Vovinam bị quốc doanh



tải về 107.9 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích107.9 Kb.
#35676

VOVINAM bị quốc doanh


Vs. Nguyễn Văn Cường

Từ ngày Môn Phái được thành lập (1938)(1) đến nay, chưa bao giờ Vovinam-Việt Võ Đạo bị tước quyền tự chủ một cách qui mô và có tổ chức bởi nhà cầm quyền Việt Nam như ngày hôm nay !

Khẳng định trên, không đến từ nóng giận nhất thời hoặc từ phản ứng chống cộng triệt để như người ta thường gắn cho những cá nhân hoặc những tổ chức không đồng ý với chính sách và chế độ của đảng Cộng sản Việt Nam, mà nó được chứng minh bởi những kế hoạch đảng hoá và quốc doanh hoá Vovinam-Việt Võ Đạo qua các văn bản và các sinh hoạt đã được nhà nước VN tổ chức công khai, rầm rộ và qui mô cùng với sự nhập cuộc của các Phó thủ tướng, các quan chức cấp Bộ trưởng, Trung ương đảng và Bộ công an.

Vài dòng lịch sử

Khi chế độ Cộng sản đánh chiếm Miền Nam Việt Nam (30-04-1975), họ đã giải tán và trù dập Môn Phái một cách thô bạo trong hơn 15 năm (1975-1990). Võ sư Lê Sáng (1920-2010), Chưởng Môn đời thứ hai, bị cầm tù hơn 13 năm (1975-1988) với tội danh Đại tá C.I.A. ! Võ sư Chưởng Môn đời thứ ba, Trần Huy Phong(1938-1997), cũng bị cầm tù nhiều lần và mỗi lần được trả tự do thì lại bị kềm hãm, thẩm vấn, đe dọa một cách bất nhân. Ít lâu sau ông từ dã cõi trần sau một cơn bạo bệnh đau đớn.

Các võ sư kỳ cựu (thành viên Ban Chấp Hành đầu tiên của Môn Phái, thành lập từ năm 1964(2)) và các võ sư cao cấp (hồng đai) cũng bị giam cầm nghiệt ngã, nên đa số đã phải trốn tránh, bỏ quê hương xin tị nạn tại các quốc gia tự do trên thế giới (3).

Các cơ chế quốc tế của Vovinam-VVĐ

Tuy bị cấm đoán và đối sử phân biệt nhưng các võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo vẫn quyết tâm bền chí phát triển Môn Phái trong bóng tối nơi quê nhà và quảng bá rộng rãi tại các quốc gia tự do.

Năm 1996, tại hải ngoại, sau hơn 20 năm tự phát, dưới sự kêu gọi của cố võ sư Trần Huy Phong, các võ sư khắp năm châu (VN, Âu Châu, Úc Châu, Mỹ Châu và Phi Châu) đã tụ họp tại Paris (Cộng hoà Pháp) thành lập hai cơ chế quốc tế của Môn Phái, đó là : Tổng Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới (World Federation Vovinam-Viet Vo Dao) và Hội Đồng Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới (World Council of Masters) (4).

Nhờ thế ngày nay Vovinam-VVĐ đã phát triển trên 18 nước, hàng chục liên đoàn quốc gia và hàng nghìn môn sinh trên khắp năm châu. Một hãnh diện, một điểm son của nền văn hoá võ thuật Việt Nam đối với cộng đồng thế giới.

Riêng tại Việt Nam, sau chính sách « đổi mới », Môn Phái Vovinam-VVĐ được nhà nước VN cho sinh hoạt nhỏ dọt trở lại (1990) cùng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các võ sư đảng viên mà người ta thường gọi nôm na là các « võ sư nhà nước ». Tuy vậy, Vovinam-VVĐ vẫn phát triển dồn dập khắp các tỉnh thành, nhất là những nơi đã được sinh hoạt trước năm 1975. Song song với sự khởi bật này, Môn Phái tại VN còn được các môn sinh quốc tế thường xuyên về thăm viếng và trao đổi, tạo lên một sinh khí tự do, tự hào và tin tưởng mãnh liệt.

Từ lúng túng đến tiêu cực

Hiện tượng bất ngờ này, không những vượt qua sự kiểm soát của các võ sư đảng viên mà còn gây thiện cảm đến chính những cán bộ của nhà nước, khiến chính quyền Thể Dục Thể Thao Sàigòn, từ lúng túng đi đến nghĩ quẩn. Họ lo lắng thay vì hãnh diện, họ áp đặt thay vì hỗ trợ và cuối cùng họ quyết định cướp quyền tự chủ, biến Môn Phái thành một cơ quan quốc doanh của chế độ. Hoàn toàn ngược lại so với các quốc gia văn minh trên thế giới hiện nay là : tôn trọng tư thế độc lập của các hội đoàn xã hội dân sự về các phương diện văn hoá, thể dục và thể thao.


Nhà nước văn minh

Tôi xin hỏi, có bao giờ quí vị thấy chính quyền Vương Quốc Anh vi phạm quyền tự chủ của các liên đoàn quốc tế như : Bóng đá (FIFA(5)), Quyền anh (AIBA(6)), Quần vợt (FIT(7)), hoặc chính quyền Hoa Kỳ đối với : Bóng chuyền (FIVB(8)), Bóng chày (IBAF(9)), …. ?

Tôi cũng chưa hề thấy chính quyền Nhật Bản áp đặt hoặc điều động một nhân vật trong chính quyền để lãnh đạo Môn Phái Judo (IJF(10)), Aikido hoặc Karatedo. Chính vì vậy Judo đã trở thành phổ cập, được cả thế giới tiếp nhận và trở thành bộ môn Olympic từ năm 1964.

Tôi đã thấy chính quyền Nam Hàn, trả lại quyền tự chủ cho Taekwondo (WTF(11)), từ bỏ mọi áp đặt tư duy chính trị, nhờ thế năm 2000 Taekwondo đã trở thành bộ môn Olympic thế giới. Một sự kiện vẻ vang cho nền văn hoá Hàn Quốc.

Thế nhưng, buồn thảm thay cho thân phận văn hoá võ thuật Việt Nam ! Vì thời cuộc của đất nước, phải dậm chân tại chỗ và thua kém đủ mọi mặt. Đến khi chiến tranh chấm dứt thì lại bị cấm đoán, trù dập trong hơn 15 năm tại quốc gia nơi đã phát sinh ra nó.

Và nay, trước ngưỡng cửa thế kỷ thứ 21, Vovinam-Việt Võ Đạo được tự do phát triển tưng bừng trên khắp địa cầu, đang chập chững phô trương nền văn hoá võ thuật VN trước cộng đồng quốc tế … thì lại bị các quan chức Thể Dục Thể Thao Sàigòn, dùng quyền lực của nhà nước, tước quyền tự chủ, áp đặt nhân sự lãnh đạo, chỉ bảo đường lối, đặt để chương trình, khuynh đảo truyền thống …

Họ thực hiện tất cả những gì họ chưa bao giờ làm ! Chỉ bảo những gì họ không hiểu biết ! Hô hào quảng bá những điều mà họ không biết nó là gì ! Ấy thế mà họ lại tự hào đã ra công đóng góp cho Vovinam-Việt Võ Đạo.

Một cách cố ý hay vô tình họ đang biến cái tinh hoa võ học Vovinam-VVĐ thành một loại bèo bọt. Thay vì phô trương những giá trị đặc sắc của văn hóa võ thuật VN mà các quốc gia trên thế giới đang tìm kiếm, thì lại trưng bầy những cái mà người ta đã có thừa ! Thí dụ : Thay vì phô trương cái « văn hoá áo dài » của phụ nữ VN thì họ lại khoe khoang cái váy ngắn của phụ nữ Tây phương ! Tuy rằng người ta thích đấy (người VN), bởi những váy ngắn này rất quyến rũ, đẹp và thời trang nhưng nó có còn là văn hoá VN nữa hay không ?


Tệ nạn quốc doanh

Tất cả những bài học trước đây về các lãnh vực kinh tế, quản trị xí nghiệp, xã hội mà họ đã phải giải tư một phần để tránh cảnh phá sản, đều không được các quan chức Thể Dục Thể Thao Sàigòn học được một bài ! Họ mò mẫn, làm ngược lại tất cả những gì phải làm của một chính quyền văn minh, đó là : Trọng tài, điều tiết, tôn trọng và hỗ trợ những gì thoát thai từ xã hội dân sự như : Văn hoá, võ thuật, nghệ thuật, thể thao, tôn giáo …. và nhà nước chỉ lãnh trách nhiệm những gì mà xã hội không làm được mà thôi.

Trước sự đảo ngược vai trò của nhà nước, các tệ nạn của quốc doanh lại được phơi bầy ra trước mắt : Quan quyền, xôi thịt, phe phái, thiên vị, mua đai, bán đẳng, gian lận tranh giải, chia chác huy chương, ăn chận công quĩ, hoá đơn đỏ(12), khách sạn 5 sao, rượu XO(13), nhà hàng với các em chân dài(14) v.v.v.

Quốc doanh hoá Vovinam-VVĐ VN

Để mở đầu cho kế hoạch công cụ hoá và đảng hoá Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo, ông Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao, bị các viên chức của ông giỗ ngọt, tuyên bố trên đài truyền hình VTV3, ngày 17/02/2007, thừa nhận Vovinam-Việt Võ Đạo như là một bộ môn « Quốc Võ » !

Một vấn đề mà chúng tôi đã cực lực phản đối và không đồng ý, mặc dù đó là một hân hạnh cho Môn Phái chúng tôi. Nhưng ý thức-lương tâm chúng tôi nghĩ rằng Vovinam-VVĐ cũng chỉ là một trong những bộ môn võ thuật như các võ phái bạn, thì không một lý do gì bỗng nhiên Vovinam-VVĐ trở thành bộ môn duy nhất của dân tộc (Quốc Võ).

Chúng tôi nghĩ rằng sự thừa nhận « Quốc Võ » này là một sỉ nhục đối với các võ phái bạn và chà đạp trên sự phong phú đa dạng của nền võ thuật VN nói chung. Ngoài ra chúng tôi cũng hiểu rằng, đây chẳng qua là một chiêu bài đánh bóng thổi phồng có chủ ý của các quan chức thuộc phủ Phó Thủ tướng chứ không phải là một trân trọng thực sự, bởi sau đó, chúng tôi không hề thấy một văn bản chính thức nào của chính quyền trên vấn đề này.

Ngày 19 và 20 tháng 10-2007, họ tổ chức rầm rộ thành lập Liên đoàn Vovinam VN (15) Đưa ông Bí thư đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương Lê Quốc Ân lên làm chủ tịch, ông Thiếu tướng, Võ Hoài Việt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Nội địa làm Phó Chủ tịch ! Nhưng có một điều khôi hài là, trước đó hai ngày, trong Môn Phái, không ai biết các ông ấy là ai ! Họ chưa từng mặc võ phục, chưa bước vào một võ đường và cũng chưa bao giờ có một buổi sinh hoạt với Môn Phái !

Quốc doanh hoá Vovinam-VVĐ quốc tế

Một năm sau, ngày 25 và 26 tháng 09-2008, họ lại cho thành lập Liên đoàn Vovinam Quốc tế (IVF)(16), đưa ông, Nguyễn Danh Thái, Bí thư Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiêm Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên làm Chủ tịch ! Kèm theo đó tất cả bộ sậu của Liên đoàn Vovinam VN kiêm nhiệm tất cả các chức vụ then chốt.

Sau cùng và để đánh dấu sự ưu ái tột đỉnh của nhà nước đối với Vovinam-VVĐ, đích thân ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam, bay từ Hà Nội vào Sàigòn, chủ tọa buổi lễ tưng bừng và lộng lẫy chưa từng thấy trong giới võ thuật VN, cùng với sự tham dự của hàng trăm môn sinh, các lãnh đạo, các ban, ngành cùng đông đảo phóng viên đến từ 30 cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương … để chính thức hoá ngày ra đời Liên đoàn Vovinam Quốc tế.

Uy tín nhà nước !

Trước sự kiện « lịch sử » này, chúng tôi thắc mắc, không biết ông Phó Thủ tướng có biết hoặc có kiểm chứng trước khi đến chủ tọa hay không ? Hay là ông bị các quan chức Thể Dục Thể Thao Sàigòn cho ăn bánh vẽ mà không biết ! Bởi trong số 18 đại biểu đến tham dự thì chỉ có 8 quốc gia là có Liên đoàn Vovinam-VVĐ thật sự còn 10 quốc gia kia đều là những liên đoàn ma ! Như : Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Đức, Pháp, Maroc, Bỉ, Algeria, Singapore… Một điều mà các quan sát viên quốc tế, các đại xứ quán, các Bộ trưởng Thể Dục Thể Thao của các quốc gia nêu trên đều biết ! Vậy uy tín của nước CHXHCN Việt Nam sẽ được đánh giá ra sao ?

Sau hai năm sinh hoạt theo lối trống rỗng khua chiêng với 70% gồm các Liên đoàn quốc gia bánh vẽ. Liên đoàn Vovinam Quốc tế, không những không có dấu hiệu đi lên mà có chiều hướng đi xuống ! Bởi các quốc gia có liên đoàn thật sự, bắt đầu đặt câu hỏi và một số đã cất cánh bay xa !

Kế hoạch quốc doanh hoá các võ sư gốc người VN tại hải ngoại

Cuối cùng, ngày 31 tháng 03-2010 vừa qua, họ lại cho thành lập một công cụ mới, được mệnh danh là « Hội Đồng Chưởng Quản » ,(17) (Nhưng họ chỉ công bố chính thức vào ngày 23 tháng 08-2010, tức 5 tháng sau?), do chính Võ sư Chưởng Môn Lê Sáng ấn ký ! Một vị thầy của Môn Phái và cũng là người anh của tôi trong Môn Phái. Họ lợi dụng lúc ông đã bước qua tuổi 90, ra-vào bệnh viện hàng ngày và qua đời ngày 27 tháng 09-2010, để đưa một ông võ sư đảng viên nằm vùng trước 1975 lên làm Chủ tịch (Chánh Chưởng Quản). Sau đó họ tuyên bố xoá bỏ tất cả những cơ chế trước đây, tự cho quyền lãnh đạo Môn Phái tuyệt đối và suốt đời !


Bí mật thành lập

Việc thành lập cơ chế quốc doanh mới này, các võ sư trên thế giới, không ai được biết và được hỏi ý kiến, thì là điều bình thường. Nhưng đối với các võ sư cao cấp tại VN, không ai được hỏi ý kiến thì đó lại là việc bất bình thường. Ấy thế mà họ dám mệnh danh Môn Phái, bắt mọi người tung hô ? Chỉ đạo các võ sư, các tập thể, trong cũng như ngoài nước, phải cúi đầu phục tùng họ như thời phong kiến ?

Tuy nhiên lần này có một điểm đặc biệt là 9 vị trong Hội Đồng Chưởng Quản (HĐCQ), tất cả đều là võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo. Không có sự tham gia của một quan chức cao cấp đương nhiệm nào của nhà nước như hai cơ chế trước đây. Chúng ta cũng phải công nhận rằng, lần này, họ thông minh hơn vì biết khéo léo tạo hình ảnh của một tổ chức « Dân Sự », có mầu sắc « Môn Phái » và có kiểu cách « Truyền Thống ». Tuy nhiên người ta vẫn nhìn thấy một cách rõ ràng, bản ngã chuyên chính của những quan chức dựt giây sau lưng HĐCQ qua cách xắp đặt nhân sự lãnh đạo của hội đồng.

Dây dựt sau lưng !

Trong 9 vị lãnh đạo HĐCQ, thì đã có 5 vị vốn là đảng viên nhà nước (Nguyễn Văn Chiếu, Võ Văn Tuấn, Trần Văn Mỹ, Nguyễn Chánh Tứ và Mai Văn Hiệp) Còn lại 4 vị kia, thì có hai vị (Trần Đa và Nguyễn Tôn Khoa) là những người đang được hưởng ân huệ của chế độ và hai vị còn lại (Nguyễn Văn Sen và Nguyễn Văn Vang) là những người ít uy tín trong Môn Phái. Như vậy, người ta phải hiểu rằng HĐCQ, chẳng qua chỉ là sợi dây nối dài của một vài quan chức cao cấp Thể Dục Thể Thao đang ngồi trong bóng tối dựt dây khuynh đảo. Mục đích của họ là nhắm vào hai đối tượng mà từ trước đến nay họ không thu phục được. Thứ nhất là các võ sư cao cấp tại VN, thứ đến là các tập thể, các phong trào do các võ sư gốc người Việt Nam đang lãnh đạo tại khắp nơi trên thế giới.


Mục tiêu 1 : Các võ sư trong nước

Trong nước, họ dùng Liên đoàn Vovinam Việt Nam, qua quyền lực nhà nước để áp đặt tất cả các sinh hoạt của Môn Phái. Nhưng họ đã không thành công đối với các võ sư cao cấp, bởi không ai có thể chấp nhận và phục tùng những kẻ xâm chiếm bằng bạo lực quyền tự chủ của Môn Phái, trừ những võ sư đảng viên của họ. Ngoài ra chính họ cũng biết như vậy, nên đã không ngần ngại thẳng tay gạt bỏ tất cả ra ngoài bộ máy cai trị của Liên đoàn. Chính vì thế HĐCQ được ra đời để mua chuộc và lôi kéo các võ sư cao cấp tại VN vào ăn bánh vẽ của họ.


Mục tiêu 2 : Các võ sư hải ngoại

Đối với Liên đoàn Vovinam Quốc tế của ông Thứ trưởng Nguyễn Danh Thái, cũng có mục đích như Liên đoàn VN, nhưng đối tượng của họ lại là những tập thể quốc tế. Tuy rằng họ biết khoác áo vét, mặc sơ mi trắng và đeo cà vạt loại cao cấp, nhưng dép râu của họ vẫn sờ sờ ra đó, nên đại đa số các võ sư đều khoanh tay ngoảnh mặt. Có lẽ vì thế, HĐCQ đã được trình làng cùng với ấn ký của Võ sư Chưởng Môn Lê Sáng để che mắt và thu phục những người mà Liên đoàn Vovinam Quốc tế đã không thuyết phục được họ.


Cảnh giác chiêu bài quốc doanh

Trước kế hoạch đảng hoá và công cụ hoá Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo. Trước viễn ảnh băng hoại truyền thống võ thuật Việt Nam. Trước nguy cơ sống còn của Môn Phái. Tôi kêu gọi các võ sư, các lãnh đạo, các huấn luyện viên và môn sinh các cấp, trong cũng như ngoài nước, hãy cảnh giác trước những thủ thuật : quyền chức, danh vọng, huy chương, đẳng cấp …. hoặc những hình thức được che đậy bởi : thể thao, tranh giải, Olympic, báo chí, truyền hình … của những cơ chế Vovinam quốc doanh hầu lôi kéo chúng ta trở thành những công cụ để phục vụ cho tư lợi của họ.


Bảo vệ lý tưởng và truyền thống

Tôi nhân danh Thượng Hội Đồng Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới (18), gồm các võ sư Bạch Đai Thượng Đẳng, các võ sư nguyên là thành viên Ban Chấp Hành đầu tiên của Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo thành lập từ năm 1964 và các võ sư Truyền Nhân của Sư Tổ Nguyễn Lộc. Trân trọng kêu gọi và yêu cầu các võ sư, các nhân sự lãnh đạo hiện nay của Tổng Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới (World Federation Vovinam-Viet Vo Dao), phải cẩn trọng trong vai trò điều hành Môn Phái của mình, đừng bao giờ rùn chân chấp thuận những giải pháp có thể làm nguy hại đến lý tưởng và nền tinh hoa võ học của bản phái.

Quí vị là những người được Hội Đồng Võ Sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế Giới (World Council of Masters) và các liên đoàn quốc gia bầu cử và ủy thác trọng trách gánh vác Môn Phái. Quí vị là những người có tư cách chính danh để đàm phán với các cơ chế Vovinam trong nước, hầu tìm kiếm những giải pháp tốt đẹp nhất cho Môn Phái, nhưng không có nghĩa là phải nhượng bộ trước những vấn đề cốt lõi và truyền thống của Môn Phái như : Tự chủ, độc lập, tự do và phi chính phủ. Quí vị phải biết đứng ngoài các vấn đề : đảng phái, chính kiến, tôn giáo và chủng tộc, hầu có thể tiếp tục vị trí phổ cập trong cộng đồng thế giới và tư thế của một bộ môn văn hoá, thể thao, võ thuật quốc tế.

Kêu gọi hỗ trợ

Tôi khẩn khoản kêu gọi các phụ huynh môn sinh, các thân hữu, các ân nhân, các nhân sĩ, các chính khách, các ký giả, các hội đoàn, các võ phái bạn, các cơ quan thông tin, các đảng phái và các cơ sở kinh tế… hãy tiếp tay giúp đỡ chúng tôi bảo tồn nền tinh hoa võ học Việt Nam. Vấn đề của Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo, tuy không phải là việc quốc sự, nhưng Môn Phái là một thành tố của nền văn hoá Việt Nam, một bộ môn đang có triển vọng trở thành một đóng góp cho cộng đồng nhân loại. Một hãnh diện văn hoá-võ thuật có tầm cỡ thế giới mà từ trước đến nay Việt Nam chưa bao giờ có.

Chúng tôi tin rằng với sự lên tiếng cảnh giác của quí vị cùng với những phương tiện truyền thông, thông tin, sẽ cho phép các con em chúng ta và những người ưa chuộng võ thuật, nhận diện chính xác các nhân sự, các tổ chức quốc doanh đang phá hại Môn Phái, đang giáo dục các con em chúng ta vào con đường võ thuật quốc doanh cùng với các tệ nạn của nó, không những tại VN mà ngay cả những nơi quí vị đang cư ngụ tại hải ngoại.

Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo chỉ là một tổ chức nhỏ bé và hạn hẹp trong lãnh vực văn hoá-võ thuật. Chúng tôi không có khả năng tài chánh, nhân lực, quyền lực và thế lực của cả một bộ máy to lớn như nhà nước Việt Nam. Nhưng chúng tôi có lý tưởng, có ý chí, có môn sinh thật sự trên khắp thế giới, có tổ chức và có chính danh. Không những thế, chúng tôi còn là những môn đệ, những truyền nhân của sư tổ Nguyễn Lộc, đã được hấp thụ và biết tồn trữ nền tinh hoa võ học Vovinam-Việt Võ Đạo từ hơn 70 năm qua.

Chúng tôi tin rằng trước sự cảnh giác cùng với sự tiếp tay của quí vị, Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo sẽ không bao giờ có thể bị quốc doanh hoá hoặc đảng hoá bởi bất cứ một thế lực nào, dù có quyền lực đến đâu và đến từ bất cứ nơi nào.

(1) : Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo do cố võ sư Nguyễn Lộc (1912-1960) thành lập năm 1938 tại Hà Nội -Việt Nam.

(2) : Môn Phái Vovinam-Việt Võ Đạo được chính thức pháp lý hoá vào năm 1964 trong một nhà nước Pháp Quyền (chính phủ Việt Nam Cộng Hoà Miền Nam VN). Có tầm mức sinh hoạt trên toàn quốc. Qui lệ của Môn Phái bao gồm 11 Chương và 99 Điều. Trong đó qui định việc thành lập chức vụ Chưởng Môn và quyền hạn của Ban Chấp Hành Trung Ương.

Ban Chấp Hành Trung Ương đầu tiên của Môn Phái gồm : (Trích sách Lịch Sử Môn Phái Vovinam-VVĐ, Tập I : Vs Trần Nguyên Đạo).

Chức vụ Tên

Chưởng Môn Lê Sáng

Phụ tá Chưởng Môn, kiêm trưởng Ban Nghiên Kế Trần Huy Phong

Trưởng Ban Ngoại Giao Mạnh Hoàng

Trưởng Ban Pháp Lý Ngô Hữu Liễn

Trưởng Ban Phối Kiểm Nguyễn Văn Thư

Trưởng Ban Tổ Chức Khánh Tiết Trần Bản Quế

Thủ quỹ Nguyễn Văn Cường

Thư ký thường trực Phan Quỳnh

Trưởng Ban Tài Chánh Nguyễn Văn Thông

Ban huấn luyện Trưởng Ban : Trần Huy Phong. Thành viên : Nguyễn Văn Thư, Trần Thế Phượng, Trịnh Ngọc Minh, Trần Đức Hợp, Nguyễn Văn Thông

Ủy viên Nguyễn Hữu Nhạc.

(3) : Các võ sư Niên Trưởng phải bỏ nước xin tị nạn tại các quốc gia tự do gồm: Nguyễn Dần (bào đệ Vs Sáng Tổ Nguyễn Lộc), Hà Trọng Thịnh (Can), Bùi Thiên Nghĩa (Aus), Nguyễn Văn Thư (Usa), Trần Đức Hợp (Usa), Lê Trọng Hiệp (Usa), Nguyễn Văn Cường (Usa), Ngô Hữu Liễn (Usa), Phan Quỳnh (Usa), Phạm Hữu Độ, Lê Văn Phúc (Usa)…

Các võ sư cao cấp thời 1975 : Trần Huy Quyền (Aus), Nguyễn Văn Thông (Aus), Lê Công Danh (Aus), Trần Văn Bé (Usa), Nguyễn Xuân Ngọc (Usa), Phùng Mạnh Tâm (Usa), Nguyễn Văn Đông (Usa), Trần Văn Trung (Can), Nguyễn Hữu Tô Đồng (Can), Phạm Đình Tự (Can), Nguyễn Tiến Hoá (Usa), Huỳnh Trọng Tâm (Usa), Nguyễn Văn Nhàn (Đức), Đặng Hữu Hào (Đức)…

Các võ sư, huấn luyện viên trẻ thời 1975 : Lê Thành Nhân (Aus), Diệp Khôi (Aus), Phạm Văn Bảo (Usa), Nguyễn Văn Phụng (Usa), Trần Mỹ Đức (Usa), Tạ Văn Lương Việt (Usa), Trần Văn Vịnh (Usa), Nguyễn Thế Hùng (Usa), Võ Trung (Usa), Võ Thành Long (Usa), Võ Ước (Usa), Bùi Khắc Hùng (Usa), Nguyễn Chính (Usa – con ruột của Vs sáng tổ Nguyễn Lộc), Nguyễn Quân (Cháu ruột của Vs sáng tổ Nguyễn Lộc), Phạm Văn Thành (Usa), Nguyễn Văn Hoàn (Usa), Phạm Phú Thành (Usa), Lê Huy Chương (Usa), Lê Đoàn (Usa), Nguyễn Văn Nga (Usa), Lê Quang Liêm (Usa), Trần Văn Hoài (Usa), Đỗ Anh Tuấn (Usa), Trần Bảy (Usa), Huỳnh Thu Hà (Usa), Nguyễn Văn Kính (Usa), Lê Tấn Khanh (Usa), Tôn Thất Lăng (Usa) … Nguyễn Tiến Hội (Đức), Nguyễn Thành Xê (Đức), Nguyễn Hữu Sang (Ý), Nguyễn Điện (Pháp), Trang Phước Đức (Pháp), Nguyễn Cao Khanh (Can), Phạm Ngọc Danh (Can) …

(4) : Đại hội thành lập các cơ chế quốc tế chính thức của Vovinam-VVĐ , được tổ chức tại Paris - Cộng Hoà Pháp - vào các ngày 16 và 17 tháng 08-1996. Trọng trách tổ chức được trao cho võ sư Trần Nguyên Đạo. Thành phần tham dự gồm có 70 võ sư, đại diện cho 10 quốc gia trên thế giới.

• Ban Chấp Hành Hội Đồng Võ Sư Thế Giới nhiệm kỳ đầu tiên (1996-2000): Tổng Thư Ký : Vs Nguyễn Văn Cường và 4 võ sư thành viên lãnh đạo : Hà Trọng Thịnh(Gia Nã Đại), Phan Dương Bình (VN), Lê Trọng Hiệp (Usa), Phan Quỳnh (Usa).

• Ban Chấp Hành Tổng Liên Đoàn Thế Giới nhiệm kỳ đầu tiên (1996-2000) : Chủ Tịch : Vs Ngô Hữu Liễn (Usa), Phó chủ tịch : Vs Lê Công Danh (Úc Đại Lợi), Tổng Thư Ký : Vs Huỳnh Trọng Tâm (Usa), Thủ Quĩ : Võ Trung (Usa).

Sau Đại Hội Thế Giới Kỳ 6 – 2008.

• Ban Chấp Hành Hội Đồng Võ Sư Thế Giới nhiệm kỳ 2008-2012 : Chủ Tịch : Vs Nguyễn Dần (Bào đệ cố Vs sáng tổ Nguyễn Lộc), Phó chủ tịch : Vs Võ Trung, Tổng Thư Ký : Vs Trần Nguyên Đạo và 5 võ sư thành viên lãnh đạo : Lê Công Danh (Úc Đại lợi), Nguyễn Hữu Tô Đồng, (Gia Nã Đại), Nguyễn Văn Đông (Usa), Nguyễn Thế Trường (Pháp), Hồ Quang Thanh Sơn (Úc Đại Lợi).

• Ban Chấp Hành Tổng Liên Đoàn Thế Giới nhiệm kỳ 2008-2012 : Chủ Tịch : Vs Nguyễn Thế Thierry (Pháp), Tổng Thư Ký : Vs TK Kevin (Usa) Thủ Quĩ : Vs Petersen Léon (Pháp), Ủy Viên Thường Trực : Nguyễn Thế Hùng (Usa).

(5) FIFA : Fédération Internationale de Football Association (The International Federation of Association Football)

(6) AIBA : Association Internationale de Boxe Amateur (International Boxing Association) được công nhận bởi Ủy Ban Olympic quốc tế. Ngoài ra còn có các Liên đoàn chuyên nghiệp như : WBA, IBF, WBC, và WBO.

(7) FIT : Fédération Internationale de Tennis hoặc ITF : International Tennis Federation.

(8) FIVB : Fédération internationale de volley-ball.

(9) IBAF : International Baseball Federation. (Fédération internationale de baseball) .

(10) IJF : International Judo Federation. (Fédération internationale de Judo) .

(11) WTF : World Taekwondo Federation.

(12) : Hoá đơn đỏ là một loại hoá đơn tài chính, chủ yếu là giới công chức, nhân viên các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp dùng để chứng nhận những chi tiêu hợp lệ của mình để được hoàn lại. Nhưng họ thường nhân lên gấp 3 số tiền chi tiêu thật sự để lấy 2 phần kia cho cá nhân mình.

(13) : XO là một ký hiệu cho biết tuổi của rượu. XO là viết tắt của EXTREMLY OLD, thường có khoảng 12 năm trở lên. Những loại rượu mạnh này rất được ưa chuộng tại VN, thường chỉ dành cho giới thượng lưu. Giá tối thiểu khoảng 200$ Usd/1 chai.

(14) : Nhà hàng với các em chân dài , là một loại nhà hàng có các nữ tiếp viên, cao, trẻ và đẹp để các quan chức vừa ăn uống vừa giải trí. Về phương diện này, chúng tôi không có ý chê bai những ai thường sử dụng nó, bởi chúng tôi không phải là những nhà đạo đức. Chúng tôi lên án ở đây là họ đã lợi dụng quyền chức và tài chánh của Vovinam-VVĐ để hưởng thụ cá nhân. Và điều đau buồn nhất là họ thường lôi kéo thêm các võ sư trẻ, những người « có công với họ », như là một hình thức tưởng thưởng công lao.

(15) : Liên đoàn Vovinam Việt Nam được thành lập theo quyết định của Bộ nội vụ số 946/QĐ-BNV ngày 18/7/2007). Đại hội thành lập được tổ chức trong 2 ngày 19-20/10/2007 tại Khách sạn Rex 141, Nguyễn Huệ, quận 1, Sàigòn.

Thành phần lãnh đạo của Liên đoàn gồm :

Họ và Tên Nghề Nghiệp Chức vụ

1 Lê Quốc Ân Chủ tịch tập đoàn dệt may VN.

Bí thư đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương Chủ tịch

2 Trần Huy Bình Phó vụ trưởng vụ TDTT Quần chúng- Bộ VHTT&DL Phó chủ tịch

3 Võ Hoài Việt Thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục an ninh II. Phó chủ tịch

4 Đặng Thành Tâm Tổng giám đốc tập đoàn đầu tư SG Phó chủ tịch & Thủ Quĩ

5 Nguyễn Văn Chiếu Chủ tịch hội Vovinam Tp HCM

Nguyên Trưởng phòng TDTT Quận 8

Đảng viên CS nằm vùng trước 1975 Phó chủ tịch

6 Nguyễn Mạnh Hùng Phó giám đốc sở TDTT HN Phó chủ tịch

7 Nguyễn Hùng Phó giám đốc sở TDTT Tp HCM Phó chủ tịch

8 Võ Danh Hải Trưởng chi nhánh phía nam báo TTVN Tổng thư ký

9 Cấn Văn Nghĩa Giám đốc sở TDTT Hà tây Thường vụ

10 Huỳnh văn Hùng Giám đốc sở TDTT Bến tre Thường vụ

11 Lư Quang Đức Chủ tịch hội Vovinam Khánh hòa Thường vụ

12 Nguyễn Xuân Hải Tổng giám đốc công ty cổ phần hợp tác quốc tế Thường vụ

13 Huỳnh Thành Công Huấn luyện viên Vovinam tỉnh Vĩnh long Thường vụ

(16) : Liên đoàn Vovinam Quốc Tế (IVF : International Vovinam Federation) được thành lập dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Ủy ban Olympic Việt Nam. Được tổ chức trong 2 ngày 25-26/09/2008 tại Khách sạn Rex 141, Nguyễn Huệ, quận 1, Sàigòn, cùng với các đại diện của các cơ quan chính quyền như : Văn phòng thủ tướng, Bộ nội vụ, Bộ quốc phòng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ủy Ban nhân dân Tp HCM, Ủy Ban Olimpic VN, Đài truyền hình VTV4, các Liên đoàn : Võ cổ truyền, Taekwondo …

Thành phần lãnh đạo của Liên đoàn gồm :

Họ và Tên Nghề Nghiệp Chức vụ

1 Nguyễn Danh Thái Bí thư Đảng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội thành lập Liên đoàn IVF Chủ tịch

2 Lê Quốc Ân Bí thư đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Chủ tịch tập đoàn dệt may VN

Chủ tịch Liên Đoàn Vovinam VN, Trưởng ban tổ chức Đại hội thành lập IVF Phó chủ tịch thường trực

3 Đặng Thành Tâm Tổng giám đốc tập đoàn đầu tư SG

Phó chủ tịch Liên Đoàn Vovinam VN Phó chủ tịch & Thủ quĩ

4 Nguyễn Văn Chiếu Chủ tịch hội Vovinam Tp HCM

Nguyên Trưởng phòng TDTT Quận 8

Đảng viên CS nằm vùng trước 1975, Phó chủ tịch Liên Đoàn Vovinam VN Phó chủ tịch đặc trách kỹ thuật

5 Florin Macovei Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Rumani Phó chủ tịch

6 Francis Didier Chủ tịch Liên đoàn Karaté Pháp Phó chủ tịch

7 Mohammad Nouchi Chủ tịch Liên đoàn võ thuật Iran Phó chủ tịch

8 Jean Pascal Kinda (*) Chủ tịch Ủy ban Olympic kiêm Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Burkina Faso Phó chủ tịch

9 Danka Abramiuc Hiệp hội Vovinam VVĐ Liên lục địa (Singapore) Phó chủ tịch

10 Yuri Popov Liên đoàn võ thuật Nga Phó chủ tịch

11 Võ Danh Hải Trưởng chi nhánh phía nam báo TTVN. Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam VN, Ủy viên Ủy ban Olympic Việt Nam, Ủy viên thường trực Ban tổ chức Đại hội thành lập IVF Tổng thư ký

12 Pairsan Changjongpradit (*) Vovinam Thái Lan Phó tổng thư ký

13 Hajah Noorul Sulastri Vovinam Brunei Phó tổng thư ký

(*) : Đã từ chối hoặc từ chức

(17) : Danh sách các thành viên Hội đồng chưởng quản

Họ và Tên Quá trình Chức vụ trong Hội đồng CQ

Võ1 Nguyễn Văn Chiếu sư đảng viên nằm vùng trước 1975

Nguyên Trưởng phòng TDTT Quận 8

Chủ tịch hội Việt Võ Đạo Tp/HCM

Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam VN

Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Quốc tế Chánh chưởng quản

Võ sư2 Võ Văn Tuấn đảng viên nằm vùng trước 1975

Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Tp/HCM

Võ sư (nghỉ sinh hoạt Môn Phái từ 1975-2007) Chánh sự Kế thống – Nhân lực

3 Nguyễn Chánh Tứ Nguyên Thiếu tá Công an Tp/HCM

Phó giám đốc khách sạn Phú thọ (khách sạn của Thành ủy)

Tổng thư ký Hội Việt Võ Đạo Tp/HCM. Chánh sự

Võ sư4 Trần Văn Mỹ đảng viên nằm vùng trước 1975

Phó chủ tịch Hội Việt Võ Đạo Tp/HCM. Chánh Sự

Võ sư5 Mai Văn Hiệp đảng viên nằm vùng trước 1975 Chánh Sự

Võ6 Nguyễn Văn Sen sư

Nguyên Phó chủ tịch Hội Việt Võ Đạo Tp/HCM. Chánh vụ Lễ nghi - Kỹ thuật

Võ7 Nguyễn Tôn Khoa sư (nghỉ sinh hoạt Môn Phái từ 1975-2007) Chánh vụ Văn phòng

Võ8 Nguyễn Văn Vang sư Chánh vụ Khảo thí - Kiểm tra

Thương9 Trần Đa gia

Võ sư (nghỉ sinh hoạt Môn Phái từ 1975-2007) Chánh vụ Tài chính - Vật chất

(18) : Thượng Hội Đồng Võ Sư Vovinam-VVĐ Thế Giới là một cơ quan trong Hội Đồng Võ Sư Vovinam-VVĐ Thế Giới. Được đại hội thế giới kỳ 6 (Paris tháng 05-2008), biểu quyết thành lập.

THĐVS/TG không có chức năng điều hành và lãnh đạo.

THĐVS/TG là cơ quan lãnh đạo tinh thần tối cao của Môn Phái VOVINAM-Việt Võ Đạo trên thế giới, tượng trưng cho tinh thần, đạo đức và các giá trị phổ cập của Môn Phái.



THĐVS/TG có nhiệm vụ : Bảo trì truyền thống, tôn chỉ của Môn Phái, nguyên cứu và đề nghị các dự án về các phương diện : Võ đạo, Truyền thống, Tôn chỉ, Văn hoá, Tư tưởng v.v.

tải về 107.9 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương