Niềm vui của Tin Mừng


CHƯƠNG BỐN CHIỀU KÍCH XÃ HỘI CỦA LOAN BÁO TIN MỪNG



tải về 0.79 Mb.
trang11/17
Chuyển đổi dữ liệu10.09.2016
Kích0.79 Mb.
#31956
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17

CHƯƠNG BỐN

CHIỀU KÍCH XÃ HỘI CỦA LOAN BÁO TIN MỪNG


176. Loan báo Tin Mừng là làm cho Vương Quốc Thiên Chúa hiện diện trong thế giới chúng ta. Thế nhưng “mọi định nghĩa cục bộ hay manh mún nào với tham vọng diễn tả tất cả thực tại loan báo Tin Mừng trong sự phong phú, phức tạp và năng động của nó đều có nguy cơ làm cho nó trở nên nghèo nàn và thậm chí xuyên tạc nó”.[140] Giờ đây tôi muốn chia sẻ mối quan tâm của mình về chiều kích xã hội của việc loan báo Tin Mừng, chính là vì nếu chiều kích này không được hiểu một cách đúng đắn, thì luôn luôn có nguy cơ xuyên tạc ý nghĩa đích thực và trọn vẹn của sứ mạng loan báo Tin Mừng.



I. TÁC ĐỘNG CỦA LỜI RAO GIẢNG CƠ BẢN ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI


177. Lời rao giảng cơ bản (kerygma) có một nội dung xã hội rõ rệt: ở tâm điểm của Tin Mừng là đời sống cộng đồng và sự tham dự với những người khác. Nội dung của lời rao giảng ban đầu này có một hệ quả đạo đức trực tiếp được qui vào đức ái.
Tuyên xưng đức tin và dấn thân xã hội

178. Tin vào một người Cha yêu thương mọi người với một tình yêu vô biên có nghĩa là nhận ra rằng “qua đó Người ban cho họ một phẩm giá vô hạn”.[141] Tin rằng Con Thiên Chúa mặc lấy xác thịt nhân loại có nghĩa là mỗi con người đã được đưa vào chính trái tim của Thiên Chúa. Tin rằng Đức Giêsu đã đổ máu mình ra vì chúng ta có nghĩa là loại bỏ mọi nghi ngờ về tình yêu vô biên làm cho mỗi một người trở nên cao quí. Ơn cứu chuộc chúng ta có một chiều kích xã hội bởi vì “Thiên Chúa, trong Đức Kitô, không chỉ cứu chuộc từng cá nhân, nhưng còn cứu chuộc các mối tương quan xã hội giữa con người với nhau”.[142] Tin rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong mỗi người có nghĩa là nhận ra rằng Người tìm cách thâm nhập mọi tình huống của con người và mọi mối liên kết xã hội: “Có thể nói, Chúa Thánh Thần có một sự sáng tạo vô biên, thuộc tính riêng của thần trí, nó biết cách tháo gỡ mọi khúc mắc của thế sự, cả những khúc mắc phức tạp và khó lường nhất”.[143] Loan báo Tin Mừng có nghĩa là hơp tác với hoạt động giải thoát này của Chúa Thánh Thần. Chính mầu nhiệm Ba Ngôi nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh sự hiệp hông thần linh ấy, vì vậy chúng ta không thể hoàn thành bản thân hay được cứu độ mà chỉ dựa vào cố gắng của riêng mình. Từ tâm điểm của Tin Mừng chúng ta thấy mối liên kết sâu xa giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, sự thăng tiến này bắt buộc phải được biểu hiện và phát triển trong mọi hoạt động loan báo Tin Mừng. Chấp nhận lời rao giảng cơ bản này—lời rao giảng mời gọi chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và đáp lại tình yêu ấy bằng chính tình yêu là quà tặng của Người—sẽ tạo ra trong đời sống và hành động của chúng ta một lời đáp trước tiên và cơ bản: ước muốn, tìm kiếm, và bảo vệ lợi ích của người khác.


179. Mối liên kết giữa việc chúng ta chấp nhận sứ điệp cứu độ và tình yêu huynh đệ đích thực được thấy trong một số bản văn Kinh Thánh mà chúng ta cần suy gẫm để đánh giá được hết các hệ quả của chúng. Sứ điệp là cái mà chúng ta thường coi là hiển nhiên và có thể lặp lại hầu như một cách máy móc, mà không nhất thiết bảo đảm rằng nó có một hiệu ứng thực sự đối với đời sống chúng ta và trong các cộng đồng của chúng ta. Tình trạng này quá nguy hiểm, bởi nó làm chúng ta mất đi sự kinh ngạc, phấn khích và nhiệt tình để sống Tin Mừng của tình huynh đệ và công lý! Lời Chúa dạy rằng anh chị em của chúng ta là sự nối dài mầu nhiệm nhập thể cho mỗi người chúng ta: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40). Cách chúng ta đối xử với người khác có một chiều kích siêu việt: “anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy” (Mt 7:2). Nó tương ứng với lòng thương xót mà Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại... Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:36-38). Các đoạn Kinh Thánh này cho thấy rõ rằng ưu tiên tuyệt đối của việc “đi ra khỏi bản thân chúng ta để đến với các anh chị em chúng ta” là một trong hai giới răn lớn làm nền tảng cho mọi qui tắc luân lý và là dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận ra sự tăng trưởng thiêng liêng trong việc đáp lại ân huệ hoàn toàn cho không của Thiên Chúa. Vì lý do này, “việc phục vụ bác ái cũng là một yếu tố cấu thành của sứ mạng Hội Thánh và là một biểu hiện thiết yếu của chính sự hiện hữu của Hội Thánh”.[144] Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo; Hội Thánh tràn trề đức ái hiệu quả và một sự cảm thông có sức thấu hiểu, giúp đỡ và phát huy.
Nước Thiên Chúa và thách thức của nó

180. Đọc Kinh Thánh cũng cho ta thấy rõ rằng Tin Mừng không chỉ thuần tuý là về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta cũng không được coi lời đáp yêu thương của chúng ta với Thiên Chúa như chỉ là tập hợp các nghĩa cử nhỏ bé và riêng lẻ của chúng ta đối với các cá nhân gặp hoàn cảnh khó khăn, một kiểu gọi là “bác ái trên giấy”, hay một chuỗi các hành vi chỉ cốt làm cho lương tâm chúng ta khỏi áy náy. Tin Mừng là về Nước Thiên Chúa (xem Lc 4:43); về yêu mến Thiên Chúa Đấng ngự trị trong thế giới chúng ta. Bao lâu Người ngự trị giữa chúng ta, đời sống xã hội sẽ là một môi trường của tình huynh đệ phổ quát, công lý, hoà bình và nhân phẩm. Vì vậy, cả việc rao giảng và đời sống Kitô giáo đều phải có một ảnh hưởng trên xã hội. Chúng ta đang tìm kiếm Nước Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33). Sứ mạng Đức Kitô là thiết lập vương quốc của Cha Người; Ngài truyền cho các môn đệ đi rao giảng tin vui rằng “Nước Trời đã đến gần” (Mt 10:7).


181. Vương quốc này, vốn đã hiện diện và lớn lên giữa chúng ta, lôi kéo sự tham dự của chúng ta trên mọi bình diện và nhắc nhớ chúng ta về nguyên tắc phân định mà Đức Phaolô VI áp dụng cho sự phát triển đích thực: nó phải hướng tới “mọi người và trọn vẹn con người”.[145] Chúng ta biết “loan báo Tin Mừng sẽ không hoàn hảo nếu nó không lưu tâm tới tác động qua lại liên tục của Tin Mừng và đời sống cụ thể của con người, đời sống cá nhân cũng như xã hội”.[146] Đây là nguyên tắc về tính phổ quát nội tại của Tin Mừng, vì Cha muốn sự cứu rỗi của mọi người, nam cũng như nữ, và kế hoạch cứu độ của Người là “qui tụ muôn loài trong Đức Kitô, mọi loài trên trời và dưới đất” (Ep 1:10). Sứ mạng chúng ta là “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15), vì “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8:19). Ở đây, “loài thọ tạo” chỉ về mọi khía cạnh của đời sống con người; do đó, “sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô có một đích đến hoàn vũ. Nhiệm vụ của sứ mạng này bao gồm mọi chiều kích của đời sống, mọi lãnh vực của đời sống cộng đồng, và mọi dân tộc. Không có gì của con người có thể xa lạ với nó”.[147] Niềm hi vọng Kitô giáo đích thực là tìm kiếm vương quốc cánh chung, nó luôn luôn sinh ra lịch sử.
Giáo huấn của Hội Thánh về các vấn đề xã hội

182. Các giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến các tình huống trần thế đều chịu sự chi phối các sự phát triển mới và xa hơn và có thể được mở ra cho tranh luận, nhưng chúng ta phải cụ thể—tuy không quá đi vào chi tiết—nếu không các nguyên tắc lớn về xã hội sẽ mãi mãi chỉ là những điều khái quát chẳng thách thức được một ai. Cần phải rút ra những kết luận thực hành, để chúng “có tác động lớn đến sự phức tạp của các tình huống hiện hành”.[148] Các mục tử của Hội Thánh, trong khi lưu tâm tới các đóng góp của các khoa học khác nhau, có quyền đưa ra các ý kiến về tất cả những gì ảnh hưởng đến đời sống con người, vì nhiệm vụ loan báo Tin Mừng bao hàm và đòi hỏi sự thăng tiến toàn vẹn mỗi con người. Không còn có thể chủ trương rằng tôn giáo phải được hạn chế trong lãnh vực tư riêng và nó chỉ tồn tại để chuẩn bị các linh hồn vào thiên đàng. Chúng ta biết Thiên Chúa muốn các con cái Người được hạnh phúc cả ở đời này nữa, mặc dù họ được kêu gọi để hưởng sự viên mãn trong cõi vĩnh cửu, vì Người đã tạo dựng nên mọi sự “cho chúng ta hưởng dùng” (1 Tm 6:17), cho mọi người hưởng dùng. Hệ quả là sự hoán cải của người Kitô hữu đòi hỏi phải duyệt xét lại đặc biệt những lãnh vực và những khía cạnh của đời lống “liên quan đến trật tự xã hội và việc theo đuổi lợi ích chung”.[149]


183. Do đó, không ai có thể đòi tôn giáo phải bó gọn vào trong nội cung của đời sống cá nhân, không có ảnh hưởng gì tới đời sống xã hội và quốc gia, không quan tâm gì tới sự lành mạnh của các cơ chế dân sự, không có quyền đóng góp ý kiến về các vấn đề ảnh hưởng tới xã hội. Có ai dám tuyên bố khoá chặt và bắt nín lặng sứ điệp của Thánh Phanxicô Assisi hay Chân Phước Têrêxa Calcutta? Hẳn là chính các ngài sẽ coi đó là chuyện không thể chấp nhận được. Một đức tin chân chinh—không bao giờ dễ chịu hay cá nhân—luôn luôn bao hàm một ước muốn sâu xa là biến đổi thế giới, truyền thông các giá trị, làm cho thế giới này phần nào tốt hơn khi ta gặp nó. Chúng ta yêu quí hành tinh tuyệt vời này, nơi Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào, chúng ta yêu quí gia đình nhân loại đang cư ngụ ở đây, với tất cả những thảm cảnh và những đấu tranh, những hi vọng và ước mơ, những yếu đuối và sức mạnh của nó. Trái đất là nhà chung của chúng ta và tất cả chúng ta là anh chị em của nhau. Nếu quả thực “việc điều hoà trật tự công bằng của xã hội và nhà nước là một trách nhiệm chính trị”, thi Hội Thánh “không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý”.[150] Mọi Kitô hữu, bao gồm cả các mục tử của họ, được kêu gọi bày tỏ quan tâm đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là điều cơ bản, vì tư tưởng xã hội của Hội Thánh chủ yếu là tích cực: Hội Thánh cống hiến các đề nghị, Hội Thánh hoạt động cho sự thay đổi và theo nghĩa này Hội Thánh vạch ra niềm hi vọng phát sinh từ trái tim yêu thương của Đức Giêsu Kitô. Đồng thời, Hội Thánh nối kết “sự dấn thân của chính mình với sự dấn thân trong lãnh vực xã hội của các Hội Thánh và các Cộng Đồng Hội Thánh khác, dù trên bình diện suy tư về học thuyết hay bình diện thực hành”.[151]
184. Đây không phải lúc cũng chẳng phải chỗ để xem xét chi tiết rất nhiều vấn đề xã hội đang ảnh hưởng tới thế giới hôm nay, và tôi cũng đã đề cập đến một số vấn đề này ở chương hai. Tông huấn này không phải là một văn kiện xă hội, vŕ chúng ta có một công cụ thích hợp nhất để suy tư về các chủ đề khác nhau ấy, đó là cuốn Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo, là văn kiện mà tôi nhiệt liệt khuyến khích anh chị em đọc và học hỏi. Hơn nữa, Giáo Hoàng hay Hội Thánh không độc quyền về việc diễn giải các thực tại xã hội hay đề nghị các giải pháp cho các vấn đề đương đại. Ở đây tôi có thể lặp lại nhận định sâu sắc của Đức Phaolô VI: “Đối diện với những tình huống thay đổi sâu rộng như thế, chúng ta thật khó có thể phát biểu một thông điệp thống nhất và đưa ra một giải pháp có giá trị phổ quát. Đây không phải là tham vọng hay sứ mạng của chúng ta. Các cộng đồng Kitô có nhiệm vụ phân tích một cách khách quan tình huống riêng của quốc gia mình”.[152]
185. Dưới đây tôi muốn tập trung vào hai vấn đề lớn mà tôi coi là rất cơ bản trong thời kỳ này của lịch sử. Tôi sẽ trình bày hai vấn đề này đầy đủ hơn vì tôi tin chúng sẽ định hình tương lai của nhân loại. Vấn đề thứ nhất là sự bao gồm người nghèo trong xã hội, và vấn đề thứ hai là hoà bình và đối thoại xã hội.


Каталог: mfiles -> data

tải về 0.79 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương