Xung thần kinh và chất truyền tin hóa học



tải về 55.11 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích55.11 Kb.
#20342
Bí ẩn bộ não và tâm trí

Ba vấn đề phức tạp nhất của khoa học là gì? Đó là cái rất lớn (vũ trụ), cái rất nhỏ (thế giới vi mô) và cái rất phức tạp (bộ não và tâm trí). Thật đáng ngạc nhiên là con người khám phá tự nhiên nhờ bộ não và tâm trí, nhưng lại chưa hiểu chúng được bao nhiêu. Và câu hỏi bộ não sinh ra tâm trí như thế nào có lẽ là một thách thức còn rất lâu dài đối với khoa học.



Độ phức tạp không tưởng:

Có thể nói, bộ não là cấu trúc vật chất phức tạp nhất tự nhiên. Với khối lượng chỉ 1.4 kg, não chứa hàng trăm tỉ tế bào thần kinh hay nơ ron, kết nối với nhau qua các khớp thần kinh. Ngoài ra là hệ tế bào đệm, với số lượng lớn hơn khoảng 10 lần.

Độ phức tạp trong khả năng kết nối nơ ron của bộ não là nỗi kinh hoàng có thể của cả những máy tính lượng tử siêu việt tương lai. Vì có thể nhận tin từ 10 ngàn và truyền tin cho 10 ngàn nơ ron, nên mỗi nơ ron có thể liên kết với khoảng 100 triệu nơ ron khác (để so sánh, hãy nhớ rằng chúng ta chỉ có thể quan hệ với không quá vài ngàn người trong toàn xã hội). Vì thế số mạng nơ ron, yếu tố quyết định khả năng tư duy, nhận thức hay cảm xúc của bộ não, đạt tới con số khủng khiếp. Theo những tính toán giản lược nhất, nó bằng con số N = 10110 nhân với nhau 1017 (100 triệu tỉ) lần! Bản thân N cũng được gọi là số thiên văn, vì bằng tích của số hạt cơ bản trong vũ trụ nhìn thấy (1080) và tuổi vũ trụ (14 tỉ năm) tính ra pico giây (1030)!  

Đồng thời với khoảng một triệu kết nối mới tạo thành trong một giây, với hình thái và trọng số kết nối luôn thay đổi, nên trên thực tế mỗi bộ não là một cấu trúc động duy nhất, theo nghĩa không thể có hai bộ não giống nhau. Chính nhờ các kết nối luôn thay đổi đó mà kí ức được ghi nhớ, hành vi được học tập hay nhân cách được hình thành, bằng cách tăng cường các kiểu kết nối này hay dập tắt các kiểu kết nối khác.



Xung thần kinh và chất truyền tin hóa học:

Các nơ ron truyền tin như thế nào? Xung điện là phương thức truyền tin nội nơ ron; trong khi chất truyền tin hóa học là cơ chế liên tế bào. Hai nơ ron truyền tin cho nhau bằng cách phóng thích và thu nhận các chất truyền đạt và điều biến thần kinh, như glutamate, dopamine, acetylcholine, noradrenalin, serotonin hay endorphins.

 

Một số chất hoạt động tại khớp thần kinh, truyền thông điệp từ vị trí giải phóng tới vị trí hấp thu, được gọi là thụ thể. Một số chất có tác dụng lan tỏa hơn, làm tăng hay giảm độ nhạy cảm cả một vùng não.



 

Không chỉ quan trọng trong các hoạt động tư duy, nhận thức hay cảm xúc, sự thiếu hụt các hóa chất nói trên liên quan với nhiều loại bệnh. Chẳng hạn thiếu dopamine ở vùng điều khiển vận động dẫn tới bệnh liệt rung (Parkinson). Nó cũng tăng khả năng nghiện ngập vì chức năng chuyển tải khoái cảm và cảm giác thưởng. Còn thiếu serotonin tại vùng điều khiển cảm xúc sẽ dẫn tới trầm cảm và các rối loạn cảm xúc, trong khi thiếu acetylcholine ở vỏ não là đặc trưng của Alzheimer, căn bệnh mất trí ở người già.



Các kĩ thuật quét não:

Trong một nơ ron, tín hiệu hình thành nhờ các xung điện. Hoạt tính điện của một nhóm nơ ron có thể ghi nhận ở ngoài hộp sọ nhờ máy đo điện não đồ EEG. Các tín hiệu đó có dạng sóng, được phân loại từ sóng Anpha (khi thư giãn hay đang ngủ) cho tới sóng gamma (đang suy nghĩ). Một số nhà khoa học, như Crick (cha đẻ của mô hình ADN), xem sự đồng bộ hóa hoạt động điện trong não là yếu tố quyết định cho nhận thức.

 



Máy đo nói dối trong ngành tội phạm
Các kĩ thuật tạo ảnh khác đều mang tính gián tiếp. Cộng hưởng từ chức năng (fMRI) hay tạo ảnh nhờ bức xạ positron (PET) theo dõi dòng máu tới các vùng não khác nhau. Các kĩ thuật cộng hưởng từ MRI và cắt lớp vi tính CT dùng đặc trưng từ và sự hấp thụ tia X của các tổ chức khác nhau để tạo ảnh não.

 

Các kĩ thuật đó được ứng dụng để theo dõi các vùng não liên quan với các chức năng khác nhau, như cảm giác, vận động, khoái cảm, lựa chọn, động cơ, thậm chí cả sự phân biệt chủng tộc. Vài năm nay, thậm chí một số kĩ thuật được dùng để phát hiện nói dối, với kết quả bước đầu khá hứa hẹn. Tuy nhiên một số chuyên gia cảnh báo rằng, không nên đặt quá nhiều niềm tin vào các kĩ thuật đó, cho dù chúng hiện đại đến mức nào, vì bộ não nằm ngoài tầm với của công nghệ; đồng thời chúng có thể vi phạm tính riêng tư của từng cá nhân được pháp luật bảo vệ hay gây ra nhiều vấn đề đạo lý khó giải quyết khác.



Trước khi các kĩ thuật tạo ảnh hay quét não trở nên phổ biến, các nhà khoa học đã nghiên cứu người bệnh với các tổn thương não do đột quỵ, chấn thương đầu hay bệnh thần kinh để xác định các vùng não liên quan với cảm xúc, giấc mơ, trí nhớ, ngôn ngữ hay tri giác, thậm chí cả các sự biến mang tính ẩn ngữ, như các kinh nghiệm tôn giáo, tâm linh hay dị thường.

Điển hình nhất là trường hợp Phineas Gage, một công nhân đường sắt thế kỷ XIX, mất phần não trước trán khi bị thanh sắt dài 1 mét xuyên qua đầu trong một vụ nổ. Khi thể chất phục hồi hoàn toàn, nhân cách của Gage biến đổi vĩnh viễn. Đó là lần đầu tiên người ta thấy, một hoạt động tinh thần cụ thể có thể gắn với một hay vài vùng não đặc trưng.

 

Cấu trúc bộ não:

Chiếm phần chủ yếu trong cấu trúc não là hai bán cầu đại não, nằm trên thân não giống như phần mũ của cây nấm. Đó là cấu trúc não được tiến hóa muộn nhất, liên quan với các hoạt động nhận thức phức tạp. Bao phủ phía ngoài đại não là vỏ não, liên quan nhiều với quá trình tạo các quyết định hữu thức.

Dường như có sự phân công chức năng tương đối rõ giữa hai bán cầu não (bảng minh họa). Theo đó, bán cầu phải giàu cảm xúc và sáng tạo hơn, trong lúc bán cầu trái gắn với logic hơn. Với đại đa số, bán cầu trái là bán cầu ưu thế, nên 90% dân số thuận tay phải. Trong số 10% người thuận tay trái còn lại, nhiều người có khả năng nghệ sĩ.

Bán cầu trái

Bán cầu phải

Phát âm

Tuần tự


Phân tích

Tỉ lệ


Phân tích theo thứ tự thời gian

Ngôn ngữ


Phi phát âm

Tổng thể


Tổng hợp

Toàn cục


Cảm nhận mẫu dạng 

Không gian



 Giả định về phân công chức năng giữa hai bán cầu não.

 
Đó là căn nguyên của những lập luận kiểu văn minh phương Tây là văn minh não trái hay cần giáo dục cả hai bán cầu não cho học sinh. Đó là những lập luận không chỉnh, vì hai bán cầu luôn hành xử đồng bộ với nhau qua thể chai, là cầu nối giữa chúng (phụ nữ có thể chai lớn hơn nam giới, và đó có thể là lí do khiến họ nói nhiều!). Thiếu thể chai sẽ gây bệnh tâm thần, mà tuy một chức năng nào đó có thể trở nên siêu việt. Đó là hội chứng bác học, mà Kim Peek là trường hợp điển hình. Ông nhớ mã bưu điện của mọi thành phố Mỹ, chơi thành thạo hàng trăm bản nhạc cổ điển khi chỉ nghe qua một lần, nhớ chi tiết thời gian, địa điểm và số người tham dự buổi biểu diễn bản nhạc đó lần đầu tiên… Tuy nhiên ông không thể tự mặc quần áo và phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người thân.

 


 
Kim Peek, “nhà bác học” không biết mặc áo
Ngoài hai bán cầu não là thùy chẩm ở phía sau, liên quan với thị giác; thùy đỉnh phía trên chẩm, gắn với vận động, định vị không gian và tính toán.

Sau tai và thái dương là thùy thái dương, kết nối với âm thanh và tiếng nói và một số yếu tố kí ức. Phía trước là thùy trán và thùy trước trán, thường được xem là những cấu trúc phát triển và “con người” nhất, gắn bó với tư duy phức tạp, ra quyết định, lên kế hoạch, tạo quan niệm, điều khiển sự chú ý, và kí ức hoạt động. Chúng cũng liên quan với các cảm xúc xã hội phức tạp như sự hối tiếc, đạo đức và sự đồng cảm.

 

Cũng có thể chia não thành hai phần: phần cảm giác và phần vận động, với chức năng kiểm soát các thông tin đi vào và hành vi lối ra một cách tương ứng (tức cảm nhận và tác động môi trường).



Dưới hai bán cầu, nhưng vẫn thuộc phần não trước, là vỏ khứu hải mã điều khiển hành vi và cảm giác đau. Phía dưới là thể chai nối hai bán cầu. Ngoài ra là hạch nền, tương ứng với vận động, động cơ và hành vi thưởng.

Dưới nữa là các vùng não nguyên thủy hơn. Hệ viền, có ở mọi động vật có vú, liên quan với ham muốn và sự ngon miệng. Cảm xúc thì liên quan với các cấu trúc như hạch hạnh hay nhân đuôi. Trong hệ viền còn có hồi hải mã với vai trò sống còn trong tạo kí ức mới; đồi thị có chức năng xử lý (làm chậm) các tín hiệu cảm giác; và dưới đồi, điều khiển chức năng cơ thể bằng các nội tiết tố phóng thích từ tuyến yên.


Phía dưới đại não là tiểu não, nơi lưu giữ các hình thái vận động, thói quen và các nhiệm vụ tự động - những hoạt động ta có thể thực hiện mà không cần nghĩ về chúng.


Hai bộ phận nguyên thủy nhất, nằm giữa tiểu não và tủy sống, là trung não và thân não. Chúng điều khiển các chức năng tự động hay thực vật như hô hấp, nhịp tim, huyết áp, giấc ngủ…Chúng cũng điều khiển dòng tín hiệu hai chiều giữa não bộ và toàn bộ cơ thể thông qua tủy sống.

 

Nước và rượu vang:

Mặc dù khoa học đã khám phá nhiều bí ẩn của bộ não, nhưng những bí ẩn lớn vẫn còn nằm trong bóng tối. Trong đó căn bản nhất là bài toán bộ não và tâm trí. Nói cách khác, các hoạt tính khách quan của bộ não được biến thành các ý niệm chủ quan, nhất là các ý niệm hữu thức, như thế nào? Theo cách nói của nhà triết học Chammers người Úc, “nước biến thành rượu vang như thế nào?”. Đây là bài toán phức tạp đến mức, không ít nhà khoa học cho rằng, nó nằm ngoài khả năng nhận thức của con người.


Về mặt triết học, có thể giải quyết vấn đề đó bằng quan điểm hợp trội (hay đột phát, đột sinh, hợp nổi…). Cần lưu ý rằng đó cũng chính là quan điểm duy vật biện chứng. Tuy nhiên trên khía cạnh khoa học, đó là bài toán vô cùng nan giải. Như vị mặn của muối chẳng hạn, nó “đột sinh” như thế nào từ các nguyên tử Na và Cl? Chỉ với hạt muối cấu trúc từ hai loại nguyên tử mà còn vậy, nói gì đến bộ não với cấu trúc phức tạp nhất tự nhiên! Người viết bài này không thể nào quên giáo sư thần kinh học Jerome Lettvin, MIT, Mỹ, chuyên gia vị giác ếch tại khóa học về vật lý thần kinh tại Trieste, Italia, năm 1995. Khi được hỏi về bước chuyển từ tín hiệu thần kinh lên cảm giác vị giác, sau 2 giờ thuyết trình, ông kết luận: “Vì tôi không phải là ếch, nên tôi không biết”!


Tại sao chúng ta có thể không bao giờ biết bản chất thực sự của ý thức? Đó là hệ lụy của định lý không đầy đủ của Godel, nói rằng một hệ logic bất kì không thể tự hiểu bản thân. Muốn hiểu tâm trí, cần một hệ thống phức tạp hơn bộ não. Đó là điều không thể, vì bộ não chính là cấu trúc phức tạp nhất vũ trụ.

 

Hệ xử lý đối ngẫu:

Não xử lý các tín hiệu từ môi trường như thế nào? Năm 1981, nhà tâm lý Dixon đề xuất lý thuyết xử lý đối ngẫu. Theo đó bộ não có hai hệ xử lý tín hiệu, hệ tiềm thức và hệ ý thức. Hệ tiềm thức nằm ở các trung khu dưới vỏ, có nhiệm vụ xử lý sơ bộ các thông tin trước khi chuyển lên hệ ý thức vỏ não. Hệ tiềm thức xác định ý nghĩa cảm xúc của kích thích tốt hơn việc ra các quyết định hợp lý về chúng. Khi phát hiện thông tin quan trọng, nó chuyển ngay lên vỏ não để hệ ý thức xử lý. Khác với hệ ý thức có độ nhạy kém và chỉ xử lý từng thông tin một, hệ tiềm thức vận hành một cách tự động và có hai đặc trưng cơ bản. Đầu tiên, nó xử lý đồng thời các thông tin đến từ nhiều nguồn. Tiếp theo, và quan trọng hơn, nó có ngưỡng kích thích thấp hơn hệ ý thức nhiều. Nói cách khác, hệ tiềm thức có thể nắm bắt và giải mã các tín hiệu rất nhỏ yếu mà hệ xử lý ý thức không nắm bắt được. Con người có hệ ý thức phát triển như một đặc trưng “người” nhất nên hệ tiềm thức bị chèn ép và các bản năng sinh học suy thái dần. Tuy nhiên qua thiền, thôi miên hay qua luyện tập một số công phu đặc biệt, có thể khôi phục phần nào các bản năng đó. Động vật có hệ tiềm thức phát triển, nên có thể phát hiện sớm các tai biến như động đất hay sập nhà do ghi được các biến đổi vật lý cảnh báo rất nhỏ yếu từ môi trường (điện từ trường, hạ âm…).

 

Cần lưu ý rằng, phần lớn hoạt động tinh thần của con người nằm ở phần tiềm thức (và vô thức), giống như một chuyến bay vượt đại dương phần lớn nằm ở chế độ “bay tự động”. Tuy nhiên chế độ lái “bằng tay” khi cất và hạ cánh có vai trò quyết định. Sau gần một thế kỷ tranh cãi gay gắt kể từ Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học, trường phái tư tưởng đề cao vô thức, cuối cùng khoa nhận thức học đi đến kết luận, tâm trí do cả ý thức và vô thức quyết định, với phần đóng góp mỗi bên một nửa. Có thể so sánh ý thức với bộ tư lệnh, còn vô thức với toàn bộ phần còn lại của một đạo quân. Khi đó xét về khối lượng công việc, đạo quân hoạt động chủ yếu ở mức vô thức; tuy nhiên vai trò của bộ tư lệnh không hề thua kém. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đội ngũ cán bộ chiến sĩ có phần đóng góp bằng nhau trong chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.



Liên quan trực tiếp với vô thức và tiềm thức là các hiện tượng dị thường, như ngoại cảm, viễn di sinh học và các hiện tượng liên quan với sự tồn tại sau cái chết - những chủ đề có sức lôi cuốn ghê gớm đối với dư luận (Định luật Blackmore thứ nhất phát biểu rằng, ước vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người lớn hơn mọi chứng cớ phản bác!). Hầu hết, nếu không nói là tất cả các hiện tượng đó đều có thể giải thích bằng các đặc tính khá lạ lùng của vô thức, ít nhất là về nguyên lý.

 
Vô thức cũng có vai trò quyết định trong sự tự chữa bệnh. Đó là lý do trong các trị liệu thay thế và bổ sung (châm cứu, khí công, thiền, thôi miên…), niềm tin có phần đóng góp không nhỏ vào kết quả khỏi bệnh, nếu có.

 

Tập thể hay cá nhân?

Có những tế bào chuyên dụng để ghi nhớ hình ảnh của “linh miêu” Halle Bery hay cựu Tổng thống Bill Clinton? Ngớ ngẩn; và đó là suy nghĩ của hầu hết các nhà thần kinh học cho đến rất gần đây. Nhưng nay vấn đề có thể khác.

Bộ não nhận chân các hình ảnh như thế nào là một chủ đề gây tranh cãi trong khoa học thần kinh, với hai lý thuyết hoàn toàn ngược nhau. Lý thuyết mạng thần kinh cho rằng, hàng triệu nơ ron sẽ hành xử đồng điệu với nhau để tạo ra trong tâm trí hình ảnh về một đối tượng. Ở phía đối ngược là quan niệm, mỗi nơ ron (hoặc một số rất ít nơ ron) mã hóa hình ảnh về một đối tượng (người, động vật hay đồ vật). Jerome Lettvin đặt tên cho chúng là “tế bào bà”. Đến cuối những năm 1980, quan niệm mạng nơ ron thắng thế quan niệm “một nơron một hình ảnh”. Chủ nghĩa tập thể đã thắng chủ nghĩa cá nhân.

Mới đây, tình cờ qua nghiên cứu các bệnh nhân đột quị, kĩ sư y sinh học Rodrigo Quian Quiroga tại Đại học Leicester, Anh, đã ghi hoạt tính điện của từng tế bào thần kinh khi cho bệnh nhân xem các hình ảnh trên màn hình máy tính, với thời gian lưu hình là một giây.

Một trong những “tế bào bà” là tế bào Clinton, nằm sâu trong hạch hạnh của một nữ bệnh nhân. Nó đáp ứng với ba hình ảnh khác nhau của Clinton: một bức phác thảo, một bức tranh và một tấm ảnh chụp với một số nhà chính trị. Khi bệnh nhân quan sát hình ảnh các Tổng thống Mỹ khác, từ George Washington tới George H.W. Bush, tế bào đó luôn im lặng.

 



Hoạt tính điện của nơ ron Halle Berry
Nhiều nghiên cứu tiếp theo cho kết quả rất ấn tượng, chẳng hạn tế bào Halle Berry, “linh miêu” trong giới điện ảnh Hollywood. Không chỉ đáp ứng với những hình ảnh, ngay cả khi Berry mang mặt nạ như trong phim, tế bào này còn phóng điện cả khi tên cô xuất hiện trên màn hình, với cường độ thậm chí còn mạnh mẽ hơn!

Những thí nghiệm đó chứng tỏ điều gì? Đơn giản là bộ não có hai chiến lược lưu giữ hình ảnh: hoặc dùng mạng lưới nhiều nơ ron, hoặc dùng từng tế bào cho từng nhiệm vụ cụ thể. Trong cấu trúc vật chất phức tạp nhất vũ trụ này, cá nhân và tập thể hành xử hoàn toàn đồng điệu với nhau.



Những hiểu lầm thường gặp về bộ não:

Vì bộ não là bí ẩn lớn nhất tự nhiên, không lạ khi xuất hiện nhiều hiểu lầm về cấu trúc hóa và chức năng hóa của nó. Dưới đây là một số hiểu lầm thường thấy nhất, ngay cả trong giới trí thức tinh hoa.

 1.                  Chúng ta mới chỉ dùng 10% năng lực của bộ não:

Huyền thoại 10% xuất hiện khắp nơi, từ giảng đường đại học cho tới sách vở hướng dẫn cách cải thiện năng lực tư duy.

Chứng cớ khoa học phản bác huyền thoại này không hề thiếu. Nghiên cứu bằng ảnh cộng hưởng từ chức năng cho thấy, toàn bộ não hoạt động một cách đồng bộ trong các hoạt động tinh thần của con người. Thêm nữa, nghiên cứu trên bệnh nhân tổn thương não cho thấy, chấn thương tại bất cứ vùng não nào cũng để lại những di chứng tâm lý dù ít dù nhiều. Nếu chúng ta chỉ mới dùng 1/10 bộ não, sẽ có đến 90% số tổn thương không hề ảnh hưởng tới các hoạt động tinh thần.

Huyền thoại 10% xuất phát từ đâu? Theo Barry Beyerstein thuộc đại học Simon Fraser, nó xuất phát một phần từ cách hiểu sai quan điểm của Williams James, một người cha của ngành tâm lý học Mỹ. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ông viết rằng, hầu hết chúng ta chưa khai thác hết khả năng trí tuệ bản thân. Những năm 1930, một số tác giả chuyên viết sách phổ biến khoa học, như Lowell Thomas, đưa ra con số cụ thể; và huyền thoại 10% ra đời.

Thực ra khi quét não bằng các kĩ thuật khác nhau, các nhà khoa học thấy nhiều vùng não “im lặng”. Tuy nhiên đó là các vùng liên hợp, có vai trò sống còn trong việc kết nối các cảm giác, tư duy và cảm xúc giữa các trung khu khác nhau trong não bộ.

2.                  Một số người thiên về não trái, một số thiên về não phải:

Như trên đã viết, dường như người não trái lý tính, logic, thiên về ngôn ngữ; trong khi người não phải được xem là sáng tạo, toàn cục, thiên về không gian. Trong cuốn Tâm lý học ý thức bán rất chạy năm 1972, nhà tâm lý Robert Ornstein, Đại học Stanford, xem các xã hội phương Tây quá nhấn mạnh tư duy logic não trái so với tư duy trực giác não phải. Năm 1979, trong cuốn sách phổ biến khoa học Vẽ trên phía phải của bộ não, nhà tâm lý và nghệ sĩ Betty Edwards cũng nhấn mạnh lợi ích của não phải trong sáng tạo nghệ thuật.

Tuy nhiên, xem hai bán cầu não ngược nhau là một quan niệm quá đơn giản. Chẳng hạn, nó hàm ý rằng người có khiếu ngôn ngữ phải kém nghệ thuật, trong khi thực tế có khi hoàn toàn ngược lại. Và như khoa học đã chỉ rõ, hai bán cầu não hành xử đồng bộ với nhau qua thể chai.

Giống như mọi huyền thoại khác, huyền thoại hai bán cầu cũng có một phần sự thật. Các kỹ thuật cắt thể chai để giảm thiểu cơn động kinh cho thấy, khi đó quả thật hai bán cầu não hành xử khác nhau. Tuy nhiên ở người bình thường, thể chai là cầu nối để bộ não thống nhất trong hành động.



3.      Có thể đạt thư giãn và cảm nhận ý thức sâu hơn nhờ tăng cường sóng Anpha:

Sóng Anpha với dải tần 8-13 Hz là loại sóng được bộ não tạo ra khi chúng ta ngủ hay thư giãn. Tuy nhiên nó không liên quan với các đặc trưng nhân cách dài hạn hay mức độ thoải mái ngắn hạn.

Huyền thoại sóng Anpha phản ánh sự không phân biệt giữa mối tương quan và quan hệ nhân quả. Quả thật bộ não tạo nhiều sóng Anpha khi đang thăng thiền hay thư giãn sâu; nhưng điều ngược lại không đúng: sóng Anpha không tạo ra thư giãn. Nói cách khác, sóng Anpha là hệ quả, chứ không phải là nguyên nhân của sự thư giãn.

Tạm thời kết luận:

            Theo lời nhà triết học Chammers, bí ẩn bộ não và tâm trí được chia thành bài toán dễ và bài toán khó. Dễ là bài toán nghiên cứu cấu trúc hệ thần kinh và hệ tín hiệu khách quan đặc trưng cho mọi hoạt động tinh thần. Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn nhưng vẫn còn hy vọng tìm được lời giải. Còn khó là bài toán hệ tín hiệu khách quan đó biến thành các ý niệm chủ quan như thế nào. Và theo Chammers, đó có thể là bí ẩn vĩnh viễn đối với khoa học. Dường như đó là sự thật, theo tinh thần định lý không đầy đủ, được nhà toán học và logic học người Áo Godel đưa ra năm 1931.


Tài liệu tham khảo:

1.      McConnell JV (1989), Understangding Human Behavior, 6th edition, Holt, Rinehart & Winston, NY

2.      Helen Philips (2006), The human brain, newscientist.com news service, on www. newscientist.com

3.      Gaschler K (2006), One person, one neuron?, Scientific American Mind, vol 17, 1: 77-82

4.      Lilienfeld SO, Arkowitz H (2008), Uncovering “brainscams”, Scientific American Mind, vol 19, 1: 80-81

5.      Dobbs D (2007), Eric Kandel: From mind to brain and back again, Scientific American Mind, vol 18, 5: 32-37



VP (Theo www.tiasang.com.vn)
Каталог: upload -> soft
soft -> Test 10 Phonetics: Chọn từ mà phần gạch chân có cách phát âm khác với những từ còn lại
soft -> PHÒng giáo dục và ĐÀo tạO Độc lập Tự do Hạnh phúc
soft -> TRƯỜng trung hoc phổ thông chuyên lê quý ĐÔN
soft -> NHẰm giúp các học sinh hiểu rõ HƠn một số khái niệm cơ BẢn và CÁc cụm từ viết tắt trong đỊa lý
soft -> Ôn tập chủ ĐỀ ĐẠi số TỔ HỢp nhận xét
soft -> Một thuật toán nổi tiếng Euclide Thuật toán Euclide
soft -> Bài toán "đèn nhấp nháy"
soft -> TRƯỜng thpt tôn thất tùNG
soft -> Ubnd quận hải châu cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
soft -> MÔn lịch sử 10 Bài 29: CÁch mạng tư SẢn hà lan và CÁch mạng tư SẢn anh cách mạnh tư sản Anh

tải về 55.11 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương