TỨ niệm xứ Toát yếu: Tỳ-kheo-ni Pháp Quang



tải về 232.7 Kb.
trang5/5
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích232.7 Kb.
#22123
1   2   3   4   5

CÀNH LÁ VÔ ƯU

(Viết phỏng theo)


Biển cả bao la bủa sóng trắng xóa. Gió là duyên khiến nước dậy sóng. Gió càng mạnh, sóng càng to, đuổi nhau ầm ầm sanh diệt. Chân tâm chúng ta như biển cả. Vọng tưởng khởi dậy như muôn ngàn lượn sóng ào ạt liên miên. Chúng ta quên tâm thể bao la, nhận vọng tưởng làm tâm tánh.
Ngài Anan, khi Phật quyết định : “Tâm suy nghĩ không phải tâm ông”, liền lo sợ : “Vậy thì chúng con là gỗ đá, không có tâm”. Tới khi được Phật chỉ dạy : “kiến tinh là chân tánh”, ông mới tỉnh ngộ, lễ tạ cái ơn : “Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng”.
Chấp nhận vọng tưởng làm tâm khác gì chấp sóng cho là biển cả. Chân thể thanh tịnh là Niết-bàn hạnh phúc, là yên ổn thái bình, là vô sanh giải thoát. Sóng gió sanh diệt là trầm luân sanh tử, là trần lao phiền não. Chúng sanh sống với vọng tưởng nên khổ nạn triền miên. Chư Phật, Bồ-tát trở về chân tánh nên gương mặt bao giờ cũng khoan thư tươi tỉnh.
Nghiệp báo trói buộc con người trong vạn nẻo luân hồi, tưởng như không có cách nào thoát khỏi. Nào ngờ ngọn đèn giác ngộ vừa bừng sáng, chúng liền tan biến không còn tung tích.
Cả ngày nghĩ thế này, tưởng thế kia, nhận suy tư nghĩ tưởng làm tâm tánh, lồng mình vào nó nên nó ra oai tác quái, lăng xăng lộn xộn, bủa vây kín mít tinh thần. Người đời dùng thuốc an thần cho đỡ khổ. Tổ Đạt Ma bảo : “Đem tâm ra đây ta an cho”. Ngài Huệ Khả quay về tìm tâm không thấy, mới biết phiền não bản lai không, nào có ai trói buộc mình?
Gió dụ pháp trần. Gió làm mặt biển dậy sóng. Pháp trần khiến ý thức khởi vọng tưởng. Pháp trần là cái gì? Tâm thể chúng ta có 4 đặc tánh : MINH, KÝ, ỨC, TRÌ. Mắt thấy sắc, tai nghe thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân giác xúc. 5 căn biết 5 trần là MINH. Tạng thức lặng lẽ ghi đủ là KÝ. Giữ gìn mãi bóng ảnh đã ghi (TRÌ). Mỗi khi cần lại nhớ ra (ỨC). Những cái bóng này là pháp trần. Do đây chúng ta nhớ được những chuyện từ hồi nhỏ. Những kinh nghiệm quá khứ không mất. Các bậc tu hành được Túc Mạng Minh nhớ những chuyện quá khứ trải bao nhiêu kiếp. Bóng dáng 5 trần lưu giữ trong tàng thức (pháp trần), mỗi khi dấy hiện, ý thức liền bám chặt để phân biệt tính toán như là cảnh hiện hữu, thành những vọng tưởng che mờ tuệ giác. Tứ Niệm Xứ là kiện tướng để hàng phục vọng tưởng.
Con người lịch kiếp quay cuồng chỉ vì 4 đảo :
1. Thân bất tịnh mà cứ quý chuộng mê say cho là nơi nương tựa.
2. Thọ thị khổ mà cứ khao khát, những mong càng được nhiều càng hay.
3. Tâm vô thường vọng tưởng mà cứ tin chắc là một phiến thủy chung sáng suốt.
4. Pháp không thật mà cứ cho nội 6 căn, ngoại 6 trần, chặng giữa 6 thức là thật.
Quán chiếu thuần thục mới không nô lệ 6 trần, khôi phục lại quyền tự do độc lập.
Những cảm thọ khổ vui vốn không tự có, chỉ nẩy sanh mỗi khi căn trần tiếp xúc. Đã đợi duyên mới có thì không tự thể. Con người tự phụ thông minh hơn muôn vật mà vẫn như muôn vật, cả đời bị những ảo hóa này đánh lừa. Giành giật nhau để thọ hưởng, sát phạt nhau để tranh hơn, trù rủa, xâu xé, hằn thù... chung quy cũng chỉ vì 2 cặp khổ vui, yêu ghét (thọ và tưởng).
Chúng ta kêu khổ. Phật gọi là KHỔ KHỔ, vì thân sanh già bệnh chết đã khổ còn thọ thêm cảnh khổ bên ngoài.
Chúng ta vui, Phật gọi là HOẠI KHỔ vì vạn pháp tánh chất vô thường. Quá khứ đã qua, hiện tại đang mất. Thấy vui chỉ là do còn pháp trần lạc tạ ảnh tử.
Chúng ta thọ không khổ không vui, Phật bảo là HÀNH KHỔ. Bởi vì si mê cho căn trần là thật, chấp ngã chấp pháp càng huân càng dầy, thì quyết định chỉ đi đến tam đồ khổ báo.
Tu Tứ Niệm Xứ, hằng ngày quán chiếu thân, tâm, cảnh đều giả nên an định tinh thần. Trái lại thì dù xuất gia vẫn sâu kết phiền não, gồng gánh trọn đời. Lễ bái, cầu khẩn, chư Phật Bồ-tát Thánh Hiền rất thương xót, nhưng không thể giúp. Tự mình phải có trí tuệ, cái thấy chân chánh, tầm nhìn đúng với chân lý mới có thể giải thoát vô minh. Ngoài ánh sáng, không một thần lực nào phá được bóng tối.
Nhà Phật thường có câu : “Tám thứ gió thổi không động” để khen những người tu đã đắc lực. Tám gió là: Tài lợi, suy hao, hủy nhục, đề cao, khen ngợi, chê hiềm, buồn khổ, mừng vui. Giải thoát là đập tan xiềng xích sanh tử. Trí tuệ là soi tan vô minh, gốc của luân hồi.
Kinh 42 Chương : Một buổi sáng Phật đi khất thực. Một Bà-la-môn vì có bao nhiêu đệ tử đã theo Phật cả nên giận tức, lớn tiếng chửi rủa Phật. Phật vẫn im lặng, bình tĩnh, thong thả đi vào thôn. Bà-la-môn giận quá hỏi :
_ Cù Đàm có điếc không?
_ Không.
_ Sao không trả lời?
Đức Phật dịu dàng hỏi lại : Giả sử ông đem quà tặng một người kia mà họ không nhận thì quà đó thuộc về ai?
_ Thì tôi đem về chớ sao!
_ Cũng thế, ta không nhận thì lời ông đâu có dính dáng đến ta.
Kẻ hơn mua oán.
Thua ngủ không yên.
Hơn thua đều xả.
Tự tại bình an.
Đây là gương hành động, chúng ta phải nhớ mãi để làm kim chỉ nam.
Quán lời ác là công đức.
Người nói trở thành thiện tri thức
Không do khen chê khởi oán thân,
Mới là vô sanh từ nhẫn lực.
Ngài Huệ Tịch bạch Thiền sư Trung Ấp : Thế nào là Phật tánh?
_ Ta nói thí dụ : Cái lồng có 6 cửa. Con khỉ ở ngoài bất luận đến cửa nào cũng kêu “chéo chéo”. Con khỉ ở trong liền hưởng ứng : “chéo chéo”.
_ Nếu con khỉ ở trong ngủ thì sao?
_ Chúng ta thấy nhau rồi!
Hỏi Phật tánh mà nói chuyện 2 con khỉ là sao? Con khỉ ở ngoài là 6 trần lăng xăng giao động. Con khỉ ở trong là ý thức phân biệt, nếu đã ngủ thì bên ngoài có chéo chéo bao nhiêu cũng mặc, vạn sự sẽ bình an.
Trần tiêu, giác viên tịnh.
Trở lại xét thế gian
Chỉ như việc trong mộng.
Ý thức dậy khởi, dính mắc 6 trần khiến ta quên tánh giác. Phật tánh ngày đêm hiển lộ ở 6 căn. Chỉ cần làm sao hàng phục được con khỉ vọng tâm là xong việc. Kinh tiểu thừa gọi như thế là giải thoát. Kinh đại thừa gọi như thế là minh tâm kiến tánh thành Phật. Trăm ngàn pháp môn tu đều quy về một gốc này, không có cách nào khác.

---o0o---


TỨ PHẦN LUẬT HUYỀN TY SAO

(Quyển 10 Tạp Pháp Trụ Trì)


Phật bảo : Tỳ-kheo thuận tâm niệm ông, nhiếp trì oai nghi đó là lời dạy của ta.
_ Thế nào là thuận tâm niệm ông?
Quán nội thân : Tinh cần nhiếp trì, niệm không tán loạn, điều phục tham ưu. Quán ngoại thân, quán nội ngoại thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp cũng như vậy. Như thế sẽ được chánh tâm niệm.
_ Thế nào là nhiếp trì oai nghi?
Vào ra, cúi ngước, ăn nhai, mặc áo, đứng ngồi, nói nín v.v... Ngày 12 thời, trong 4 oai nghi, tu tập nhất tâm.
* * *
Tứ Niệm Xứ không phải chỉ đứng đầu đạo phẩm Thanh-văn. Đại thừa cho đến các bậc hành nhân Viên giáo, không một vị nào không y đây hành đạo.
Phật nhập Niết-bàn đáp câu hỏi cuối cùng của ngài Anan : “Tỳ-kheo phải thờ Ba-la-đề-mộc-xoa làm Thầy. Không đồng giới phẩm không cộng trụ. Tỳ-kheo phải y Tứ Niệm Xứ mà hành đạo, không Tứ Niệm Xứ trọn không tiến thủ”.
* * *
Thiên Thai Trí Giả Đại-sư dạy : Không tuệ Niệm Xứ, tất cả hành pháp chẳng phải Phật Pháp. Có tuệ Niệm Xứ mới có thể phá tà hiển chánh, thành tựu tam thừa xuất thế đạo quả cho đến Vô-thượng Bồ-đề.
Bởi vì trong 5 ấm, người ta nơi sắc hay khởi tịnh đảo, nơi thọ hay khởi lạc đảo, nơi tưởng và hành hay khởi ngã đảo, nơi thức hay khởi thường đảo. Muốn chánh lại 4 đảo này phải học Tứ Niệm Xứ.
Thân mình là nội thân. Thân người là ngoại thân. Hợp quán ta người là nội ngoại thân. Sắc thân từ bất tịnh nghiệp đời trước mà sanh. Nghiệp chuyển nơi thức, đem vào thai mẹ, có 5 trùng không tịnh :
1) Chỗ sanh không tịnh : Thân này chẳng phải hoa sen, chẳng do chiên đàn, nuôi lớn trong máu mủ, ở bên cạnh phân uế, từ đường tiểu tiện mà ra.
2) Chủng tử bất tịnh : Vơ 2 giọt tinh cha huyết mẹ làm thể chất.
3) Tướng bất tịnh : 32 thể trược.
4) Tánh bất tịnh : Từ dâm dục uế nghiệp mà sanh, lấy ái dục làm thể chất. Nếu không tu các pháp quán để cải biến thì lấy hết nước biển cả để rửa cũng không thể sạch.
5) Cứu cánh bất tịnh : Nghiệp tận mệnh chung có 9 tướng đáng chán :
- Xanh xám.
- Sình chướng.
- Nứt loét.
- Máu mủ lan tràn.
- Da thịt rữa nát.
- Trùng dòi lúc nhúc.
- Chỉ còn bộ xương.
- Xương long rụng.
- Xương mủn tàn trở về đất.
* * *
Tứ Niệm Xứ khiến ác chưa sanh không sanh được, ác đã sanh khiến đoạn trừ, thiện chưa sanh sẽ sanh, thiện đã sanh khiến tăng trưởng. Tứ chánh cần thành tựu. Bốn thứ định sanh gọi là 4 như ý túc. 5 thiện căn sanh gọi là 5 căn. 5 phiền não phá thế là 5 lực. Phân biệt đạo dụng gọi là 7 giác chi. An ổn hành đạo là đủ 8 chánh đạo. Được thiện hữu lậu ngũ ấm gọi là noãn pháp. Từ đây hàng phục kiến-hoặc của tam giới, thứ đệ tiến nhập đỉnh vị, nhẫn vị, thế đệ nhất vị, phát chân vô lậu, 16 tâm đắc kiến đạo tích, chứng quả Tu-đà-hoàn. Tiến đoạn hết tư-hoặc tam giới, thành A-la-hán. Tất cả đều y Tứ Niệm Xứ mà thành tựu.
Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát đồng học Tứ Niệm Xứ nên đây là đường đi chung của cả tam thừa Thánh chúng. Đây là nẻo phân chia chánh tà. Có Tứ Niệm Xứ, hết thảy pháp thành chánh. Không Tứ Niệm Xứ, hết thảy pháp thành tà. Người tu không Tứ Niệm Xứ, dù cùng cực thiện cũng chỉ được quả báo nhân thiên. Luống tự cần khổ, Phật Pháp không phần. (Lời sao đau xót. Ai muốn tường tận xin xem 4 quyển Tứ Niệm Xứ của Trí Giả Đại sư ở bộ Đại Tạng, trong có bản đồ Niệm Xứ cho cả Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo).

---o0o---


Kinh ĐẠI BÁT NHÃ

Phẩm Quảng Thừa


Phật dạy : Này Tu Bồ Đề, đại thừa của Bồ-tát chính là Tứ Niệm Xứ.
Rồi Phật nói lại trọn vẹn bài kinh Tứ Niệm Xứ. Long Thọ Bồ-tát ở trong Trí Độ, luận rằng : Có người vì thân bỏ cả vợ con tài sản, đây là nhiễm tình bên trong nhiều. Có người vì tham của mất thân, vì ái dục mất mạng, đây là đắm tình bên ngoài nhiều. Có người ái cả trong ngoài. Người này phải quán cả nội ngoại thân bất khả đắc, tâm mới được chánh định.
Niệm 4 oai nghi để phá thân tặc (thân kiến là gốc mê lầm). Tập tỉnh giác trong mỗi cử động khiến tâm được thường nhất, an lành, không lầm lẫn loạn động.
Đề phòng 6 giác quan dẫn khởi 3 độc tham sân si, Phật dạy theo dõi hơi thở ra vào. Như thế thân tâm an định rồi, hành quán bất tịnh mới an ổn vững chắc, vào Bất Tịnh Tam Muội dễ dàng. Trong Phật Pháp, quán hơi thở và quán bất tịnh là đầu cửa cam lồ.
Thí dụ trong kinh :
Đồ tể : hành giả.
Bò : thân.
Dao sắc : trí tuệ.
Đoạn mạng bò : quan sát để phá chấp tướng thân.
Chia từng phần : quán 4 đại ở trong thân.
Tìm ở cả 4 phần chẳng thấy bò : ngã không ở trong 4 đại, 4 đại không ở trong ngã, chỉ do điên đảo vọng chấp là thân. Dùng tuệ “tán không” phân biệt 4 đại và sắc ấm. Rồi sau niệm Thọ, Tâm, Pháp sẽ nhập đạo.
Lại thêm thí dụ :
Kho thóc : thân.
Nông phu : hành giả.
Ruộng cấy lúa : nhân duyên nghiệp của thân.
Kết thành hột cho vào kho : nhân duyên thuần thục nên được thân người.
Lúa, mè, đậu : 32 thể trược.
Nông dân mở kho thấy rõ từng thứ : dùng mắt trí tuệ thấy trong thân tỏ tường từng thứ nhơ uế.
Lợi căn quán thân hiện tại như trên liền biết chán. Độn căn dầy kết sử, phải quán thây chết. Hành giả nhận ra, sắc đẹp trước kia tươi tốt mỹ miều đều là pháp huyễn, lừa dối kẻ vô trí. Tự biết thân mình không khác. Chưa thoát sự này sao dám trọng mình khinh người. Do đây tâm được điều phục.
Quá 5 ngày thây bỏ trong rừng, kên kên diều hâu mổ xẻ, rõ ràng tim gan da thịt chẳng phải ta, chẳng phải của ta mà là chỗ nhân duyên tội phước tập họp, đưa về cho ta vô lượng khổ.
Quán thân mới chết, quán 32 thể trược là quán bất tịnh. Quán chim thú lại ăn, xương long rụng mủn tàn thành đất là quán vô thường. Quan sát toàn thân không gì thật của ta, chỉ do nhân duyên giả hợp là quán vô ngã. Quán thân như thế không một gì vui để trừ tham ưu thế gian. Trừ được tham thì cả 5 cái sẽ hết. Như chẻ tre, đốt đầu chẻ rồi, các đốt sau theo đó mà vỡ. Bao nhiêu nhân duyên tội ác theo đây mà gỡ sạch.
* * *
Người đời cầu vui, không biết rằng vui không chỗ đứng. Vị lai chưa đến, quá khứ đã mất, hiện tại không dừng, niệm niệm sanh diệt. Ăn uống để khỏi đói khát. Vì đỡ khổ nên tạm cho là vui. Từ khổ sanh rồi lại sanh quả khổ. Lừa dối người chốc lát nên Phật gọi vui thế gian là hoại khổ. Như độc dâm dục đoạt giới thân, giết tuệ mạng, mê cuồng rồ dại mà người đời gọi là vui.
* * *
Tâm vô thường niệm niệm sanh diệt, không tự tại nên vô ngã. Pháp do nhân duyên hòa hợp, giả sanh giả diệt, nên đều không thật. Tu 4 thánh hạnh (Tứ Niệm Xứ), phá 4 điên đảo, mở cửa vào thật tướng. Quán 4 pháp vô thường, vô ngã, khổ và không, được Khổ đế. Ái và các phiền não làm nhân của khổ gọi là Tập. Ái và phiền não dứt thì được Diệt. Phương tiện dứt Tập gọi là Đạo.
Như thế gần được vô lậu gọi là ngôi Noãn (trí tuệ đã phát như cọ cây đã thấy nóng). Noãn pháp được tăng tấn như người leo núi lên dần tới đỉnh, gọi là chứng Đỉnh vị. Đỉnh đến Nhẫn, đến A-la-hán là quả chứng của Tứ Niệm Xứ trong pháp Thanh-văn. Nơi Bồ-tát Đỉnh vị gọi là Pháp vị. Nhẫn và Thế đệ nhất của Bồ-tát là nhu thuận nhẫn. Tu-đà-hoàn đến A-la-hán là vô sanh pháp nhẫn của Bồ-tát.
Tuệ nhiều gọi là Tứ niệm xứ. Tinh tấn nhiều gọi là Tứ chánh cần. Định nhiều gọi là Tứ như ý túc. Khi mới tập, niệm là bước đầu. Thường niệm như thế, trí tuệ dần thành. Cho nên không gọi là 4 Trí Xứ mà gọi là 4 Niệm Xứ. Thật thể của Tứ Niệm Xứ là Trí Tuệ.

---o0o---


TỨ PHẦN LUẬT TẠNG

ĐẠI TIỂU TRÌ GIỚI KIỀN ĐỘ


Có 3 bậc Tứ Niệm Xứ :
1- Thanh-văn, y Tứ Đế quán, dùng Khổ đế làm sơ môn tu Tứ Niệm Xứ (thân thọ tâm pháp đều khổ), đoạn kiến-hoặc tư-hoặc chứng 4 quả.
2- Duyên-giác, Độc-giác, y 12 nhân duyên, dùng quán Tập đế (xúc thọ ái thủ) làm sơ môn tu Tứ Niệm Xứ, trí tuệ lanh lợi phá kiến-hoặc tư-hoặc, kiêm phá tập khí, thành quả Phật Bích Chi.
3- Bồ-tát phát 4 hoằng thệ dùng Đạo đế làm sơ môn (2 phần trên là dùng quán trí, còn đây là dùng công hạnh mà quán Tứ Niệm Xứ, như ngay khi bố thí nhận thẳng thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã, nên biết đó là đã có 37 phẩm trợ đạo). Y lục độ tu Tứ Niệm Xứ 3 đại a tăng kỳ kiếp, phục hoặc, độ sanh, cơ duyên thành thục rồi sau 34 tâm (8 Nhẫn + 8 Trí + 18 Không)(1) đốn đoạn kết sử. Cả chính(2) và tập(3) đều hết thành Vô-thượng-đạo.
Chú thích : (1) 8 Nhẫn : 1- Khổ pháp nhẫn. 2- Khổ loại nhẫn. 3- Tập pháp nhẫn. 4- Tập loại nhẫn. 5- Diệt pháp nhẫn. 6- Diệt loại nhẫn. 7- Đạo pháp nhẫn. 8- Đạo loại nhẫn.
8 Trí : 1- Khổ pháp trí. 2- Khổ loại trí. 3- Tập pháp trí. 4- Tập loại trí. 5- Diệt pháp trí. 6- Diệt loại trí. 7- Đạo pháp trí. 8- Đạo loại trí.
18 Không : Trong Đại Kinh Bát Nhã :
1- Nội không : 6 căn không có thật thể, không phải ta. 2- Ngoại không : 6 trần không có thật thể, không phải cảnh của ta. 3- Nội ngoại không : cả 12 xứ đều không có thật thể. 4- Không không : phá cả 3 không trên (thuốc đã chữa hết bệnh rồi, thuốc cũng phải bỏ). 5- Đại không : vì cái không không có bờ mé. 6- Đệ nhất nghĩa không : chơn không thật tướng của các pháp. 7- Hữu vi không : duyên sanh hư vọng. 8- Vô vi không : như hư không, không hình tướng. 9- Tất cánh không : không một pháp nào chẳng không. 10- Vô thủy không : dùng chữ vô thủy để hiển nghĩa không có bắt đầu nhưng nói vô thủy lại thành ra để đối với hữu thủy, nên cần bỏ cả danh từ vô thủy. 11- Tán không : do chia lìa mà thành không. Thí dụ phân tách 4 đại thì thân ta không có. 12- Tánh không : không có thật thể. 13- Tưï tướng không : cộng tướng và biệt tướng đều không. Thân người là không, mắt tai mũi lưỡi thân, mỗi mỗi đều không. 14- Các pháp không : hết thảy các pháp đều hư vọng. 15- Bất khả đắc không : vì không thể nắm bắt được nên biết không có thật thể. 16- Vô pháp không : vô vi không hình tướng. 17- Hữu pháp không : có tướng mà không thể-tánh. 18- Vô pháp hữu pháp không : vô vi hữu vi đều không.
2) Chính phiền não : Kiến hoặc + tư hoặc.

3) Tập khí của các phiền não còn lưu lại.


---o0o---


TỨ NIỆM XỨ

(Giới thiệu một pháp môn thiết yếu)


Tâm có rất nhiều ô nhiễm, gốc là 3 độc tham sân si, thúc đẩy hành động, cảm quả báo luân hồi. Chỉ các bậc A-la-hán đã hoàn toàn tận diệt cặp 3 này mới có tự tại với ý nghĩa đầy đủ của danh từ. Thăng trầm của đời sống, rủi may của thế sự, không còn tơ hào ảnh hưởng đến các bậc đã thật chứng đức thanh khiết.
Phân biệt minh bạch từng tư tưởng. Cố gắng ngăn ngừa những hư xấu chưa phát sanh, dứt bỏ nếu đã phát sanh. Tạo nên và khai triển những tốt lành chưa phát sanh, gìn giữ bảo trì nếu đã phát sanh. Đó là chức năng của chánh tinh tấn. Lánh xa 2 cực đoan dục lạc và khổ hạnh, con đường trung đạo từ xa xưa đã đưa các Thánh Hiền lên đỉnh núi giải thoát và minh mẫn.
Đứng ở một góc đường, nhìn khách vãng lai, ta chỉ thấy hình ảnh của lo âu nhọc nhằn rộn rịp. Ít khi được gặp một nét mặt tĩnh lặng an hòa, thoải mái. Rối rít bồn chồn, nóng nảy, dẫn đến những quyết định vội vàng, những lời nói và hành động kém thận trọng.

Tình trạng ồn ào nhộn nhịp căng thẳng thần kinh, tổn hại sức khỏe.


Đức Phật dạy các Tỳ-kheo : “Trong khi tụ họp chỉ có 2 việc nên làm : a) Thảo luận về giáo pháp. b) Im lặng”.
Những năng lực vĩ đại được hun đúc rèn luyện trong im lặng. Im lặng là nhu cầu thiết yếu để giữ tâm lành mạnh. Lời nói là bạc, im lặng là vàng.
Các báo chí khắp thế giới lên tiếng chống ô nhiễm không gian, ô nhiễm biển cả, ô nhiễm đại địa v.v... Phật-giáo đã 3000 năm tiến trình tích cực thanh lọc thân miệng ý, chống nạn tâm ô nhiễm.
Thiền minh sát soi tỏ 4 đặc thù của vạn pháp là vô thường, vô ngã, khổ và không, lột bỏ mọi ảo kiến về cái ta, gột rửa tận cùng tất cả ô nhiễm của tâm. Trong 8 chánh đạo, chánh kiến và chánh tư duy thuộc về tuệ. Chánh tinh tấn, chánh định, chánh niệm thuộc về định. Chánh ngữ và chánh nghiệp thuộc về giới.
Chánh niệm đạt được song song cả định và tuệ, tăng trưởng năng lực sâu sắc bén nhạy cho chánh tư duy và chánh kiến, là công phu quả thật vô cùng thiết yếu để trong sạch tâm linh.
_ Này các Tỳ-kheo, thí dụ có một đám đông, ngày càng thêm đông, đang lớn tiếng la ó : “Xem kìa, thiếu nữ đẹp tuyệt trần đang múa ca”. Một thanh niên rất ham sống, không thích chết, rất ưa vui không muốn khổ, được lịnh vua phải bưng chén dầu đầy, đi giữa đám đông người và thiếu nữ tuyệt đẹp kia. Phía sau anh ta, tên đao phủ theo bén gót, tay cầm thanh kiếm sẵn sàng. Nếu anh làm đổ một giọt dầu thì tức khắc đầu anh sẽ rơi xuống đất.
Này các Tỳ-kheo, thanh niên kia có dám xao lãng, không chú tâm vào chén dầu chăng?
_ Bạch Thế Tôn, chắc chắn là không.
_ Này các Tỳ-kheo, phải gia tâm chuyên cần nương tựa 4 pháp niệm cũng như thế.
1- Niệm thân giúp ta thấu triệt thân chỉ là một tiến trình luôn biến chuyển, không thật thể. Tấm thân dài 1 sải này chỉ là một khối uế trược sanh già bệnh chết. Năng lực khoa học với tất cả phép mầu chẳng thể chuyển biến được 4 khổ thế gian.
Một quan niệm về đời sống như thế chẳng phải là bi quan hay lạc quan mà chỉ là thực tiễn. Vì biết rõ sự thật, Phật tử sống hợp với lẽ phải nên thường được thanh thản vui vẻ.
2- Niệm thọ, người giác tỉnh chú tâm vào những cảm giác vui sướng đau khổ hoặc bình thường. Cố gắng chứng nghiệm một cách khách quan các cảm giác ấy đúng như sự thật. Tâm xả không bị cảm thọ chi phối, thoát lệ thuộc các giác quan. Không nô lệ những cảm giác của mình, người chánh thọ thấy rõ chúng nó sanh diệt, tạm bợ, không thật thể.
3- Niệm tâm là công trình khảo sát những tư tưởng của mình. Hành giả cố gắng quán chiếu cả thiện và bất thiện, không dính mắc luyến ái cũng chẳng bất mãn khó chịu. Hành giả nhận thức rõ ràng cái gọi là tâm, chỉ là một tiến trình luôn luôn biến đổi theo duyên pháp trần, không có chi là bản ngã.
4- Chúng ta từ xưa hằng bị những khái niệm sai lầm, những ảo tưởng vô căn cứ, những thành kiến si mê, làm hoặc loạn. Nay Phật phân tách bản chất chúng ta ra làm 5 uẩn để dạy chúng ta tự tìm hiểu chính mình. Quan sát từng uẩn không thật thể, đặc tánh chánh yếu là vô thường. Đức Phật ví sắc như khối bọt, thọ như bong bóng nước, tưởng như sương mù, hành như bèo lục bình và thức ấm như nhà ảo thuật. Phật dạy quan sát hiểm nguy của 5 triền cái, hư vọng của 6 căn, 6 trần. Dùng 7 giác chi để luyện tâm sống độc lập an định tĩnh lặng và sáng suốt tự tại. Dần dần chúng ta sẽ cởi gỡ được những thằng thúc của vòng sanh tử.
Chúng ta bám níu vào sự vật. Dây trói buộc không phải ở giác quan hay ở cảnh trần mà chính là tâm. Phương thức trị liệu là Tứ Niệm Xứ. Nghệ thuật từ khước buông bỏ là một thành công đáng cho ta cố gắng liên tục kiên trì.
Hãy gieo một hành động để gặt hái một thói quen. Thói quen thành tâm tánh. Tâm tánh là định mạng chúng ta ngày mai.
Dù niệm thân, niệm thọ, niệm tâm hay niệm pháp, hành giả phải hoàn toàn khách quan. Bởi vì đứng ngoài chú tâm lắng nghe tiếng nhạc, ta có thể thưởng thức điệu nhạc đúng với ý vị của nó hơn là nhạc sĩ đang lo lắng trong kỹ thuật trình diễn.
Dầu tiến đạt đến mức độ khá cao, ta vẫn còn những bợn nhơ ngủ ngầm nên chưa thể tuyệt đối thanh tịnh. Nhờ theo dõi hơi thở, tâm đã an ổn tĩnh lặng. Nay dùng tuệ minh sát để tận diệt những bất thiện ngủ ngầm, rửa sạch vô minh. Nếu không thì, ngọt bùi hay cay đắng, 6 trần sẽ kích thích chúng trỗi dậy, tẩm độc lời nói và việc làm của hành giả. Năm giác quan tùy duyên và tuần nghiệp không thể thấy sự vật đúng như thật. Huống chi còn những ngã mạn, yêu ghét chi phối ngấm ngầm nên giả cho là thật, khổ cho là vui, tạm bợ cho là chân thường. Rời giới luật và định tuệ, con người không thể đạt đạo giải thoát.
Không phải ai cũng có khả năng chứng Thánh quả ngay. Chúng ta cứ thành thật trong nỗ lực, trong sạch trong ý chí, cố gắng không chùn bước. Các bậc tiền bối đã đạt được trạng thái tĩnh lặng thanh bình và an lạc. Thực hành đều đặn và kiên trì là bí quyết thành công.
Để cho thú tánh điều khiển là kẻ nô lệ đáng thương nhất. Tự chủ được mình là kẻ nắm quyền vương bá vĩ đại nhất. Chìa khóa tự chủ là luyện tâm. Đào sâu hốc hẻm thâm kín nội tâm cần thiền tập.
Khổ vui, thiện ác, sống chết, không đến với chúng ta do nguyên lý ngoại lai. Tất cả là hậu quả của tư tưởng lời nói và hành động. Guồng máy phức tạp của tâm thức là nòng cốt an bài kiếp nhân sinh. Nên giới đức phạm hạnh là yếu tố vô cùng quan trọng, là tài nguyên phong phú, hướng dẫn tinh thần đến an vui hiện tại và vị lai.
Tích Lan Đại sư

Những ai quay về với Tứ Niệm Xứ sẽ xóa sạch mọi tranh chấp, tự mở một khung trời quang sáng. Tứ Niệm Xứ là niềm tin vững chắc của Phật tử trong việc xây dựng con người và xã hội thật người.


Nỗ lực đầu tiên là chuyển ngũ cái thành 5 chi thiền :
1- Xả phát sanh thì hết tham.
2- Hỷ lạc phát sanh thì hết sân.
3- Tầm phát sanh thì hết hôn trầm.
4- Tứ phát sanh thì hết nghi.
5- Nhất tâm phát sanh thì hết trạo cử.
Tất cả những công việc nghe pháp, hành pháp, nói pháp đều chỉ nhằm một mục tiêu là giải thoát. Nếu không liên tục chăm chú an chỉ vào nội tâm thì tìm đâu có giải thoát. Đoạn trừ hết ngã ái và thủ chấp thì việc làm liền xong. Rõ ràng Tứ Niệm Xứ kết hợp cả 3 Thánh pháp : GIỚI - ĐỊNH - TUỆ.
Gió giác quan nếu không theo dõi sẽ gây bão tố tham sân si. Tham sân khiến miệng nói, thân làm sai quấy. Si mê thấy thiện ra ác, ác ra thiện. Ba thứ căn bản phiền não này vừa như lửa nung nấu, vừa như nước nhận chìm.
Đức Phật tách rời 5 uẩn ra khỏi các phiền não như người phá rừng phát quang những bụi cây nhỏ mà không làm hại đến những cây lớn. Ai quang sạch được khu rừng 5 ấm sẽ được hưởng bình an.
Thong thả đi trong đời không bị dính mắc là con đường Niết-bàn.

--- o0o ---



Hết

tải về 232.7 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương