Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bình số: 1021/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 105.62 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích105.62 Kb.
#2798

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Số: 1021/QĐ-UBND



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Đồng Hới, ngày 14 tháng 05 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH

V/v Phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử

tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2010 - 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Thương mại (sửa đổi) năm 2005;

Căn cứ Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/06/2006 của Chính phủ về Thương mại điện tử;

Căn cứ Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Thông tư số 09/2008/TT-BCT ngày 21/7/2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn Nghị định thương mại điện tử về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên Website thương mại điện tử;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại công văn số 145/SCT-QLTM ngày 08/4/2010,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2010 - 2015. (Có Kế hoạch kèm theo)

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ;

- Bộ Công Thương;

- Các Bộ: Thông tin & Truyền thông;

Tài chính; Kế hoạch & Đầu tư;

- Ban Thường vụ Tỉnh uỷ;

- Thường trực HĐND tỉnh;

- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;

- Như điều 2;

- Lưu VT, KTTH, SCT;



TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)

Nguyễn Đảng




Y BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


KẾ HOẠCH

Phát triển Thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình

giai đoạn 2010 - 2015

(Ban hành theo Công văn số 1021/SCT-QLTM, ngày 14/5/2010

của UBND tỉnh Quảng Bình)
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Thương mại (sửa đổi) năm 2005;

- Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

- Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006 của Chính phủ về Thương mại điện tử;

- Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet;

- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.

- Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006 – 2010;

- Quyết định số 191/2005/QĐ-TTg ngày 29/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005-2010”.

- Quyết định 58/2008/QĐ-BTTTT ngày 30/12/2008 của Bộ Thông tin &Truyền thông ban hành Quy chế báo cáo thông tin về các hoạt động chứng thực chữ ký số của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số;

- Quyết định 49/2008/QĐ-BCT ngày 29/12/2008 của Bộ Công thương Ban hành Quy chế cung cấp trực tuyến các dịch vụ công do Bộ Công Thương quản lý;

- Thông tư 09/2008/TT-BCT ngày 21/7/2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn nghị định thương mại điện tử về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử;

- Thông tư số 107/2006/TT-BTC ngày 20/11/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước;

- Chỉ thị số 14/2006/CT-BTM ngày 6/12/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ và các Sở Thương mại triển khai những hoạt động cụ thể thuộc trách nhiệm trong Quyết định 222/2005/QĐ-TTg;

- Chỉ thị số 03/2007/CT-UBND ngày 16/ 8/2007 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

- Công văn số 4223/BTM-TMĐT ngày 7/7/2006 và 4228/BTM-TMĐT ngày 17/7/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động và ngân sách triển khai Quyết định 222/2005/QĐ-TTg;
II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2010 – 2015

1. Tình hình chung

Gia nhập WTO, Việt Nam sẽ thực hiện các cam kết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thuế, bỏ bảo hộ; công khai, minh bạch; giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO..., các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường thế giới cũng như những thách thức đến từ sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh trong nước. Những doanh nghiệp kém năng động, lâu nay nhờ sự bảo hộ, ưu đãi của Nhà nước sẽ khó cạnh tranh được với các Công ty đa quốc gia, Tập đoàn lớn trên thế giới. Sự cạnh tranh đó không chỉ diễn ra trên thị trường thế giới mà còn ở ngay thị trường trong nước (từng là nơi “an toàn” do chính sách bảo hộ). Trong hoàn cảnh đó, Thương mại điện tử (TMĐT) và Chính phủ điện tử (CPĐT) trở thành yêu cầu bức bách để các doanh nghiệp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại (sửa đổi), Nghị định về Thương mại Điện tử được Chính phủ ban hành, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để các doanh nghiệp yên tâm tiến hành giao dịch TMĐT, khuyến khích TMĐT phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia, đồng thời là căn cứ pháp lý để xét xử khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động TMĐT. Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản pháp lý khác như Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, Nghị định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số... để triển khai thực hiện.

Bộ Công Thương đã thiết lập hệ thống phát triển TMĐT, xây dựng các sàn giao dịch TMĐT lớn như: edv.vn; Gophatdat.com; vnemart; vietnetcenter.com… Sàn giao dịch là cầu nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác trong và ngoài nước; là nơi cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, thị trường và các sản phẩm cũng như cung cấp các công cụ xác thực để doanh nghiệp có thể tiến hành mua bán trực tuyến. Các sàn giao dịch điện tử này được kết nối với các sàn đấu giá quốc tế và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm tăng cường thông tin về kinh doanh. Bộ Công Thương cũng đã mở Cổng TMĐT Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hoạt động TMĐT liên quan với chính sách ưu đãi từ năm 2005 đến hết 2007 cho những doanh nghiệp tham gia trong giai đoạn này. Thời gian qua, Ban quản lý cổng TMĐT quốc gia tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ tập huấn thương mại điện tử tại doanh nghiệp nhằm hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng các tiện ích, chụp hình và đăng tải sản phẩm, đồng thời, cung cấp các thông tin liên quan tới tình hình phát triển TMĐT tại Việt Nam và thế giới.



2. Sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử TMĐT tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2010 – 2015

TMĐT cho phép các bên đối tác tiến hành các thương vụ ở mọi lúc, mọi nơi một cách thuận tiện, thời gian giao dịch có thể lên tới 24 giờ mỗi ngày và cả 07 ngày trong tuần. Thông qua mạng Internet, các giao dịch điện tử được tiến hành trên phạm vi toàn cầu. TMĐT cho phép một công ty nhỏ cũng có khả năng tiếp cận thị trường, nắm bắt thông tin về giá cả, trao đổi tìm kiếm bạn hàng, thực hiện các hợp đồng mua bán… như một công ty xuyên quốc gia.

TMĐT còn có vai trò to lớn đối với hội nhập và phát triển của doanh nghiệp như: giúp tìm kiếm, mở rộng thị trường, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác và khách hàng; hạ giá thành sản phẩm bằng cách giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí từ khâu nghiên cứu, thiết kế sản phẩm đến sản xuất, quản lý, lưu thông phân phối… Mặt khác, TMĐT còn giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hoá vì thông qua TMĐT doanh nghiệp có thể nắm bắt đầy đủ, kịp thời nhu cầu của khách hàng, học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công và từ đó cải tiến mẫu mã sản phẩm, đưa ra được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

TMĐT là công cụ tốt giúp tiết kiệm các nguồn lực như: nhân lực, tài chính, văn phòng, giảm thiểu các chi phí trung gian, bán hàng, giao dịch thanh toán; thiết lập và củng cố các mối quan hệ hợp tác kinh doanh trên thương trường; đồng thời mở rộng khả năng lựa chọn hàng hóa và dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã sử dụng Internet, từng bước áp dụng các tiện ích của TMĐT và thu được những kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo về TMĐT (tháng 4/2007) của Bộ Công Thương có gần 40% doanh nghiệp có doanh thu từ TMĐT, chiếm 15% tổng doanh thu điều đó cho thấy TMĐT bước đầu đã mang đến những lợi ích cho doanh nghiệp.

Quảng Bình là tỉnh nghèo, xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước với cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh tế. Doanh nghiệp của tỉnh đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa đa phần thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu cơ sở vật chất và dịch vụ pháp lý cho việc triển khai TMĐT tại doanh nghiệp. Trở ngại lớn đối với quá trình phát triễn TMĐT ở các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Bình là thiếu hiểu biết về đặc điểm, bản chất, lợi ích ứng dụng TMĐT trong kinh doanh, bên cạnh đó thói quen thanh toán bằng tiền mặt và e ngại thanh toán trực tuyến bởi tâm lý sợ sơ suất trong quá trình giao dịch hoặc bị trộm mật mã; một số doanh nghiệp lo ngại các đối thủ cạnh tranh sao chép mẫu mã… Do vậy, việc tiếp cận, xây dựng và áp dụng mô hình về TMĐT là rất cần thiết, giúp cho các cấp, các ngành cũng như chính bản thân các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong điều hành và thực thi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch phát triển kinh doanh sản xuất, từng bước hội nhập vững chắc với TMĐT trong nước, khu vực và thế giới.

III. THỰC TRẠNG VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH

Xác định được tầm quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT) và TMĐT trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2007-2010; triển khai thực hiện chi tiết về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2008 và chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh. Hàng năm tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hệ thống CNTT và TMĐT, tổ chức các lớp tập huấn về việc ứng dụng CNTT trong kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nắm bắt và cập nhật thông tin thị trường, tìm kiếm bạn hàng qua mạng… Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ ứng dụng CNTT, TMĐT trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã ngày càng phát triển và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho công tác quản lý nhà nước ở các cơ quan, đơn vị HCNN, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.



Năm 2008 số lượng máy tính trong các cơ quan quản lý nhà nước là 12.000 máy, có 12 cơ quan, đơn vị có Website riêng (chiếm khoảng 25%) và có khoảng 95% cán bộ, công chức biết sử dụng máy tính trong công việc. Thuê bao Internet (account) là 12.182 thuê bao, đạt mật độ 1.42 thuê bao/100 dân. Tổng số hộ gia đình có máy tính là 60.225 hộ chiếm khoảng 29,84% tổng số hộ gia đình trên toàn tỉnh. Với 1.601 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực CNTT thì có khoảng 1.480 doanh nghiệp có kết nối mạng Internet bằng băng thông rộng chiếm khoảng 92,4% và 20 doanh nghiệp có Website riêng.

Tính đến hết năm 2009, địa bàn toàn tỉnh có trên 150 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, cung cấp thiết bị tin học, thiết bị văn phòng. Hầu hết các doanh nghiệp này đều hoạt động ở dạng công ty TNHH, có quy mô vừa và nhỏ chủ yếu là kinh doanh mua bán thiết bị CNTT, tập trung chủ yếu ở Thành phố Đồng Hới, ở các huyện số lượng doanh nghiệp CNTT còn ít.

Hoạt động của các doanh nghiệp này đã phần nào cung cấp, đáp ứng nhu cầu trang cấp thiết bị tin học văn phòng cho các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh. Trong số đó, có một số doanh nghiệp lắp đặt máy tính, sản xuất gia công phần mềm ở quy mô nhỏ nhưng bước đầu đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh Quảng Bình.

Với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trình độ ứng dụng CNTT-CSDL trong cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng; tỷ trọng nông nghiệp giảm dần qua từng năm; cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội từng bước được nâng cấp, đầu tư khá đồng bộ.

Công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh và đã đem lại hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Hầu hết các cán bộ, công chức đều biết sử dụng và sử dụng thành thạo máy vi tính, trang thông tin điện tử của UBND tỉnh tại địa chỉ www.quangbinh.gov.vn đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến các chủ trương, chính sách của tỉnh cũng như các hoạt động quản lý, các dịch vụ công của các cơ quan cấp tỉnh và các địa phương trong tỉnh. Một số phần mềm được đưa vào ứng dụng tốt trong các cơ quan nhà nước như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự, quản lý tài sản công, một số các doanh nghiệp và số ít người đã làm quen và tham gia các dịch vụ như: thanh toán trực tuyến sử dụng hình thức mua hàng qua mạng thông qua giỏ hàng hoá; chuyển tải các hợp đồng kinh tế, các hình thức chào hàng thông qua các Website riêng...

Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được về phát triển CNTT và TMĐT ở tỉnh Quảng Bình, còn nhiều hạn chế, bất cập như: các phần mềm chạy trên máy đơn lẻ hoặc trên mạng nội bộ của cơ quan, chưa liên thông giữa các cơ quan HCNN với nhau; phần lớn mạng (LAN) của các cơ quan HCNN ở tỉnh có qui mô nhỏ, kết nối đơn giản, chủ yếu mới đáp ứng yêu cầu chia sẻ thông tin, dùng chung máy in, internet... mà chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các ứng dụng phục vụ trong quản lý ở cơ quan cũng như của tỉnh; thiếu vốn đầu tư, Sàn giao dịch điện tử của tỉnh chưa được xây dựng, thiết bị CNTT chủ yếu tại các cơ quan, đơn vị có được là do các nguồn mua sắm thường xuyên, trang cấp từ các ngành dọc và từ một số dự án hỗ trợ kỹ thuật… dẫn đến thiếu về số lượng, không đồng bộ về chất lượng và chủng loại; trình độ chuyên môn về TMĐT của cán bộ, công nhân viên chức còn chưa đồng đều; nguồn nhân lực về CNTT và ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu bộ phận chuyên trách về CNTT và TMĐT; số doanh nghiệp có kết nối internet chiếm 92,4% nhưng việc ứng dụng của nó vẫn chưa có hiệu quả, hầu hết chỉ dừng lại ở mức theo dõi tin tức, đọc báo điện tử, nhận và gửi email, trao đổi thông tin qua chat; nhận thức về hiệu quả mà CNTT và TMĐT mang lại chưa được đầy đủ, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự chú trọng đến CNTT và TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả trong việc ứng dụng, sử dụng CNTT và TMĐT còn chưa cao.

Để tiếp cận, khai thác hiệu quả các lợi thế và tiện ích của CNTT và TMĐT tốt hơn cần phải có kế hoạch thống nhất, chặt chẽ về phát triển CNTT và TMĐT, coi đây là phương tiện và công cụ hữu ích cho các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và mọi người dân trong tỉnh nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý điều hành, chỉ đạo kinh doanh sản xuất và chất lượng cuộc sống, góp phần đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các hoạt động TMĐT theo các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

IV. ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2010 – 2015


1. Định hướng phát triển

1.1. Phát triển thương mại điện tử TMĐT tỉnh Quảng Bình phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển thương mại nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường cho hàng hoá, sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh nhà trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế;

1.2. Trên cơ sở các quy định pháp lý của nhà nước về phát triển TMĐT, có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân trong tỉnh ứng dụng TMĐT, cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ hoạt động TMĐT;

1.3. Phát triển, ứng dụng TMĐT của tỉnh gắn liền với việc ứng dụng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin truyền thông của tỉnh đến 2015.



2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát:

- Nâng cao nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng Thương mại điện tử trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp triển khai và lựa chon cách thức tham gia TMĐT phù hợp để hội nhập và phát triển sản xuất kinh doanh;

- Đào tạo nhân lực ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp một cách có hiệu quả;

- Góp phần tạo môi trường pháp lý và điều kiện phát triển ứng dụng CNTT và TMĐT trong doanh nghiệp;



2.2. Mục tiêu cụ thể::

* Từ năm 2010 đến năm 2012, phát triển TMĐT của tỉnh Quảng Bình cần đạt được các mục tiêu sau:

- 100% cơ quan quản lý nhà nước đều cung cấp thông tin qua Website về quy định, thủ tục cho các loại công việc liên quan đến doanh nghiệp, người dân (theo lộ trình đề án 30 của CP);

- Khoảng 25%-30% mua sắm của các cơ quan hành chính trong tỉnh được công bố trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử, trong đó 10% hợp đồng mua bán được tiến hành giao dịch qua mạng;

- Có 80% doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội thảo, các khoá đào tạo về TMĐT;

- Khoảng 20%-30% doanh nghiệp nắm được kỹ năng kinh doanh trên mạng;



* Từ năm 2013 đến năm 2015, tập trung phát triển TMĐT của tỉnh đạt được các mục tiêu sau:

- Khoảng 40%-50% mua sắm của các cơ quan hành chính trong tỉnh được công bố trên các trang tin điện tử của tỉnh và 20% được tiến hành giao dịch qua mạng;

- 40%-50% doanh nghiệp nắm được kỹ năng kinh doanh trên mạng;

- 30%-35% doanh nghiệp thực hiện trao đổi thông tin, truyền dữ liệu qua mạng trong các hoạt động Marketing, giao dịch với đối tác và khách hàng; nhận đặt hàng và ký kết hợp đồng bằng các văn bản điện tử;

- Khoảng 30% hộ gia đình sử dụng các tiện ích của TMĐT như thanh toán điện tử, đặt hàng qua mạng;

- Hỗ trợ 5%-10% doanh nghiệp xây dựng Website miễn phí (miễn phí thiết kế, hosting, tích hợp thanh toán trực truyến; doanh nghiệp chỉ chịu chi phí duy trì hàng năm với mức giá tối thiểu). Hướng tới mục tiêu xây dựng mỗi doanh nghiệp có một Website nhằm tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tham gia vào các sàn giao dịch điện tử.



V. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN TMĐT TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

Từ năm 2010 đến 2015 cần tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp sau:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền về TMĐT và những lợi ích của TMĐT:

- Phổ biến, tuyên truyền về TMĐT cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp (các Sở, ngành và các huyện, thành phố) nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước đối với TMĐT và vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương;

- Tập trung phổ biến, tuyên truyền rộng rãi về TMĐT trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp biết lợi ích của TMĐT và các điều kiện cần thiết để tham gia TMĐT;

- Tuyên truyền lợi ích của TMĐT tới mọi người dân, cộng đồng người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, cán bộ, công nhân viên chức trẻ ở thành phố và các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh, nhằm xây dựng phương thức mua sắm tiên tiến thông qua tiện ích của TMĐT;

2. Huy động mọi nguồn lực trong tỉnh cho phát triển TMĐT:

- Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực về TMĐT trên cơ sở huy động các nguồn lực của toàn xã hội, đặc biệt là nguồn huy động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực; trước hết tập trung hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng TMĐT giữa các doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của từng doanh nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống máy tính kết nối Internet, kết nối mạng nội bộ và xây dựng website của doanh nghiệp;

- Đào tạo cán bộ quản lý nhà nước làm công tác hoạch định chính sách và thực thi pháp luật về TMĐT ở cấp tỉnh, trong đó tổ chức đào tạo theo chuyên đề phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo về TMĐT;

3. Phát triển các công cụ hỗ trợ TMĐT và thực hiện giao dịch điện tử:

- Triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT của Chính phủ giai đoạn 2006 - 2010, theo đó từ năm 2010 đến năm 2015 các dịch vụ công phải đưa lên mạng, trong đó ưu tiên các dịch vụ: các thủ tục liên quan tới đầu tư và đăng ký kinh doanh, kê khai hải quan, kê khai thuế, cấp các loại giấy phép thuộc lĩnh vực công thương chuyên ngành, thủ tục giải quyết tranh chấp;

- Phát triển CNTT hỗ trợ TMĐT tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển TMĐT, tham gia cổng TMĐT quốc gia (ECVN) của Bộ Công Thương để các doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận có hiệu quả nhất với công nghệ và giải pháp tiên tiến về TMĐT.

- Khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng và tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng công nghệ mới và các loại hình dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử: Tiền điện, tiền nước, điện thoại, tiền lương...;

4. Tổ chức thực thi các quy định pháp luật liên quan tới TMĐT:

Xây dựng cơ chế, chính sách để thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng và giải quyết các tranh chấp phát sinh trong TMĐT theo quy định của pháp luật;

5. Tổ chức đoàn đi khảo sát học tập kinh nghiệm phát triển TMĐT ở một số địa phương đã áp dụng thành công về TMĐT.



VI. CÁC DỰ ÁN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TMĐT GIAI ĐOẠN 2010-2015

1. Dự án phổ biến, tuyên truyền về TMĐT cho cộng đồng doanh nghiệp;

2. Dự án phổ biến, tuyên truyền về TMĐT cho cán bộ QLNN địa phương;

3. Dự án xây dựng và đào tạo cán bộ quản lý về an toàn, an ninh mạng;

4. Dự án đào tạo kỹ năng về TMĐT cho doanh nghiệp, tổ chức chức cá nhân;

5. Dự án phổ biến, tuyên truyền về TMĐT cho người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, cán bộ, công nhân viên chức trẻ thành thị;

6. Dự án xây dựng Website Công Thương Quảng Bình;

7. Dự án thủ tục hải quan điện tử (thủ tục thông quan hàng hoá điện tử);

8. Dự án khai, nộp thuế điện tử, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng;

9. Dự án hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng website;

10. Dự án ứng dụng TMĐT trong mua sắm công;

11. Dự án mở rộng và hiện đại hoá dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử: Tiền điện, tiền nước, điện thoại, trả lương qua tài khoản.

12. Dự án về hành chính công lĩnh vực Quy hoạch, đất đai - do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì;

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian triển khai thực hiện kế hoạch

Từ năm 2010 đến năm 2015



2. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện

Kinh phí bảo đảm thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2010-2015 được lấy từ nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ (kinh phí đầu tư và xây dựng), nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp.

Khi triển khai thực hiện từng dự án của kế hoạch, thì lập kế hoạch chi tiết và dự toán cụ thể các nội dung công việc để UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở các nội dung và tổng mức kinh phí của kế hoạch phát triển TMĐT tổng thể đã được ban hành.

(Nội dung các dự án, tổng mức kinh phí và phân công đơn vị chủ trì có phụ lục đính kèm kế hoạch).

3. Phân công nhiệm vụ

3.1. Sở Công Thương: là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN về thương mại điện tử

- Tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện các giải pháp và các dự án đã được phân công trong kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố để xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện;

- Vận động doanh nghiệp tích cực tham gia các dự án của kế hoạch và hỗ trợ doanh nghiệp thu được hiệu quả thiết thực từ dự án;

- Huy động các nguồn tài trợ từ các chương trình, dự án của trung ương, các tổ chức thương mại trong và ngoài nước, các doanh nghiệp để đóng góp kinh phí thực hiện kế hoạch;

- Đề xuất UBND tỉnh, Bộ Công Thương các chính sách, hướng dẫn, quy định, văn bản pháp luật cần thiết có liên quan đến TMĐT;

- Thực hiện thống kê để đánh giá mức độ phát triển của thương mại điện tử trong tỉnh. Hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo UBND tỉnh kết quả vào cuối năm kết thúc kế hoạch;


3.2. Sở Thông tin - truyền thông


- Chịu trách nhiệm quy hoạch, phát triển hạ tầng viễn thông và Internet tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển TMĐT;

- Chủ trì trong việc hỗ trợ ứng dụng CNTT; phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, đào tạo các kỹ năng và tư vấn cho doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến CNTT - TMĐT về mặt kỹ thuật;

- Nghiên cứu hướng dẫn triển khai các vấn đề chứng thực số, chữ ký số, các chuẩn trao đổi dữ liệu;

- Đề xuất chính sách thu hút các nhà cung cấp dịch vụ CNTT, TMĐT đến đầu tư tại tỉnh Quảng Bình;

- Phối hợp với Sở Công Thương lồng ghép các đề tài về TMĐT trong các dự án tuyên truyền về Internet, phát triển thông tin phục vụ người dân;

- Phối hợp với Công an tỉnh xây dựng các vấn đề an toàn và an ninh mạng;

- Phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp và cán bộ về an ninh mạng; đào tạo cho các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân về an ninh mạng.

3.3. Sở Tài chính


- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành liên quan đảm bảo bố trí đủ nguồn kinh phí và kịp thời trong kế hoạch ngân sách hàng năm của tỉnh ứng dụng TMĐT trong mua sắm công;

3.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp có trình độ ứng dụng TMĐT cao đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện dự án như thủ tục đầu tư điện tử (cấp phép kinh doanh qua mạng)…;

3.5. Sở Giáo dục - Đào tạo

- Phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo các trường đào tạo chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và triển khai các chuyên đề đào tạo về thương mại điện tử trong chương trình học của sinh viên các ngành kinh tế, công nghệ thông tin;

- Xem xét chỉ tiêu đào tạo kỹ thuật viên các ngành nghề phục vụ cho TMĐT;

- Khuyến khích các trường và các trung tâm mở các khoá đào tạo ngắn hạn về kỹ năng ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp.


3.6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


- Phối hợp với Sở Công Thương trong công tác tuyên truyền về TMĐT cho nông dân trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế;

3.7. Ban quản lý khu kinh tế Quảng Bình và Phòng Công Thương (Phòng kinh tế) các huyện, thành phố

- Phối hợp với Sở Công Thương trong công tác thu thập thông tin về doanh nghiệp trên địa bàn của mình để xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp;

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia vào các chương trình phát triển TMĐT.

3.8. Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình

- Xây dựng các bài viết, chuyên đề, phóng sự tuyên truyền, phổ biến về TMĐT, đặc biệt là vai trò, lợi ích của Internet trong đời sống người dân, các điển hình thành công trong ứng dụng TMĐT;

Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và truyền thông tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về TMĐT.

3.9. Công An tỉnh


- Phối hợp với Sở Thông tin - Truyền Thông xây dựng các vấn đề về an toàn, an ninh trên mạng;

Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin - Truyền Thông đào tạo cán bộ về an ninh mạng; đào tạo cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác điều tra, xử lý các vi phạm, tội phạm trên mạng.



3.10. Cục Hải quan

- Thúc đẩy triển khai rộng rãi hải quan điện tử cho các doanh nghiệp trong tỉnh;

- Tăng cường ứng dụng và triển khai mạnh mẽ CNTT trong hoạt động, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; mở rộng hình thức khai hải quan từ xa làm tiền đề cho việc ứng dụng thủ tục hải quan điện tử;

- Tuyên truyền lợi ích của việc ứng dụng hải quan điện tử cho các doanh nghiệp trong tỉnh; đẩy mạnh triển khai hạ tầng kỹ thuật và pháp lý liên quan nhằm thúc đẩy triển khai rộng rãi hải quan điện tử.


3.11. Cục Thuế


- Nhanh chóng triển khai dịch vụ công: khai thuế qua mạng cho các doanh nghiệp trong tỉnh;

3.12. Các ngân hàng


- Triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến để thúc đẩy TMĐT phát triển;

- Phát triển số người dùng thẻ thanh toán và mạng lưới dịch vụ sử dụng thanh toán thẻ



3.13. UBND các huyện, thành phố

- Tuyên truyền về lợi ích của TMĐT đến người dân đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vao TMĐT môt cách thuận lợi;

3.14. Tỉnh đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

- Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức các chương trình hội thảo, các cuộc thi tuyên truyền và phổ biến về TMĐT cho các tầng lớp, đối tượng trong cộng đồng xã hội.


3.15. Các doanh nghiệp


- Tích cực tham gia, cộng tác với các chương trình, dự án của cơ quan nhà nước; chủ động triển khai ứng dụng TMĐT trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

3.16. Các Sở, ban, ngành khác


- Theo chức năng của mình và phối hợp với Sở Công Thương triển khai thực hiện các dự án có liên quan đến việc phát triển TMĐT.

Trên đây là nội dung kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2010 - 2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện./.




Nơi nhận:

- UBND tỉnh;

- Đ/c Nguyễn Đảng-PCT UBND tỉnh;

- Văn phòng UBND tỉnh;

- Lãnh đạo Sở;

- Lưu VT, P.QLTM.



TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Đảng

Каталог: vbpq -> vbpq qb.nsf -> 4b438b320dbf1cda4725719a0012432c
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Số: 49/2003/QĐ-ub đồng Hới, ngày 16 tháng 09 năm 2003
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> UỶ ban nhân dân tỉnh quang bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> UỶ ban nhân dân tỉnh quảng bình số: 1051 /QĐ-ub
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> QuyếT ĐỊnh của uỷ ban nhân dân tỉnh v/v quy định điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ đối với
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng bìNH
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> UỶ ban nhân dân tỉnh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> UỶ ban nhân dân tỉnh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam quảng bình độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 105.62 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương