VÀI ĐÁnh giá VỀ tiến trình phục hồi hiện nay của nền kinh tế nhật bảN



tải về 234.59 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích234.59 Kb.
#31003

CSDL PICMS Thông tin Hỏi – đáp phục vụ ĐBQH của Phòng Thông tin, Trung tâm Thông tin – TV – NCKH, Văn phòng Quốc hội

VÀI ĐÁNH GIÁ VỀ TIẾN TRÌNH PHỤC HỒI HIỆN NAY CỦA NỀN KINH TẾ NHẬT BẢN

Diễn biến của nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2006 được đánh dấu bởi hai sự kiện nổi bật: Kinh tế Nhật Bản đang ở trong một thời kỳ tăng trưởng dài nhất sau chiến tranh và bắt đầu ra khỏi tình trạng giảm phát. Quan điểm lạc quan đang tăng lên ở Nhật Bản, với các nhận định như “Nhật Bản đã trở lại”, nền kinh tế Nhật Bản “đã phục hồi”, “đã trở lại trạng thái bình thường”, đã “đạt đến điểm ngoặt chuyển sang một thời kỳ tăng trưởng mới”... Vậy, sau “Thập kỷ mất mát”, giờ đây kinh tế Nhật Bản thực sự đã đạt được những tiến bộ gì? Triển vọng phát triển kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới? Bài viết này sẽ góp phần trả lời các câu hỏi đó.



1. Những diễn biến tích cực của nền kinh tế Nhật Bản

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế [IMF, 2006], kinh tế Nhật Bản năm 2006 tăng trưởng rất khả quan, với tốc độ 2,7%. Cuối tháng 11/2006, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng có đánh giá tương tự, tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản năm 2006 là 2,8% (xem Bảng 1). Đây là một tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2001 của nền kinh tế Nhật Bản, song điều đặc biệt là, với thành tựu năm 2006, Nhật Bản đang trong thời kỳ tăng trưởng dài nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai. Thời kỳ tăng trưởng kinh tế này bắt đầu từ 1/2002, và đến tháng 12/2006, kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng liên tục 59 tháng, vượt qua kỷ lục trước đây về thời kỳ tăng trưởng dài nhất sau chiến tranh, được gọi là Thời kỳ Izanagi (“Izanagi boom”), kéo dài 57 tháng từ tháng 10/1965 đến tháng 7/1970 (xem Bảng 2).



Bảng 1: Các chỉ số kinh tế chủ yếu của Nhật Bản (Thay đổi so với năm trước, %)




2002

2003

2004

2005

2006

07*

08*

GDP thực tế

Tổng cầu nội địa thực tế

+ Chi tiêu dùng cá nhân

+ Chi tiêu dùng chính phủ

+ Đầu tư tư bản cố định

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ

Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

Lãi suất ngắn hạn (%)

Chỉ số giá tiêu dùng

Tỷ lệ thất nghiệp (%)

Tổng nhân dụng

Cán cân thanh toán hiện hành (% GDP)



0,1

- 0,6


1,1

2,4


5,0

7,6


0,9

0,1


- 0,9

5,4


- 1,3

2,9


1,8

1,2


0,6

2,3


0,3

9,0


3,9

0,0


- 0,3

5,3


- 0,2

3,2


2,3

1,5


1,9

2,0


1,1

13,9


8,5

0,0


0,0

4,7


0,2

3,7


2,7

2,5


2,3

1,7


3,2

7,0


6,2

0,0


- 0,6

4,4


0,4

3,7


2,8

2,0

1,3

0,6

4,0

10,4

5,3

0,2

0,3

4,2

0,3

38

2,0

1,3


1,4

1,1


2,1

7,2


3,1

0,4


0,3

3,9


0,1

4,5


2,0

1,5


1,6

1,2


1,7

6,9


4,4

0,9


0,8

3,6


0,0

5,3


* Dự báo

Nguồn: OECD (2006), Economic Outlook No. 80, November.

Bảng 2: Các thời kỳ tăng trưởng kinh tế lớn sau chiến tranh của Nhật Bản

Các thời kỳ

Thời điểm bắt đầu

Đỉnh điểm

Độ dài

Tốc độ tăng trưởng trung bình năm

Thời kỳ Iwanto

6/1958

12/1961

42 tháng

11,3%

Thời kỳ Izanagi

10/1965

7/1970

57 tháng

11,6%

Thời kỳ bong bóng

11/1986

2/1991

51 tháng

5,4%

Thời kỳ phục hồi sau kinh tế bong bóng

10/1993

5/1997

43 tháng

2,4%

Thời kỳ hiện nay

1/2002

?

? (tạm tính đến 12/2006 là 59 tháng)

? (2,4% tính quý II/2006)

Nguồn: Shinichiro Kobayashi (2006), “Medium - term Outlook for the Japanese Economy (FY2006 to FY2015): Towards Stable Growth with a Mature Society”, in Misubishi UFJ Reseach and Consulting, Economic Report Summary, 2006, No. 3.

Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã có tác động tích cực đến việc làm. Số lượng việc làm ở Nhật Bản sau nhiều năm liên tục giảm sút, đã tăng 0,2% năm 2004 và 0,4% năm 2005 và 0,3% năm 2006. Tỷ lệ thất nghiệp đã liên tục giảm xuống tới mức 5,4% năm 2002 xuống còn 4,2% năm 2006 (Bảng 1). Từ năm 1998, Nhật Bản lâm vào tình trạng giảm phát, với chỉ số giá tiêu dùng ở mức âm hoặc không tăng. Theo OECD, năm 2006, lần đầu tiên, chỉ số giá tiêu dùng ở Nhật Bản là dương, hay tăng 0,3% (Bảng 1), còn theo IMF, chỉ số giá tiêu dùng đã chuyển từ âm 0,1% năm 2005 thành dương 0,2% năm 2006, chỉ số giá bán buôn tăng từ 1,6% lên 3,2% - những dấu hiệu cho thấy kinh tế Nhật đã thoát khỏi tình trạng giảm phát - Lần đầu tiên kể từ tháng 4/2001, Báo cáo kinh tế hàng tháng do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 19/7/2006 đã không còn có từ “giảm phát”.

Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã có thể tiến hành thay đổi quan trọng trong chính sách tiền tệ. BOJ đã quyết đnh chấm dứt chính sách nới lỏng về lượng (quantitative easing policy) vào ngày 9/3/2006. Từ đây, Khuôn khổ mới về điều hành chính sách tiền tệ (“New Framework for the Conduct of Monetary Policy”) đã được BOJ áp dụng, trong đó có việc chuyển sang theo đuổi chính sách tiền tệ gắn với kiểm soát lãi suất. Tiếp đến, vào tháng 7/2006, BOJ đã nâng lãi suất ngắn hạn lên 0,25%, chấm dứt năm năm bốn tháng áp dụng (từ 3/2001) chính sách lãi suất gần bằng 0 (“zero - interest-rate” policy). Theo IMF, lãi suất dài hạn ở Nhật Bản (lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm) cũng đã tăng từ 1,4% năm 2005 lên 1,9% năm 2006.

Lòng tin của giới kinh doanh và người tiêu dùng Nhật Bản đang tiếp tục tăng, có tác động tích cực đến cầu nội địa. Cầu trong nước tại Nhật Bản năm qua đã tăng khá, theo OECD tổng cầu nội địa trong năm 2006 cũng đã tăng 2,0% (theo IMF là 2,3%). Điều dáng chú ý ở đây là, trong khi tiêu dùng cá nhân và chính phủ tăng chậm (1,3% và 0,6% tương ứng - theo OECD), sự tăng cầu trong nước chủ yếu là do đầu tư. Theo OECD, chi đầu tư tư bản cố định ở Nhật Bản tăng 4,0% năm 2006 - mức tăng cao nhất trong bốn năm qua.



Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang tiếp tục khởi sắc sau khi đã sụt giảm xuống tới “điểm đáy” (năm 2003) của sự suy giảm diễn ra sau sự nổ vỡ kinh tế bong bóng đầu những năm 1990. Chỉ số Nikkei đã đạt mức tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2006, và tới cuối năm 2006 chỉ số này tăng gấp đôi so với “điểm đáy”.

Một diễn biến rất quan trong khác là sự ổn đnh của giá bất động sản. Hơn nữa, tại Tokyo và một số thành phố lớn, giá bất động sản đã bắt đầu tăng. Cùng với cải thiện thị trường lao động, xu hướng này đã và sẽ thúc đẩy tăng niềm tin của người tiêu dùng và tăng chỉ tiêu dùng.

Tăng trưởng, ra khỏi giảm phát - sự đi lên của nền kinh tế Nhật Bản là do đâu và nó có bền vững? Để trả lời cầu hỏi này, cẩn tìm hiểu xem, tình trạng trì trệ kéo dài trước đây (trong “Thập kỷ mất mát”) là do nhưng vấn đề, và hiện nay, những vấn đề đó đã được giải quyết đến đâu.

Đặc điểm của kinh tế Nhật Bản trong “Thập kỷ mất mát” có thể được tóm tắt như sau: (1) Chi tiêu và các hoạt động kinh tế trì trệ do các vấn đề cơ cấu trong khu vực công ty và ngân hàng; (2) Quả bóng đất đai và thị trường chứng khoán đổ vỡ, khu vực công ty bị đè nặng bởi ba sự dư thừa, đó là nợ, công suất và nhân viên; (3) Cán cân tài sản của các ngân hàng yếu kém, trước hết do núi nợ xấu, hay nợ khó đòi (Non - Performing Loan - NPL); (4) Tiêu dùng cá nhân yếu đi do tài sản và thu nhập của các hộ gia đình giảm sút; (5) Những cứng nhắc về thể chế làm cho khu vực tư gặp nhiều khó khăn trong điều chỉnh và tái cơ cấu; (6) Mặc dù chính phủ đã có một tổng thể các chính sách tiền tệ và tài chính lớn chưa từng thấy, song kết quả là nợ công ngày càng tăng, nền kinh tế vẫn trì trệ; (7) Những cú sốc lớn và bất ngờ từ bên ngoài.(1)



Có thể nói, các mắt xích yếu nhất của hệ thống kinh tế Nhật Bản trong thời kỳ đó là ở “sức khoẻ” kinh tế nhà nước, của khu vực ngân hàng, khu vực công ty, thị trường lao động. Các vấn đề đó đã có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, bước đầu tạo lập được những yếu tố nền tảng khá vững chắc cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể:

+ Trong khu vực kinh tế nhà nước: Trong những năm gần đây, mức độ thâm hụt ngân sách, và do đó, quy mô của nợ công đã tăng chậm lại. Chi tiêu của chính phủ Nhật Bản năm 2006 chỉ tăng 0,4% (trong khi ở Mỹ tăng 1,6%, ở Khu vực đồng Euro tăng 2,1%), từ đó góp phần làm giảm mức thâm hụt ngân sách của nước này xuống còn 5,2% GDP, mức thâm hụt thấp nhất kể từ năm 1999 (8,2% GDP). Chính phủ Nhật Bản cũng đã công bố mục tiêu cân bằng ngân sách cơ bản (không tính khoản mục bảo hiểm xã hội) vào đầu những năm 2010, mức giảm thâm hụt mỗi năm phải có quy mô tương đương 0,5% GDP (hay khoảng 60 tỷ USD). Quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong cải cách trong năm qua được thể hiện rõ, tập trung ở việc tiếp tục thực thi chương trình tư nhân hoá ngành bưu điện (được thông qua tháng 7/2005). Ngày 31/7/2006, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo kế hoạch chi tiết về chương trình này, theo đó, tập đoàn Bưu điện Nhật Bản sẽ được tách ra thành ba công ty chuyên trách (công ty bưu phẩm, công ty dịch vụ bưu điện, công ty bảo hiểm) và một ngân hàng (mang tên Ngân hàng Yucho). Công ty bảo hiểm và Ngân hàng Yucho dự kiến sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo vào năm 2011. Bưu điện Nhật Bản hiện tuyển dụng 400.000 nhân viên trong 25.000 cơ sở, và còn là tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, do điều hành một ngân hàng tiết kiệm với hơn 8.000 tỷ USD tiền vốn. Theo kế hoạch, hệ thống bưu điện sẽ dần dần được tư nhân hoá, và sẽ tư nhân hoá hoàn toàn vào năm 2017. Đây là một trọng tâm của kế hoạch cải cách kinh tế của Nhật Bản hiện nay, và là khởi đầu tốt để có thể cải tổ thêm nhiều ngành khác, nhất là hệ thống y tế vốn được coi là quan liêu, không đáp ứng được các nhu cầu đang tăng lên.

+ Trong khu vực tài chính ngân hàng: nhờ nguồn hỗ trợ có thể nói là khổng lồ của chính phủ, cũng như các nỗ lực lớn của khu vực tư nhân, nợ xấu về cơ bản đã bị loại bỏ. Hơn nữa, các nỗ lực của Chính phủ trong việc giám sát các ngân hàng và một số khu vực khác đã đóng vai trò quan trọng trong việc lành mạnh hoá khu vực ngân hàng. Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản đã có biện pháp tăng sức ép đối với các ngân hàng, buộc các ngân hàng có hành động mạnh tay hơn đối với các “con nợ có vấn đề”. Nợ xấu ở Nhật Bản đã được giảm xuống cuối những năm 1990 và giảm mạnh từ đầu những năm 2000: Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng chủ chốt hiện nay đã xuống dưới mức 2,5% (vào đầu 2002 là 8,5%). Trong điều kiện đó, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của các ngân hàng đã tăng lên, các ngân hàng Nhật Bản khó bị tổn thương hơn trước các cú sốc, cho phép các ngân hàng có thái độ năng động trong hoạt động cho vay đối với nền kinh tế. Vào tháng 2/2006, khối lượng tín dụng trong hệ thống ngân hàng Nhật Bản đã chuyển sang dương (hay tăng trưởng) sau tám năm liên tục giảm sút [Daniel Citrin, 2006] .

+ Khu vực công ty cũng đã vững mạnh hơn. Nỗ lực tái kết cấu của các công ty đã diễn ra mạnh mẽ trong thời kỳ 1997 - 2001, và tiếp tục sau đó(2). Các bảng cân đối tài sản công ty đã được cải thiện: tỷ suất nợ trên doanh số đã giảm xuống bằng với mức của những năm 1980. Các cải cách pháp lý đang tạo ra các công ty cạnh tranh hơn. Chính phủ đã buộc các ngân hàng và các công ty hữu quan chấm dứt chế độ “cổ phần chéo”. Nỗ lực cắt giảm năng lực sản xuất dư thừa đã có kết quả lớn: vào năm 2005, tỷ suất sử dụng năng lực sản xuất đã trở lại mức trung bình của những năm 1980 - 1989. Theo Điều tra Tankan (Điều tra kinh tế ngắn hạn các doanh nghiệp Nhật Bản), vào tháng 12/2006, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, số lượng công ty tuyên bố thiếu năng lực sản xuất vượt quá số lượng công ty tuyên bố dư thừa năng lực sản xuất. Cũng theo Điều tra Tankan công bố tháng 12/2006, lợi nhuận của các công ty Nhật Bản đã tăng lên liên tiếp từ năm 2002, tỷ suất lợi nhuận trên doanh số bán ra đã vượt quá kỷ lục đạt được trong giai đoạn kinh tế bong bóng. Vào cuối năm 2005, tỷ suất lợi nhuận trên doanh số đã bằng mức cao nhất của những năm 1980 ở các khu vực chế tạo lẫn khu vực phi chế tạo. Do đó, các công ty đang tăng đầu tư để tăng cường năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của cả trong và ngoài nước [Toshihiko Fukui, 2006b].

Trong thời gian tới, các công ty tiếp tục rà soát tính doanh lợi đầu tư của một dự án, đáp ứng tốt hơn kỷ luật của thị trường tài chính. Do đã giảm thiểu các sức ép điều chỉnh cơ cấu trong khu vực công ty, sức mạnh tài chính của chúng đã tăng, các công ty đang chuyển tiêu điểm quản lý từ điều tiết lao động, thiết bị tư bản quá dư thừa và nợsang bành trướng kinh doanh tích cực nhằm sống sót trong cạnh tranh toàn cầu gay gắt”, cũng như bảo đảm nguồn nhân lực có kỹ năng cao”, với nhận thức về đợt về hưu của thế hệ “bùng nổ dân số” (“baby - boomers”) sau chiến tranh và sự giảm dân số trên diện rộng hiện nay của Nhật Bản(3), từ đó họ sẽ tiếp tục có quan điểm ch cực đối với đầu tư cố định và nhân dụng.



+ Thị trường lao động Nhật Bản trước đây thiếu mềm dẻo, với nhiều hợp đồng lao động suốt đời, khó sa thải vì lý do công ty làm ăn khó khăn. Đến nay, đã có nhiều thay đổi: Thị trường lao động linh hoạt, mềm dẻo hơn, sa thải được chấp nhận, nhờ những thay đổi luật lao động. Các công ty có thể thuê nhiều công nhân hợp đồng có thời hạn và lao động tạm thời: Từ năm 2000 đến năm 2006, số công nhân làm việc bán phần đã từng 25%. Thay đổi này có ý nghĩa lớn đối với việc cải thiện lợi nhuận của các công ty. Tình trạng dư thừa lao động cũng như gánh nặng chi phí lao động của các công ty Nhật Bản đã giảm xuống.

Cũng cần lưu ý rằng, cầu trong nước của Nhật Hắn đã tăng khá, cho thấy sự phát triển kinh tế bắt đầu theo chiều hướng cân bằng hơn, tức là dựa trên một tổ hợp cân đối hơn giữa các động lực bên trong và các động lực bên ngoài. Bên cạnh đó, thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản. Bất chấp việc giá dầu mỏ và một số nguyên liệu cơ bản tăng cao và sự bất ổn ở nhiều khu vực trên thế giới, sự tăng trưởng cao liên tục trong bốn năm qua của nền kinh tế toàn cầu(4), nhất là ở các nước như Trung Quốc, đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Nhật Bản. Riêng trong năm 2006, khối lượng xuất khẩu của Nhật Bản tăng 10,4% (xem Bảng 1) cao hơn nhiều so với của Mỹ (8,3%), của các nước khu vực đồng Euro (7,4%). Theo IMF, năm 2006 mức thâm hụt cán cân thương mại Mỹ lên đến 799,6 tỷ USD, nhiều hơn trên 80 tỷ USD so với mức thâm hụt năm 2005 (thâm hụt 716,7 tỷ USD), trong khi đó Nhật Bản thặng dư 62,7 tỷ USD (năm 2005 thặng dư 69,8 tỷ USD). Năm 2004, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành địa chỉ xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Năm 2006, Mỹ chỉ chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, trong khi đó các thị trường châu Á chiếm gần 50%. Thậm chí theo nhận định của một số chuyên gia, nếu không có thị trường Trung Quốc, sẽ không có sự phục hồi kinh tế Nhật Bản. Xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường châu Á đã lớn đủ mức để giảm sốc cho các doanh nghiệp Nhật Bản một khi nền kinh tế Mỹ suy thoái, vì sự phụ thuộc về thương mại của Nhật Bản đối với Mỹ cũng đang giảm xuống.



2. Các thách thức hiện nay đối với nền kinh tế Nhật Bản

Đầu năm 2007, Thủ tướng mới đắc cử của Nhật Bản, Shinzo Abe nhận định, “Kinh tế Nhật Bản cuối cùng đã trở lại tình trạng bình thường. Giờ là lúc thích hợp để chúng ta đặt ra các mục tiêu mới và bắt đầu thực hiện chiến lược để đạt mục tiêu đó [Abe, 2007b]. Tương tự, Thống đốc BOJ, Fukui gọi đây là “Sự phục hồi bền vững của nền kinh tế Nhật Bản”; “2006 là năm đánh dấu những tiến bộ vững chắc theo hướng bình thường hóa sau giai đoạn điều chỉnh kéo dài từ cuộc đổ vỡ nền kinh tế bong bóng [Fukui, 2006].

Theo nhà nghiên cứu Shinichiro Kobayashi, “Kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi thời kỳ tồi tệ nhất của mình và đang bước vào một thời kỳ tăng trưởng mới”. Nhận định này dựa vào lịch sử chu kỳ kinh tế dài hạn. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trung bình hàng năm (năm tài chính) của Nhật Bản từ năm 1960 đến nay, ta thấy: thời kỳ 1961 - 1974 là 8,5%, thời kỳ 1975 - 1990 là 4,1%, thời kỳ 1991 - 2001 là 1,0%, thời kỳ 2002 -2005 là 2,1%. Như vậy, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản từ những năm 1960 đến nay đã vượt qua điểm đáy (1991 - 2001), và bắt đầu nâng dần tốc độ tăng trưởng từ năm 2002 [Shinichiro Kobayashi, 2006].

Không khí lạc quan đang dần tăng lên ở Nhật Bản, song “sự trở lại của Nhật Bản” - vốn đã được coi là dự báo sai từ vài năm trước đây - lần này sẽ là thực tế? Không phải đã hết các hoài nghi, bởi vì, thời kỳ phục hồi hiện nay là kỷ 1ục sau chiến tranh về độ dài, song tốc độ tăng trưởng chậm (xem Bảng 2). Đành rằng, khó có thể có được một thời kỳ tăng trưởng cao như các thời kỳ trước đây, vì môi trường kinh tế đã khác, nhất là do Nhật Bản đã chuyển từ “xã hội đang phát triển” sang “xã hội trưởng thành”, song tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản những năm vừa qua thấp hơn đáng kể sự với tốc độ tăng trưởng phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển. Cùng với tốc độ tăng trưởng, mức tăng tiêu dùng và giá cả vẫn chưa được như mong muốn. Chi tiêu dùng tư nhân ở Nhật Bản chỉ tăng 1,3% năm 2006, thấp hơn một điểm phần trăm so với năm 2005 (2,8%). Chỉ số chứng khoán Nikkei dù đang có xu hướng tăng, hiện vẫn chưa đạt một nửa so với đỉnh cao năm 1989 - năm trước đổ vỡ bong bóng thị trường chứng khoán Nhật Bản(5)... Giữa tháng 1/2007, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài khoá, bà Hiroko Ota đã hối thúc BOJ xem xét lại kế hoạch nâng lãi suất (từ 0,25 lên 0,5%). Vì theo bà, biện nay, tiêu dùng cá nhân đang yếu dần; kinh tế Nhật đang đối mặt với một thời kỳ gay cấn (a cruciat phase) vì vẫn còn khả năng quay trở lại giảm phát.

Hơn nữa, sự phục hồi đã diễn ra không đều. Trước đây, xuất khẩu và đầu tư tư bản thường dẫn dắt sự phục hồi, khi đó, các công ty sôi động trở lại đã đồng thời thúc đẩy mạnh tiêu dùng. Trong thời kỳ Izanagi (xem Bảng 2), chi tiêu của các hộ gia đình vào các hàng xa xỉ như ôtô và TV đã thúc đẩy tăng trưởng. Sự phục hồi lần này do lợi nhuận doanh nghiệp đã được củng cố, và họ tăng đầu tư. Song lần này, sự phục hồi của doanh nghiệp đã hầu như không tác động đến tiêu dùng. Nguyên nhân chủ yếu là ở chỗ, trong thời gian qua, sự phân chia lợi nhuận - lao động đã được sắp xếp lại có lợi hơn cho lợi nhuận. Toàn cầu hoá, cạnh tranh chi phí lao động rẻ từ các nước đang phát triển đang ảnh hưởng đến quan hệ lao động ở Nhật Bản. Một khi thu nhập không tăng, người dân muốn tiêu dùng nhiều hơn cũng không thể. Cho nên, gọi là sự phục hồi, song nhiều người dân Nhật Bản không cảm thấy có sự phục hồi(6). Cũng vì vậy, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn thấp. Tính không đều của sự phục hồi còn thể hiện trên một số khía cạnh khác. Theo IMF, bảng cân đối tài sản của các ngân hàng lớn của Nhật Bản đã được cải thiện cùng với việc giảm nợ xấu, song tình thế của các ngân hàng nhỏ (“ngân hàng vùng”) vẫn ít tiến bộ, và tỷ suất lợi nhuận ngân hàng vẫn thấp hơn so với mức trung bình quốc tế. Giá bất động sản đã tăng trở lại ở Tokyo và các thành phố lớn, song ở các nơi khác thì tình hình vẫn chưa sáng sủa hơn...

Cũng cần nhấn mạnh rằng, sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản diễn ra chủ yếu thông qua việc các ngân hàng và công ty (với sự hỗ trợ của Chính phủ) đã tiến hành mạnh mẽ cuộc tái kết cấu, phục hồi mức lợi nhuận, chứ ở đây chưa phải là thông qua sự xuất hiện một mô hình kinh doanh mới, như các thực tiễn quản lý kiểu Nhật Bản trong những năm 1980, hay đóng góp của công nghệ thông tin làm tăng năng suất lao động...



Trong bối cảnh đó, kinh tế Nhật Bản hiện đứng trước nhiều thách thức, trước hết là:

(1) Củng cố tài khoá, giảm mức nợ công. Nợ công của Nhật Bản hiện trên 170% GDP - mức độ trầm trọng nhất trong s các nước phát triển (của Mỹ chỉ là 65% GDP). Việc phục hồi tính bền vững tài khoá là thách thức chính sách kinh tế vĩ mô trung hạn then chất đối với Nhật Bản. Trong thời gian tới, Nhật Bản có lẽ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc lành mạnh hoá tài chính công, giảm nợ công. IMF cho rằng, Nhật Bản cần có mục tiêu tham vọng hơn, cụ thể là nên giảm thâm hụt ngân sách hàng năm với mức độ tương đương 0,75% GDP. Nhật Bản cũng cần những nỗ lực hơn nữa về mặt thu, như tăng thuế tiêu thụ (mức hiện nay thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế), mở rộng cơ sở thuế thu nhập. IMF cho rằng, các chính phủ cần công bố chi tiết về cách thức tiến hành các chương trình lành mạnh hoá ngân sách, cho thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi trong công chúng nhằm tăng cường sự tin tưởng vào chính sách tài khoá cũng như sự ủng hộ của công chúng.

(2) Thực hành chính sách tiền tệ mới. BOJ đã đình chỉ chính sách nới lỏng về lượng và chấm dứt “chính sách lãi suất bằng 0”, nâng lãi suất lên thành 0,25%, tức là đã chuyển sang khuôn khổ chính sách tiền tệ mới. Gần đây, Ngân hàng Nhật Bản đã tuyên bố mục tiêu ổn định giá cả là lạm phát CPI hàng năm nằm trong khoảng 0 - 2%. Điều hành chính sách tiền tệ thế nào đang là vấn đề quan trọng và nhạy cảm đối với nền kinh tế Nhật Bản. IMF và OECD đều cho rằng, BOJ nên cẩn trọng trong việc tăng lãi suất, nhất là khi căn bệnh giảm phát chưa bị đánh bại hoàn toàn, vì nguy cơ lạm phát ít nguy hiểm, trong khi đó nếu giảm phát tái hiện thì sẽ rất nguy hiểm. Sự kết thúc quá sớm của chính sách nới lỏng tiền tệ có thể làm hỏng thành quả chống giảm phát trong nhiều năm qua. Để tạo nền tảng cho việc xử lý các vấn đề đó, yêu cầu về chính sách kinh tế vĩ mô là đạt được tăng trưởng bền vững, ổn định giá cả, và trong trường hợp Nhật Bản, OECD cho rằng BOJ nên nâng giới hạn dưới của “vùng lạm phát” nói trên.

(3) Đối phó với xu thế tăng bất bình đẳng. Sự phục hồi kinh tế không đều giữa các vùng, tỷ lệ lao động tạm thời và bán phần ở Nhật Bản đang tăng lên... đang làm tăng bất bình đẳng trong xã hội Nhật Bản, đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp hữu hiệu để đảo ngược xu hướng này, nếu không muốn làm tăng các căng thẳng xã hội - điều này đến lượt nó sẽ làm giảm sự đồng thuận xã hội đối với các cải cách.

(4) Đẩy mạnh cải cách cơ cấu. IMF cho rằng, Nhật Bản cần ưu tiên tiến hành các cải cách cơ cấu như: cải cách các thiết chế tài chính chính phủ (đẩy mạnh tư nhân hoá Japan Post); từng bước tăng cường cạnh tranh trong khu vực dịch vụ (thuận lợi hoá sự tiếp cận thị trường trong ngành bán lẻ...); tăng cường tính mềm dẻo của thị trường lao động, tăng tỷ lệ tham gia của lao động nữ (nên khuyến khích phụ nữ đi làm), tăng tính cơ động của chế độ hưu trí để thúc đẩy sự di chuyển lao động giữa các công ty và các khu vực; thực hiện đầy đủ chương trình nghị sự cải cách khu vực tài chính và khu vực công ty. Theo OECD, Nhật Bản cần thúc đẩy tuyển dụng thông qua cắt giảm ưu đãi đối với các nhân viên thường xuyên, thúc đẩy cạnh tranh trong các ngành mạng lưới và các dịch vụ chuyên ngành thông qua khuyến khích gia nhập ngành, giảm hỗ trợ đối với các nhà nông, tiếp tục giải quyết nợ xấu, giảm rào cản đối với FDI để nâng cao chuyển giao công nghệ từ nước ngoài...(8) Nhiều phân tích cho rằng, Nhật Bản nên tập trung nhiều hơn vào cải cách cơ cấu, và không nên hy vọng quá nhiều vào các chính sách tài khoá, bởi vì: (i) tại hai khu vực này vẫn có nhiều rào cản cơ cấu làm cản trở đầu tư; (ii) giảm thuế cũng sẽ không hiệu quả trong kích thích cầu do nó thường có quy mô hạn chế và một phần bị trung hoà bởi việc đưa ra các biện pháp tăng thuế khác (khó nhận thấy hơn) và sự tăng giá trong một số dịch vụ công; (iii) thâm hụt ngân sách sẽ không mang lại nhiều lợi ích khi thiếu niềm tin của người tiêu dùng và của các công ty, nhất là e ngại rằng, những điều chỉnh bị trì hoãn hôm nay sẽ khó được tiến hành hơn trong tương lai.

(5) Hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế thế giới. Nhật Bản hiện nay vẫn là nước có mức độ thâm nhập của hàng nhập khẩu khá thấp (nhất là hàng nông sản), về luồng FDI vào và luồng lao động nhập cư. FDI vào Nhật Bản năm 2003 chỉ đạt khoảng 1% GDP, trong khi của Mỹ là 25%, của Pháp là 43%(9). Điều này có ảnh hưởng đến tăng trưởng và năng lực đổi mới của Nhật Bản. Mở cửa hơn nữa nền kinh tế Nhật Bản đang là một ưu tiên chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe. Trả lời phỏng vấn “Nhật báo phố Uôn” (1/1/2006), ông cho rằng Nhật Bản phải mở cửa hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế và đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế nhóm nâng cao vị thế của nước này. Nhật Bản dự định thu hút thêm nhiều hơn các công ty nước ngoài vào Nhật Bản để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc Nhật Bản hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế thế giới hiện cũng gặp nhiều trở ngại.

3. Triển vọng phát triển kinh tế Nhật Bản

Năm 2006 đánh dấu sự “bình phục” - hay sự mở lại “bình thường” như cách nói của nhiều nhà nghiên cứu - của nền kinh tế Nhật Bản, sau hơn một thập kỷ “mất mát”. Trong năm 2007, kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ tiếp tục đà phục hồi, song tốc độ chậm lại (theo OECD là 2,0%). Các nhân tố chính làm chậm lại tốc độ tăng trưởng là: (i) Nhật Bản bắt đầu chịu tác động đầy đủ của suy giảm kinh tế Mỹ; (ii) Tồn kho trong khu vực IT đang tăng, có thể sắp có một thời kỳ điều chỉnh; (iii) Tốc độ đầu tư tư bản cố định trong khu vực kinh doanh, hiện quá nhanh, sẽ giảm xuống. Theo OECD, đầu tư tư bản cố định ở Nhật Bản sẽ chỉ tăng 2,1% năm 2007 và 1,7% năm 2008. Chỉ số giá tiêu dùng vẫn tiếp tục xu thế tăng (0,3% năm 2007, 0,8% năm 2008), tình hình việc làm tiếp tục được cải thiện (xem Bảng 1).

Tuy nhiên, có một loạt các biến số đến từ bên ngoài, khó đoán định, vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng quan trọng đến sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, như: mức độ suy giảm của nền kinh tế Mỹ, biến động của các thị trường thế giới về dầu mỏ và các mặt hàng nguyên liệu. Cơ bản, tiến triển của đàm phán thương mại đa phương (Vòng đàm phán Doha) trong thời gian tới, tình hình chính trị quốc tế, nhất là tại các điểm nóng như Trung Đông...

Xét về trung hạn, có lẽ do định kiến gắn đất nước “Mặt trời mọc” với những chuyện thần kỳ, một số nhà nghiên cữu đang nghĩ tới một thời kỳ tăng trưởng cao mới của Nhật Bản. Song, vì vừa ra khỏi “Thập kỷ mất mát”, nên nền kinh tế Nhật Bản đang đứng trước nhiều thách thức. Nhìn rộng hơn, Nhật Bản vẫn đang ở trong các quá trình chuyển đổi kinh tế, nhân khẩu, xã hội, chính trị sâu sắc, nhiều vấn dế kinh tế và thể chế vẫn chưa được xử lý thích hợp. Kinh tế Nhật Bản có tạo ra được bước bứt phá mới hay không chủ yếu tuỳ thuộc vào nỗ lực cải cách trong nước.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, công cuộc cải cách ở Nhật Bản hiện đang tiến triển tốt. Đầu năm 2005, Chính phủ Nhật Bản công bố báo cáo “tầm nhìn Nhật Bản trong thế kỷ 21”, trong đó nhấn mạnh các cải cách cơ cấu để nâng cao năng suất lao động, cho phép Nhật Bản gặt hái được những lợi ích đầy đủ của toàn cầu hoá và đối phó với xu thế già hoá dân số đang diễn ra. Báo cáo đã đề xuất các bước đi quan trọng: tăng cạnh tranh trong các thị trường sản phẩm, tăng tính mềm dẻo của thị trường lao động, khuyến khích FDI vào Nhật Bản và giảm bảo hộ thị trường nông sản. Các ưu tiên bao gồm: cải cách khu vực công, từng bước nâng cao tính mềm dẻo của thị trường lao động và tính hiệu quả của khu vực tài chính, các cải cách để nâng cao NSLĐ trong khu vực dịch vụ.

Để duy trì động lực cải cách khu vực tài chính và khu vực công ty, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo chương trình tạo lập một hệ thống tài chính hiệu quả và linh hoạt hơn (The Program of Further Financial Reform). Hai vấn đề then chốt sẽ được giải quyết trong thời gian tới là: (i) Nâng cao tính doanh lợi của các ngân hàng Nhật Bản, củng cố cơ sở vốn của các ngân hàng (trong đó sẽ tiếp tục thúc đẩy sự sáp nhập giữa các ngân hàng), (ii) cải cách khu vực công ty, tập trung vào các khu vực định hướng thị trường nội địa (xây dựng, bán buôn, bán lẻ...).

Mới đây, trong diễn văn đọc trước Quốc hội Nhật Bản (Khoá họp 166 ngày 26/1/2007), Thủ tướng Abe đã trình bày “Định hướng và chiến lược cho nền kinh tế Nhật Bản” (“Direction and Strategy for the Japanese Economy”), thể hiện mong muốn xây dựng “một nước Nhật Bản tươi đẹp” (“a beautiful country”), biến nước Nhật Bản thành “một nước có vai trò mới trong cộng đồng quốc tế trong thế kỷ 21”. Thủ tướng cam kết, trên cơ sở các định hướng chiến lược này, sẽ đưa ra các chính sách cơ bản để tiến hành các cải cách sâu sắc. Các định hướng, chiến lược này tập trung vào: tăng cường tiềm năng tăng trưởng; tạo lập một xã hội mang lại nhiều cơ hội cho mọi công dân, bảo đảm cho họ với nghị lực và năng lực của mình có thể tự thay đổi để đối phó với các thách thức; tạo lập các vùng có sức hấp dẫn; đẩy mạnh cải cách hành chính và tài chính của chính phủ các cấp (trung ương và địa phương), giảm thâm hụt ngân sách, cải cách cả thu và chi ngân sách; tái thiết ngành giáo dục; xây dựng xã hội lành mạnh và an toàn, một hệ thống kinh tế xã hội dựa trên tự do và kỷ luật; thực thi chính sách ngoại giao tích cực.

Đương nhiên, thực thi cải cách chắc chắn còn gặp nhiều sự phản đối từ các nhóm lợi ích mạnh muốn duy trì nguyên trạng. Khi kinh tế Nhật Bản mạnh lên, tâm lý tự mãn sẽ cổ vũ các lực lượng cũ nổi lên chống lại những thay đổi. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử gần đây ở Nhật Bản cũng cho thấy sự đồng thuận cao đối với cải cách.



Chú thích:

1. Xem [Vũ Quang Việt, 2004], [Daniel Citri, 2006].

2. Xem [Miyagawa Tsutomu, 2006].

3. Một phụ nữ Nhật Bản hiện nay trung bình đẻ 1,3 con - trong khi tỷ lệ để dân số không giảm là 2,1 con. Cuộc tổng điều tra dân số Nhật Bản tiến hành năm 2005 cho thấy, dân số Nhật Bản đã giảm 900.000 người trong 12 tháng cho tới thời điểm điều tra. Một số tờ báo Nhật Bản đã loan tin rằng, nếu tình hình không thay đổi, sẽ không còn người Nhật nào vào năm 2800! [ING Investment Management, 2006].

4. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá năm 2006 là năm thứ tư liên tiếp kinh tế toàn cầu tăng trưởng trên 4%, và bốn năm qua là “thời kỳ bốn năm tăng trưởng toàn cầu mạnh nhất kể từ đầu những năm 1970[IMF, 2006a].

5. Trong ngày 29/12/1989, Chỉ số Nikkei đã đạt mức kỷ lục là 38.957 điểm trước khi đóng cửa thị trường ở mức 38.915 điểm.

6. Trên một diễn dàn cuối năm 2006, một người dân Nhật Bản phát biểu: “Tôi cảm thấy nền kinh tế đang xấu dần. Thu nhập thực tế của tôi đang giảm”, “Tôi đang hạ cấp toàn bộ lối sống của mình. Thay vì chi 10 vạn Yên, tôi cố gắng chi chỉ 8 hay 9 vạn”.

7. Nhận định này được tác giả suy luận theo cách riêng từ phân tích của Miyagawa Tsutomu [Miyagawa Tsutomu, 2006]. Thực ra, trong thời gian qua, đã có một số thay đổi trong mô hình quản trị công ty Nhật Bản, song mức độ và hiệu quả của nó còn khiêm tốn.

8. OECD (2005), Economic Policy Reforms, Paris.

9. Cũng vào năm 2003, lao động nhập cư chiếm 14,1% lực lượng lao động Mỹ, 9,5% ở Đức, 6,2% ở Pháp, 4,6% ở Anh, còn ở Nhật Bản là 0,3%.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Citrin D, Wolfso A. (2006), “Japan's back”, in Finance and Development (IMF), June.

2. Council on Economic and Fiscal Policy (2005), “Japan’s 21st Century Vision” (Tokyo).

3. Hisane Masaki (2006), Japan 's lackluster economic boom,

http://www.japantoday.com/jp/comment/1013 (October 16, 2006).

4. IMF (2006a), World Economic Outlook, September.

5. IMF (2006b), “Japan: Seleeted Issues”, in IMF Country Report No. 06/276, July.

6. ING Investment Management (2006), “Japan is back”, in Investment Reflections, Vol. 3, No. 2, June.

7. JRI (2007), Monthly Report of Prospects for Japan's Economy, The Japan Research Institute, Limited, January (www.jri.eo.jp).

8. Miyagawa Tsutomu (2006), The Growth Potential of the Japanese Economy - the Age of Endogenous Innovation, Research Institute of Economy, Trade and Industry (RIETI) (www.rieti.go.jp).

9. OECD (2006a), Economic Outlook No.80, November.

10. OECD (2006b), “Japan - Progress in Implementing Regulatory Reform”, in OECD Reviews of Regulatory Reform.

11. OECD (2006c), “Economic Survey of Japan”, in OECD Policy Brief, July.

12. Shinichiro Kobayabhi (2006), “Medium-term Outlook for the Japanese Economy (FY2006 to FY2005): Towards Stable Growth with a Mature Society”, in Mitsubishi UFJ Research and Consulting, Economic Report Summary, 2006, No.3.

13. Shinzo Abe (2007a), Statement by Prime Minister Shinzo Abe on the “Direction and Strategy for the Japanese Economy” (Cabinet Decision) in Response to the Report by the Council on Economic and Fiscal Policy (CEFP), January 25.

14. Shinzo Abe (2007b), Policy Speech by Prime Minister Shinzo Abe to the 166th session of the Diet, January 26.

15. Terrie Lloyd (2007), Japanese companies not sharing profits,

http://www.Japantoday.com/jp/comment/1054 (January 22).

16. Teruhiko Mano (2006), “How Japan's economy fared in 2006 and its prospects for 2007”, The Japan Times, Dec. 25, 2006.

17. Tobhihiko Fukui (2006a), “The outlook for Japan's economy and the conduct of monetary policy”, Speech at the Kisaragi - kai meeting, Tokyo, 7 November 2006, BIS Review 105/2006.

18. Toshihiko Fukui (2006b), Developments in Japan’s Economy in 2006 and the Outlook for 2007, Speech given by Governor of the Bank of Japan, Toshihiko Fukui to the Board of Councillors of Nippon Keidanren (Japan Business Fedetation) in Tokyo on December 25, 2006. http://www.boj.or.jp.

19. Vũ Quang Việt (2004), Về thập kỷ suy thoái kinh tế ở Nhật Bản, tạp chí Thời đại mới, số 1 tháng 8 (http://www.thoidai.org).



TS. CHU ĐỨC DŨNG

Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

Nguồn: Những vấn đề Kinh tế Và Chính trị Thế giới, Số 2 (130) 2007.




Каталог: uploaded -> 2011
2011 -> Nghị quyết số 49-nq/tw ngàY 02 tháng 6 NĂM 2005 CỦa bộ chính trị VỀ chiến lưỢc cải cách tư pháP ĐẾn năM 2020
2011 -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo viện nghiên cứu phát triểN giáo dụC
2011 -> TÌnh hình và xu thế phát triển giáo dụC ĐẠi họC Ở MỘt số NƯỚc thuộc khu vực châU Á thái bình dưƠNG
2011 -> LUẬt pháp về biển và VÙNG biểN
2011 -> VĂn phòng quốc hộI
2011 -> Nghị quyết số 9-nq/tw ngàY 02 tháng năM 2005
2011 -> MỘt số quy đỊnh của bộ luật tố TỤng hình sự VỀ hoạT ĐỘng đIỀu tra và truy tố ĐỐi với ngưỜi chưa thành niên phạm tộI
2011 -> Nguyên tắc lập luận hợp lý VÀ nguyên tắc VI phạm mặc nhiên trong pháp luật cạnh tranh giới thiệu chung

tải về 234.59 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương