Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp


Tình hình sản xuất hạt điều và xuất khẩu nhân hạt điều Việt Nam



tải về 0.56 Mb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích0.56 Mb.
#25200
1   2   3   4   5   6   7   8

2.2. Tình hình sản xuất hạt điều và xuất khẩu nhân hạt điều Việt Nam

Tình hình sản xuất, chế biến hạt điều

Nối tiếp năm 2005, một năm thua lỗ kỷ lục của ngành chế biến và xuất khẩu điều Việt Nam, tình hình năm 2006 đã được cải thiện đôi chút, mặc dù còn nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong 6 tháng đầu năm, tình hình thu mua, chế biến và xuất khẩu gặp một số khó khăn do mùa vụ tới trễ, mưa sớm, sâu bệnh nhiều, chất lượng hạt kém, tỷ lệ thu hồi nhân thấp, tỷ lệ hạt trắng thấp. Yếu kém chung của các doanh nghiệp là vẫn thu mua tự phát, không áp dụng tiêu chuẩn thu mua chung, chưa xây dựng vùng nguyên liệu, chưa có đại lý thu mua riêng. Tình trạng gian lận thương mại còn phổ biến (trộn bã trái, ngâm ủ hạt, độn tạp chất…) do một số doanh nghiệp tranh mua nguyên liệu, không chú trọng tiêu chuẩn hạt và khuyến cáo áp giá thu mua chung của Vinacas (bình quân 8.000 đồng/kg hạt điều nguyên liệu cho năm 2006).

Về chế biến, khó khăn chung của ngành là thiếu lao động, chi phí chế biến tăng khoảng 20% do nhiều loại chi phí đầu vào tăng (nhân công, bao bì, vận chuyển, điện nước, công cụ sản xuất).

Ngoài ra, vẫn chưa có các tiến bộ về công nghệ chế biến. Các công đoạn cắt, tách vỏ hạt, bóc vỏ lụa, phân loại vẫn chủ yếu sử dụng lao động thủ công, năng suất thấp. Sản phẩm chính vẫn là nhân hạt điều thô, chưa đa dạng hoá được.

Tình hình chung là năng suất thấp, giá thấp, cả nông dân và nhà máy đều không có lãi.

Tình hình nổi bật trong quý 4/2006 là Hội thảo Ngành Điều Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức. Hội thảo đã nghe báo cáo tóm tắt một số nội dung chính rà soát quy hoạch phát triển ngành điều Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Từ các kết quả nghiên cứu, có thể thấy hạn chế lớn nhất của ngành điều Việt Nam là phát triển quá nóng, thiếu định hướng thị trường, kể cả về diện tích canh tác lẫn năng lực chế biến; gây ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận chung và sự phát triển bền vững của ngành.

Theo báo cáo của Viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp, diện tích canh tác điều năm 2005 của Việt Nam là 433.546 ha, phân bố chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Diện tích đang cho thu hoạch là 223.918 ha, năng suất bình quân 1,06 tấn/ha, sản lượng điều thô 238.368 tấn (theo số liệu của ngành Thống kê). Các vùng sinh thái được đánh giá là phù hợp cho trồng cây điều là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Về xây dựng vùng nguyên liệu, một điểm yếu của ngành điều trong các năm qua là chưa xác định đúng vùng nguyên liệu phù hợp về sinh thái ở một số địa phương cụ thể, từ đó gây ra lãng phí đầu tư; giá thành sản xuất cao, hiệu quả kém ở những vùng không phù hợp. Theo kết quả nghiên cứu trên, giá thành hạt điều nguyên liệu tại nông trại biến thiên trong khoảng từ 3.200 đồng đến 5.000 đồng/kg. Ở các vùng sinh thái phù hợp, hoặc điều trồng thâm canh, giá thành thường từ 3.200 – 3.400 đồng/kg so với mức giá bán ổn định trong 6 tháng đầu năm 2006 là khoảng 10.700 đồng/kg. Ở những vùng sinh thái ít phù hợp, năng suất điều hạt thấp, giá thành cao, sản xuất kém hiệu quả.

Điểm yếu thứ hai của ngành điều là có sự chênh lệch quá lớn giữa năng lực chế biến và sản lượng thu hoạch. Hiện nay, với 219 cơ sở chế biến, tổng công suất thiết kế của ngành chế biến điều đã đạt 674.200 tấn điều nguyên liệu/năm. Trong khi đó sản lượng trong nước chỉ có trên dưới 350 ngàn tấn (sản lượng điều theo báo cáo của Hiệp hội Điều) và khả năng nhập khẩu chỉ là 100 ngàn tấn/ năm.

Điều này có nghĩa sẽ cạnh tranh nguyên liệu giữa các doanh nghiệp, nhà máy sẽ rất khốc liệt trong thời gian tới. Trong thời gian qua, mặc dù Hiệp Hội Điều Việt Nam đã có nhiều cố gắng để thống nhất mua điều nguyên liệu từ nông dân với một mức giá phù hợp, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân và ngành chế biến, xuất khẩu, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại hiện tượng tranh mua điều nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch, đẩy giá điều nguyên liệu lên mức cao bất hợp lý. Với số lượng cơ sở chế biến quá lớn như hiện nay, và đầu tư dư thừa công suất chế biến so khả năng cung nguyên liệu trong nước và nguồn nhập khẩu, chắc chắn ngành điều sẽ khó bình ổn giá điều nguyên liệu, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các thành phần trong ngành hàng điều và nâng cao chất lượng sản phẩm. Có khả năng một số nhà máy chế biến kém hiệu quả sẽ bị đào thải trong cuộc cạnh tranh này.

Điểm yếu thứ ba là chi phí chế biến điều đang tăng do giá lao động tăng, không chủ động được nguồn lao động và bị các ngành khác cạnh tranh lao động. Hiệu quả chế biến cũng thấp một phần do thiếu đa dạng hóa sản phẩm và tận dụng các sản phẩm chế biến khác từ vỏ hạt điều.

Với mức giá điều hạt nguyên liệu nhập khẩu (790 – 800 USD/tấn), các nhà máy chế biến xuất khẩu sẽ gặp khó khăn vì chi phí chế biến hiện khá cao. Theo số liệu nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam và Viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp, chi phí chế biến hạt điều (gồm nhân công và các loại phí khác) đã vào khoảng 1,01 USD/kg nhân hạt điều. Nếu cộng cả chi phí nguyên liệu (giá nhập nguyên liệu 800 USD/tấn hạt thô, tương đương 2,67 USD/kg nhân hạt điều), giá thành tối thiểu đã là 3,68 USD/kg nhân hạt điều. Thông tin điều tra của Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp cho thấy trong năm 2005, giá thành 1kg nhân điều thô của một số cơ sở chế biến khẩu đã là 77,9 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá xuất khẩu bình quân của các doanh nghiệp cũng chỉ vào khoảng 4 USD/kg nhân hạt điều.

Điểm yếu thứ tư là thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều đang thiếu vốn lưu động. Có khả năng trong mùa vụ thu mua điều năm 2007, nhiều nhà máy sẽ không được ngân hàng đầu tư do đã 2 năm liền sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

Cũng theo thông tin Hiệp Hội Điều, có nhiều nhà máy nhỏ đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, và đang thua lỗ trong chế biến xuất khẩu do thiếu vốn mua hàng tồn trữ sản xuất ngay từ đầu vụ, lại chưa có điều kiện nhập khẩu hạt điều thô, nên phải phải mua lại điều thô để sản xuất do nguồn trong nước cung cấp. Phần lớn họ đều bị lỗ khi sản xuất các lô hàng này do định mức chế biến rất cao và do chi phí chế biến tăng cao.



Tình hình xuất khẩu năm 2006

Theo ước tính của Bộ Thương mại, năm 2006 ngành điều sẽ xuất khẩu được khoảng 130 ngàn tấn nhân điều các loại và đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 520 triệu USD. Như vậy so với năm 2005 thì xuất khẩu nhân điều tăng trên 20% về lượng nhưng chỉ tăng trên 3% về trị giá. So với kế hoạch xuất khẩu năm 2006 chỉ đạt 87% chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu. Về giá bình quân xuất khẩu năm nay dự kiến sẽ giảm hơn giá bình quân xuất khẩu năm 2005 khoảng 13 – 14%.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại đến 10/12/2006, toàn ngành đã xuất khẩu được 118.269 tấn nhân hạt điều các loại và đạt kim ngạch 471.222.730 USD. Giá xuất khẩu bình quân là 3.984 USD/tấn.

Bảng 1. Thống kê xuất khẩu nhân hạt điều Việt Nam 2000-2006

Năm

Số lượng

(1.000 tấn)

Kim ngạch

(triệu USD)

Giá xuất khẩu bình quân (USD/tấn)

Ghi chú

2000

34,10

167,20

4.903




2001

43,60

151,70

3.479




2002

62,20

209,00

3.360




2003

84,50

286,10

3.386




2004

105,30

437,50

4.155




2005

108,80

501,50

4.609




2006

118,27

471,22

3.984

đến 10/12/2006

Nguồn: - số liệu 2000-2005: theo số liệu của Trung tâm Tin học Thống kê, Tổng cục Hải quan, dẫn trong báo cáo của Viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp;


  • số liệu 2006: theo số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Bộ Thương mại, website vinanet.com.vn

Về tiến độ xuất khẩu, lượng xuất tương đối ổn định qua từng tháng và kéo dài trong suốt năm. và dao động ở mức 10.000 – 11.000 tấn/tháng. Đến cuối năm 2006, lượng giao dịch mới giảm dần. Theo Hiệp Hội Điều Việt Nam, lượng giao dịch mới trong quý 4/2006 rất ít do các doanh nghiệp chế biến đã hết nguyên liệu và chủ yếu tập trung giao hàng cho những hợp đồng đã ký.

Vào cuối quý 4/2006, do đã cạn nguồn điều hạt nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ các nước khác về để duy trì hoạt động của nhà máy và hoàn tất các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Hạt điều thô nhập về chủ yếu qua cảng TP. Hồ Chí Minh với nguồn nhập khẩu là từ Châu Phi và một số lô nhập khẩu từ Indonesia. Theo đánh giá chung của cơ quan giám định thì các lô điều thô nhập khẩu về Việt Nam năm nay đa số chất lượng phù hợp, hợp đồng nhập khẩu ít có tranh chấp xảy ra.



Về thị trường xuất khẩu

Hạt điều Việt Nam đã xuất sang hơn 30 thị trường; trong đó, xuất sang Mỹ đạt cao nhất. Kế đó là các thị trường Trung Quốc, Hà Lan, Úc, Hà lan, Anh, Canada. Các thị trường Trung Quốc, Hà Lan, Australia đều có tốc độ tăng trưởng cao.



Nguồn: số liệu xuất khẩu nhân hạt điều 11 tháng đầu năm 2006, Bộ Thương mại

T
ính đến cuối tháng 11/2006, bốn nước chiếm thị phần cao nhất đối với nhân hạt điều Việt Nam là Mỹ (35%); Trung Quốc (20%); Australia (11%); Hà Lan (10%). Các nước còn lại chiếm khoảng 25% khối lượng xuất khẩu.

Đ
ánh giá so năm 2005, các thị trường có mức tăng trưởng cao là Mỹ, Italia, Pháp, Australia, Ả rập Xê Út, Hồng Kông, Nauy. Tuy nhiên xuất khẩu sang một số thị trường như Tây Ban Nha, Canada và New Zealand giảm.

Nguồn: số liệu xuất khẩu nhân hạt điều 11 tháng đầu năm 2006, Bộ Thương mại

Giá cả thu mua nội địa và xuất khẩu

Theo số liệu bảng 1, mức giá bình quân năm 2006 thấp hơn giá năm 2005 là 625 USD/tấn. Về giá trị tương đối, chỉ bằng 86,4% giá năm 2005 (giảm 13,6%), nhưng chưa phải là năm có giá xuất khẩu thấp nhất vì năm 2002, 2003, 2004 giá xuất khẩu còn thấp hơn nữa.

Diễn biến giá xuất khẩu bình quân theo tháng cho thấy giá năm 2006 tương đối ổn định. Các tháng đầu năm mức giá nhích hơn 4.000 USD/tấn một chút, sau đó giữ ở mức khoảng trên dưới 3.950 USD/tấn.

Trên thị trường Việt Nam, giá điều thô cũng giảm mạnh, từ mức 16.000-17.000 đồng/kg đầu năm 2005 xuống chỉ còn 8.000 đồng/kg trong năm 2006 (giá thu mua do Hiệp hội Điều Việt Nam đề xuất). Trên thực tế, các doanh nghiệp đã mua ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg trong thời gian vào vụ thu hoạch (quý 1 và quý 2). Từ quý 3 trở đi, giá điều nguyên liệu ổn định ở mức 8.000 đồng/kg.



Tình hình hoạt động của Hiệp hội Điều Việt Nam

Trong năm 2006, Hiệp hội Điều Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm củng cố hệ thống các doanh nghiệp và hoạt động chung của ngành.

Các hoạt động quan trọng là xúc tiến thương mại và liên kết với các ngân hàng để bảo đảm nguồn vốn thu mua và dự trữ nguyên liệu cho năm 2007.

Trong tháng 10, Hiệp Hội Điều Việt Nam đã cử 25 thành viên đến dự Hội nghị ngành điều do Hiệp hội các ngành công nghiệp thực phẩm (AFI) tổ chức tại Hoa Kỳ từ ngày 8/10. Tham dự hội nghị lần này có mặt hầu hết các nhà thu mau lớn ở Mỹ và đề tài hạt điều VN được hội nghị nhấn mạnh như một chủ đề quan trọng. Một số khách hàng quốc tế lớn còn cho rằng chất lượng hạt điều VN có thể đứng hàng đầu thế giới và nếu giá thu mua các nước bằng nhau thì họ vẫn ưu tiên mua hàng của VN. Lưu ý rằng Hoa Kỳ hiện là thị trường chủ yếu của sản phẩm điều Việt Nam, chiếm khoảng 40 ngàn tấn nhân điều xuất khẩu, tương đương khoảng 40% sản lượng xuất.

Các vấn đề được các khách hàng Hoa Kỳ đặt ra chủ yếu là chất lượng, bao gồm tỷ lệ tạp chất, vết sâu bệnh trên bề mặt hạt, độ đồng nhất của sản phẩm về mùi vị và màu sắc, các phương pháp chế biến và bảo quản.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng có kế hoạch tiếp tục tổ chức xúc tiến thương mại ở các thị trường Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập, khảo sát thị trường Australia và châu Âu.

Vào cuối năm 2006, Hiệp hội đã vận động các ngân hàng lớn ở Việt Nam tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất – kinh doanh. Bộ Thương mại cũng có động thái ủng hộ, đề nghị khoanh nợ, dãn nợ và tiếp tục cho vay đối với các doanh nghiệp chế biến hạt điều.

2.3. Nhận định chung và dự báo năm 2007

Có thể đánh giá chung là trong năm 2006, mặc dù có khó khăn nhưng sản lượng xuất khẩu nhân điều Việt Nam vẫn tăng 10% so với năm 2005. Tuy nhiên, về trị giá lại giảm đôi chút do giá xuất khẩu bình quân giảm khoảng 13,6%. Thị phần xuất khẩu chủ yếu vẫn là các thị trường lớn, quan trọng và thị phần tăng khá, đặc biệt là Mỹ và Úc.

Điều đáng nói là chất lượng phát triển của ngành điều thiếu tính bền vững, luôn tiềm ẩn những bất ổn có thể bùng phát bất cứ lúc nào và không thể khắc phục được ngay, đó là:


  • Tình hình cơ giới hoá, tự động hoá diễn ra chậm chạp, năng suất lao động rất thấp. Nhà nước ít hỗ trợ đầu tư, doanh nghiệp thiếu vốn và thiếu liên kết với hệ thống ngân hàng tín dụng.

  • Hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, kể cả ở khu vực nông nghiệp lẫn khu vực chế biến và xuất khẩu.

  • Nhân điều Việt Nam vẫn được đánh giá có chất lượng hàng đầu thế giới, nhưng việc tổ chức sản xuất và xuất khẩu hiện nay đang có vấn đề khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm và vệ sinh - an toàn thực phẩm.

  • Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng gặp nhiều khó khăn về vốn thu mua và dự trữ nguyên liệu.

  • Mất cân đối nghiêm trọng giữa năng lực chế biến và sản lượng sản xuất nội địa tạo ra nguy cơ lãng phí đầu tư, kém hiệu quả trong khai thác chế biến, tăng cạnh tranh không làm mạnh giữa các doanh nghiệp và dẫn đến tình trạng phá sản của các doanh nghiệp yếu.

Về sản xuất, dự báo về El Nino đã gây ra các lo lắng về dự báo sản lượng điều nguyên liệu 2007. Một số thông tin cho rằng mùa vụ sẽ tới sớm khoảng 01 tháng so với niên vụ 2006. Hiện nay các vùng điều lớn đã có tới 50 – 60% số cây ra nụ và bông, số còn lại đang thay lá và đã ra chồi. Dự kiến thời gian thu hoạch sẽ bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán. Một số diện tích điều có thể được thu hoạch từ trước Tết.

Tuy nhiên, cần phải có kiểm chứng thực tế về tình hình sản xuất, sâu bệnh hại, sản lượng và thời gian thu hoạch ở các vùng nguyên liệu chính để dự báo cho năm 2007 chắc chắn hơn.

Theo những thông tin địa phương, một số hộ nông dân do thiếu vốn sản xuất nên đang bán “điều non”, tức là bán sớm với giá 10.000 đồng/kg, tương đương 625 USD/tấn hạt nguyên liệu. Đây là tín hiệu xác định mức giá thị trường mà nông dân cảm thấy đủ bù đắp chi phí sản xuất và tạo lợi nhuận hợp lý cho nông dân.

Năm 2007, thuế xuất hạt điều thô là 0%, thời điểm này là 5% và 7,5%. Thuế xuất nhân điều thô sẽ là 25%, thay bằng 40% như hiện nay. Đây là lộ trình miễn giảm thuế do Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO. Thông tin này được trích dẫn từ báo cáo của Viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp, tại Hội thảo ngành điều Việt Nam được tổ chức tại TP. HCM vào ngày 14/11/2006. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho ngành chế biến xuất khẩu điều, vì mức thuế xuất khẩu giảm sẽ thúc đẩy kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của ngành điều Việt Nam.



2.4. Đề xuất chính sách

Do diện tích trồng điều đã tới hạn, và cây điều đang bị một số cây trồng khác như cao su cạnh tranh mạnh nên trong tương lai, khó phát triển thêm diện tích điều. Để bảo đảm cân đối giữa năng lực chế biến và cung nguyên liệu, cải thiện hiệu quả sản xuất hạt điều và tăng thu nhập cho nông dân, cần tiếp tục ổn định diện tích, nâng cao năng suất điều thông qua sử dụng các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại và công tác giống.

Nhà nước cũng cần có các hỗ trợ nghiên cứu chế tạo và ứng dụng các công nghệ chế biến, máy móc cơ khí để tăng cường cơ giới hóa trong chế biến nhân hạt điều, nhằm giảm áp lực thiếu lao động thủ công trong các công đoạn bóc, tách vỏ, bóc vỏ lụa và phân loại hạt.

Về phía doanh nghiệp, việc tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của Hiệp hội Điều là hết sức cần thiết, nhằm điều phối, thống nhất việc thu mua nguyên liệu và xuất khẩu điều giữa các doanh nghiệp để đạt được lợi ích chung cao nhất dựa trên các dự báo, thông tin thị trường chính xác. Đồng thời, có biện pháp liên kết với hệ thống ngân hàng để có đủ vốn thu mua và dự trữ nguyên liệu ngay từ đầu vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Tăng khả năng điều phối của Hiệp hội cũng đồng nghĩa với việc tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, đoàn kết, cạnh tranh lành mạnh, tăng uy tín, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chung của toàn ngành.



  1. Ngành hàng Mía đường

  1. 3.1. Biến động sản xuất và thị trường

3.1.1. Sản xuất và thị trường trong nước

Có thể nói, năm 2006 giá đường trong nước đã có sự biến động mạnh, đạt mức cao trong nửa đầu năm nhưng sau đó tụt giảm xuống mức rất thấp trong 3 tháng cuối cùng.

Tiếp tục xu hướng tăng giá từ cuối năm 2005, trong nửa đầu năm 2006, giá đường liên tục tăng mạnh, đạt mức trung bình 13.000 đồng/kg đối với giá đường trắng bán lẻ (thậm chí có nơi lên tới 14.000 đồng/kg) trong thời gian từ tháng 4 – 5. Mức giá trung bình của đường bán buôn cũng đạt khoảng 11.000 đồng/kg. Mặc dù đây là thời điểm vào vụ sản xuất và nhu cầu tiêu thụ đường không tăng, song do giá nguyên liệu mía trong nước và giá đường thế giới tăng cao, thị trường đường nội địa không tránh khỏi cơn sốt giá.

N
guồn: Icard, Vinanet và Bộ Thương mại

Tuy nhiên, đến tháng 6, giá đường bán buôn và bán lẻ trên thị trường bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt. Điều này hoàn toàn trái ngược với diễn biến trên thị trường trong 5 tháng trước đó. Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ đường tăng cao nhưng do nguồn cung trên thị trường dồi dào hơn, giá đường trong nước diễn biến theo chiều hướng đi xuống. Đến tháng 10, do nguồn cung đường được bổ sung từ vụ sản xuất mới cùng với lượng đường tồn kho, giá đường tiếp tục giảm mạnh hơn. Và đến cuối tháng 12, giá đường bán buôn (đã bao gồm VAT) đã tụt xuống còn 6.800 - 7.100 đ/kg đối với đường kính trắng; 7.400 - 7.600 đ/kg đối với đường tinh luyện và 6.400 - 6.600 đ/kg đối với đường vàng. Giá bán lẻ đường kính giảm 100 - 200 đồng so với tháng trước, phổ biến ở mức 8.500 - 11.000 đ/kg.

Trong cả năm 2006, chênh lệch giá giữa đường bán buôn và bán lẻ liên tục ở mức khá cao, luôn dao động trong khoảng trên dưới 2.000 đồng/kg. Điều này là do có nhiều tác nhân trung gian trong quá trình chuyển đường ở nhà máy đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Giá đường trên thị trường nội địa trong năm 2006 biến động tương đối cùng chiều với diễn biến giá đường thế giới, tuy nhiên khoảng cách chênh lệch giá vẫn giữ ở mức cao. Nếu so sánh với giá đường trắng kỳ hạn trên thị trường London chỉ vào khoảng trên dưới 6.000 đồng/kg, đường bán lẻ nội địa có giá cao hơn gần gấp đôi, còn giá bán buôn cao hơn gấp rưỡi (hình 1). Đây là kết quả của năng suất chế biến thấp và chi phí sản xuất cao của ngành đường trong nước so với thế giới. Hơn nữa, do nhà nước bảo hộ ngành đường bằng thuế suất nhập cao và hạn ngạch nhập khẩu nên đường nhập vào Việt Nam phần nào bị hạn chế.

Tính đến cuối vụ, cả nước chỉ còn 37 nhà máy đường hoạt động và tổng lượng mía nguyên liệu thu mua mới chỉ đạt khoảng 7,1 triệu tấn (giảm 2,5 triệu tấn so với niên vụ trước). Theo dự tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng đường chế biến vụ 2005 – 2006 chỉ đạt khoảng 970.000 tấn. Nhu cầu tiêu thụ đường trong nước sẽ ở mức trên dưới 1,35 triệu tấn. Như vậy, khối lượng đường nội địa thiếu hụt ước tính vào khoảng 380.000 tấn.

Đến trung tuần tháng 11/06, tất cả các nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào vụ sản xuất 2006/07. Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam, sản lượng mía niên vụ 2006/07 của cả nước dự đoán sẽ đạt 15,7 triệu tấn, sản lượng đường vào khoảng 1,25 triệu tấn, tiêu dùng khoảng hơn 1 triệu tấn. Do đó khả năng cân đối được cung cầu tiêu thụ đường trong nước có thể được đảm bảo.

3.1.2. Sản xuất và thị trường thế giới

N
guồn: Icard

Giá đường trắng và đường thô trên các thị trường thế giới trong năm 2006 cũng có sự biến động mạnh.

Sau khi tăng lên mức kỷ lục trong 25 năm qua vào đầu tháng 2 và tiếp tục duy trì ở mức cao đến đầu tháng 5 - thời điểm giá đường thô đứng ở mức cao nhất trong năm 2006 là 409,8 USD/tấn và giá đường trắng đạt mức cao nhất là 476 USD/tấn, sau đó giá đường kỳ hạn trên 2 thị trường bắt đầu diễn biến theo chiều hướng đi xuống. Đến cuối tháng 6, giá phục hồi nhưng cũng chỉ duy trì ở thế vững trong khoảng nửa tháng trước khi tụt giảm hoàn toàn vào đầu tháng 7. Đến ngày 25/9, cả 2 loại đường đều tụt xuống mức giá thấp nhất trong năm 2006 là 328,5 USD/tấn đối với đường trắng và 241,6 USD/tấn đối với đường thô. Như vậy, biến động giá đường là rất lớn trong năm 2006, với biên độ dao động đạt khoảng gần 150 USD/tấn đối với đường trắng và lên tới gần 170 USD/tấn đối với đường thô.

Càng về cuối năm, chênh lệch giá hai loại đường có xu hướng mở rộng. Nếu như chênh lệch giá giữa đường trắng và đường thô trong 5 tháng đầu năm chỉ ở mức trên dưới 60 USD/tấn, thì đến khoảng giữa tháng 6, đã tăng lên khoảng 80 USD/tấn. Đến ngày 10/10, chênh lệch giữa giá đường trắng và đường thô đã vượt mức 100 USD/tấn. Như vậy, có thể nói rằng, giá đường thô dường như chịu áp lực nhiều hơn so với đường trắng.

Nguyên nhân của sự đi xuống trên cả 2 thị trường đường kỳ hạn vào cuối năm 2006, đặc biệt là sự tụt giảm mạnh trong quý cuối cùng, đó là sự chi phối của các quỹ hàng hoá khi đẩy mạnh bán ra trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng mức dự đoán dư thừa cung đường trong niên vụ 2006/07. Nguồn cung đường tăng cao từ các nước sản xuất như Braxin, Ấn Độ và Thái Lan trong khi nhu cầu nhập khẩu giảm từ các nước như Trung Quốc, Nga, Pakistan, Indonesia... là nhân tố gây sức ép mạnh lên thị trường trong những tháng cuối cùng của năm 2006.

3.2. Giải thích và nhận định

3.2.1. Sản xuất và thị trường trong nước

Theo số liệu của Hiệp hội mía đường, trong niên vụ 2005/06, cả nước có tổng cộng 37 nhà máy đường hoạt động, sản xuất được 905.400 tấn đường, thấp hơn năm trước 170.000 tấn. Theo tổng kết của Bộ nông nghiệp & PTNT, sản lượng đường thủ công cũng chỉ đạt 150.000 tấn, giảm 30.000 tấn so với năm trước. Quả là một nghịch lý khó tin khi Việt Nam đang trở thành một nước nhập khẩu đường và xu hướng này ngày càng rõ rệt mặc dù ta có điều kiện hết sức thuận lợi cho trồng mía.

Năng suất thấp và chất lượng mía giảm sút là hai yếu tố quan trọng khiến cho sản lượng đường của Việt Nam trong niên vụ 2005/06 không đủ đáp ứng nhu cầu. Ngoài nhân tố khách quan là thời tiết bất lợi, chất lượng mía giảm còn do các nhà máy thấy giá đường cao đã vào sản xuất sớm và kéo dài, ép mía non với chữ đường thấp, lượng mía phải tiêu hao nhiều hơn, lên đến 10,7 mía/1 đường trong khi năm trước chỉ tốn 10,3 mía/1 đường.

Vụ sản xuất đường 2006-2007 vẫn với 37 nhà máy đường với tổng công suất thiết kế 82.150 tấn mía/ngày. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với lượng mía dồi dào, công suất phát huy đạt 90,7%, lượng đường sản xuất dự kiến đạt 1.087.200 tấn. Cùng với 150.000 tấn đường thủ công, cả nước sẽ có tổng cộng 1.237.200 tấn đường thì cân đối cung cầu vẫn còn thiếu hơn 100.000 tấn đường.

Trong khi đó, theo dự báo cách đây 3 năm, đến năm 2010, năng lực sản xuất đường trong nước (bao gồm cả đường công nghiệp và thủ công) là 1.500.000 tấn, nhu cầu tiêu thụ cần đến 1.605.708 tấn.

Những số liệu thực tế và dự báo trên cho thấy ngành mía đường đang thực sự cần một sự chuyển đổi mạnh mẽ để có thể đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập khi thuế suất nhập khẩu đường sẽ phải giảm dần từ 40% trong năm 2006 xuống còn 0-5% đến năm 2010.

Hướng cơ bản và lâu dài của ngành mía đường là phải giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất của cả mía lẫn đường. Công việc trước tiên là phải hình thành và củng cố các vùng nguyên liệu chất lượng cao, không để kéo dài tình trạng trồng mía tự phát như hiện nay.

Để có được điều này, theo Cục nông nghiệp (Bộ NN & PTNT), chương trình mía đường phải gắn với quy hoạch chung về phát triển hạ tầng trên địa bàn. Các trục giao thông chính giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến phải được nâng cấp. Các tuyến giao thông nội đồng mía phải được tu bổ xây dựng để giảm thời gian và chi phí vận chuyển. Việc cải tạo, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu mía phải đi đôi với nâng cấp và củng cố các nhà máy đường.

Trong đàm phán để đi đến cam kết với WTO, Việt Nam đã thành công trong việc tiếp tục duy trì các biện pháp bảo hộ ngành mía đường. Tuy nhiên, trong những năm tới người tiêu dùng sẽ không còn phải ăn đường giá cao và sẽ có nhiều khó khăn cho nhà sản xuất mía đường. Theo các nhà sản xuất và kinh doanh đường, trong những năm tới sẽ không còn xảy ra những cơn “sốt giá” như thời gian qua, bởi lẽ nguồn cung đường trong nước rất dồi dào cộng với lượng đường nhập khẩu. Trong cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, đến năm 2012 Việt Nam sẽ cắt giảm 85% mức thuế nhập khẩu đường, cao nhất chỉ còn 6%. Tuy nhiên, trước mắt giá đường sẽ bị tác động bởi lộ trình giảm thuế của Khu vực Tự do mậu dịch ASEAN (AFTA). Theo đó, từ năm 2007 Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đường còn 30%, sau đó giảm thêm và chỉ còn 5% vào năm 2010.

Hiện nhiều nước là thành viên WTO vẫn áp dụng chính sách bảo hộ ngành mía đường. Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp, người nông dân và các doanh nghiệp mía đường Việt Nam vẫn phải tự xoay xở, các địa phương chưa có chính sách gì hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông để nâng cao năng suất mía và thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu. Đây là một bất lợi lớn cho ngành mía đường Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO.

Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ nông dân sau khi Việt Nam gia nhập WTO là có thể thực hiện được. Trong cam kết với WTO, Việt Nam được phép duy trì hỗ trợ không quá 10% giá trị sản lượng, chưa kể một khoản hỗ trợ khác khoảng 4.000 tỉ đồng/năm.

Hơn nữa, xu hướng tìm nguồn nhiên liệu sinh phẩm để thay thế nhiên liệu từ dầu mỏ sẽ là tất yếu và lâu dài. Có nghĩa rằng cơ hội phát triển của ngành công nghiệp đường thế giới nói chung cũng như ngành mía đường Việt Nam nói riêng sẽ khác với cơ hội của sốt giá vàng hay sốt giá dầu mỏ mấy năm gần đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, những năm vừa qua, nền nông nghiệp Việt Nam và cụ thể là ngành mía - đường nước ta đã để tuột mất “cơ hội vàng” này. Chẳng những thế, Việt Nam phải nhập khẩu đường, với số lượng lớn và mỗi năm một tăng. Những hy vọng Việt Nam về khả năng tự túc được đường và dần chuyển hướng xuất khẩu xem ra rất khó có thể thực hiện được trong tương lai gần.



3.2.2. Sản xuất và thị trường thế giới

Có thể nói giá đường trên các thị trường kỳ hạn thế giới trong năm 2006 diễn biến hết sức phức tạp. Sau khi liên tục duy trì ở mức cao trong 5 tháng đầu năm, thị trường đã suy yếu rất mạnh trong quý cuối cùng và điều này dường như là một tất yếu khi một loạt các dự đoán cuối năm đưa ra cho rằng thị trường đường thế giới niên vụ 2006/07 sẽ ở trong tình trạng dư thừa cung.

Theo Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), dự báo tiêu thụ đường thế giới vụ 2006/07 sẽ đạt 152,1 triệu tấn, tăng 1,5% so với mức 149,9 triệu tấn vụ 2005/06, song thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân 2,4% của 10 năm qua. Sản lượng đường thế giới vụ 2006/07 có thể đạt 155,5 triệu tấn, tăng 4,3% so với vụ 2005/06 nhờ sự gia tăng sản lượng của Braxin, Nga, Mỹ, vùng Viễn đông Châu Á và Đông Âu, trong đó riêng sản lượng của các nước đang phát triển dự báo đạt 116,5 triệu tấn, tăng 9,7%.

Tiêu thụ đường của các nước đang phát triển vụ 2006/07 có thể đạt 104,3 triệu tấn, tăng 1,8% so với vụ trước, nhưng vẫn thấp hơn so với mức bình quân của các năm qua. Điều này đã phản ánh sự tác động tiêu cực của việc giá đường tăng cao trên thị trường quốc tế (đặc biệt là tại châu Phi và châu Á) trong khi cầu tiêu thụ các viên ngọt tinh bột thay thế tại một số nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Mêxicô lại tăng lên. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đường tăng lên tại các nước đang phát triển, đặc biệt là tại Ấn Độ và vùng Viễn Đông châu Á. Đối với các nước phát triển, tiêu thụ đường bình quân đầu người vụ 2006/07 được dự đoán sẽ tiếp tục suy giảm trước những lo ngại về vấn đều sức khoẻ và sự phát triển của thị trường viên ngọt thay thế. Vụ 2006/07, tiêu thụ đường của các nước phát triển dự đoán tăng dưới 1% so với vụ 2005/06, lên đạt 47,9 triệu tấn.

Tiêu thụ đường vụ 2006/07 của khu vực Mỹ la tinh và Caribê dự đoán đạt 27,8 triệu tấn, tăng trên 1% so với vụ 2005/06, trong đó riêng mức tiêu thụ của Braxin và Mêxicô có thể tăng đạt lần lượt 11,3 triệu tấn và 5,6 triệu tấn.

Nhu cầu tiêu thụ đường tại các nước đang phát triển thuộc khu vực Viễn Đông châu Á vụ 2006/07 có thể đạt 54,9 triệu tấn, tăng 2,1% so với vụ trước, song vẫn thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 3,4% của 10 năm qua. Vụ 2006/07, tiêu thụ đường của Trung Quốc và Ấn Độ dự đoán đều tăng lên so với vụ trước, lần lượt đạt 12,9 triệu tấn và 21 triệu tấn.

Tiêu thụ đường của vùng Cận Đông và châu Phi vụ 2006/07 dự đoán cũng đều tăng so với vụ trước, lần lượt đạt 11,9 triệu tấn (tăng 240.000 tấn) và 9,5 triệu tấn. Theo nhận định của FAO, tiêu thụ đường tại các nước phát triển vụ 2006/07 nhìn chung khá ổn định và dự đoán tăng 350.000 tấn (0,8%) so với vụ trước, lên đạt 47,9 triệu tấn, trong đó tiêu thụ đường của EU có thể đạt 17,8 triệu tấn. Vụ 2006/07, nhu cầu tiêu thụ đường của Bắc Mỹ và Nga dự đoán đều tăng nhẹ so với vụ trước, lần lượt đạt 10,7 triệu tấn và 6,6 triệu tấn.

Về sản xuất, giá đường tăng cao trong 2 năm qua đã tạo động lực thúc đẩy các nhà sản xuất mở rộng diện tích canh tác, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu về ethanol cũng như nhiên liệu sinh học tăng lên đã tạo ra xu thế toàn cầu về việc đẩy mạnh sản xuất đường cũng như tiến trình đổi mới và xây dựng các nhà máy chế biến đường.

Sản lượng đường của khu vực Mỹ la tinh và vùng Caribê vụ 2006/07 dự đoán đạt 51,4 triệu tấn, trong đó sản lượng của Braxin có thể đạt mức kỷ lục 31 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với vụ 2005/06. Năm 2007, sản lượng mía đường của Mỹ la tinh và vùng Caribê dự đoán đạt 420 triệu tấn.

Sản lượng đường của các nước đang phát triển thuộc châu Phi vụ 2006/07 có thể tăng nhẹ so với vụ trước, đạt 10,6 triệu tấn, nhờ sự gia tăng sản xuất mặt hàng này tại Ai Cập, Kenya, Mauritius, Mozambique và Sudan. Hiện nay, Ai Cập đang tiếp tục đầu tư vào ngành củ cải đường và có kế hoạch thành lập 5 nhà máy chế biến đường mới, trong đó nhà máy đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2007. Nhờ tiến hành đầu tư vào các nhà máy chế biến đường xuất khẩu trong thời gian gần đây, sản lượng đường của Mozambique dự đoán sẽ đạt gần 300.000 tấn trong vụ 2006/07, tăng mạnh so với mức 40.000 tấn vào cuối những năm 1990.

Theo FAO, sản lượng đường của khu vực Viễn Đông Châu Á vụ 2006/07 dự báo sẽ đạt 52,7 triệu tấn, tăng 6,9 triệu tấn (15,1%) so với vụ trước do các nhà sản xuất phản ứng tích cực với giá đường tăng cao và sự gia tăng nhu cầu về ethanol. Sản lượng đường vụ 2006/07 của tất cả các nước sản xuất chính trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Thái Lan, được dự báo đều tăng lên, trong đó riêng sản lượng đường của Ấn Độ có thể đạt mức kỷ lục 24 triệu tấn nhờ hàng loạt các yếu tố hỗ trợ như diện tích trồng mía được nâng lên, giá đường nội địa tăng cao và thời tiết diễn biến thuận lợi tại miền nam và trung nước này.

Nhờ giá đường nội địa tăng cao cùng năng suất thu hoạch mía cao, sản lượng đường vụ 2006/07 của Trung Quốc được dự đoán tăng 15% so với vụ 2005/06, lên đạt 11,3 triệu tấn. Sản lượng đường của Thái Lan có thể đạt 6,9 triệu tấn, tăng 30% so với vụ 2005/06, trong khi Indonesia đạt 2,5 triệu tấn, tăng 200.000 tấn. Năm 2007, thị trường Philippines được dự báo cũng sẽ dư thừa đường cho xuất khẩu.

Sản lượng đường của các nước phát triển vụ 2006/07 dự đoán giảm 9,1% so với vụ trước, xuống còn 39,1 triệu tấn, trong đó sản lượng của Liên minh Châu Âu (EU) có thể giảm 23% (từ 21,4 triệu tấn vụ 2005/06, xuống còn 16,5 triệu tấn vụ 2006/07) do ảnh hưởng của chính sách cải cách đường. Vụ 2006/07, sản lượng đường của Nga, Mỹ dự báo lần lượt đạt 3,1 triệu tấn và 7,6 triệu tấn, tăng tương ứng 15% và 14% so với vụ trước, trong khi Nam Phi và Australia có thể giảm xuống còn các mức tương ứng 2,4 triệu tấn và 4,9 triệu tấn do thời tiết diễn biến khắc nghiệt như khô hạn và mưa lớn.









Nguồn: Global Trade Information Services (GTIS)

Trên thị trường xuất khẩu thế giới, Braxin vẫn là nước chiếm ưu thế với 71,39% thị phần trong tổng khối lượng xuất khẩu đường mía thô 18.193.798 tấn của thế giới trong năm 2006, tiếp sau là Guatemala và Thái Lan với tỷ lệ tương ứng 7,32% và 6,84%. Đối với đường củ cải, Nam Phi là nước dẫn đầu, với thị phần 65,18% trong tổng số 479.037 tấn đường thô xuất khẩu, tiếp theo là Mỹ và Anh, các nước còn lại chỉ chiếm 13,8% trong tổng khối lượng xuất khẩu đường củ cải của thế giới.



Каталог: images -> 2007
2007 -> Hồ sơ ngành hàng rau quả
2007 -> Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998
2007 -> Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp
2007 -> QuyếT ĐỊnh số 46/2007/QĐ-bnn, ngày 28 tháng 5 năm 2007 Ban hành Quy định về việc xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng
2007 -> Trung tâm phát triển nông thôN
2007 -> §å hép rau qu¶ Ph­¬ng ph¸p x¸c ®Þnh hµm l­îng vitamin c (axit ascobic) tcvn 4715 89
2007 -> Tiªu chuÈn ViÖt nam §å hép rau qu¶ Ph­¬ng ph¸p thö tcvn 4712-89
2007 -> Iso 9000: 2000 Thuật ngữ và định nghĩa hệ thống quản lý chất lượng Thuật ngữ liên quan đến chất lượng
2007 -> Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp

tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương