Quốc hội luật số: /2023/QH15 CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam


QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU



tải về 0.61 Mb.
trang35/37
Chuyển đổi dữ liệu01.06.2023
Kích0.61 Mb.
#54787
1   ...   29   30   31   32   33   34   35   36   37
3.-Du-thao-Luat-Dau-thau-sd 06.4.2023

CHƯƠNG IX

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU

Mục 1

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤU THẦU

Điều 83. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu


1. Ban hành, phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về đấu thầu.
2. Tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.
3. Quản lý hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu về đấu thầu trên phạm vi cả nước.
4. Theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị trong đấu thầu và xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu theo thẩm quyền, trách nhiệm quy định tại Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
5. Hợp tác quốc tế về đấu thầu.

Điều 84. Trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ


1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.
2. Thủ tướng Chính phủ thực hiện trách nhiệm sau đây:
a) Phân cấp, ủy quyền các nội dung về đấu thầu quy định tại Điều 77 của Luật này đối với các dự án thuộc thẩm quyền;
b) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 85. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư


1. Giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước theo quy định tại Điều 83 của Luật này.
2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và sản phẩm báo chí về đấu thầu;
b) Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu, bao gồm kết quả thực hiện hợp đồng và chất lượng hàng hóa đã sử dụng;
c) Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về đấu thầu;
d) Thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu tại Bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất;
đ) Tổ chức việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác về quản lý hoạt động đấu thầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 86. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp


1. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quản lý công tác đấu thầu trong phạm vi quản lý;
b) Tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu;
c) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;
d) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về đấu thầu cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đấu thầu;
đ) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau:
a) Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các dự án do mình quyết định đầu tư hoặc thuộc phạm vi quản lý;
b) Thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền quy định tại Điều 77 của Luật này đối với dự án do mình quyết định đầu tư;
c) Thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư quy định tại Điều 78 của Luật này đối với dự án do mình là chủ đầu tư;
d) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 87. Thanh tra hoạt động đấu thầu


1. Thanh tra hoạt động đấu thầu được tiến hành đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại Luật này.
2. Tổ chức và hoạt động của thanh tra về đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 88. Kiểm tra hoạt động đấu thầu


1. Kiểm tra hoạt động đấu thầu được tiến hành theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
2. Nội dung kiểm tra hoạt động đấu thầu bao gồm một hoặc các hoạt động sau: việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu; kiểm tra việc trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; chuẩn bị lựa chọnnhà thầu, nhà đầu tư; tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; quản lý và thực hiện hợp đồng; các hoạt động khác liên quan đến hoạt động đấu thầu.
3. Phương thức kiểm tra: Kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện theo phương thức kiểm tra trực tiếp hoặc yêu cầu báo cáo bằng văn bản.
4. Trình tự, thủ tục kiểm tra theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất như sau:
a) Chuẩn bị kiểm tra bao gồm: Quyết định thành lập đoàn kiểm tra; Xây dựng kế hoạch kiểm tra chi tiết; trao đổi với đối tượng kiểm tra (nếu cần thiết);
b) Tổ chức kiểm tra;
c) Kết luận kiểm tra;
d) Theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra.

Điều 89. Giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu


1. Người có thẩm quyền, cơ quan quản lý về đấu thầu thực hiện công tác giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ theo quy định của Luật này.
2. Cơ quan quản lý về đấu thầu thuộc Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc giám sát, theo dõi thường xuyên hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm quy định của Luật này và các pháp luật có liên quan.
3. Người có thẩm quyền thực hiện việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm thuộc phạm vi quản lý.
4. Nội dung giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, bao gồm một hoặc các nội dung sau:
a) Nội dung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
c) Quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
5. Trình tự, thủ tục giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền:
a) Chuẩn bị giám sát, theo dõi: Xác định gói thầu, nội dung, tổ chức thực hiện việc giám sát, theo dõi trong Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể hoặc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Công khai tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Thực hiện giám sát, theo dõi: Tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát, theo dõi trao đổi trực tiếp có biên bản làm việc hoặc yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo bằng văn bản về các nội dung giám sát, theo dõi. Chủ đầu tư, bên mời thầu và tổ chức cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát, theo dõi;
c) Báo cáo kết quả giám sát: Tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát, theo dõi báo cáo kịp thời bằng văn bản đến người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi, nội dung không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu để có những biện pháp xử lý thích hợp, bảo đảm hiệu quả của quá trình lựa chọn nhà thầu.
6. Trách nhiệm của cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu:
a) Trung thực, khách quan; không gây phiền hà cho chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình giám sát, theo dõi;
b) Yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ quá trình giám sát, theo dõi;
c) Tiếp nhận thông tin phản ánh của nhà thầu và các tổ chức, cá nhân liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu của gói thầu đang thực hiện giám sát, theo dõi;
d) Bảo mật thông tin theo quy định;
đ) Chịu trách nhiệm về kết quả giám sát, theo dõi của mình;
e) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.

Điều 90. Xử lý vi phạm


1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 của Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các hành vi sau:
a) Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi vi phạm tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này;
b) Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 03 năm đối với một trong các hành vi vi phạm tại khoản 8 và khoản 9 Điều 16 của Luật này;
c) Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm đối với một trong các hành vi vi phạm tại khoản 6 và khoản 7 Điều 16 của Luật này.
3. Thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu được quy định như sau:
a) Người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương;
b) Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình đối với những trường hợp do người có thẩm quyền đề nghị theo quy định tại điểm a khoản này.
4. Công khai xử lý vi phạm:
a) Quyết định xử lý vi phạm phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và các cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời phải được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp;
b) Thông tin nhà thầu vi phạm phải được đăng tải trong Danh sách nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Mục 2

XỬ LÝ TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ,

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU

Điều 91. Xử lý tình huống trong hoạt động đấu thầu


1. Trong trường hợp phát sinh tình huống chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, người có thẩm quyền, chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xử lý tình huống theo nguyên tắc sau đây:
a) Bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế;
b) Việc xử lý tình huống căn cứ vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; hợp đồng đã ký kết với nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn; tình hình thực tế triển khai thực hiện gói thầu, dự án.
2. Thẩm quyền xử lý tình huống trong đấu thầu:
a) Đối với lựa chọn nhà thầu, người quyết định xử lý tình huống là chủ đầu tư. Trong trường hợp phức tạp, chủ đầu tư quyết định xử lý tình huống sau khi có ý kiến của người có thẩm quyền;
b) Đối với lựa chọn nhà đầu tư, người quyết định xử lý tình huống là người có thẩm quyền.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 92. Khiếu nại, tố cáo và kiến nghị trong đấu thầu


1. Kiến nghị là việc nhà thầu, nhà đầu tư đề nghị xem xét lại và các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà thầu, khi thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng.
2. Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu được quyền chọn một trong các biện pháp xử lý sau:
a) Kiến nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Khởi kiện ra Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
c) Khiếu nại, tố cáo về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư khởi kiện, khiếu nại, tố cáo theo quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này thì không thực hiện quy trình giải quyết kiến nghị theo quy định tại Điều 94 và Điều 95 của Luật này.
4. Trường hợp đang trong quá trình giải quyết kiến nghị mà nhà thầu, nhà đầu tư khởi kiện ra Tòa án thì việc giải quyết kiến nghị được chấm dứt ngay.
5. Nhà thầu, nhà đầu tư có quyền rút đơn kiến nghị trong quá trình giải quyết kiến nghị.

Điều 93. Điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị


1. Đối với các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, để được xem xét, giải quyết kiến nghị, nhà thầu, nhà đầu tư phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Đối với kiến nghị về nội dung hồ sơ mời thầu, đơn kiến nghị có thể của các tổ chức quan tâm đến gói thầu; Đối với các nội dung khác, đơn kiến nghị phải là của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;
b) Đơn kiến nghị phải có chữ ký, đóng dấu (nếu có) của người đại điện hợp pháp của tổ chức, nhà thầu, nhà đầu tư gửi đơn hoặc được ký số, gửi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
c) Nội dung kiến nghị chưa được nhà thầu, nhà đầu tư khởi kiện ra Tòa án;
d) Đơn kiến nghị được gửi đến đơn vị giải quyết kiến nghị quy định tại khoản 1 Điều 94 và khoản 1 Điều 95 của Luật này trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
2. Đối với kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, để được xem xét, giải quyết kiến nghị, nhà thầu, nhà đầu tư phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Đơn kiến nghị là của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;
b) Đơn kiến nghị phải có chữ ký, đóng dấu (nếu có) của người đại điện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu hoặc được ký số, gửi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
c) Nội dung kiến nghị đó chưa được nhà thầu, nhà đầu tư khởi kiện ra Tòa án;
d) Nội dung kiến nghị liên quan trực tiếp đến kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư có đơn kiến nghị;
đ) Chi phí giải quyết kiến nghị được nhà thầu, nhà đầu tư có kiến nghị nộp cho bộ phận thường trực giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị (sau đây gọi là bộ phận thường trực) trước hoặc đồng thời với đơn kiến nghị;
e) Nhà thầu phải gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư, người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 94 của Luật này; nhà đầu tư phải gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu, người có thẩm quyền trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 95 của Luật này.
3. Trường hợp kiến nghị của nhà thầu, nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị thông báo bằng văn bản cho nhà thầu về việc không xem xét, giải quyết kiến nghị.

Điều 94. Quy trình giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà thầu


1. Giải quyết kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu:
a) Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư từ khi xảy ra sự việc đến trước khi kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
b) Chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu;
c) Trường hợp chủ đầu tư không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư;
d) Người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu.
2. Giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu:
Nhà thầu chọn một trong hai quy trình kiến nghị như sau:
a) Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu. Trường hợp chủ đầu tư không có văn bản trả lời hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi đơn kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị;
b) Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.
3. Thời gian giải quyết kiến nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tính từ ngày bộ phận hành chính của người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị hoặc ngày gửi đơn kiến nghị trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
4. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ đơn kiến nghị của nhà thầu đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng việc ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng. Nếu chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, người có thẩm quyền có văn bản thông báo tạm dừng việc ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, trong đó xác định rõ thời gian tạm dừng.
5. Trong văn bản trả lời về kết quả giải quyết kiến nghị cho nhà thầu phải có kết luận về nội dung kiến nghị; trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là đúng phải nêu rõ biện pháp, cách thức và thời gian để khắc phục hậu quả (nếu có), đồng thời bộ phận thường trực giúp việc có trách nhiệm yêu cầu các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên đới chi trả cho nhà thầu có kiến nghị số tiền bằng số tiền mà nhà thầu có kiến nghị đã nộp cho Hội đồng tư vấn. Trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là không đúng thì trong văn bản trả lời phải giải thích rõ lý do.
6. Trường hợp nhà thầu không đồng ý với quyết định giải quyết kiến nghị của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, nhà thầu được khởi kiện ra Tòa án về quyết định này.

Điều 95. Quy trình giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà đầu tư


1. Giải quyết kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư:
a) Nhà đầu tư gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu từ khi xảy ra sự việc đến trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
b) Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà đầu tư;
c) Trường hợp bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà đầu tư không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà đầu tư có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu;
d) Người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà đầu tư.
2. Giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư:
Nhà đầu tư chọn một trong hai quy trình kiến nghị như sau:
a) Nhà đầu tư gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà đầu tư. Trường hợp bên mời thầu không có văn bản trả lời hoặc nhà đầu tư không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà đầu tư có quyền gửi đơn kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị
b) Nhà đầu tư gửi đơn kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.
3. Thời gian giải quyết kiến nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tính từ ngày bộ phận hành chính của người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị hoặc ngày gửi đơn kiến nghị trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
4. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ đơn kiến nghị của nhà đầu tư đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng việc ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng. Nếu chấp thuận, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, người có thẩm quyền có văn bản thông báo tạm dừng việc ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, trong đó xác định rõ thời gian tạm dừng.
5. Trong văn bản trả lời về kết quả giải quyết kiến nghị cho nhà đầu tư phải có kết luận về nội dung kiến nghị; trường hợp kiến nghị của nhà đầu tư được kết luận là đúng phải nêu rõ biện pháp, cách thức và thời gian để khắc phục hậu quả (nếu có), đồng thời bộ phận thường trực giúp việc có trách nhiệm yêu cầu các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên đới chi trả cho nhà đầu tư có kiến nghị số tiền bằng số tiền mà nhà đầu tư có kiến nghị đã nộp cho Hội đồng tư vấn. Trường hợp kiến nghị của nhà đầu tư được kết luận là không đúng thì trong văn bản trả lời phải giải thích rõ lý do.
6. Trường hợp nhà đầu tư không đồng ý với quyết định giải quyết kiến nghị của người có thẩm quyền, bên mời thầu, nhà đầu tư được khởi kiện ra Tòa án về quyết định này.

tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   29   30   31   32   33   34   35   36   37




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương