Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一


Thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn



tải về 2.21 Mb.
trang20/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   ...   29

151. Thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn (thư thứ mười bốn)
Hôm nay ông Vương Ấu Nông vì lo liệu công cuộc cứu trợ cho dân chúng bị nạn vì thổ phỉ, thiên tai ở Thiểm Tây đã gởi cho Quang mười cuốn sổ vàng lạc quyên. Quang một mực chẳng quyên mộ, huống chi đương lúc khốn khổ gian nan này, bèn gởi khoản tiền in sách một ngàn đồng để quyên tặng và gởi trả lại sổ vàng. Khoản tiền ông thỉnh kinh đã trả được một trăm, khoản tiền còn lại nếu có thể trả được lúc này thì xin hãy gởi cho Hội Cứu Trợ Tỉnh Thiểm Tây tại số Mười đường Ngũ Vị thuộc tỉnh thành, giao cho cư sĩ Vương Ấu Nông để cứu trợ cho vùng Thiểm Nam. Nếu chẳng tiện trả một lúc, sớm muộn gì trả phần còn lại cũng được, nhưng vẫn giao cho Vương Ấu Nông. Nếu hội đã giải tán thì giao đến tận nhà ông ta ở số Mười ngõ Trần Gia thuộc khu Tây Bắc trong thành để tùy ý ông ta dùng làm khoản cứu trợ nào [cũng được] (Ngày Hai Mươi Chín tháng Hai năm Dân Quốc 24 - 1935)
152. Thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn (thư thứ mười lăm)
Hôm trước nhận được thư ông, biết ông đã gom được khoản tiền nợ Quang là bốn trăm đồng, ông cũng quyên thêm một trăm đồng để cứu trợ dân bị thiên tai, an ủi, vui mừng hết sức! Ngày Mười Bảy, một đệ tử giao cho Quang một trăm đồng để cứu trợ; Quang lại gộp [món tiền ấy] với những khoản tiền do người khác cho Quang được năm trăm đồng đem gởi cho Ấu Nông để trọn hết tấm lòng tôi.

Nói đến chuyện “niệm Phật, niệm Quán Âm đều có thể tiêu tai thoát nạn” thì lúc bình thường hãy nên niệm Phật cho nhiều, niệm Quán Âm ít hơn. Gặp khi hoạn nạn, hãy nên chuyên niệm Quán Âm do Quán Âm bi tâm tha thiết, có túc duyên sâu đậm với chúng sanh phương này. Chớ nên do thấy nói như vậy, bèn nói “Phật chẳng từ bi bằng Quán Âm!” Cần biết rằng Quán Âm là đấng thay Phật rủ lòng Từ cứu khổ. Ngay như khi Phật Thích Ca tại thế, cũng thường dạy chúng sanh khổ nạn niệm Quán Âm, huống gì bọn phàm phu chúng ta?

Khi xuất quan, sau khi đã quyết định tới ở chỗ nào sẽ gởi thư cho ông biết. Trong lúc chưa quyết định đi hay ở này, nói ra sẽ biến thành nhiễu loạn. Gần đây, [con người] hoàn toàn phế bỏ quy cách cũ, hoàn toàn chẳng biết kính tiếc chữ và sách; nay tôi cho in tám vạn tờ truyền đơn, sẽ gởi cho ông một gói. Mong hãy phân phát, lại hãy nên ra rả khuyên răn để mong ai nấy đều vun bồi nền phước (Ngày Hai Mươi tháng Ba năm Dân Quốc 24 - 1935)
153. Thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn (thư thứ mười sáu)
Nghĩ tới người đời trước giữ khí tiết khắc khổ, hãy nên cực lực phổ biến sự giáo hóa của Phật khiến cho hết thảy mọi người đều hưởng lợi ích liễu sanh thoát tử, ngõ hầu tên cha mẹ ta được ghi trên sen báu Tây Phương. So với những sự vinh hạnh rỗng tuếch [được ghi danh trên] bài minh nơi văn bia trong cõi này, sẽ khác biệt vời vợi như trời với đất. Kẻ có hiếu với cha mẹ hãy nên chăm chú nơi chuyện lớn lao, còn chuyện nhỏ nhặt có làm hay không cũng được, chẳng cần phải dốc chí nơi những chuyện ấy! (Tháng Mười năm Dân Quốc 24 - 1935)
154. Thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn (thư thứ mười bảy)
Há nên nói lắm lời sáo rỗng như vậy? Cái tập khí hư huyễn, hời hợt ấy người học đạo chớ nên có, huống là trước mặt thầy càng chẳng nên nói ư? Người Nhật mang tâm cọp sói muốn thôn tính nước ta. Nước ta lắm kẻ lén ăn hối lộ của Nhật, làm chó săn cho bọn chúng, đến nỗi bọn chúng càng lộ vẻ hung hăng dữ tợn hơn. Nếu không có ai chịu để cho chúng sai khiến, chúng trọn chẳng đến nỗi ngang ngược như thế! Ở Tô Châu hằng ngày dăm ba lần có phi cơ [Nhật] bay qua, lúc đầu ném bom mấy chỗ, gần đây chỉ bay qua mà thôi! Người Tô Châu mười phần lánh đi hết bảy, nhưng tỵ nạn ra ngoại ô càng khổ lắm. Những người không tỵ nạn còn an vui một chút. Quang già rồi, một bước cũng không thể di động được! Chưa đáng chết thì nói chung sẽ chẳng chết. Hễ phải chết, thà trúng bom mà chết, chứ chẳng chuyển dời đi đâu để phải chịu khổ oan uổng như thế.

Sữa độc (sữa của người mẹ nóng giận) giết trẻ nhiều hơn do phá thai hay trấn nước con gái232. Tiếc rằng những danh y từ xưa chưa từng nói đến chuyện này. Kẻ không biết [nguyên nhân] luôn đổ lỗi cho số mạng, chẳng biết đấy nào phải do số mạng. Phàm nữ nhân tánh tình nóng nẩy, con cái họ phần nhiều bị chết (nổi nóng lên [cho con bú, con] sẽ bị chết [vì sữa hóa độc]). Dù không chết, cũng lắm bệnh (nổi nóng nho nhỏ sẽ thành bệnh). Nữ giới từ nhỏ phải tập tánh nhu hòa thì suốt đời hưởng nhiều phước. Nếu không, chẳng những chính mình lắm bệnh, mà con cái cũng dễ bị chết hay lắm bệnh. Gia đạo bất hòa đến nỗi suy vong, tai họa thường thấy hằng ngày; đây quả thật là nền tảng để lập gia, lập quốc vậy. Hơn nữa, hiện nay chiến sự khốc liệt cùng cực từ trước đến nay chưa hề có. Về sau này, những vũ khí hung bạo càng tinh diệu hơn, nhân dân càng khó sống còn. Bất luận già - trẻ - trai - gái đều nên niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ngõ hầu chẳng đến nỗi đời đời kiếp kiếp mắc phải sự ngược đãi, hà khắc này!

Hiện thời quốc nạn hết sức nguy kịch, phàm hết thảy mọi người đều nên nhất tâm niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” để cầu chiến sự mau dứt, ai nấy được sống yên. Ngày Hai Mươi Tám tháng Sáu, Quang đăng bản thông cáo rộng rãi khuyên khắp đồng bào toàn cầu cùng niệm thánh hiệu Quán Âm, gởi cho báo Thượng Hải Tân Văn, và tòa báo [Tân] Thân, bảo mỗi tờ đăng mười ngày. Mồng Tám tháng Bảy bắt đầu, báo tuy đã in ra, nhưng khó thể phát trọn khắp, lại bảo Tập Cần Sở tại Tào Hà Kính in năm mươi vạn tờ truyền đơn rộng bảy tấc gởi đến những cơ quan Phật giáo các tỉnh. Do chiến sự phải ngừng in. Bài văn ấy không chỉ vì chiến sự; sau khi yên ổn trở lại chẳng ngại gì in tiếp. [Tôi cho in bài ấy] kèm vào sau cuốn Đạt Sanh Biên, sau khi yên ổn sẽ tùy thời cơ mà lo liệu. Chiến sự chưa ngớt, chuyện gì cũng chẳng thể tiến hành. Gởi cho ông một phần quảng cáo khuyên niệm Quán Âm đã đăng trên báo, xin hãy lần lượt bảo khắp đại chúng thì lợi ích lớn lao lắm! (Ngày mồng Ba tháng Tám năm Dân Quốc 26 - 1937)
155. Thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn (thư thứ mười tám)
“Thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát”, chính là “thường niệm, thường cung kính”. Chữ Thường thông sang chữ Cung Kính, há nên nói trơ trọi là “niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát” ư? Cần biết rằng hai chữ Nam Mô nghĩa là “quy y, đảnh lễ, cung kính, hãy cứu độ con” v.v… Hiện thời Tập Cần Sở tại Thượng Hải đã in hai ba chục vạn [tờ truyền đơn] phát đi các nơi, nhưng Nam Kinh, Nam Thông, Hán Khẩu, Vô Tích, mỗi nơi đều có người in; ông chỉ cần in ra, phát tặng tại đất Tần. Nhất tâm niệm Phật không chuyện gì chẳng thực hiện được!

Quán Âm từ bi tầm thanh cứu khổ, đang trong lúc khổ sở cùng cực này, dạy người ta niệm Quán Âm so ra họ rất dễ sanh lòng tin hơn dạy họ niệm Phật; vì con người phần nhiều không biết đến oai thần của Phật. Đối với chuyện [đức Phật] cứu khổ cứu nạn, trong kinh rất ít khi nêu rõ, nhưng chuyện đức Quán Âm cứu khổ cứu nạn thường được kinh Đại Thừa nhắc tới. Như phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa, chương thứ hai mươi lăm “pháp Nhĩ Căn Viên Thông của Quán Âm” trong kinh Lăng Nghiêm, chương Thiện Tài Tham Học Quán Âm trong kinh Hoa Nghiêm (lần tham học thứ hai mươi tám). Kinh Đại Bi chuyên nói về chú Đại Bi và những chuyện Quán Âm cứu khổ. Kinh Bi Hoa233 nói đến những chuyện khi Quán Âm Bồ Tát tu nhân, phát nguyện cứu khổ. Những kinh khác nói đến rất nhiều. Do nhân duyên này, cõi đời không ai chẳng biết Quán Âm là bậc cứu khổ cứu nạn. Đang trong đại kiếp này, bảo những người thượng đẳng (trí thức thượng đẳng) niệm Phật thì dễ, còn với kẻ hạ đẳng (trí thức hạ đẳng) do trong kinh chưa từng nói đến, chắc họ chẳng sanh lòng tin. Vì thế, bảo họ niệm Quán Âm. Sao ông lại đem so sánh quả vị, thần thông v.v… giữa Phật và Bồ Tát?

Cần biết rằng: Quán Âm có nhân duyên lớn với thế giới chúng ta. Từ trong vô lượng kiếp trước, Ngài thành Phật đã lâu, hiệu là Chánh Pháp Minh, nhưng do tâm từ bi sâu nặng, chẳng lìa cõi Tịch Quang (tức là cõi Phật ở) hiện hình trong chín cõi để thực hiện cứu vớt. Huống chi Ngài còn thị hiện làm Pháp Vương Tử của A Di Đà Phật, như dân chúng muốn cầu ân trạch của hoàng đế liền hướng về Thái Tử mà cầu. Niệm Quán Âm phát nguyện cầu sanh Tây Phương cũng được mãn nguyện, do Di Đà và Quán Âm cùng [thực hiện] một chuyện độ sanh, chứ không phải là hai nghĩa!

Đức Hằng được bổ làm giáo viên trường Sư Phạm Vị Dương, muốn Quang khai thị (hãy bảo anh ta thường đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư). Cần biết rằng cội rễ của sự đại loạn trong nước ta là do Trình - Châu bài bác nhân quả luân hồi, cho rằng: “Con người chết đi, hình hài đã mục nát, thần hồn cũng phiêu tán, dẫu có những nỗi khổ chém - chặt - xay - giã trong địa ngục, lấy đâu để thi hành! Lại do thần thức đã phiêu tán rồi, còn ai để thọ sanh? Tức là không có địa ngục, luân hồi, làm lành hay làm ác đều không có báo ứng”. Như vậy là ngăn trở kẻ khác làm lành, mặc kệ cho kẻ khác tạo ác! Từ đấy về sau, Lý Học đều chẳng dám nói đến nhân quả, luân hồi, nên thiện không có gì để khuyên, ác không gì để trừng phạt, hùa nhau đề xướng rộng rãi thực hành chuyện biến con người thành loài thú!

Cần biết rằng: Cuộc đại loạn này là vì Trình - Châu bài xích nhân quả luân hồi mà khơi ra đầu mối! Do quốc gia chẳng đề xướng chuyện giáo dục, đến nỗi cha mẹ trong gia đình chỉ dạy con cái mở mang trí thức, chẳng bảo ban con cái về nhân quả, báo ứng, đạo đức, nhân nghĩa. Thầy giáo trong nhà trường chỉ biết dạy học, soạn văn chương, chứ đối với chuyện “tận tụy theo đuổi [sự nghiệp] học thánh, học hiền” một câu cũng không nhắc tới. Bởi lẽ, những hạng thầy giáo ấy từ bé tới già cũng chẳng biết “học hành là để học thánh học hiền”, chỉ biết soạn văn chương để cầu công danh; đến khi đã đạt được công danh bèn cậy thế khinh người, gây tàn hại cho địa phương, mười phần hết tám chín! Những người tạo lợi ích cho địa phương chỉ được một hai phần mà thôi!

Cổ nhân nói: “Sư giả, nhân chi mô phạm dã” (Thầy là khuôn mẫu cho người khác). Khuôn chẳng thành khuôn, mẫu không ra mẫu sẽ gây hại chẳng nhỏ. Cần biết rằng con người cùng với trời đất cùng xưng là Tam Tài, Tài là tài năng. Trời chẳng biết cao bao nhiêu, to bao nhiêu; đất chẳng biết dày bao nhiêu, rộng bao nhiêu, con người chỉ năm sáu thước, là một vật nhỏ nhoi sống được sáu bảy mươi tuổi, sao có thể sánh cùng trời đất chẳng thể suy lường mà xưng danh? Nên biết rằng: Trời đất tuy có thể sanh thành vạn vật, nhưng nếu không có con người giúp đỡ giáo dục sẽ chẳng thành thế đạo. Vì thế, con người có thể kế thừa bậc thánh đời trước, mở mang đường học cho người đời sau. Đấy chính là trách nhiệm của kẻ làm cha, làm thầy.

Nếu biết ta là thầy của người khác, dẫu ta không có đức để cảm hóa người thì cũng nên “nhất cử nhất động của chính mình đều chẳng để sai lễ!” Tức là: “Chuyện phi lễ chẳng nhìn, lời phi lễ chẳng nghe, tiếng phi lễ chẳng nói, chuyện phi lễ chẳng làm”, dè dặt, kinh sợ như vào vực sâu, như bước trên băng mỏng, chỉ sợ người khác bắt chước ta làm chuyện không ra gì, thì có thể mong thành thánh, thành hiền, siêu phàm nhập thánh. Hãy nên thường sao lục nhiều bài để công bố cho những người có chí “lo toan cho người khác” được cùng đọc. Ở Tô Châu, phi cơ hằng ngày bay đến ba bốn năm sáu bảy tám lượt cũng không nhất định. Có ngày ném bom mấy lần, có bữa không ném. Có người khuyên Quang đi sang nơi khác, Quang thà bị trúng bom chết, chẳng muốn chết vì bôn ba nhọc nhằn, xin đừng nói cho lắm những lời xuông. Từ nay đừng nên gởi thư tới nữa do mọi người đang cầu được sống trong cái chết, làm sao còn rảnh rỗi để thù tiếp được nữa đây? (Ngày Mười Tám tháng Chín năm Dân Quốc 26 - 1937)
156. Thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn (thư thứ mười chín)
Thư ông và mười đồng đều nhận được cả. Đang trong lúc đại kiếp chưa từng có này, cũng nên dè dặt, gắng sức ra công tu trì. Mấy năm qua, thư từ cũng chẳng ít, lại còn gởi các loại sách và Đại Tạng Kinh đời Tống. Nếu chịu vâng theo khuôn phép thì một bộ Văn Sao đã dư dùng. Chẳng chịu vâng theo khuôn phép, dẫu có Đại Tạng Kinh cũng chẳng ích gì! Không biết người em thứ hai của ông có vâng theo lời tôi nói hay không? Quang già rồi, mục lực chẳng đủ, chẳng thể viết nhiều. Từ nay đừng gởi thư đến nữa, cũng đừng giới thiệu ai đến quy y vì không có mục lực lẫn tinh thần để phúc đáp (Tháng Mười năm Dân Quốc 26 - 1937)
157. Thư trả lời cư sĩ Lã Trí Minh
Sao gởi thư gì mà tên lẫn họ đều không ghi? Nếu gởi về nhà mình thì còn được. Nếu nhờ người khác chuyển, ắt phải lo có bị lỡ việc hay không? Muốn cho khi lâm chung chẳng bị hôn trầm, ắt lúc bình thường phải có hành trì chân thật. Lúc bình thường hờ hững, hời hợt, làm sao lâm chung tỉnh táo cho được? Chuyện của Châu Vinh Hâm nếu không phải là bịa đặt thì [ông ta] chắc chắn được vãng sanh. Một là vì ông ta có thiện căn từ đời trước, hai là vì được cả nhà trợ niệm. Chuyện trợ niệm lợi ích rất lớn. Nếu chẳng trợ niệm sẽ thành phá hoại chánh niệm. Đừng nói người không có công phu chẳng thể vãng sanh, ngay cả người có công phu mà bị người nhà phá hoại cũng chẳng thể vãng sanh được! Vì thế, phải khuyên sâu xa người nhà cùng tu Tịnh nghiệp, mới có thể chẳng đến nỗi công lao bị hỏng lúc sắp thành, vẫn trầm luân trong biển khổ sanh tử.

Con ông chẳng dám nhìn nữ nhân, nhưng kẻ tại gia hằng ngày thường trông thấy nữ nhân. Nếu thấy nữ nhân già, hãy tưởng như mẹ mình; người lớn hơn hãy tưởng như chị mình; kẻ nhỏ hơn hãy tưởng như em gái mình. Bất luận loại nữ nhân nào đều tưởng như vậy thì lâu ngày trông thấy nữ nhân khác cũng sẽ chẳng khác gì mẹ, chị, em mình. Lại nữa, [nếu] thấy nữ nhân xinh đẹp bèn khởi tà niệm thì hãy thường tưởng trong bụng người ấy toàn là phân tiểu, chỉ là một tấm da mỏng bọc lấy nên dường như dễ coi. Nếu bóc lớp da ấy ra, không có một điểm nào dễ nhìn cả! [Quán tưởng] nữ nhân như thế, mà [quán tưởng] chính mình cũng như thế. Lúc chưa thấy đã tưởng như vậy thì lúc trông thấy, tưởng niệm này sẽ hiện tiền, lâu ngày tà niệm tự tiêu. Nếu lấy vợ cũng tưởng như thế sẽ chẳng đến nỗi tham sắc chết yểu. Nếu không, nguy hiểm đến cùng cực. Chẳng những không nên đến chùa ni cô, mà với nhà thân hữu cũng đều nên tránh gây hiềm nghi (như ngồi trò chuyện trong phòng kín và chỗ không có người thấy).

Cổ nhân thì chị dâu em chồng chẳng đưa [đồ vật trực tiếp] cho nhau, chẳng phải là không trao cho nhau được mà là vì sợ biết đâu [do trực tiếp đụng chạm tay nhau] tà niệm dấy lên, nên lập ra cách ngăn ngừa này. Nơi ruộng dưa chẳng [cúi xuống] buộc dép, sợ [người khác] ở đằng xa trông thấy ngỡ mình bứt dưa. Dưới gốc mận chẳng [vói tay] chỉnh lại mũ, sợ [người khác] ở đằng xa nhìn thấy ngỡ mình bẻ mận. Chánh nhân quân tử không có tà niệm mà vẫn phải chấp trước như thế, huống chi là người vừa thấy nữ nhân liền khởi tà niệm há chẳng nên chấp trước như thế ư?

Phiền não là vọng, sao lại nói là “chẳng thể đoạn?” Nói “chẳng thể đoạn” là nói về chân tánh. Trước khi chưa chứng, chân tánh thuận theo ác duyên mà thành phiền não, nhưng vẫn bất biến. Thuận theo thiện duyên, tịnh duyên sẽ trở thành Bồ Đề, vẫn bất biến. Ví như vàng ròng tuy gò thành cái bô đi tiêu hay cái vò đựng nước tiểu ban đêm, tuy hằng ngày đựng phân, tánh vàng vẫn bất biến. Nếu đúc thành tượng Phật, tượng Bồ Tát, tuy cực kỳ quý trọng nhưng tánh vàng vẫn bất biến. Người trong thế gian ai nấy sẵn đủ Phật tánh, nhưng thường tạo ác nghiệp như đem vàng gò thành cái bô đi tiêu, cái vò đựng nước tiểu ban đêm, thật chẳng biết tự trọng quá sức! Nếu biết nghĩa này, ai chịu thường làm những món đồ để làm bô đi tiêu hay cái vò đựng nước tiểu ban đêm nữa? Nhưng con người tranh nhau làm bô đi tiêu hay cái vò đựng nước tiểu ban đêm! Trong trăm ngàn vạn ức người, chắc là hết sức ít những người chẳng chịu làm bô đi tiêu, cái vò đựng nước tiểu ban đêm, một dạ muốn làm tượng Phật, tượng Bồ Tát, ngay cả làm tượng Thiên Đế đại vương cũng không chịu làm!


158. Thư trả lời cư sĩ Tiền Sĩ Thanh (thư thứ nhất)
Hôm trước nhận được tiểu sử công đức của lệnh tổ234, đọc rồi khôn ngăn cảm thán. Phàm những người cai trị dân đều chịu tuân theo pháp tắc thì thiên hạ yên vui vĩnh cữu. Chỉ có một chuyện người tầm thường muôn phần chớ nên bắt chước, bắt chước theo ắt bị đại họa. [Vũ Túc Vương] giương nỏ bắn sóng, sóng rút lui, ấy chính là thủy thần cảm đức của Vương nên sóng chẳng dâng lên nữa. Người thiếu đức bắt chước, ắt sẽ chọc giận thủy thần, sóng lớn bủa vây thì dân cư nguy hiểm đến cùng cực.

Ngày Trung Thu năm Quang Tự 12 (1886), tôi rời Nam Ngũ Đài (ở ngoài thành Trường An, chính là nơi Quán Âm hiện thân lão tăng hàng phục con rồng yêu quái, rồi khai sơn. Phần Phụ Lục cuối Văn Sao [Tăng Quảng Chánh Biên] có bài bi ký [về chuyện này]), sang núi Hồng Loa ở Bắc Kinh. Trước khi ra đi, đã nghe Thái Nguyên bị nạn lụt lớn. Đến đầu tháng Chín, tới Thái Nguyên, mới có đường nhỏ dành cho người đi bộ, do vậy bèn vào thành nhìn xem cảnh tượng. Một ngày nọ trong khoảng tháng Sáu, tháng Bảy, cuồng lưu dấy lên chảy bên cạnh thành từ phía Tây xuôi về phía Nam. Thế nước thật dữ dội, quan Tuần Phủ X… lên thành xem liền hạ lệnh bắn đại pháo [để phá sóng]. Bắn một phát, ngay lập tức nước dâng gấp mấy lần, thuận thế chảy về phía Nam thành. Cửa thành đã đóng, may là nước chưa tràn vào thành. Nam Quan là đường lớn để lên kinh đô, đường phố rất dài, nước xoáy đến nỗi nhà cửa, cỏ cây, tường vách không còn gì nữa, trở thành một cánh đồng mới bồi, phẳng lì, không một ai chẳng gặp phải tai nạn do phát đại pháo này. Tài vật bị tổn thất chẳng biết là đến mấy vạn vạn.

Đủ biết: Quỷ thần kính đức, chứ không sợ oai! Người thiếu đức trong lúc ấy chỉ nên suất lãnh mọi người khẩn cầu, sám hối cầu đảo đừng gây tổn thương cho dân lẫn vật, quyết chẳng đến nỗi khiến cả thành bị tai nạn lớn lao. Dẫu cho vô ích, quyết chẳng đến nỗi ươm thành tai nạn lớn lao! Khi in lại bài tiểu sử này, có lẽ hãy nên nêu rõ ý nghĩa này, ngõ hầu những kẻ làm quan về sau gặp phải cảnh này chẳng lượng đức mình, chỉ bắt chước Vương ra oai, đến nỗi chuốc họa hại dân!

Cư sĩ đã sáu mươi bảy, dẫu thọ trăm tuổi thì cũng đã quá nửa đời người rồi, hãy nên trong lúc về hưu vô hệ lụy này, theo đúng lý nên chuyên tu Tịnh nghiệp, tự hành, dạy người, khiến cho hết thảy mọi người đều quay về nơi hiện nay đã biến thành nhà cũ từng bị họ bỏ lơ thì lợi ích ấy chỉ đức Phật mới biết được! Nếu lắng lòng nghiên cứu thuật bói toán Phong Thủy, tuy có thể lợi người, nhưng cũng rất hữu hạn, Quang tuyệt đối chẳng nghĩ lời nói ấy là đúng. Lệnh tổ chẳng nghe lời [xúi giục] lấp [Tây] Hồ235, kiến thức cao hơn những kẻ tầm thường vạn vạn lần. Nếu nghe theo, sợ sẽ nhọc dân hao của, hoặc đến nỗi bị tổn hại vô ích.

Đối với Phật pháp, Quang trọn chẳng đạt được gì. Năm Quang Tự 19 (1893) đến chùa Pháp Vũ ở Phổ Đà sống nhàn tản, cho tới năm Dân Quốc thứ sáu (1917), chẳng qua lại với người bên ngoài. Dẫu trong núi có ai sai phái viết lách gì, cũng chẳng dùng hai chữ Ấn Quang. Năm Dân Quốc thứ sáu (1917), Từ Úy Như nhận được ba lá thư bèn đem in ra mấy ngàn bản gởi cho người khác, đặt tên là Ấn Quang Pháp Sư Tín Cảo. Năm sau lại thâu thập được hơn hai mươi mấy bức thư, đặt tên là Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, đem in ra ở Bắc Kinh, tới Phổ Đà xin quy y. Quang bảo ông ta quy y với pháp sư Đế Nhàn. Từ đấy, hằng ngày bận bịu thù tiếp thư từ, trọn chẳng có lúc nào ngớt. Chẳng biết Bản Văn Sao mà cư sĩ đã đọc là bản được in vào năm nào, chỉ sợ lúc ấy chỉ đọc được một hai lượt đã bỏ xó. Nay gởi cho ông một bộ, văn tuy gai mắt, nhưng ý chấp nhận được. Xin hãy đọc kỹ để tu trì liền có thể vận dụng lớn lao lời nghị luận rộng lớn về chuyện dẫu nghèo cùng hay hiển đạt đều có thể tốt lành.

Văn Sao Tục Biên chỉ có hai cuốn, độ chừng ba trăm trang, so với bộ trước có nhiều chỗ lợi người hơn, nhưng văn chương lại càng hủ bại, ô uế. Ước chừng cuối tháng Tám sẽ có thể in xong. Nếu cư sĩ chẳng hiềm hủ bại, ô uế thì cuối tháng Tám, đầu tháng Chín sẽ không ngại gì đích thân đến chùa Thái Bình, hỏi pháp sư Đức Sâm thỉnh hai ba bộ để kết pháp duyên. Quang chưa hề mó tay vào thuật bói toán Phong Thủy, nhưng tôi thấy những người tự xưng là đại thông gia hiện nay đều chỉ trích kiến trúc của người xưa là sai, mặc tình sửa đổi. Thật ra, được tốt lành thì ít, bị xui xẻo thì nhiều. Phàm [những ai làm] thầy thuốc hoặc bói toán, Phong Thủy xin Quang khen ngợi, Quang chẳng thốt ra một chữ nào đáp ứng vì sợ khiến cho người khác bị lầm lạc bởi mình. Quang nói thẳng với họ: Nếu Quang tán dương, phải thấu hiểu sâu xa thuật ấy và biết đích xác bản lãnh của các hạ thì mới được. Quang chẳng biết những thuật ấy, lại chẳng biết bản lãnh của các hạ, làm sao có thể phô bày với người khác cho được? Người ta nói sao, mình cũng phô phang y hệt như vậy, thì tuy ngu hèn, Quang cũng chẳng chịu mạo muội thuận theo thói lấy lòng ấy đâu nhé!


159. Thư trả lời cư sĩ Tiền Sĩ Thanh (thư thứ hai)
Nhận được thư khôn ngăn khâm phục, đọc đến tác phẩm lớn lao của ngài liền biết đức của Vũ Túc Vương nhiều đời hãy còn. Những gia đình trâm anh đời đời đức hạnh mà tôi thường hâm mộ chỉ có [gia tộc] Phạm Văn Chánh Công (Phạm Trọng Yêm) đời Tống là lâu bền nhất. Đọc gia phả nhà ông thì đức trạch của Vũ Túc Vương vượt trỗi Phạm công rất xa. Trộm nghĩ: Tập văn này nên đặt tên là Tiền Vũ Túc Vương Thế Trạch sẽ càng khiến người ta ngưỡng mộ. Quang là ông Tăng chỉ biết cơm cháo, không có tài đức làm thầy người khác, nhưng vì một người lan truyền chuyện giả, rốt cuộc người nghe chẳng xét, lầm tưởng là thật. Các hạ đã làm đồ đệ Ban Thiền236 lại quy y với Quang, sợ rằng đôi bên chẳng hợp lẽ. Chỉ nên tích cực tu trì liền đạt được lợi ích lớn lao, chứ chẳng phải do quy y hay không?

Nay gởi kèm cho ông Một Lá Thư Trả Lời Khắp và toa thuốc để đáp tạ hậu ý. Quang mục lực suy yếu tột cùng, để đọc và trả lời thư này phải cậy vào kính lão lẫn kính lúp mới miễn cưỡng xem thư và trả lời được. Đối với sự tích của Vũ Túc Vương, [tôi phải] dùng ba cái kính để xem đại lược đầu mối. Nếu in theo khổ chữ Tam Hiệu Tự, dùng ba cái kính để đọc thì phải tốn công mấy chục bữa mới mong đọc xong. Nếu chẳng hiềm gai mắt, đợi trong tháng Tám, tháng Chín, khi Văn Sao Tục Biên in ra, xin hãy gởi thư cho pháp sư Đức Sâm chùa Thái Bình ở đường Bắc Thành Đô, Thượng Hải thỉnh một bộ thì cũng có thể làm một nhúm cát trong vô lượng hằng hà sa số lợi ích cho đời, cho người.


160. Thư trả lời cư sĩ Tiền Sĩ Thanh (thư thứ ba)
Hôm qua nhận được thư, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Bài tụng của Quang tuy ý có thể chấp nhận được, nhưng văn thật vụng về, chất phác. Các hạ khen ngợi là xiển minh chân lý, muôn đời chẳng mòn, đấy vẫn là do đức của lệnh tổ mà thành. Các hạ đề cao đức lệnh tổ, quy hết về lòng tin Phật, cũng là xiển minh chân lý muôn đời chẳng mòn. Trộm nghĩ: Gần đây người tin Phật xưng đương công đức của tổ tiên trọn chưa có ai thấu nguồn tột đáy như vậy. Bài văn này cũng nên đưa vào trong Tây Hồ Từ Trưng Văn San, chứ nào phải chỉ in kèm vào trong văn tập của ông. Quang cũng tính in kèm bài ấy vào cuối bài tụng trong Văn Sao. Xin hãy bảo thư ký chép thành tờ khác gởi đi, vì sợ rằng [trong nguyên bản của ông] có những chữ viết Thảo chắc sẽ vướng khuyết điểm “đọc sai mặt chữ”. “Tử Dương tự đại”, chưa biết người ấy [là ai], xin hãy chú thích rõ ràng để người đọc đều hiểu lời răn dạy. Thể lệ của Văn Sao là phàm với những chỗ lẽ ra nên Đài Đầu237 đều chẳng chừa chỗ trống để đỡ tốn giấy. Nếu đem lời Bạt này in kèm vào [Văn Sao Tục Biên] thì cũng sẽ theo lệ ấy.
* Nhận định của La Hồng Đào:

Hậu Hán Thư, quyển năm mươi bốn, truyện Mã Viện chép: Mã Viện bảo Ngỗi Hiêu: “Tử Dương (tên tự của Công Tôn Thuật) là ếch ngồi đáy giếng, lầm tưởng là cao quý”. Điển tích “Tử Dương tự đại” phát xuất từ câu nói này. Đại Sư thông hiểu sâu rộng kinh sử, lẽ ra chẳng thể không biết, nhưng do nhất thời quên mất, nên ở đây tôi mới kính cẩn ghi chú bổ sung.
161. Thư trả lời hai cư sĩ Trí Mục và Trí Thanh (thư thứ nhất)
Thư viện đã có hai bộ Đại Tạng Kinh, hơn một ngàn loại kinh điển trước thuật của các tông. Tuy sách vở quý ở chỗ có nhiều thứ, nhưng trong lúc đại kiếp này, quả là buổi sáng chẳng bảo đảm được buổi tối, như ở trên đống củi, phía dưới đã nhóm lửa, há nên thờ ơ, hờ hững đọc các kinh điển trước thuật, chẳng chuyên tâm dốc chí niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương và niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu gặp dữ hóa lành ư?

Phàm những ai đến thư viện đọc sách, bất luận là tư cách nào, cũng đều nên đem những điều này khuyên lơn để họ biết ngoài căn nhà lửa lớn này vẫn còn có thế giới thanh tịnh an lạc tột bậc. Nếu do đây sanh lòng chánh tín, chuyên chí nơi Tây Phương, công đức ấy sẽ lớn hơn [công đức của] những kẻ thâm nhập kinh tạng, triệt ngộ tự tâm nhưng chưa đoạn Hoặc trong tam giới trăm ngàn vạn ức lần! Nhưng mọi nhân sĩ vẫn chưa coi đó là điều đáng lo, vẫn chuyên chí nơi chuyện chẳng cấp bách, chẳng đáng buồn sao? Pháp danh của nhóm Trịnh Cầm Tiêu xin hãy chuyển cho họ. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ. Hãy nên bảo họ đừng gởi thư đến và đừng giới thiệu người khác quy y vì không có mục lực để chống đỡ được!


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương