Amoris laetitia


Một linh đạo chăm sóc, an ủi và khích lệ



tải về 1.39 Mb.
trang81/83
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích1.39 Mb.
#34795
1   ...   75   76   77   78   79   80   81   82   83

Một linh đạo chăm sóc, an ủi và khích lệ


  1. “Các đôi vợ chồng Kitô hữu là những cộng tác viên của ân sủng và là những chứng nhân đức tin cho nhau, cho con cái và cho các thành viên khác trong gia đình”383. Thiên Chúa mời gọi họ thông truyền và chăm sóc sự sống. Đó là lí do tại sao gia đình “bao giờ cũng là ‘bệnh viện’ gần nhất”384. Chúng ta hãy chăm sóc nhau, nâng đỡ nhau và khích lệ nhau, đồng thời hãy sống tất cả những điều này như thành phần linh đạo gia đình của chúng ta. Đời sống của vợ chồng là một sự thông dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và mỗi người – đối với người kia – là một sự gợi ý thường xuyên từ Chúa Thánh Thần. Tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả “qua những ngôn từ sống động và cụ thể nhờ đó hai người nam và người nữ diễn tả tình yêu phu phụ của mình”385. Như thế hai người phản ánh cho nhau tình yêu thần linh, tình yêu có sức an ủi bằng lời nói, ánh nhìn, bằng sự giúp đỡ, vuốt ve, một vòng tay ôm ấp. Do đó, “ý muốn xây dựng một gia đình là can đảm tham gia vào giấc mơ của Thiên Chúa, dám ước mơ với Ngài, dám xây dựng với Ngài, dám nhập cuộc chơi với Ngài trong lịch sử này, để xây dựng một thế giới trong đó không ai cảm thấy cô đơn”386.

  1. Toàn bộ đời sống gia đình là một “mục vụ” với lòng thương xót. Mỗi chúng ta, bằng sự chăm sóc, đều khắc họa vào cuộc đời của người khác: “Thư giới thiệu chúng tôi chính là anh em, thư ấy được viết trong tâm hồn chúng tôi […] không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống” (2 Cr 3,2-3). Mỗi chúng ta là một “ngư phủ chài lưới người” (Lc 5,10), nhân danh Đức Giêsu thả lưới (cf. Lc 5,5) kéo những người khác, hay là một nông dân canh tác mảnh đất tươi tốt đó là những người thân, bằng việc khích lệ những gì tốt nhất trong họ. Sự phong nhiêu của đời sống hôn nhân bao hàm việc thăng tiến người khác, vì “yêu ai là mong đợi nơi người ấy một cái gì đó bất định mà cũng bất ngờ; đồng thời một cách nào đó, tạo điều kiện cho họ đáp lại sự mong đợi này”387. Đây là một cách thờ phượng Thiên Chúa, vì Ngài đã gieo rất nhiều điều tốt lành nơi người khác với hi vọng chúng ta sẽ làm cho nó triển nở.

  1. Chiêm ngắm từng người thân trong gia đình bằng đôi mắt của Thiên Chúa và nhận ra Đức Kitô nơi họ là một kinh nghiệm tâm linh sâu xa. Điều này đòi hỏi một sự sẵn sàng đáp ứng cách vô cầu giúp ta quí trọng phẩm giá của họ. Người ta chỉ có thể hiện diện trọn vẹn với một người nếu biết hiến thân không vì một lí do nào và quên đi mọi chuyện xảy ra xung quanh. Như thế người được yêu thương là người xứng đáng được quan tâm đầy đủ. Đức Giêsu là mẫu gương về điều này, bởi vì khi bất cứ người nào đến nói chuyện với Người, Người đều chăm chú nhìn và đem lòng yêu thương (cf. Mc 10,21). Không ai cảm thấy bị mất hút khi hiện diện cùng Người, vì những lời nói và cử chỉ của Người thể hiện trong câu hỏi này: “Bạn muốn tôi làm gì cho bạn?” (Mc 10,51). Đây là điều chúng ta kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày của gia đình. Trong đó chúng ta được nhắc nhở rằng mỗi người sống bên ta đều xứng đáng được ta lưu tâm cách tận tình, vì họ có phẩm giá vô hạn vì là đối tượng của tình yêu vô biên của Chúa Cha. Từ đó sẽ nảy sinh sự dịu dàng vốn có thể “khơi lên trong lòng người khác niềm vui cảm thấy mình được yêu thương. Sự dịu dàng được diễn tả một cách đặc biệt trong việc quan tâm cách tinh tế trước những hạn chế của người khác, nhất là khi chúng hiển lộ rõ ràng”388.

  1. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, gia đình không chỉ đón nhận sự sống bằng cách sinh sản trong phạm vi gia đình, nhưng còn mở ra, đi ra khỏi chính mình để tuôn ban những thiện ích của mình cho người khác và để quan tâm chăm sóc họ và tìm kiếm hạnh phúc cho họ. Sự cởi mở này được thể hiện đặc biệt nơi lòng hiếu khách389, như Lời Chúa khơi gợi và khích lệ: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13,2). Một khi gia đình rộng mở đón tiếp và đi đến gặp gỡ những người khác, nhất là người nghèo và người bị bỏ rơi, thì đó là “biểu hiệu, chứng từ và là sự tham dự vào thiên chức làm mẹ của Hội thánh”390. Bác ái xã hội, một phản ảnh về Thiên Chúa Ba Ngôi, trong thực tế là điều hiệp nhất ý nghĩa thiêng liêng của gia đình và sứ mạng ra khỏi chính mình, vì nó làm cho lời rao giảng tiên khởi (kerygma) hiện diện với tất cả những đòi hỏi mang tính cộng đồng. Gia đình sống linh đạo đặc thù của mình nhờ, cùng lúc, vừa là một Hội thánh tại gia, vừa là một tế bào sống động để biến đổi thế giới391.

* * *

  1. Không phải tình cờ mà lời dạy của Tôn sư Giêsu (cf. Mt 22,30) và của Thánh Phaolô (cf. 1 Cr 7,29-31) về hôn nhân được đặt trong chiều kích tối hậu và dứt khoát của cuộc sống con người chúng ta, ta cần khám phá lại chiều kích ấy. Với cách ấy các đôi vợ chồng có thể nhận ra được ý nghĩa sâu xa của hành trình đời sống đang diễn ra của mình. Quả thật, như chúng tôi đã đã nhiều lần nhắc đến trong Tông Huấn này, trên thực tế không gia đình nào là hoàn hảo và được kiện toàn một lần dứt khoát; nhưng đòi hỏi một sự phát triển tiệm tiến khả năng yêu thương của mình. Có một tiếng gọi không dứt, phát xuất từ sự hiệp thông viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ sự kết hợp kì diệu giữa Đức Kitô và Hội thánh của Người, từ cộng đoàn kiều diễm là Gia đình Nadarét, và từ tình huynh đệ vô tì tích giữa các thánh trên thiên quốc. Tuy nhiên, việc chiêm ngắm sự viên mãn mà chúng ta chưa đạt tới cũng giúp chúng ta biết tương đối hóa trong khi nhìn lại cuộc hành trình lịch sử mà chúng ta đang thực hiện trong tư cách là gia đình, để rồi chúng ta không còn đòi hỏi các mối tương quan liên vị của chúng ta phải hoàn hảo, phải tinh tuyền trong ý hướng, và phải nhất quán – điều mà chúng ta chỉ có thể gặp thấy trong Nước Trời mai sau. Hơn nữa việc ấy cũng ngăn chúng ta không xét đoán khắc nghiệt những ai sống trong các hoàn cảnh chênh vênh. Tất cả chúng ta được mời gọi để tiếp tục phấn đấu hướng đến một cái gì đó lớn lao hơn chính chúng ta và những giới hạn của chúng ta, và mỗi gia đình phải sống thường xuyên sự thôi thúc này. Nào chúng ta cùng đi, hỡi các gia đình, chúng ta hãy tiếp tục tiến bước! Điều chúng ta được hứa hẹn thì luôn cao trọng hơn. Đừng đánh mất niềm hi vọng vì những giới hạn của mình, cũng đừng bao giờ ngừng tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu và hiệp thông mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta.


tải về 1.39 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   75   76   77   78   79   80   81   82   83




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương