Văn Thánh Khổng Miếu di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia



tải về 69.85 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích69.85 Kb.
#21679

 

Văn Thánh - Khổng Miếu di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia




Văn Thánh-Khổng Miếu tọa lạc khu đất có diện tích 6200 m2 nằm bên cạnh đường Phan Bội Châu, thuộc khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ. Khu di tích Văn Thánh- Khổng Miếu với quần thể di tích bao gồm chánh điện, hậu điện, tháp chuông, tháp trống, hai dãy nhà cầu, nhà cổ dân gian Quảng Nam, cầu bắc qua hồ sen và cổng Tam quan. Đây là nơi thờ đức Khổng Tử và tổ chức huấn học về tư tưởng Nho giáo, với quần thể lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc có niên đại hơn 300 năm.

Đức Khổng Tử

Khổng Tử sinh năm 551 TCN, mất năm 479 TCN tại Ấp Trâu, làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ. Ông là nhà chính trị, nhà giáo dục nổi tiếng cuối Xuân Thu, và là người sáng lập của học phái Nho gia. Năm 21 tuổi, Ngài giữ chức Ủy lại rồi Ty chức và cuối cùng là Nhiếp tướng sự. Sau đó, Ngài từ quan và đi chu du khắp các nước chư hầu suốt 14 năm liền. Sau thời kỳ ấy, Ngài về quê nhà dạy học và soạn sách. Tổng số học trò của Ngài lên đến trên 3000 người, trong đó 72 người được liệt vào bậc hiền đức. Ngoài ra Ngài soạn, định lại sách cổ nhân, gồm sáu bộ Kinh thư lưu truyền hậu thế, dạy bảo muôn đời. Tư tưởng của Khổng Tử được chế độ phong kiến và nhân dân tôn sùng. Vào đời Thuận Trị năm thứ 2, Đức Thánh Thế Tổ phong Ngài Khổng Tử lên "ĐẠI THÀNH CHÍ THÁNH VĂN TUYÊN VƯƠNG TIÊN THÁNH SƯ KHỔNG PHU TỬ".

          Theo tài liệu sưu tầm được cũng như nội dung còn lưu lại trên bia đá, bia gỗ tại Văn Thánh- Khổng Miếu, để tỏ lòng thành kính Đức Khổng Tử và là nơi huấn học tôn thờ tư tưởng nho gia, đề cao việc học, tôn vinh các vị học rộng tài cao có công giúp dân, giúp nước, phát huy truyền thống hiếu học động viên, khuyến khích con cháu học tập, đầu năm 1840 các quan viên, chức sắc, nhân sĩ kính đơn lên huyện Hà Đông xin xây dựng và vận động các vị khoa bảng, cử nhân, chức sắc đóng góp tiền bạc xây dựng Văn Miếu. Ngày 14 tháng 6 năm Canh Tý, Minh Mạng thứ 21 (1840) khởi công xây dựng Văn Thánh tại xã Chiên Đàn (nay là trường THCS Trần Phú, huyện Phú Ninh). Đến ngày 20 tháng 1 năm Tân Sửu (1842) khánh thành.

          Trải qua nhiều biến cố lịch sử chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên, nên khu Văn Miếu đã bị hư hỏng và xuống cấp, thể theo nguyện vọng của các chức sắc và nhân dân địa phương, các vị thân hào, nhân sĩ đương thời đứng ra quyên góp tiền bạc và di dời vào hướng nam khoảng 2 km, thuộc làng Mỹ Thạch, xã Kỳ Hương, tỉnh Quảng Tín (cũ) (nay là khu Văn Thánh- Khổng Miếu, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Lễ khởi công vào tháng 5 năm 1963 đến tháng 6 năm 1970 hoàn thành, các hạng mục được trùng tu, phục dựng: Miếu chính, tháp chuông, tháp trống theo nguyên trạng và lấy tên là Khổng Miếu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, di tích có tên đầy đủ là Văn Thánh- Khổng Miếu cho đến nay.      




                                         Di tích Văn Thánh-Khổng Miếu

Bước vào ngôi nhà chính (Miếu chính), được xây dựng theo lối kiến trúc 3 gian 2 chái, trên mái trang trí hình “nhị long tranh châu”, bốn góc mái có gắn hình tượng những đám mây cách điệu, trước hai đầu bậc cấp vào Miếu cũng như hệ thống cột tròn chính giữa của Miếu ở mái hiên trước đều được trang trí hình rồng, hai cột giữa đắp hai con rồng uốn lượn theo hình tròn của cột đầu, mình, vảy được tô vẽ màu rực rỡ sắc sảo, hai đầu bậc cấp đắp hai con rồng với tư thế chồm tới mạnh mẽ, thân rồng đắp bằng xi măng, có cẩn mảnh sành. Tại đây có 2 câu đối:

“Truyền văn ước lệ, thệ môn tạp ngôn

 Nhập ốc thăng đường, tuần tự nhị tiến”

(Truyền nền văn, giữ điều lễ, rời bỏ nơi nói lời tạp ngôn

Vào trong nhà, bước lên sảnh, cứ tuần tự mà đi đến)

    Nhà Chánh điện
           

     Hiên trước Chánh điện                                    Hình rồng cẩn mảnh sành

Kiến trúc miếu thờ chính bao gồm các cột được đặt trên đá táng có hình thức trang trí, bờ quyết gắn hình rồng cuộn cách điệu từ dây cuộn lá, hai phần đầu hồi được tạo gờ xi măng hình cuốn sách có gắn mảnh sành sứ mô tả con nai gặm cỏ. Phần cổ diềm của mặt tường chính có 5 ô lõm vào, nền bên trong được tô màu cam, nổi bật lên là các hình đắp nổi bằng xi măng với các đề tài sen - cá, sen - vịt, các ô chữ Hán, cúc - chim trĩ.

Trước khi vào điện chính, nhìn lên trên ta bắt gặp các dòng chữ Hán:

Đạo bất viễn (Đạo không xa)

Bên phải nhìn từ ngoài vào

Chiêm khởi kính (Ngẩng trông lên một cách kính trọng) 

Bên trái nhìn từ ngoài vào

                                   
                                                                 Văn tại tự  

                                                         (Nền văn ở nơi đây) 

                                                 Chính giữa nhìn từ ngoài vào

                                  

                                                      Trung thiên tinh nhật  

                                                       (Mặt trời giữa trời)                    

 Lạc khoản: Bảo Đại bát niên xuân, Tam Kỳ văn miếu

 Quảng Nam tỉnh Án sát Nghệ An Võ Việt, Phan Thúc Ngô bái

(Văn miếu Tam Kỳ, mùa xuân năm thứ 8 niên hiệu Bảo Đại

Án sát tỉnh Quảng Nam, người Nghệ An là Võ Việt, Phan Thúc Ngô bái)                                 



      

                                                           Tiền đình                                            

          Trên sườn nhà hiên miếu thờ chính điện đầu tường các cửa vào tòa nhà đều có khung tô viền chỉ bằng vôi xi măng bên trong có cẩn các mảnh sành sứ chữ Hán:

Bên trái: Đạo quán cổ kim   

(Đạo đứng đầu xưa nay)

             

                                             Chính giữa:Vạn thế sư

                                                (Thầy của muôn đời)

                                 

                                              Bên phải: Đức phối thiên địa

                                                  (Đức cao như đất trời)                        

Khung nhà chính điện miếu thờ được làm bằng gỗ mít, các trính, xuyên, xà gỗ liên kết với nhau rất khít, các cột được đặt trên những đế xi măng có hình thức trang trí. Các đầu cột được liên kết với nhau bằng kèo tam đoạn, các đầu và đuôi kèo được chạm rồng cách điệu, thân kèo uốn lượn mềm mại, phần trụ trốn đỡ kèo nóc giao nguyên, đế con tôm khắc chữ thọ, đuôi trính ở hai đầu đều chạm rồng tất cả đều được chạm khắc tinh xảo.



Bộ vi nóc tiền đình

 

Nét chạm trỗ đuôi kèo

          

Nét chạm trổ đuôi kèo

Nối tiếp với tòa chính điện là hậu  điện 3 gian 2 chái, được liên kết với nhau bằng xuyên và xà, tại các khoảng trống của các ô xuyên có gắn các tấm bảng gỗ sơn son thiếp vàng:

    

Chính giữa: Ngưỡng chi di cao

(Càng trông lên lại thấy càng cao)    

Bên phải: Kế vãng khai lai

                                        (Thừa kế vốn cũ, mở mang thêm điều mới)                          

                                               Bên trái: Tín nhi hiếu cổ                  

                                                            (Tin mà coi trọng cái cũ)

 

Những người đóng góp công, tiền bạc đã được khắc ghi vào bia công đức ghi nhớ, công ơn. Hiện nay tại Văn Thánh- Khổng Miếu vẫn còn lưu giữ một số bia công đức.



 

  

Bia đá tại Văn Thánh-Khổng Miếu Bia đá tại Văn Thánh -Khổng Miếu                         (Bên trái)  (Bên phải)

          

              

Bia gỗ ghi công đức những người có công đóng góp
       xây dựng Văn Thánh- Khổng Miếu

+ Hậu điện được bài trí điện thờ bao gồm gian chính giữa thờ đức Khổng Tử tư thế chắp tay vào nhau như đang giảng đạo. Tiếp theo 2 bàn thờ các vị Tiên triết, bàn thờ các vị Tiên hiền, cuối cùng là bàn thờ các vị Tiên nho.

                                                    

                                                              Bàn thờ Đức Khổng Tử

Hai bên có 2 câu đối:

Sinh nhi tri chi, xuất hồ loại bạc hồ tụy,

Thánh đa năng dã, ngưỡng di cao toán di kiên

(Sinh ra mà hiểu biết, sinh ra cùng giống loại nhưng tiếng thơm cao ngút

Thánh lắm tài năng, ngước nhìn càng cao mà ngợi khen càng bền lâu)

         

Phía trong và chính giữa tượng Khổng Tử là 4 chữ Hán:

                                                

                                                              Đại thành chí thánh

 

Bàn thờ Tiên triết

(Trong cùng bên phải)

Đối: Kế vãng khai lai, tư văn vạn cổ

Thủ tiên đãi hậu, ngô đạo trung thiên

(Kế thừa vốn cũ, mở mang điều mới, nền văn ấy lưu muôn đời

Giữ người trước, tiếp đãi người sau, đạo này sáng mãi trong trời đất)

                                                                                          

                                 

Bàn thờ Tiên triết

(Trong cùng bên trái)

Đối: Thánh thánh tương thừa, tiên hậu quỹ nhất

Đầu đầu thị đạo, tả hữu phùng nguyên

(Thánh đến thánh cùng nối nhau, trước sau đều chung một đạo

Đầu nối đầu cũng là đạo, trái phải đều xem ngang nhau)



Bàn thờ Tiên hiền

(Bên phải)
Đối: Thịnh truyền mỹ chương, huân

danh sự nghiệp

Địa linh nhân kiệt, đức vọng văn chương

(Điều tốt truyền nhiều, rạng danh tên tuổi

Người hiền đất thiêng, đức sáng in vào

văn chương)



Bàn thờ Tiên nho   

 (Bên trái)

Đối:  Thù tứ văn phong trung thiên nhật nguyệt

Hồng lạc tổ quốc vạn cổ giang sơn

(Văn phong dòng Thù Tứ, sáng như mặt  trời mặt trăng trên bầu không

Tổ quốc giống Lạc Hồng, trường tồn như  núi như sông đến muôn kiếp)

- Phía trước điện chính là hai tháp nhỏ xây đối xứng nhau, tháp chuông (bên trái), tháp trống (bên phải), có hai tầng, mái tháp thiết kế đối sánh, lối lên xuống bố trí bậc tam cấp tạo thuận lợi cho người lên xuống khi đảm nhận đánh chuông, trống vào dịp tế lễ. Trên nóc tháp trang trí hình chim phụng dâng hoa, ở thế bay, miệng ngậm búp sen, được cẩn sứ nhiều màu. Hình chim phụng được trang trí theo thuyết âm dương: chuông là âm nên biểu tượng chim mái, trống là dương biểu tượng chim trống. Phía dưới liền kề có cẩn hình chữ Thọ cách điệu 4 mái thượng, hạ được dựng lên bởi 4 trụ tròn, ở mỗi đầu đao của mỗi mái đều trang trí những dãi mây lá hóa rồng, được cẩn sành sứ xanh trắng xen kẽ.                                                         

    

Tháp chuông

(Bên trái từ bên ngoài nhìn vào)

                                                                           

                     

Tháp trống

(Bên phải từ bên ngoài nhìn vào)

                    

Mái tháp trang trí hình chim phụng dâng hoa, cẩn sành sứ

Liền kề đó là 2 dãy nhà cầu lợp ngói âm dương (phục dựng năm 2011). Kiến trúc của 2 dãy nhà này không có tường rào che chắn, được chống đỡ bằng các trụ cột bằng gỗ kiền kiền, nhà cầu dùng để che nắng, mưa cho những chức sắc, người dân đến tế lễ vật vào miếu chính, cũng như xem hội dân gian cờ tướng, cờ làng, cờ người, hô hát bài chòi, dân ca dân vũ...

 

        



Nhà cầu 2 bên sân miếu

Tiếp theo 2 dãy nhà cầu là hai ngôi nhà cổ dân gian (phục dựng năm 2011) với kiến trúc nhà truyền thống 3 gian 2 chái, những đường nét chạm khắc gỗ, cấu kiện gỗ kiền kiền những hình dáng đắp nổi, mái lợp ngói âm dương phiên bản. Tất cả thể hiện khéo léo qua bàn tay của những nghệ nhân làng mộc Hội An. Ngôi nhà cổ dân gian này được sử dụng vào dịp tế lễ hằng năm. Đây là nơi chuẩn bị lễ vật bày biện các lễ nghi trước khi đưa vào chánh điện để tiến hành lễ. Nơi đây còn dùng để hội họp, thi họa, thi cờ, là nơi tín hữu dừng chân trước khi tiến hành lễ, đồng thời để trưng bày nội dung, một số hình ảnh tôn vinh thân thế, sự nghiệp của các nhân vật lịch sử, những tấm gương hiếu học thành tài, có đức của người Hà Đông xưa- Tam Kỳ nay.

Nhà cổ dân gian

- Sân đình là khoảng không gian thoáng đãng, lót gạch sạch đẹp theo hình bàn cờ, là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội, hội  họp, thi họa, thi cờ làng, cờ người, dân ca, dân vũ giải trí...  

                 

Sân đình


- Qua hai ngôi nhà cổ dân gian bước tới hồ bán nguyệt với cây cầu vồng được xây bằng đá, gạch có thành lan can với những ô đúc trang trí hình học được gắn liên tiếp với nhau khá công phu, các bờ hồ cũng được kè bằng đá hộc ngay ngắn để chống sạt lở, có hình cung, đỉnh ở giữa cao nhất uốn cong qua một ao hình bán nguyệt nhìn rất đẹp mắt.

 

Cây cầu bắc qua hồ sen

- Cổng tam quan có 4 trụ được xây bằng gạch vồ, tô vẽ, cẩn sành sứ đế hình vuông, 2 trụ cao trên chóp trụ có hình hoa sen nở, hình dáng như 2 cái bút lông viết lên nền trời xanh, ngã bóng xuống hồ bán nguyệt liền kề như chạm vào nghiêng mực đầy, 2 trụ phụ có gắn hình con nghê cách điệu, tất cả đều được cẩn sành. Hai trụ chính ở giữa, phần trên có 4 mái hạ và 4 mái thượng, được trang trí các loại hoa cách điệu, có hoa văn đắp nổi, đắp chìm bằng sành sứ. Ở 4 đầu đao của 4 trụ mái được trang trí bằng những đám mây hóa rồng cẩn sứ xanh, ở giữa hai mái của mỗi trụ có một khoảng trống có cẩn chữ Thọ cách điệu. Phía dưới thân trụ bên ngoài, có đắp nổi những đường gờ, có bốn hàng chữ Hán được cẩn mảnh sành:

* Hai trụ hai bên: (Cổng phụ)

- Mặt trước: (Nhìn từ ngoài vào)        

Chân đạo nhi hành, trấp cận đường, nhân cận ốc

Khiết kỳ dĩ tiến, tôn sở văn hành sở tri.

(Đạo chân chính cứ thế mà làm, bước lên sảnh  đấy là người nhà đấy.

Giữ thân thanh khiết mà tiến,  tôn trọng điều nghe thấy, làm những điều mình biết).

- Mặt sau: (Nhìn từ trong ra)

Đạo đức lễ nghĩa chi môn, quân tử sở lý, tiểu nhân sở thị

Văn vật thanh danh chi địa, đại du thị kinh, tuyên dân thị trình

(Dòng dõi đạo đức lễ nghĩa, người quân tử coi đấy là lý lịch, kẻ tiểu nhân xem như điều trông thấy

Vùng đất văn vật danh tiếng, người có chí lớn thường qua, người dân xưa thì hẹn)

* Hai trụ chính giữa: (Cổng chính)



- Mặt trước: (Nhìn từ ngoài vào)

Quảng nhi cầu chi, cối trạch hạnh đàn, sư biểu vạn thế

Tín bất vu hỹ, kỳ sơn lễ thủy văn hiến thiên nhiên

(Rộng mở cầu người, nhà thông giàn hạnh bậc thầy tiếng muôn đời

Tin không làm điều xằng, non cao, nước ngọt, văn hiến ngàn năm)

- Mặt sau: (Nhìn từ trong ra)

Chánh mẫn đạo hành tiêu cổn thường tồn vạn thế trạch

Thi ngôn chưng huấn cổ kim trường tác du nhân chúc

(Chánh trực cần mẫn theo phép mà làm, nước trời lồng lộng trường tồn, muôn đời thấm ơn

Lời thơ hướng đến răn dạy, xưa nay tác phẩm lưu lại dài lâu, nhiều người sáng đuốc)

Nhìn chung tất cả các hình ảnh này đều mang hàm ý đề cao việc học chữ thánh hiền, tôn trọng sự học, kính trọng các bậc hiền tài.

             

                                             

Cổng tam quan

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị di tích lịch sử. Ngày nay, hàng ngày các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên thường vào Văn Thánh-Khổng Miếu dâng hương, tham quan, vãng cảnh. Đặc biệt, vào dịp lễ hội tháng Giêng hàng năm thường diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh truyền thống hiếu học xứ Hà Đông, khuyến khích sự học. Đây là nơi vào dịp tháng 7 (âm lịch) hàng năm tổ chức phát thưởng giải thưởng Phan Chu Trinh, giải thưởng tôn vinh khuyến học, khuyến tài, giải thưởng cao nhất của thành phố Tam Kỳ về khuyến học, tổ chức các hoạt động như tổ chức đêm thơ Tết Nguyên Tiêu, hô hát bài chòi, các trò chơi dân gian giải trí.

 

  

Lễ hội đêm thơ Tết Nguyên tiêu tại Văn Thánh- Khổng Miếu
 

Hô hát Bài chòi tại Văn Thánh- Khổng Miếu

                                    

                         Hội thi múa Lân Sư Rồng tại  Văn Thánh-Khổng Miếu

Văn Thánh-Khổng Miếu là quần thể di tích kiến trúc lịch sử văn hóa nghệ thuật, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc vùng đất xứ Quảng. Đến với Văn Thánh-Khổng Miếu ta có thể chiêm ngưỡng những nét đẹp tinh tế qua những nét điêu khắc chạm trỗ tinh xảo trên các cấu kiện gỗ, kiến trúc mỹ thuật họa tiết xây dựng tượng hình mô tả độc đáo trang trí ở cổng ngõ, tháp chuông, tháp trống, chính điện, hậu điện…từ đó cho thấy được nét tài hoa của nền văn hóa phát triển của những nghệ nhân địa phương xưa. Đây là một điểm đến hấp dẫn đối với khách tham quan, cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử, kiến trúc có dịp đến với thành phố Tam Kỳ.

Tam Kỳ, tháng 2 năm 2014

Trung tâm VHTTTP Tam Kỳ biên soạn và phát hành

          - Địa chỉ: 56 Trần Cao Vân, TP Tam Kỳ, Quảng  Nam

          - Điện thoại: 05103851363

          - Thông tin chi tiết truy cập:

+ Website của UBND thành phố Tam Kỳ: www.tamky.gov.vn

+Cổng thông tin của Phòng Văn hóa thông tin thành phố Tam Kỳ: www.vhtttamky.gov.vn

 

Chịu trách nhiệm xuất bản:



Ông: Chu Quang Ngân  - Giám đốc Trung tâm VHTT thành phố Tam Kỳ

Biên soạn:

Ông: Phan Xuân Anh - Cán bộ Nhà truyền thống Tam Kỳ

Bà: Lê Thị Huyền Trang - Cán bộ Nhà truyền thống Tam Kỳ.





Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 69.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương