Tài liệu hội thảo luật quản lý thuế


III. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT



tải về 195.5 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu10.11.2023
Kích195.5 Kb.
#55615
1   2   3   4   5
filedownload727

III. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT
1. Bố cục của dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi)
Dự án Luật Hải quan sửa đổi gồm 106 Điều, được bố cục thành 8 Chương.
2. Những nội dung cơ bản và sửa đổi của dự án Luật
a) Nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hoá quản lý hải quan, nội luật hoá các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Một là, thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan, từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử (Điều 22, Điều 24, Điều 25, Điều 29, Điều 30, Điều 32)
Luật Hải quan hiện hành cơ bản được xây dựng trên cơ sở thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức truyền thống (thủ công) từ khâu tiếp nhận tờ khai, kiểm tra, giám sát đến thông quan hàng hóa. Luật Hải quan có sửa đổi, bổ sung năm 2005 đã bước đầu tạo tiền đề để áp dụng hải quan điện tử, song khi triển khai rộng rãi phát sinh một số bất cập về pháp lý.
Để khắc phục bất cập nêu trên, tại Điều 29 dự thảo Luật Hải quan về khai hải quan có quy định “Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử,…”; việc khai trong tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định; theo đó, việc kiểm tra hồ sơ hải quan được cơ bản thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc đối với một số trường hợp cụ thể được thực hiện trực tiếp bởi công chức hải quan (Điều 32 dự thảo Luật).
Các quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan (Điều 22), hồ sơ hải quan (Điều 24), thời hạn nộp hồ sơ hải quan (Điều 25), đăng ký tờ khai hải quan (Điều 30) cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thủ tục hải quan điện tử, phù hợp với Công ước Kyoto.
Nhằm bảo đảm tính minh bạch và triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá chế độ quản lý hải quan, phù hợp với thủ tục hải quan điện tử và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Dự thảo Luật Hải quan bổ sung, sửa đổi các điều từ Điều 46 đến Điều 74 theo hướng các loại hình có chung bản chất sẽ cơ bản áp dụng chung thủ tục; đồng thời, bổ sung quy định về thủ tục hải quan đối với một số loại hình hàng hóa nhập nguyên liệu, vật tư để gia công hoặc sản xuất hàng hoá xuất khẩu; hàng hoá xuất nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất; một số loại hình tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu.... Các loại hình này chưa được quy định trong luật hiện hành nhưng thực tế đã được Luật Thương mại và các Luật thuế quy định.
Hai là, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan (Điều 23, Điều 24)
Tại Điều 19 và Điều 22 Luật Hải quan hiện hành quy định về hồ sơ hải quan, thời hạn công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá cho thấy trong 5 loại chứng từ bắt buộc phải có trong hồ sơ khai hải quan gồm: tờ khai, hóa đơn thương mại, hợp đồng mua bán, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có) và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật nhưng trong thực tế cơ quan hải quan chỉ cần đầy đủ các chứng từ trên trong một số trường hợp cần thiết; ngoài ra Luật chưa quy định cụ thể thời hạn công chức hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan nên dễ dẫn đến tùy tiện gây khó khăn cho người khai hải quan.
Để khắc phục bất cập nêu trên, tại Điều 23 dự thảo Luật quy định rõ thời hạn công chức hải quan kiểm tra hồ sơ chậm nhất 2 giờ làm việc; giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá xuống 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình hàng hoá cho cơ quan hải quan (trên cơ sở áp dụng quy định về sử dụng máy soi hàng hóa trong container); trường hợp cần thiết phải gia hạn thì thời gian gia hạn tối đa không quá 2 ngày làm việc. Đồng thời để giảm bớt giấy tờ phải nộp không cần thiết cho cá nhân, tổ chức khi làm thủ tục hải quan, tại Điều 24 dự thảo Luật đã đưa ra quy định chung thống nhất về hồ sơ hải quan theo hướng đơn giản hóa, chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan, đối với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan như: hóa đơn thương mại; chứng từ vận tải; hợp đồng mua bán hàng hóa; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc kết quả kiểm tra chuyên ngành phải nộp hoặc xuất trình theo quy định của pháp luật liên quan (Luật Thương mại, Luật An toàn thực phẩm, Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Pháp lệnh Thú y...)..., dự thảo Luật giao Bộ Tài chính quy định cụ thể trường hợp phải nộp, xuất trình các chứng từ này phù hợp với quy định của pháp luật liên quan.
Ba là, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan; có chế độ ưu tiên, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện Luật định (Điều 16, Điều 17, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41)
- Luật Hải quan hiện hành chưa quy định cụ thể về áp dụng quản lý rủi ro. Trong khi đó quản lý rủi ro được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế mang lại hiệu quả quản lý và đã trở thành thông lệ quản lý hải quan của nhiều nước theo các chuẩn mực về áp dụng quản lý rủi ro của Công ước Kyoto sửa đổi.
Để khắc phục bất cập nêu trên, tại khoản 21, khoản 22 Điều 4; khoản 2 Điều 16 và Điều 17 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quản lý rủi ro làm cơ sở để người khai hải quan, cơ quan hải quan thực hiện thống nhất. Đồng thời, tại Điều 32 về kiểm tra hồ sơ hải quan, Điều 33 về kiểm tra thực tế hàng hóa cũng có quy định căn cứ vào kết quả phân tích thông tin, đánh giá rủi ro về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, về thuế và chính sách quản lý mặt hàng và thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan phù hợp. Các quy định này sẽ tạo điều kiện để cơ quan hải quan tập trung nguồn lực, phương tiện để kiểm tra, giám sát đối với những địa bàn, doanh nghiệp, những hàng hóa rủi ro cao, giảm lực lượng ở những nơi có rủi ro thấp, phòng chống tình trạng gian lận; góp phần đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở phương thức quản lý hải quan hiện đại.
- Về chế độ ưu tiên, Luật Hải quan hiện hành tuy có đề cập đến việc miễn kiểm tra đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về hải quan song chưa tiêu chuẩn hóa điều kiện chế độ ưu tiên đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Để khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế, quản trị doanh nghiệp tốt; đồng thời để tạo tiền đề thực hiện việc công nhận chế độ ưu tiên giữa các quốc gia như Hải quan các nước (ví dụ: Hải quan Hàn Quốc thực hiện công nhận lẫn nhau với 5 quốc gia; Mỹ thực hiện công nhận lẫn nhau với 7 quốc gia; Nhật Bản thực hiện công nhận lẫn nhau với 6 quốc gia,...), tại Chương III, mục 2 dự thảo Luật đã quy định rõ chế độ ưu tiên về hải quan đối với doanh nghiệp (Điều 38), điều kiện áp dụng (Điều 39), quyền, trách nhiệm của cơ quan hải quan, của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên (Điều 40, 41) phù hợp với các Chuẩn mực của Công ước Kyoto, Khung tiêu chuẩn về An ninh và Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới, khuyến nghị của WCO về việc xây dựng chương trình về Doanh nghiệp ưu tiên (AEO).
Bốn là, bổ sung cơ chế xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan (Điều 28)
Tại Điều 28 dự thảo Luật đã bổ sung cơ chế cơ quan nhà nước thực hiện xác định trước cho doanh nghiệp về mã số hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, trị giá hải quan. Quy định này tạo cơ sở pháp luật để cơ quan hải quan thực hiện tạo thuận lợi thương mại, giúp doanh nghiệp chủ động xác định trước nghĩa vụ về thuế đối với hàng hoá dự kiến nhập khẩu; tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, giảm các trường hợp tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan về việc áp mã, xác định giá tính thuế, xuất xứ hàng hoá khi làm thủ tục thông quan phù hợp với quy định của Công ước Kyoto cũng như các cam kết quốc tế trong khuôn khổ WTO, ASEAN.
Năm là, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia (Điều 35)
Luật Hải quan hiện hành chưa phân định rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng về kiểm tra chuyên ngành: kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá,... nên các hoạt động này trên thực tế còn thiếu thống nhất và đồng bộ. Đồng thời, Luật cũng chưa quy định cụ thể để thực hiện Hiệp định về Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN mà Việt Nam là thành viên.
Để khắc phục bất cập nêu trên, dự thảo Luật bổ sung khái niệm “cơ chế một cửa quốc gia” vào Điều 4 – giải thích từ ngữ. Đồng thời, để làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, Dự thảo bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan hải quan, cơ quan nhà nước hữu quan và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia tại khoản 2 Điều 9 Dự thảo; bổ sung vào khoản 4 Điều 24 Dự thảo về hồ sơ hải quan quy định “Các chứng từ do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp phép hoặc thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện các thủ tục hành chính điện tử để quản lý theo cơ chế một cửa quốc gia”.
Ngoài ra, để phù hợp theo lộ trình thực hiện cơ chế một của quốc gia tiến tới thực hiện một cửa ASEAN, tại Điều 35 dự thảo Luật quy định rõ: đối với trường hợp hàng hóa theo quy định của pháp luật phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hoá, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm thì cơ quan hải quan căn cứ kết quả kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để làm thủ tục hải quan; trường hợp hàng hóa được làm thủ tục thông quan thông qua hệ thống một cửa quốc gia thì việc thông báo, tiếp nhận và xử lý kết quả kiểm tra thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế một cửa quốc gia.
Quy định này nhằm tăng cường cơ chế phối hợp và bảo đảm thống nhất với các Luật, Pháp lệnh liên quan về kiểm dịch (Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật), kiểm tra an toàn thực phẩm (Luật An toàn thực phẩm), kiểm tra chất lượng (Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa); và bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia về trách nhiệm các Bộ, ngành trong việc cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến việc cấp phép hoặc thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan hải quan để làm thủ tục hải quan.
b) Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại.
Một là, bổ sung quy định về địa bàn hoạt động hải quan (Điều 7)
Tại Điều 6 Luật Hải quan hiện hành quy định về “địa bàn hoạt động của hải quan” nhưng chưa đầy đủ và đáp ứng được thực tiễn nên trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh vấn đề vướng mắc: (i) một số khu vực lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan như: kho bảo quản hàng hóa chờ hoàn thành thủ tục hải quan, khu vực cách ly lưu giữ hàng hóa để thực hiện việc kiểm dịch, nơi tập kết hàng hóa chờ làm thủ tục xuất khẩu... chưa được coi là địa bàn hoạt động hải quan; (ii) hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua lối mở, đáp ứng theo đặc thù điều kiện kinh tế - xã hội của một số địa phương nhưng ở những nơi này chưa được quy định là địa bàn hoạt động hải quan.
Để khắc phục bất cập nêu trên, tại Điều 7 dự thảo Luật quy định rõ về phạm vi địa bàn hoạt động của hải quan, ngoài những địa điểm đã được xác định như Luật hiện hành còn quy định địa điểm khác khi có đủ điều kiện về hạ tầng, đủ về lực lượng quản lý nhà nước và được phép xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của Chính phủ, khu vực đang lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Hai là, tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan (từ Điều 78 đến Điều 84)
Điều 32 Luật Hải quan hiện hành quy định về kiểm tra sau thông quan nhưng chưa quy định rõ về địa điểm tiến hành kiểm tra sau thông quan, quyền, nghĩa vụ của các bên có liên quan trong quá trình kiểm tra sau thông quan nên khó khăn trong quá trình thực hiện.
Điều 32 Luật Hải quan hiện hành quy định thẩm quyền quyết định kiểm tra sau thông quan gồm 2 cấp: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, thực tế với số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng (đến nay đã hơn 60.000 doanh nghiệp), các phải trường hợp phải kiểm tra sau thông quan rất lớn (năm 2006: có 542 trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan; 17 trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp. Đến năm 2012: có 2.247 trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan; 322 trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp). Do đó, cần phân cấp thẩm quyền ra quyết định kiểm tra sau thông quan để tăng cường hiệu quả của hoạt động này.
Xuất phát từ việc thay đổi cách thức quản lý, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử, giảm thời gian thông quan phù hợp với chủ trương cải cách hành chính hiện nay là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có điều kiện đưa nhanh hàng hóa vào sản xuất, lưu thông trên cơ sở tuân thủ pháp luật, bảo đảm hiệu quả trong quản lý hải quan, ngăn chặn gian lận thương mại. Tại các Điều từ 78 đến Điều 84 dự thảo Luật đã quy định rõ về kiểm tra sau thông quan và phân cấp trách nhiệm thực hiện kiểm tra sau thông quan của cơ quan hải quan, tập trung vào một số nội dung về: các trường hợp kiểm tra sau thông quan, địa điểm kiểm tra; nội dung kiểm tra, cách thức xử lý kết quả kiểm tra; thẩm quyền quyết định kiểm tra sau thông quan. Dự thảo cũng quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của cơ quan hải quan, của trưởng đoàn kiểm tra; quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan.
Ba là, tăng cường hoạt động của cơ quan hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 91, Điều 92, Điều 93)
Luật Hải quan hiện hành chưa quy định cho phép cơ quan hải quan thực hiện việc truy đuổi, bắt giữ hàng hoá buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới di chuyển từ trong địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn nên khi đối tượng chạy ra ngoài địa bàn cơ quan hải quan phải phối hợp với cơ quan chức năng, nhiều trường hợp dẫn đến mất cơ hội đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái hàng hóa trái phép qua biên giới. Ngoài ra, Luật Hải quan hiện hành chưa quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể quyền và nghĩa vụ của cơ quan hải quan, của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đáp ứng yêu cầu tăng cường hoạt động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan hải quan, tại Điều 91 dự thảo Luật quy định trong trường hợp có căn cứ xác định hàng hoá, phương tiện vận tải là hàng hóa, phương tiện vận tải buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì lực lượng kiểm soát hải quan tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý, đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng trên địa bàn biết để phối hợp ngăn chặn, xử lý. Điều 92 dự thảo quy định rõ việc áp dụng các biện pháp tuần tra, kiểm soát, điều tra, xác minh để cơ quan hải quan có cơ sở thực hiện.
Ngoài ra, để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14, Điều 47, 48 Luật Biển Việt Nam quy định về việc nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam, trách nhiệm của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; tại khoản 4 Điều 91 dự thảo Luật bổ sung quy định: “Tại vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, cơ quan hải quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong vùng nội thủy, lãnh hải phù hợp với quy định của Luật Biển Việt Nam”; tại khoản 2 Điều 93 Dự thảo cũng bổ sung quy định việc áp dụng dừng, truy đuổi phương tiện vận tải nước ngoài theo quy định của Luật Biển Việt Nam.
Bốn là, bổ sung trách nhiệm của cơ quan hải quan trong hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan
Tại Khoản 1 Điều 5a Luật Hải quan hiện hành quy định “cơ quan hải quan có trách nhiệm thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Tổ chức Hải quan thế giới”. Tuy nhiên, hiện nay hợp tác quốc tế ngày càng sâu, rộng, Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, GMS, WTO, WCO... cũng như các nước và các vùng lãnh thổ. Trong khuôn khổ các tổ chức này có nhiều hoạt động hợp tác về hải quan nên cần có cơ sở pháp lý để thực hiện. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các cam kết quốc tế song phương và đa phương, Việt Nam có nhiệm vụ cử cán bộ ra nước ngoài và có nghĩa vụ tiếp nhận cán bộ nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ như điều tra, xác minh thông tin, thực hiện kiểm tra hải quan chung.
Do đó, tại Điều 6 dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung quy định về hợp tác quốc tế như sau:
- Bổ sung việc cơ quan hải quan có trách nhiệm thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế có liên quan về hải quan, tại các nước và vùng lãnh thổ;
- Quy định cử công chức hải quan ra nước ngoài và tiếp nhận công chức hải quan nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hoạt động nghiệp vụ hải quan theo quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.
Những bổ sung trên sẽ hỗ trợ có hiệu quả việc hợp tác, trao đổi thông tin và hỗ trợ hành chính giữa các cơ quan hải quan trong các điều ước quốc tế về hải quan (khoản c điều 2 Công ước thành lập Hội đồng Hợp tác hải quan; điều 16 Công ước Hỗ trợ hành chính lẫn nhau về các vấn đề hải quan - Công ước Johanesburg,...), các thoả thuận quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với tình hình thực tế Hải quan Việt Nam đã tiếp nhận và làm việc với nhiều đoàn hải quan các nước vào điều tra, xác minh thông tin về chống bán phá giá, gian lận chuyển tải, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chấp hành các hiệp định biên giới, chống buôn lậu trên biển, kiểm soát xuất khẩu, thực thi các nghị quyết chống khủng bố của Liên Hợp quốc... Đặc biệt từ năm 2006, hàng ngày cán bộ hải quan hai nước Việt Nam và Lào đã sang lãnh thổ của nhau để thực hiện kiểm tra chung theo qui định tại Hiệp định GMS.
c) Nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
Một là, khai bổ sung nội dung đã khai trên tờ khai hải quan sau khi hàng hoá đã thông quan (Điều 29)
Điều 22 Luật hiện hành quy định người khai hải quan được bổ sung, sửa chữa tờ khai trong thông quan, nhưng chưa quy định về khai bổ sung sau khi hàng hóa đã được thông quan. Nội dung này đã được đề cập tại Khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý thuế nhưng mới chỉ đề cập đến việc khai bổ sung về thuế sau khi hàng hoá đã được thông quan. Thực tế phát sinh một số trường hợp người khai hải quan có yêu cầu chính đáng cần được khai bổ sung sau khi hàng hoá đã thông quan mà không ảnh hưởng đến thuế, không ảnh hưởng đến chính sách quản lý mặt hàng, nhưng chưa có cơ sở pháp luật để cơ quan hải quan giải quyết.
Vì vậy, tại khoản 5 Điều 29 dự thảo Luật đã bổ sung quy định khai bổ sung để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và thống nhất với Luật Quản lý thuế, khắc phục các vướng mắc trong quá trình thực hiện; phù hợp với các khuyến nghị tại Công ước Kyoto và Luật Hải quan một số nước như Cộng đồng Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Hai là, về phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 26)
Điều 72 Luật hiện hành mới chỉ quy định phân loại hàng hóa nhằm mục đích xác định nghĩa vụ thuế mà chưa quy định đầy đủ mục đích của việc phân loại hàng hóa để xác định xuất xứ và đàm phán thương mại giữa các quốc gia, quản lý hàng hoá cần kiểm soát chuyên ngành…
Để khắc phục bất cập nêu trên, tại Điều 26 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung về phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa; đồng thời để bảo đảm tính thống nhất trong việc xây dựng mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa mà Việt Nam là thành viên (công ước HS), khắc phục tình trạng không thống nhất trong việc xác định mã số hàng hóa hiện nay của các cơ quan quản lý nhà nước, người khai hải quan; bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính ban hành Danh mục mã số hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thống nhất trong toàn quốc phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên.
Ba là, quy định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong lĩnh vực hải quan (Điều 18, Điều 19, Điều 22, Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 64, Điều 82, Điều 83, Điều 94)
Luật Hải quan hiện hành chưa quy định đầy đủ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hải quan dẫn đến nhiều bất cập khi triển khai thực hiện, khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, xác định trách nhiệm khi xảy ra thất thoát hàng hóa. Để bảo đảm quản lý về hải quan, ngoài trách nhiệm của cơ quan hải quan, công chức hải quan và người khai hải quan hoặc chủ hàng còn có sự tham gia các doanh nghiệp có liên quan như: doanh nghiệp kinh doanh vận tải, kinh doanh cảng, kho bãi, doanh nghiệp xếp dỡ… Luật chưa có quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bố trí diện tích để thiết lập địa điểm làm thủ tục hải quan, khu vực xếp hàng hoá, khu vực kiểm tra thực tế hàng hóa khi quy hoạch, xây dựng cảng, cửa khẩu…; vì thế nhiều cảng, cửa khẩu, khu phi thuế quan khi được thành lập không có mặt bằng để bố trí địa điểm làm thủ tục hải quan, hàng hoá được xếp đặt không khoa học, không phân biệt khu vực chứa hàng hoá xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu với khu vực chứa hàng hoá nội địa nên khó khăn cho công tác giám sát hải quan. Ngoài ra, Luật hiện hành cũng chưa quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc xây dựng các thủ tục hành chính điện tử để thực hiện cấp phép hoặc thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chuyên ngành theo cơ chế một cửa quốc gia.
Để khắc phục bất cập nêu trên, dự thảo Luật bổ sung, làm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan trong các hoạt động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể:
- Tại các Điều 18, 44, 83: Quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan, chủ hàng trong việc làm thủ tục hải quan, thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát hải quan.
- Tại các Điều 19, 43, 82: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hải quan, công chức hải quan.
- Tại Điều 44, Điều 45, Điều 64: Trách nhiệm của người vận chuyển trong giám sát hải quan; trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng.
- Tại Điều 22: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền khi quy hoạch, thiết kế xây dựng cảng, cửa khẩu, các khu phi thuế quan...
- Tại Điều 24: Trách nhiệm của các Bộ quản lý chuyên ngành khi thực hiện cơ chế một cửa quốc gia.
- Tại Điều 94: Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân liên quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
d) Nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan
Theo Luật Hải quan hiện hành, hệ thống tổ chức bộ máy của ngành Hải quan gồm 3 cấp: Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương. Mô hình tổ chức bộ máy hiện hành đang bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: tổ chức, bộ máy chưa gắn với yêu cầu, khối lượng công việc. Hiện tại có 21/34 Cục Hải quan gắn với địa bàn 1 tỉnh, thành phố; trong số này có nhiều Cục Hải quan (17 Cục) địa bàn không lớn, khối lượng công việc ít. Ngược lại có Cục Hải quan gắn với địa bàn liên tỉnh (Hà Nội, Hải Phòng,...), hoặc cũng có Cục Hải quan mặc dù chỉ gắn với địa bàn một tỉnh (thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh) nhưng khối lượng công việc lớn, quản lý đa dạng các loại hình, nhiều đối tượng, nhiều loại cửa khẩu nhưng tổ chức, bộ máy hiện nay được cơ cấu cùng là cấp Cục.
Phạm vi quản lý bị chia tách theo từng địa bàn tỉnh, thành phố nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, hệ thống công nghệ thông tin bị phân tán, dàn trải; việc xử lý, chia sẻ dữ liệu thông tin cũng gặp nhiều khó khăn; việc bố trí nguồn nhân lực bị phân tán, nên hạn chế về năng lực và hiệu quả hoạt động trong một số lĩnh vực nghiệp vụ chuyên sâu đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo thống nhất, kịp thời như chống buôn lậu, chống ma túy, kiểm tra sau thông quan…; việc tổ chức cấp Cục hải quan gắn với địa giới hành chính tỉnh chưa phù hợp với quy mô hoạt động, yêu cầu công việc, đặc điểm từng địa bàn, điều kiện kinh tế xã hội, yêu cầu quản lý của hải quan trong những giai đoạn phát triển khác nhau.
Do vậy, tại Điều 14 dự thảo Luật về hệ thống tổ chức hải quan bỏ cụm từ “tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”; theo đó, hệ thống tổ
chức hải quan quy định có tính nguyên tắc chung như sau:
Hệ thống tổ chức của Hải quan Việt Nam gồm có:
- Tổng cục Hải quan;
- Cục Hải quan;
- Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương.
Quy định hệ thống tổ chức của Hải quan theo hướng này sẽ tạo điều kiện để bảo đảm hiệu quả trong việc bố trí nguồn nhân lực, vật lực; phù hợp với yêu cầu quản lý hải quan, khắc phục được những hạn chế đặt ra hiện nay. Hệ thống tổ chức của Hải quan vẫn được xây dựng theo nguyên tắc quản lý ngành và theo lãnh thổ nhưng căn cứ vào yêu cầu công việc; quy mô, tính chất hoạt động xuất nhập khẩu; đặc thù địa bàn, điều kiện kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập, tổ chức lại Cục Hải quan căn cứ vào yêu cầu, khối lượng công việc, quy mô, tính chất hoạt động xuất nhập khẩu, đặc thù địa bàn, điều kiện kinh tế xã hội.
Trên đây là nội dung dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. (Trình kèm theo đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 42 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)./.




tải về 195.5 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương