Câu Chuyện Triết Học ns trí Hải o0o Nguồn



tải về 2.14 Mb.
trang6/56
Chuyển đổi dữ liệu03.11.2017
Kích2.14 Mb.
#34032
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   56

VI. VẤN ĐỀ TÂM LÝ


Đằng sau vấn đề chính trị là vấn đề tính chất con người. Muốn hiểu chính trị, chúng ta cần phải hiểu tâm lý. " Con người thế nào, quốc gia thế ấy"; "Chính thể thay đổi cũng như tính người thay đổi... Quốc gia được cấu tạo bởi bản chất con người". Do đó, chúng ta không thể mơ tưởng những quốc gia hoàn hảo hơn khi chúng ta chưa có những con người hoàn hảo. Chúng ta là những người thật kỳ lạ, luôn luôn uống thuốc chữa bệnh làm cho bệnh trạng càng rắc rối và nặng hơn, luôn luôn tưởng rằng có thể được chữa lành bởi một vài thứ thuốc rẻ tiền do một vài người chỉ bày, nhưng không bao giờ khá hơn, trái lại chỉ nặng thêm mà thôi... Những kẻ ấy thật kỳ lạ khi họ muốn trở thành nhà lập pháp và tưởng tượng rằng với một vài cải cách họ có thể chấm dứt nạn tham nhũng của nhân loại. Họ không biết rằng tham nhũng cũng như con rắn thần thoại, chặt đầu này nó mọc đầu khác".

Chúng ta hãy xem xét con người, chất liệu cấu tạo triết lý chính trị. Hành động con người có ba nguyên do: tham, sân và trí. Lòng tham muốn, khao khát, dục, bản năng, tất cả đều thuộc một loại; sân si, giận dữ, can đảm, tất cả đều thuộc một loại; trí huệ, hiểu biết lý luận, tất cả đều thuộc một loại. Lòng tham nằm nơi thận, nó là một kho chứa năng lực phần lớn là thuộc tính dục. Sân si nằm ở trái tim, và bị chi phối bởi áp lực máu trong huyết quản. Trí huệ nằm trong đầu, và có thể trở thành kẻ hướng đạo cho linh hồn.

Những yếu tố ấy có trong tất cả mọi người, nhưng với mức độ khác nhau. Một số người chỉ là sự thể hiện của lòng tham, luôn luôn muốn chiếm đọat tiền của, muốn sống xa hoa và phô trương, muốn chạy theo những gì họ chưa có. Đó là những người cầm đầu trong giới làm ăn. Một số khác ưa gây gỗ và can đảm, họ thích gây gỗ chỉ để gây gỗ, họ muốn có quyền hơn là có của, họ sung sướng trên chiến trường hơn là ngoài đồng áng, những người này cấu tạo những lực lượng lục quân và hải quân trên thế giới. Cuối cùng, có những người ưa thích suy nghĩ và hiểu biết, họ không chạy theo của cải hoặc chiến thắng mà chạy theo sự hiểu biết. Họ tránh xa thị trường và chiến trường để suy tư trong cảnh tịch mịch. Họ là những người khôn ngoan đứng riêng rẽ và không được ai sử dụng.

Hành vi của con người có giá trị khi lòng tham sân si được hướng dẫn bởi trí tuệ. Trong một quốc gia lý tưởng, những lực lượng sản xuất chỉ lo sản xuất mà không cai trị, những lực lượng võ trang chỉ lo bảo vệ mà không cai trị, những lực lượng trí huệ phải được nuôi dưỡng và bảo vệ và phải cầm quyền cai trị. Nếu không được hướng dẫn bởi trí huệ, dân chúng chỉ là một đám ô hợp, dân chúng cần sự hướng dẫn của triết gia cũng như lòng tham cần sự hướng dẫn của trí huệ. "Sự sụp đổ sẽ xảy đến khi những con buôn nhờ giàu sang đã trở thành những người cai trị". Hoặc khi một tướng lãnh dùng lực lượng võ trang của mình để lập nên một chính thể quân nhân. Những người sản xuất rất thích hợp trong lãnh vực kinh tế, những chiến sĩ rất thích hợp trên chiến trường, nhưng cả hai đều tai hại trong lãnh vực chính trị, trong những bàn tay vụng về của họ, những thủ đoạn chính trị thay thế nghệ thuật trị nước an dân. Thuật trị nước vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, nó đòi hỏi nhiều sự tận tâm và học hỏi. Chỉ những triết gia mới thích hợp trong việc trị nước. "Khi nào triết gia trở thành quốc vương và tất cả quốc vương trên thế giới đều trở thành triết gia thì những tệ đoan của xã hội sẽ chấm dứt, đó là tư tưởng nòng cốt của Platon.

---o0o---

VII. GIẢI PHÁP TÂM LÝ


Chúng ta phải làm những gì ? Chúng ta phải gởi về đồng quê tất cả những công dân trên 10 tuổi. Một khi đã kiểm soát được đám trẻ con chúng ta sẽ không để cho lũ trẻ con này bị ảnh hưởng xấu của cha mẹ chúng nó. Chúng ta không thể xây dựng một quốc gia lý tưởng mà không hoàn toàn dứt khoát với quá khứ. Có thể dùng một miền đất xa xôi nào đó để thực hiện một quốc gia lý tưởng. Đám trẻ con ấy sẽ được dạy dỗ đồng đều: những kẻ kỳ tài xuất chúng có thể tìm thấy ở tất cả mọi giới vậy cần phải cho tất cả trẻ con những cơ hội học hỏi đồng đều.

Trong 10 năm đầu, nền giáo dục sẽ đặc biệt chú trọng đến thể dục, mỗi trường học đều có một sân chơi và một sân vận động. Chương trình học gồm toàn những môn thể dục và thể thao. Trong 10 năm đó, lũ trẻ sẽ có một sức khoẻ dồi dào khiến cho việc khám bệnh và trị bệnh trở nên hoàn toàn vô ích. Sở dĩ người ta thường mắc bệnh là đã sống một cuộc đời quá nhàn rỗi, quá bê tha, thiếu vận động. Về mục đích của nền giáo dục trong giai đoạn này là làm cho bệnh tật không có cơ hội để phát triển. Chính những kẻ nhà giàu vì cuộc sống quá nhàn rỗi đã tự đem bệnh hoạn đến cho mình. Nếu một kẻ lao động nhuốm bệnh, họ sẽ tìm một loại thuốc nào công hiệu để chóng khỏi. Nếu có người khuyên nhủ họ phải trải qua một thời kỳ điều trị công phu như là lựa chọn các món ăn, tắm hơi, đấm bóp... Kẻ ấy sẽ trả lời rằng họ không có thì giờ và họ cũng không muốn mất công nuôi dưỡng bệnh trạng trong khi còn bao nhiêu việc khác cần phải làm, họ sẽ chế nhạo ông thầy thuốc đã khuyên họ những lời khuyên lố bịch ấy, họ sẽ ăn uống như thường ngày. Nếu họ lành bệnh thì sẽ tiếp tục nghề nghiệp, nếu bệnh không lành họ sẽ chết một cách giản dị. Chúng ta không thể khoanh tay ngồi nhìn một quốc gia gồm toàn những bệnh nhân sống không ra sống, chết không ra chết. Quốc gia lý tưởng cần phải được xây dựng trên sức khoẻ của dân chúng.

Tuy nhiên, những môn thể dục và thể thao có khuynh hướng phát triển con người chỉ về một chiều. Những kẻ can đảm có sức mạnh siêu quần thường không được nhã nhặn. Quốc gia lý tưởng không thể chỉ gồm những võ sĩ và lực sĩ. Vậy cần phải dạy cho dân chúng biết âm nhạc. Nhờ âm nhạc mà tâm hồn con người ý thức được sự điều hoà và nhịp điệu, do đó ý thức được công lý. Sự điều hoà không bao giờ đi đôi với bất công. Nhạc lý sẽ thâm nhập vào linh hồn con người khiến cho linh hồn trở nên đẹp đẽ hơn. Nhạc lý sẽ uốn nắn tính tình con người và do đó đem đến một giải pháp tốt đẹp cho các vấn đề xã hội và chính trị. Mỗi khi tiết tấu của âm nhạc thay đổi thì các nguyên lý căn bản của xã hội cũng thay đổi theo.

Âm nhạc chẳng những sửa đổi tánh tình trở nên tế nhị hơn mà còn giữ gìn hoặc bảo đảm sức khoẻ. Dân Corybantic có tục lệ chữa trị các phụ nữ mắc bệnh điên bằng âm nhạc. Một khi điệu nhạc trỗi lên các bệnh nhân sẽ nhảy nhót một cách cuồng loạn cho đến khi kiệt lực và nằm ngủ. Sau giấc ngủ đa số bệnh nhân đã bình phục. Những tư tưởng bị lãng quên trong vô thức được khơi động bởi những phương pháp kể trên. Những kẻ xuất chúng là những kẻ có những cội rễ thiên tài bắt nguồn từ cõi vô thức. Không một người nào trong trạng thái hữu thức có thể có những ý nghĩ xuất chúng. Những người xuất chúng và những người điên giống nhau ở điểm này.

Platon đã đề cập đến khoa phân tâm học. Ông nói rằng sở dĩ khoa tâm lý chính trị của nhân loại còn mơ hồ vì người ta chưa biết rõ và chưa nghiên cứu tường tận những sở thích và bản năng của con người. Nếu quan sát những giấc mơ, người ta có thể hiểu rõ hơn về những bản năng ấy. "Một vài loại thú vui được xem như bất hợp pháp, mọi người ai cũng thích những thú vui ấy nhưng đối với phần đông thì sở thích bị dồn ép bởi luật lệ và lý trí. Những sở thích luôn luôn có mặt trong tiềm thức trong khi khả năng của lý trí bị lu mờ. Trong những lúc ấy những sở thích trỗi dậy như những con vật và có thể gây ra tất cả những tội ác có thể tưởng tượng được. Đối với những người có sức khoẻ tinh thần họ luôn luôn đủ sức kềm hãm những khuynh hướng kể trên và không rơi vào vòng tội lỗi". Âm nhạc và nhịp độ khiến cho tâm hồn trở nên khoẻ mạnh. Tuy nhiên, quá nhiều âm nhạc cũng có hại như quá nhiều thể thao, thể dục. Những lực sĩ chỉ biết có thể dục không khác gì một kẻ rừng rú, những nhạc sĩ chỉ biết có nhạc thường trở nên quá yếu mềm. Vậy cần phải dung hoà cả hai khuynh hướng. Quá 16 tuổi mọi môn âm nhạc cần phải đình chỉ, trừ những môn đồng ca. Âm nhạc còn cần phải được dùng để giảng giải những môn khó khăn hơn như toán học, sử ký và khoa học. Cần phải phổ nhạc những bài học để cho dễ nhớ hơn. Những kẻ nào không có khiếu để học các môn kể trên được tự do lựa chọn những môn khác, không nên ép buộc trẻ con phải thấu hiểu bất cứ môn học nào. Người ta cần phải được tư do trong vấn đề học hỏi. Những môn học ép buộc không bao giờ thấm nhuần vào tâm trí của người học. Việc học cần phải được tổ chức như một trò chơi và như thế có thể cho phép chúng ta tìm hiểu khuynh hướng thiên nhiên của đứa trẻ.

Tâm trí cần phải được tự do trong việc phát triển và thể chất cần phải mạnh mẽ nhờ các môn thể thao và thể dục. Có như vậy quốc gia mới được vững mạnh trên hai căn bản tâm lý và sinh lý. Tuy nhiên cần phải có một căn bản đạo đức, tất cả những cá nhân trong một tập thể cần phải được thống nhất, họ phải biết vai trò của họ trong tập thể, tất cả mọi người đều có quyền hành và trách nhiệm đối với người khác. Chúng ta phải xử trí cách nào trong khi mọi người đều tham lam, ganh ghét, dâm dật và ưa gây gổ ? Phải dùng đến cảnh sát chăng ? Đó là một phương pháp dữ tợn và tốn kém. Có một phương pháp khác tốt đẹp hơn đó là sự chế tài của một đấng tối cao: chúng ta cần có một tôn giáo.

Platon tin tưởng rằng một nước không có tín ngưỡng vào một đấng tối cao không thể là một nước mạnh. Chỉ tin tưởng vào một nguyên lý sơ khai, một sức mạnh vũ trụ hoặc một sức sống mãnh liệt mà không tin tưởng vào một đấng tối cao thì cũng chưa đủ để tạo nên hy vọng, sự tận tâm và lòng hy sinh, chưa đủ để an ủi tinh thần của những kẻ thất vọng hoặc gây sự can đảm cho những kẻ chinh chiến. Chỉ có một đấng tối cao mới có thể làm những việc sau này, mới có thể bắt buộc những người ích kỷ phải dằn lòng để sống một cuộc đời tiết độ, kềm hãm sự đam mê. Cần phải cho dân chúng tin tưởng vào sự bất diệt của linh hồn: chính sự tin tưởng ấy làm cho người ta có can đảm để đương đầu với sự chết hoặc chịu đựng sự vĩnh viễn ra đi của những kẻ thân yêu.

Người ta sẽ chiến đấu với nhiều ưu thế hơn khi người ta chiến đấu với lòng tin. Vẫn biết rằng sự hiện hữu của một đấng tối cao không bao giờ có thể chứng minh được; vẫn biết rằng đấng tối cao chỉ có trong sự tưởng tượng do hy vọng và lòng thành kính của con người đặt ra, vẫn biết rằng linh hồn không khác gì những tiếng nhạc do một nhạc khí phát ra và sẽ tiêu tan cùng lúc với nhạc khí ấy... Nhưng chúng ta vẫn thấy rằng tín ngưỡng không đem lại điều gì có hại mà chỉ đem lại những điều lợi cho con em của chúng ta.

Công việc giảng giải những hiện tượng trong vũ trụ trước óc tò mò càng ngày càng lớn của đám thanh niên là một việc rất khó, nhất là khi chúng đến lứa tuổi 20 và bắt đầu tìm hiểu để thực nghiệm những điều đã học. Đó cũng là lúc chúng ta tổ chức những kỳ thi tổng quát vừa lý thuyết vừa thực hành. Cần phải cho những thí sinh các thử thách vật chất cũng như tinh thần. Tất cả những khả năng sẽ có dịp xuất hiện cùng lúc với những nhược điểm. Những thí sinh nào bị rớt sẽ nhận những công việc kinh tế của quốc gia, họ sẽ là những nhà buôn bán, thư ký, thợ, làm ruộng. Cuộc thi phải được tổ chức một cách vô tư, tất cả những người có khả năng, bất luận họ thuộc thành phần nào đều phải được chấm đậu.

Những người được chấm đậu qua kỳ thi đầu tiên này sẽ học thêm 10 năm nữa để rèn luyện tinh thần, thể chất và tính tình. Sau 10 năm đó họ sẽ thi một lần thứ hai khó hơn lần trước rất nhiều. Những kẻ nào rớt sẽ trở thành những người phụ tá, những sĩ quan tham mưu trong tổ chức chính phủ. Cần phải an ủi những kẻ bị thi rớt để họ chấp nhận số phận một cách vui vẻ. Làm thế nào để đạt mục đích ấy ? Chúng ta phải nhờ đến tôn giáo và tín ngưỡng. Chúng ta nói cho họ biết rằng số trời đã định như vậy và không thể thay đổi được. Chúng ta có thể nói với họ như sau: "Hỡi các đồng bào, tất cả chúng ta đều là anh em nhưng trời sinh chúng ta mỗi người một khác, có người có khả năng chỉ huy, những người ấy không khác gì vàng, họ phải có những vinh dự lớn nhất. Có những người khác được ví như bạc, họ có thể là những kẻ phụ tá đắc lực. Những người còn lại là những người nông phu hoặc thợ thuyền, họ có thể ví như sắt và đồng. Có nhiều khi cha mẹ vàng sinh con bạc hoặc cha mẹ bạc sinh con vàng. Vậy cần phải thay đổi ngôi thứ để thích hợp với khả năng của mọi người. Những kẻ làm quan to cũng không nên buồn phiền khi thấy con cái mình phải làm nông dân hoặc thợ thuyền. Trái lại cũng có những trường hợp con cái nông dân thợ thuyền trở nên quan lớn. Số trời đã định rằng nếu để những người thuộc hạng sắt và đồng lên cầm quyền thì quốc gia sẽ điêu tàn".

Có lẽ nhờ huyền thoại ấy mà chúng ta thu hoạch được sự phục tùng của dân chúng hầu thi hành chính sách quốc gia. Đối với những kẻ thi đậu kỳ thứ hai phải làm thế nào ? Họ sẽ được học môn triết lý. Lúc này họ đã được 30 tuổi vì không nên cho những người quá trẻ học triết lý quá sớm, họ sẽ quen thói suy luận cãi cọ, hồ nghi... giống như những con chó con hay cắn xé những miếng giẻ trong các trò chơi của chúng. Theo Platon thì triết lý có hai nghĩa: Đó là phương pháp suy luận một cách minh bạch và cai trị một cách khôn ngoan. Trước hết những kẻ trí thức trẻ tuổi phải học cách suy luận minh bạch, họ phải biết thế nào là một ý nghĩ.

Lý thuyết của Platon về ý nghĩ là một trong những lý thuyết rắc rối và tối tăm nhất của lịch sử triết lý. Platon cho rằng ý nghĩ có thể bao trùm tổng quát hoặc có thể là một định luật chi phối vạn vật hoặc có thể là một lý tưởng. Sau thế giới hiện tượng do các giác quan của con người phát hiện là thế giới của những ý nghĩ do sự suy luận phát hiện. Thế giới của những ý nghĩ có tính cách trường tồn hơn thế giới hiện tượng và do đó có thể xem là xác thực hơn. Ví dụ ý nghĩ về con người trường tồn hơn sự hiện hữu của ông A, ông B hay bà C. Ý nghĩ về vòng tròn tồn tại mãi mãi trong khi một vòng tròn kẻ trên giấy có thể biến mất. Một cái cây có thể còn đứng vững hoặc đã ngã xuống nhưng những định luật chi phối sự đứng vững hoặc ngã xuống của cái cây còn tồn tại mãi mãi. Thế giới của ý nghĩ do đó có thể coi là đã có trước thế giới hiện tượng và có thể tồn tại sau khi thế giới hiện tượng đã biến mất. Đứng trước một cây cầu giác quan chỉ cảm thấy một khối khổng lồ bằng sắt và xi-măng nhưng chính nhờ ý nghĩ mà người kỹ sư hình dung được các định luật chi phối sự thành hình của cây cầu, các định lý toán học, vật lý học theo đó tất cả cây cầu phải được xây cất. Nếu những định luật ấy không được tuân theo, cây cầu sẽ sụp đổ. Có thể nói rằng chính những định luật đóng vai trò của đấng tối cao để giữ cho cây cầu đứng vững. Các định luật do đó là một phần cần thiết trong việc học hỏi triết lý. Ở trước cửa đi vào Hàn lâm viện Platon cho vẽ những chữ sau đây: "Kẻ nào không thông suốt hình học thì xin chớ vào đây".

Không có thế giới của ý nghĩ mọi vật sẽ hỗn độn và vô nghĩa. Chính ý nghĩ cho phép con người sắp xếp vũ trụ theo thứ tự. Thế giới không có ý nghĩ là một thế giới không có thật, không khác gì những hình bóng cử động trên tường. Do đó mục đích chính của nền đại học là đi tìm những ý nghĩ để biết được hướng tiến lý tưởng, biết được sự tương quan giữa vật này và vật khác, biết vũ trụ diễn biến như thế nào. Chúng ta cần phải phối hợp và sắp đặt các kinh nghiệm của giác quan theo các tiêu chuẩn kể trên, chính điểm này là điểm khác biệt duy nhất giữa người ngu và người thông minh.

Sau 5 năm học hỏi về thế giới của ý nghĩ, về nguồn gốc và sự diễn tiến của vũ trụ, sau 5 năm học hỏi khác về cách áp dụng những nguyên lý kể trên trong việc xử thế và trị nước, sau 10 năm học hỏi để phát triển thể chất và tinh thần, những kẻ được may mắn chấm đậu đã sẵn sàng để cầm quyền chưa ? Chắc chắn họ đã trở nên những triết gia lãnh tụ đủ sức để cầm quyền và giải phóng xứ sở chưa ?

Platon cho rằng chưa đủ. Sự đào luyện đến đây vẫn còn khiếm khuyết. Sau giai đoạn đào luyện về lý thuyết cần phải bước qua giai đoạn đào luyện bằng thực hành. Cần phải cho những ông tiến sĩ ấy hoà mình vào đời sống, các lý thuyết sẽ không có giá trị nếu chúng không bị thử thách bởi cuộc sống hằng ngày. Những ông tiến sĩ này phải chung đụng với đời một cách hoàn toàn bình đẳng, họ phải cạnh tranh để mưu sống với những nhà buôn bán, những phần tử đầy thủ đoạn xảo quyệt, trong cuộc sống này họ sẽ được đào luyện bởi trường đời, họ sẽ đem mồ hôi để đổi lấy bát cơm. Cuộc sống này sẽ kéo dài thêm 15 năm. Một số các thí sinh sẽ bị đào thải, số còn lại sẽ trở nên ôn hoà và tự tin hơn trước, họ không còn tự đắc mù quáng vào những lý thuyết, họ sẽ có một sự hiểu biết quý báu do truyền thống, kinh nghiệm và sự đấu tranh đem lại. Những người ấy xứng đáng được cầm quyền trị nước.

---o0o---




tải về 2.14 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   56




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương