VĂn phòng số: 1914/hd-vp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 69.6 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích69.6 Kb.
#5339


BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA 1237

VĂN PHÒNG


Số: 1914/HD-VP



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2015





HƯỚNG DẪN

Rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; bàn giao, cung cấp thông tin;

xác định số lượng hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập

và xác minh, kết luận thông tin liệt sĩ

­­



Thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 252/KH-BCĐ ngày 11/11/2013 của Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 triển khai thực hiện Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 214/2013/TT-BQP ngày 07/12/2013 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;

Ngày 12/5/2014, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có Công văn số 803/CV-VP hướng dẫn về việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ liệt sĩ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, nhất là công tác bàn giao, xác định thông tin liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập thực hiện chưa thống nhất, tiến độ còn chậm.

Để nâng cao hiệu quả công tác hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, cơ sở dữ liệu liệt sĩ; bàn giao, cung cấp thông tin; xác định số lượng liệt sĩ, mộ liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập và xác minh, kết luận thông tin liệt sĩ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 hướng dẫn một số nội dung như sau:

I. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN HỒ, DANH SÁCH SƠ LIỆT SĨ; BÀN GIAO VÀ XÁC ĐỊNH THÔNG TIN LIỆT SĨ CẦN TÌM KIẾM, QUY TẬP

1. Rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ

1.1. Yêu cầu của việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ

Tổ chức rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ là việc làm thường xuyên của các cơ quan, đơn vị Quân đội; kết hợp với rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ của các địa phương (cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cơ quan của các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

Việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ phải đạt được các yêu cầu cụ thể sau:

- Tổ chức triển khai chặt chẽ, có kế hoạch; bảo đảm thống nhất.

- Kết luận được số lượng liệt sĩ do cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý hy sinh trong các thời kỳ. Hoàn thiện được danh sách liệt sĩ với các thông tin như nội dung trong giấy báo tử.

- Tổ chức cập nhật, xây dựng, hoàn thiện được cơ sở dữ liệu về liệt sĩ của cơ quan các Ban, Bộ, ngành Trung ương, đơn vị Quân đội và các địa phương đang quản lý.

- Hoàn thiện hồ sơ, danh sách (sơ đồ mộ chí) liệt sĩ hiện đang lưu giữ, bàn giao cho các đơn vị, địa phương phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

1.2. Trách nhiệm rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ

a) Cơ quan các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các địa phương từ cấp xã trở lên có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ của cơ quan, địa phương hy sinh qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc (không thống kê danh sách đối với các trường hợp công tác tại cơ quan, địa phương có lệnh gọi nhập ngũ vào các đơn vị quân đội, sau đó hy sinh).

b) Các cơ quan, đơn vị Quân đội từ cấp Trung đoàn và tương đương trở lên có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ của cơ quan, đơn vị hy sinh qua các thời kỳ (chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc).

Đối với cơ quan, đơn vị có đơn vị cấp dưới đã giải thể, sáp nhập, chia tách thì cơ quan Chính trị cấp trên trực tiếp chủ trì, chỉ đạo các cơ quan chức năng: Chính sách, Quân lực, Cán bộ, Văn thư lưu trữ,… phối hợp rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ của các đơn vị cấp dưới đã giải thể, sáp nhập, chia tách.



1.3. Nội dung, biện pháp rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ

a) Bước 1: Trên cơ sở hồ sơ, danh sách liệt sĩ đang quản lý chủ động phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban liên lạc Cựu Chiến binh, Ban liên lạc Bạn chiến đấu; sử dụng kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị; căn cứ lịch sử, truyền thống của cơ quan, đơn vị, địa phương để đối chiếu, xác định tổng số liệt sĩ; số lượng liệt sĩ hy sinh trong từng thời kỳ; xác định số liệt sĩ còn thiếu hồ sơ, danh sách ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Những trường hợp chưa rõ như: Mất tin, mất tích, từ trần chưa được kết luận là liệt sĩ hoặc quân nhân từ trần thì tổng hợp, lập danh sách riêng để tiếp tục phối hợp với địa phương thẩm tra, xác minh, kết luận.

b) Bước 2: Tổ chức thẩm tra, xác minh, chuẩn hóa các thông tin về liệt sĩ (họ, tên, quê quán, năm sinh, thân nhân liệt sĩ; đơn vị, thời gian hy sinh, nơi hy sinh, nơi chôn cất ban đầu liệt sĩ); kiểm tra, thống kê hồ sơ liên quan đến mộ chí (nếu có) đã bàn giao hoặc chưa bàn giao danh sách, sơ đồ mộ chí (nơi chôn cất ban đầu) cho các đơn vị, địa phương quy tập.

c) Bước 3: Tổ chức cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ (phần mềm do Cục Chính sách cung cấp). Đồng thời, tiếp nhận cơ sở dữ liệu liệt sĩ do Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị - Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 bàn giao để rà soát, đối chiếu lại, chốt số lượng, chuẩn hóa thông tin liệt sĩ của cơ quan, đơn vị mình.

Đối với các đơn vị đã quản lý hồ sơ, danh sách liệt sĩ vào máy tính hoặc đã có phần mềm quản lý thì coppy vào đĩa CD-ROM hoặc USB gửi về Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 để tích hợp vào phần mềm mới, sau đó tiếp nhận chuyển giao, tiếp tục rà soát, nhập bổ sung các thông tin hoặc danh sách liệt sĩ còn thiếu.

d) Bước 4: Lập sổ danh sách liệt sĩ để quản lý, khai thác, lưu trữ (theo từng thời kỳ, từng cơ quan, đơn vị, địa phương).

đ) Bước 5: Cơ quan Chính trị (Chính sách) từ cấp Trung đoàn và tương đương trở lên báo cáo kết quả rà soát, hoàn thiện danh sách liệt sĩ; cơ sở dữ liệu về liệt sĩ; sơ đồ mộ chí cho đến cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ quan Chính trị (Chính sách) đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tích hợp cơ sở dữ liệu của các đơn vị thuộc quyền, báo cáo về Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị.

Các địa phương (UBND xã, phường) báo cáo kết quả rà soát, hoàn thiện danh sách liệt sĩ (liệt sĩ bộ đội địa phương, dân chính đảng, Thanh niên xung phong, dân quân, du kích, tự vệ…) của địa phương về cơ quan quân sự huyện, quận để tổng hợp báo cáo về cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 cấp tỉnh (Bộ CHQS tỉnh) để tích hợp; báo cáo cơ sở dữ liệu về Ban Chỉ đạo 1237 Quân khu và Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Đối với cơ quan các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các học viện, nhà trường Quân đội tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách liệt sĩ của cơ quan kèm theo sơ đồ mộ chí nơi chôn cất ban đầu (nếu có) gửi về Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 để cập nhật cơ sở dữ liệu về liệt sĩ toàn quốc.



2. Bàn giao, cung cấp thông tin về liệt sĩ

Cấp Sư đoàn và tương đương; cơ quan Chính trị các Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Binh đoàn có trách nhiệm tách danh sách liệt sĩ trong cơ sở dữ liệu liệt sĩ về nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu theo địa bàn cấp tỉnh (kèm theo sơ đồ mộ chí, nếu có) phục vụ cho công tác bàn giao và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cá nhân và tổ chức.

Bàn giao, cung cấp thông tin về liệt sĩ phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập. Nội dung và yêu cầu cụ thể như sau:

2.1. Bàn giao danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí

- Bàn giao danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí tiến hành đồng thời; chuyển đúng địa chỉ nơi nhận là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 cấp tỉnh (nơi liệt sĩ hy sinh và chôn cất ban đầu). Đối với danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào và Campuchia bàn giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 cấp tỉnh đảm nhiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ địa bàn các tỉnh ở Lào và Campuchia theo Phụ lục 1, 2, Kế hoạch số 2297/KH-BTC-UB ngày 09/5/2008 của Ban Công tác Đặc biệt, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ.

Việc bàn giao có thể tiến hành giao hết danh sách, sơ đồ mộ chí (nếu đã hoàn thiện) hoặc bàn giao từng phần, từng địa phương. Có thể bàn giao gián tiếp (bằng văn bản) hoặc bàn giao trực tiếp.

- Văn bản bàn giao phải được ký kết bên giao, bên nhận; gửi về cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 các cấp, cơ quan Chính trị cấp trên trực tiếp và Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237.



2.2. Cung cấp thông tin về liệt sĩ

- Cấp Trung đoàn, Lữ đoàn, Sư đoàn, cơ quan Chính trị (Chính sách) các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 cấp tỉnh có trách nhiệm trích xuất danh sách liệt sĩ của cơ quan, đơn vị theo địa bàn nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu (cấp tỉnh); theo nguyên quán của liệt sĩ trước khi hy sinh, chuyển giao Ban Chỉ đạo 1237 cấp Quân khu, cấp tỉnh và cung cấp thông tin cho tổ chức liên quan, thân nhân liệt sĩ có yêu cầu phục vụ cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

- Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 tiếp nhận danh sách liệt sĩ, cơ sở dữ liệu về liệt sĩ do các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các cơ quan, đơn vị Quân đội báo cáo; tích hợp, trích xuất danh sách liệt sĩ theo địa bàn nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu (cấp tỉnh); theo nguyên quán của liệt sĩ trước khi hy sinh, chuyển giao Ban Chỉ đạo 1237 cấp Quân khu, cấp tỉnh phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập và cung cấp thông tin liệt sĩ cho thân nhân.

3. Xác định số lượng hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập trên địa bàn

Mục tiêu việc xác định số lượng hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập nhằm tăng cường công tác quản lý địa bàn của các cấp, địa phương, phục vụ công tác tổ chức xác minh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từng địa bàn. Cần xác định rõ trách nhiệm, nội dung, phương pháp phù hợp tình hình cụ thể của từng cấp, ngành và địa phương.



3.1. Trách nhiệm tiến hành xác định số lượng hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập

Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237, Ban Chỉ đạo 1237 cấp Quân khu, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm xác định số lượng hài cốt liệt sĩ và thông tin liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập từng vùng (khu vực) và địa bàn từng địa phương.



3.2. Nội dung, phương pháp xác định số lượng hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập trên địa bàn

a) Xác định tổng số hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập theo công thức và phương pháp sau:

* Công thức xác định:

Tổng số hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập = Số lượng liệt sĩ hy sinh trên địa bàn - (trừ đi) số đã tìm kiếm, quy tập đưa vào nghĩa trang tại địa phương hoặc chuyển về địa phương khác. Trong đó:

- Số lượng liệt sĩ hy sinh trên địa bàn = Số lượng liệt sĩ của các đơn vị chủ lực và các lực lượng khác chiến đấu, hy sinh tại địa bàn + số lượng liệt sĩ của địa phương đã hy sinh trên địa bàn (LLVT địa phương, dân chính đảng …);

- Số đã tìm kiếm, quy tập được = Số hài cốt liệt sĩ hiện đang an táng trong nghĩa trang tại địa phương (cả trong nghĩa trang liệt sĩ và gia đình) + số hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang đã di chuyển đến địa phương khác - (trừ đi) số hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang từ nơi khác ngoài địa bàn tỉnh chuyển đến.



* Phương pháp xác định:

- Bước 1: Phân tích cơ sở dữ liệu liệt sĩ do các đơn vị đóng quân, chiến đấu trên địa bàn và Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị chuyển giao; số lượng liệt sĩ ở tại địa phương hy sinh, bao gồm cả liệt sĩ là quân nhân các đơn vị thuộc quyền và liệt sĩ thuộc tổ chức, cơ quan dân chính đảng; kết hợp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ (nơi chôn cất ban đầu) do Cựu Chiến binh, các tổ chức, cá nhân cung cấp. Kết luận số liệt sĩ đã hy sinh, chôn cất ban đầu trên từng địa bàn cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.

- Bước 2: Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội kết luận tổng số mộ liệt sĩ đã quy tập, an táng trong nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương, gồm: Số mộ có đầy đủ thông tin, số mộ có thông tin nhưng còn thiếu, số mộ chưa có thông tin; số mộ liệt sĩ đã chuyển địa phương khác; số mộ liệt sĩ từ địa phương khác chuyển về (kể cả mộ liệt sĩ do thân nhân chuyển về, không tổng hợp mộ vọng).

- Bước 3: So sánh, đối chiếu, kết luận số mộ liệt sĩ còn lại cần tìm kiếm, quy tập trên địa bàn.

b) Xác định khu vực cần tập trung tìm kiếm, quy tập

Trên cơ sở số lượng mộ liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập; các cấp tổ chức xác minh, xác định rõ khu vực cần tập trung tìm kiếm, quy tập.

- Địa bàn (khu vực) không có thông tin chôn cất liệt sĩ;

- Địa bàn (khu vực) có thông tin nhưng đã tìm kiếm, quy tập hết.

- Địa bàn (khu vực) có chôn cất liệt sĩ, nay vẫn còn, cần làm rõ:

Địa bàn (khu vực) chưa tìm kiếm; địa bàn (khu vực) đã tìm kiếm nhưng chưa có kết quả; địa bàn (khu vực) đã tìm kiếm, quy tập được một phần, nay vẫn còn.



4. Xác minh, kết luận thông tin để trực tiếp phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

4.1. Trách nhiệm xác minh, kết luận thông tin mộ liệt sĩ

a) Thông tin mộ liệt sĩ do các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân cung cấp cần được tổ chức xác minh, kết luận phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

b) Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237; Ban Chỉ đạo 1237 cấp Quân khu, cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận và chỉ đạo cơ quan Quân sự, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Cựu Chiến binh … do cơ quan quân sự và lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập chủ trì, trực tiếp xác minh, kết luận thông tin mộ liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập.

4.2. Nội dung, phương pháp xác minh, kết luận thông tin mộ liệt sĩ

a) Nội dung: Xác minh, kết luận cụ thể từng thông tin mộ liệt sĩ (nơi chôn cất ban đầu) theo địa bàn (thôn, xã,…; tọa độ …); mộ lẻ hay mộ tập thể; đã được quy tập hay chưa tìm kiếm, quy tập; nếu đã quy tập thì đưa về an táng tại nghĩa trang nào.

b) Phương pháp:

- Bước 1: Tiếp nhận thông tin mộ liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập; đối chiếu thông tin, tài liệu liên quan (thời gian, địa điểm, chiến trường, trận đánh, số lượng hoặc danh sách liệt sĩ hy sinh, nơi chôn cất ban đầu liệt sĩ, sơ đồ mộ chí…) do các đơn vị, địa phương có quân nhân hy sinh bàn giao, cung cấp; tổng hợp thông tin, xác định khu vực, vị trí có thông tin cần tìm kiếm, quy tập.

- Bước 2: Phân tách, chuyển giao thông tin mộ liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập theo địa bàn cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.

- Bước 3: Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các nghĩa trang liệt sĩ; Cựu Chiến binh; Ban Liên lạc Bạn chiến đấu; già làng, trưởng bản, người cao tuổi … để xác minh, kết luận cụ thể về thông tin từng địa bàn (thôn, ấp, tổ …).

- Bước 4: Tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 1237 cấp tỉnh, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp trên về tình hình và đề xuất biện pháp tìm kiếm, quy tập.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai rà soát hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, cơ sở dữ liệu liệt sĩ; bàn giao, cung cấp thông tin; xác định số lượng liệt sĩ, mộ liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập và xác minh, kết luận thông tin liệt sĩ phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo phạm vi trách nhiệm đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

a) Đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương

Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chức năng, các đơn vị thuộc quyền thu thập, rà soát, thống kê, hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách liệt sĩ và các thông tin liên quan đến liệt sĩ, mộ liệt sĩ thuộc Bộ, ngành cung cấp cho Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 và các đơn vị Quân đội phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

b) Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng

- Quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện Hướng dẫn này;

- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (chú ý các đơn vị đã sáp nhập, giải thể, chia tách); việc bàn giao danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí (nơi chôn cất ban đầu) đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 cấp tỉnh, nơi liệt sĩ hy sinh và chôn cất ban đầu; cung cấp thông tin về liệt sĩ do đơn vị quản lý cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

c) Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 cấp Quân khu, cấp tỉnh

- Tham mưu, đề xuất nội dung, biện pháp triển khai thực hiện; tiếp nhận cơ sở dữ liệu liệt sĩ về nơi hy sinh, chôn cất ban đầu và thông tin mộ liệt sĩ; phối hợp xác định số lượng hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập và thông tin mộ liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập;

- Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể có liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ của cơ quan, địa phương (LLVT và dân chính đảng), bàn giao cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 (Bộ CHQS tỉnh) để tổng hợp;

- Phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội xác định số lượng hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập; xác minh, kết luận thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;

- Chỉ đạo, lựa chọn địa phương thực hiện làm điểm về xác minh, kết luận địa bàn để hướng dẫn, triển khai đồng bộ phù hợp thực tế của các địa phương.

d) Các cơ quan Bộ Quốc phòng

Đề nghị các cơ quan Bộ Quốc phòng (Cục Cán bộ, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội/TCCT; Cục Quân lực/BTTM, Trung tâm lưu trữ/BQP) đang quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu quân nhân hy sinh, từ trần, mất tin… rà soát, hoàn thiện, cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo đề nghị để hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ và xác định thông tin liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập.

đ) Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị

- Tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ và các thông tin liên quan đến liệt sĩ, mộ liệt sĩ thuộc cơ quan quản lý; tổng hợp, bàn giao về các địa phương (Bộ CHQS cấp tỉnh) nơi liệt sĩ hy sinh;

- Xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ liệt sĩ; tổ chức tập huấn khai thác, sử dụng, tiếp nhận dữ liệu do các cơ quan, đơn vị báo cáo; chuyển giao cho các địa phương quản lý, khai thác;

- Hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; xác định số lượng hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập; xác minh, kết luận thông tin mộ liệt sĩ;

- Lập dự toán kinh phí hàng năm, bảo đảm trang bị, phương tiện theo quy định; đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện.

2. Thời gian thực hiện

- Quý III/2015, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, quán triệt triển khai thực hiện đến cấp Trung đoàn và tương đương trở lên.

- Quý I/2016, báo cáo kết quả rà soát, hoàn thiện danh sách liệt sĩ về Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị.

- Quý II/2016, báo cáo cơ sở dữ liệu về liệt sĩ; kết quả xác định số lượng hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc bàn giao danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ liệt sĩ và xác định khu vực cần tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.



III. NGUỒN KINH PHÍ BẢO ĐẢM

1. Nguồn kinh phí

Kinh phí bảo đảm rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, bàn giao danh sách liệt sĩ, cung cấp thông tin và xác định thông tin liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập và các trang, thiết bị được sử dụng từ nguồn kinh phí công tác mộ liệt sĩ năm 2015 và hằng năm phân cấp cho các cơ quan, đơn vị.



2. Mức chi

Nội dung, mức chi thực hiện theo Quyết định số 75/2013/QĐ-TTg ngày 06/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư Liên tịch số 66/2014/TTLT-BQP-BTC ngày 14/6/2014 của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Hướng dẫn số 748/HD-LC-CS-TC ngày 25/3/2015 của liên Cục Chính sách, Tài chính.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị quán triệt triển khai thực hiện; quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 để tổng hợp, báo cáo, đề xuất giải quyết./.

Nơi nhận:

- Phó Trưởng ban TTBCĐQG 1237;

- Thủ trưởng TCCT; (Để báo cáo);

- Các đ/c Ủy viên BCĐQG 1237 ;

- Ban Chỉ đạo 1237 các Quân khu; BTL Thủ đô 08;

- Ban Chỉ đạo 1237 các tỉnh, thành phố trực thuộc TW62;

- Cơ quan Chính trị các đơn vị trực thuộc Bộ31;

- Bộ CHQS các tỉnh, TP trực thuộc TW62;

- C85, C56, C41;

- Trung tâm lưu trữ/BQP;

- Cục trưởng, các Phó Cục trưởng;

- Cơ quan Văn phòng BCĐQG 1237;

- Cổng TTĐT Cục CS;

- Lưu : VT, TBLS05 ; NQ 200.



CHÁNH VĂN PHÒNG

(Đã ký)


CỤC TRƯỞNG CỤC CHÍNH SÁCH

Thiếu tướng Trần Văn Minh










tải về 69.6 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương