V/v Thông qua đề án Đặt tên đường phố 02 thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo huyện Hướng Hóa



tải về 218.88 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.03.2018
Kích218.88 Kb.
#36548

ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


TỈNH QUẢNG TRỊ Độc lập - Tự do - hạnh phúc

Số: 616 /TTr-UBND Đông Hà, ngày 20 tháng 3 năm 2008



TỜ TRÌNH


V/v Thông qua đề án Đặt tên đường phố 02 thị trấn

Khe Sanh và Lao Bảo huyện Hướng Hóa

Kính gửi: Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị

Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2004-2009

Thực hiện Thông báo số 22/TB-TT, ngày 25/02/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kỳ họp thứ 12, kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa V, UBND tỉnh đã tổ chức xây dựng đề án: "Đặt tên đường phố 02 thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo huyện Hướng Hóa".

Kính trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua để triển khai thực hiện./.

Nơi nhận: TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

- Như trên; CHỦ TỊCH

- CT, các PCT;

- Sở VHTT;

- UBND huyện Hướng Hóa;

- CVP, PVP, CV;

- Lưu: VT, VX. (Đã ký)


Lê Hữu Phúc

UỶ BAN NHÂN DÂN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH QUẢNG TRỊ Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

Số: /ĐA-UBND Đông Hà, ngày tháng 3 năm 2008



ĐỀ ÁN

Đặt tên đường phố 02 thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo

huyện Hướng Hóa


Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Đặc điểm tình hình và khả năng phát triển kinh tế xã hội:

Hướng Hoá là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Trị, có thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo; là điểm đầu và điểm cuối nối 7 xã dọc đường 9 tạo thành Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo; có Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo trên trục “Hành lang kinh tế Đông Tây”; có vị trí, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Từ những đặc điểm cơ bản như vậy, cùng với đất nước đang trên đường hội nhập kinh tế, có những thách thức và những cơ hội lớn đòi hỏi một số yêu cầu lớn đặt ra là: Phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông liên lạc, nhằm thúc đẩy sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân;

Việc đặt tên đường hai thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hoá – xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử – văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.

Vì vậy, việc lập đề án đặt tên đường cho hai thị trấn là hết sức quan trọng và cần thiết để góp phần phấn đấu xây dựng thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo đến năm 2015 trở thành đô thị loại 4.

2. Những căn cứ để xây dựng Đề án:

- Căn cứ Nghị định số: 91/2005/NĐ-CP, ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc Ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

- Căn cứ Thông tư số: 36/TT-BVHTT, ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin về việc Hướng dẫn một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng;

- Căn cứ Quyết định số: 36/2005/QĐ-BGTVT ngày 21/7/2005 của Bộ Giao Thông - Vận Tải quy định về việc đặt tên hoặc số hiệu đường phố;

- Căn cứ vào hệ thống đường, phố đã được quy hoạch của thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo và một số đường được điều chỉnh sau quy hoạch.

Phần thứ hai

NGUYÊN TẮC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG, PHỐ

- Tên đường phố được đặt gồm có các địa danh, danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc, những người có công lao to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước tại địa phương và trong cả nước; những di tích lịch sử, sự kiện văn hoá.

- Đường được đặt tên phải có chiều dài ít nhất là 100m, chiều rộng là 4m. Tuỳ theo loại đường lớn, nhỏ, tầm chiến lược của nó để đặt tên tương xứng với vị trí các danh nhân lịch sử, không phải nhất thiết đặt hết tên đường.

- Ngoài một số đường trong quy hoạch được đặt tên, các đường còn lại tuỳ theo vị trí địa lý, mức độ lớn nhỏ để đặt kiệt, ngõ, hẻm…

- Các đường nối góc vuông, nếu quá ngắn thì chỉ đặt một tên đường.

- Tên các di tích lịch sử, sự kiện văn hoá, danh nhân lịch sử… được đặt trên đường đó, phải phù hợp điều kiện lịch sử hoặc tương xứng với công lao của các danh nhân lịch sử.


Phần thứ ba

ĐẶT TÊN ĐƯỜNG, PHỐ THỊ TRẤN KHE SANH VÀ LAO BẢO


A. Các địa danh, danh nhân dùng để đặt tên đường:

I. Thị trấn Khe Sanh

1. HỒ CHÍ MINH (1890 – 1969)

Vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã được đặt tên.

2. HÙNG VƯƠNG

Hùng Vương là vị vua có công lập nước Văn Lang, Hùng Vương cũng là tên hiệu Triều đại đầu tiên của người Việt Nam, kéo dài 18 đời vua. Ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ Hùng Vương.

3. LÊ LỢI (1385 – 1433)

Ông quê ở Lam Sơn (Thọ Xuân – Thanh Hoá). Năm 1417 ông phất cờ khởi nghĩa chống quân nhà Minh. Năm 1427 ông lên ngôi vua, tên thuỵ là Lê Thái Tổ, đặt hiệu nước là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (Hà Nội ngày nay). Ông là vị vua khai sáng nhà Lê, là anh hùng dân tộc.

4. NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442)

Ông có hiệu là Ức Trai, quê ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Ông là anh hùng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất. Ông thảo “Bình Ngô Đại Cáo” đó là Bản Tuyên ngôn độc lập được người đời sau đánh giá là áng “Thiên cổ hùng văn”.

5. 9 THÁNG 7

Ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị (ngày 9 tháng 7 năm 1968)

6. CHU VĂN AN (1292 – 1370):

Tên thật là Chu An, hiệu là Tiểu An, tên chữ là Linh Triệt là một đại quan nhà Trần, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Quê ở làng Quang Liệt phía Nam thành Thăng Long, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay. Ông là nhà giáo dục, nhà văn đời Trần, ông đỗ Tiến sĩ, sau khi từ quan, về quê mở trường dạy học.

7. PHAN CHU TRINH (1872 – 1926)

Ông quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam nay xã Tam Phước, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông đỗ Phó Bảng năm 1901, làm quan Bộ Lễ; là nhà hoạt động yêu nước chống Pháp với xu hướng cải cách.

8. NGUYỄN KHUYẾN (1835 – 1909)

Cháu đời thứ tư của Tiến sĩ Nguyễn Lê. Quê ở làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ đầu cả ba khoa thi: Thi hương, Thi hội, Thi đình, nên dân làng Yên Đổ gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ. Ông là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông làm quan dưới Triều Nguyễn, đến chức Học sĩ sung chức toản tu ở Quốc tử giám.


9. ĐÀO DUY TỪ (1572 – 1634)


Là một nhà thơ Việt Nam có tiếng ở thế kỷ XVI – XVII, người có tài, học giỏi nhưng không được đi thi; vì ông xuất thân từ một gia đình ca hát. Ông để lại nhiều áng thơ có giá trị và chính ông là tác giả cuốn sách binh pháp “Hổ Tướng Khu Cơ”.

10. NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822 – 1888)

Nhà hoạt động yêu nước, Ông viết bài văn tế “Nghĩa sỹ Cần Giuộc” với nhiều tác phẩm văn thơ khác đã có ảnh hưởng rộng khắp Bắc Trung Nam. Ông quê ở huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc tỉnh Bến Tre).

11. ĐINH TIÊN HOÀNG (924 – 979)

Quê ở Động Hoa Lư, Châu Đại Hoàng. Nay là huyện Hoa Lư. Năm 968 ông lên ngôi vua, hiệu là Đại Thắng Minh Vương, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.

12. NGUYỄN BIỂU (? – 1413)

Nguyễn Biểu là một trung thần nhà Trần, quê ở làng Nội Diên, huyện Chi La, Nghệ An nay là xã Đức Diên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ Thái học sinh (Tiến sỹ) đời vua Trần Trùng Quang, làm quan đến chức Điện tiến thị Ngự sử.

13. ĐOÀN KHUÊ

Quê huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam.

14. TRẦN CAO VÂN (1866 – 1916)

Ông người làng Từ Phú, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Là người thầy dạy học và truyền bá lòng yêu nước sâu sắc cho học sinh và nhân dân. Năm 1898 ông cùng Võ Trứ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại Phú Yên.

15. TRƯỜNG CHINH (1907 – 1988)

Nhà hoạt động cách mạng, Ông quê ở huyện Xuân Trường (Nam Định). Năm 1927 ông gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Cuối năm 1936 là Đại biểu của Đảng cộng sản Đông Dương trong UBMT dân chủ Bắc Kỳ. Là chủ bút của báo Giải phóng, tại Hội nghị lần thứ VIII của Đảng tháng 5/1941 ông được cử vào BCH trung ương Đảng và giữ chức Tổng bí thư của Đảng.

16. TRẦN HOÀN

Quê ông ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nguyên là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Ông có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng và văn thơ Việt Nam.

17. NGUYỄN VIẾT XUÂN (1933 – 1964)

Quê ở quán xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Anh là cán bộ đại đội, chỉ huy đội cao xạ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Anh hy sinh dũng cảm tại trận địa khi tuổi đời vừa tròn 31. Anh được Nhà nước truy tặng: Anh hùng lực lượng vũ trang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

18. PHẠM NGŨ LÃO (1255 – 1320)

Ông người làng Phù Ủng, nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. ông là danh tướng thời Trần, là người văn võ song toàn. Lần lượt giữ chức Võ tướng: Hữu kim ngô vệ đại tướng quân, Thần vệ đại tướng quân, Điện suý thượng tướng quân, Tước nội hầu. Được ban Phù vàng hình rùa và Phù hình hổ.

19. HÀM NGHI (1872 – 1943)

Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con của Kiến Thái Vương Nguyễn Phúc Hông Cai, được hai quyền thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa lên ngôi năm 1884 là nhà Vua yêu nước chống Pháp.

20. CHẾ LAN VIÊN (1920 – 1989)

Tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê ở xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Sau năm 1945 ông làm việc tại Hà Nội, giữ nhiều chức vụ trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ. Đại biểu Quốc Hội, Uỷ viên Ban Văn hoá Giáo dục của Quốc Hội … ông là nhà thơ, là tác giả của hàng chục thi phẩm.

21.VÕ THỊ SÁU (1935 – 1952)

Quê làng Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, nay là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Năm 12 tuổi Võ Thị Sáu theo anh trai vào chiến khu học chữ, học chính trị và giác ngộ cách mạng. Năm 1949 chị lãnh 3 quả lựu đạn về thị xã Bà Rịa giết chết Đại uý Pháp và làm bị thương 20 tên lính Ngụy. Chị là người con gái Đất Đỏ anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 17.

22. PHAN ĐÌNH PHÙNG (1847 – 1895)

Ông quê làng Đông Thái, huyện La Sơn nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Khi vua Hàm Nghi ra Tân Sở kháng Pháp ông đã hợp tác với phong trào Cần Vương tập hợp nghĩa quân kháng chiến chống Pháp và xây dựng căn cứ ở vùng rừng núi Vụ Quang, Hương Sơn, Hương Khê. Là Lãnh tụ của khởi nghĩa Hương Khê.

23. HÀ HUY TẬP (1901 – 1941)

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông quê ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

24. BÙI THỊ XUÂN (? – 1802)

Bùi Thị Xuân chưa rõ ngày tháng năm sinh, là một nữ tướng kiệt xuất của Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Quê bà ở làng Xuân Hoà, Phủ Quy Nhơn, nay là huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.

25. HAI BÀ TRƯNG

Cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ nhà Hán do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo, nổ ra ở Hát Môn (Phú Thọ – Hà Tây) vào mùa xuân năm 40.

26. TRẦN HỮU DỰC (1910 – 1993)

Quê ông ở làng Dương Lệ Đông, Tổng An Gia, phủ Triệu Phong, nay là xã Triệu Thuận, huyện Triệu phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là nhà hoạt động cách mạng được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách; Uỷ viên trung ương Đảng, Đảng đoàn Chính phủ; Chủ nhiệm tổng cục hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam; Uỷ viên Quân uỷ Trung ương; Bộ trưởng Bộ Nông Trường, Bộ trưởng Phủ Thủ Tướng; Bí thư khu uỷ Trị Thiên Huế, Trưởng ban công tác đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao… ông là uỷ viên BCH Trung ương Đảng khoá IV, V và liên tục là Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VI. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương cao quý khác.

27. LÊ HÀNH

Quê ông ở Quảng Trị, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị

28. TRẦN NGUYÊN HÃN (? – 1429)

Ông Trần Nguyên Hãn là một vị Tướng thời vua Lê Thái Tổ, quê ở làng Sơn Đông, phủ Vĩnh Tường nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Không rõ ngày sinh của ông.

Khi quân Minh sang chiếm nước ta, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn ở Nghệ An (1425), ở Đông Đô (1426)… từ đó tiếng tăm ông lừng lẫy. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thành công ông được phong Tả Tướng Quân (1428), trước đó (1427) ông được phong Thái Uý.

29. TRƯƠNG ĐỊNH (1820 – 1864)

Nhân sỹ yêu nước, Lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp. Ông quê ở tỉnh Quảng Ngãi.

30. TRẦN QUANG KHẢI (1241 – 1294)

Ông Trần Quang Khải hiệu là Lạc Đạo tiên sinh, quê ở làng Tức Mạc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Ông là con thứ 3 của Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) ông học nhiều biết rộng, có tài văn chương, giỏi việc binh đao, quân sự, đối ngoại. Ông giữ chức Tướng Quốc Thái uý, rồi thăng đến Thái Sư.

31. ĐẶNG THAI MAI (1902 – 1984)

Ông người làng Công Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trước năm 1945, ông dạy học ở trường Quốc Học Huế, tham gia Đảng Tân Việt. Sau đó ông ra Hà Nội mở trường tư thục Thăng Long. Năm 1945, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng Viện văn học…

32. NGÔ SĨ LIÊN

Ông là sử gia đời vua Lê Thái Tông, chưa rõ năm sinh và năm mất. Quê ở làng Chúc Lý, huyện Chương Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Năm 1442 ông đỗ Tiến sĩ, làm Tả thị lang Bộ Lễ, rồi giữ việc biên soạn sử sách ở Hàn Lâm Viện, sau đó giữ chức Đô ngự sử.

33. BÙI DỤC TÀI

Quê làng Câu Nhi, Hải Lăng, ông đỗ tiến sỹ năm Nhâm Tuất (1502), là người văn chương lừng lẫy, làm quan đến chức Hàn Lâm Hiệu Lý, Tham chính đạo Thanh Hóa. Năm 1509 thăng Tả nhị lang Bộ Lại, năm 1516 thăng Tham tướng. Ông là một trong những người khoa bảng đầu tiên của đất Quảng Trị.

34. PHẠM HÙNG (1912 – 1988)

Nhà hoạt động cách mạng, giữ chức Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng. Ông quê ở huyện Châu Thành (Trà Vinh).

35. NGUYỄN VĂN LINH (1915 – 1998)

Nhà hoạt động cách mạng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Ông quê ở huyện Mĩ Văn (Hưng Yên).

36. VĂN CAO (1923 – 1995)

Ông sinh ra tại phường Lạch Tray, thành phố Hải Phòng. Văn Cao là một thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa và cũng là một họa sĩ, ông giữ chức phó Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

37. LÊ THÁNH TÔNG (1442 – 1497)

Lê Thánh Tông có tên thật là Lê Tư Thành là con thứ tư của Lê Thái Tông. Ông lên ngôi vua năm 1460, khi ông tròn 18 tuổi. Là ông vua thông minh, hiểu rất nhiều môn học thuật, đất nước lúc bấy giờ rất thịch vượng, kinh tế, chính trị, văn hoá canh tân thích hợp, được nhân dân ngưỡng mộ và bảo vệ.

38. NGUYỄN THỊ ĐỊNH (1920 – 1992)

Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Anh hùng lực lượng vũ trang. Bà quê ở tỉnh Bến Tre, tham gia cách mạng từ nhỏ.

39. ĐỘNG TRI

Là địa danh, còn gọi là Động Voi mẹp, ngọn núi thiêng của tỉnh Quảng Trị nằm ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

40. NGUYỄN HỮU THẬN

Quê ông ở làng Đại Hòa, tổng An Dã, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong, nay thuộc xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Ông là một nhà thiên văn học, nhà toán học, là tác giả bộ sách "Ý trai toán pháp nhất đắc lục".

41. ĐINH CÔNG TRÁNG (1842 – 1887)

Ông người làng Tràng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông đã chiến đấu trong đội quân Hoàng Kế Viên, được cử chỉ huy Cứ điểm Ba Đình.



II. Thị trấn Lao Bảo:

1. TRẦN HƯNG ĐẠO (1228 – 1300)

Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, cháu vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), con trai An sinh Vương Trần Liễu, tước Hưng Đạo Đại Vương quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, nay thuộc tỉnh Nam Định. Ông là danh tướng nhà Trần, nhà quân sự tài giỏi của Việt Nam, ông đã làm tiết chế các Đạo quân thuỷ, bộ và ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông xâm lược đã ghi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Ông để lại cho hậu thế ba tác phẩm mãi mãi lưu truyền rộng rãi, đó là: Hịch tướng sỹ, Binh thư yếu lược và Vạn kiếp tông bí truyền thư.

2. NGUYỄN HUỆ (1753 – 1792)

Ông quê ở ấp Kiên Thành vùng Tây Sơn, nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, trưởng thành từ phong trào Tây Sơn. Vị Hoàng Đế anh hùng và tài giỏi. Sau khi đánh tán quân Thanh, dẹp yên thù trong giặc ngoài Nguyễn Huệ - Quang Trung bắt tay xây dựng đất nước.

3. TRẦN PHÚ (1904 – 1931)

Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Đông Dương. Ông quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và nhân dân Việt Nam, đã oanh liệt hy sinh cho sự nghiệp cách mạng.

4. LÊ HỒNG PHONG (1902 – 1942)

Tên thật là Lê Huy Doãn, quê thôn Đông Thông, làng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên nay thuộc xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Nhà hoạt động cách mạng, ông là một trong những lãnh tụ lớp đầu của Đảng cộng sản Đông Dương. Đại hội thứ nhất Đảng cộng sản Đông Dương, tại Ma Cao - Trung Quốc (1935) ông được bầu vào BCH TW Đảng và giữ chức Tổng thư ký (Tổng Bí thư) của Đảng.

5. TRẦN MẠNH QUỲ (1912 - 1997)

Ông quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ. Ông có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đặc biệt là ở Quảng Trị và các tỉnh Miền Trung.

6. TỐ HỮU (1920 – 2000)

Quê quán: Phù Lai, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế. Nhà cách mạng, nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại.

7. LÊ QUÝ ĐÔN (1726 – 1784)

Ông Lê Quý Đôn là nhà Bác học Việt Nam thời Hậu Lê thế kỷ 18. Quê ở Duyên Hà, Phủ Tiên Hưng, Trấn Sơn Nam Hạ nay thuộc tỉnh Thái Bình. “Là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn, cốt cách thơ trong sáng, lời văn hồn nhiên…, không cần suy nghĩ mà trôi chảy, không chỗ nào không đạt tới…”

8. NGUYỄN CHÍ THANH (1914 – 1967)

Quê ở làng Niêm Phò, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông là một cán bộ lãnh đạo của Đảng, của quân đội có tài năng đức độ, nghị lực và góp phần tích cực vào to lớn vào chiến thắng vẻ vang của quân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN.

9. TÔN ĐỨC THẮNG (1888 – 1980)

Nhà hoạt động cách mạng. Ông quê ở Long Xuyên (nay thuộc An Giang). Năm 1919, ông tham gia cuộc binh biến tại Biển Đen ông tự tay kéo lá cờ đỏ lên đỉnh cột cờ tàu Phơrăngxơ để chào mừng Cách mạng tháng mười Nga. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, nhà nước, mặt trận. Năm 1969 làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

10. LÊ THẾ TIẾT (1900 – 1940)

Ông người làng Tường Vân, phủ Triệu Phong, nay là xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Trường Quốc Tử Giám, bổ làm Thừa Phái Phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, rồi làm Bí thư tỉnh uỷ Đảng bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Ông là một trí thức yêu nước, tự nguyện rời bỏ chốn quan trường để dấn thân vào con đường cứu nước đúng đắn dưới sự ảnh hưởng của cha và theo quan điểm, tư tưởng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

11. LÝ THƯỜNG KIỆT (1019 – 1105)

Ông là người làng Yên Xá, Phủ Thái Hoà, thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Ông là danh tướng đại thần nhà Lý có công phò tá vua xây dựng nước Đại Việt thành Quốc gia phong kiến cường thịnh. Ông giữ chức Thái uý. Tổ chức thành công kháng chiến chống quân nhà Tống xâm lược. Ông là tác giả của bài thơ “ Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” là Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam.

12. PHẠM VĂN ĐỒNG (1906 – 2000)

Nhà hoạt động cách mạng. Ông quê ở xã Đức Tân, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Phạm Văn Đồng là “Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhà nước và nhân dân ta; người con rất mực trung thành suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; người bạn tin cậy của bạn bè Quốc tế; nhà văn hoá lớn của dân tộc”.

13. BẠCH ĐẰNG

Bạch Đằng Giang là con sông lớn và nổi tiếng với ba chiến công của dân tộc Việt Nam. cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán của Ngô Quyền, cuộc kháng chiến chống quân Tống của Lê Hoàn và cuộc thuỷ chiến của Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên.

14. NGÔ QUYỀN (899 – 944)

Quê quán Ông ở Đường Lâm, huyện Phúc Lộc, Châu Giao, (nay thuộc tỉnh Hà Tây thành phố Hà Nội). Ông là vị tướng tài đánh bại quân Nam Hán lần thứ nhất (930 – 931) rồi được uỷ quyền trông coi Châu Ái (Thanh Hoá ngày nay). Năm 939 ông lên ngôi vua, đóng đô ở Cổ Loa.

15. HOÀNG HOA THÁM (1845 – 1913)

Tên thật là Trương Nghĩa, Ông quê ở làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế. Ông là vị anh hùng dân tộc, yêu nước bất khuất trong lịch sử Việt Nam chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

16. THẠCH HÃN

Thạch Hãn là con sông dài nhất và lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, Thạch Hãn bắt nguồn từ những dãy núi phía tây Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, được hợp thành bởi hai con sông chính ở ngã ba Gia Độ là Sông Hãn (Quảng Trị) và sông Hiếu (Cam Lộ) đổ ra biển ở cửa Việt Yên.

Nói đến con sông này chắc không một ai quên 81 ngày đêm, bom đạn rền trời, giao thông hào nước ngập ngang cổ với tinh thần không có gì quý hơn độc lập tự do quân nhân quân đội nhân dân Việt Nam đã bẻ gãy việc tái chiếm toàn bộ Quảng Trị của đế quốc Mỹ… có nhiều người đã ngã xuống trên đoạn sông này mãi mãi với tuổi 20; và cũng là bến sông giới tuyến thực hiện việc trao trả những người bị bắt, tù binh của hai bên trong chiến tranh (năm 1973).

17. NGUYỄN TRI PHƯƠNG (1800 – 1873)

Quê ở làng Đường Long, Tổng Chánh Lộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên cũ (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế) ông tài đức hơn người nên được Thượng thư Nguyễn Đăng Tuân tiến cử vua Minh Mạng đề bạt ông làm Hàm Điển Bộ (Bộ thư ở Nội điện), ông được thăng đến Thống Đốc quân vụ ở Nam Kì và Bắc Kì. Ông nêu gương oanh liệt hy sinh và bất hợp tác với giặc Pháp, kiên quyết chống ngoại xâm.

18. ÔNG ÍCH KHIÊM (1831 – 1884)

Ông có hiệu là Mạc Chi, quê ở làng Hoà Châu, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là thành phố Đà Nẵng). Đỗ Cử Nhân năm 1853 được bổ làm Tri huyện kim thành tỉnh Hải Dương. Ông là người văn võ song toàn, đã cầm binh dẹp các cuộc loạn chống Triều đình.

19. HUỲNH THÚC KHÁNG (1857 – 1947)

Ông người huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Nhà nho tiến bộ lãnh đạo cuộc vận động Duy Tân. Ông đỗ Hoàng Giáp (Tiến sĩ) năm 1904 nhưng không ra làm quan. Ông tham gia hoạt động cách mạng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp (1946).

20. KIM ĐỒNG (1929 – 1943)

Tên thật là Nông Văn Dền, dân tộc Nùng người quê ở bản Nà Mạ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (gần hang Pắc Bó), là một thiếu niên rất dũng cảm, hăng hái nhận làm liên lạc cho cách mạng. Kim Đồng bị giặc Pháp bắn chết trên đường công tác năm 1943, khi anh mới lên 15 tuổi. Kim Đồng được truy tặng là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

21. MAI THÚC LOAN (? - 723)

Mai Thúc Loan người làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Thọ, nay thuộc xã Thạch Bắc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1722 ông đứng đầu và cùng con trai Mai Thúc Huy dấy binh làm cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ, thống trị nhà Đường, thắng lợi chiếm được Phủ Thành, tự lập làm vua là Mai Hắc Đế, bởi sống ở làng muối, da ông đen nên người ta gọi là Hắc Đế, họ Mai.

22. LÊ THẾ HIẾU (1892 – 1947)

Ông Lê Thế Hiếu quê ở làng Tường Vân, phủ Triệu Phong, nay là xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là người rất thông minh, đỗ Tú Tài nho học, đỗ Tiểu học Tây học. Là lãnh tụ của phong trào “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” ở Quảng Trị. Năm 1929 ông bị thực dân Pháp bắt và tuyên án tử hình nhưng sau đó hạ xuống tù chung thân đầy biệt xứ qua các nhà đày Lao Bảo, Vinh, Đakto.

Năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, ông ra tù tiếp tục làm Chủ tịch UBMT Dân tộc giải phóng phủ Triệu Phong, rồi làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Ông trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà với số phiếu cao nhất.

23. NGUYỄN THỊ MINH KHAI (1910 – 1941)

Là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1930 – 1940. Quê bà ở xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, Nghệ An.

24. TRẦN THỊ TÂM

Anh hùng liệt sỹ lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

25. LÊ CHƯỞNG (1914 - 1973)

Quê quán làng Long Quang, phủ Triệu Phong, nay là xã Triệu Trạch (Long Quang trước đây có thời kỳ thuộc xã Triệu Thành) huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là thanh niên xuất thân từ nông dân, có học, sớm giác ngộ cách mạng có công lao lớn và thành tích với cách mạng, với tổ quốc. Ông được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương cao quý khác. Ông được Nhà vua Lào tặng Huân chương Vạn Tượng, huân chương cao quý nhất của Vương Quốc Lào, Pa Thét Lào tặng Huân chương giải phóng hạng nhất của lực lượng giải phóng Pa Thét Lào.

26. LÝ THÁI TỔ (974 – 1028)

Là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông người làng Cổ Pháp, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

27. PHAN BỘI CHÂU (1867 – 1940)

Nhà hoạt động yêu nước chống Pháp với xu hướng bạo động. Ông quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

28. NGUYỄN HŨU ĐỒNG

Sĩ phu yêu nước, lãnh tụ phong trào Cần Vương, tập hợp quân nhân Quảng Trị đứng lên kháng chiến chống Pháp.

29. HUYỀN TRÂN

Công chúa Huyền Trân là con gái của Trần Nhân Tông em gái của Trần Anh Tông, không rõ ngày sinh và ngày mất. Năm 1306 vua Chiêm dâng Châu Ô và Châu Lý làm sính lễ xin cưới Công chúa Huyền Trân. Huyền Trân về Chiêm Thành, được phong làm Hoàng Hậu, mỹ hiệu Paramecvari.

30. HOÀNG DIỆU (1829 – 1882)

Ông Hoàng Diệu trước có tên là Hoàng Kim Tích, tự là Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, người làng Xuân Đài, huyện Diễn Phước, tỉnh Quảng Nam (nay huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Nhà yêu nước chống Pháp, giữ chức Tổng đốc Hà Ninh.

31. NGUYỄN TRƯỜNG TỘ (1828 – 1871)

Ông quê làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông luôn tha thiết đề nghị vua Tự Đức cải cách các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục… nhằm mở mang phát triển đất nước.

32. PHAN ĐĂNG LƯU (1902 – 1941)

Ông Phan Đăng Lưu quê ở xã Tràng Thanh, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, năm 1925 ông được về Diễn Châu (Nghệ An) làm việc tại Công sở canh nông. Năm 1928, ông tham gia thành lập Tân việt cách mạng Đảng được bầu vào Thường vụ Tổng bộ. Sau khi Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, ông bị bọn thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn.

33. HỒ BÁ KIỆN

Vị lãnh tụ của phong trào Văn Thân, người cần đầu cuộc đấu tranh vượt ngục ngày 28/9/1915 tại nhà đày Lao Bảo.

34. NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491 – 1585)

Ông là người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng. Đỗ Trạng Nguyên năm 1535, bước sang tuổi 45 ông ra làm quan với nhà Mạc giữ chức Thượng Thư Bộ Lại. Ông cũng để lại cho đời nhiều tập thơ phê phán chế độ phong kiến suy thoái đương thời.

35. PHÙNG HƯNG (? – 798)

Ông là một nhân vật lịch sử thế kỷ thứ VIII. Quê ở làng Cam Lâm, nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Năm 770 ông đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống quân nhà Đường. Đến năm 791 quân khởi nghĩa do ông lãnh đạo vây hãm thành Tống Bình (Hà Nội) tướng giặc chết vì khiếp sợ, ông lên làm vua tổ chức cai trị cả nước. Nhân dân suy tôn ông là Bố Cái Đại Vương.

36. NGUYỄN CÔNG TRỨ (1778 – 1858)

Nhà nho nhiều tài năng ở thế kỉ XIX. Ông quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An. Làm quan Triều Nguyễn giữ chức ở nhiều địa phương, được cử làm Doanh Điền Xứ, tổ chức khai hoang lập nên huyện Tiền Hải (Thái Bình) Kim Sơn (Ninh Bình).

37. ĐOÀN BÁ THỪA

Ông là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị từ năm 1931 - 1934

38. ĐÀO DUY ANH (1904 – 1988);

Nguyên quán làng Khúc Thuỷ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, con một gia đình nho học, thuở nhỏ học ở Thanh Hoá, sau về học ở Trường Quốc học Huế. Năm 1923, ông tốt nghiệp bằng Thành Chung, ra làm giáo học ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ông là nhà văn hoá, chuyên gia nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học, Hán Nôm.

39. KHOÁ BẢO (1860 – 1920)

Quê ở làng An Hoá, thành phố Huế. Ông là người nổi tiếng văn võ toàn tài. Năm 1885 ông theo cha phò vua Hàm Nghi bôn tẩu ra căn cứ Tân Sở (nay là vùng đất Cùa, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), khi Kinh thành Huế thất thủ (7/1885).

40. NGUYỄN THIỆN THUẬT (1844 – 1926)

Ông người làng Xuân Dục, huyện Mĩ Hào (nay là huyện Mĩ Văn), tỉnh Hưng Yên. Đỗ Cử nhân năm 1871 là thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy, giữ chức Tán Tương Quân Vụ.

41. NGUYỄN GIA THIỀU (1741 – 1798)

Người làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông Gia Thiều là một nhà thơ có tiếng ở Việt Nam vào thế kỷ XVIII, ông để lại nhiều thơ chữ Hán và chữ Nôm. Ông còn am hiểu và giỏi cả về kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc.

42. HỒNG CHƯƠNG

Quê Phương Sơn, Triệu Sơn, Triệu Phong, Quảng Trị - Đảng viên Đảng công sản Việt Nam, ông tham gia phong trào Dân chủ từ năm 1937 ở Huế. Phụ trách Báo Cứu Quốc của Tỉnh ủy Quảng Trị năm 1940. Hai lần bị Pháp bắt giam ở Huế (1939) và Ban Mê Thuộc (1941). Thoát tù tham gia tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Quảng Trị. Ông từng làm Tổng biên tập Tạp chí "Học Tập", là Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam, ông còn là nhà lý luận phê bình văn học, ông mất năm 1989.

43. LÊ LAI (? – 1418)

Ông Lê Lai người làng Dựng Tú, huyện Lương Giang, nay là xã Kiến Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hoá. Năm 1416 ông được Lê Lợi trao chức Đô Tổng Quản, Tước quan Nội hầu. Năm 1418 Lê Lai cải trang đóng giả liều chết lừa giặc Minh cứu chúa Lê Lợi. Sau kháng chiến chống quân Minh ông được vua Lê Thái Tổ truy phong là “Công thần đệ nhất đẳng” sau đó phong Thái uý. Ngày 21 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ của ông Lê Lai.

44. ĐẶNG TẤT (? – 1409)

Ông là thân phụ nghĩa sỹ Đặng Dung, gốc người huyện Thiên Lộc, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đời nhà Hồ ông được bổ làm Tri phủ Hoá Châu.

45. NGUYỄN TỰ NHƯ

Sỹ phu yêu nước, lãnh đạo nhân dân hưởng ứng hịch Cần Vương của Vua Hàm Nghi đứng lên chống Pháp

46. LÊ VĂN HUÂN (1816 – 1875)

Nhà nho tiến bộ, Lãnh đạo phong trào Duy Tân miền Trung. Ông người huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

47. HỮU NGHỊ

Danh từ nói lên tình hữu nghị, tình đoàn kết Quốc tế.

48. PHAN HUY CHÚ (1782 – 1840)

Ông đỗ hai lần Tú tài, khoa Đinh Mão và khoa Kỷ Mão. Được Triều Nguyễn bổ dụng làm Biên tu viện Hàn Lâm. Ông sinh ở làng Thầy (Sài Sơn) huyện Thanh Oai (tỉnh Hà Tây ngày nay).

49. CAO BÁ QUÁT (1809 – 1855)

Quê ông ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ông nổi tiếng có tài văn thơ (còn để lại 1.300 bài) và có tinh thần chống phong kiến đầu triều Nguyễn. Thơ văn của ông đã liên tục lên án chế độ thối nát đương thời, mô tả cảnh sống cơ cực của quần chúng lao động và bày tỏ mối quan tâm đặc biệt tới vận mệnh quê hương, đất nước.

50. ĐẶNG VĂN NGỮ (1910 -1967)

Nhà khoa học - Bác sỹ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, sang Nhật học, nghiên cứu tìm ra cách nuôi cấy nấm Pênixilin, trở về nước phục vụ kháng chiến.

51. TRẦN QUÝ CÁP (1871 – 1908)

Nhân sỹ yêu nước, Lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp. Ông quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

52. ĐỘI CUNG (? – 1885)

Đội Cung có tên thật là Nguyễn Duy Cung, quê ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Đội Cung là chiến sỹ văn thân chống Pháp, gương dũng liệt của ông có sức cổ vũ tinh thần yêu nước chống Pháp và được lan truyền nhanh chóng một vùng rộng lớn thời bấy giờ ở Miền Trung.

53. NGÔ GIA TỰ (1908 – 1935)

Bí thư Ban chấp hành lâm thời của Đảng bộ Nam kì năm 1930. Ông người huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tham gia phong trào cách mạng, gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, có đóng góp lớn trong việc thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở 5 D, Hàm Long. Ngày 17/6/1929 ông cùng một số đồng chí thành lập Đông Dương cộng sản Đảng.

54. CAO THẮNG ( 1864 – 1893)

Ông là vị tướng trẻ tuổi của Phan Đình Phùng. Ông sáng chế ra súng trường giống súng trường của Pháp thời 1874 về hình dáng, tính năng, tác dụng.

55. CÙ BAI

Một địa danh có phong cảnh rất đẹp thuộc xã Hướng Lập huyện Hướng Hóa, là ranh giới phân chia 2 miền Nam Bắc năm 1954. Tại đây có đồn Biên phòng Cù Bai 02 lần được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

56. HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG (1720 – 1792)

Hải Thượng Lãn ông là hiệu của Cao sĩ, Danh y Lê Hữu Trác, quê ông ở xã Liêu Xá, phường Thường Thống, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Ông Lê Hữu Trác còn gọi là Lê Hữu Huân. Là con thứ bảy của Thượng thư bộ lễ Lê Hữu Mưu. Ông là một danh y tài đức, rất tin thông về y học, văn chương trác tuyệt. Ông đã dày công nghiên cứu các sách thuốc thời xưa kết hợp với kinh nghiệm chữa bệnh truyền thống nên đã phát hiện thêm công dụng của 305 vị thuốc nam và thu nhập được 2854 phương thuốc trị bệnh thông dụng trong dân gian.


C. Tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đề án này, UBND huyện Hướng Hoá chỉ đạo các Phòng, Ban liên quan của huyện thiết kế các bảng, biển tên đường; bố trí thích hợp đúng quy định, đảm bảo tính lâu dài và thẩm mỹ.



UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra đôn đốc việc thực hiện đề án này./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

Lê Hữu Phúc
MỤC LỤC
Trang

Phần thứ nhất: SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1

1. Đặc điểm tình hình và khả năng phát triển kinh tế xã hội

1

2. Những căn cứ để xây dựng đề án

1

Phần thứ hai: NGUYÊN TẮC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG PHỐ

2

Phần thứ ba: ĐẶT TÊN ĐƯỜNG PHỐ THỊ TRẤN KHE SANH VÀ LAO BẢO

2

A. Các địa danh, danh nhân dùng để đặt tên đường phố

2

I. Thị trấn Khe Sanh

2

II. Thị trấn Lao Bảo

7

B. Tên đường cụ thể của thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo

16

a. Các tuyến đường thị trấn Khe Sanh

16

b. Các tuyến đường thị trấn Lao Bảo

19

C. Tồ chức thực hiện

23




Đề án đặt tên đường phố thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo


tải về 218.88 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương