Chuyển sang ebook


Chương 13: Dưới cây đại Bồ đề



tải về 1.34 Mb.
trang11/19
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích1.34 Mb.
#34907
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   19

Chương 13: Dưới cây đại Bồ đề


Mùa hè năm 1956 tôi sốt sắng lên kế hoạch để rời khỏi Sanchi. Dầu rất yêu thích ngôi chùa này và công tác Phật sự của tôi ở đó, nhưng tôi đã chán ngán cách đối xử không tốt của đại đức Pannatissa. Tuy nhiên hợp đồng tôi ký ban đầu với hội Mahabodhi là năm năm, vậy là vẫn còn ba năm nữa.

Một ngày kia chùa đón tiếp một nhóm các vị khách rất đặc biệt, trong đó có đại sư Narada và đại đức K.Dhammananda. Vào lúc đó, đại sư Narada là một vị giảng sư nổi tiếng nhất ở Ceylon, vì sư có thể giảng pháp bằng cả hai thứ tiếng Sinhala và tiếng Anh, và đại đức Dhammananda là chủ tịch của Tăng Đoàn Phật giáo ở Malaysia.

Tôi biết đại đức Dhammananda có một ngôi chùa rất lớn ở Kuala Lumpur. Tôi đánh bạo đến bên đại đức và hỏi nếu như người có cần một tu sĩ trẻ ở Malaysia.

“Có chứ,” Sư trả lời. “Nếu sư thích đến Malaysia, tôi sẽ giúp.  Cho tôi biết khi sư đã sẵn sàng.”

Vài phút sau đó, đại sư Narada bỗng nhiên nói với tôi: “Gunaratana, kiến thức của sư về Sanchi và cách sư giải thích về các khắc chạm trên cổng rất tốt. Sư lại nói được tiếng Anh, tôi có thể dàn xếp cho sư đến Malaysia nếu muốn.”

Hai lời mời đầy hứa hẹn trong năm phút –tôi thật là may mắn! Tôi thưa với cả hai vị sư rằng tôi bị ràng buộc bởi một hợp đồng năm năm với hội Mahabodhi, nhưng tôi sẽ xem nếu tôi có thể dàn xếp như thế nào đó.

Điều mà tôi không thưa với họ là tôi cũng đã nhận được một lời mời khác vài tháng trước đó, khi Devapriya, Tổng thư ký của hội Mahabodhi, đến thăm Sanchi. Sau khi tôi chất vấn đại đức Pannatissa về việc không chân thật với người đầu bếp, đại đức đã than phiền với Devapriya rằng ông không muốn có một tu sĩ như Gunaratana ở trong chùa của ông nữa. Devapriya không nói gì đáp lại, nhưng sáng hôm sau ông mời tôi cùng đi với ông đến Bhopal. Ông muốn nói chuyện riêng với tôi, và trên xe lửa, ông nói thẳng với tôi rằng ông biết đại đức Pannatissa là người không thành thật.

“Tôi muốn sư chuyển đến Calcutta hay Bodhgaya,” ông nói. “Tôi sẽ gửi cho sư một lá thư bổ nhiệm mới.”

Trong khi chờ đợi lá thư đó, tôi tự viết một lá thư gửi cho vị Cao ủy ở New Delhi. Hộ chiếu khẩn cấp của tôi, được xuất khi tôi rời Ceylon để đến Ấn Độ, sẽ hết hạn trong một vài tháng và cần phải được gia hạn.

Đến tháng 12, 1956, tôi vẫn chưa nhận được hồi âm, và tôi bắt đầu lo lắng.  Hộ chiếu của tôi sẽ hết hạn vào cuối tháng giêng, vì thế tôi lại viết một lá thư khẩn thiết hơn.

Vào ngày 5 tháng 1, với không hơn ba tuần còn lại trên hộ chiếu của mình, tôi nhận được thư trả lời. Vị Cao uỷ gửi cho tôi một lá đơn xin hộ chiếu khẩn cấp mới và bảo nếu tôi nộp đơn trở lại với sự bảo lãnh của một bác sĩ hay luật sư uy tín ở Ceylon, thì đơn của tôi sẽ được chấp thuận. Một lần nữa, vì tôi không có đồng nào, tôi lại cần một người đỡ đầu.

May mắn thay một vị bác sĩ người Ceylon đã đến thăm viếng Sanchi vài ngày sau đó.  Tuy nhiên khi tôi nhờ ông ký giùm giấy bảo lãnh, ông từ chối vì cảm thấy ông chưa biết tôi đủ. Vài ngày sau đó, lại có một vị luật sư đến Sanchi.  Ông mời tôi cùng đi với ông trong chuyến hành hương để thăm viếng bốn thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng nếu tôi đi với người này, ông ta có thể giúp tôi, vả lại tôi vẫn luôn mong muốn được thăm viếng những nơi này.

Ngày hôm sau chúng tôi lên đường, hướng đến New Delhi. Buổi sáng kế tiếp, chúng tôi viếng đền thờ Taj Mahal lộng lẫy ở Agra. Rồi, sau khi chúng tôi đến New Delhi tôi nhờ vị luật sư ký giấy bão lãnh để tôi xin hộ chiếu khẩn cấp. Ông bảo rất vui lòng.

Tôi đến văn phòng của vị Cao ủy, và đối mặt với người đã phớt lờ lá thư mà tôi gửi bảy tháng trước đó.

“Thưa ông,” tôi nói, “tôi đã gửi cho ông một lá đơn bảy tháng về trước. Ông có nhận được không?”

“Đừng hỏi tôi bất cứ điều gì về việc đó,” vị cao ủy ngắt lời.

“Tại sao không?” tôi hỏi.

“Tôi cũng không thể trả lời câu hỏi đó.”

Tôi giận sôi và sự ngông cuồng của tuổi trẻ nổi lên trong tôi. Tôi tức giận vì nghĩ do tôi là một tu sĩ, nên bị coi thường. Tôi cũng giận vì phải cần người làm chứng cho mình.

“Thưa ông, tôi đã đi sáu trăm cây số để gia hạn hộ chiếu với ông. Ông đại diện cho xứ sở của tôi ở Ấn Độ này.  Tôi có quyền để hỏi ông những câu đơn giản này chứ.”

Bỗng nhiên người luật sư lên tiếng.

“Tôi đến đây để giúp vị tu sĩ này, nhưng giờ tôi cảm thấy phải phản đối ông ấy. Ông ấy nghĩ mình biết hết mọi việc.”

“Tôi không nghĩ là tôi biết tất cả mọi việc,” tôi chống chế. “Nhưng tôi biết mình có quyển để hỏi vị này một câu hợp lý.”

Người luật sư chồm tới và nói nhỏ vào tai tôi. “Đừng lo, tôi đồng ý với sư. Vị Cao ủy này là người cao ngạo, đáng ghét, nhưng ông ta có quyền từ chối không cho sư hộ chiếu, vì thế tốt hơn hết là hãy kiên nhẫn với ông ta.”

Dĩ nhiên, người luật sư nói đúng. Không bao giờ nên tranh cãi với người có quyền hạn mà người đó lại tự mãn với quyền lực của mình. Tôi không nói thêm một lời nào nữa và vị cao ủy, với một nụ cười gượng gạo, nói rằng ông sẽ gửi hộ chiếu mới đến Sanchi cho tôi trong ba ngày tới.  Chúng tôi rối rít cảm ơn ông, chào đi, chào lại, rồi đi ra.

Cuộc hành hương của chúng tôi bắt đầu ở Kushinagar, nơi Đức Phật nhập diệt ở miền Bắc Ấn Độ. Ở đó có một ngôi chùa bằng vàng nhỏ,  với chỉ một vị sư già trông coi. Vị sư này rất thân thiện, dẫn chúng tôi đi cùng khắp quanh chùa.  Tôi cảm thấy tràn đầy niềm vui được đến nơi mà Đức Phật đã từng có mặt. Vị lão sư và tôi đọc lại một số đoạn của Kinh Mahaparinibbana (Kinh Đại Niết Bàn), chứa đựng những lời dạy của Đức Phật ngay trườc khi Ngài nhập diệt: “Hãy tinh tấn tu tập giải thoát. Đừng sao lãng việc tu tập.”

Chỉ hai câu đơn giản đó đã tóm tắt tất cả bốn mươi lăm năm thuyết pháp của Đức Phật. Điều Đức Phật muốn nhắn nhủ là người tu hành không được lãng phí một giây phút nào. Chúng ta phải luôn cố gắng chánh niệm không ngừng, với mục đích là để hiểu được chân lý cuộc sống, để chúng ta có thể được giải thoát khỏi khổ đau. Đây là những lời Đức Phật thuyết giảng cho các đệ tử của ngài trong một bài kinh khác:

   Đừng sống trong quá khứ,



   hay hy vọng ở tương lai,

   vì quá khứ đã qua

   và tương lai chưa tới.

   Dùng trí tuệ để thấy

   từng giây phút phát khởi;

   hãy biết và biết rõ điều đó,

   không suy chuyển, chẳng nghi ngờ

   Phải cố gắng hôm nay;

   ngày mai ai biết được, thần chết đến hay không?

   Không thể trì hoãn với tử thần,

   không thể xua đuổi hay tránh né,

   ai siêng năng quán tưởng (điều đó)

   đêm ngày không ngừng nghỉ

   bậc hiền triết sẽ nói người đó

   được duyên lành theo sau.

Sau thời gian ở Kushinagar, chúng tôi đi taxi đến Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sinh, ở ngay biên giới với Nepal.

Lâm Tỳ Ni rất xuống cấp, cỏ mọc đầy, và bò tự do chạy rong. Chỉ có một đền thờ nhỏ đánh dấu nơi mẹ của thái tử Siddhattha, hoàng hậu Mahamaya đã lâm bồn trong rừng cây. Một trụ đá do vua Ashoka dựng lên, để báo rằng đây là nơi thái tử Siddhattha Gotama được sinh ra. Gần đó trong một túp lều chỉ vừa đủ lớn để bước vào, có một bàn thờ bằng đá có khắc cảnh hoàng hậu Mahamaya níu vào một cành cây, trong khi các cung nữ giăng màn che quanh bà.  Bàn thờ chất đầy hoa tươi, đèn nhang.

Chúng tôi ngồi tọa thiền ở đó một lúc. Đó là một nơi đặc biệt nhưng tôi cảm thấy buồn khi thấy một thánh địa không được ai chăm sóc.

(Hiện tại, Lâm Tỳ Ni đã tốt hơn. Xứ Nepal, dầu quốc đạo là Ấn Độ giáo, vẫn cho phép các Phật tử trùng tu lại nơi Phật đản sinh. Một vài quốc gia, kể cả Tích Lan và Burma, cũng đã có chùa ở đó, và “ngôi chùa hoà bình” quốc tế vĩ đại đã được dựng lên).

Ngày hôm sau chúng tôi đến Sarnath, miền bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên trong Vườn Nai (Deer Park) nổi tiếng. Trong lúc đi quanh những vườn cây yên tĩnh đầy xoài, ổi và các loại cây nhiệt đới khác, tôi gặp Ponnamperuma, một người bạn làm việc ở văn phòng hội Mahabodhi vùng Sarnath.

“Huynh nhận được thư chưa?” ông hỏi tôi ngay lập tức.

“Thưa chưa,” tôi trả lời.

“Có một lá thư bảo đảm của đại học Benares gửi đến văn phòng chúng tôi. Lá thư đề chỉ trao cho đại đức Gunaratana, vì thế tôi mang lá thư đến cho một tu sĩ cùng tên ở Benares. Ông mở thư ra và nói rằng đó là thư của Sư, không phải của ông. Ông ấy bảo sẽ chuyển thư cho sư.”

Vì chúng tôi đang ở gần Benares, nên tôi đến chùa, tìm đại đức Potuwila Gunaratana. Đó là vị tăng sĩ mà tôi đã sống chung một thời gian ngắn, ngay trước kỳ thi tuyển sinh đại học. Ông đã từ chối cho tôi mượn sách và đã nói dối với tôi. Tôi biết ông không phải là bạn mình.

“Tôi đã chuyển thư cho Sư lâu rồi,” ông bảo tôi. “Có thể bưu điện đã làm mất.”

Tôi nghi là ông đã nói dối, nhưng điều tôi quan tâm nhất là nội dung lá thư.

“Sư đã mở thư,” tôi nói. “Vậy thư nói gì?”

“Tôi không biết, tôi không đọc kỹ,” ông trả lời. “Hình như về đơn xin nhập học của ông.  Hình như đã bị từ chối.”

Ông mỉa mai.  Hình như ông rất thích thú về điều đó.

Không thể hỏi thêm được điều gì, nên tôi đến gặp đại đức Hammalawa Saddhatissa, là vị giáo sư người Benares, người đã khuyên tôi nộp đơn vào đại học. Ông bảo đúng là tôi đã bị từ chối, nhưng ông giúp tôi tìm ra lý do tại sao: tôi đã quên ký tên vào phía sau bức ảnh mà tôi nộp với đơn xin nhập học, và thế là đơn nhập học của tôi không được xét đến!

Còn năm ngày nữa mới hết thời hạn, và đại đức Saddhatissa khuyên tôi nên nộp một đơn nhập học mới. Tôi báo cho người bạn luật sư biết tôi cần ở lại Benares một vài ngày và khuyên ông nên tiếp tục cuộc hành trình một mình.  Rồi tôi bắt đầu bị cuốn vào việc phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để nộp đơn trở lại.

Trước hết tôi phải chụp ảnh lại và tôi đã van nài người thợ ảnh nhanh chóng rửa ảnh.  Nhưng tôi không tìm ra được tờ đơn xin nhập học nào -trường đại học cũng không còn.  Có người mách rằng Potuwila Gunaratana có thể còn vài tờ, nên tôi lại cùng với Ponnamperuma, người bạn ở hội Mahabodhi, đến phòng vị này.  Đứng ở cửa, Gunaratana nói ông không còn tờ đơn nào nữa, nên chúng tôi quay đi.

“Ponnamperuma, tại sao ông đến đây với con người khốn khổ đó?” vị tu sĩ gọi với theo. Dĩ nhiên là ông ám chỉ tôi. “Nếu ông đi một mình, có thể tôi sẽ cho ông một tờ đơn. Nhưng ông đi với người đó . .  . thì hãy quên đi!”

Lần nữa tôi lại quay qua đại đức Saddhatissa cầu xin giúp đở.  Cả hai chúng tôi đi khắp trường cho đến khi chúng tôi tìm được người có dư một tờ đơn. Lúc đó đã chín giờ rưỡi tối, đêm hôm trước ngày hết hạn nộp đơn. Ngày đã qua đi nhanh chóng và không còn thời gian nữa.

Tôi ngồi xuống để điền đơn. Ngay hàng đầu tiên người ta đã đòi biên lai chứng nhận rằng tôi đã nộp mười lăm rupee trong lần nộp đơn trước. Họ đòi con số trên tờ ngân phiếu mà tôi đã gửi và dĩ nhiên tôi không thể nào nhớ được chi tiết đó.

Vì thế sau tất cả những cố gắng điên cuồng đó, tôi cũng đành bó tay. Tôi không thể nộp đơn xin học. Lúc đó, trước khi máy vi tính trở thành thông dụng, một việc đơn giản như thế cũng có thể khiến người ta không thể nộp đơn và vì thế tôi không thể vào đại học.

Để giảm bớt sự thất vọng của mình, tôi quyết định tiếp tục cuộc hành hương. Tôi tụ họp một số bạn để cùng đi đến Bodhgaya.

Đến được đó, ở tại nơi mà Đức Phật đã đạt được giác ngộ, khi ngồi dưới cội cây, tôi cảm thấy như được tái sinh. Khi được nhìn thấy cây bồ đề to lớn, xum xuê, trong tôi tràn đầy xúc động và hạnh phúc với tâm chí thành.

Tuy nhiên, đó không phải là cây Ficus religiosa đầu tiên đã được trồng ở đó vào thời Đức Phật còn tại thế. Cây bồ đề nguyên thủy đã bị hủy diệt -đốt cháy và đầu độc- bởi vợ của vua Ashoka vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, vì bà ghen tỵ với việc chồng mình bỏ quá nhiều thế gian ở tu viện ở Bodhgaya. Sau này, vị vua thành tín đó đã trồng một cây bồ đề khác tại thánh địa này. Theo truyền thuyết, Đức Phật đã yêu cầu thị giả của Ngài, đại đức Ananda, chiết một nhánh từ cây bồ đề nguyên thủy, đem trồng ở Jetavana, nơi Đức Phật thường thuyết pháp. Vì thế cây bồ đề mới ở Bodhgaya của vua Ashoka, được chiết nhánh từ cây bồ đề của đại đức Ananda, là có nguồn gốc từ cây nguyên thủy mà vợ vua đã hủy diệt.

Ngày nay, địa điểm này là nơi thu hút các đoàn hành hương Phật giáo. Người ta đi vòng quanh cây cổ thụ nhiều lần, xướng tụng “Sadhu, Sadhu, Sadhu” (Lành thay, lành thay, lành thay). Không khí đầy khói bụi của nhang. Những cây đèn đất cháy sáng dưới gốc cây, bao bọc bởi hàng chồng hoa, trái cây và đèn cầy. Vải xà-rong quấn đầy quanh thân cây. Các vị tăng ni người Tây Tạng úp mặt lạy khi họ làm lễ.

Tôi cảm thấy là tôi có thể ngồi tọa thiền hằng giờ dưới gốc cây. Tôi cảm nhận sự hiện diện của Đức Phật khi ngài sắp hoàn thành bước nhảy cuối cùng, vĩ đại vào giải thoát. Tôi tưởng tượng ra quỷ dạ xoa, trong một cố gắng cuối cùng, đưa những người con gái của nó – Tham, Sân và Si- đến để quyến rũ Đức Phật.

Đứng ở đó trong bóng cây bồ đề bao la, tôi dường như nghe được tiếng của Đức Phật khi Ngài chạm mặt đất với những đầu ngón tay của một bàn tay, gọi nó chứng kiến việc đạt được giác ngộ giải thoát của Ngài.

---o0o---

Chương 14: Hành trình trở lại nhà


Ngay khi vừa trở về sau cuộc hành hương, tôi đã gửi thư đến Devapriya, tổng thư ký của hội Mahabodhi, người đã hứa cho tôi chuyển nhiệm sở mới để tôi có thể rời bỏ Sanchi.  Khi trao đổi với nhau trước đó, ông bảo rằng có thể sẽ gửi tôi đến Calcutta hay Bodhgaya, nhưng khi viết thư trả lời tôi, ông đã có một nhiệm sở mới trong đầu: New Delhi. Hình như có đại đức Ariyawansa, người Bengal, có thể cần đến tôi. Tôi vui mừng chấp nhận nhiệm vụ mới và sau đó tìm được một tu sĩ khác thay thế tôi ở Sanchi.  Tôi báo cho đại đức Pannatissa việc tôi sắp ra đi. Phản ứng của ông đúng như tôi đã đoán trước: ông rất vui mừng được tống khứ tôi đi vì tôi không biết vâng lời.

Điều duy nhất mà đại đức Pannatissa cần, trước khi tôi ra đi là bản thảo mà tôi đã viết giải thích về các hình ảnh được khắc trên các cột đá ở cổng chùa Sanchi. Tôi đã cố gắng tìm người giúp in quyển sách nhỏ bằng tiếng Anh đó, để chúng tôi có thể tặng cho khách đến viếng chùa. Tôi do dự, vì biết đại đức Pannatissa sẽ không in bản thảo mà sẽ lờ nó đi hay ngay cả hủy bỏ nó, và thế là tất cả mọi công sức của tôi sẽ tiêu tan. Tôi chắc chắn rằng đó đúng là lý do tại sao ông cần nó. Tuy nhiên, tôi biết rằng nếu từ chối, ông sẽ không bao giờ để tôi ra đi trong bình an. Vì thế tôi chỉ biết hít thở sâu vào, và trao bản thảo viết tay cho ông, rồi xách duy nhất một chiếc valise, đi xuống đồi lần cuối cùng. Tôi không một lần ngoái đầu nhìn lại.

Vào ngày 1 tháng 2 năm 1957, tôi đến New Delhi, sẵn sàng vào làm việc tại văn phòng hội Mahabodhi trên đường Reading. Tôi sống trong ngôi chùa nhỏ với vị sư người Bengal, đã từng học ở Ceylon. Ông nói lưu loát tiếng Sinhala, và tiếp nhận tôi rất nồng hậu.

Ngay sau đó tôi viết thư cho ông Moonasinghe, thư ký của hội Mahabodhi ở Ceylon. Tôi báo cho ông biết tôi đã chuyển về New Delhi và nhờ ông chuyển tiền chi tiêu hàng tháng của tôi đến đó. Chỉ trong vài ngày, ông đã trả lời: “Ai cho phép sư chuyển đến New Delhi?” ông viết. “Trụ sở đó là của hội Mahabodhi Ấn Độ! Chúng tôi không thể chu cấp tiền sinh hoạt hằng tháng cho sư nếu như sư còn sống ở đó.  Nếu còn muốn lãnh bảy mươi lăm rupee của chúng tôi, sư phải trở về Sanchi. Ngôi chùa đó mới là sở hữu của chúng tôi.”

Tôi rụng rời. Tôi không hề biết các hội Mahabodhi ở Ceylon và Ấn Độ là những đơn vị tách biệt. Tôi cầu cứu với Devapriya, “Làm sao tôi có thể sống mà không có tiền sinh hoạt này?” tôi hỏi ông. “Phật tử quanh đây rất ít, tôi không thể đi khất thực quanh Delhi vì đường nào cũng đầy người ăn xin.”

Devapriya viết một lá thư đến Moonasinghe, giải thích rằng ông là tổng thư ký của Hội Mahabodhi ở cả Ấn Độ và Ceylon. Với tư cách như thế, ông có quyền hạn để chỉ định, loại trừ hay chuyển đổi bất cứ tu sĩ nào và chính ông muốn tôi đến New Delhi.

Sau đó, Devapriya theo dõi để chắc rằng người ta vẫn gửi tiền từ Calcutta cho tôi hàng tháng mà không có vấn đề gì.

Công việc của tôi ở New Delhi là làm việc với những người thuộc giai cấp Hạ tiện đã quy y theo Phật giáo. Mỗi chủ nhật tôi đều đến chỗ họp của họ để thuyết pháp. Tôi cũng viếng thăm các cộng đồng của người Hạ tiện ở ngoại ô thành phố. Một lần đó tôi đến Beerat, là nơi người ta tin rằng Đức Phật đã giảng bài kinh nổi tiếng Mahasatipatthana, bài kinh Tứ Niệm Xứ ở đó.

Tôi cũng tìm được một trường học gần đó, đại học cộng đồng Das Gupta, nơi tôi có thể ghi danh học tiếng Anh và những môn ngoại điển khác. Thầy hiệu trưởng, một người rất rộng rãi và từ bi, đã miễn phí tiền học cho tôi. Das Gupta không thể so sánh với đại học Benares về nhiều mặt, nhưng ít nhất tôi cũng được trau dồi thêm kiến thức và điều đó khiến tôi rất hạnh phúc. Vấn đề duy nhất là, từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến trường, các sinh viên khác đã dùng lời lẽ thóa mạ tôi. Tôi đoán là do họ nghĩ tôi là người thuộc giai cấp Hạ tiện vì tôi luôn có mặt ở các khu vực của người Hạ tiện.

Tất cả các tu sĩ phục vụ cho Hội Mahabodhi đều được nghỉ phép mỗi hai năm. Lúc đó tôi đã ở Ấn Độ hơn hai năm, vì thế tôi đủ điều kiện, hay đúng ra là đã phải được nghỉ phép lâu rồi. Tôi nhận được thư gia đình báo rằng cha tôi bịnh nặng và họ yêu cầu tôi về thực hiện nghi lễ tụng niệm cầu an cho ông. Tôi đã trả lời rằng tôi sẽ về vào ngày 20 tháng 3.

Đơn xin nghỉ phép của tôi nhanh chóng được chấp thuận, nhưng tôi không tin rằng mọi thứ sẽ hoàn toàn trôi chảy. Dầu tiền đi lại phải được tính trong kỳ nghỉ phép, nhưng văn phòng Hội không gửi cho tôi vé tàu hỏa. Khi gần đến ngày 20 tháng 3, tôi vẫn còn nôn nóng chờ đợi vé tàu.  Rồi bỗng nhiên, tôi được gặp một vị sư cho biết ông có một vé tàu hạng nhất đến Bombay. Sư nói rằng ông không cần dùng vé, nên đã cho một tu sĩ khác, nhưng người này cũng không có nhu cầu sử dụng. Vào ngày 20, khoảng mười giờ rưỡi sáng, cuối cùng tôi cũng tìm ra được vị sư thứ hai.  Ông nói rằng ông cũng dự định đi chuyến tàu ngày đó, nhưng vừa hoãn lại, vì thế ông trao tôi cái vé. Chuyến tàu dự định sẽ rời sân ga để đến Bombay lúc năm giờ rưỡi chiều.

Tôi vội vàng chuẩn bị hành lý và vì tôi chỉ có ba rupee trên người, tôi mướn một chiếc taxi ba bánh, một loại xe đạp có ba bánh thật to -với người điều khiển đạp xe ở phía trước và hành khách ngồi ở phía sau -để đưa tôi đến trạm xe lửa. Vé tàu hạng nhất đến Bombay cho phép tôi được lên xuống ở nhiều trạm nếu tôi muốn, vì thế tôi đã tham quan một số nơi. Trên đường đi, tôi dừng lại ở một số chùa, mỗi nơi ở lại một hay hai đêm. Và tôi cũng viếng được những hang Phật nổi tiếng ở Ajanta và Allora. Lúc tôi đến Bombay thì đã đầu tháng 4.

Tôi bước ra khỏi tàu không biết chắc mình phải làm gì.  Tôi chỉ mới đi được nửa đường về nhà mà đã hết tiền. May mắn thay, tôi gặp một nhóm khoảng hai mươi người Sinhala. Họ đang đi hành hương ở Ấn Độ, và đang trên đường trở về nhà ở Ceylon. Họ nói rằng họ đã giữ chỗ cả một buồng tàu hỏa, nên vẫn còn đủ chỗ cho tôi tháp tùng theo họ, và tôi đã làm thế.

Đêm đó, tôi để túi xách dưới gối nằm ngủ. Việc trộm cắp trên tàu hỏa rất thường xảy ra, vì thế tôi phải cẩn thận. Trong túi xách đó có tất cả những giấy tờ tùy thân của tôi, kể cả công văn hộ chiếu khẩn cấp mà khó khăn lắm tôi mới xin được. Sáng hôm sau, thức dậy thì tôi thấy túi xách đã biến mất, ai đó đã rút nó ra khỏi gối nằm của tôi! Tôi lục tung mọi xó xỉnh, nhưng cũng không thể tìm được chiếc túi. Tôi biết rằng mình không thể đi qua biên giới giữa Ấn Độ và Ceylon nếu không có công văn chứng thực đó. Tôi cần phải xin một công văn khác, mà nơi gần nhất là Madras. Vì thế tôi trao hành lý cho một trong những vị khách hành hương Sinhala mà tôi vừa quen. Tôi nhờ ông trao lại những vật này cho bất cứ ai trong gia đình đến đón tôi ở trạm cuối cùng. “Không,” người khách nói. “Hãy đi với chúng tôi đến Mandapam, trạm kiểm soát hộ chiếu để báo lại sự việc với hải quan. Hy vọng rằng họ có thể viết cho Sư một thông tư giải thích mọi việc với chính quyền Ceylon. Nếu họ không tin thì Sư có thể trở về Madras để xin giấy tờ khác.”

Tôi không tin tưởng lắm về lời đề nghị này. Nếu cuối cùng mà tôi phải trở lại Madras khi tôi đã ở Mandapam, thì chuyến đi của tôi sẽ còn bị trì hoãn thêm nữa. Nhưng họ cố thuyết phục tôi.

Đứng trong hàng chờ đợi kiểm soát giấy xuất nhập cảnh ở Mandapam, tôi rất lo lắng. “Lý ra mình phải trở lại Madras sớm hơn,” tôi suy nghĩ. Trong đầu tôi một hình ảnh khiến tôi cảm thấy thật bất an, nhưng không thể xua đuổi khỏi tâm trí: hình ảnh đám táng của cha tôi. Tôi nhìn thấy mẹ, các anh chị em tôi khóc khi họ đứng quanh quan tài của cha.

Tôi cũng suy nghĩ: “Không biết tôi có phải quay trở lại gặp vị Cao ủy ở New Delhi, người đã gây khó khăn cho tôi khi tôi xin hộ chiếu lúc trước?”

Khi đến lượt mình, tôi giải thích với người hải quan rằng túi xách đã bị mất cắp. May mắn thay, ông ta tin chuyện tôi kể, và lập tức trao cho tôi một lá thư để giao cho hải quan ở cửa khẩu Ceylon.  Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Trong lúc đó, những người hành khách đi cùng tàu, đã gom góp lại được một ít tiền cho tôi, vì họ cảm thấy tội nghiệp việc tôi bị mất cắp túi xách.  Họ lén bỏ tiền vào tay nải của tôi.

5 giờ sáng hôm sau, ngày 6 tháng 4 năm 1957, tôi về đến Ceylon.

Khi tàu vào ga ở Kurunegala, tôi nhìn quanh tìm những khuôn mặt thân thuộc nhưng không thấy ai. Tôi cảm giác giống như lần đầu tiên xa nhà -chỉ có một mình.

Dùng tiền mà những người hành hương Sinhala đã gom góp cho, tôi mướn một chiếc taxi. Xe chạy qua những trang trại dừa gần Malandeniya, cho tới khi không còn đường đi nữa. Tôi phải đi bộ khoảng đường còn lại, qua những ruộng lúa mà nhiều năm trước tôi và Gunawardhena đã lẻn băng qua khi chúng tôi bỏ chùa chạy trốn.

Khi tôi về đến chùa, tất cả hoàn toàn yên ắng.  Sư phụ tôi không có ở chùa, nên tôi hỏi một nhóm cư sĩ.  “Sư phụ ra ga đón thầy,” một người bảo với tôi. “Sư phụ đi rồi,” một người khác nữa nói. Tất cả thì thầm một cách lo âu với nhau và liếc nhìn tôi. Chắc chắn có điều gì đó không bình thường. Cuối cùng lúc 10 giờ, sư phụ tôi bước vào khuôn viên chùa. Tôi đảnh lễ xuống chân sư.

“Sư vừa đến thăm gia đình con,” ông nói với tôi. “Cha con vừa mất tối qua.”

---o0o---


Каталог: downloads -> sach -> quoc-te
quoc-te -> LƯỢc sử thời gian (a brief History of Time) Tác Giả:-Steven Hawking
quoc-te -> ĐƯỜng mây qua xứ tuyếT
quoc-te -> Tâm Lý Và Triết Học Phật Giáo Áp Dụng Trong Đời Sống Hằng Ngày Nguyên tác: "Abhidhamma in daily life"
quoc-te -> Những Chuyện Luân Hồi Hiện Đại tt. Thích Tâm Quang Dịch o0o Nguồn
quoc-te -> ÐẠi thừa và SỰ liên hệ VỚi tiểu thừa nguyên tác: Nalinaksha Dutt ht. Minh Châu Dịch, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh 1999
quoc-te -> LƯỢc sử thời gian (a brief History of Time) Tác Giả:-Steven Hawking
quoc-te -> SẮc tưỚng và thật tưỚng vấn Đề Nhị Đế Trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo Prof. Guy Newland, Ph. D
quoc-te -> Con đƯỜng đẾn tĩnh lặng -tuệ Giác Hằng Ngày
quoc-te -> Ba phưƠng diện chính của con đƯỜng giác ngộ

tải về 1.34 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương