VĂn phòng quốc hội trung tâm Tin học


Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch



tải về 362.23 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích362.23 Kb.
#22042
1   2   3   4   5
Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Câu hỏi thứ nhất là quan điểm của chúng tôi như thế nào thì xung quanh vấn đề này lâu nay, thời gian gần đây rất nhiều báo chí đăng tải về việc này, tôi cũng đồng tình với quan điểm của đồng chí nêu ra và những thủ tục như thế thì không cần thiết và nó gây ra phản cảm, thái độ của chúng tôi là chúng tôi đề nghị các Ban quản lý, các chính quyền của địa phương phải có ý kiến với các nhà chùa và các di tích để cho việc đó nó sẽ dần dần bớt đi và tiến tới không còn việc này nữa.

Việc thứ hai, chúng tôi ý thức được rằng chúng ta đang ở một thời điểm mà kinh tế hết sức khó khăn, việc tổ chức lễ hội gây tốn kém tiền của nhiều của xã hội nói chung thì nó cũng không hay ho gì. Nhưng bây giờ phạm vi, mức độ quy mô như thế nào thì các địa phương, các nơi tổ chức cũng phải tính toán, cân nhắc hết sức kỹ bởi vì không phải Trung ương khó khăn mà các địa phương, cơ sở cũng khó khăn. Còn việc lễ kỷ niệm ở các nơi vào ngày thành lập, ví dụ ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam, 10 năm thành lập trường, nơi này, nơi kia thì cái đó là thủ trưởng các cơ quan, các cấp ủy chính quyền địa phương cũng phải ý thức việc này và có tổ chức nhưng phạm vi, mức độ như thế nào cho nó vừa phải. Tôi xin hết.
Ngô Văn Minh  - Quảng Nam 

Tôi định không hỏi, nhưng thấy im quá tôi xin hỏi một ý. Riêng lễ hội các đồng chí nói nhiều rồi, nhưng việc cưới và việc tang thì báo cáo đồng chí Bộ trưởng là người vi phạm nhiều nhất thường là người có chức, có quyền, cán bộ, đảng viên, còn nhân dân theo tôi được biết thì người ta chấp hành tốt hơn. Bởi vì nếu anh làm sai cái đó một tý là dứt khoát không đạt gia đình văn hóa, họp tổ, họp xóm, họp khu phố người ta kiểm điểm rất sâu sắc, người ta thi đua để thực hiện đúng nếp sống đó, thường là không vi phạm quy định 3 ngày, 5 ngày gì đó. Thường tiệc cưới là cán bộ, Đảng viên chúng ta hay bị xử lý một số trường hợp nhưng mang tính răn đe thì cũng chưa và còn tái diễn nhiều.

Riêng việc tang báo cáo các đồng chí, tôi đi tiếp xúc cử tri nhiều nơi nhân dân bảo ở dưới này chúng tôi không bao giờ để quá 3 ngày. Nhưng các đồng chí cấp cao mỗi lần công bố thể lệ quốc tang v.v... thường là 5 ngày, 7 ngày, người ta cũng thắc mắc, bảo nhân dân ở dưới chấp hành nghiêm mà trên Trung ương sao lại thế. Trong này đồng chí Bộ trưởng cũng có kiến nghị rồi, tôi đề nghị sắp tới đồng chí có thể công khai và cụ thể hóa việc này luôn, dân thì được 3 ngày, cán bộ cấp nào thì được 4 ngày, cấp nào thì được 5 ngày để dân thỏa mãn, nếu không để như thế này dân người ta sẽ thắc mắc. Xin hết.
Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Báo cáo các đồng chí việc này đã quy định rất cụ thể, nếu chết vì bệnh thông thường thì 7-8h là phải khâm liệm và không quá 48h là phải di quan, còn chết vì bệnh dịch thì khâm liệm và di quan không quá 24h, nhưng việc này đã diễn ra như đại biểu vừa nói. Việc này để chúng tôi nghiên cứu nên quy định như thế nào cho phù hợp vì còn điều kiện vệ sinh môi trường nữa.

Như đồng chí nói hiện nay có một số vi phạm trong đó có cán bộ, Đảng viên, trong Chỉ thị 27 của Ban Bí thư Trung ương thì cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu chấp hành tốt việc cưới, tang, lễ hội. Việc này từng cơ quan phải có quy định cụ thể, ví dụ cơ quan Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chúng tôi có quy định cụ thể việc cưới, việc tang trong nội bộ cơ quan như thế nào, cấp nào đi, ai đi, đi bao nhiêu vòng hoa, đó là việc tang còn việc cưới thì dứt khoát không tổ chức trong giờ hành chính và dứt khoát không linh đình, phải hết sức tiết kiệm, từng cơ quan phải kiểm soát, phải xây dựng một quy chế về kiểm soát, còn nếu để mình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ giúp Chính phủ ban hành các quy định, triển khai hướng dẫn, còn tới đây mình xem, mình hỏi lại thử ở cơ quan, đơn vị mình làm đến đâu, từng cán bộ, Đảng viên của mình phải như thế nào để cho cán bộ, Đảng viên đi trước làng nước theo sau, xin cảm ơn.
Hồ Trọng Ngũ  - Ninh Thuận 

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Thưa đồng chí Bộ trưởng,

Trong báo cáo của đồng chí Bộ trưởng trước Thường vụ có nói hiện nay chúng ta có 7966 lễ hội, nhưng rất tiếc trong báo cáo của đồng chí nói là chỉ hơn 300 lễ hội cách mạng, chúng tôi cũng rất phân vân là ở Điều 30 của Hiến Pháp có nói là Nhà nước và xã hội bảo tồn phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp văn hóa và nghiêm cấm truyền bá tư tưởng văn hóa phản động. Chúng tôi cùng rất phân vân là ngoài số hơn 300 lễ hội văn hóa cách mạng thì số còn lại được xếp vào loại gì? Nhà nước chúng ta trong việc thống nhất quản lý thì có định hướng để biến đổi các văn hóa đó thành cách mạng không hay là ở chỗ này có ý là phân loại nhưng không đúng.

Thứ hai, đồng chí Bộ trưởng cũng cho biết là những năm gần đây hiện tượng đi chùa chiền rất nhiều, trở nên tăng một cách đột biến, tự nhiên cũng thành một câu hỏi mà chúng tôi không biết rằng như vậy thì xu hướng đó có phù hợp với tiên tiến cách mạng không hay là có gì đó trong phân loại, trong đánh giá của chúng ta chưa đúng, đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ thêm về quan điểm này, xin hết.
Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Báo cáo đồng chí là hiện nay theo phân loại của chúng tôi có 4 loại:

Một là lễ hội dân gian, tức là nhằm tôn vinh các vị thần linh, các bậc tiền nhân đã có công đối với đất nước. Loại thứ hai là lễ hội lịch sử cách mạng để nêu cao lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, kính trọng các anh hùng liệt sỹ đã có công với đất nước, đó là lễ hội cách mạng. Còn lễ hội tín ngưỡng tôn giáo các đồng chí biết rồi, ở Thiên chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo mỗi nơi người ta có cách tổ chức lễ hội để thu hút giáo dân của mình.

Bây giờ làm sao để có nhiều lễ hội cách mạng hơn? Tôi nghĩ mỗi lễ hội đều xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử của nó, không thể nào mình đặt ra lễ hội được. Ví dụ, sắp tới đây chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn tại Quảng Bình, sẽ tổ chức những hoạt động mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ tham gia tổ chức. Các đồng chí biết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta thì đường Trường Sơn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, có thể nói quyết định cho sự nghiệp thắng lợi của mình. Đó là lễ hội lịch sử cách mạng và v.v..., Lễ hội chiến thắng Điện Biên Phủ, lễ hội lịch sử cách mạng. Còn những lễ hội như thế ở cấp quốc gia, hay cấp tỉnh, thành phố, cấp quận, huyện, những lễ đó phải được chính quyền và được ngành của chúng tôi tham mưu, được chính quyền địa phương và được Thủ tướng Chính phủ, được Ban Bí thư, Bộ Chính trị cho phép chúng ta tiến hành lễ hội.

Câu thứ hai là câu đi chùa nhiều, bây giờ chúng tôi không biết nói như thế nào, bởi vì nhu cầu tâm linh tín ngưỡng. Nhu cầu tâm linh có thể nói là một hiện tượng người, bản chất người và thực tế được xã hội người ta thừa nhận. Trong tâm linh tín ngưỡng của người đó mình loại trừ tất cả những yếu tố khác, những loại pha tạp, những loại di căn, những hủ tục mê tín dị đoan. Dòng tâm linh tín ngưỡng đó leo lên tinh thần cộng đồng, lòng yêu nước, niềm tự hào và phải chăng nó liền mạch với việc mình thờ cúng tổ tiên, ông bà và phải chăng nó là một bộ phận của văn hóa, người ta thấy nhu cầu đó là chính đáng nên người ta đi. Ở đây chúng ta chống là chống việc lợi dụng lễ hội để làm những việc không hay như mê tín dị đoan, lên đồng, bói toán v.v.... không phù hợp với thuần phong mỹ tục của đất nước chúng ta. Xin cảm ơn.
Nguyễn Văn Phúc  - Bình Thuận 

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội,

Kính thưa Bộ trưởng, chúng tôi được đến thăm Đền Bà Chúa Xứ ở tỉnh An Giang, có lẽ đây là một trong những điển hình chúng tôi cho rằng thực hiện rất tốt chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo cũng như quản lý về văn hóa và di tích lịch sử. Năm 2008 chúng tôi được biết tiền cúng viếng Bà Chúa Xứ khoảng 30 tỷ và ở địa phương, trực tiếp là Ban quản lý dự án xin Bà dùng phần lớn số tiền này để xây dựng các nhà trường cho trẻ em và thực hiện hỗ trợ người nghèo, tôi cho đó là một mô hình rất tốt.

Không biết với tư cách là Bộ trưởng quản lý toàn quốc thì có nhiều nơi thờ tự và có thực hiện được tốt như ở An Giang hay không?

Câu hỏi thứ hai, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng trả lời chất vấn, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong lễ hội chúng ta vừa có du lịch vừa có văn hóa. Chúng tôi biết ở nhiều điểm lễ hội có lẽ thiếu chất văn hóa và báo chí cũng đưa rồi. Xin Bộ trưởng cho biết là với tư cách Bộ trưởng, trước đây du lịch ngoài Bộ Văn hóa thì bây giờ với tư cách là Bộ trưởng vừa quản lý nhà nước về du lịch, vừa quản lý nhà nước về văn hóa thì cái kết hợp hai chức năng quản lý này, hai nhiệm vụ quản lý này trong thời gian vừa qua như thế nào để cho lễ hội của chúng ta vừa mang tính du lịch thu hút khách vừa có chất văn hóa hơn? Xin hết.
Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Hiện nay ở An Giang như đại biểu vừa nói tiền cúng viếng ban quản lý dự án đã có ý kiến và đã xin để xây dựng trường, hỗ trợ người nghèo. Tôi nghĩ đây là mô hình rất tốt mà nên khuyến khích các nhà thờ, nhà chùa làm việc nghĩa như thế này. Nhưng mặt khác cũng có nơi người ta sử dụng phần lớn vào việc tu bổ di tích, ví dụ ở khu di tích Hùng Vương, đền Hùng thì năm vừa rồi người ta đóng góp công đức 15 tỷ đồng và gửi vào kho bạc Nhà nước, sau đó người ta tiến hành duy tu bảo dưỡng ngoài ngân sách của Bộ cấp cho mục tiêu phát triển văn hóa thì người ta sử dụng số tiền ở đây ra người ta duy tu bảo dưỡng.

Một số nơi khác tiền công đức của các nhà chùa chúng tôi được biết khi chúng tôi ở trong Nam thì khi nhân dân bị lũ lụt, bị thiên tai họ trích một phần này để họ ủng hộ cho những nơi vùng bị thiên tai bão lụt. Hiện nay có bao nhiêu nhà chùa làm việc này thì chúng tôi chưa thống kê được, tôi sẽ ghi nhớ việc này và chúng tôi sẽ thống kê để qua đó mình biểu dương mình tuyên dương cách làm hay như thế này.

Vấn đề thứ hai, lễ hội văn hóa và du lịch hiện nay chủ yếu các lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử truyền thống cách mạng, còn lễ hội kết hợp với du lịch thì đó là lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch. Ở đó nó thể hiện kết hợp được hai, một là truyền thống mang bản sắc văn hóa của địa phương nhưng đồng thời giới thiệu được tiềm năng du lịch của địa phương, những tua du lịch, những tuyến du lịch. Ví dụ như ở Bắc Giang vừa rồi ta tổ chức ngày hội văn hóa thể thao, du lịch các tỉnh Bắc Giang mà có anh Ksor Phước dự cùng chúng tôi. Bên phần lễ thì phần hội người ta dựng lên quá trình hình thành tỉnh Bắc Giang những nhân vật mà có công xây dựng tỉnh Bắc Giang và những tiềm năng thế mạnh của Bắc Giang, bên hội chợ triển lãm của họ giới thiệu những nơi danh lam thắng cảnh cũng như những vùng quê, những đặc sản mà thu hút khách du lịch, các tua du lịch và ở đó người ta bán cả sản phẩm du lịch nữa.

Chúng tôi xin báo cáo các đồng chí, nhiều lễ hội văn hóa, thể thao du lịch người ta kết hợp với các sản phẩm giới thiệu danh lam thắng cảnh, cũng như các tour tuyến để các công ty lữ hành, các công ty tổ chức khách du lịch người ta đến xem xét mua những tour đó và họ liên hệ đưa khách du lịch đến. Xin hết.
Nguyễn Hữu Hùng  - Tiền Giang 

Tôi xin có một số câu hỏi gửi đến Bộ trưởng:

Thứ nhất, lễ hội của chúng ta hiện nay tổ chức tràn lan, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội du nhập từ nước ngoài thì đối tượng là thanh niên, thế hệ trẻ tiếp cận rất nhanh. Vấn đề này Bộ đã có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn như thế nào? Trong báo cáo của đồng chí Bộ trưởng có đề cập đến vấn đề này.

Thứ hai, việc tổ chức lễ hội ở các địa phương vai trò quản lý nhà nước của Bộ đã được thực hiện như thế nào để dẫn đến tình trạng lễ hội tràn lan.

Thứ ba, xử lý vấn đề chủ trương của chúng ta hiện nay thực hiện tiết kiệm. Vấn đề tổ chức lễ hội ở các địa phương với vấn đề tiết kiệm thì xử lý như thế nào? Xin hết.
Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Hiện nay theo ước tính của chúng tôi có không nhiều lễ hội du nhập từ nước ngoài vào như ngày tình yêu, ngày của Bố, ngày của Mẹ v.v... Những lễ hội này thực sự du nhập vào có nhu cầu của nó, không tự nhiên cái gì đến được. Trước khi tổ chức lễ hội này thì chúng tôi cũng đã tính toán và có yêu cầu các địa phương phải quản lý cho chặt chẽ và sắp tới trong sửa lại quy chế quản lý các lễ hội thì chúng tôi sẽ sửa lại và có những quy định cụ thể hơn.

Vấn đề hai là vai trò quản lý của các cấp đối với các lễ hội thì như vậy, lễ hội đã được phân cấp, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trước khi tổ chức lễ hội, nếu lễ hội dân gian thì không cần phải xin phép. Nhưng trước đó phải báo cáo lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống, lễ hội lịch sử cách mạng thì trước đó 20 ngày phải báo cáo và sau khi kết thúc lễ hội cũng phải báo cáo, còn những lễ hội nào mà không tổ chức, mới tổ chức lần đầu thì dứt khoát phải xin phép, những lễ hội thay đổi về nội dung, về điểm cũng phải xin phép, lễ hội du nhập từ nước ngoài vào cũng phải xin phép. Điều này cũng phân cấp hết sức rõ ràng rồi, các địa phương có Ban chỉ đạo, Ban tổ chức còn việc tổ chức quy mô như thế nào, như thế nào là vừa phải và làm thế nào phải tiết kiệm thì chúng tôi cũng đề nghị là các cấp chính quyền địa phương cũng tham gia vào việc này, thấy rằng việc mình tổ chức lãng phí, tốn kém tiền của Nhà nước thì nó không nặng cho trách nhiệm của mình. Tôi đề nghị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước xử lý những vấn đề lễ hội hiện nay, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm cũng như đồng chí quan tâm.

Về tiết kiệm thì báo cáo đồng chí Chủ tịch và các đồng chí, theo chúng tôi biết hiện nay chúng ta có chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, trong xã hội hóa đó thì có xã hội hóa về lễ hội thì các lễ hội, ví dụ các lễ hội văn hóa thể thao và du lịch hoặc lễ hội các Festival thì phần lớn là người ta huy động từ các đơn vị, các doanh nghiệp, từ các tổng công ty. Ví dụ tôi đơn cử việc festival pháo hoa Đà Nẵng hay là sắp tới đây festival cồng chiêng quốc tế tổ chức tại Gia Lai mà anh K'sor Phước với tôi chúng tôi nêu ra vấn đề này chúng tôi đưa triển khai vào năm 2009 thì chính Gia Lai là nơi đăng cai tổ chức và tất nhiên số tiền của ngân sách bỏ ra rất ít và chủ yếu 5, 10 tỷ gì đó thì họ huy động từ các đơn vị, đơn vị tham gia vào đây họ có lợi ích gì trong các tổ chức lễ hội này, thông qua đó để họ giới thiệu quảng bá thương hiệu của mình và thông qua đó họ muốn đóng góp một phần gì đó để xây dựng nền văn hóa, để làm thỏa mãn nhu cầu văn hóa của nhân dân, tôi nghĩ đây là việc cũng đáng hoan nghênh. Còn việc để chúng ta huy động đến mức tối đa làm cho lễ hội hoành tráng mà có nhiều công đoạn, nhiều việc làm đáng lẽ ra không làm thì việc này thuộc vai trò của người quản lý. Việc này chúng tôi cũng mong là bản thân Bộ chúng tôi cũng vậy và các đồng chí quan tâm cho, xin cảm ơn.


Nguyễn Phú Trọng  - Chủ tịch Quốc hội

Xin mời Bộ trưởng chuyển sang nội dung thứ ba. Đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả hạn chế khuyết điểm và trách nhiệm của Bộ, việc phát động và tổ chức phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.


Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các đồng chí,

Trước hết phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được ghi trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa VIII năm 1998. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa bao gồm những phong trào sau đây:

Một là phong trào uống nước nhớ nguồn.

Hai là đền ơn đáp nghĩa, phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã, phường văn hóa và phong trào toàn dân xây dựng đời sống mới ở khu dân cư và phong trào toàn dân xây dựng mới của khu dân cư là do Mặt trận Trung ương chủ trì.

Vấn đề thứ hai, đến nay qua thống kê hai năm một lần hiện nay có 13,5 triệu trên 17 triệu gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa và đạt 80,67% trong tổng số các gia đình của Việt Nam, 42.000/87.000 làng, thôn, ấp, bản văn hóa chiếm 47,85%. Trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng không công nhận lại là 114.700 gia đình văn hóa và 1.800 làng văn hóa. Nếu như làng văn hóa là do Uỷ ban nhân dân cấp quận công nhận, gia đình văn hóa là do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã công nhận và Ban chỉ đạo Trung ương, ban chỉ đạo cấp tỉnh thành, ban chỉ đạo cấp quận, huyện và ban chỉ đạo cấp xã và ở các tổ dân phố là ban vận động. Vai trò của Bộ gồm mấy việc:

Vấn đề thứ nhất là sau khi có Nghị quyết Trung ương thì triển khai quyết định ngày 23/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa do Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin lúc bấy giờ làm Trưởng ban và 18 thành viên khác của Mặt trận, các đoàn thể, các ban, ngành Trung ương. Ngày 20/04/2000 tại tỉnh Quảng Nam Ban chỉ đạo Trung ương chính thức công bố và phát động phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Chúng tôi ra một kế hoạch và sau đó thì Ban chỉ đạo có cơ quan Thường trực việc để nghiên cứu các mô hình, các điển hình trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa để ra các quy chế, những kế hoạch, những thông tư hướng dẫn để thực hiện tốt hơn phong trào này.

Phong trào này đối với gia đình văn hóa có ba tiêu chuẩn: Một là chấp hành chủ trương đường lối chính sách của Đảng.

Vấn đề thứ hai là phải một gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc tiến bộ.

Vấn đề thứ ba là lao động sản xuất có kết quả tốt. Báo cáo các đồng chí ba tiêu chuẩn như thế.

Còn đối với làng, xã văn hóa có năm tiêu chuẩn quy định rõ ràng:

Tiêu chuẩn thứ nhất, chấp hành chủ trương.

Tiêu chuẩn thứ hai, xây dựng đời sống văn hóa.

Tiêu chuẩn thứ ba, vệ sinh môi trường.

Tiêu chuẩn thứ tư, lao động sản xuất.

Tiêu chuẩn thứ năm, đoàn kết thương yêu nhau, giúp đỡ khi tối lửa tắt đèn v.v... uống nước nhớ nguồn.

Qua phong trào đó thì nổi lên ba vấn đề:

Vấn đề thứ nhất là chạy theo thành tích kể cả công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa.

Vấn đề thứ hai, ban chỉ đạo từ Trung ương cho đến địa phương hàng năm có vị trí thay đổi thường xuyên củng cố, đặc biệt là ban vận động ở các làng, xã văn hóa thì hoạt động nói chung không đều tay.

Vấn đề thứ ba, việc nhân mô hình các điển hình các gia đình văn hóa và tổ dân phố văn hóa cũng còn hạn chế, năm 2007 vừa qua chúng tôi tổ chức Hội nghị gia đình văn hóa tiên tiến xuất sắc toàn quốc ở tại Thủ đô Hà Nội và qua hội nghị này chúng tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cần phải đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng nhân mô hình tiên tiến.

Biện pháp sắp tới có 3 biện pháp:

Một là từ Trung ương cho đến địa phương củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo.

Hai là rà soát lại các qui chế.

Ba là tăng cường trao đổi rút kinh nghiệm nhân điển hình tiên tiến.

Xin báo cáo đồng chí Chủ tịch và các đồng chí như vậy.


Phùng Quốc Hiển  - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách

Kính thưa đồng chí Bộ trưởng.

Tôi rất phấn khởi và tâm đắc với một số ý kiến phát biểu của đồng chí Bộ trưởng và trả lời của đồng chí Bộ trưởng trong câu hỏi trước đây. Sang phần thứ ba tôi muốn hỏi đồng chí Bộ trưởng là chúng ta đang tập trung để thực hiện Hiến pháp tức là phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng có thể nói thực trạng trong thời gian vừa qua có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Lo ngại thứ nhất là tinh hoa nhân loại chúng ta có tiếp thu, nhưng ở đôi chỗ và có nhiều vấn đề chúng ta tiếp thu không chọn lọc, nhất là trong phim ảnh, trong tranh ảnh. Thứ hai, văn hóa các dân tộc có những mặt chúng ta phát huy được, nhưng có nhiều vấn đề lại bị mai một. Vậy tôi xin hỏi đồng chí Bộ trưởng trách nhiệm của đồng chí Bộ trưởng cũng như của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện chủ trương cũng như thực hiện Hiến pháp về vấn đề phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian qua như thế nào? Thứ hai là những tồn tại đó thì trách nhiệm của Bộ đến đâu?

Vấn đề thứ hai, trong chương trình thời sự tối hôm qua, tôi cũng thực sự thấy băn khoăn và xúc động khi Đài truyền hình Việt Nam có đưa tin đến một số di tích lịch sử văn hóa và một số danh nhân văn hóa nhưng bị lãng quên. Ví dụ, nữ sỹ Đoàn Thị Điểm, nhà thơ Nguyễn Bính. Đây là những vấn đề tôi cho rằng chúng ta phải hết sức chú trọng. Nhưng rõ ràng việc bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử của chúng ta trong thời gian qua làm chưa tốt. Tôi xin hỏi đồng chí Bộ trưởng trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến đâu. Xin hết.


Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Kính thưa Chủ tịch và các đồng chí,

Vấn đề đồng chí quan tâm có thể nói xét về trách nhiệm của chúng tôi thấy rằng mình cần phải phát huy nhiều hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn nền văn hóa Việt Nam, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Như đồng chí biết văn hóa nói chung là mặt trận, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài, bền bỉ, gian khổ, những vấn đề đồng chí nêu ra chúng tôi đều thấy cả, thấy hết và chúng tôi cũng có quyết tâm nhưng đòi hỏi phải có thời gian. Ví dụ về phim ảnh chẳng hạn mới đây chúng tôi trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh. Trong đó báo cáo tổng kết 2 năm của chúng tôi một số cuốn phim chúng tôi duyệt là không được chiếu, cắt đi, trong rạp không chiếu nhưng trên truyền hình lại chiếu. Vấn đề này đâu phải chỉ của bản thân ngành văn hóa mà nó là vấn đề của toàn xã hội hay việc xuất bản cũng vậy, ví dụ nhà xuất bản văn hóa thông tin những truyện tranh của thiếu nhi cũng đưa vào đó những ảnh khỏa thân, phản tác dụng, vô văn hóa. Chúng tôi nhức nhối với vấn đề này lắm, chúng tôi lập tức triệu tập yêu cầu phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Vấn đề ở chỗ chắc chắn mình không chạy theo lợi nhuận được, văn hóa không thể nào thông qua hoạt động văn hóa để tìm lợi nhuận lớn hơn, văn hóa có giới hạn, đòi hỏi trách nhiệm lớn trước sự xâm hại vào nền văn hóa của chúng ta, đặc biệt là phim ảnh. Việc này chúng tôi tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật này.

Vấn đề thứ hai, văn hóa dân tộc có nhiều điểm mai một, ngay từ bây giờ chúng ta đã thống kê được các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thôi, còn văn hóa phi vật thể của chúng ta còn những việc chúng ta chưa thống kê được. Hiện nay chúng ta trình UNESCO công nhận không gian văn hóa quan họ, ca trù quan họ, không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên. Mới đây hát sẩm cũng là nét độc đáo trong nghệ thuật dân gian của Việt Nam, bây giờ làm sao phục hồi lại.

Ngay trong 54 dân tộc anh em cũng có nhiều nét văn hóa chúng ta chưa có điều kiện để sưu tầm nâng cao nó lên. Việc điều tra này cũng tốn công, sức, tiền của, chúng tôi sẽ có chương trình để xử lý vấn đề này để chống sự mai một của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Về những danh nhân văn hóa bị lãng quên sắp tới đây chúng tôi có một đề án trình Ban bí thư, Bộ Chính trị về đề án xây dựng danh nhân văn hóa Việt Nam và chắc chắn trong đề án đó sẽ có những biện pháp để làm sao tôn vinh được những danh nhân văn hóa của chúng ta. Xin cảm ơn các đồng chí.
Nguyễn Phú Trọng  - Chủ tịch Quốc hội

Bây giờ có vấn đề liên quan đến Bộ Thông tin và truyền thông như xuất bản, phim rạp không chiếu lại chiếu trên truyền hình, ở đây có đồng chí Thứ trưởng có thể trao đổi, báo cáo thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.


Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông

Kính thưa đồng chí Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí,

Liên quan đến phần mà đồng chí Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vừa nêu có phần về văn hóa thì nó cũng có một số cái nó gần với hoạt động của Bộ Thông tin và truyền thông đó là báo chí và xuất bản. Tôi xin phép kết hợp luôn với một số nội dung của các đồng chí trước đã có trao đổi hỏi.

Báo cáo các đồng chí, đối với phương tiện truyền thông đại chúng gồm có báo in, báo hình, báo nói và bây giờ xuất hiện báo điện tử. Có thể nói rằng đối với các phương tiện này nó là một công cụ rất tốt của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và làm sao đưa được tất cả chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với người dân, làm sao phổ biến được cho dân tất cả những hoạt động của chúng ta đến sát với dân. Thời gian vừa qua báo chí đã làm được cái đó tương đối tốt, nhất là trong năm 2008 chúng ta xảy ra khủng hoảng kinh tế, suy giảm kinh tế thì báo chí đã vào cuộc cùng với Chính phủ, phải nói rằng đã đưa tất cả những chủ trương, chính sách của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ đến với người dân, tạo sự đồng thuận người dân cho phần khắc phục những khó khăn kinh tế. Báo chí cũng là một nguồn để có thể phản biện xã hội, tức là phản biện lại tất cả những chủ trương, chính sách của các Bộ, ngành đúng hay chưa đúng, sau đó chúng ta hiệu chỉnh. Báo chí cũng tham gia vào việc phát hiện ra tham nhũng, một số hiện tượng tiêu cực để các Bộ, các ngành, các cấp có thể có những hiệu chỉnh.

Báo cáo đồng chí Chủ tịch và các đồng chí, vừa rồi chúng tôi đã ra những quy định để làm sao thực hiện tốt được các ưu điểm đó của báo chí. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn rất nhiều tồn tại, bất cập. Một bất cập rõ nhất tức là vì chúng ta cũng có xã hội hóa, cho nên một số các báo, thực ra trên toàn quốc cả báo nói, báo hình, báo tiếng khoảng trên 600 đầu báo thì có một số ít, có thể là dăm bảy báo chưa thực hiện đúng các tôn chỉ mục đích, trong đó có phần chạy quá nhiều theo phần thương mại. Vì vậy có một số hiện tượng các bài báo, hoặc các cuốn phim, hoặc các xuất bản chạy theo vấn đề này. Đấy cũng là một hiện tượng rất nhức nhối. Mà việc này là trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông chúng tôi trong thời gian vừa qua đã có chấn chỉnh rất nhiều. Báo cáo đồng chí Chủ tịch và các đồng chí, năm 2008 phải nói vừa định hướng, vừa quản lý và vừa làm cho các báo chí đi vào đúng hướng. Nhưng phần xử lý chúng tôi cũng làm rất kiên quyết, ra một số các văn bản quy định rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cộng tác viên như thế nào, trách nhiệm của nguồn tin như thế nào, vừa rồi chúng tôi đã chấn chỉnh như vậy. Trong năm 2008 cũng xử lý tương đối mạnh, tức là cũng đã thu hồi tương đối nhiều thẻ nhà báo, đã xử lý vi phạm hành chính của rất nhiều tờ báo cũng như một số nhà xuất bản khi có những hiện tượng như vậy.

Liên quan đến phần xuất bản như vừa rồi Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vừa nêu, báo cáo các đồng chí đúng là trong năm 2008, có những việc gây nhức nhối trong xã hội và đánh vào lớp trẻ. Vừa rồi chúng tôi đã phối hợp với nhiều bộ, ngành và các nhà xuất bản của các bộ, ngành, các Uỷ ban nhân dân các tỉnh chủ quản, chúng tôi đã xử lý rất nghiêm. Ví dụ vừa rồi quyển sách có một số tranh ảnh phản cảm, gây tác hại xấu cho xã hội, hiện tượng này đã được xử lý rất nghiêm.

Báo cáo đồng chí Chủ tịch và các đồng chí, quay lại vấn đề trách nhiệm, theo luật và theo các văn bản quy định thì trách nhiệm chính là thuộc các cơ quan chủ quản, thuộc Tổng biên tập hoặc Giám đốc các nhà xuất bản của các tờ báo. Vừa rồi những nơi nào làm sai đến mức nào thì có xử lý đến mức đó, nhưng ở đây chúng tôi cũng muốn tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan chủ quản. Ví dụ các nhà xuất bản của các địa phương hoặc các nhà xuất bản của các bộ, ngành thì trách nhiệm là của các bộ, ngành, các địa phương. Còn Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò quản lý Nhà nước, chúng tôi đề ra một số tiêu chí để cấp phép cho các nhà xuất bản còn nội dung cụ thể thì trách nhiệm đã phân rất rõ đối với các bộ chủ quản và địa phương.

Đối với truyền hình, báo cáo đồng chí Chủ tịch và các đồng chí, Bộ từ khi bắt đầu nhận trách nhiệm quản lý phần báo hình cũng tương đối phức tạp và đa dạng, có những điểm nhức nhối như các đồng chí vừa nêu. Phải nói truyền hình cả Trung ương và địa phương của chúng ta vừa rồi phát triển rất tốt, các nội dung phục vụ rất tốt cho đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như giáo dục nhân dân rất tốt. Nhưng vẫn có mấy việc đang được phản ánh nhiều mà chúng tôi dần dần đang chấn chỉnh, cũng tương đối khó cần phải có thời gian cũng như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nêu. Hiện nay có một quy định là giờ vàng của Truyền hình là phải tăng cường hơn nữa phim Việt Nam, giáo dục truyền thống phim của chúng ta. Vừa rồi có rất nhiều ý kiến nói là lịch sử Trung Quốc, lịch sử Hàn Quốc có khi nhiều hơn cả lịch sử Việt Nam. Đây lại có hai mặt: Một mặt chúng ta vẫn kiên quyết quy định như vậy, ở trong đó chúng tôi cũng đã có những văn bản quy định giờ vàng, thời lượng là bao nhiêu để truyền tải các thông tin phim ảnh của Việt Nam; Nhưng mặt khác phụ thuộc rất nhiều vào đầu vào, tác phẩm, kịch bản chúng ta cũng rất thiếu. Vấn đề này chúng tôi cũng sẽ tiếp tục có phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để làm sao phát động những phong trào hoặc có những đợt để tăng cường hơn nữa những tác phẩm nghệ thuật, có thể xây dựng thành cuốn phim, thành các tấm kịch bản v v... để có thể đưa lên truyền hình.

Còn hiện tượng Bộ trưởng có nói phim duyệt cấm không được chiếu lại chiếu trên truyền hình, có lẽ bây giờ tôi mới được nghe, trong lãnh đạo Bộ hàng tuần đều có giao ban để rà soát lại tất cả nhưng chưa có vấn đề này, chúng tôi xin hứa về sẽ kiểm tra lại để có gì sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những phần xử lý vấn đề này.

Ở đây có một ý thêm, báo cáo với Chủ tịch và các đồng chí riêng đối với phần báo chí và tuyên truyền mục tiêu và cách làm của báo chí, chúng tôi đang tiếp tục có những chấn chỉnh làm sao để phục vụ tốt hơn, nhưng có một điều quan trọng nhất tức là vừa rồi Thủ tướng ban hành quyết định đó là nguồn tin cung cấp thông tin cho báo chí phải thường xuyên, đầy đủ và trung thực, đây là một yếu tố rất quan trọng. Nhất là vừa rồi chúng ta đã có những chiến dịch, những vụ lộn xộn ở phía Hà Nội hoặc là suy giảm kinh tế và phải nói là phải có cung cấp nguồn tin vì vừa qua Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho báo chí của chúng tôi rất nhiều thông tin về phát triển kinh tế xã hội, báo chí đưa rất là tốt và xã hội tương đối đồng thuận, nhưng còn các lĩnh vực khác thì chúng tôi cũng xin báo cáo Chủ tịch và các đồng chí là cũng mong muốn rằng các lĩnh vực như văn hóa thể thao và du lịch có những vấn đề gì cần phải truyền tải đến phương tiện thông tin đại chúng thì chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các đồng chí để thứ ba hàng tuần Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban với tất cả các Tổng biên tập của các báo, đài ở Trung ương để truyền tải tất cả các chủ trương, chính sách của bộ đó đến các phương tiện thông tin đại chúng, như vậy chúng ta mới có thể huy động được, có thể toàn thể tổng lực hệ thống thông tin truyền thông và đưa được thông tin này đến người dân đúng nhất và nhanh nhất, xin cảm ơn.


Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 362.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương