Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 355 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: 01. 04. 2011



tải về 116.94 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích116.94 Kb.
#19318

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 355 /13

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 355

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian:01.04.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 418 hàng thứ hai đếm từ dưới lên. Bắt đầu xem từ câu hựu cứ Vãng Sanh Luận.

Hựu cứ Vãng Sanh Luận, tắc thử bảo thọ hiển quốc độ trang nghiêm trung, chủng chủng sự công đức thành tựu. Luận viết, bị chư trân bảo tánh, cụ túc diệu trang nghiêm. Thọ thị diệu bảo sở thành, thị tức bị chư trân bảo tánh chi thiển nghĩa. Thậm ngôn chi, cái hiển Di Đà chi tánh đức. Nhất thiết diệu bảo giai Di Đà tánh đức sở bổn cụ. Nhất nhất bảo trung, bị cụ nhất thiết trân bảo chi diệu đức”. Hôm qua chúng ta học đến đoạn này.

Nói sâu hơn chính là hiển thị tánh đức của Phật Di Đà. Tất cả diệu bảo trong tánh đức Phật Di Đà vốn đầy đủ. Trong mỗi diệu bảo đương nhiên cũng đầy đủ diệu đức của tất cả trân bảo. Câu này chúng ta cần phải ghi nhớ. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “một tức là tất cả, tất cả tức là một”. Tự tánh không có lớn nhỏ, không có trong ngoài, không có rộng hẹp, nó là viên mãn, nó là cứu cánh. Một điểm nhỏ như một sợi lông, hạt bụi đều viên mãn cụ túc, là diệu đức của muôn sự muôn trong hư không pháp giới. Điều này trong kinh Pháp Hoa có nói. Ở thế giới tây phương Cực Lạc, trong mỗi loại bảo đương nhiên đầy đủ diệu đức của tất cả các bảo khác. Quay đầu nhìn lại thế giới này của chúng ta, thế giới này của chúng ta có như vậy chăng? Đúng. Hoàn toàn chính xác, không ngoại lệ.

Một sợi lông một hạt bụi trong thế giới này của chúng ta. Mao là sợi lông trên thân. Đây là ví dụ vật nhỏ nhất trong chánh báo. Trần là vi trần, vật nhỏ nhất trong y báo. Nhất mao nhất trần này có đầy đủ diệu đức của tất cả vạn pháp trong biến pháp giới hư không giới chăng? Đầy đủ. Vì sao chúng ta không biết? Thực tế chúng ta đã bị mê thất tự tánh. Không phải nó không có, nó có, nó có nhưng không khởi tác dụng, không khởi tác dụng chỉ là tạm thời. Khi mê nó không khởi tác dụng, nhưng giác ngộ sẽ khởi tác dụng. Chư Phật Bồ Tát đã giác ngộ, nên nó khởi tác dụng. Nó khởi tác dụng thì như ở đây Đức Thế Tôn giới thiệu về thế giới Cực Lạc vậy, không có gì sai khác.

Đức Phật dạy: “ trú tâm nhất xứ vô sự bất biện”. Ngài lại nói cảnh tuỳ tâm chuyển. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng, muôn sự muôn vật trong vũ trụ, lớn như vũ trụ, Phật pháp gọi là pháp giới, nhỏ thì như trần, nó là nhất thể. Mỗi thứ đều viên mãn đầy đủ tất cả đức, mỗi thứ đều viên mãn đầy đủ tất cả diệu. Cảnh giới này trong kinh Hoa Nghiêm gọi là cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn. Giải thoát là đại tự tại. Ai chứng được? Bồ Tát Phổ Hiền chứng được.

Phẩm cuối cùng trong Kinh Hoa Nghiêm, phiên dịch vào niên đại Trinh Nguyên. Chúng ta gọi là Tứ Thập Hoa Nghiêm, 40 quyển Hoa Nghiêm, là phẩm cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm. Tựa đề của phẩm này là Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới, Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm. Phổ Hiền Bồ Tát hạnh nguyện là năng nhập, cảnh giới bất tư nghị là sở nhập. Như vậy ở đây chúng ta đã hiểu, 48 nguyện của Phật A Di Đà là năng nhập, năng hiển. Thế giới Cực Lạc không phải cảnh giới giải thoát bất khả tư nghị, là sở hiển sở nhập.

Mười nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát là nói lược, chỉ nói mười điều. 48 nguyện của Phật A Di Đà là nói tường tận, hai cái này là một không phải hai, Phật A Di Đà nói vi tế hơn. Tất cả cảnh giới đều là cảnh giới giải thoát bất tư nghì, không có ngoại lệ. Vấn đề là chúng ta không biết, chúng ta là hạng độn căn, chậm chạp, hầu như là bị tê liệt rồi. Xem kinh thì không hiểu, xem không hiểu nên không muốn xem. Nghe kinh không hiểu nên không muốn nghe. Nhưng lại thích suy nghĩ này nọ, từ chỗ suy nghĩ bậy bạ này, xem ra thì hình như họ không ngu ngốc không chậm chạp. Đây chính là ngạn ngữ nói, dùng tâm bị sai, chúng ta dùng tâm sai, dùng tâm không chánh, dùng tâm lệch lạc, dùng tâm tà nguỵ. Lệch lạc nên đi đến nhị thừa, lệch lạc đến mười pháp giới. Nếu dùng tâm tà nguỵ thì rất phiền phức, dùng tâm tà sẽ đi vào trong tam đồ, sẽ đi vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tà thật đáng sợ, đáng sợ hơn cả lệch lạc.

Như thế nào để dùng tâm cho chánh, dùng cho viên mãn, dùng cho vi diệu. Đó là cảnh giới chư Phật Bồ Tát, nên chư Phật Bồ Tát với phàm phu chúng ta có gì sai biệt? Tôi nói với chư vị, chính là các ngài biết dùng tâm, còn chúng ta không biết dùng tâm. Ngoài điều này ra đích thực tìm không ra điều sai biệt. Biết dùng tâm thì hiển thị ra cõi thật báo trang nghiêm, điều này trong kinh đã nói như vậy. Trong xã hội này, mọi người dùng tâm, không những lệch lạc mà còn tà nguỵ, lệch lạc tà nguỵ đến tột cùng, như vậy quả báo sẽ không tốt.
Làm thế nào để từ thiên lệch tà nguỵ trở về với chân chánh? Phương pháp của Tịnh độ tông vô cùng vi diệu, nhưng cũng rất đơn giản, chỉ cần chịu thực hành thì trở về với chân thật không khó. Từ thiên lệch tà nguỵ trở về với chơn chánh, thông thường nói thì thời gian ba năm là đủ. Phương pháp này chính là đọc kinh, nghe giảng hoặc là niệm Phật, thâm nhập một môn và huân tu lâu dài là được.

Suốt đời chỉ cần học một bộ kinh, quy y Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh. Quy là quay đầu, còn các kinh giáo khác tôi đều không học. Tôi từ trong tất cả kinh giáo quay đầu lại, chỉ nương vào Kinh Vô Lượng Thọ, chỉ nương vào bản hội tập này, chỉ nương vào một câu danh hiệu Phật A Di Đà, gọi là vạn đức hồng danh, như vậy là đủ. Chỉ niệm những điều này không bao giờ quên, nên như vậy! Nếu tâm còn tạp niệm và những lời nhàn rổi, như vậy là chưa biết, vẫn còn suy này nghĩ nọ là chưa biết, chưa nhập vào cảnh giới. Thật sự nhập cảnh giới là vọng tâm không còn, vọng niệm không còn và không còn những lời nói bậy bạ. Từ sáng đến tối chỉ một câu A Di Đà Phật. Hỏi họ điều gì họ đều A Di Đà Phật. Ngoài Phật A Di Đà ra họ không biết gì cả. Đây là gì? Đây là đã nhập cảnh giới. Có thể khế nhập ba năm, họ sẽ được tam muội, được khai ngộ, họ đã nối được đường dây nóng với Phật A Di Đà. Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Nhất định vãng sanh, nhất định thành Phật. Đây là người biết niệm.

Bây giờ có thể nói là tám phương bốn hướng, không ngừng truyền tin tức thiên tai đến. Có nhiều người nghe đến lo sợ hoảng hốt, không biết nên làm như thế nào. Người niệm Phật nhận được tin tức này không hoảng loạn, như như bất động. Họ biết được điều gì? Khi nào nên đi. Nếu thời gian thiên tai xảy ra vào tháng 12 năm 2012, thì bây giờ còn 1 năm 6 tháng nữa, thời gian rất cấp bách, không còn thời gian để nghĩ gì khác, cũng không có thời gian nói chuyện lung tung. Tất cả những gì trong thế gian này, bao gồm thân thể đều không phải của chính mình, hoàn toàn buông bỏ, tất cả tuỳ duyên. Gọi là tuỳ duyên tiêu nghiệp, nếu không thì càng tạo thêm tai ương mới.

Tôi không tạo nghiệp nữa, thấy bất cứ ai cũng là Phật A Di Đà, cũng là Quán Thế Âm Bồ Tát. Bất luận thấy người ta làm gì đều là việc tốt, không có phân biệt chấp trước. Tìm lại tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình. Giúp những chúng sanh có duyên. Duyên là gì? Họ thật sự tin, họ có thể lý giải và chân thật thực hành. Đây là người có duyên. Nếu họ không tin, tin mà không hiểu, hiểu rồi nhưng làm không được, như thế có nghĩa là duyên chưa thuần thục, chưa thuần thục thì tuỳ họ, không cần nóng lòng vì họ. Nóng lòng cho họ khiến chính mình bỏ lỡ. Tự mình vãng sanh thành Phật là việc quan trọng nhất. Sau khi thành Phật tôi lại quay đầu lại, lên thuyền từ trở lại để độ cho họ. Như vậy là chính xác, vì lúc này sẽ có năng lực và bản lĩnh để độ họ. Không vãng sanh thế giới Cực Lạc thì không có trí tuệ, không có năng lực, không có bản lĩnh. Muốn độ cũng vô ích. Đây là chân tướng sự thật nơi chúng ta đang sống, chẳng thể không biết.

Câu bên dưới nói, “cụ túc diệu trang nghiêm giả. Thiển ngôn chi”. Đọan văn bên dưới nói: “vinh sắc quang diệu dữ sắc ngũ âm thanh đẳng nghĩa. Thâm ngôn chi, tắc nhất nhất bảo thọ giai thị viên minh cụ đức”. Đây là thật, sâu hơn một bước, tất cả cây cỏ hoa lá trong các quốc độ của mười phương thế giới, mọi thứ đều là viên minh cụ đức. Chỉ là ý niệm chúng ta bất thiện nên khiến nó bị biến chất. Vốn là vô lượng trân bảo, hiện nay biến thành thân gỗ, cây cỏ, biến thành những thứ này. Bây giờ chúng ta hiểu, nếu chúng ta hồi phục chánh niệm thì cây cỏ hoa lá trước mắt đều biến thành vô lượng tánh trân bảo. Nó tuỳ tánh chuyển. Hồi phục tánh trân bảo là tự nhiên. Vì sao vậy? Bởi nó vốn là vô lượng tánh trân bảo. Đây là tánh đức. Nên khi bóp méo nó, thì đây là giả tướng chứ không phải là chân tướng. Chân tướng của nó như trong kinh điển nói. Chúng ta ở thế gian này nhìn thấy cây cỏ hoa lá không phải do các báu hợp thành. Hay nói cách khác, điều này nhắc nhở chúng ta, là ta chưa kiến tánh. Chúng ta chưa trở lại bình thường. Bình thường là tánh đức, người như thế nào gọi là đã hồi phục? Trong Kinh Hoa Nghiêm nói là trên sơ trú của đại thừa Viên giáo. Trong đại thừa giáo là trên sơ địa của Biệt giáo. Đây là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, thì sẽ thấy được chân tướng của nó. Những thứ phàm phu nhìn thấy toàn là giả tướng, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”.

Mời quý vị xem tiếp đoạn kinh văn bên dưới. “Các tự dị hành, hành hành tương trực, hàng hàng tương vọng, chi diệp tương hướng, hoa thật tương đương, vinh sắc quang diệu, bất khả thắng thị”. Đoạn này ở trước chúng ta đã học. “Biểu thọ chi chất”, bản chất của cây. Đoạn này tất cả có bảy câu, nói lên hang cây. “Tỉnh nhiên hữu tự, quang sắc minh lệ”. Cây không phải do con người trồng, cũng không phải do con người thiết kế. Tự nhiên sanh trưởng từng hàng từng hàng rất đẹp, không hề mọc lộn xộn. Đây toàn là tánh đức. Cây cối hàng hàng tương trực, hành hành tương vọng, chi diệp tương hướng, hoa thật tương đương. Quý vị xem rất có thứ tự. Đây là trật tự trong tánh đức, là lễ mà chư vị cổ thánh tiên hiền đã dạy, lễ chính là nói về trật tự.

Tam lễ mà Trung quốc truyền từ đời này sang đời khác là Chu Lễ, Nghi Lễ, Lễ Ký. Nó nói về trật tự. Tinh thần và hiện tượng của lễ từ đâu mà có? Từ tự tánh. Thánh nhân đem từng điều từng điều trong tánh đức viết ra, để dạy cho người mê thất tự tánh. Nên cần phải siêng năng học tập, y theo những gì thánh nhân để lại mà làm. Hành trì lâu ngày thị tự nhiên tánh đức sẽ hiện tiền, làm lâu ngày hoàn toàn không có chút miễn cưỡng nào, tự nhiên là như vậy. Nên nói quen tay hay việc, đến khi nào thuần thục thấu suốt, thì tánh đức tự nhiên hiển lộ, sẽ hiện tiền. Giống như thế giới Cực Lạc, không có điều gì không phải là tự nhiên. Đây là Trang Nghiêm Thành Tựu trong Vãng Sanh Luận. Ở trước chúng ta đã học Vãng Sanh Luận, có 19 loại thành tựu. Y báo 17 loại, chánh báo 8 loại, thật không thể nghĩ bàn.

Kệ vân tạp thọ dị quang sắc. Cực Lạc quốc độ địa bình như chưởng, tạp sắc bảo thọ biến mãn kỳ quốc. Thượng phúc bảo võng, hạ sức bảo lan, giai biểu địa trang nghiêm dã”.

Thế giới Cực Lạc không có việc gì là trải qua thiết kế hay cấu tạo, không có. Không có người nào khởi tâm động niệm. Không có người nào kinh doanh những chuyện này, hoàn toàn là tu tâm kiến tánh, nên tánh đức tự nhiên hiển lộ, thật không thể nghĩ bàn. Đại địa ở thế giới Cực Lạc, “địa bình như chưởng”. Đây là tâm bình đẳng hiện ra. Tâm con người không bằng phẳng nên đất cao thấp không bằng, tâm con người bằng phẳng thì đại địa tự nhiên bằng phẳng.

Cây báu nhiều màu sắc đầy khắp nước này, đẹp không sao tả được. Khắp mọi nơi ở thế giới Cực Lạc chúng ta đều thấy được, rất tề chỉnh. Trên những cây báu này đều có “phúc bảo võng”. Những trang sức trên cây như mành lưới báu, dưới cây có lan can báu, đều là tượng trưng cho đại địa trang nghiêm. Đoạn này là nói chung, bên dưới là nói riêng. “Các tự dị hành, biểu chủng chủng bất đồng chi bảo thọ, các các y loại thành hàng”. Giống như thế gian chúng ta có hiện tượng này. Nếu quý vị quan sát tỷ mỷ, nếu nguyên thuỷ khu rừng này là cây sam, toàn bộ đều là cây sam. Bên kia là một khu rừng tùng, nó mọc từng đám từng đám không hề loạn. Nhìn những cảnh vật này, người biết xem sẽ hiểu được tâm của cư dân vùng này. Vì sao vậy? Bởi là tâm hiện thức biến. Nên nếu chúng ta muốn chọn nơi cư trú, xem chỗ nào tốt, tìm mảnh đất có phong thuỷ tốt, đến đó ở, đặc biệt là đến đó tu. Người tu hành ở trong rừng, xây dựng tự viện đạo tràng. Người hiểu phong thuỷ, nhà phong thuỷ đến xem, mỗi nơi đều là bảo địa. Các nhà phong thuỷ rất khâm phục những người xuất gia này. Quý vị xem, họ chọn nơi xây dựng đạo tràng đều là bảo địa. Họ đều tìm đến bảo địa để tu hành. Thật ra trong các bậc Tổ sư có người hiểu phong thuỷ nhưng không nhiều, chỉ là thiểu số. Vì sao họ đều ở được chổ tốt? Vì con người tốt, không phải họ tìm được mảnh đất tốt, không phải. Con người của các bậc tổ sư này tốt, tâm tốt và tu hành cũng tốt. Họ ở nơi đó khoảng ba năm, phong thuỷ không tốt cũng trở thành tốt nhất. Đây chính là “người có phước thì ở đất phước”, mà ngạn ngữ nói. Người này có phước, ở nơi mảnh đất này phong thuỷ tự nhiên trở thành tốt. Đạo lý là như vậy, không phải do họ tìm được. “Đất phước thì người có phước ở”. Đất phước nhất định là người có phước tương xứng với nó. Không tương xứng họ không ở lâu dài được. Đó là một mảnh đất phong thuỷ tốt, người không có phước báo ở đó được chăng? Nhất định phải tương ưng, không tương ưng làm sao được. Chúng ta hiểu được đạo lý này thì có cần thiết xem phong thuỷ chăng? Không cần. Phong thuỷ xem chúng ta, chúng ta cớ gì phải đi xem phong thuỷ.

Tâm ta chánh, tâm ta thanh tịnh, tâm ta lương thiện, ta ở đây ba năm thì nơi này chính là bảo địa. Ba năm thì sơn hà đại địa ở đây hoàn toàn thay đổi. Đạo lý này không thể không hiểu. Đặc biệt là hiện nay xã hội động loạn, trên địa cầu thiên tai quá nhiều, người học Phật là phàm phu, lại chưa thành tựu, do đó cũng phải cầu Phật Bồ Tát, cầu ngài cảm ứng. Chư Phật Bồ Tát dẫn dắt chúng ta, chính là nguyên lý này, chính là nguyên tắc này. Quý vị cố gắng tu phước thì nơi ở của quý vị chính là đất phước, bất luận quý vị ở đâu cũng là đất phước. Lời nói này là thật không hề hư vọng.

Hành hàng tương trực, Định Thiện Nghĩa viết. Bỉ quốc lâm thọ tuy đa, hàng hàng chỉnh trực nhi vô tạp loạn dã”. Cây cỏ hoa lá ở thế giới này, phải cần người học qua nghề làm vườn, họ dùng tâm thương yêu của họ để chăm sóc, để cắt tỉa, hoa lá cây cỏ từng loại từng loại rất tề chỉnh, nhưng thế giới Cực Lạc còn tề chỉnh hơn, không cần nhân công chăm sóc, cũng không cần cắt tỉa. Nguyên nhân gì vậy? Là công đức của tự tánh thành tựu được, thật là tâm hiện thức biến. Người trong cõi thật báo đều chuyển thức thành trí, chỉ có tâm hiện không có thức biến là nhất chân pháp giới. Quý vị xem, nó rất tề chỉnh không có chút tạp loạn nào. “Thật”, thật là trái cây. “Hội Sớ viết, thật vị quả thật. Bất sai kỳ xứ, hiệp tại kỳ vị, cố vân tương đương”. Giống như chúng ta vẽ vậy, vẽ chỗ này là trái cây, nên nói vị trí này không có trái cây nhìn không đẹp, có nó sẽ đẹp hơn.

Thế giới tây phương Cực Lạc không cần tác ý, nhưng nó đều sinh ra ở vị trí thích hợp, cúng dường cho quý vị thưởng thức. Nó cũng đang biểu pháp, biểu tánh đức, viên minh cụ đức. Quang minh đầy đủ viên mãn, không có chút khiếm khuyết nào, không có chút nào cảm thấy hối tiếc. Không có, chắc chắn tìm không thấy, nên gọi là tương đương. “Vinh sắc”, vinh là phồn thịnh, sắc là hình sắc. “Quang diệu giả, quang minh chiếu diệu, “bất khả thắng thị giả”. Phong quang ở thế giới Cực Lạc chúng ta xem không bao giờ hết, không bao giờ tận.

Ở đây chúng ta dùng ba câu nói này để hình dung nó. “Mục bất hạ cấp, ngũ sắc tân phân, mục quang nan biện”. Hoàn cảnh này quá tuyệt diệu! quá thù thắng! “Hựu Định Thiện Nghĩa vân, chư bảo lâm thọ, giai tùng Di Đà vô lậu tâm trung lưu xuất. Do Phật tâm thị vô lậu cố, kỳ thọ diệc thị vô lậu dã. Nãi chí diệc vô lão tử giả, diệc vô tiểu sanh giả, diệc vô sơ sanh tiệm trưởng giả. Khởi tức đồng thời đốn khởi, lượng số đẳng tề”. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Vô lậu là A Di Đà. Khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước đã buông bỏ hết, nên gọi là vô lậu. Chấp trước là kiến tư phiền não, đây là hữu lậu. Phân biệt là trần sa phiền não. Khởi tâm động niệm là vô minh phiền não. Những thứ này đều dùng chữ “lậu” để tượng trương. Đức Phật đã đoạn tận hết ba loại đại phiền não này, nên vô lậu trong tâm hiện ra. Hiện ra này là cảm ứng tự nhiên, nghĩa là tâm vô lậu chiêu cảm được cảnh giới này, nên hoàn cảnh cũng là vô lậu. Cho nên nhất chân pháp giới, cõi thật báo của Chư Phật Như Lai là nhất thời hiện ra, nhưng vĩnh hằng bất biến. Cây cối ở đây không có già chết, cũng không có sinh ra. Cây cối ở đây không có hiện tượng từ nhỏ lớn dần lên. Không hiện thì thôi, mà hiện thì cây đã lớn như vậy, nghĩa là nó đã cao như vậy rồi. Nên cây ở đây không có sanh ra và lớn lên, nên ở đây nói “khởi đồng thời đốn khởi, lượng số đẳng tề”. Đây là bình đẳng, giống nhau. Cây ở đây không phải do con người trồng.

Vị thứ cao nhất trong mười pháp giới là Phật. Đức Phật đã buông bỏ khởi tâm động niệm, nên mười pháp giới không còn. Giống như nằm mộng vậy, mười pháp giới không còn nữa. Khi tỉnh lại là cảnh giới gì? Chính là cõi thật báo, cảnh giới của cõi thật báo lập tức hiện tiền. Y báo, chánh báo cùng một lúc hiện ra, là nhất thời đốn hiện.

Câu bên dưới nói càng hay, “hà ý nhiên giả”. Đây là một nghi vấn. Vì sao có hiện tượng này? Bên dưới giải đáp tiếp. “Bỉ giới”_thế giơi Cực Lạc. “Vị thị vô lậu vô sanh chi giới”. Nó không giống mười pháp giới. Mười pháp giới là tâm hiện thức biến, nói cách khác, trong mười pháp giới lấy A lại da làm chủ, gọi A lại da là tâm vương, a lại da là pháp sanh diệt nên nó vô thường. Vì thế y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới toàn là pháp sanh diệt, tất cả đều là vô thường. Sau khi buông bỏ khởi tâm động niệm, họ dùng chân tâm, chân thường. Chân không phải là hư vọng, thường là vĩnh hằng bất biến. Nên pháp thân đại sĩ trong thế giới Cực Lạc, mỗi người đều buông bỏ khởi tâm động niệm, mỗi người đều đã minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Phàm thánh đồng cư độ đới nghiệp vãng sanh. Cõi đồng cư và cõi thật báo không phải hai. Nghĩa là sao? Nghĩa là những người vãng sanh trong cõi đồng cư, đều để Phật A Di Đà trong tâm. Tâm của họ chính là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà chính là tâm họ. Do đó họ đích thực đem đại trí đại nguyện đại đức đại năng của Phật A Di Đà, nhiếp thọ quy nạp thành của mình. Những gì Phật A Di Đà có, họ đều có. Như vậy chúng ta có thể nói là trong tâm vô lậu của Phật Di Đà hiển hiện ra, cũng chính là trong tâm vô lậu của mỗi vị Bồ Tát vãng sanh thế giới Cực Lạc hiện ra. Là một không phải hai.

Trong đời này chúng ta muốn cầu sanh tịnh độ, thì không thể không biết. Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này, như vậy nhất định được sanh Tịnh độ, không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy bây giờ chưa đi, nhưng đã đăng ký ở thế giới Cực Lạc, nghĩa là quý vị đã cầm được hộ chiếu đến thế giới Cực Lạc, bất cứ lúc nào cũng có thể trở về nhà. Thế giới Cực Lạc hoan nghênh quý vị. Vấn đề là ở chỗ nào? Vấn đề ở chỗ thật sự buông bỏ. Đối với thế gian này tuyệt đối không thể có chút lưu luyến nào, không thể có chút chấp trước nào, quý vị chính là Phật A Di Đà. Vì sao vậy? Bởi quý vị học quá giống Phật A Di Đà, rất giống Phật A Di Đà. Nên câu sau cùng: “khải hữu sanh tử tiệm trưởng chi nghĩa dã”. Nghĩa là không thể có, không thể có sanh tử, không thể có hiện tượng từ nhỏ sanh ra và lớn lên.

Chuẩn thượng chi nghĩa”. Đây là Thiện Đạo đại sư nói trong Định Thiện Nghĩa. “Tắc bỉ quốc bảo thọ, giai A Di Đà Phật vô lậu tâm trung sở lưu xuất, vô hữu lão tử, diệc vô thiên biến. Cố vô sơ sanh dĩ tiệm trưởng chi tướng. Bỉ độ thị vô sanh chi”. Đây là một thế giới vô sanh vô diệt. “Cố lâm thọ diệc trú vô sanh”. Rừng cây cũng là vô lượng thọ. Bất luận là hữu tình hay vô tình đều một vị bình đẳng. Tất cả đều là không thể nghĩ bàn. Ở đây “tất cả” còn có nghĩa là “tóm lại mà nói”. Tóm lại mà nói, toàn bộ thế giới tây phương Cực Lạc là không thể nghĩ bàn. Cõi đồng cư là đại hạnh đại nguyện đại đức đại năng của Phật A Di Đà gia trì, hiện ra không thể nghĩ bàn. Cõi thật báo trang nghiêm độ là chân thật không thể nghĩ bàn.

Như hạ sở vân, thọ xuất diệu âm, tự nhiên tương hoà”. Chúng ta xem sáu câu kinh văn bên dưới. “Thanh phong thời phát, xuất ngũ âm thanh, vi diệu cung thương”. “Cung thương” ở đây nghĩa là âm nhạc. Thời xưa có ngũ âm là cung thương giác chuỷ vũ. “Tự nhiên tương hoà, thị chư bảo thọ, chu biến kỳ quốc”. Cây báu như thế này trải khắp thế giới Cực Lạc, thế giới Cực Lạc rất lớn, nhưng cây báu trải khắp nơi. Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ. “Hội Sớ viết, vô lậu thanh tịnh phong, cố vân thanh phong, ứng thời nhi xuy, cố vân thời phát”. Điều này quá tuyệt diệu. Khi nào muốn có gió thì gió liền đến, không muốn thì nó không còn. Gió ở đây thật không thể nghĩ bàn. Trước chữ thanh phong thêm hai chữ vô lậu, nghĩa là nói nó không phải được sanh ra từ A lại da, bởi a lại da là hữu lậu.

Ngũ âm thanh giả, chỉ cung thương giác chủy vũ”. Ở đây không đọc trưng mà đọc chủy. Năm âm thanh cung thương giác chủy vũ. Như hiện nay một số âm nhạc đều dùng nhạc ngoại như Do Re Mi Fa So, chính là ý này. Ngày xưa gọi là cung thương giác chủy vũ. “Thử ngũ thanh khả nhiếp nhất thiết âm thanh”. Năm âm thanh hội hợp chính là nhạc giao hưởng. Ngũ thanh này là luật âm nhạc căn bản của thời cổ đại Trung quốc, thêm vào biến cung và biến trưng cũng là bảy thanh, tương đồng với bảy thanh của âm nhạc hiện đại, nên âm nhạc là cùng chung một ngôn ngữ. Dân tộc khác nhau, văn tự khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, nhưng âm nhạc thì mỗi người đều có thể nghe và đều có lãnh hội, nên âm nhạc là ngôn ngữ chung.

Vi diệu cung thương”. Lấy cung thương tượng trưng cho tất cả âm thanh, tất cả đều vi diệu. “Tương hoà giả, tương ưng dã. Hội Sơ viết, nguyện lực sở thành”. Câu này rất quan trọng. Thế giới Cực Lạc có âm nhạc tự nhiên tuyệt vời như thế, không cần người diễn tấu. Khi muốn nghe thì tự nhiên nghe được, tự mình quyết định sao cho tương ưng với mình, tương ưng nghĩa là khi nghe nhất định rất thích thú, khi nghe âm nhạc này sẽ có cảm động, sẽ có giác ngộ. Như vậy mới thật vi diệu! Âm nhạc giúp ta giác ngộ, giúp ta khai ngộ. Điều này thật không thể nghĩ bàn.

Nguyện lực sở thành, bất tịch cổ xuy”. Chính là không cần người diễn tấu, cho nên nói tự nhiên tương ưng hoà hợp. “Thọ xuất hoà thanh, hiển Cực Lạc thế giới, nhất thảo nhất mộc tất giai viên minh cụ đức dã”. Thế giới tây phương Cực Lạc vi diệu không sao nói được. “Nhất thảo nhất mộc”_một cọng cây một ngọn cỏ, ở trước chúng ta học được những thứ còn vi tế hơn nữa, ở trước chúng ta học một điểm vi trần trong một sợi lông một hạt bui, đều là viên minh cụ đức, huống gì là một cành hoa một cái lá, một ngọn cỏ một cọng cây, đương nhiên đều viên minh cụ đức. Phẩm này chúng ta chỉ học đến đây thôi, xem tiếp phẩm thứ 15 bên dưới.

Bồ đề đạo tràng đệ thập ngũ”. Phẩm này phải giới thiệu cây bồ đề. “Thử phẩm trung chi bồ đề thọ, tức đệ thứ thập nhất nguyện trung chi đạo tràng thọ”. Là nơi giảng kinh thuyết pháp của Phật A Di Đà. Tôi giảng kinh thuyết pháp ở đây, cây cối đặc biệt tươi tốt. Vì sao vậy? Ngày ngày ở đây giảng kinh, ngày ngày ở đây thuyết pháp, nên cảm ứng đó thật là hy hữu, đương nhiên không giống với các nơi khác. “Phẩm trung tiên hiển thọ chi quảng đại trang nghiêm, thứ hiển thọ chi diệu đức nan tư, mạt hiển Di Đà nguyện lực, cử quả minh nhân”. Đầu tiên nói cho chúng ta về quả báo, sau đó mới nói quả báo này từ đâu mà có, nhất định có nhân. Bây giờ chúng ta xem kinh văn và đọc tiếp đoạn kinh văn này.

Đây là “đạo tràng giác thọ”, cây bồ đề chính là cây giác. “Hựu kỳ đạo tràng hữu bồ đề thọ, cao tứ bách vạn lý, kỳ bổn chu vi ngũ thiên do tuần, chi diệp tứ bố. Nhị thập vạn lý nhất thiết chúng bảo, tự nhiên hợp thành, hoa quả phu vinh, quang huy biến chiếu. Phục hữu hồng lục thanh bạch chư ma ni bảo. Chúng bảo chi vương, dĩ vi anh lạc, vân tập bảo toả, sức chư bảo trụ, kim chư linh đạc, chu tác điều gian, trân diệu bảo võng, la phúc kỳ thượng, bách thiên vạn sắc, hổ tương ánh sức, vô lượng quang viêm, chiếu diệu vô cực, nhất thiết trang nghiêm, tuỳ ứng nhi hiện”.

Ở đây chúng ta nói về lượng của cây, trang nghiêm của cây và các báu thành tựu trang nghiêm, sau cùng hiện ứng vô lượng.

Chúng xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ. “Tiên thuyết đạo tràng, thử hữu ngũ nghĩa”. Thứ nhất “chỉ Thích Tôn ư Ấn Độ bồ đề thọ hạ”. Người Ấn Độ gọi là cây Tất Bát La. Đức Phật thành đạo dưới gốc cây này, nghĩa là ngài minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, nên về sau gọi cây này là cây bồ đề, là nơi đức Phật thành đạo nên có tên là đạo tràng. Đây là nghĩa thứ nhất. Nghĩa thứ hai là “chỉ đắc đạo chi hành pháp”, điều này rất quan trọng, nghĩa là phương pháp tu hành thành đạo. Như trong kinh Duy Ma Cật nói: “trực tâm thị đạo tràng”. Trực tâm là thể của cây bồ đề. Bồ đề là giác ngộ, không phải mê. Thanh tịnh bình đẳng giác, cuối cùng là giác. Ở trước chúng ta nói rất nhiều, được tâm thanh tịnh là A la hán, được tâm bình đẳng là Bồ tát, đại giác chính là Đức Phật. Nên nói đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh gọi là giác. Chúng ta gọi chung Đức Phật là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Tâm thanh tịnh là chánh giác. Tâm bình đẳng là chánh đẳng chánh giác. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là tôn xưng Đức Phật. Chánh Đẳng Chánh Giác là Bồ Tát. Chánh Giác là A la hán, Bích Chi Phật. Đây là pháp tu hành thành đạo. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, trong đó bao gồm Phật, Bồ Tát, A la hán và Bích Chi Phật. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, cũng chính là thanh tịnh bình đẳng giác của đề kinh này. Nên trực tâm là chân tâm. Trực tâm khởi tác dụng, có tự thọ dụng và tha thọ dụng. Tự thọ dụng của trực tâm, chư vị cổ đức giảng giải, đa phần nói về “hảo đức”. Dùng hai chữ trực tâm để giải thích “hảo đức hảo thiện”, đây là tự thọ dụng của tâm bồ đề, đây là tâm đối đãi với chính mình, đối đãi với người khác là đại từ đại bi, lấy tâm từ bi đối đãi người, lấy hảo đức hảo thiện đối đãi chính mình. Ý nghĩa trong kinh Vô Lượng Thọ lại càng hay, vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc thì tâm bồ đề là điều kiện thứ nhất.

Quý vị xem “tam bối vãng sanh”, phải đầy đủ điều kiện là phát bồ đề tâm, một lòng chuyên niệm. Thượng bối như vậy, trung bối như vậy và hạ bối cũng như vậy. Cũng chính là nói, từ thượng thượng phẩm vãng sanh, thượng bối thượng sanh là sanh vào cõi thật báo trang nghiêm, hạ bối hạ sanh, hạ hạ phẩm vãng sanh là cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh. Đều đầy đủ phát bồ đề tâm một lòng chuyên niệm. Nếu không có điều kiện này, thì quyết định không thể vãng sanh. Tâm bồ đề này quan trọng chính là đạo tràng quan trọng. Tôi nhiều năm nay, hình như cũng đã hai ba mươi năm nay, tôi nói với mọi người về tâm bồ đề. Tôi tự thọ dụng đều là kinh Vô Lượng Thọ. Tự thọ dụng là gì? Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác.

Chân thành là thể, chân thành chính là trực tâm, tự thọ dụng là thanh tịnh bình đẳng giác. Như vậy mọi người dể hiểu hơn, rất rõ ràng, không có chút mơ hồ nào. Chúng ta niệm một câu danh hiệu Phật, niệm đến thật sự tự thọ dụng, tâm đã thanh tịnh. Nếu được thọ dụng thì nhất định được vãng sanh vào cõi thật báo. Còn niệm đến tâm bình đẳng hiện tiền, đối với tất cả chúng sanh không còn phân biệt, mọi người mọi việc và tất cả muôn sự muôn vật đều bình đẳng như nhau, không có chút phân biệt nào, thì quý vị là Bồ Tát, như vậy sẽ được sanh vào cõi phương tiện hữu dư ở thế giới Cực Lạc, không phải cõi đồng cư. Niệm đến đại triệt đại ngộ, đó là lý nhất tâm bất loạn, thì trực tiếp vãng sanh về cõi thật báo trang nghiêm của thế giới tây phương Cực Lạc_hoa khai kiến Phật.

Tha thọ dụng của tâm bồ đề chính là lòng từ bi. Lấy tâm từ bi chân thành để đối đãi với tất cả chúng sanh. Đây có nghĩa là: trực tâm là đạo tràng. Chúng ta không có tâm chân thành, chỉ có tự tư tự lợi, còn có danh văn lợi dưỡng, có chấp trước, có phân biệt, như vậy là không có tâm bồ đề, không có tâm bồ đề thì niệm Phật chỉ có thể trồng thiện căn, gieo hạt giống thiện căn trong A lại da, còn trong đời này không thể thành tựu. Đây là điều không thể không biết. Mỗi người niệm Phật vãng sanh đều nói vãng sanh thế giới Cực Lạc, đó chỉ là lời khen ngợi, là cách nói dễ nghe, không nhất định là thật. Mặc dù khi lâm chung toàn thân mềm mại, trên đỉnh đầu còn nóng, cũng không nhất định là vãng sanh. Điều này không thể không biết.

Người sanh thiên đỉnh đầu cũng nóng. Nếu đời sau sanh đến nhân gian là phước báo lớn, họ đến thế gian này làm quốc vương, trên đỉnh đầu cũng nóng. Những đoan tướng này hiện tiền, có thể đoán chắc rằng họ không đoạ vào ba đường ác, đây là sự thật, nhưng không chắc chắc vãng sanh.

Làm sao biết được người này thật sự vãng sanh? Họ sẽ tự nói. Khi sắp mạng chung họ sẽ nói rõ ràng với đại chúng, Phật A Di Đà đến tiếp dẫn tôi, bây giờ tôi phải đi. Đây mới là thật vãng sanh. Nếu họ không nói thì không chắc chắn. Người thật sự vãng sanh thì trước khi lâm chung, đầu óc rất tỉnh táo. Người học Phật sợ nhất là bệnh khờ dại, bệnh mất trí khi tuổi già. Mắc bệnh mất trí này thì phiền phức rất lớn, trợ niệm cũng không chắc chắn. Nên người sống trên đời này không thể không tu phước, khi mạng chung ra đi được tự tại là phước báo. Kết quả tốt, là thiện trong các điều thiện. Khi sắp lâm chung họ sẽ nói, Phật A Di Đà đến tiếp dẫn tôi. Như vậy là người này đang đi làm Phật. Trong một đời chúng ta, chỉ có điều này là chân thật, có thể đem theo được, ngoài ra không có thứ nào mang theo được. Chúng ta vướng mắc ra sao, tình chấp như thế nào đều không có cách nào khác, đến đó đều phải ái biệt ly. Còn một vài oán thân trai chủ đều tìm đến_đây là oán tắng hội. Khi sắp mạng chung tất cả đều đến, vì thế những việc này bình thường chúng ta nên hiểu thông suốt, minh bạch. Vứt bỏ nó, không nên tiếp tục quan tâm đến nó nữa. Trong tâm hoàn toàn thanh tịnh, mới tương ưng với câu A Di Đà Phật này, không thanh tịnh thì đó là tâm ô nhiễm. Niệm như thế nào? Một ngày mười vạn câu Phật hiệu mà không tương ưng với Phật Di Đà, thì giống như cổ nhân nói: “miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, hét hư cổ họng cũng uổng công”. Từng câu đều là lời chân thật, chẳng thể không biết. Đây là ý nghĩa thứ hai của đạo tràng.

Thứ ba “cúng Phật chi xứ, xưng vi đạo tràng”. Chỗ cúng dường Phật, ở đây có tượng Phật, điều này chúng ta cần phải hiểu, cúng Phật quan trọng nhất là cúng dường pháp. Nếu không có pháp thì đó là đạo tràng giả, không phải đạo tràng thật. Pháp gì? Y theo giáo pháp của Phật để tu hành. Đây là đạo tràng thật. Cúng Phật, là nơi có Phật.

Thứ tư “học đạo chi xứ”. Nơi chúng ta học Phật là đạo tràng. Cúng Phật và học Phật thường liên kết với nhau. Học Phật, mặc dù là một mái nhà tranh, trong mái nhà tranh đó nhất định có thờ Phật. Phật đường nhất định phải cúng hình tượng Phật Bồ Tát. Quan trọng nhất là trong đạo tràng có người tu hành chơn chánh, nếu không có người tu hành chơn chánh, chỗ cúng Phật cũng là đạo tràng, không thể nói đó không phải là đạo tràng. Nó không ảnh hưởng lớn đối với tất cả chúng sanh, ảnh hưởng có mặt chính, cũng có mặt phụ. Mặt phụ là gì? Là một vài người đến đây cầu Phật Bồ Tát gia hộ để họ được thăng quan phát tài. Đây là mặt phụ. Mục đích họ đến đây thắp nhang cúng Phật là gì? Là đến cầu phước, đây là thuộc về mê tín.

Cho rằng ta đem vàng bạc đến cúng Phật, sẽ được Phật gia hộ, thái độ như vậy là sai lầm, chẳng những Phật không thể gia hộ, mà người đó đang tạo tội mà tự mình không biết. Tội gì? Tội ta xem Phật Bồ Tát như tham quan ô sử, quý vị hối lộ, hy vọng các ngài cho quí vị lợi ích, có điều kiện trao đổi. Quý vị xem Phật Bồ Tát là người như thế nào, đây chính là sai lầm. Không có tâm cung kính đối với Phật Bồ Tát, hoàn toàn là trao đổi lợi ích.

Tôi còn nghe nói, đây là việc có thật không phải giả. Người đánh bạc trước khi đến sòng bạc, họ đến chùa thắp nhang lạy Phật, hy vọng Phật Bồ Tát có thể gia hộ cho họ thắng bạc, sau khi thắng được tiền sẽ đến hoàn nguyện. Nhưng rốt cuộc bị thua, thua rồi thì sao? Trở về phá tượng Phật, vì Phật này không linh. Quý vị nghĩ xem họ có tạo tội nghiệt hay không! Ác ý đập phá tượng Phật, tội này giống như tội làm thân Phật chảy máu. Quả báo là địa ngục vô gián, thật oan! Nên trong đạo tràng không thể không có đạo, trong đạo tràng có Phật hay không cũng chẳng sao. Có đạo mới quan trọng, có Phật phải có đạo. Điều này cần người học Phật chơn chánh, người thật sự hiểu thấu suốt, đem Phật pháp tăng tam bảo giới thiệu tường tận cho quý vị. Khiến quý vị đối với tam bảo thật sự sanh khởi tâm cung kính, như vậy quý vị đã có phước.

Học đạo chi xứ, Duy Ma Kinh Triệu Chú viết”. Triệu Chú là chú giải của Tăng Triệu đại sư. “Nhàn yến tu đạo chi xứ, vị chi đạo tràng dã”. Nhàn là thanh nhàn, an tịnh, đây là chỗ người tu đạo ở, viễn ly nơi náo nhiệt. Người xưa tu hành, phần nhiều là ở trong một túp lều tranh trên núi, rất đơn sơ. Năm ba người cùng tu với nhau.

Lúc tôi 30 tuổi, đã từ bỏ công việc, theo pháp sư Sám Vân ở nhà tranh nửa năm. Nhà tranh thật sự làm bằng cỏ tranh. Tường làm bằng tre đan, vách bằng tre và trét lên một lớp đất bùn. Bên ngoài thấy lớp đất bùn, bên trong thấy phên tre. Nên biết, là dùng cỏ tranh làm nhà. Năm người tu hành trong đó, ba người xuất gia, tôi với cư sĩ Chu Kính Vũ là hai người tại gia. Không gian của căn phòng rất nhỏ, một gian phòng lớn bằng khoảng bốn cái dường. Gian phòng hình chữ nhật, mỗi phòng đặt hai cái dường, tôi và Chu Kính Vũ ở một phòng. Ở giữa có một gian thờ Phật nhỏ. Ba vi pháp sư, một mình pháp sư Sám Vân ở một phòng, còn hai vị pháp sư khác cùng ở một phòng là pháp sư Đạt Tông và pháp sư Bồ Diệu. Nên tôi quen pháp sư Bồ Diệu từ lâu rồi, từ khi tôi chưa xuất gia. Tôi ở trong nhà tranh làm công quả, tôi là người nhỏ tuổi nhất. Cư sĩ Chu Kính Vũ 70 tuổi, thuộc hàng ông nội của tôi rồi.

Tôi ở đó chuyên làm việc dưới bếp, lo cho ba vị pháp sư và một người già. Tôi ở đó làm công quả, một người chăm sóc bốn người, tất cả mọi việc đều mình tôi làm. Còn bài học thì pháp sư Sám Vân nói, sau khi làm việc xong nên xem kinh Di Đà, thầy chỉ định cho tôi ba bản chú giải. Sớ Sao của Liên Trì đại sư, Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư và Viên Trung Sớ của U Khê đại sư. Ngoài ra còn một bộ Văn Sao của Ấn Quang đại sư. Trong Phật Đường nhỏ, mỗi người có một bàn nhỏ, chính là kỷ trà_bàn nhỏ để uống nước_để kinh sách. Trên bàn của tôi có mấy cuốn sách này. Trong nhà tranh này không có đèn điện, không có nước máy. Chỉ thắp đèn sáp, đèn dầu. Ở nhà tranh như vậy thật sự rất hay, rất yên tĩnh. Trong vòng một cây số xung quanh không có người ở, rất thanh tịnh.

Năm người ở đây đều trì ngọ, tức là không ăn cơm tối. Sau thời kinh tối là ngủ. Tám giờ tối đi ngủ, hai giờ sáng thức dậy, hai giờ thức dậy, ba giờ đi công phu khuya. Công phu khuya từ ba giờ đến 5 giờ, hai tiếng đồng hồ. Tôi vì công việc nên sáng sớm phải chuẩn bị thức ăn sang, nên công phu sáng của tôi là lạy Phật 300 lạy. 300 lạy cần khoảng một tiếng rưỡi, lạy xọng là đi nấu cơm sáng. Cuộc sống người tu hành đơn giản nhưng có quy củ. Trên núi chúng tôi tự trồng một ít rau. Cách sau nhà một đoạn có con suối, gánh nước rất cực khổ. Chúng tôi nghĩ cách, chặt tre rồi thông mắt tre để làm ống nước, làm cho nước chảy từ trên núi xuống. Nước trên núi rất tốt, nhưng chưa được hai ba ngày thì thú rừng trên núi đã làm hư ống nước, phải tìm nó nối lại. Nấu củi, không có điện, không có ga, nhưng củi rất nhiều, lượm những cành cây này cũng đủ để dùng, không cần phải đi chặt củi, chỉ lượm những cành cây là đủ.

Cuộc sống như vậy, nếu đại thiên tai đến. Không có điện nước, nước máy không có, không có điện, không có ga, chắc là phải sống cuộc sống cuộc sống nhà tranh như vậy. Cuộc sống như vậy cũng rất tốt, mọi việc bên ngoài hoàn toàn không biết, không có báo chí, không có điện thoại, nên đối với tin tức bên ngoài hoàn toàn không biết. Mỗi ngày đọc kinh, niệm Phật, lạy Phật là bài tập hằng ngày của chúng tôi. Nhưng tâm rất định, không tán loạn, không có vọng niệm. Đây gọi là đạo tràng.

Thứ năm “Tuỳ Thang Đế dĩ vi tự viện chi danh, chiếu cải thiên hạ chư tự, giai danh đạo tràng”. Thời Tuỳ Thang Đế, tự viện Phật giáo không dùng danh xưng tự viện, tất cả dùng là đạo tràng. Đây là một thời đại, nhà Tuỳ thời gian không dài. Nhưng đến triều đại nhà Đường, triều nhà Đường trở lại dùng danh xưng tự viện. Đây là một thời gian rất ngắn. Thời nhà Tuỳ đổi tự viện thành đạo tràng. Trong kinh này nói, đạo tràng là nghĩa thứ tư, là nơi để tu đạo, đây là điều rất quan trọng, chẳng thể không biết. Cái thứ hai là nói về nội tâm, trực tâm là đạo tràng. Thứ tư là nói về nơi học đạo. Bên dưới giới thiệu về Bồ đề thọ.

Bồ đề thọ, cứ Tây Vực Ký viết”. Tây Vực Ký là tác phẩm cua Huyền Trang đại sư, cũng chính là nhật ký du lịch của ngài. Trong này nói cây bồ đề chính là cây tất bát la. Tất bát la là tiếng Ấn Độ. Đức Phật thành đạo ở dưới cây này. Đức Phật ngồi thiền dưới gốc cây này và thành đẳng chánh giác, nên có tên là bồ đề thọ. Dịch là đạo thọ, hoặc là giác thọ. Ngài khai ngộ dưới gốc cây này, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Nên trong kinh, hoặc trong chú sớ của các bậc cổ đức, nếu nhìn thấy từ đạo thọ, giác thọ, bồ đề thọ đều chung một ý nghĩa, đều là chỉ nơi Đức Thế Tôn khai ngộ thành đạo, gọi bồ đề thọ.

Phật tại thế thời, thọ cao tứ bách chỉ”. Cây này đích thực rất cao. 400 mét, đo lượng của Ấn Độ khác với Trung Quốc. Chế độ đo đạc của mỗi quốc gia đều không giống nhau. Hoằng Nhất đại sư có một cuốn sách, hình như là 33 loại giới luật, “Luật Học Tam Thập Tam Chủng”. Trong đó có một thiên tên là “Chu Chỉ Khảo”, nói về thời đại của Đức Thế Tôn, so sanh mét của Ấn Độ và mét của Trung quốc. Mét của thời nhà Chu không lớn, một mét thời nhà Chu, tương đương với 6 tấc của chúng ta hiện nay. Nên chúng ta thấy trong sách cổ, thân người họ rất cao, một trượng 6 mét, hoặc một trượng tám mét. Thì ra một mét của họ chỉ bằng sáu tấc của chúng ta. Một trượng là sáu mét, bằng người hiện nay có thân hình cao lớn, hình như là 180 phân hoặc 190 phân. Nên mức độ đo lường không giống nhau, chúng ta cần phải hiểu điều này. 400 mét cũng là cao tương đương với một cây đại thọ. Những cây đại thọ như vậy, trong rừng nguyên thuỷ hiện nay rất nhiều.

Hậu luỹ kinh tàn phạt do cao tứ ngũ trượng, thị vi thử thế giới chi bồ đề thọ”. Cây bồ đề mà Đức Thế Tôn thành đạo hiện nay vẫn còn, nhưng không cao như lúc Phật tại thế. Đây cũng là tượng trưng cho sự suy yếu của Phật pháp. Nếu Phật pháp hưng vượng, thì cây bồ đề này nhất định rất tươi tốt và rất cao lớn. Nên sự vận hành của pháp Phật có lien quan mật thiết. Trong kinh Phật nói, cây bồ đề ở thế giới tây phương Cực Lạc cao 400 vạn dặm. 400 vạn dặm, dặm ở đây là gì? Cự ly bao nhiêu mới tính một dặm? 400 vạn là số chữ rất lớn, chúng ta dùng kilomet để tính. Hiện nay phương đông của Á Châu đến bờ tây của Mỹ là một vạn kilomet. Đoạn đường này chúng tôi thường đi máy bay, một vạn kilomet. 400 vạn nhất định không phải là kilomet. Chúng ta thử tưởng tượng cây này cao bao nhiêu, rất cao.

Ở đây Hoàng Niệm Tổ lại tiếp tục đưa ra những lời trong Quán Kinh. “Hoặc dĩ Quán Kinh trung, Phật thân cao lục thập vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần”. Như vậy thì xem ra thân thể Phật còn cao hơn cây. Cây mới có 400 vạn dặm, nhưng thân Phật có 60 vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần. Như vậy thân Phật vô cùng lớn. “Tắc hiển Phật cao thọ đê, lượng bất tương xứng”. Đức Phật đích thực hiện thân cao lớn. Thân cao lớn bao nhiêu? Thật giống như bằng một nửa bầu trời vậy. Ngài hiện thân cao lớn như vậy, hết thảy hư không đều nhìn thấy một vị Phật. Ngoài tướng vị Phật này ra thì không thấy gì nữa. Đây là cảm ứng.

Bên dưới Hoàng Niệm Tổ nói: “Thật tắc thử diệc vô ngại. Chủng chủng thuyết lượng, giai tuỳ chúng sanh cơ nghi, cố bất câu ư nhất cách. Thả thử kinh cử thể thị sự sự vô ngại, bất khả tư nghị cảnh giới. Thử xứ cao đê túng nhiên hữu dị, nhược đạt quảng hiệp tự tại chi huyền môn”. Trong Thập Huyền Môn có rộng hẹp tự tại vô ngại. “Tắc hiệp nhập nhất thiết vô ngại chi pháp giới”. Nên trong kinh Phật, chúng ta nhìn thấy những câu kinh văn này, cần phải dùng Kinh Hoa Nghiêm để giải thích, như vậy mới có thể nói thông suốt. Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Nói lớn nhỏ, nói rộng hẹp đều là tương đối, mà trong tự tánh không tìm thấy tương đối.

Đức Phật ở nơi thế gian này, giới thiệu thế giới tây phương Cực Lạc, có rất nhiều chỗ ngài dùng việc của thế gian chúng ta để ví dụ, khiến chúng ta nhiều ít cũng có chút khái niệm. Nhưng đối với sự thật có sự khác biệt rất xa. Quý vị xem, một bên thì trong chân tâm vô lậu hiển lộ, một bên thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trong A lại da biến hiện ra. Đúng là không thể so sánh. Đây là điều chúng ta cần phải hiểu, cần phải hiểu được cái vi diệu trong khi Phật nói pháp. Thông thường nói, Phật y theo nhị đế mà nói. Nhị đế là tục đế và chân đế. Tục đế là y theo thường thức của chúng ta, tuỳ theo khả năng lý giải của chúng ta mà nói. Còn một bên là y theo cảnh giới mình chứng được, đó không phải cảnh giới của chúng ta, nên chúng ta rất khó hiểu. Đây là nguyên tắc nói pháp của Chư Phật Bồ Tát. Chúng ta xem tiếp đoạn bên dưới.

Nhất thiết chúng bảo hạ”. Đoạn kinh văn bên dưới. “Hiển bồ đề thọ chi trang nghiêm”. Trong kinh nói: “Nhất thiết chúng bảo tự nhiên hợp thành, hoa quả phu vinh, quang huy biến chiếu”. Đây là nói về trang nghiêm của cây Bồ đề. “Tự nhiên hợp thành”. Thế giới Cực Lạc không có nhân công, không có thiết kế. Tất cả mọi người ở thế giới Cực Lạc đều đang học tập, nên thế giới Cực Lạc đích thực phù hợp với danh nghĩa thực tế của đại đạo tràng. Đức Phật A Di Đà ở đó, thì đó là chỗ cúng Phật. Vô lượng vô biên vô tận vô số Bồ Tát trong mười phương, phàm những người vãng sanh đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Đến đó tu học Phật pháp, họ không có công việc gì khác, vì thế giới Cực Lạc không cần người làm công quả, không cần chăm sóc, nên tâm họ rất thanh tịnh. Đây là đạo tràng không thể nghĩ bàn, đạo tràng vô cùng thù thắng.

Biểu Di Đà đại nguyện đại lực chi thành tựu”. Trí tuệ của Phật A Di Đà là đại nguyện, đại hạnh, năm kiếp tu hành và vô lượng công đức trang nghiêm thành tựu. “Tự nhiên như như, bất giả tạo tác”. Y báo, chánh báo của thế giới Cực Lạc đều là tự nhiên hiện tiền. Chúng ta niệm Phật vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, đều tự nhiên hoá sanh. Tướng mạo khi đến thế giới Cực Lạc hoàn toàn tương đồng với Phật A Di Đà, không hề sai khác, nên thế giới Cực Lạc là thế giới bình đẳng, tâm mọi người đều bình đẳng. Nếu tướng mạo này tốt, tướng mạo kia kém một chút, như vậy là có tâm phân biệt. Tướng mạo tốt sẽ kêu ngạo. Tướng mạo không tốt sẽ cảm thấy rất đau khổ, như vậy thì tâm không bình đẳng. Đến thế giới Cực Lạc là như nhau. Tướng mạo giống ai? Hoàn toàn tương đồng với Phật A Di Đà. Hoàn toàn tương đồng, quý vị có thể phân biệt vị nào là Phật, vi nào là Bồ Tát chăng? Mọi người đều có thần thông, mọi người đều có trí tuệ, tuyệt đối không nhận sai người. Điều này cũng thật không thể nghĩ bàn.

Phu giả, khai hiển. Vinh giả, phồn thạnh minh lệ”. Vô lượng hoa trân bảo đều nở, đều phóng ánh sáng rất đẹp. huy ở đây đồng nghĩa với chữ huy của quang huy, là cùng một ý nghĩa. “Ý vi thử thọ diệc thị nhất thiết chúng bảo tự nhiên hợp thành”. Tình trạng vãng sanh thế giới Cực Lạc lúc đó, thực sự giống như nằm mộng vậy. Nằm mộng là gì? Lục đạo. Từ vô lượng kiếp đến nay đều không thể tỉnh lại. Sau khi tỉnh dậy, nhìn thấy điều gì? Nhìn thấy quê hương của chính mình. Nhìn thấy người nhà của mình, bạn lữ của mình, nó trang nghiêm như vậy, tốt đẹp như vậy, khiến cho bản thân mình không giám tin. Nên đối với kinh giáo nếu không thuần thục thì rất phiền phức. Sợ điều gì? Sợ cảnh giới hiện tiền mà không giám đi. Cũng may có Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Không có Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, dù gặp được cũng không dám đi vào.

Giống như kẻ ăn xin, người bần cùng thấy hoàng cung nguy nga tráng lệ, liền chạy nhanh trốn qua một bên, khiếp sợ! Chúng ta ở trong luân hồi lục đạo bao lâu? Vô lượng kiếp, không biết nhà mình lại tốt đẹp như vậy, trang nghiêm như vậy. Thật là đến nằm mơ cũng không ngờ đến. Nếu không phải Đức Thế Tôn tận tình tuyên dương, giảng giải giới thiệu thì làm sao chúng ta biết được. Nằm mộng, cảnh giới trong mộng nhất thời hiện ra. Chúng ta vãng sanh thấy thế giới Cực Lạc cũng là nhất thời hiện ra. Nhất định phải hiểu và phải có quan niệm này. Khi vãng sanh sẽ cảm thấy mình rất quen thuộc, không xa lạ. Tôi đã biết từ lâu, tôi rất thân thuộc. Như vậy là sao? Đọc kinh ngàn lần, nhưng chính mình phải hiểu được nghĩa của nó. Nếu không thuần thục, khi hoàn cảnh hiện tiền, đến đâu cũng cảm thấy lạ lẫm. Nếu rất quen thuộc, thì đã trở về rồi, những điều trong kinh nói chúng ta có thể nhận ra, tất cả đều đúng. Cảm tạ Đức Thế Tôn, như vậy là sanh ra tâm cảm kích chân thành. Đức Phật giới thiệu không hề sai.

Như trước đây đại sư Huệ Viễn, khi ngài vãng sanh đã nói với mọi người. Trước đây ngài thấy thế giới Cực Lạc ba lần, nhìn thấy trong định, nhưng chưa nói với bất kỳ ai, lần này lại hiện tiền. Tôi nên vãng sanh. Ngài nói với mọi người như vậy. Mọi người hỏi, thế giới Cực Lạc như thế nào? Hoàn toàn giống như trong kinh Vô Lượng Thọ nói. Lúc đại sư còn tại thế, thời đại đó kinh điển tịnh độ tông, chỉ có kinh Vô Lượng Thọ được phiên dịch. Kinh Di Đà và Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đều chưa phiên dịch. Đã truyền đến Trung quốc, nhưng chưa dịch ra. Ngài Huệ Viễn lúc đó, vì ngài Cưu Ma La Thập là người cùng thời đại với đại sư Huệ Viễn. Lúc đó chưa phiên dịch, nên ngài chỉ chỉ dựa vào một bộ kinh Vô Lượng Thọ để tu tập. Ngài nói với mọi người hoàn toàn giống như trong kinh Vô Lượng Thọ. Đối với kinh điển đại sư rất thấu triệt, nên khi cảnh giới hiện tiền ngài không cảm thấy có chút xa lạ nào. Đây là điều chúng ta cần lưu ý, không thể có chút sơ suất.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.


Hết tập 355
Каталог: chugiaikvltpdf
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa Tập 474 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 28. 06. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 537 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 13. 08. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 321 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 322 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình minh Thời gian: ngày 13 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập: 383 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Lý Hương Biên tập: Bình Minh Thời gian: 22/04/2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 332 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 19 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 339 Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không Chuyễn ngữ: Nguyên Thanh Biên tập: Bình Minh Giảng ngày: 23 tháng 03 năm 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 341 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Liên Hải Biên tập: Minh Tâm Thời gian: 24. 03. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 398 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Nguyên Tâm Thời gian: 06. 05. 2011
chugiaikvltpdf -> Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 399 Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không Chuyển ngữ: Minh Tuệ Biên Tập: Nguyên Tâm Thời gian: 06. 05. 2011

tải về 116.94 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương