; nhiều xã, nhất là các xã vùng cao đặc biệt khó khăn do trình độ, năng lực của cán bộ, công chức hạn chế, thường xuyên phải có sự hướng dẫn, giúp đỡ của cơ quan chuyên môn cấp trên. Hội đồng nhân dân chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong việc quyết định những vấn đề quan trọng để đưa kinh tế, xã hội địa phương thoát nghèo; uỷ ban nhân dân ở một số xã kém hiệu lực; hoạt động của mặt trận và các đoàn thể ở một số nơi yếu, nội dung, phương thức hoạt động chưa thật sự đổi mới; chưa đi vào chiều sâu. Trình độ, năng lực cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở các xã nhiều mặt còn bất cập, chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; chưa thực hiện được vai trò vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình mới.

3- Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu, các chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (16)

Từ trước năm 2005, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện miền núi nhất là 06 huyện miền núi cao gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ đói, nghèo cao, cơ sở hạ tầng kém phát triển: giao thông đi lại khó khăn, cơ sở y tế, trường học tạm bợ, hệ thống điện lưới quốc gia, thông tin liên lạc hạn chế; chất lượng cuộc sống và trình độ dân trí rất thấp; sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp là chủ yếu nhưng còn tình trạng độc canh, thủ công, không được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; hơn nữa lại thường xuyên chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh…

Từ năm 2005 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền núi thông qua các chương trình, nghị quyết, dự án và đề án của Trung ương như: Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, nước sạch vệ sinh môi trường, an toàn khu, các xã biên giới; Nghị quyết 30a, 30b, 30c; Nghị định 39-NQ/TW, Quyết định 1592/QĐ-TTg, Quyết định 33/2007/QĐ-TTg, Quyết định 167/QĐ-TTg, Công văn số 588/CV-TTg… và các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện các chương trình, dự án đối với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chỉ thị 08-CT/TU, Chỉ thị 56-CT/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết 31/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Quyết định số 2478/QĐ-UBND, 832/QĐ-UBND của UBND tỉnh...; nên kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân khu vực miền núi ngày càng khởi sắc và từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng tương đối đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; giá trị sản xuất các ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng, thu nhập bình quân đầu người đạt 6,26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ thôn có đường giao thông cho xe cơ giới, xã có điện, xã có chợ, hộ sử dụng nước sinh hoạt và tỷ lệ học sinh các cấp trong độ tuổi đến trường ngày càng cao; góp phần tích cực trong việc cải thiện nhận thức của người dân; trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở xã, thôn từng bước được nâng lên đáng kể. Tình hình an ninh, chính trị, quốc phòng, trật tự xã hội được củng cố và giữ vững ổn định.

Tuy vậy, so với yêu cầu phát triển chung thì hiện nay tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở các huyện miền núi, chủ yếu là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế do nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các vùng đặc biệt khó khăn là rất lớn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của các huyện miền núi còn cao (Nam Trà My 72,05%, Nam Giang 62,68%, Phước Sơn 53,72%, Bắc Trà My 52,78%, Tây Giang 51,98%, Đông Giang 42,11%), tập trung nhiều nhất là các hộ người dân tộc thiểu số nhưng khả năng nguồn vốn đầu tư có hạn. Đặc thù điều kiện kinh tế tự nhiên khó khăn, phức tạp, trình độ dân trí thấp đã tác động cản trở quá trình thực thi các chính sách về đến cơ sở. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được chú ý đầu tư nhưng mới chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm, chưa có biện pháp nhân rộng trên nhiều địa phương. Đội ngũ cán bộ cơ sở năng lực còn yếu, không đều, chưa ngang tầm nhiệm vụ chính trị, một bộ phận còn có tư tưởng chủ quan, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, thiếu chủ động trong công việc nên hiệu quả triển khai các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh còn chậm.



4- Kết quả thực hiện chương trình kết nghĩa giữa các xã miền núi với các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện đồng bằng với các huyện miền núi

Trong thời gian qua, giữa các huyện đồng bằng và các huyện miền núi; giữa các sở, ngành tỉnh và các xã miền núi đã có nhiều hoạt động kết nghĩa thiết thực với các nội dung phong phú: hỗ trợ xây dựng nhà ở, thăm tặng quà nhân các ngày lễ, tết cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách và học sinh; hỗ trợ máy móc, phương tiện làm việc cho một số xã; hỗ trợ cây, con giống và tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân; tổ chức tình nguyện làm đường giao thông liên thôn, xây dựng các công trình phúc lợi, khám chữa bệnh cho nhân dân... tiêu biểu như huyện Điện Bàn - đơn vị kết nghĩa với huyện Đông Giang đã hỗ trợ 07 tỷ đồng để xây dựng trường THCS tại thị trấn Prao. Bên cạnh đó, giữa các địa phương, đơn vị còn tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác.

Nhìn chung, qua các chương trình giao lưu, kết nghĩa đã tạo điều kiện cho các huyện, xã miền núi được học tập nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành; tạo sự đoàn kết gắn bó giữa miền xuôi và miền ngược, góp phần thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Tuy nhiên các hoạt động kết nghĩa này còn tồn tại nhiều hạn chế: Do nguồn kinh phí của các cơ quan, đơn vị, địa phương kết nghĩa không nhiều nên công tác hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất còn khiêm tốn; đầu tư, hỗ trợ cho nhân dân trong phát triển sản xuất chưa nhiều; một số đơn vị kết nghĩa với nhau chưa phối hợp để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; một số xã được phân công kết nghĩa chưa có phối hợp nhiệt tình trong việc thông tin, trao đổi và giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương. Việc thực hiện các hoạt động kết nghĩa hầu hết chỉ bó hẹp trong phạm vi nội dung theo kế hoạch, chưa mở rộng về nội dung, lĩnh vực, hình thức tổ chức các hoạt động. Nội dung, chương trình kết nghĩa chưa sát thực, chưa đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững, chủ yếu là giao lưu, thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết,... Việc sơ kết, đánh giá kết quả giao lưu, kết nghĩa hằng năm chưa được thực hiện thường xuyên.

5- Nhận xét, đánh giá chung:

5.1. Ưu điểm:

Trong những năm qua, cùng với sự lãnh đạo về phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số có bước trưởng thành đáng kể; tinh thần trách nhiệm trong học tập, công tác; phẩm chất đạo đức, lối sống và phong cách, lề lối làm việc của cán bộ người dân tộc thiểu số tiến bộ rõ rệt; các khâu trong công tác cán bộ người dân tộc thiểu số được thực hiện một cách đồng bộ, đạt hiệu quả. Nhiều tỷ lệ đạt và vượt chỉ tiêu so với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 22/12/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kết luận số 129-KL/TU ngày 10/11/2009 của Tỉnh ủy “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 22/12/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII) về đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số” (sau đây gọi tắt là Kết luận số 129).



- Cán bộ người dân tộc thiểu số đưa vào quy hoạch các cấp, các ngành phát triển về cả số lượng và chất lượng: tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch cấp ủy tỉnh là 11,7%, tăng 2,18% so với năm 2009 (9,52%); cấp ủy huyện (06 huyện miền núi) là 51,5%, tăng 13,7% so với năm 2009 (37,8%) và vượt 11,5% so với chỉ tiêu đề ra (40%); cấp ủy xã (thị trấn) là 84,31%, tăng 11,71% so với năm 2009 (72,6%) và vượt 4,31% so với chỉ tiêu đề ra (80%).

- Công tác tuyển dụng, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng đi vào nề nếp, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn và nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức vụ trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện (06 huyện miền núi cao) chiếm tỷ lệ 31,27% (126/403 đồng chí), tăng 2,67% so với năm 2009, vượt 1,27% chỉ tiêu đề ra (30%); cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách là người dân tộc thiểu số cấp xã, thị trấn tại 06 huyện miền núi hiện nay chiếm 81,63% (2279/2792 đồng chí), tăng 13,33% so với thời điểm trước khi có Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (68,3%), tăng 10,33% so với năm 2009 (71,3%), đạt chỉ tiêu của Kết luận 129 đề ra (75% đến 85%), trong đó cán bộ chuyên trách cấp xã chiếm tỷ lệ 81,8%, vượt 1,8% so với chỉ tiêu đề ra (80%);

Bên cạnh đó, không ngừng chú ý tuyển chọn và tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đi đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng và THCN, để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho các địa phương. Số lượng học sinh là người dân tộc thiểu số được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và THCN ngày càng tăng. Việc bố trí, sử dụng các em sau khi tốt nghiệp về lại địa phương được thực hiện đúng nguyên tắc và quy định. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ dân tộc thiểu số; tạo được niềm tin, sự phấn khởi để cán bộ yên tâm và nhiệt tình công tác.

5.2. Khuyết điểm:

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm sau:

- Một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác cán bộ người dân tộc thiểu số(17), nhiều cơ quan cấp tỉnh và cơ quan ngành dọc Trung ương, các doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn huyện chưa thực hiện tốt việc tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; chưa tạo điều kiện cho cán bộ người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng. Một bộ phận cán bộ người dân tộc thiểu số còn thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; phẩm chất đạo đức, lối sống sa sút; phong cách lề lối làm việc thụ động, thiếu khoa học và chậm đổi mới; ngại rèn luyện, ngại nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt.

- Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tuy có tăng lên nhưng chưa đạt yêu cầu so với Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kết luận số 129 của Tỉnh ủy như: cấp ủy tỉnh hiện nay chỉ có 05/56 đồng chí là cán bộ người dân tộc thiểu số, bằng 8,92% (chỉ tiêu Kết luận 129 đề ra 12% - 15%); tỷ lệ cán bộ, công chức cấp huyện là người dân tộc thiểu số 24,15% (chỉ tiêu Nghị quyết 13 đề ra 30% - 40%); trưởng, phó phòng và tương đương trở lên ở cấp huyện đạt chuẩn đại học chuyên môn 22,5% (102/452); đạt chuẩn cao cấp lý luận chính trị 18,8% (85/452), quá thấp so với chỉ tiêu đề ra (100% đạt chuẩn); tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn trung cấp chuyên môn trở lên 64,34%, đạt chuẩn trung cấp chính trị 70,18% (chỉ tiêu Kết luận 129 đề ra 100%). Số cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số không đạt chuẩn nào chiếm tỷ lệ 11,6% (265 đồng chí), phần lớn là đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, thị trấn (86,8%), nhưng lại không giải quyết được đầu ra do chưa đến tuổi nghỉ hưu hoặc chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội; dẫn đến vướng mắc đối với việc tuyển dụng, bố trí cán bộ trẻ đã qua đào tạo. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ dân tộc thiểu số chưa nhiệt tình, tâm huyết với công việc, còn tư tưởng chủ quan, ỷ lại; năng lực công tác của một số cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở một số xã miền núi còn hạn chế, chưa chủ động trong thực thi công vụ nên thường xuyên phải có sự hướng dẫn, giúp đỡ của cơ quan chuyên môn cấp trên. Qua kết quả khảo sát lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt của 06 huyện miền núi thì chất lượng của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, thị trấn (gồm bí thư, phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân) về các tiêu chí tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo điều hành và khả năng đáp ứng nhiệm vụ không có tiêu chí nào đạt tỷ lệ tốt và khá từ 50% trở lên.

- Tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp huyện còn thấp: cấp ủy huyện 39,26%, phó chủ tịch HĐND huyện 33,33%, chủ tịch UBND huyện 33,33%; trưởng, phó phòng và tương đương cấp huyện 31,27%.

- Số lượng cán bộ dân tộc thiểu số trong quy hoạch ít (quy hoạch ủy viên thường vụ Tỉnh ủy 12%, chức danh chủ chốt cấp huyện 16,85%). Quy hoạch cán bộ dân tộc thiểu số ở một số nơi còn mang tính hình thức, đối phó, hiệu quả thấp, không có tính khả thi.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập; một số nơi chưa gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch cán bộ; chủ yếu đưa đi đào tạo để đạt chuẩn, chưa chú trọng những chuyên ngành cần đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đang đảm nhiệm; dẫn đến tình trạng hụt hẫng, chắp vá cán bộ.

- Hệ thống các cơ sở đào tạo (trường bán trú cụm xã, trường nội trú cấp huyện, trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện) chưa phối hợp hiệu quả trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số và tạo nguồn cán bộ; cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học ở nhiều trường chưa được đảm bảo.

- Công tác tuyển dụng, bố trí người dân tộc chưa đạt yêu cầu. Đến nay còn 461 sinh viên dân tộc thiểu số ra trường chưa được bố trí việc làm(18), trong đó: nữ 193 người, đại học 29 người, cao đẳng 66 người, trung cấp 366 người. Cơ cấu cán bộ dân tộc thiểu số ở các phòng, ban cấp huyện chưa đồng đều. Tình trạng tuyển dụng công chức và những người hoạt động không chuyên trách chưa đạt chuẩn trình độ chuyên môn tại một số xã miền núi vẫn còn.

- Công tác cử tuyển con em người dân tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng thực hiện chưa tốt, chưa theo nhu cầu, tập trung quá nhiều vào các ngành văn hóa dân tộc thiểu số, sư phạm giáo dục thể chất, trong khi đó lại thiếu các ngành khác như kinh tế, luật, xây dựng… ảnh hưởng đến việc sắp xếp, bố trí các em sau khi ra trường. Hơn nữa, hiện nay vẫn còn tình trạng hợp thức hóa khu vực để được cử tuyển, chất lượng sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng thấp (học lực khá 1,25%; trung bình, trung bình khá 93,27%; yếu 5,48%; không có giỏi(19)).

- Thực hiện luân chuyển cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời gian qua ít do đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và tỉnh chưa nhiều, việc giải quyết đầu ra ở cơ sở gặp nhiều khó khăn.

- Một số huyện nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm thực hiện, thực hiện chưa quyết liệt chủ trương tuyển dụng, tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã (thị trấn) theo Đề án 500 của UBND tỉnh. Nhiều trường hợp chưa thực sự quan tâm theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện để cán bộ thuộc các Dự án 600 của Chính phủ, Đề án 500 của UBND tỉnh tiếp cận công việc, phát huy chuyên môn đã được đào tạo.

- Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng còn nhiều hạn chế và khuyết điểm. Nhiều trường học và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trong thời gian qua tuy đã được quan tâm nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở vật chất phục vụ công tác của cán bộ ở các vùng núi chưa đảm bảo. Chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ chưa thật sự thỏa đáng để thu hút được nguồn cán bộ có năng lực về công tác tại các địa phương, đơn vị.

6- Nguyên nhân của những ưu điểm, khuyết điểm.

6.1- Nguyên nhân ưu điểm:

- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các cấp uỷ đảng, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là các huyện miền núi đã có sự tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 13 gắn với việc thực hiện Nghị quyết 02, Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ; thực hiện tốt phân cấp về quản lý cán bộ. Bên cạnh hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ của Trung ương, của tỉnh thì các huyện miền núi đều có cơ chế chính sách riêng để trợ cấp cho cán bộ là người dân tộc thiểu số trong đào tạo và bồi dưỡng; kịp thời xây dựng chương trình hành động cụ thể, đề ra các giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để chỉ đạo cơ sở thực hiện, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên.

- Tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng từ khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo quy trình và đúng nguyên tắc.

- Đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số nhìn chung có sự cố gằng phấn đấu, ý thức tự giác học tập, rèn luyện ngày càng được phát huy.



6.2- Nguyên nhân khuyết điểm:

- Việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số đơn vị chưa sâu, chưa thành nề nếp. Một số đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, chưa tích cực quan tâm tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số; chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng; chưa xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể; chưa thật sự quan tâm đưa cán bộ người dân tộc thiểu số vào quy hoạch, chưa kiểm soát chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ người dân tộc thiểu số.

- Chưa ban hành những cơ chế, chính sách riêng quy định về công tác cán bộ đối với cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các chính sách về tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và thu hút cán bộ người dân tộc thiểu số.

- Công tác quản lý cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đôi lúc thiếu chặt chẽ, nắm bắt tình hình tư tưởng đội ngũ cán bộ có lúc chưa kịp thời, chưa sâu; trình độ năng lực cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đồng đều, một số đồng chí thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, còn thụ động trong công việc, còn mang tính ỷ lại, chưa chịu khó nghiên cứu nên chất lượng, hiệu quả công tác chưa cao.

- Theo kết quả lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt 06 huyện miền núi thì nguyên nhân dẫn đến số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị chưa cao là do tư tưởng và tinh thần học của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngại xa nhà, ngại học tập 30,8%, do điều kiện kinh tế của cán bộ người dân tộc thiểu số quá khó khăn 36%, do cấp ủy các cấp, lãnh đạo các ban, ngành chưa qua tâm đúng mức về việc cử cán bộ người dân tộc thiểu số đi đào tạo 23%, do cơ chế, chính sách chưa thỏa đáng không khuyến khích được cán bộ người dân tộc thiểu số đi đào tạo 11,6%.

III- Đề xuất, kiến nghị:

- Đề nghị Trung ương đề ra các cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo, chưa đạt chuẩn theo quy định nghỉ hưu trước tuổi để có cơ sở tuyển dụng sinh viên cử tuyển người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác ở các xã, thị trấn.

- Đề nghị Chính phủ bổ sung các chức danh công chức đối với những người hoạt động không chuyên trách làm công tác Đảng xã ở cấp xã theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu cho cấp ủy. Có chính sách tiền lương thỏa đáng đối với những người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở.

Trên đây là báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 22/12/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số./.




Nơi nhận:

- Các đồng chí Tỉnh uỷ viên;

- Thường trực HĐND, UBND tỉnh;

- Các ban đảng, Văn phòng Tỉnh uỷ;

- Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My;

- Các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tỉnh;

- Trường Chính trị tỉnh;

- Các Trường: ĐH Quảng Nam, CĐ KT-KT, CĐ Y tế, Cao đẳng nghề, PTTH Nội trú tỉnh;

- Lưu Văn phòng Tỉnh ủy.





T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ BÍ THƯ



(đã ký)
Nguyễn Ngọc Quang



1() Theo đó, chỉ đạo các cấp ủy cơ sở phải chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số.

2() Nghị quyết quy định “các đối tượng nếu là người dân tộc thiểu số...thì được hỗ trợ thêm”.

3() Quy định cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số thì được hỗ trợ thêm 500.000đồng/người, Cán bộ là người dân tộc thiểu số công tác tại các huyện miền núi cao được luân chuyển về tỉnh và bổ nhiệm giữ các chức vụ trưởng hoặc phó Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh thì được trợ cấp 2.000.000 đồng/người)

4() Theo đó, cán bộ, công chức cử đi học sau đại học có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy (nếu hệ đào tạo tại chức, chuyên tu thì phải xếp loại khá, giỏi. Riêng đối với CB, CC là người dân tộc thiểu số thì bằng tốt nghiệp loại trung bình).

5() Trong đó có đối tượng là cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số.

6() Gồm các trường: Đại học Quảng Nam, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Cao đẳng Y tế Quảng Nam.

7() Theo Báo cáo số 660/SGDDT ngày 03/6/2014 của Sở Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU.

8() Theo Báo cáo số 880/BC-SNV ngày 28/7/2014 của Sở Nội vụ tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

9() Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh.


10() Gồm: Viện Kiểm sát nhân dân 04, Cục thuế 02, Bảo hiểm xã hội 01.


11() Gồm: Sở Y tế 07, Ban Dân tộc tỉnh 03, Sở Công thương 02, Sở Nội vụ 02, Sở Tư pháp 02, Đài Phát thanh – Truyền hình 02, Liên đoàn Lao động tỉnh 02, Ban Tổ chức Tỉnh ủy 01, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy 01, Tỉnh đoàn 01, Hội LHPN tỉnh 01, Sở Xây dựng 01, Sở Tài nguyên và Môi trường 01, BQL Khu KTM Chu Lai 01, Ban Xúc tiến đầu tư và HTDN 01, Trường Cao đăng Y tế Quảng Nam 01.

12() Sở Y tế 272, Sở Giáo dục và Đào tạo 80, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21, Viện Kiểm sát nhân dân 12.


13() Kết quả đánh giá phân loại chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở năm 2013 của 06 huyện miền núi như sau: chi bộ đạt TSVM có 606/850, chiếm 71,3%, tăng 29,11% so với năm 2004 (42,19%); Hoàn thành tốt nhiệm vụ có 189/850, chiếm 22,23%; hoàn thành nhiệm vụ có 55/850, chiếm 6,5% và không có chi bộ yếu kém.

14


() Trong 05 năm qua (2009-2013) có 1.252 tổ chức cơ sở đảng thuộc 06 huyện miền núi cao được đánh giá, xếp loại; tromg đó: TSVM 861, đạt tỷ lệ 68,8%, HTTNV và HTNV 387, đạt tỷ lệ 30,9%, yếu kém 4, tỷ lệ 0,3%. Riêng năm 2013, có 179 TCCS đảng tăng 5,91% so với năm 2004 (169); trong đó, TSVM đạt tỷ lệ 72,6 % (tăng 17,24% so với năm 2004), yếu kém 1,1 % (giảm 1,28% so với năm 2004) . Trong đó có 01 chi bộ TSVM tiêu biểu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen.

15() Kết quả phân loại đảng viên năm 2013 của 06 huyện miền núi như sau: Đảng viên đủ tư cách HTXS nhiệm vụ có 1.077 đồng chí, chiếm 12,2% giảm 41,26% so với năm 2004 ( 53,46%); đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ có 4.278 đồng chí, đạt 70,03%, tăng 24,79% so với năm 2004 (45,24%); đảng viên vi phạm tư cách, không hoàn thành nhiệm vụ 59 đồng chí, chiếm 0,654% giảm 0,63% so với năm 2004 (1,28%).


16() Theo Báo cáo số 16/BC-UBND ngày 30/01/2013 của UBND tỉnh về tình hình kết và kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 – 2011

17() Hiện nay, còn 26 cơ quan cấp tỉnh chưa tuyển dụng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số: Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Báo Quảng Nam, Trường Chính trị tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, Hội Nông dân, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, BQL các Khu công nghiệp tỉnh, BQL Khu Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, Hội Chữ Thập đỏ và các sở: Ngoại vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giao thông – Vận tải, Thông tin – Truyền thông, Giáo dục – Đào tạo, Lao động Thương binh và xã hội, Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Thanh tra tỉnh; Trường Đại học Quảng Nam, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Trường Cao đẳng nghề.


18() Trong đó: Đông Giang 150, Nam Giang 120, Tây Giang 110, Bắc Trà My 65, Phước Sơn 15, Nam Trà My 01.

19() Số liệu tổng hợp từ báo cáo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam và Đại học Quảng Nam:học lực khá 05/401 em; trung bình, trung bình khá 374/401 em; yếu 22/401 em; không có giỏi.


tải về 145.36 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương