Ủy ban nhân dân tỉnh thái bình cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 0.94 Mb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.94 Mb.
#29351
  1   2   3   4   5   6   7

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH THÁI BÌNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP VĂN HÓA

THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH THÁI BÌNH

GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND

ngày tháng năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình)



MỞ ĐẦU
Những năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn kiện định hướng cho việc xây dựng, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, đã được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đều có những định hướng, chỉ đạo cho phát triển văn hoá, thể thao và du lịch. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII xác định “phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá- xã hội hài hòa với phát triển kinh tế”, “phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh khai thác những điều kiện, lợi thế về cảnh quan, sinh thái, các giá trị văn hóa và làng nghề truyền thống”. Những chủ trương, đường lối của Đảng chứa đựng những nội dung có tầm quan trọng đặc biệt, vừa giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa có tính định hướng chiến lược lâu dài về xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch của nước ta.

Xây dựng “Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020” nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương của Tỉnh uỷ về phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu; là cơ sở hoạch định kế hoạch để từng bước thực hiện xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ gìn và nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về nguồn nhân lực, về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Văn hóa, thể thao và du lịch là một phạm vi hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực được thống nhất quản lý ở một cơ quan nhà nước. Vì vậy, Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch được xây dựng trong tổng thể Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình; mỗi lĩnh vực như những thành tố quan trọng, có mối liên kết chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Trong đó, văn hóa giữ vai trò là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững; thể dục, thể thao đóng vai trò chủ đạo đối với sự nghiệp bảo vệ, nâng cao sức khỏe, tạo dựng nhân cách và lối sống lành mạnh của các thế hệ người Việt Nam; phát triển du lịch là phát triển kinh tế để tạo điều kiện cho văn hóa, thể thao phát triển tạo nên sức mạnh tổng hợp hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Xuất phát từ những đòi hỏi của sự phát triển đất nước thời kỳ đổi mới với mục tiêu “tạo nền tảng đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 ở các lĩnh vực văn hóa, thể thao được trình bày là một nhiệm vụ phát triển sự nghiệp, lĩnh vực du lịch được trình bày là nhiệm vụ phát triển kinh tế, với những nội dung chủ yếu sau:



  1. Lĩnh vực văn hóa:

- Tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa;

- Di sản văn hóa (di sản văn hóa vật thể, phi vật thể);

- Thư viện;

- Điện ảnh;

- Nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp;

- Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm;

- Văn hóa cơ sở;

- Xây dựng thể chế và thiết chế văn hóa.

2. Lĩnh vực thể dục, thể thao:

- Thể dục, thể thao cho mọi người: thể dục, thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang.

- Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp: các môn thể thao truyền thống mũi nhọn tham gia chương trình thi đấu trong nước và quốc tế; hệ thống đào tạo tài năng thể thao.

3. Lĩnh vực du lịch:

- Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch;

- Công tác xúc tiến quảng bá du lịch;

- Tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch.
Phần thứ nhất

PHÂN TÍCH ĐẶC ĐIỂM CÁC YẾU TỐ TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI

TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, THỂ THAO

VÀ DU LỊCH TỈNH THÁI BÌNH
1. Điều kiện tự nhiên

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc vùng châu thổ Đồng bằng sông Hồng có diện tích 1.546,54 km2, phía Tây bắc giáp tỉnh Hưng Yên, Tây nam giáp các tỉnh Nam Định, Hà Nam, phía Bắc giáp tỉnh Hải Dương, Đông Bắc giáp thành phố Hải Phòng.

Khí hậu Thái Bình về cơ bản là khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình 23- 240C. Lượng mưa trung bình 1.400 - 1.800 mm/năm. Độ ẩm trung bình 85- 90 %. Do ảnh hưởng của khí hậu biển nên thời tiết ở Thái Bình vẫn ấm hơn về mùa đông và mát hơn về mùa hè so với những tỉnh nằm sâu trong đất liền. Nhìn chung điều kiện khí hậu có nhiều thuận lợi cho sản xuất và thích hợp với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu, mực nước biển được dự báo sẽ tăng 33 cm vào năm 2030 và tăng 1m vào năm 2100 (theo kịch bản dự báo của Ngân hàng Thế giới) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch.

Thái Bình được bao bọc bởi một bên là biển, ba bề là sông (phía Tây và Nam giáp sông Hồng, phía Bắc và Tây Bắc giáp sông Luộc, phía Bắc và Đông Bắc giáp sông Hóa, phía Đông giáp biển Đông), 5 cửa sông lớn (Ba Lạt, Lân, Trà Lý, Diêm Điền, Thái Bình), trên 50km bờ biển với nhiều bãi ngang rộng có các cồn nổi như cồn Vành, cồn Thủ, cồn Đen, bên trong có hệ thống sông ngòi dày đặc không chỉ thuận lợi cho phát triển kinh tế nông-ngư nghiệp, hướng ra khai thác tổng hợp nguồn lợi biển, mà còn tạo điều kiện cho phát triển du lịch trên sông, du lịch sinh thái.

Ngoài nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm của Thái Bình cũng khá dồi dào. Thái Bình còn có nguồn nước khoáng thiên nhiên rất phong phú ở huyện Tiền Hải với trữ lượng lớn. Sản phẩm nước khoáng Thái Bình có mặt trên toàn quốc, mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách tỉnh đồng thời cũng là tiềm năng góp phần phát triển du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng.

Với diện tích đất nông nghiệp là 108.137,77 ha (chiếm 69,92% tổng diện tích đất của tỉnh), địa hình tương đối bằng phẳng, không có đồi núi, độ dốc nhỏ hơn 1% (trên 1km), cao trình biến thiên phổ biến từ 1- 2m so với mặt nước biển, đất đai mầu mỡ được hình thành từ phù sa do các sông bồi đắp, thích hợp cho việc phát triển các loại cây thực phẩm, cây công nghiệp và các loại cây ăn quả, đặc biệt phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm lấy tơ, các loài hoa, trồng cấy các giống lúa đặc chủng truyền thống. Hiện tại và trong tương lai với đà phát triển kinh tế nói chung và kinh tế của tỉnh nói riêng, nhu cầu chất lượng sống được nâng cao, xu hướng người dân sẽ chú ý hơn tới vấn đề sức khoẻ, tới ẩm thực, nghỉ dưỡng, thăm quan. Nếu tổ chức, khai thác tốt thì nghề trồng lúa nước truyền thống, trồng rau sạch, hoa, quả, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải chẳng những đem lại nguồn lợi kinh tế lớn mà còn làm đa dạng, phong phú hơn các sản phẩm du lịch, tạo cho ngành du lịch Thái Bình có sản phẩm độc đáo hấp dẫn thu hút khách du lịch bốn phương.

Từ những đặc điểm trên, cần có biện pháp cụ thể trong việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất đang sử dụng vào nông nghiệp nhưng có hiệu quả thấp sang công nghiệp và dịch vụ-du lịch sao cho phù hợp tạo ra một cơ cấu vững bền thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

2. Dân số và nguồn nhân lực:

Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Thái Bình có 1.781.842 người; mật độ dân số 1.152 người/km2, là tỉnh có mật độ dân số cao xếp thứ 6 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dân số nông thôn chiếm 90,1%, dân số thành thị chiếm 9,9%, là một trong 4 tỉnh có tỷ lệ dân số thành thị thấp (dưới 10%).

Toàn tỉnh có 40 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 99,87%, 39 dân tộc thiểu số chiếm số lượng rất nhỏ là 0,13%. Có 8,44% dân số theo đạo, trong đó theo đạo Phật chiếm 2,89%, Công giáo chiếm 5,53%, Tin lành 0,19% dân số. Điều này tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sinh hoạt văn hoá ở địa phương.

Trong 10 năm (1999-2009) dân số Thái Bình luôn giữ vững ở mức sinh thay thế và có nhiều năm đạt dưới mức sinh thay thế. Tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ nhất định phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên. Trong giai đoạn 2005-2010, hàng năm tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên chiếm từ 10-16 % số phụ nữ sinh con, điển hình là hai huyện Tiền Hải và Kiến Xương (ở hai huyện này có tỷ lệ người dân theo đạo Công giáo cao). Việc sinh con thứ 3 trở lên ảnh hưởng đến việc xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hoá”.

Từ số liệu tổng điều tra ngày 01/4/2009 cho thấy cơ cấu dân số của tỉnh đang ở thời cơ cấu dân số “vàng”. Tỷ trọng số người từ 15-64 tuổi là 67,57%, số người từ 0-14 tuổi là 21,68%, số người từ 65 tuổi trở lên là 10,75%. Điều này tạo ra lợi thế về nhân lực nhưng cũng là một thách thức đối với công tác giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm.

Số người trong độ tuổi lao động là 1,1 triệu người chiếm 61,57% tổng số dân trong toàn tỉnh. Lao động trong ngành nông, lâm và thuỷ sản chiếm tỷ trọng lớn, 63,29%, lao động trong công nghiệp và xây dựng chiếm 21,55%, lao động trong dịch vụ rất ít, chiếm khoảng 15,15% (trong đó lao động tham gia lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống là 0,88%, lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi giải trí là 0,11%). Số người lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm 14,6% tổng số lực lượng lao động, còn lại 85,4% lực lượng lao động chưa được đào tạo để đạt một trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định. Điều đó chứng tỏ hiện tại nguồn lực lao động của Thái Bình đang tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn. Mặt khác lực lượng lao động có trình độ khoa học, kỹ thuật cao đã qua đào tạo thiếu nhiều, đặc biệt đội ngũ cán bộ có chuyên môn giỏi công tác ở các ngành trong tỉnh rất ít, nhất là trong lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Như vậy, nếu phát triển mạnh các ngành dịch vụ, du lịch sẽ có tác động tích cực chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động và có thể khai thác nguồn lao động dồi dào ở khu vực nông thôn. Muốn thực hiện mục tiêu trên thì ngay bây giờ cần phải tiến hành chiến lược đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển.

3. Đô thị hoá và di cư

Thái Bình có 7 huyện và một thành phố; Khu vực thành thị với 10 phường và 9 thị trấn, số dân 175.000 người chiếm 9,9% dân số toàn tỉnh. Nhìn chung mức độ đô thị hoá của Thái Bình còn thấp. Song trong những năm gần đây, mạng lưới các cụm, khu công nghiệp đang được xây dựng, phát triển. Đã có 19 cụm công nghiệp và 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.717 ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá đạt 34%; xây dựng 4 đô thị trung tâm vùng cấp tỉnh lên đô thị loại IV, gồm: thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy), khu du lịch Đồng Châu (huyện Tiền Hải), thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà), thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ); quy hoạch đô thị trung tâm cấp huyện.

Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá cùng với lực lượng lao động dồi dào sẽ làm tăng mức độ di động dân số (di cư). Di cư bao gồm: di cư trong nội bộ tỉnh và di cư ngoại tỉnh. Trong tỉnh chủ yếu di cư từ khu vực nông thôn ra thành thị để học tập và tìm việc làm, số người này đa phần trong độ tuổi lao động. Trong 10 năm 1999-2009 có khoảng 22.932 người di cư từ nông thôn ra thành thị. Trong thời gian tới mức độ di cư sẽ sẽ tăng nhanh theo quá trình đô thị hoá. Thái Bình là tỉnh có mật độ dân số cao, đất canh tác khu vực nông thôn ít, ngành công nghiệp phát triển chậm chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm của người lao động, nên số lượng người di cư ra tỉnh ngoài nhiều hơn số người nhập cư. Đây là nguyên nhân chính làm cho dân số của Thái Bình trong 10 năm qua giảm đi.

Quá trình đô thị hoá và di cư sẽ đặt ra vấn đề cho phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch là: phải chú trọng xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường văn hoá khu công nghiệp; xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao và du lịch hiện đại ở các khu đô thị, khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của cư dân đô thị, phòng chống những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.



4. Hiện trạng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội

a) Hệ thống giao thông:



Mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Thái Bình với tổng chiều dài 7.562 km. Đường quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp III, cấp V đường đồng bằng; đường tỉnh đạt cấp III, cấp IV và cấp V đường đồng bằng; đường huyện, xã, thôn đều được cứng hoá bằng đá nhựa, bê tông xi măng, cấp phối đá dăm hoặc xây gạch. Các dự án lớn về giao thông đang được triển khai xây dựng như xây dựng cầu Hiệp, mở rộng quốc lộ 10 đoạn Tân Đệ - La Uyên, nâng cấp quốc lộ 39, mở rộng tỉnh lộ 39B. Ngoài ra đã được Chính phủ chấp thuận cho triển khai một số tuyến đường huyết mạch quan trọng như: cầu Thái Hà, đường Thái Bình- Hà Nam nối đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình, đường vành đai phía nam thành phố Thái Bình.

Hệ thống giao thông đường thủy Thái Bình bao gồm đường sông và đường biển. Thái Bình có mật độ lưới đường sông cao (0,33 km/km2), có 4 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, sông Hóa với tổng chiều dài 262 km, 12 con sông nhỏ do do tỉnh quản lý với tổng chiều dài 236 km. Có cảng thành phố Thái Bình trên sông Trà lý là cảng hàng hoá và hành khách với loại tàu thuyền khoảng 300 tấn ra vào được. Đường biển Thái Bình dài 53 km có 5 cửa sông, trong đó cửa Diêm Điền đã được xây dựng thành bến cảng, cho phép tàu có trọng tải 600 tấn ra vào.

Với hệ thống giao thông Thái Bình đang có, đặc biệt là với các cửa sông, cảng biển nếu đầu tư xây dựng, khai thác tốt sẽ tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh thông thương, giao lưu hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

b) Mạng lưới thông tin liên lạc:

Hạ tầng viễn thông phát triển mạnh. Số trạm thu phát sóng di động, trạm chuyển mạch, điểm truy nhập tăng nhanh. Số thuê bao điện thoại, thuê bao internet tăng trưởng cao. Các lĩnh vực truyền dẫn phát sóng và tần số vô tuyến điện tăng về số lượng và chất lượng, chuyển biến theo hướng đa dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật cao, thiết bị, công nghệ tiên tiến. Năm 2010, toàn tỉnh có 755 trạm BTS, 88 trạm chuyển mạch, 82 điểm truy nhập, 240 trạm 3G; số thuê bao internet đạt 23.620 thuê bao; số thuê bao điện thoại đạt 1,1 triệu máy, mật độ điện thoại cố định năm 2010 đạt 61 máy/100 dân.

Mạng lưới thông tin liên lạc, đặc biệt là intertnet phát triển đáp ứng nhu cầu về tìm hiểu, trao đổi, khai thác thông tin trong, ngoài tỉnh và quốc tế phục vụ cho cá nhân và công tác quản lý điều hành của các cơ quan, tổ chức. Song bên cạnh đó cũng đặt ra vấn đề quản lý để hạn chế những mặt trái của hoạt động internet tác động tiêu cực đến đời sống văn hoá và chính trị.

c) Hệ thống lưới điện:

Thái Bình là tỉnh có mạng lưới điện phát triển tương đối hoàn chỉnh theo quy hoạch nằm trong hệ thống điện miền Bắc. Mật độ lưới điện Thái Bình lớn nhất toàn quốc, bình quân mỗi xã có 3- 4 trạm biến áp, 15-20 km đường dây trục chính và đường phân nhánh. Hiện tại toàn tỉnh có 100% số xã, phường, thị trấn có điện, 99,9% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2006-2010 bình quân đạt 23,7%/năm.

Điện là yếu tố cơ bản, thiết yếu để phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo cho hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch. Hệ thống lưới điện của Thái Bình đã và đang được đầu tư phát triển, từng bước đảm bảo, đáp ứng nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

d) Hiện trạng phát triển kinh tế:

Vốn là tỉnh nông nghiệp, song những năm qua cơ cấu kinh tế Thái Bình đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức khá cao (hai con số). Tổng sản phẩm GDP năm 2010 ước đạt 11.420 tỷ đồng (giá cố định 1994), gấp 1,76 lần năm 2005. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2006-2010 đạt 12,05 %.

Cơ cấu kinh tế (GDP-theo giá hiện hành) có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP giảm từ 41,8% năm 2005 xuống còn 33 % năm 2010; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 24,05% lên 33,0%; tỷ trọng ngành dịch vụ giảm từ 34,15% xuống còn 34%. Bình quân GDP đầu người (tính theo giá hiện hành) tăng khá nhanh, từ 6,09 triệu đồng (386 USD)/người năm 2005 lên 12,6 triệu đồng (850 USD)/người năm 2010.

Tuy nhiên, thực tại Thái Bình vẫn còn là một tỉnh nghèo, mức thu nhập GDP bình quân đầu người là chỉ bằng khoảng 83% so với mức trung bình của cả nước. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm. Nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng khá cao và chưa chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá. Quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ; chất lượng các hoạt động dịch vụ chưa cao. Vì vậy, để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thái Bình gặp không ít khó khăn, phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và thương mại.

Mục tiêu phát triển kinh tế của Thái Bình đến năm 2020 là: phát triển nền kinh tế của tỉnh với tốc độ nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung, hiệu quả cao và phát triển bền vững; tập trung phát triển công nghiệp với nhịp độ tăng trưởng cao, mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ.

Khi kinh tế phát triển, mức sống của người dân được nâng cao, cũng đặt ra nhu cầu về hưởng thụ văn hoá, tham gia các hoạt động thể thao, du lịch nhiều hơn, cao hơn. Với cơ chế chính sách thích hợp, công tác xã hội hoá sẽ phát huy huy hiệu quả mạnh mẽ, huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch.

e) Giáo dục- Đào tạo:



Quy mô giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Đã củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học, trung học cơ sở; cơ bản hoàn thành phổ cập trình độ trung học cho thanh niên. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng đứng tốp đầu toàn quốc. Cơ sở vật chất giáo dục và đào tạo được tăng cường theo hướng chuẩn hoá; toàn tỉnh hiện có 562/903 (62,2%) trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; cơ sở vật chất, thiết bị của một số trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp được xây dựng mới và nâng cấp. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ; đội ngũ giáo viên cơ bản đạt chuẩn, 37,5 % đạt trên chuẩn; tỷ lệ học sinh đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 98,7%, tỷ lệ phổ cập trung học cơ sở đạt 99,9%.

Sự nghiệp giáo dục phát triển góp phần quan trọng nâng cao dân trí, cũng như nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí và vai trò của văn hoá, làm tăng nhu cầu của xã hội về tiêu dùng và hưởng thụ văn hoá.

g) Y tế:

Hệ thống tổ chức, cơ sở vật chất ngành y tế từng bước được củng cố, phát triển. Chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến y tế được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Toàn tỉnh hiện có 9 bệnh viện tuyến tỉnh, 8 bệnh viện và 5 phân viện tuyến huyện, 100 % xã, phường, thị trấn có trạm y tế, trong đó có 76,2% đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, 100 % số thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế; 2 bệnh viện đa khoa và 142 phòng khám ngoài công lập; tỷ lệ bác sỹ, dược sỹ, giường bệnh trên số dân tăng lên, đạt 15,8 giường bệnh/vạn dân, 5,9 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng từng bước được giảm dần, năm 2010 là 18 %, giảm 7% so với năm 2005.

Sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân được cải thiện sẽ góp phần nâng cao thể trạng của người dân, tạo tiền đề cho phát triển hoạt động thể dục thể thao, văn hoá, đặc biệt là trong thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao.



5. Truyền thống lịch sử - văn hoá:

Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống lịch sử và văn hoá. Do điều kiện tự nhiên và xã hội chi phối: là vùng đất ở nơi đầu sóng, ngọn gió, ba mặt sông, một mặt biển, trong suốt chiều dài lịch sử, cư dân Thái Bình phải thường xuyên chống chọi với thiên tai, địch hoạ, đã hình thành, hun đúc nên truyền thống bất khuất, cần cù, thông minh, sáng tạo của người dân Thái Bình trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Truyền thống hiếu học, đỗ đạt khoa bảng cũng là nét nổi bật trong văn hoá Thái Bình. Đó là những nhân tố tích cực tích cực tạo tiền đề để xây dựng phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn tiếp theo.

Là vùng đất hình thành muộn trong đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai màu mỡ do sự bồi đắp phù sa của những con sông lớn như sông Hồng, sông Luộc, sông Hoá, sông Trà Lý... thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, nên tự thuở sơ khai (cách đây khoảng 3000-2000 năm) đến thế kỷ XVIII Thái Bình là nơi hội tụ của nhiều luồng cư dân. Họ từ nhiều vùng miền về đây sinh sống, khai phá đất đai, lập làng, lấy việc trồng lúa nước làm phương thức sống chủ yếu và mang theo những phong tục, tập quán, những sinh hoạt văn hoá. Tuy nhiên, hầu như trong mọi thời kỳ lịch sử, cư dân Thái Bình có số lượng người Kinh là chủ yếu, chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối. Vì thế sắc thái văn hoá Thái Bình khá phong phú, song cũng gần gũi, tương đồng với nhau và mang những nét đặc trưng tiêu biểu của văn hoá-văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt (Kinh).

Về di sản văn hoá vật thể, toàn tỉnh hiện có gần 2.200 di tích, trong đó có 104 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, 438 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Tiêu biểu có Chùa Keo; Khu di tích Nhà Trần; Đình An Cố; Đền Đồng Xâm; Từ đường Lê Quý Đôn; Đền Tiên La; Chùa Hội, đền Thượng; Đền Đồng Bằng; Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đình, đền, bến tượng A Sào...

Về di sản văn hoá phi vật thể có: loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, tiêu biểu là nghệ thuật Chèo, múa Rối nước, nghi lễ Chầu văn; trên 400 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội lớn như lễ hội chùa Keo, lễ hội đền Trần, lễ hội đền Đồng Bằng, đền Tiên La, lễ hội làng Quang Lang, lễ hội làng La Vân...; hàng chục làng nghề truyền thống như: chạm bạc Đồng Xâm, dệt Phương La, đũi Nam Cao, chiếu Hới, làng vườn Bách Thuận; văn hoá ẩm thực hết sức phong phú và dồi dào, giá cả hợp lý như bánh cáy, canh cá, gỏi nhệch, gỏi cá…

Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khoá VIII) của Đảng về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, ở Thái Bình, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo; nhiều loại hình văn nghệ, lễ hội dân gian được phục hồi, bảo lưu; nhiều làng nghề truyền thống được gìn giữ, phát triển. Qua đó không chỉ góp phần gìn giữ phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch. Đối với phát triển làng nghề còn tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển .



6. Đánh giá chung

a) Thuận lợi:

Với vị trí nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía Tây Bắc, cách thành phố Hải Phòng 70 km về phía Đông Bắc, Thái Bình là địa bàn chịu tác động lớn của quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong vùng. Trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia, Thái Bình nằm trong không gian trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận thuộc vùng du lịch Bắc Bộ.

Nền kinh tế của tỉnh trong những năm qua phát triển tương đối ổn định; giáo dục- đào tạo được đẩy mạnh; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tăng cường; an ninh, quốc phòng được giữ vững; lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trẻ dồi dào; cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm) từng bước được đầu tư xây dựng hiện đại, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy tương đối thuận tiện....Đó là những yếu tố tạo tiền đề cho phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch của Thái Bình.

Thái Bình có bề dày truyền thống lịch sử- văn hoá. Vốn văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu cho vùng Đồng bằng sông Hồng với nhiều di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, sinh hoạt văn hoá dân gian phong phú, nhiều làng nghề truyền thống độc đáo cùng với cảnh sắc sinh thái, môi trường của một vùng sông, biển, làng quê truyền thống xinh đẹp, trữ tình. Đó chính là những đối tượng quan trọng của du lịch để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh. Vấn đề đặt ra đối với du lịch Thái Bình là phải biến các lợi thế về tiềm năng du lịch thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn đủ sức cạnh tranh trên thị trường du lịch trong và ngoài nước.

b) Hạn chế, khó khăn:

Nằm ở vị trí trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cũng đặt ra không ít khó khăn cho Thái Bình trong cạnh tranh, nhất là cạnh tranh kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Kinh tế phát triển chưa vững chắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp còn chậm.

Thái Bình có mật độ dân số cao (xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố) tạo ra sức ép lớn về nhu cầu hưởng thụ văn hoá, xây dựng các thiết chế văn hoá- thể thao, cơ sở dịch vụ, vui chơi, giải trí.

Thái Bình nói riêng và Việt Nam nói chung với truyền thống lịch sử-văn hoá có nhiều giá trị, song bên cạnh đó cũng còn không ít những hệ quả tiêu cực từ nền văn hoá nông nghiệp và chế độ phong kiến để lại, đó là: tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; hủ tục mê tín, dị đoan, lễ nghi rườm rà; tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn in khá đậm trong nếp sống của người dân đặc biệt là người dân vùng nông thôn; lối sống tuỳ tiện, ý thức chấp hành pháp luật kém. Vấn đề này làm hạn chế đến quá trình công nghiệp nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, phát triển du lịch.



tải về 0.94 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương