BỘ TÀi chính số: 245


Điều 17. Trình tự, hồ sơ báo cáo kê khai tài sản nhà nước



tải về 219.42 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích219.42 Kb.
#18632
1   2   3

Điều 17. Trình tự, hồ sơ báo cáo kê khai tài sản nhà nước
1. Hình thức báo cáo kê khai tài sản nhà nước:
a) Báo cáo kê khai lần đầu được áp dụng đối với những tài sản nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng tại thời điểm Nghị định số 52/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Đối với tài sản nhà nước đã đăng ký theo quy định tại Nghị định số 137/2006/NĐ-CP thì không phải báo cáo kê khai lần đầu theo quy định này. Cơ quan tiếp nhận và quản lý báo cáo kê khai tài sản nhà nước có trách nhiệm cập nhật kết quả đã đăng ký vào báo cáo kê khai tài sản nhà nước của cơ quan, tổ chức, đơn vị;


b) Báo cáo kê khai bổ sung được áp dụng đối với các trường hợp có thay đổi về tài sản nhà nước do đầu tư xây dựng; mua sắm mới; tiếp nhận từ đơn vị khác về sử dụng; thanh lý, điều chuyển, bị thu hồi, tiêu huỷ, bán hoặc thay đổi mục đích sử dụng của tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản thay đổi tên gọi, chia tách, sáp nhập, giải thể theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Báo cáo kê khai định kỳ do Bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 18 Thông tư này.
2. Trình tự, hồ sơ báo cáo kê khai lần đầu:
a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thực hiện:

- Lập 03 bộ hồ sơ báo cáo kê khai tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này và kèm theo bản sao các giấy tờ có liên quan đến tài sản báo cáo kê khai, gồm: giấy tờ liên quan đến nhà, đất đang sử dụng (đối với trụ sở làm việc); giấy đăng ký xe ô tô; biên bản nghiệm thu đưa tài sản vào sử dụng (đối với tài sản có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên /1 đơn vị tài sản);

- Gửi 02 bộ hồ sơ báo cáo kê khai tài sản đến: Bộ, cơ quan trung ương (đối với tài sản là trụ sở làm việc và xe ô tô các loại của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý); Cơ quan quản lý cấp trên (đối với tài sản có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên /1 đơn vị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý); Sở, ban, ngành chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện (đối với tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý);

- Lưu trữ 01 bộ hồ sơ báo cáo kê khai tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.


b) Bộ, cơ quan trung ương, cơ quan quản lý cấp trên, Sở, ban, ngành chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện:

- Xác nhận hồ sơ báo cáo kê khai tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;

- Gửi 01 bộ hồ sơ báo cáo kê khai tài sản đã có xác nhận đến: Bộ Tài chính (đối với tài sản là trụ sở làm việc và xe ô tô các loại của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý); Cơ quan tài chính của Bộ, cơ quan trung ương (đối với tài sản có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên /1 đơn vị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý); Sở Tài chính (đối với tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý);

- Lưu trữ 01 bộ hồ sơ báo cáo kê khai tài sản tại Bộ, cơ quan trung ương, cơ quan quản lý cấp trên, Sở, ban, ngành chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện.


3. Trình tự, hồ sơ báo cáo kê khai bổ sung:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản lập báo cáo kê khai bổ sung theo Mẫu số 04-ĐK/TSNN, gửi cơ quan tiếp nhận và quản lý báo cáo kê khai theo trình tự quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trình tự, hồ sơ báo cáo kê khai định kỳ:
Bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập báo cáo kê khai tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý trên cơ sở số liệu kết xuất từ cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước, gồm:

- Báo cáo tổng hợp hiện trạng sử dụng nhà, đất theo Mẫu số 02B-ĐK/TSNN ban hành kèm theo Thông tư này, gồm 3 phần (Tổng hợp chung, Chi tiết theo loại hình đơn vị và Chi tiết theo từng đơn vị). Riêng đối với phần Chi tiết theo từng đơn vị được lập đến đơn vị dự toán cấp 2 và Uỷ ban nhân dân cấp huyện;

- Báo cáo tổng hợp tình hình tăng, giảm tài sản nhà nước theo Mẫu số 02C-ĐK/TSNN ban hành kèm theo Thông tư này, gồm 3 phần (Tổng hợp chung, Chi tiết theo loại hình đơn vị và Chi tiết theo từng đơn vị). Riêng đối với phần Chi tiết theo từng đơn vị được lập đến đơn vị dự toán cấp 2 và Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
5. Thời hạn báo cáo kê khai tài sản nhà nước:
a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải hoàn thành việc báo cáo kê khai lần đầu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 33 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP. Quá thời hạn này mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không báo cáo kê khai thì cơ quan tài chính nhà nước có quyền yêu cầu kho bạc nhà nước tạm đình chỉ thanh toán các khoản chi phí liên quan đến tài sản phải báo cáo và không bố trí kinh phí mua sắm tài sản cố định vào dự toán ngân sách năm sau của cơ quan đó; người đứng đầu cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước bị xử lý theo quy định;
b) Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải thực hiện báo cáo kê khai bổ sung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi. Đối với tài sản đưa vào sử dụng do hoàn thành đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lớn thì thời gian thay đổi tính từ ngày ký biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng;
c) Bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện báo cáo kê khai định kỳ cùng thời hạn với báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư này.
Mục 7

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO TÌNH HÌNH

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
Điều 18. Nội dung báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
1. Nội dung báo cáo của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước:

a) Tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước:

- Thực trạng công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Đánh giá những mặt tích cực, hiệu quả, những tồn tại, sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong kỳ báo cáo;

- Đánh giá tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản tài sản nhà nước trong kỳ báo cáo;
b) Kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
2. Nội dung báo cáo của cơ quan quản lý cấp trên, Sở, ban, ngành chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện:
a) Tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước: Nội dung báo cáo thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;
b) Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;
c) Kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
3. Nội dung báo cáo của Bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Tình hình ban hành và thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước:

- Hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước do Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh ban hành (kể cả các văn bản ban hành trước kỳ báo cáo nhưng còn hiệu lực thi hành trong kỳ báo cáo);

- Đánh giá tình hình thực hiện các văn bản pháp luật theo thẩm quyền về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh; tính kịp thời, phù hợp, mâu thuẫn, bất cập của các văn bản đã ban hành; tác động của các văn bản đến quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Bộ, cơ quan trung ương, tỉnh;
b) Tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước: Nội dung báo cáo thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;
c) Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;
d) Kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
đ) Kèm theo hồ sơ báo cáo kê khai định kỳ đối với tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
4. Nội dung báo cáo của Bộ Tài chính:
a) Tình hình ban hành văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước:

- Hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

- Đánh giá tình hình xây dựng, ban hành và thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tính kịp thời, phù hợp, mâu thuẫn, bất cập của các văn bản đã ban hành; tác động của các văn bản đến quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
b) Tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước: Nội dung báo cáo thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên phạm vi cả nước;
c) Kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 19. Trình tự, thời hạn báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
1. Trước ngày 31/12 hàng năm, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức, đơn vị về một số nội dung cụ thể của báo cáo (nếu cần).
2. Thời hạn báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.
3. Căn cứ vào thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 34 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định thời hạn báo cáo của từng cấp thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo thời hạn gửi báo cáo về Bộ Tài chính theo đúng quy định.
Mục 8

XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐỂ GIAO

CHO ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TỰ CHỦ TÀI CHÍNH
Điều 20. Kiểm kê, phân loại tài sản nhà nước trước khi thực hiện xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính
Sau khi Bộ, cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác định đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị quản lý, đơn vị có trách nhiệm kiểm kê, phân loại tài sản tại đơn vị thành các nhóm chủ yếu như sau:
1. Tài sản nhà nước được xác định giá trị để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, gồm:
a) Tài sản được Nhà nước giao;
b) Tài sản nhà nước được đầu tư xây dựng, mua sắm bằng tiền do ngân sách nhà nước cấp;
c) Tài sản nhà nước được đầu tư xây dựng, mua sắm bằng tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị;

d) Phần giá trị tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đối với tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ nhiều nguồn khác nhau.


2. Tài sản nhà nước không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý thì không xác định giá trị để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, đơn vị tiếp tục quản lý để xử lý.
3. Tài sản nhà nước chưa xác định giá trị để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, gồm:
a) Tài sản nhà nước đang đầu tư xây dựng, mua sắm, tiếp nhận dở dang; Đơn vị có trách nhiệm quản lý và tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm, tiếp nhận.
b) Tài sản nhà nước là trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả quyền sử dụng đất); Đơn vị có trách nhiệm lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, mua sắm, tiếp nhận, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nếu được cấp có thẩm quyền quyết định giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thì thực hiện xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị và điều chỉnh giá trị tài sản nhà nước tại đơn vị.
Điều 21. Xử lý tài sản nhà nước không xác định giá trị để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính
1. Đối với tài sản nhà nước quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Thông tư này, đơn vị có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Trường hợp đến thời điểm xác định giá trị tài sản nhà nước mà đơn vị chưa xử lý đối với các tài sản này thì đơn vị có trách nhiệm:
a) Tiếp tục quản lý, bảo quản tài sản;
b) Báo cáo cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 47 và Điều 48 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP quyết định thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý theo quy định và giao nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan;
c) Căn cứ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, đơn vị bàn giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao tổ chức xử lý, trừ trường hợp nhiệm vụ tổ chức xử lý tài sản được giao cho đơn vị đang quản lý, bảo quản tài sản;
d) Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.
2. Đối với tài sản nhà nước quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Thông tư này, đơn vị có trách nhiệm thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Điều 22. Xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính
1. Giá trị tài sản nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được xác định bằng đồng Việt Nam. Trường hợp tài sản được hạch toán bằng ngoại tệ thì quy đổi thành đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xác định giá trị tài sản.
2. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất:
a) Giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm xác định giá trị tài sản;
b) Trường hợp giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm xác định giá trị tài sản chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì đơn vị phải thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá xác định giá đất, gửi Hội đồng thẩm định giá xem xét, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định để làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất giao cho đơn vị. Thành phần của Hội đồng thẩm định giá được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Thông tư này;
c) Trường hợp không thuê được tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá thì Hội đồng xác định giá quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Thông tư này xác định giá đất và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định để làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất giao cho đơn vị.
3. Đối với các tài sản không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này, Thủ trưởng đơn vị quyết định một trong hai hình thức sau để xác định giá trị còn lại của tài sản:
a) Thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá xác định để làm cơ sở xác định giá trị còn lại của tài sản;
b) Thành lập Hội đồng xác định giá theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 Thông tư này để xác định giá trị còn lại của tài sản.
4. Đối với tài sản nhà nước mà đơn vị chưa hạch toán, chưa tính hao mòn cho thời gian sử dụng hoặc tài sản đã tính hao mòn đủ nhưng vẫn còn sử dụng được thì Thủ trưởng đơn vị thành lập Hội đồng với thành phần quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 Thông tư này để xác định giá trị còn lại của tài sản.
Điều 23. Quyết định giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính
1. Căn cứ kết quả xác định giá trị tài sản nhà nước quy định tại Điều 22 Thông tư này, cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 38 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP quyết định giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.
2. Nội dung chủ yếu của quyết định giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính gồm:

a) Tên đơn vị được giao tài sản nhà nước;

b) Danh mục tài sản nhà nước giao cho đơn vị;

c) Tổng giá trị tài sản nhà nước giao cho đơn vị.


3. Danh mục tài sản nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thực hiện theo Mẫu số 01-DM/ĐVSN, Mẫu số 02-DM/ĐVSN, Mẫu số 03-DM/ĐVSN ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Việc giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính phải lập biên bản theo Mẫu số 04-BB/ĐVSN ban hành kèm theo Thông tư này.
Mục 9

SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC VÀO

MỤC ĐÍCH CHO THUÊ, LIÊN DOANH, LIÊN KẾT

TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TỰ CHỦ TÀI CHÍNH
Điều 24. Tài sản được đầu tư xây dựng để cho thuê theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt
1. Tài sản được đầu tư xây dựng để cho thuê theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 43 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP gồm các dự án đầu tư xây dựng trên cơ sở khai thác nhà, đất hiện có của đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính để đảm bảo sử dụng có hiệu quả hơn theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không được đầu tư xây dựng với mục đích chỉ để cho thuê.
2. Dự án đầu tư xây dựng để cho thuê quy định tại khoản 1 Điều này do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính (đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuộc trung ương quản lý), Sở Tài chính (đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuộc địa phương quản lý).
Điều 25. Phương thức và giá cho thuê tài sản là trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất
1. Đối với tài sản là trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất chỉ được cho thuê một phần trên cơ sở khai thác quỹ nhà, đất của đơn vị để nâng cao hiệu quả sử dụng.
2. Giá cho thuê tài sản thực hiện theo phương thức đấu giá nếu gói cho thuê (tính cho cả thời hạn cho thuê) có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Nếu gói cho thuê có giá trị dưới 100 triệu đồng thì có thể lựa chọn theo phương thức thông báo công khai và lựa chọn đối tượng có giá thuê cao nhất.
3. Việc cho thuê tài sản phải được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật.
4. Đối với việc cho thuê các hạng mục thuộc trụ sở làm việc trong thời gian ngắn, không liên tục (hội trường, phòng họp, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm...), Thủ trưởng đơn vị có tài sản cho thuê xác định và công khai mức giá thuê, đồng gửi cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi. Việc cho thuê tài sản được thực hiện theo mức giá thuê đã công bố.
Điều 26. Phương thức và giá cho thuê tài sản không phải là trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất
1. Đối với tài sản không phải là trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất do bên thuê và bên cho thuê thoả thuận trên cơ sở sát với giá thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.
2. Việc cho thuê tài sản phải được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp đã hết thời hạn thuê theo hợp đồng mà đơn vị có tài sản cho thuê được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP cho phép tiếp tục cho thuê và người đang thuê có nhu cầu tiếp tục thuê thì bên cho thuê và bên thuê tiếp tục ký hợp đồng thuê. Mức giá thuê do bên cho thuê và bên thuê thoả thuận sát với giá thuê tài sản thực tế trên thị trường. Trường hợp giá thuê thấp hơn giá thuê của thời hạn cho thuê trước đó thì đơn vị có tài sản cho thuê phải báo cáo cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP xem xét, quyết định.
4. Đối với các tài sản thực hiện cho thuê trong thời gian ngắn, không liên tục (máy chiếu, thiết bị âm thanh, máy vi tính...), Thủ trưởng đơn vị có tài sản cho thuê xác định và công khai mức giá thuê. Việc cho thuê tài sản được thực hiện theo mức giá thuê đã công bố.
Điều 27. Quản lý, sử dụng tiền thu được từ cho thuê tài sản nhà nước
1. Tiền thu được từ cho thuê tài sản, đơn vị phải hạch toán riêng và sử dụng để thanh toán các chi phí có liên quan, nộp tiền thuê đất, thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Số tiền còn lại được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Trường hợp đơn vị sử dụng tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ nguồn vốn huy động để cho thuê, đơn vị phải hạch toán riêng và sử dụng để thanh toán các chi phí có liên quan, nộp tiền thuê đất, thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, hoàn trả vốn huy động (bao gồm cả lãi huy động vốn). Số tiền còn lại được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
2. Chi phí có liên quan đến việc cho thuê tài sản nhà nước bao gồm:

a) Chi phí khấu hao tài sản cố định cho thuê;

b) Chi phí định giá, đấu giá tài sản cho thuê;

c) Chi phí quản lý việc cho thuê tài sản;



d) Chi phí khác có liên quan.
Điều 28. Công khai việc cho thuê tài sản nhà nước
1. Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được phép cho thuê tài sản nhà nước phải thực hiện công khai số lượng, chủng loại tài sản, phương thức cho thuê, tổ chức, cá nhân được thuê tài sản và việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ việc cho thuê tài sản nhà nước.
2. Hình thức công khai, thời hạn công khai, chế độ báo cáo công khai thực hiện theo quy định về công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 115/2008/QĐ-TTg.
Điều 29. Sử dụng tài sản đã đầu tư trên đất và giá trị quyền sử dụng đất vào mục đích cho thuê, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết
1. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính chưa nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP thì chỉ được sử dụng tài sản đã đầu tư trên đất để sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên kết, cho thuê và đơn vị phải nộp tiền thuê đất (đối với phần diện tích đất được sử dụng vào các mục đích trên) theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đã nộp tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp không có nguồn gốc từ ngân sách thì đơn vị được phép sử dụng tài sản đã đầu tư trên đất và giá trị quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên kết, cho thuê, góp vốn liên doanh theo quy định.
Mục 10

SẮP XẾP LẠI, XỬ LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
Điều 30. Sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà nước
1. Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà nước là trụ sở làm việc được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và phải hoàn thành trước ngày 31/12/2010.
2. Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà nước không phải là trụ sở làm việc được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Thông tư này.
3. Việc sắp xếp lại nhà khách của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35 và 36 Thông tư này.

Điều 31. Trình tự sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà nước không phải là trụ sở làm việc
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có trách nhiệm:
a) Căn cứ hiện trạng quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, chức năng, nhiệm vụ được giao, biên chế được duyệt, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản theo quy định để báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với từng tài sản nhà nước theo Mẫu số 01-SX/TSNN ban hành kèm theo Thông tư này. Riêng đối với các tài sản không phải là tài sản cố định mà cơ quan, tổ chức, đơn vị đề xuất phương án giữ lại tiếp tục sử dụng thì việc báo cáo kê khai không nhất thiết phải lập cho từng tài sản;
b) Báo cáo kê khai và phương án sắp xếp lại, xử lý từng tài sản nhà nước được gửi đến cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
2. Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm rà soát báo cáo kê khai và phương án sắp xếp lại, xử lý từng tài sản của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý để:
a) Quyết định việc giữ lại tiếp tục sử dụng đối với tài sản sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ;
b) Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 58 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP quyết định đối với những tài sản đề xuất phương án điều chuyển hoặc thu hồi.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 58 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP quyết định việc điều chuyển, thu hồi tài sản để xử lý theo quy định.
4. Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà nước không phải là trụ sở làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải hoàn thành trước ngày 31/12/2010.

tải về 219.42 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương