Ủy ban thưỜng vụ quốc hội số: 338



tải về 84.78 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích84.78 Kb.
#30367

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
___________

Số: 338/BC-UBTVQH12


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_________________________

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2010


BÁO CÁO GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO

LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ TRÌNH QUỐC HỘI THÔNG QUA
_______________


Kính thưa các vị Đại biểu Quốc hội,

Tại phiên họp sáng ngày 24 tháng 5 năm 2010, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Thi hành án hình sự (Luật THAHS). Qua tổng hợp, đã có 24 vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại hội trường và một số vị ĐBQH gửi văn bản đóng góp ý kiến, các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và dự thảo Luật đã được chỉnh lý, đồng thời, các vị ĐBQH đã góp ý vào nhiều điều khoản cụ thể của dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều ý kiến của ĐBQH đã được tiếp thu như: về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức với Uỷ ban nhân dân cấp xã trong thi hành án cải tạo không giam giữ, thi hành án treo, ra quyết định hoãn, quyết định đình chỉ thi hành án phạt tù, nhà trẻ trong trại giam, bố trí giam giữ phạm nhân tại trại tạm giam; giải quyết trường hợp phạm nhân chết; việc ghi âm trong quá trình công bố và đọc các quyết định về thi hành án tử hình; thăm gặp người bị trục xuất trong thời gian lưu trú; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thi hành án hình sự...Ngoài những nội dung trên, còn một số nội dung khác mà ĐBQH có ý kiến, sau khi nghiên cứu, cân nhắc, UBTVQH xin được giải trình cụ thể như sau:



1. Về thẩm quyền của Tòa án trong thi hành án hình sự

- Có ý kiến đề nghị nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự chỉ nên quy định theo hướng, Tòa án chỉ quyết định những vấn đề làm thay đổi nội dung bản án, quyết định được đưa ra thi hành như giảm, miễn chấp hành hình phạt, còn đối với những những quyết định về thủ tục thi hành án như ra quyết định thi hành án, quyết định thành lập hội đồng thi hành án tử hình, hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, nên giao cho cơ quan thi hành án hình sự.

Về vấn đề này UBTVQH nhận thấy, đây là những vấn đề liên quan đến nội dung của bản án nên việc thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự cần được nghiên cứu đồng bộ trong tổng thể của quá trình cải cách tư pháp, nhất là những nội dung liên quan đến thẩm quyền của Tòa án đã được quy định trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về thẩm quyền của Tòa án trong việc ra quyết định thi hành án, quyết định thành lập hội đồng thi hành án tử hình, hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm, miễn chấp hành hình phạt.

- Có ý kiến đề nghị quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự để làm căn cứ cho việc quy định cụ thể trong việc thi hành các hình phạt. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bỏ quy định chung về trách nhiệm của Tòa án tại Điều 5 và bổ sung quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc ra quyết định thi hành án; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù; miễn, giảm thời hạn chấp hành án; xem xét, giải quyết việc cho nhận tử thi của người chấp hành án tử hình; gửi các bản án, quyết định và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành án hình sự (Điều 20 dự thảo Luật).



2. Về nhiệm vụ giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ (Điều 18)

- Có ý kiến đề nghị không quy định UBND cấp xã có nhiệm vụ giám sát, giáo dục mà nên quy định nhiệm vụ theo dõi, giáo dục đối với người được hưởng án treo và người phải thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, để phân biệt với nội dung giám sát được quy định trong các luật khác.

UBTVQH thấy rằng, nhiệm vụ giám sát, giáo dục của UBND cấp xã đối với người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo đã được quy định trong Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Việc thực hiện giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án treo và thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ là nhiệm vụ cụ thể của UBND cấp xã có nội dung khác với chức năng giám sát của các cơ quan có thẩm quyền như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức trong thi hành án hình sự. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “Giao Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, cán bộ, kinh phí cho UBND cấp xã trong hoạt động thi hành án hình sự” tạo cơ sở cho UBND xã thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật.

UBTVQH nhận thấy, vấn đề này đã được quy định trong Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật ngân sách nhà nước; việc lập dự toán, sử dụng kinh phí để bảo đảm cho hoạt động của UBND cấp xã được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định nội dung trên vào dự thảo Luật.

3. Về thủ tục ra quyết định thi hành án

Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định việc ra các quyết định thi hành án với tất cả các hình phạt.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định về thủ tục ra quyết định thi hành án đối với hình phạt tử hình, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt trục xuất và hình phạt tù cho hưởng án treo (các điều 54, 61, 72, 96).

4. Về giáo dục pháp luật, giáo dục công dân và học tập văn hóa (Điều 28)

- Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật chỉ nên quy định nội dung giáo dục pháp luật cho phạm nhân, mà không quy định về việc giáo dục công dân để tránh chồng chéo với chương trình giáo dục phổ thông,

UBTVQH thấy rằng, thực tiễn công tác thi hành án cho thấy, phạm nhân chấp hành án phạt tù tại các trại giam có đặc điểm về độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa rất khác nhau. Để giáo dục có hiệu quả và phù hợp với đặc điểm của phạm nhân, việc quy định chương trình học tập của phạm nhân bao gồm cả giáo dục công dân và giáo dục pháp luật là cần thiết. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện giáo dục pháp luật đối với phạm nhân. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung quy định nội dung này vào dự thảo Luật (Điều 175).

- Có ý kiến đề nghị không quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc trực tiếp tham gia dạy văn hóa cho phạm nhân để tránh gây sự quá tải cho ngành này.

UBTVQH nhận thấy, Bộ Giáo dục và đào tạo là cơ quan có trách nhiệm quản lý thống nhất về giáo dục và đào tạo, không chỉ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an trong chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu có liên quan, đào tạo giáo viên mà còn có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc ngành tham gia dạy văn hoá cho phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và đào tạo như dự thảo Luật.



5. Về thời gian lao động, học tập và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân (Điều 29, Điều 30)

- Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định thời gian học nghề, lao động, học văn hoá, pháp luật, giáo dục công dân, nghe phổ biến thời sự…không quá tám giờ một ngày là phù hợp, tuy nhiên cần xác định rõ tỷ lệ thời gian đối với từng nội dung cụ thể, tạo điều kiện cho các trại giam cân đối trong việc tổ chức lao động, học tập, dạy nghề và các hoạt động khác của phạm nhân.

UBTVQH nhận thấy, việc tổ chức lao động, học văn hóa, pháp luật, giáo dục công dân và các hoạt động khác của phạm nhân tại các trại giam phụ thuộc vào tình hình thực tế nơi chấp hành án như về quy mô của trại giam, số lượng, độ tuổi phạm nhân, về điều kiện và khả năng bố trí lao động, nên việc xác định tỷ lệ thời gian cho các hoạt động này để áp dụng chung cho tất cả các trại giam là không hợp lý. Dự thảo Luật quy định thời gian lao động, học tập và các hoạt động khác của phạm nhân không quá tám giờ một ngày là căn cứ để trại giam chủ động trong việc phân bố thời gian lao động, học tập và hoạt động khác cho phạm nhân một cách phù hợp. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thời gian lao động, học tập và hoạt động khác của phạm nhân như dự thảo Luật.

- Có ý kiến đề nghị quy định về chế độ lao động của phạm nhân dựa vào tính chất tội phạm, mức hình phạt, đặc điểm nhân thân, kết quả thi hành án để cơ quan thi hành án phạt tù phân công công việc cụ thể cho phạm nhân.

UBTVQH thấy rằng, việc tổ chức lao động đối với phạm nhân nhằm mục đích chính là giáo dục, cải tạo người chấp hành án. Việc phân biệt đối xử trong lao động đối với phạm nhân theo tính chất tội phạm, mức hình phạt là không cần thiết. Tuy nhiên, việc tổ chức lao động đối với phạm nhân ngoài yếu tố về đặc điểm giới tính, cũng cần căn cứ vào điều kiện về độ tuổi, sức khỏe của phạm nhân. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định “Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng...” (khoản 1 Điều 29).

- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép phạm nhân được gửi số tiền được hưởng từ kết quả lao động về cho gia đình hoặc gửi trại giam quản lý và được nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung quy định này vào khoản 2 Điều 30 dự thảo Luật.



6. Về khen thưởng, xử lý kỷ luật phạm nhân và chế độ thăm gặp thân nhân, nhận quà của phạm nhân (Điều 36, 38 và 46)

- Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định việc gia hạn giam tại buồng kỷ luật đối với phạm nhân có vi phạm. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định thời gian phạm nhân vi phạm kỷ luật có thể bị giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày và bỏ quy định về việc gia hạn giam tại buồng kỷ luật (Điều 38).

- Có ý kiến cho rằng quy định việc kéo dài thời gian thăm gặp thân nhân trong trường hợp đặc biệt là khó xác định, do đó đề nghị nên quy định thời gian thăm gặp thân nhân của phạm nhân từ một đến hai giờ.

UBTVQH nhận thấy, quy định thời gian gặp thân nhân mỗi lần không quá một giờ là phù hợp với điều kiện và yêu cầu quản lý của trại giam. Việc kéo dài thời gian thăm gặp do giám thị trại giam quyết định chỉ trong một số trường hợp nhất định phụ thuộc vào tình hình thực tế có liên quan đến công việc mà phạm nhân và thân nhân của người đó cần phải giải quyết, vì vậy không cần thiết phải quy định khung thời gian thăm gặp từ một đến hai giờ. Đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động, học tập được tăng số lần được gọi điện thoại cho thân nhân.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân chấp hành tốt nội quy, quy chế trong chấp hành án, có thành tích trong lao động hoặc lập công thì được khen thưởng theo một hoặc nhiều hình thức trong đó có việc được tăng số lần liên lạc điện thoại với thân nhân (điểm c khoản 1 Điều 36).

- Có ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian thăm gặp đối với phạm nhân là người chưa thành niên.

UBTVQH thấy rằng, do đặc điểm về lứa tuổi, tâm lý và yêu cầu giáo dục đối với phạm nhân là người chưa thành niên nên gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần giáo dục đối với đối tượng này. Thời gian thăm gặp, động viên của gia đình đối với người chưa thành niên là rất có ý nghĩa, cần được quy định thời gian thăm gặp nhiều hơn so với phạm nhân là người thành niên. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thời gian thăm gặp, liên lạc của phạm nhân là người chưa thành niên như dự thảo Luật.

- Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định việc cho phạm nhân gặp vợ, chồng không quá hai mươi bốn giờ để tránh trường hợp phạm nhân nữ có thai.

UBTVQH nhận thấy, thực tiễn thi hành án phạt tù trong thời gian qua cho thấy, việc thăm gặp phạm nhân không quá 24 giờ có tác dụng giáo dục, động viên phạm nhân chấp hành án. Kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Luật quy định “Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá hai mươi bốn giờ...” là cần thiết, góp phần thiết thực cho việc nâng cao hiệu quả, chất lượng trong việc giáo dục, cải tạo đối với phạm nhân. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

- Có ý kiến đề nghị quy định mở rộng đối tượng thăm gặp của phạm nhân. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định đối tượng được thăm gặp phạm nhân ngoài thân nhân của họ có thể còn có đối tượng khác như đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân và việc giải quyết cho thăm gặp do giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định (khoản 1 Điều 46).

7. Về thời gian được nghỉ đối với phạm nhân nữ nuôi con nhỏ dưới ba mươi sáu tháng tuổi và việc mua bảo hiểm y tế của phạm nhân (Điều 45, Điều 48)

- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời gian để phạm nhân nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi cho con bú. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định Phạm nhân nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con” (khoản 2 Điều 45).

- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định khuyến khích thân nhân của phạm nhân mua thẻ bảo hiểm y tế để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước chi trả cho việc khám, chữa bệnh cho phạm nhân.

UBTVQH nhận thấy, việc chăm sóc y tế đối với phạm nhân phải bảo đảm yêu cầu quản lý giam giữ phạm nhân nên việc khám, chữa bệnh cho phạm nhân được thực hiện chủ yếu tại các trại giam, trại tạm giam. Các trường hợp bị bệnh nặng thì được điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa do trại giam, trại tạm giam bố trí và chịu trách nhiệm quản lý. Việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho phạm nhân là vấn đề mới và chưa có điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện nên cần có thời gian để nghiên cứu và chuẩn bị. Vì vậy, đề nghị Quốc hội chưa quy định vấn đề này trong dự thảo Luật.

8. Về chế độ bảo hiểm xã hội của người chấp hành xong án phạt tù

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chế độ hưởng bảo hiểm xã hội của người bị kết án phạt tù, theo đó, người bị kết án phạt tù đã nộp bảo hiểm xã hội trước khi bị kết án, thì sau khi chấp hành án xong vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH và để bảo đảm thống nhất với Luật bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định việc giải quyết lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người đã chấp hành xong án phạt tù thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (khoản 5 Điều 40) và trường hợp phạm nhân chết trong thời gian chấp hành án phạt tù, mà trước đó đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần hoặc trước đó đang được hưởng lương hưu thì thân nhân của họ được hưởng trợ cấp tuất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (khoản 4 Điều 49).

9. Về Hội đồng thi hành án tử hình (Điều 55)

Có ý kiến đề nghị không quy định Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án làm Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình mà nên quy định thẩm phán là Chủ tịch Hội đồng.

UBTVQH nhận thấy, việc tổ chức thi hành án tử hình đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự và phải tuân thủ các thủ tục chặt chẽ. Trong qua trình tổ chức thi hành án, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình có vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền như xem xét, quyết định việc hoãn thi hành án tử hình; báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật đối với trường hợp hoãn thi hành án tử hình mà còn có trách nhiệm giải quyết những vấn đề đột xuất nảy sinh trong quá trình thi hành án, chỉ đạo việc phối hợp giữa cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ thi hành án. Vì vậy, việc quy định Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án làm Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình là cần thiết và phù hợp.

10. Về hình thức thi hành án tử hình (Điều 59)

Đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Có ý kiến đề nghị giữ quy định hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn như hiện hành; có ý kiến đề nghị quy định cả hai hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc để Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoặc cho người bị kết án tử hình lựa chọn.

Về vấn đề này UBTVQH nhận thấy, việc nghiên cứu để thay thế hình thức thi hành án tử hình đã được đặt ra từ nhiều năm nay và như đã trình bày tại Báo cáo giải trình của UBTVQH tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 24 tháng 5 năm 2010, trong các hình thức thi hành án tử hình thì tiêm thuốc độc có nhiều ưu điểm hơn trong việc khắc phục những bất cập hiện nay trong thi hành án tử hình và có tính khả thi. Hơn nữa, nếu quy định thực hiện thi hành án tử hình bằng cả hai hình thức tiêm thuốc độc và xử bắn đỏi hỏi phải có cơ chế giải quyết để người phải chấp hành án lựa chọn hoặc do cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và vẫn phải duy trì cách thức tổ chức, cũng như các điều kiện thi hành án bằng xử bắn, vừa tạo ra sự không thống nhất trong thực hiện và gây tốn kém không cần thiết. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về hình thức thi hành án tử hình như dự thảo Luật.

11. Về việc giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình

Đa số ý kiến ĐBQH đề nghị quy định cho phép thân nhân của người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi về an táng; ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị không quy định vấn đề này trong dự thảo Luật.

Về vấn đề này, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình, theo đó trước khi thi hành án tử hình, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được gửi đơn đến Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng trường hợp, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm xem xét, quyết định cho nhận tử thi hoặc không cho nhận tử thi trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc cho nhận tử thi ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường (UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp và cơ quan chủ trì thẩm tra tiến hành gửi Phiếu xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này. Kết quả tổng hợp ý kiến ĐBQH có 239/304 ý kiến nhất trí quy định giải quyết cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình). Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định về giải quyết việc xin nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình như dự thảo Luật đã được chỉnh lý (khoản 1 Điều 60).

12. Về lao động, học tập của người chấp hành án cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo

Có ý kiến đề nghị quy định về quyền được lao động, học tập của người chấp hành án cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo trong trường hợp các đối tượng này là cán bộ, công chức để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người chấp hành án.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định người chấp hành án cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương, chế độ phù hợp với công việc mà mình đảm nhiệm và được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 65 và khoản 1 Điều 76).

13. Về thời gian lao động, học văn hóa, học nghề của học sinh trường giáo dưỡng (Điều 129)

Có ý kiến đề nghị không quy định chung thời gian lao động cho tất cả học sinh trường giáo dưỡng, mà cần quy định cụ thể tùy theo lứa tuổi; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định học sinh trường giáo dưỡng được nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật.

Về vấn đề này UBTVQH nhận thấy, để phù hợp với yêu cầu giáo dục cũng như đặc điểm lứa tuổi, sức khỏe, tâm lý của người chưa thành niên được đưa vào trường giáo dưỡng, ngoài thời gian học tập thì học sinh cũng cần được tổ chức lao động với những công việc thích hợp. Theo đó, dự thảo luật đã quy định thời gian học tập và lao động của học sinh không quá bảy giờ trong một ngày, trong đó có hai giờ lao động, học nghề; trường giáo dưỡng có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ của học sinh. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thời gian lao động, học nghề của học sinh trường giáo dưỡng như dự thảo Luật.

Về thời gian nghỉ của học sinh trường giáo dưỡng, tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 3 Điều 129 đã được bổ sung quy định “Học sinh được nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật”.



14. Về giải quyết khiếu nại trong thi hành án phạt tù

Có ý kiến cho rằng quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại trong việc quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù là không khả thi, vì hệ thống cơ quan thi hành án phạt tù đều thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, do đó đề nghị quy định giao cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan quản lý thi hành án hình sự thẩm quyền này.

UBTVQH thấy rằng, khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự có tính chất đặc thù, việc quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân là nhằm bảo đảm yêu cầu việc giải quyết khiếu nại được khách quan, phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân theo Luật định. Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi trong việc giải quyết khiếu nại, dự thảo Luật quy định Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đóng tại địa phương (Điều 141). Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án phạt tù như dự thảo Luật.

15. Về hiệu lực thi hành của Luật (Điều 180)

Có ý kiến đề nghị quy định liệt kê đầy đủ các điều, khoản của các văn bản luật bị bãi bỏ sau khi Luật này có hiệu lực.

UBTVQH nhận thấy, nhiều quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự có liên quan đến thi hành án đã được dự thảo Luật thi hành án hình sự kế thừa. Tuy nhiên, do đặc điểm trình tự, thủ tục thi hành án hình sự có nhiều nội dung cần được cụ thể hóa trong dự thảo Luật thi hành án hình sự để bảo đảm việc tổ chức thi hành các hình phạt đạt được mục đích của hình phạt, phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước ta. Những nội dung đó có liên quan đến một số điểm, khoản, điều trong Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự mà việc thay thế, sửa đổi các điều khoản đó cần được xem xét toàn diện khi sửa đổi, bổ sung những đạo luật đó. Vì vậy, để bảo đảm hiệu lực của Luật thi hành án hình sự và áp dụng thống nhất pháp luật, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng, khi Luật này có hiệu lực pháp luật thì các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự về thi hành án tử hình, thi hành án phạt tù, hình phạt cảnh cáo, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt trục xuất, hình phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, thi hành án treo có nội dung khác với Luật này thì áp dụng theo quy định của Luật này.

*

* *

Kính thưa các vị Đại biểu Quốc hội,

Trên đây là Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thi hành án hình sự. Dự thảo Luật thi hành án hình sự trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 15 chương, 182 điều, đã được rà soát về bố cục và kỹ thuật văn bản, bảo đảm yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.



Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin kính trình các vị Đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.




Nơi nhận:

- Các vị ĐBQH;

- Lưu VPQH.



TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH

(đã ký)

Uông Chu Lưu







Каталог: content -> vankien -> Lists -> DanhSachVanKien -> Attachments
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010)
Attachments -> Đa dạng sinh họC Ở việt nam
Attachments -> PHẦn I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> CHÍnh phủ Số: 62/bc-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 2008 BÁo cáO
Attachments -> BỘ giao thông vận tảI 1/ Cử tri tỉnh Đắk Lắc kiến nghị
Attachments -> QUỐc hội khóa XI uỷ ban về các vấn đề xã hội
Attachments -> QUỐc hội số: CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 210/bc-btnmt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010) TẬp hợP Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội số: 365/bc-ubtvqh12

tải về 84.78 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương