Ủy ban tư pháp số: 2938/bc-ubtp13 CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 141.81 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích141.81 Kb.
#17670

QUỐC HỘI KHÓA XIII

ỦY BAN TƯ PHÁP


Số: 2938/BC-UBTP13



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2015




BÁO CÁO

Thẩm tra kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban

thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề,

chất vấn trong lĩnh vực tư pháp


Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội,


Thực hiện Kế hoạch số 310/KH-UBTVQH13 ngày 12/2/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội v/v triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về “xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015” ; trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban tư pháp xin báo cáo như sau:

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

Thời gian qua, phúc đáp yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, Quốc hội đã tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động tư pháp; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của pháp luật về tố tụng, hình sự, dân sự, thi hành án, luật sư, công chứng, giám định tư pháp theo đúng chủ trương, định hướng đã được nêu trong Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, thi hành án và các tổ chức bổ trợ tư pháp.

Mục tiêu của cải cách tư pháp ở nước ta là: xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; giải quyết các tranh chấp dân sự, lao động, kinh tế, thương mại, hành chính, tạo môi trường an toàn, ổn định cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; do vậy, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, công tác tư pháp cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu do Quốc hội, UBTVQH giao, tạo được sự chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Hoạt động tư pháp đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các mặt công tác. Tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm hàng năm đạt cao, chất lượng giải quyết án ở tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đã cơ bản đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Công tác thi hành án được triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật; chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã được nâng lên một bước; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú... Cùng với đó, công tác xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức đã thường xuyên được củng cố, tăng cường cả về số lượng, chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp. Sự phối hợp của các cơ quan trong hoạt động tư pháp ngày càng tốt hơn; việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về tư pháp, bổ trợ tư pháp và cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp được quan tâm đầu tư, kiện toàn thực hiện, từng bước phúc đáp yêu cầu của cải cách tư pháp.

Các báo cáo của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về cơ bản đã được chuẩn bị nghiêm túc, phản ánh khá đầy đủ và đánh giá được kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; nghị quyết, kết luận của UBTVQH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 thuộc trách nhiệm của các cơ quan; đã chỉ ra được một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Tuy nhiên, các báo cáo mới tập trung đánh giá về những kết quả đã đạt được; việc nêu và đánh giá về những tồn tại, hạn chế còn sơ lược, thiếu các thông tin, số liệu cụ thể; chưa đi sâu phân tích làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp mang tính đột phá để khắc phục. Nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động tư pháp đã được Ủy ban Tư pháp nêu và nhận định trong các Báo cáo thẩm tra các Báo cáo hằng năm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, vẫn chưa được nêu và phân tích, đánh giá về kết quả khắc phục.



II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ

1. Về báo cáo số 290/BC-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ

1.1 Đánh giá chung

Báo cáo của Chính phủ đã báo cáo khá đầy đủ các nội dung yêu cầu của Nghị quyết số 30/2012/QH13 thuộc lĩnh vực đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.

Trong thời gian báo cáo Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật; ban hành kịp thời nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành về bảo đảm an ninh trật tự. Chỉ đạo Lực lượng Công an bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ban ngành đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; tập trung lực lượng giải quyết các điểm nóng, vấn đề phức tạp về an ninh trật tự; phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Kết quả thực hiện đã kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm, xử lý tin báo tố giác tội phạm năm sau đạt cao hơn năm trước; tai nạn giao thông giảm ở cả 03 tiêu chí (đạt và vượt yêu cầu các Nghị quyết của Quốc hội). Công tác tổ chức, xây dựng lực lượng cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh đó cũng còn tồn tại hạn chế như công tác phòng ngừa nghiệp vụ, nắm tình hình còn chưa sâu, việc xử lý một số vụ việc còn lung túng, chưa hiệu quả; còn để xảy sai sót và oan sai trong quá trình điều tra vụ án hình sự; việc chấp hành kỷ cương kỷ luật ở một số đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm túc, sự phối hợp của Công an một số địa phương hiệu qủa chưa cao.



1.2. Về các vấn đề cụ thể

a) Về hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm

Trong thời gian báo cáo, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 06 Luật, Ủy ban thường vụ ban hành 02 Pháp lệnh; Chính phủ ban hành 32 Nghị Định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 Quyết định hướng dẫn thi hành pháp luật về thực hiện bảo đảm an ninh trật tự

Bộ Công an ban hành 87 Thông tư chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp với các Bộ, ban ngành xây dựng 19 Thông tư liên tịch, 8 quy chế phối hợp về bảo đảm an ninh trật tự.

Việc xây dựng Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự được tiến hành theo đúng tiến độ, hiện nay đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Về cơ bản, Chính phủ đã bảo đảm tiến độ xây dựng chính sách pháp luật theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội. Ban hành kịp thời nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành về bảo đảm an ninh trật tự đạt kết quả theo yêu cầu Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội.

b) Về lĩnh vực đấu tranh, phòng chống tội phạm

- Về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.

Từ tháng 6/2012 đến tháng 3/2015 Bộ Công an đã tiếp nhận bắt giữ 1.278 vụ 2.464 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, kết thúc điều tra xử lý 1.379 vụ, 2.286 đối tượng, trong đó đề nghị truy tố 1.269 vụ, 2.094 bị can. Qúa trình điều tra cơ bản bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đạt yêu cầu Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội.



- Về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về trật tự xã hội

+ Về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm

Bộ Công an đã chấn chỉnh về công tác nghiệp vụ, tăng cường nắm diễn biến tình hình các loại tội phạm trên các tuyến địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, nhân rộng mô hình phối hợp của các lực lượng, mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm và các biện pháp phòng ngừa khác, qua đó đã góp phần hạn chế sự gia tăng của tội phạm.

+ Đối với công tác đấu tranh với từng loại tội phạm cụ thể

Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm hình sự nói chung đạt tỷ lệ cao (75,2%), các vụ trọng án tỷ lệ khám phá đạt trên 90%.

Đã khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy lớn; nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng đã được khám phá kịp thời1.

Kết quả xử lý tội phạm đạt yêu cầu của Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội. Tuy nhiên, Nghị quyết số 30/2012/QH13 không đề ra chỉ tiêu cụ thể đối với lĩnh vực phòng, chống tội phạm. Trong thời gian báo cáo, tuy tình hình tội phạm đã kiềm chế gia tăng, tỷ lệ khám phá, xử lý đạt tỷ lệ cao nhưng một số loại tội phạm vẫn có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao như tội trộm cắp, cướp tài sản, ma túy…vẫn để xảy ra một số vụ oan, sai trong quá trình điều tra vụ án.



c) Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, xử lý tệ nạn xã hội.

- Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Tai nạn giao thông đã giảm cả 03 tiêu chí so với thời gian trước: Xảy ra 81.416 vụ (giảm 28,5%), làm chết 26.212 người (giảm 14,1%), bị thương 81.131 người (giảm 33,4%). Từ năm 2012 tai nạn giao thông năm sau đều giảm hơn năm trước với tỷ lệ trên 10% ở cả 03 tiêu chí. Đạt và vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra.



- Về công tác phòng cháy, chữa cháy:

Số vụ cháy, nổ năm sau đều giảm hơn năm trước. Từ năm 2012 đến nay xảy ra 7.191 vụ cháy nổ, gây thiệt hại khoảng 3.045 tỷ đồng. Lực lượng Công an đã kiểm tra xử lý 55.199 lượt cơ sở vi phạm. Qua theo dõi thì tuy có giảm về số vụ tuy nhiên đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.



- Về xử lý tệ nạn xã hội

Báo cáo không đề cập đến việc xử lý tệ nạn xã hội như mại dâm, nghiện ma túy. Qua thẩm tra báo cáo Chính phủ hằng năm thì các loại tệ nạn này đều gia tăng. Hiện có hơn 200.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và gia tăng hàng năm và là một trong những nguyên nhân phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm.



d) Về chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an

Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời bằng văn bản và trả lời trực tiếp trên Hội trường các vấn đề kiến nghị như xây dựng, hoàn thiện pháp luật về hình sự; về công tác điều tra án hình sự; xây dựng, củng cố và kiện toàn lực lượng toàn ngành Công an nhân dân.



đ) Về công tác xây dựng lực lượng

Chính phủ đã ban hành, sửa đổi bổ sung các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy tổ chức của Bộ Công an. Chỉ đạo Bộ Công an sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ và bộ máy các đơn vị trực thuộc. Bộ Công an cũng đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, tăng cường biên chế cho các đơn vị cơ sở.. . Tuy nhiên, Báo cáo chưa nêu rõ số lượng biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm để có cơ sở xem xét, đánh giá.



2. Về báo cáo số 41/BC-VKSTC ngày 31/3/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

2.1. Việc thực hiện Nghị quyết số 52/2013/QH13 ngày 21/6/2013 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn

a) Kết quả đạt được

VKSNDTC đã xây dựng nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa 5 yêu cầu tại điểm 4 của Nghị quyết số 522 thành các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể; đề ra nhiều biện pháp và chỉ đạo thực hiện trong toàn ngành… Do đó, kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, cụ thể như sau:

Về việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết số 37/2012/QH13: Qua 2 năm thực hiện, ngành Kiểm sát đều đã hoàn thành, đạt và vượt 04/04 chỉ tiêu cơ bản theo yêu cầu của Nghị quyết, có những chuyển biến tích cực so với năm 2012 và các năm trước.

Công tác kiểm sát việc tiếp nhận, thụ lý và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đã được Viện kiểm sát các cấp quan tâm tăng cường. VKSNDTC đã phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng, triển khai và thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của liên ngành tư pháp trung ương về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Kết quả, tỷ lệ kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm được nâng cao qua từng năm; kịp thời phát hiện nhiều vi phạm và ban hành các yêu cầu, kiến nghị khắc phục3.

Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cơ bản đúng pháp luật4; tỉ lệ bắt, tạm giữ hình sự phải xử lý hành chính, trả tự do thấp và giảm dần, đạt yêu cầu của Nghị quyết số 37/2012/QH135. Viện kiểm sát các cấp đã bảo đảm kiểm sát chặt chẽ hơn đối với 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong suốt quá trình điều tra; nâng cao số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra, hạn chế đáng kể những vi phạm pháp luật, thiếu sót dẫn đến phải trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; tỷ lệ trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ chiếm 4,4% và giảm dần qua từng năm (năm 2011: 4,6%; năm 2012: 3,23%; năm 2013: 3,28%; năm 2014: 3,15%). Số trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố và số trường hợp hủy quyết định khởi tố vụ án không có căn cứ pháp luật đều tăng6.

Về công tác truy tố, các quyết định truy tố cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng thời hạn, không để tồn đọng kéo dài; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng đúng tội danh đều đạt và vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 377. Chất lượng công tác công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ kháng nghị các loại án được Tòa án chấp nhận đều đạt và vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 378.

VKSNDTC đã tích cực, chủ động và có nhiều cố gắng trong xây dựng, thực hiện các đề án được phân công theo Chương trình cải cách tư pháp, làm cơ sở để xây dựng Dự án Luật tổ chức VKSND năm 2014, Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và đổi mới tổ chức, bộ máy của Viện kiểm sát các cấp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về tổ chức bộ máy và cán bộ; thực hiện nghiêm túc kế hoạch phân bổ chỉ tiêu biên chế, ưu tiên bổ sung biên chế cho các đơn vị cơ sở, nhất là đối với Viện kiểm sát cấp huyện mới thành lập, những đơn vị mới chia tách, những đơn vị khối lượng công việc tăng thêm; đổi mới công tác tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh tư pháp; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành…

VKSNDTC đã khẩn trương tiến hành việc tổng kết thực tiễn thi hành, xây dựng và trình Quốc hội thông qua Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014), cho ý kiến Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2015) và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 10.



b) Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 52 của Viện kiểm sát nhân dân vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Ủy ban tư pháp nhất trí với đánh giá của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo số 41/BC-VKSTC ngày 31/3/2015, cụ thể là: Chưa quản lý chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; trách nhiệm công tố trong một số vụ án chưa tốt; chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp tại một số đơn vị còn hạn chế, còn có Kiểm sát viên thiếu chủ động trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra; việc điều tra, xử lý một số vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng còn chậm. Tại một số phiên tòa, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Một số Viện kiểm sát đại phương còn để xảy ra oan, sai; chậm phát hiện vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tư pháp để kịp thời kháng nghị, kiến nghị khắc phục, phòng ngừa. Công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với một số vụ việc còn để kéo dài. Một số Viện kiểm sát địa phương còn để xảy ra cán bộ vi phạm phải xử lý kỷ luật, có cán bộ phải xử lý hình sự. Công tác xây dựng văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, nhất là việc xây dựng các thông tư liên tịch, văn bản hướng dẫn để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong áp dụng pháp luật. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, Kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ thực tiễn và công cuộc cải cách tư pháp.

Đồng thời, qua giám sát còn cho thấy việc đình chỉ và kiểm sát đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS có những trường hợp chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật; việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự của các cơ quan tư pháp đối với một số trường hợp còn chậm, chưa kịp thời, trong đó có phần trách nhiệm của Viện kiểm sát.

2.2. Về công tác giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

Theo báo cáo, từ Kỳ họp thứ 4 đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng VKSNDTC đã nhận được 38 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật. Trong đó, có 10 kiến nghị có nội dung liên quan đến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, chiếm 26,3%; có 28 kiến nghị về công tác xây dựng thể chế, hướng dẫn pháp luật và công tác xây dựng ngành, chiếm 73,7%. Kết quả, Viện trưởng VKSNDTC đã xem xét, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ nghiên cứu và kịp thời đã có văn bản trả lời 100% các kiến nghị cử tri.



2.3. Việc thực hiện các lời hứa sau khi trả lời chất vấn trực tiếp

- Về việc ngành Kiểm sát phối hợp chặt chẽ với Công an, Tòa án và Thi hành án, cố gắng phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết 37/2012/QH13:

VKSNDTC đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng các thông tư, nghị quyết hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; quy chế phối hợp trong các lĩnh vực công tác; chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trong việc rà soát, đề ra các biện pháp để thực hiện tốt các chỉ tiêu của Nghị quyết số 37. Kết quả, các mặt công tác của các cơ quan tư pháp đã có nhiều chuyển biến, chất lượng năm sau cao hơn năm trước, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.



- Về việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết một số vụ án hình sự nhất là các vụ án kinh tế chức vụ, tham nhũng còn kéo dài

VKSNDTC đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố đối với những vụ, việc có dấu hiệu tham nhũng. Yêu cầu Viện kiểm sát các cấp chấp hành nghiêm túc các biện pháp nghiệp vụ; kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, chủ động, tích cực ban hành và nâng cao chất lượng các yêu cầu điều tra nhằm bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu về tiến độ, chất lượng giải quyết án trong giai đoạn điều tra, truy tố các vụ án hình sự; phối hợp với Bộ Công an, TANDTC và Ban Nội chính trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc điều tra, truy tố và xét xử nhiều vụ án về tham nhũng, kinh tế chức vụ do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính trung ương theo dõi, chỉ đạo. Nhìn chung, công tác giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ đã có nhiều tiến bộ; thời gian giải quyết nhanh hơn, kết quả xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.



- Về việc giải quyết dứt điểm vụ án Lê Bá Mai bị kết án về tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em” xảy ra tại tỉnh Bình Phước

Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Cơ quan điều tra Bộ Công an, TANDTC cùng Cơ quan điều tra địa phương tiến hành họp thảo luận về các nội dung có khiếu nại, tố cáo; rà soát, đánh giá về nội dung vụ án nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai. Điển hình như việc giải quyết khiếu nại của bị án Lê Bá Mai đã xác định Bản án phúc thẩm số 921/2013/HSPT ngày 30/8/2013 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh kết án Lê Bá Mai phạm tội ‘Hiếp dâm trẻ em” và tội “Giết người” là không oan.



2.4. Việc trả lời các văn bản chất vấn của Đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật và việc thực hiện lời hứa tại các văn bản trả lời chất vấn

Trong các kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng VKSNDTC đã nhận được 22 chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Cụ thể: Kỳ họp thứ tư 2 chất vấn, kỳ họp thứ năm và thứ sáu mỗi kỳ 6 chất vấn, kỳ họp thứ bảy và thứ tám mỗi kỳ 4 chất vấn. Trong đó có 13 chất vấn về các vụ án cụ thể; các chất vấn khác tập trung đề nghị làm rõ những giải pháp về xây dựng ngành, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, như: phòng, chống tham nhũng, kiềm chế gia tăng tội phạm, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp… Viện trưởng VKSNDTC đã khẩn trương nghiên cứu, chỉ đạo kiểm tra các vụ việc cụ thể và trả lời đầy đủ, đúng thời hạn. Tuy nhiên, vẫn còn một số chất vấn liên quan đến các vụ án cụ thể VKSNDTC chưa xem xét, trả lời được đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Đại biểu Quốc hội trong.



- Việc thực hiện lời hứa tại các văn bản trả lời chất vấn

Tại các văn bản trả lời, Viện trưởng VKSNDTC hứa sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vụ án, xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khi có căn cứ. Ngay sau khi trả lời đại biểu, Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết, thận trọng xem xét kỹ chứng cứ và những vấn đề liên quan, đồng thời thường xuyên báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể. Kết quả, VKSNDTC đã phối hợp với Tòa án kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm 03 vụ án9; còn 01 vụ án Viện kiểm sát chưa có căn cứ xem xét kháng nghị giám đốc thẩm và 01 vụ án xem xét kháng nghị tái thẩm.



3. Về báo cáo số 37/BC-TA ngày 4/8/2015 của Tòa án nhân dân tối cao

3.1. Về việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề

Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai yêu cầu “Sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cao, tranh chấp đất đai, nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của Tòa án nhân dân về việc giải quyết các tranh chấp đất đai, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật đất đai, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan”.

Thực hiện Nghị quyết này, TANDTC đã tích cực phối hợp với Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc soạn thảo Luật Đất đai, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các luật khác có liên quan. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01/7/2014. Hiện nay, TANDTC đang chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Nội dung Luật Đất đai năm 2013 và các dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 đã đáp ứng được các yêu cầu như đã nêu tại Nghị quyết số 39 của Quốc hội. Theo đó, các tranh chấp đất đai mà đương sự đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các giấy tờ đã được quy định thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân (như quy định của Luật đất đai 2003, Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011, Luật tố tụng hành chính năm 2011). Luật đất đai năm 2013 đã mở rộng thẩm quyền của Tòa án, các tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ đã được quy định thì công dân có quyền lựa chọn khởi kiện tại Tòa án để giải quyết theo thủ tục tranh chấp dân sự hoặc yêu cầu Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền là quyết định hành chính, có thể bị khởi kiện hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

3.2. Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về chất vấn và trả lời chất vấn

- Tại phiên họp thứ 16 của UBTVQH, Chánh án TANDTC đã hứa 03 vấn đề: (1) tiến hành rà soát xem các trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình, (2) bảm đảm đến hết năm 2014 sẽ tuyển dụng đủ số lượng biên chế cán bộ đã được UBTVQH giao và bổ sung đủ số lượng Thẩm phán được giao, (3) triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án và công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Sau đó, ngày 27/3/2013, Văn phòng Quốc hội có thông báo kết luận của UBTVQH số 597/TB-VPQH về các yêu cầu của Chánh án TANDTC đối với công tác của Tòa án.

- Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 69/2013/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6.

TANDTC đã tích cực triển khai các Nghị quyết, kết luận nêu trên, kết quả cụ thể như sau:



a) Về việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Tính đến nay, TANDTC đã chỉ đạo tuyển dụng cơ bản đủ số lượng biên chế đã được giao. Tuy nhiên, đội ngũ Thẩm phán vẫn còn thiếu nhiều (cấp tỉnh, cấp huyện còn thiếu 480/6324 người (7,6%), tồn tại này có nguyên nhân khách quan là do triển khai Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán cao hơn so với Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002. Tuy nhiên, theo Báo cáo của TANDTC thì đã có số lượng dự nguồn 1500 người, hiện nay đang hoàn tất các quy trình, thủ tục để đến hết năm 2015 sẽ bổ sung đủ số lượng Thẩm phán theo chỉ tiêu đã được UBTVQH giao.

Thực hiện Nghị quyết số 69 của Quốc hội, TANDTC đã trực tiếp hoặc chỉ đạo các Tòa án tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Từ năm 2013 đến nay đã xử lý kỷ luật 125 cán bộ vi phạm, chuyển cơ quan chức năng xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 18 trường hợp.

b) Về nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Các Tòa án đã cơ bản đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37 /2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội; đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa; bảo đảm việc giải quyết, xét xử và ra bản án, quyết định đúng pháp luật. Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và tăng số vụ án hình sự xét xử lưu động; giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; hạn chế tối đa việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật; khắc phục được tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án. Việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ cơ bản đúng quy định của pháp luật; từng bước khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đã được các Tòa án xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước

Tuy nhiên, trong công tác xét xử, các Tòa án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo các Nghị quyết, kết luận của Quốc hội, UBTVQH như: vẫn còn trường hợp kết án oan người vô tội, một số loại án chưa đạt chỉ tiêu giảm ít nhất 1% tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan so với năm trước; chưa khắc phục được triệt để tình trạng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật; chưa khắc phục triệt để được tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án; chưa khắc phục triệt để tình trạng án quá hạn luật định, nhất là các vụ án dân sự được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Chất lượng giải quyết án hành chính còn thấp, các bản án hành chính bị hủy, bị sửa vẫn còn nhiều; việc tranh tụng tại phiên tòa vẫn còn hạn chế.

c) Về việc kiểm tra, rà soát các vụ án hình sự có đơn kêu oan, đã xét xử có mức án phạt tù từ 20 năm, chung thân đến tử hình.

TANDTC và các cơ quan hữu quan đã thụ lý, xem xét 50 trường hợp có đơn kêu oan. Đến nay mới tiến hành rà soát, giải quyết xong 35 trường hợp, trong đó có 03 trường hợp phải kháng nghị giám đốc thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung. Vẫn còn 15 trường hợp đang tiếp tục rà soát.



d) Về chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa án đã đạt ít nhất 60% theo đúng chỉ tiêu của Quốc hội đề ra. Chất lượng kháng nghị được bảo đảm, 100% kháng nghị của Chánh án TANDTC được Hội đồng xét xử chấp nhận. Thực hiện việc triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, năm nay TANDTC đã và đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, thành lập các Tòa án nhân dân cấp cao….. Đồng thời, TANDTC cũng đang chỉ đạo các Tòa án nhân dân cấp cao tập trung giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo các chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.



đ) Về tăng cường công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật

TANDTC đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng những cho đến nay một số văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật vẫn chưa được ban hành10.



e) Về việc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Tại các kỳ họp, Chánh án TANDTC đã nhận được 52 chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, đến nay Chánh án TANDTC đã có văn bản trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, một số trường hợp việc trả lời chất vấn còn chậm.



4. Về báo cáo số 307/BC-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ

4.1. Luật Thi hành án dân sự đã được ban hành từ năm 2008 nhưng việc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan ban hành thông tư hướng dẫn thi hành Luật còn rất chậm. Điều này không chỉ thể hiện ở việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008 mà còn ngay cả trong việc soạn thảo, giúp Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự khi Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/7/2015. Đến nay, Luật này đã có hiệu lực thi hành nhưng Chính phủ chưa có Nghị định, Bộ chưa có Thông tư để hướng dẫn thực hiện.

4.2. Tại khoản 2, Điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định:

2. Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội”.

Tuy nhiên, tại điểm c, khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC- TANDTC- BCA- BTP- BQP- BTC – BNN&PTNT ngày 02/11/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp, Bộ tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn: “người bị tạm giam không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” mới được bồi thường. Quy định tại Thông tư liên tịch là không phù hợp với luật và có sự thu hẹp hơn về phạm vi được bồi thường so với Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

4.3. Việc tổ chức thi hành pháp luật:

Trên thực tế, việc áp dụng quy định của pháp luật về thi hành án còn nhiều thiếu sót, sai phạm, nhất là trong việc cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản; việc cưỡng chế giao tài sản sau khi đấu giá thành trong một số trường hợp còn chậm, thiếu cương quyết, giải quyết không dứt điểm, để kéo dài, dẫn đến hiệu quả thấp, làm phát sinh nhiều khiếu nại.



5. Về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (Báo cáo số 296/BC-CP ngày 4/6/2015 của Chính phủ)

5.1. Nhận xét chung

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được tăng cường trên các mặt, khẳng định quyết tâm chính trị và sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước và toàn xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự vào cuộc của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân, công tác phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt công tác. Công tác cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo, triển khai quyết liệt từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương nên đã giảm rõ rệt nhiều loại thủ tục, thời gian làm thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực; hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từng bước minh bạch và công khai hơn; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; lực lượng chức năng đã chủ động hơn trong công tác phối hợp phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi tham nhũng đã nghiêm minh hơn; án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, đình chỉ vụ án, bị can năm sau giảm nhiều so với năm trước; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được xét xử kịp thời, nghiêm minh, có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế. Việc khắc phục sơ hở, bất cập về chính sách, pháp luật còn chậm; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai còn hình thức, hiệu quả thấp; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã đưa ra xét xử; thiếu quy định để kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao; việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhất là trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, quản lý, sử dụng đất, quản lý vốn và tài sản của nhà nước...

5.2. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn

a) Về nội dung tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về PCTN

Thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị ban hành nhiều chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể và chặt chẽ hơn cho công tác PCTN. Việc Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 2013 khẳng định những chủ trương lớn, cơ bản trong việc tiếp tục đổi mới, cải cách bộ máy nhà nước; đồng thời xem xét thông qua và cho ý kiến nhiều dự án luật, như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân... đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan củng cố, kiện toàn bộ máy để tăng cường tính công khai, minh bạch, hoạt động đúng đắn, chấp hành nghiêm pháp luật, có hiệu quả và giảm thiểu những sơ hở, thiếu sót để tham nhũng phát sinh. Chính phủ, Thủ tướng Chính đã nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Luật PCTN, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung dẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế PCTN; qua đó đã góp phần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện pháp luật về PCTN.

Tuy nhiên, công tác hoàn thiện thể chế trên một số lĩnh vực vẫn còn chậm; quy định chưa đồng bộ, còn chồng chéo, sơ hở để có thể lợi dụng tham nhũng, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế. Một trong những nguyên nhân quan trọng của thực trạng trên là việc đánh giá tác động của văn bản đối với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế - xã hội còn hạn chế; tình trạng dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, chưa thấy hết khó khăn của người dân, doanh nghiệp đã dẫn đến một số quy định không phù hợp với thực tiễn, không khả thi, gây khó khăn cho người dân. Điều đáng lưu ý là cơ chế xin- cho vẫn còn nặng nề, trong khi đó hoạt động của bộ máy nhà nước ở một số khâu chưa công khai, minh bạch; năng lực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức làm công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; có bộ phận vẫn chưa khách quan, chậm đổi mới; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn yếu đã làm hạn chế hiệu quả công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

b) Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được chú trọng và tăng cường hơn, bước đầu nhận được sự đồng tình của nhân dân11. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra cũng sát sao, quyết liệt hơn, số lượng tài sản bị thất thoát được thu hồi mặc dù tỷ lệ vẫn còn thấp nhưng đã tăng đáng kể trong các năm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, số vụ tham nhũng được phát hiện vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Công tác tự kiểm tra, thanh tra trong nội bộ cơ quan nhà nước, kể cả ở Trung ương và địa phương còn yếu kém, hầu như không phát hiện hoặc phát hiện được rất ít tham nhũng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện nhiều sai phạm, nhưng chủ yếu là dừng lại ở kiến nghị thu hồi, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân hoặc xử lý kỷ luật hành chính mà rất ít vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý hình sự.

c) Về nội dung cơ quan Thanh tra phối hợp với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong đấu tranh PCTN; việc chuyển những vụ, việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan có trách nhiệm để thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực; tuy nhiên, công tác phát hiện tội phạm về tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Số vụ tham nhũng phát hiện được còn ít, một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng chưa được phát hiện kịp thời, hoặc phát hiện được nhưng không chuyển, giữ lại xử lý nội bộ hoặc chậm chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành việc điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật12.

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về sự hạn chế về năng lực của đội ngũ Thanh tra viên cũng như trong công tác phối hợp giữa cơ quan Thanh tra với các cơ quan tiến hành tố tụng. Một số vụ việc, vụ án dấu hiệu tham nhũng đã rõ nhưng thanh tra không phát hiện ra hoặc chưa có sự phối hợp tốt giữa cơ quan Thanh tra với cơ quan tiến hành tố tụng (như việc chuyển giao vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sang Cơ quan điều tra để xem xét khởi tố hình sự) hoặc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (như nhận định, đánh giá chứng cứ, tội danh, quan điểm xử lý vụ án, vụ việc...) dẫn đến việc xử lý một số vụ việc, vụ án thiếu kiên quyết, còn để kéo dài.

Công tác phối hợp giữa cơ quan Thanh tra với các cơ quan tiến hành tố tụng là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 75/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội, tuy nhiên công tác này chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ để đánh giá, phân tích làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục.



d) Về nội dung bảo đảm sự công tâm, khách quan, chính xác, đúng pháp luật trong quá trình xem xét, ra quyết định, kết luận của Thanh tra; có kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm xử lý đến cùng kết luận của cơ quan thanh tra

Thời gian vừa qua, công tác thanh tra chỉ mới chú trọng khâu phát hiện, kiến nghị, xử lý sai phạm, việc bảo đảm thực thi kết luận thanh tra chưa được quan tâm đôn đốc thường xuyên để thực hiện. Qua công tác giám sát, khảo sát của Ủy ban tư pháp cho thấy hiệu quả của việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra còn thấp, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản thất thoát thấp so với các kiến nghị trong các kết luận thanh tra. Việc thực hiện các kiến nghị khác trong các kết luận thanh tra cũng chiếm tỷ lệ không cao.

Nguyên nhân của thực trạng trên do việc còn có những hạn chế trong việc xác định nội dung, đối tượng, phạm vi thanh tra; việc đôn đốc, theo dõi xử lý sau thanh tra vẫn là khâu yếu; chất lượng một số kết luận, kiến nghị thanh tra chưa sát với thực tế, nhất là những kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách và thu hồi tiền, tài sản thất thoát. Chưa có biện pháp xử lý nghiêm, triệt để việc đối tượng bị thanh tra cố tình né tránh, chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra.

Về việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm xử lý đến cùng kết luận của cơ quan thanh tra. Ngày 27/3/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/NĐ-CP quy định chi tiết việc thực hiện kết luận thanh tra, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng cơ quan ban hành; trách nhiệm của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ trách nhiệm của đối tượng bị thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh các kết luận thanh tra; các sai phạm được xác định cụ thể, rõ ràng trong kết luận thanh tra phải được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh; kiến nghị, yêu cầu trong kết luận thanh tra phải được giải quyết.



III. KIẾN NGHỊ

1. Trong lĩnh vực tư pháp

- Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC cần tiếp tục quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tiếp tục phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, năm sau chuyển biến tốt hơn năm trước.

- Tiếp tục quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức; khẩn trương tuyển dụng đủ biên chế được giao và phân bổ biên chế hợp lý cho các đơn vị, địa phương; tổ chức tốt việc thi tuyển để tuyển chọn những người giữ chức danh tư pháp; tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh cán bộ có sai phạm, tiêu cực, thoái hóa, biến chất; đổi mới công tác giáo dục chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tập huấn nghiệp vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh.

- Khẩn trương triển khai thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự sắp được ban hành; có lộ trình cụ thể của việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về tổ chức; các bước củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, trình độ.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác trong lĩnh vực tư pháp được Quốc hội sắp xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

2. Trong lĩnh vực PCTN

- Chính phủ khẩn trương tiến hành tổng kết toàn diện việc thực hiện Luật PCTN làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung.

- Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có kế hoạch và sớm triển khai việc tổng kết về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng; có biện pháp thích hợp khắc phục ngay các yếu kém, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, nhất là hiệu quả trong công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

- Các biện pháp phòng chống cần bảo đảm đồng bộ giữa pháp luật về PCTN với các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự… để phát huy hiệu quả, bảo đảm tính đồng bộ, nghiêm minh.

- Triển khai xây dựng kế hoạch đề án kiểm soát tài sản của mọi người trong toàn xã hội, trong đó có công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn. Đây là công việc rất lớn, cần phải làm ngay từ bây giờ thì mới góp phần quan trọng vào công tác PCTN.
Trên đây là báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 trong lĩnh vực tư pháp, Ủy ban tư pháp xin trân trọng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội./.


Nơi nhận:

- Như trên;

- Đ/c Chủ tịch Quốc hội (để báo cáo);

- Các Đ/c PCTQH Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn (để báo cáo);

- Văn phòng Quốc hội (để tổng hợp);

- Lưu: HC, TP.



- E-pas: 56928

TM. ỦY BAN TƯ PHÁP

CHỦ NHIỆM

(đã ký)

Nguyễn Văn Hiện




1 Đã phát hiện xử lý 37.443 vụ, 36.682 đối tượng phạm tội kinh tế; 1.145 vụ, 1930 đối tượng phạm tội tham nhũng; bắt giữ 50.009 vụ, 76.894 đối tượng phạm tội ma túy, thu giữ 2.263,21kg heroin, 782,874 kg ma túy tổng hợp, 1.337.053 viên ma túy tổng hợp

2 Có những nội dung cũng chính là những chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về “Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013” yêu cầu đối với VKSND.

3 Trong 3 năm, ngành Kiểm sát đã kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tại 1.493 Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (năm 2012: 396 cuộc; năm 2013: 428 cuộc; năm 2014: 669 cuộc); đã phát hiện 8.715 trường hợp vi phạm (45 trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, 1.017 trường hợp giải quyết không đúng, không đầy đủ, 7.063 trường hợp vi phạm thời hạn giải quyết), ban hành 2.419 yêu cầu, kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm.

4 Trong ba năm, Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát trực tiếp nhà tạm giữ, trại tạm giam 15.913 cuộc; không phê chuẩn 313 trường hợp bắt khẩn cấp; hủy quyết định tạm giữ, không phê chuẩn gia hạn tạm giữ 758 người; hủy quyết định tạm giữ, yêu cầu trả tự do cho 385 người; ban hành 4.111 kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm.

5 Năm 2012: 3,94%; năm 2013: 3,38%; năm 2014: 1,7%.

6 2 năm sau khi có Nghị quyết số 37/2012/QH13 thì số vụ Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố tăng 38,9%, số vụ Viện kiểm sát hủy quyết định khởi tố tăng 43,4%.

7 Chỉ tiêu truy tố đúng thời hạn là trên 90% thì năm 2013 đạt 99,3%, năm 2014 đạt 99,9%; chỉ tiêu truy tố đúng tội danh là trên 95% thì năm 2013 đạt 99,72%, năm 2014 đạt 99,76%.

8 Chỉ tiêu kháng nghị được Tòa án chấp nhận là trên 70%, trong đó: năm 2012, tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm về hình sự đạt 70%, về dân sự đạt 85,9%; kháng nghị đốc thẩm, tái thẩm về hình sự đạt 84,4%, về dân sự đạt 83,2%; năm 2013: tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm về hình sự đạt 76,3%, về dân sự đạt 72,3%; kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự đạt 93,6%, về dân sự 88%; năm 2014: tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm về hình sự đạt 73%, về dân sự 86,3%; kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự 90%, về dân sự 85,6%.

9 Bản án số 95/DSPT ngày 23/12/1999 của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu; Bản án số 144/2012/DSST ngày 18/7/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; Bản án số 64/2010/DSPT ngày 27/5/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai.

10 TANDTC vẫn chưa ban hành được đầy đủ các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật như chưa chủ trì phối hợp ban hành được Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”,“số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “đất có diện tích lớn, rất lớn, đặc biệt lớn” trong các tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng của Bộ luật hình sự; hướng dẫn áp dụng các điều 139, 140 và 163 của Bộ luật hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và “Tội cho vay lãi nặng”.

11 Năm 2014, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại công dân 854 tỷ đồng, 81 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 594 người.


12 Theo báo cáo, trong năm 2014, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, xử lý kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân… nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc.




Каталог: userfiles -> files -> VanBanTaiLieuQH -> KY%20HOP%20THU%2010
KY%20HOP%20THU%2010 -> PHỤ LỤC 1 danh mục văn bản chỉ ĐẠo về CẤp giấy chứng nhận quyền sử DỤng đẤT
KY%20HOP%20THU%2010 -> ChuyểN ĐỔi thế giới của chúng ta: chưƠng trình nghị SỰ 2030 VÌ SỰ phát triển bền vững mở đầu
KY%20HOP%20THU%2010 -> QUỐc hội khóa XIII ủy ban văn hóA, giáo dụC
KY%20HOP%20THU%2010 -> BẢng tổng hợP Ý kiến góP Ý CỦa doanh nghiệP
KY%20HOP%20THU%2010 -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Số: 603/bc- cp hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2015 BÁo cáO
KY%20HOP%20THU%2010 -> Phụ lục TỔng hợp tình hình tiếp nhận và trả LỜi chất vấn củA ĐẠi biểu quốc hộI
KY%20HOP%20THU%2010 -> BÁo cáo tổng kếT 10 NĂm thi hành luật dưỢC

tải về 141.81 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương