Xô xát tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến kế hoạch cải cách tư pháp



tải về 285.87 Kb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích285.87 Kb.
#30958
  1   2   3   4   5
Xô xát tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến kế hoạch cải cách tư pháp

Xô xát tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến kế hoạch cải cách tư pháp

Hà Nội (TTXVN 12/1)
Ngày 11/1, các nghị sĩ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã xô xát và ném chai nước vào nhau trong một cuộc thảo luận về việc chính phủ kiểm soát việc bổ nhiệm các thẩm phán và công tố viên. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh chính trường nước này đang rúng động trước một loạt cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô lớn nhằm vào các quan chức chính phủ.
Lộn xộn nổ ra khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đang thảo luận một dự luật do đảng việc Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Thủ tướng Tayyip Erdogan (Tay-íp Éc-dô-gan) đệ trình, theo đó trao cho chính phủ quyền có tiếng nói hơn đối với bộ máy tư pháp. Các nhân chứng cho biết xô xát bùng lên khi một đại diện của hiệp hội tòa án đệ trình một kháng nghị cho rằng dự luật trên là vi hiến, nhưng không được phép phát biểu.
Thủ tướng Erdogan đã coi cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn - một trong những thách thức lớn nhất trong 11 năm cầm quyền của ông, là một "âm mưu đảo chính tư pháp" nhằm làm ông mất uy tín trước cuộc bầu cử tổng thống và địa phương dự kiến diễn ra trong năm nay.
Cùng ngày, hơn 10.000 người đã tham dự một cuộc biểu tình do liên đoàn lao động tổ chức tại thủ đô Ankara để lên án nạn tham nhũng. Những người biểu tình đã giương cao các tấm áp phích với các khẩu hiệu chỉ trích Thủ tướng Erdogan, một số người còn vẫy những đồng đôla giả in hình ông Erdogan.
Các cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm vào các thành viên chính phủ, vốn là đồng minh chủ chốt của Thủ tướng Erdogan. Đỉnh điểm là hôm 17/12, cảnh sát chống tham nhũng đã bắt giữ nhiều doanh nhân nổi tiếng và con trai của 3 bộ trưởng Nội vụ, Kinh tế và Môi trường, buộc 3 ông này phải từ chức vì bị tình nghi có liên quan. Nhiều nghị sỹ thuộc đảng APK cầm quyền cũng phải rời khỏi đảng, trong đó có một cựu bộ trưởng. Tình hình trên đã khiến Tổng thống Abdullah Gul (Áp-đu-la Gun) phải tiến hành cải tổ nội các quy mô lớn./.

Thổ Nhĩ Kỳ cách chức hàng loạt công tố viên cấp cao

Thổ Nhĩ Kỳ cách chức hàng loạt công tố viên cấp cao

Hà Nội (TTXVN 17/1)--

Ngày 16/1, Trưởng Công tố thành phố Istanbul (I-xtan-bun) và 5 phó của ông này đã bị cách chức. Đây là hệ lụy mới nhất trong vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn đang làm lung lay Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.


Ngoài ra, Hội đồng Thẩm phán và Công tố viên tối cao (HSYK) thuộc Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhiều công tố viên ở cấp thấp hơn cũng bị sa thải, nâng con số bị cách chức hoặc điều chuyển sang công việc khác trong cơ quan công tố nước này lên đến 20 người. HSYK cũng đồng thời thông báo chấp thuận mở cuộc điều tra nhằm vào các công tố viên cấp cao nhất dính líu đến cuộc bê bối tham nhũng.
Ngày 7/1, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải giám đốc cảnh sát tại 16 tỉnh của nước này, trong đó có cả giám đốc cảnh sát thủ đô Ankara.
Những động thái trên nằm trong khuôn khổ chiến dịch thanh lọc quy mô lớn nhằm vào cảnh sát và công tố viên. Đây được đánh giá là đòn đáp trả của Chính phủ Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan (Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan) trước chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn được thực hiện từ ngày 17/12. Chiến dịch đã tác động đến những đồng minh chủ chốt của Thủ tướng, dẫn tới vụ bắt giữ hơn 50 quan chức, đại diện ngân hàng, cũng như con trai của ba bộ trưởng. Sau đó Thủ tướng Erdogan đã buộc phải tiến hành cải tổ nội các, thay thế 10 thành viên trong chính phủ của mình./.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sa thải hàng loạt cảnh sát

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sa thải hàng loạt cảnh sát


Hà Nội (TTXVN 15/1)--


Ngày 15/1, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sa thải và cách chức hàng loạt cảnh sát tại nhiều tỉnh, thành phố trong nỗ lực đẩy mạnh cuộc thanh lọc lực lượng an ninh sau khi xảy ra cuộc điều tra bê bối tham nhũng liên quan tới các đồng minh chủ chốt của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan (Rê-xép Tay-íp Éc-đô-gan).
Theo kênh truyền hình CNN Turk, trong số những cảnh sát bị cách chức có 12 trưởng và phó các đơn vị chống buôn lậu và tội phạm có tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đến nay, có hơn 500 cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sa thải trong cuộc thanh lọc lực lượng an ninh quy mô lớn, diễn ra sau khi lực lượng này tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào nhiều quan chức chính phủ từ giữa tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, Thủ tướng Tayyip Erdogan gọi chiến dịch này là "sự khiêu khích nhằm lật đổ chính phủ". Ông tuyên bố sẽ không cho phép hình thành "một nhà nước bên trong một nhà nước" và tin tưởng rằng có thể kiểm soát được tình hình. Theo giới phân tích, các vụ cách chức và sa thải cảnh sát được xem là một trong những "đòn phản công" của Thủ tướng Tayyip Erdogan đối với cuộc điều tra tham nhũng kể trên.
Ngày 17/12/2013, giới tư pháp và cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dẫn tới việc bắt giữ hàng chục quan chức và doanh nhân thân cận với Thủ tướng Tayyip Erdogan, trong đó có con trai của 3 vị bộ trưởng. Điều này khiến người đứng đầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/12 năm ngoái phải bổ nhiệm lại các vị trí trong nội các, trong đó thay thế 10 bộ trưởng./.

Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách "tháo ngòi" căng thẳng về dự luật cải cách ngành tư pháp

Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách "tháo ngòi" căng thẳng về dự luật cải cách ngành tư pháp


Hà Nội (TTXVN 14/1)--


Tối 13/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul (Áp-đu-la Gun) đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng nước này Recep Tayyip Erdogan (Tay-íp Éc-đô-gan) và những người đứng đầu phe đối lập - gồm đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), đảng Phong trào Dân tộc, đảng Dân chủ và Hòa bình ủng hộ người Kurd (Cuốc) - nhằm xoa dịu căng thẳng hiện nay xoay quanh dự luật do Chính phủ trình Quốc hội về hạn chế quyền lực của cơ quan tư pháp.
Bất chấp nỗ lực của ông Gun nhằm "tháo ngòi" căng thẳng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 3/2014, Phó Thủ tướng Bulent Arinc (Bu-len A-rin) tuyên bố "sẽ không có chuyện Chính phủ rút lại đề xuất về cải cách ngành tư pháp". Ông Arinc khẳng định Ankara muốn có một cơ quan tư pháp "làm việc theo mệnh lệnh của lương tâm chứ không phải quyền lực chính trị", đồng thời khẳng định Liên minh châu Âu (EU) không có quyền lên tiếng hay chỉ trích một vấn đề đang được thảo luận tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (A-mét Đa-vu-tô-glu) cho rằng nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi hiện nay có thể do Hiến pháp không được cải cách kịp thời. Ông tỏ ý hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có một Hiến pháp dựa trên công lý, dân chủ, quyền công dân và sự đồng thuận.
Trước đó, Thủ tướng Erdogan trình Quốc hội dự luật nhằm tăng quyền kiểm soát của Chính phủ đối với việc bổ nhiệm các chức vụ thẩm phán và công tố viên, đồng thời cách chức một loạt quan chức cảnh sát cấp cao. Động thái này ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phe đối lập, sự quan ngại từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cũng như làn sóng biểu tình đòi ông Erdogan từ chức. Các nhà bình luận trong nước cho rằng dự luật mới nhằm ngăn chặn việc mở rộng cuộc điều tra tham nhũng đang đẩy Nội các của ông Erdogan vào tình trạng khủng hoảng và được chính phủ của ông Erdogan coi là động thái bôi nhọ hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm cuộc bầu cử. Ủy ban các thẩm phán và công tố viên tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (HSYK) coi đề xuất mới là vi hiến. Cuộc thảo luận mới đây tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự luật mới thậm chí đã biến thành cuộc ẩu đả giữa các chính khách tham dự. Ủy viên phụ trách mở rộng EU Stefan Fuele (Xte-phan Phu-ê-lê) kêu gọi Ankara đảm bảo để dự luật mới phù hợp với các nguyên tắc của EU.
Các nhà quan sát cho rằng căng thẳng chính trị hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ là hệ quả của mối bất hòa giữa ông Erdogan và giáo sĩ Fethullah Gulen (Phê-thu-la Gu-len) sống lưu vong ở Mỹ nhưng có rất nhiều người ủng hộ đang chi phối cơ quan cảnh sát và tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng này cũng bộc lộ mâu thuẫn giữa những người đứng đầu Chính phủ và Nhà nước trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 8/2014, đồng thời là hệ quả của việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái không thông qua Hiến pháp mới thay thế hiến pháp do Chính quyền quân sự soạn thảo năm 1980./.

NSA do thám máy tính hoạt động ngoại tuyến trên toàn cầu

NSA do thám máy tính hoạt động ngoại tuyến trên toàn cầu

Hà Nội (TTXVN 16/1) --
Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã phát triển một công nghệ bí mật có thể do thám các máy tính thông qua tín hiệu sóng vô tuyến, đồng thời thu thập thông tin ngay cả khi những thiết bị này hoạt động ngoại tuyến. Đây là tiết lộ mới nhất liên quan đến các hoạt động do thám của NSA được đăng tải trên tờ “New York Times” số ra ngày 15/1.
Báo trên cho hay NSA đã cài đặt phần mềm gián điệp mang mật danh "Quantum" ("Lượng tử") vào 100.000 máy tính trên toàn cầu để tạo ra một “xa lộ kỹ thuật số” nhằm mục đích do thám cũng như triển khai các đòn tấn công tin tặc trong trường hợp cần thiết. Báo này dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay NSA đã sử dụng chương trình trên từ năm 2008, dựa vào một kênh sóng vô tuyến bí mật được truyền đi từ những bảng mạch và thẻ cắm USB cỡ nhỏ do gián điệp hoặc nhà sản xuất cắm vào các máy tính. Công nghệ sóng vô tuyến này đã giúp các cơ quan tình báo Mỹ giải quyết một vấn đề then chốt khi có thể xâm nhập vào các máy tính được tăng cường bảo mật của đối phương.
Ngoài ra, báo trên cũng dẫn lời các quan chức và trích nguồn tài liệu cho biết NSA và đối tác Lầu Năm Góc của cơ quan này là Sở chỉ huy tin học Mỹ đã sử dụng những kỹ thuật trên nhằm vào các mạng lưới máy tính của quân đội Nga, Trung Quốc, cảnh sát Mexico, các băng đảng ma túy, các tổ chức thương mại trong Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí cả các đối tác chống khủng bố như Saudi Arabia, Ấn Độ và Pakistan.
Mặc dù không đưa ra bình luận trực tiếp về vấn đề này song trong một tuyên bố cùng ngày, NSA nhấn mạnh việc triển khai nhiều loại công nghệ phục vụ cho công tác tình báo nước ngoài là nhằm mục đích quốc phòng. Cơ quan này cũng khẳng định không sử dụng các công nghệ tình báo để đánh cắp tài liệu mật của các công ty nước ngoài và cung cấp thông tin này cho các công ty Mỹ với mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh.
Thông tin trên được tiết lộ trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) dự kiến sẽ công bố quyết định cải tổ hoạt động tình báo của các cơ quan an ninh liên bang trong ngày 17/1. Một số nguồn tin thân cận cho biết kế hoạch cải tổ sẽ bao gồm một số hạn chế đối với việc do thám lãnh đạo nước ngoài, thay đổi trong lưu trữ các dữ liệu điện thoại khổng lồ và bổ nhiệm một luật sư bảo vệ quyền tự do dân sự trong các tòa án tình báo bí mật. Trong buổi họp báo cuối năm ngoái, Tổng thống Obama cũng để ngỏ khả năng sẽ xem xét một số thay đổi trong việc thu thập số lượng lớn dữ liệu cuộc thoại của người dân Mỹ./.

Báo Đức: Các nước EU bí mật đàm phán về thỏa thuận "không do thám"

Báo Đức: Các nước EU bí mật đàm phán về thỏa thuận "không do thám"


Hà Nội (TTXVN 16/1)--


Tờ "Sueddeutsche Zeitung" (Đức) ngày 15/1 đưa tin từ nhiều tháng qua, Đức đã chủ trì cuộc đàm phán bí mật trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm xây dựng một thỏa thuận “không do thám” giữa các quốc gia thành viên. Đây là một nỗ lực bị một số nước, đặc biệt là Anh, phản đối.
Báo trên nêu rõ sau các tiết lộ của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden (Ét-uốt Xnâu-đơn) về thông tin Washington do thám nhiều nước và đời tư một số nhà lãnh đạo trên thế giới, Đức đã đàm phán với các nước thành viên EU về một thỏa thuận không do thám của châu Âu. Thỏa thuận trên được đàm phán trong nhiều tháng ở Berlin, sẽ quy định các nước trong khối gồm 28 thành viên này cam kết “kiềm chế không do thám lẫn nhau”, cả trong lĩnh vực chính trị lẫn kinh tế. Thỏa thuận này sẽ chỉ cho phép do thám vì những mục đích đã được nhất trí trước đó như chống khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngoài ra, các cơ quan tình báo của 28 nước thành viên EU cũng sẽ không được phép đề nghị các cơ quan tình báo khác để lấy thông tin về đời tư của công dân nước họ nếu điều này bị cấm theo luật quốc gia.
Cuộc đàm phán do Cơ quan tình báo đối ngoại Bundesnachrichtendienst (BND) của Đức chủ trì, diễn ra theo đề nghị của Thủ tướng Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken), người muốn đạt được một thỏa thuận về “các tiêu chuẩn tình báo chung” của EU.
Một ngày trước đó, nhật báo Munich đưa tin Mỹ và Đức có thể sẽ không ký được thỏa thuận không do thám lẫn nhau tại một cuộc đàm phán tương tự do Washington không chỉ từ chối đưa ra cam kết ngừng nghe lén các thành viên Chính phủ Đức trong tương lai, mà còn từ chối cung cấp thông tin về thời điểm bắt đầu nghe lén điện thoại di động của bà Merkel cũng như các chính trị gia cao cấp khác của Đức. Ngoài ra, phía Mỹ cũng bác bỏ yêu cầu của Đức về việc kiểm tra trạm nghe lén tình nghi đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin. Truyền thông Mỹ cho rằng Washington không muốn ký thỏa thuận không do thám với Đức vì e ngại sẽ tạo tiền lệ cho các nước khác.
Trước đó, quan hệ Mỹ - Đức rơi vào căng thẳng sau khi bê bối nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Merkel bị phát giác. Để tháo gỡ tình hình, Đức đã cử phái đoàn quan chức tình báo cấp cao sang Washington để thảo luận, đồng thời đưa ra đề xuất ký thỏa thuận không hoạt động gián điệp lẫn nhau./.

Truyền thông Đức: Thoả thuận "không do thám" với Mỹ có nguy cơ đổ vỡ

Truyền thông Đức: Thoả thuận "không do thám" với Mỹ có nguy cơ đổ vỡ

Hà Nội (TTXVN 14/1)--
Truyền thông Đức ngày 14/1 dẫn nguồn tin thân cận cho biết nhiều khả năng Mỹ và Đức sẽ không thể ký được thoả thuận không do thám lẫn nhau.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn tin của báo Nam Đức (SZ) và Đài phát thanh Bắc Đức (NDR) nêu rõ mặc dù các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra nhưng chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) gần như đã cạn hy vọng sẽ ký được thoả thuận với Mỹ. Theo các nguồn tin trên, Washington không chỉ từ chối đưa ra cam kết ngừng nghe lén các thành viên chính phủ Đức trong tương lai, mà còn từ chối cung cấp thông tin về thời điểm bắt đầu nghe lén điện thoại di động của bà Merkel cũng như các chính trị gia cao cấp khác của Đức. Ngoài ra, phía Mỹ cũng bác bỏ yêu cầu của Đức về việc kiểm tra trạm nghe lén tình nghi đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin.
Hồi tháng trước, truyền thông Mỹ cũng đưa tin Washington không muốn ký thoả thuận không do thám với Đức vì e ngại sẽ tạo tiền lệ cho các nước khác.
Hiện chính phủ Đức chưa đưa ra bình luận về thông tin trên mà chỉ khẳng định đang tiếp tục đàm phán về việc thiết lập nền tảng mới cho hợp tác tình báo song phương với Mỹ.
Trước đó, quan hệ Mỹ - Đức rơi vào căng thẳng sau khi bê bối nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Merkel bị phát giác. Để tháo gỡ tình hình, Đức đã cử phái đoàn quan chức tình báo cấp cao sang Washington để thảo luận, đồng thời đưa ra đề xuất ký thoả thuận không hoạt động gián điệp lẫn nhau. Với những tiến triển tích cực ban đầu, Berlin kỳ vọng có thể sớm ký được thoả thuận như vậy, nhất là khi Mỹ tuyên bố sẽ không do thám, hoạt động tình báo kinh tế hay vi phạm luật pháp Đức. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đã có động thái hoà giải với nhà lãnh đạo Đức khi điện đàm với bà Merkel và mời bà tới thăm Mỹ. Thủ tướng Đức nhận lời nhưng chưa cho biết thời điểm tiến hành chuyến công du./.

Thủ lĩnh biểu tình Thái Lan tuyên bố không nhân nhượng, không thương lượng

Thủ lĩnh biểu tình Thái Lan tuyên bố không nhân nhượng, không thương lượng


Hà Nội (TTXVN 16/1)--


Phóng viên TTXVN tại Thái Lan cho biết ngày 16/1, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban (Xu-thép Thau-xu-ban) đã thách thức chính quyền Thái Lan thực hiện lệnh bắt giữ ông, khi tuyên bố ông ta đã sẵn sàng và mời cảnh sát thực hiện. Ông Suthep tuyên bố: "Người biểu tình sẽ chiến đấu đến cùng, họ sẽ không thương lượng và không nhân nhượng. Nếu cảnh sát muốn bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình thì xin mời, những người biểu tình đã sẵn sàng".
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul (Xu-ra-pông Tô-vi-chác-chai-cun) yêu cầu cảnh sát khẩn trương bắt giữ ông Suthep và các thủ lĩnh đối lập khác. Có tin cảnh sát Thái Lan đang lên kế hoạch và thành lập một đội đặc nhiệm để từng bước theo dõi và bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình.
Tình hình căng thẳng dường như lại bắt đầu gia tăng khi chính phủ tuyên bố vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch tổ chức bầu cử, còn phe biểu tình đang cố tận dụng cơ hội này để kêu gọi thêm nhiều người xuống đường ủng hộ họ.
Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan hiện đang cố gắng kết nối với Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra (Dinh-lúc Xin-vắt) để thương lượng về khả năng hoãn cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 2/2 tới sau khi chính phủ không đáp lại lời mời gặp gỡ của họ. Trước đó, ủy ban này từng từ chối lời mời tham dự một diễn đàn bàn về đề xuất hoãn bầu cử do chính phủ tổ chức, trong đó đa phần các đại biểu đều ủng hộ cuộc bầu cử cần diễn ra theo đúng lịch trình. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử Thái Lan dường như không muốn thực hiện nhiệm vụ của họ với lý do tiến trình tổ chức sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Trong khi đó, Thủ lĩnh biểu tình Suthep cũng khẳng định phong trào biểu tình chống chính phủ sẽ không chấp nhận một giải pháp mà cả hai cùng thắng, ám chỉ một kết quả tốt có thể được cả chính phủ và người biểu tình chấp nhận. Theo ông này, người dân sẽ không thất bại, nhưng chiến thắng thế nào và vào thời điểm nào thì người biểu tình chưa thể xác định.
Chiến dịch "đóng cửa Bangkok" do ông Suthep phát động bắt đầu từ ngày 13/1 và dự kiến kéo dài khoảng 20 ngày, với mục tiêu chính là ngăn cản cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 tới. Ước tính chiến dịch biểu tình này có thể gây thiệt hại khoảng 1,25 tỷ USD cho nền kinh tế Thái Lan./.

Thái Lan: Người biểu tình sẽ phong tỏa tất cả các cơ quan chính quyền cuối tuần này

Thái Lan: Người biểu tình sẽ phong tỏa tất cả các cơ quan chính quyền cuối tuần này


Hà Nội (TTXVN 16/1)--


Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 16/1, ngày thứ tư của chiến dịch "chiếm đóng Bangkok", thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban (Xu-thép Thau-xu-ban) tuyên bố rằng đến cuối tuần này, người biểu tình sẽ phong tỏa tất cả các cơ quan nhà nước còn đang hoạt động.
Đến nay, Cục Hải quan, Bộ Thương mại và Bộ Lao động Thái Lan tại Bangkok đã bị người biểu tình bao vây. Theo kế hoạch của ông Suthep, đến cuối tuần này, người biểu tình sẽ phong tỏa tất cả các cơ quan nhà nước và sau đó sẽ phong tỏa nhà riêng của từng thành viên Nội các. Tuy nhiên, không thấy họ tuyên bố sẽ phong tỏa sân bay hay thị trường chứng khoán.
Cùng ngày, Ủy ban bầu cử quốc gia cho biết Chính phủ vẫn chưa có câu trả lời về đề xuất tổ chức một cuộc họp riêng với cơ quan này để thảo luận việc hoãn tổng tuyển cử. Các thành viên Ủy ban bầu cử khẳng định cần phải tổ chức cuộc họp này bởi nếu có thể nhất trí được các khía cạnh luật pháp, bế tắc sẽ được giải quyết. Trong trường hợp ngược lại, Ủy ban bầu cử sẽ chuyển ý kiến của họ lên Tòa án Hiến pháp giải quyết.
Tại diễn đàn đặc biệt về bầu cử do chính phủ tổ chức ngày 15/1, đa số các thành viên tham dự đều ủng hộ tiến hành bầu cử đúng kế hoạch, đồng thời cho rằng Chính phủ và Ủy ban bầu cử không có quyền thay đổi kế hoạch này.
Chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" dự kiến kéo dài khoảng 20 ngày, với mục tiêu chính là ngăn cản cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 tới. Đã có 8 người thiệt mạng và nhiều người bị thương kể từ khi làn sóng biểu tình chống chính phủ bùng phát ngày 31/10/2013. Ước tính chiến dịch biểu tình này có thể gây thiệt hại khoảng 1,25 tỷ USD cho nền kinh tế Thái Lan.
Tin mới nhất cho biết đồng baht (bạt) Thái Lan đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua và các loại cổ phiếu đều mất giá sau khi có tuyên bố trên của ông Suthep./.

Thái Lan: Chính phủ yêu cầu bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình

Thái Lan: Chính phủ yêu cầu bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình


Hà Nội (TTXVN 16/1)--


Ngày 16/1, Chính phủ tạm quyền Thái Lan đã yêu cầu cảnh sát bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình đối lập, những người đã đe dọa bắt giữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra (Dinh-lúc Xin-vắt) và đang làm tê liệt nhiều khu vực ở trung tâm thủ đô Bangkok.
Giới chức Thái Lan nhận định chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" của người biểu tình, hiện đã bước sang ngày thứ tư, nhằm buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra rời nhiệm sở dường như đang mất dần động lực với một số lượng khiêm tốn người biểu tình trên các đường phố. Ước tính lượng người biểu tình trên các tuyến phố ở Bangkok vào sáng 16/1 chỉ còn lại chưa đầy 1/3 so với tối hôm trước.
Sau cuộc họp với Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Adul Saengsingkaew, Phó Thủ tướng tạm quyền Surapong Tovichakchaikul (Xu-ra-pông Tô-vi-chác-chai-cun) tuyên bố nhiệm vụ của cảnh sát là bắt giữ khẩn cấp thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban (Xu-thép Thau-xu-ban) do ông này đang bị truy nã vì tội nổi dậy. Ông Surapong cảnh báo nếu không có động thái như vậy, cảnh sát sẽ phải đối mặt với các cáo buộc không thực hiện chức trách theo luật định, và Thái Lan sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Trong khi đó, các thủ lĩnh của phong trào chống chính phủ vẫn đang tự do đi lại khắp thành phố, đưa ra các phát biểu quá khích và tiếp tục huy động tài chính từ những người biểu tình, bất chấp các lệnh truy nã do liên quan tới tình trạng bất ổn kéo dài hơn 2 tháng qua.
Chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" dự kiến kéo dài khoảng 20 ngày, với mục tiêu chính là ngăn cản cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 tới. Đã có 8 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương kể từ khi làn sóng biểu tình chống chính phủ bùng phát ngày 31/10/2013.

Thái Lan: Khó khăn trong công tác tổ chức tổng tuyển cử - Quân đội được huy động bảo đảm an ninh, trật tự

Thái Lan: Khó khăn trong công tác tổ chức tổng tuyển cử


- Quân đội được huy động bảo đảm an ninh, trật tự

Hà Nội (TTXVN 16/1)--


Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 16/1, Tổng thư ký Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan Puchong Nutrawong (Pu-chông Nu-tra-vông) cho biết vẫn chưa thể tuyển được khoảng 140.000 nhân viên theo yêu cầu để phục vụ quá trình bỏ phiếu tại 15 tỉnh miền Nam nước này dù chỉ còn ba tuần nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử.
Theo ông Puchong, Ủy ban bầu cử quốc gia đã phải áp dụng điều 20 của Luật Bầu cử yêu cầu các cơ quan chính phủ cử người phục vụ cuộc bỏ phiếu sắp tới. Ngoài ra, ủy ban trên cũng gặp khó khăn trong việc tìm các địa điểm bỏ phiếu. Về việc này, ủy ban sẽ đề nghị chính quyền ở các tỉnh miền Nam thành lập các điểm tạm thời để sử dụng cho mục đích bầu cử.
Liên quan tới công tác bầu cử ở thủ đô Bangkok, nơi sẽ có khoảng 6.000 đơn vị bỏ phiếu, Tổng thư ký Puchong cho biết sẽ tìm kiếm trợ giúp của chính quyền Bangkok, Bộ Giáo dục và quân đội trong việc cử người thực hiện nhiệm vụ.
Trước đó, tại diễn đàn đặc biệt về bầu cử do chính phủ tổ chức ngày 15/1, các đại diện tham gia đã nhất trí tổ chức tổng tuyển cử đúng thời hạn vào ngày 2/2 tới. Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra (Dinh-lúc Xin-vắt) nhấn mạnh bầu cử là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc hiện nay.
Trong khi đó, chiến dịch "Chiếm đóng Bangkok" của phe đối lập đã bước sang ngày thứ tư. Hai người biểu tình đã bị thương sau khi xảy ra hàng loạt các vụ nổ và bắn súng tại quận thương mại ở Bangkok. Các thủ lĩnh biểu tình tố cáo lực lượng chính phủ đứng sau các vụ bạo lực này nhằm đe dọa người biểu tình tham gia phong trào. Cảnh sát thủ đô đã nhất trí phối hợp với người biểu tình lập chốt tuần tra tại các điểm biểu tình. Quân đội cũng đã được điều động để duy trì an ninh trật tự, đồng thời trợ giúp về y tế.
Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul (Xu-ra-pông Tô-vi-chác-chai-cun) cho biết đã đề nghị cảnh sát bắt khẩn cấp thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban (Xu-thép Thau-xu-ban) và các phụ tá của ông. Phó Thủ tướng Thái Lan cảnh báo nếu không có động thái như vậy, quốc gia này sẽ "rơi vào tình trạng hỗn loạn".
Cùng ngày 16/1, người phát ngôn đảng Dân chủ (DP - đối lập) cho biết đảng này sẽ không tham gia bất kỳ nỗ lực nào của chính phủ tìm kiếm giải pháp cho những xung đột chính trị hiện nay, trừ phi thủ phạm đánh bom khu tư gia của Chủ tịch DP Abhisit Vejjajiva (A-bi-xít Vây-gia-gi-va) bị bắt giữ./.

Каталог: Upload
Upload -> -
Upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
Upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
Upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
Upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
Upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
Upload -> CHỦ TỊch nưỚC
Upload -> CHỦ TỊch nưỚC
Upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
Upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 285.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương