Verbum domini củA ĐỨc giáo hoàng bêNÊĐITÔ XVI gửi các giám mụC, HÀng giáo sĩ, CÁc ngưỜi nam nữ SỐng đỜi thánh hiếN



tải về 1.18 Mb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích1.18 Mb.
#34442
  1   2   3   4   5   6



TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC


VERBUM DOMINI

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐITÔ XVI

GỬI CÁC GIÁM MỤC, HÀNG GIÁO SĨ,

CÁC NGƯỜI NAM NỮ SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN

VÀ CÁC TÍN HỮU GIÁO DÂN
VỀ LỜI THIÊN CHÚA

TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MẠNG

CỦA GIÁO HỘI


Bản dịch của Ủy Ban KinhThánh

trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Lời Chúa tồn tại muôn đời
(1 Phêrô 1,25)
Tông huấn “LỜI CHÚA” (VERBUM DOMINI) của Đức giáo hoàng Bênêđitô XVI được chính thức công bố vào ngày 11 tháng 11 năm 2010. Tông huấn nầy đã được Ngài ký ngày 30 tháng 9 năm 2010, nhân lễ kính Thánh Giêrônimô, Linh mục, vị Thánh bổn mạng của những người yêu mến, học hỏi, loan truyền và giảng dạy Kinh Thánh trong Hội Thánh. Đây là Tông huấn được mọi thành phần Dân Chúa chờ mong sau khi có Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XII về “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội” năm 2008.

Mở đầu Tông huấn, Đức giáo hoàng muốn làm vang vọng lại cho cả Hội Thánh lời tuyên xưng đức tin cùng với tâm tình và kinh nghiệm sống từ hai ngàn năm về trước của thánh Phêrô, vị ngư phủ Galilê, người đã được Đức Giêsu Nadarét tuyển chọn và đặt làm nền tảng Hội Thánh: “Lời Chúa đời đời bền vững. Đó chính là Lời Tin Mừng đã được loan báo cho anh em” (1 Pr 1,25).

Năm xưa, thánh Phêrô đã thay mặt anh em mình trong Tông đồ đoàn để công bố Tin Mừng về mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Đức Giêsu Nadarét (Cv 2,14-40); và lời loan báo lịch sử đó đã đem đến kết quả là “trong ngày ấy, đã có thêm lối ba ngàn linh hồn (tin vào Đức Giêsu Kitô)” (Cv 2,41 ) và từ đó số tín hữu của Chúa Kitô càng phát triển và lan rộng trên cả thế giới.

Ngày nay, Đấng kế vị thánh Phêrô, là Đức Bênêđitô XVI, sau khi đã lắng nghe ý kiến và đề nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XII, thay mặt cho tập thể Giám mục đoàn trên thế giới, nhóm họp tại Vatican, từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 năm 2008, tiếp tục công bố Tin Mừng về Đức Giêsu Nadarét với tựa đề “LỜI CHÚA” (VERBUM DOMINI) cho con người đang sống những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba.

Ngài gửi Tông huấn nầy cho các Giám mục là những Đấng kế vị các Thánh Tông đồ, cho hàng Giáo sĩ, cho các người nam nữ sống đời thánh hiến và cho các tín hữu giáo dân trong Hội Thánh. Ngài mời gọi tất cả một lòng một ý với Ngài tiếp nối sứ vụ của các Tông Đồ, lên đường đem LỜI CHÚA là ĐỨC GIÊSU KITÔ đến cho mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia.

Tông huấn LỜI CHÚA đưa Hội Thánh chúng ta vào một giai đoạn mới của Lịch sử cứu độ: Loan báo và tái loan báo LỜI CHÚA cho con người thời đại hôm nay.

Xin trân trọng giới thiệu bản dịch Tông huấn LỜI CHÚA của Ủy Ban KinhThánh trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho mọi thành phần Dân Chúa.
Nha Trang, ngày 06 tháng 01 năm 2011
+ Giuse Võ Đức Minh

Giám Mục Giáo phận Nha Trang

Chủ tịch Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN


NỘI DUNG:
DẪn nhẬp (1)
Để niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn (2)

Từ Hiến chế “Dei Verbum” đến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Thiên Chúa (3)

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Thiên Chúa (4)

Lời tựa của Tin Mừng Gioan như kim chỉ nam (5)

PHẦN MỘT

VERBUM DEI

(LỜI THIÊN CHÚA)

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.



Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,

Và Ngôi Lời là Thiên Chúa…

Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,1.14)

THIÊN CHÚA LÊN TIẾNG NÓI

Thiên Chúa đối thoại (6)

Kiểu nói loại suy về Lời Thiên Chúa (7)

Chiều kích vũ trụ của Lời Chúa (8)

Tạo dựng loài người (9)

Tính hiện thực của Lời (10)

Kitô học về Lời (11-13)

Chiều kích cánh chung của Lời Thiên Chúa (14)

Lời Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần (15)

Truyền thống và Kinh Thánh (17-18)

Kinh Thánh, ơn linh hứng và chân lý (19)

Thiên Chúa Cha, suối nguồn và nguồn cội của lời (20-21)
LỜi con ngưỜi đáp trẢ

vỊ Thiên Chúa đang lên tiẾng
Được mời gọi đi vào giao ước với Thiên Chúa (22)

Thiên Chúa lắng nghe con người và đáp lại các vấn nạn của con người

(23)

Đối thoại với Thiên Chúa bằng chính lời của Ngài (24)



Lời Thiên Chúa và đức tin (25)

Tội lỗi là từ chối nghe Lời Thiên Chúa (26)

Đức Maria, “Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa” và “Mẹ đức tin” (27-28)

ViỆc giẢi thích KINH Thánh trong Giáo HỘi

Giáo Hội, nơi phát xuất ra việc giải thích Kinh Thánh (29-30)

"Linh hồn của khoa thần học thánh" (31)

Khai triển việc nghiên cứu Kinh Thánh và Huấn Quyền của Giáo Hội

(32-33)


Việc giải thích Kinh Thánh theo Công Đồng: một chỉ thị cần nắm vững

(34)


Nguy hiểm của thuyết nhị nguyên và khoa chú giải trần tục hoá (35)

Đức tin và lý trí trong tiếp cận Kinh Thánh (36)

Nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng (37)

Cần phải vượt quá chữ viết (38)

Tính thống nhất nội tại của Kinh Thánh (39)

Tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước (40-41)

Những trang “tăm tối” của Kinh Thánh (42)

Kitô hữu và Do-thái đứng trước Kinh Thánh (43)

Giải thích Kinh Thánh theo thuyết bảo thủ (44)

Đối thoại giữa các Mục tử, các nhà thần học và các nhà chú giải (45)

Kinh Thánh và đại kết (46)

Các hậu quả trên việc tổ chức các khoa thần học (47)

Các thánh và việc giải thích Kinh Thánh (48-49)

PHẦN HAI


VERBUM IN ECCLESIA

(LỜI TRONG GIÁO HỘI)

Còn những ai đón nhận,



thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12)

LỜi Chúa và Giáo HỘi

Giáo Hội đón nhận Lời (50)

Sự hiện diện liên tục của Đức Kitô trong đời sống của Giáo Hội (51)

PhỤng vỤ,

môi trưỜng ĐẶc Trưng cỦa LỜi Thiên Chúa

Lời Thiên Chúa trong phụng vụ thánh (52)

Kinh Thánh và các Bí tích (53)

Lời Thiên Chúa và Thánh Thể (54-55)

Bí tích tính của Lời (56)

Kinh Thánh và Sách Bài đọc (57)

Công bố Lời và thừa tác vụ đọc sách (58)

Tầm quan trọng của bài giảng lễ (59)

Nên có một quyển Cẩm nang Giảng lễ (60)

Lời Thiên Chúa, bí tích Hoà Giải và Xức Dầu bệnh nhân (61)

Lời Chúa và Các Giờ Kinh Phụng Vụ (62)

Lời Thiên Chúa và Sách Các Phép (63)

Các gợi ý và đề nghị cụ thể cho việc linh hoạt phụng vụ (64)



a) Cử hành lời Chúa (65)

b) Lời Chúa và sự thinh lặng (66)

c) Công bố long trọng Lời Thiên Chúa (67)

d) Lời Thiên Chúa trong nhà thờ (68)

e) Chỉ dùng các bản văn Kinh Thánh trong phụng vụ (69)

f) Thánh ca phụng vụ cảm hứng từ Kinh Thánh (70)

g) Lưu tâm đặc biệt tới những người khiếm thính thị (71)
LỜi Chúa trong ĐỜi SỐng Giáo HỘi

Gặp gỡ Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh (72)

Linh hoạt công việc mục vụ bằng Kinh Thánh (73)

Chiều kích Kinh Thánh của khoa huấn giáo (74)

Đào tạo Kinh Thánh cho các Kitô hữu (75)

Kinh Thánh trong những cuộc hội họp của Giáo Hội (76)

Lời Thiên Chúa và các ơn gọi (77)

a) Lời Chúa và các Thừa tác viên chức thánh (78-81)

b) Lời Chúa và các ứng viên Chức thánh (82)

c) Lời Thiên Chúa và Đời sống thánh hiến (83)

d) Lời Chúa và giáo dân (84)

e) Lời Chúa, hôn nhân và gia đình (85)

Đọc Sách Thánh trong tư thế cầu nguyện và “Lectio divina” (86-87)

Lời Thiên Chúa và việc cầu nguyện với Đức Mẹ (88)

Lời Thiên Chúa và Đất Thánh (89)

PHẦN BA

VERBUM PRO MUNDO

(LỜI CHÚA CHO THẾ GIỚI)

"Chưa bao giờ có ai thấy Thiên Chúa cả;

nhưng Con Một

hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,

đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18)

SƯ MẠnG cỦa Giáo HỘi:

Công BỐ LỜi Chúa cho ThẾ GiỚi

Lời đến từ Chúa Cha và trở về cùng Chúa Cha (90)

Loan báo cho thế giới “Logos” về niềm hy vọng (91)

Từ Lời Thiên Chúa, phát xuất sứ mạng của Giáo Hội (92)

Lời và Nước Thiên Chúa (93)

Mọi người đã rửa tội đều có trách nhiệm đối với việc loan báo (94)

Sự cần thiết của "missio ad gentes" (95)

Loan báo và việc tân phúc âm hoá (96)

Lời Thiên Chúa và việc làm chứng của Kitô hữu (97-98)
LỜI THIÊN CHÚA VÀ VIỆC DẤN THÂN VÀO THẾ GIỚI

Phục vụ Đức Giêsu trong “những anh em nhỏ bé nhất” (x. Mt 25,40) (99)

Lời Thiên Chúa và dấn thân trong xã hội vỉ công lý (100-101)

Loan báo Lời Thiên Chúa, hoà giải và hoà bình giữa các dân tộc (102)

Lời Chúa và đức ái hành động (103)

Loan báo Lời Thiên Chúa và người trẻ (104)

Loan báo Lời Thiên Chúa và di dân (105)

Loan báo Lời Thiên Chúa và những người đau khổ (106)

Loan báo Lời Thiên Chúa và những người nghèo (107)

Lời Thiên Chúa và việc bảo toàn tạo thành (108)


LỜi Thiên Chúa và văn hóa

Giá trị của văn hóa đối với cuộc sống con người (109)

Kinh Thánh, một kho báu to lớn cho các nền văn hóa (110)

Hiểu biết Kinh Thánh trong các trường trung học và các đại học (111)

Kinh Thánh qua các cách thức diễn tả nghệ thuật khác nhau (112)

Lời Thiên Chúa và các phương tiện truyền thông xã hội (113)

Kinh Thánh và hội nhập văn hóa (114)

Các bản dịch và việc phổ biến Kinh Thánh (115)

Lời Thiên Chúa vượt quá các ranh giới các nền văn hóa (116)
LỜi Thiên Chúa và đỐi thoẠi liên tôn

Giá trị của đối thoại liên tôn (117)

Đối thoại giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo (118)

Đối thoại với các tôn giáo khác (119)

Đối thoại và tự do tôn giáo (120)
KẾT LUẬN

Lời vĩnh viễn của Thiên Chúa (121)

Cuộc tân Phúc âm hóa và việc tái lắng nghe (122)

Lời và niềm vui (123)



"Mater Verbi et Mater laetitiae" (124)

DẪn nhẬp
1. “Lời Chúa đời đời bền vững. Đó chính là Lời Tin Mừng đã được loan báo cho anh em” (1 Pr 1, 25; x. Is 40, 8). Với lời khẳng định trên đây của Thư thứ nhất của thánh Phêrô, lấy lại các lời của tiên tri Isaia, chúng ta được đặt trước Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra qua hồng ân Lời của Ngài. Lời đời đời bền vững này đã đi vào thời gian. Thiên Chúa đã nói Lời vĩnh cửu của Ngài theo cách thức nhân loại; Lời của Ngài “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14). Đây chính là Tin Mừng. Đây là lời loan báo đã vượt qua bao thế kỷ để đến với chúng ta hôm nay. Đại Hội thường lệ lần thứ XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục được tổ chức tại Vatican từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 năm 2008 đã lấy chủ đề Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đó là một kinh nghiệm sâu sắc về cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Lời của Chúa Cha, Đấng hiện diện tại nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Người (x. Mt 18,20). Qua Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng này, tôi muốn đáp lại thỉnh cầu của các Nghị Phụ là phổ biến cho Dân Chúa biết thành quả phong phú đạt được từ những phiên họp của Thượng Hội Đồng tại Vatican và các đề nghị được đưa ra trong quá trình làm việc chung của chúng tôi. 1 Trong viễn tượng đó, tôi muốn nhìn lại những công việc của Thượng Hội Đồng bằng cách duyệt lại các tài liệu đã được trình lên: Lineamenta (Đề cương), Instrumentum laboris (Tài liệu làm việc), các Báo cáo ante et post disceptationem (trước và sau thảo luận), các bài tham luận được đọc trong khi họp và những bản văn viết, các báo cáo của các nhóm thảo luận, bản văn Sứ Điệp chung kết gửi cho Dân Chúa, và nhất là một số đề nghị (Propositiones) quan trọng mà các Nghị Phụ đặc biệt quan tâm. Bằng cách đó, tôi muốn vạch ra một vài đường nét căn bản để tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội, vì Lời Chúa là nguồn mạch bất tận luôn đổi mới, đồng thời tôi ước mong Lời Chúa luôn ngày càng trở nên trung tâm điểm của mọi hoạt động trong Giáo Hội.

Để niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn

2. Trước hết, tôi muốn nhắc lại vẻ đẹp có sức lôi cuốn của cuộc gặp gỡ mới mẻ với Chúa Giêsu mà chúng tôi đã cảm nghiệm trong kỳ Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua. Thực vậy, cùng hợp tiếng với các Nghị Phụ, tôi muốn nói với tất cả các tín hữu bằng chính những lời của thánh Gioan trong Thư thứ nhất của người: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, là sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi - chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1 Ga 1,2-3). Thánh tông đồ dùng các động từ nghe, thấy, đụng chạm chiêm ngưỡng (x. 1 Ga 1,1) Lời Sự Sống, vì chính Sự Sống được tỏ bày trong Đức Kitô. Chúng ta được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau, nên chúng ta phải là những sứ giả của hồng ân này. Trong viễn tượng loan báo Tin Mừng, đối với Giáo Hội và với thế giới, Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục là một bằng chứng về vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ Lời Chúa trong sự hiệp thông Giáo Hội. Do đó, tôi khuyến khích mọi tín hữu hãy làm mới lại những kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân và cộng đoàn với Đức Kitô, Lời Sự Sống đã trở nên hữu hình, và hãy trở thành những sứ giả của Người, để hồng ân sự sống và hiệp thông của Thiên Chúa cứ được lan tràn ra mãi trên khắp thế giới. Quả thật, thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, Ba Ngôi Tình Yêu, chính là một niềm vui viên mãn (x. 1 Ga 1,4). Hồng ân và nhiệm vụ cấp thiết của Giáo Hội là phải thông chia niềm vui đó, niềm vui phát xuất từ sự gặp gỡ với Con Người Đức Kitô, Lời Thiên Chúa, hiện diện giữa chúng ta. Trong một thế giới thường xem Thiên Chúa như là thừa thãi và xa vời, chúng ta hãy tuyên xưng như thánh Phêrô rằng duy một mình Ngài mới có “những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Không có điều ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên này là: hãy mở ra lại cho con người ngày nay con đường đến với Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa đang nói và chia sẻ với chúng ta tình yêu của Ngài, để chúng ta có được sự sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Từ Hiến chế “Dei Verbum”
đến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Thiên Chúa


3. Với Đại Hội thường lệ lần thứ XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Thiên Chúa, chúng tôi ý thức là đã chọn chủ đề, theo một nghĩa nào đó, cũng là trọng tâm của đời sống Kitô hữu, trong thế nối tiếp với Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ trước về Thánh Thể, nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, được sinh ra từ Lời Chúa và sống bởi Lời Chúa.2 Trong suốt lịch sử nhiều thế kỷ qua, Dân Chúa đã luôn tìm được sức mạnh trong Lời Chúa, và cả hôm nay nữa, cộng đoàn Giáo Hội cũng đang lớn lên nhờ lắng nghe, cử hành và học hỏi Lời Chúa. Trong những thập niên vừa qua, phải nhìn nhận rằng đời sống Giáo Hội ngày càng nhạy cảm hơn về chủ đề Lời Chúa, với sự chú tâm đặc biệt đến mầu nhiệm Mạc Khải Kitô giáo, Truyền Thống sống động và Kinh Thánh. Từ triều đại Đức giáo hoàng Lêô XIII, Giáo Hội đã có nhiều động tác can thiệp hơn nhằm gây ý thức mạnh mẽ hơn về tầm quan trọng của Lời Chúa và việc nghiên cứu Kinh Thánh trong đời sống của Giáo Hội,3 mà cao điểm là Công Đồng Vatican II, đặc biệt là việc ban hành Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum. Hiến chế này đánh dấu một cột mốc trên hành trình của Giáo Hội: “Các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng với lòng biết ơn, đã thừa nhận những lợi ích lớn lao mà văn kiện này đem lại cho đời sống của Giáo Hội về mặt chú giải, thần học, thiêng liêng, mục vụ và đại kết”.4 Trong những năm qua, Giáo Hội đặc biệt ý thức hơn về “chân trời Ba Ngôi và lịch sử cứu độ của Mạc Khải”,5 và ngày càng nhận thức được Đức Giêsu Kitô là “Đấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toà thể Mạc Khải”.6 Giáo Hội không ngừng tuyên xưng cho mọi thế hệ biết rằng Đức Kitô “đã bổ túc và hoàn tất Mạc Khải, bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và Sự Sống Lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến”.7

Mọi người đều biết sự thúc đẩy mạnh mẽ mà Hiến chế tín lý Dei Verbum đã đem lại cho việc tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội, việc suy tư thần học về Mạc Khải của Thiên Chúa và việc nghiên cứu Kinh Thánh. Trong bốn mươi năm qua, Huấn Quyền Giáo Hội đã ban hành nhiều bản tuyên bố về các đề tài này.8 Khi cử hành Thượng Hội Đồng này, với ý thức về hành trình liên tục của mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cảm thấy được mời gọi phải đào sâu hơn nữa chủ đề Lời Thiên Chúa, để vừa thẩm định việc thực hiện các chỉ dẫn của Công Đồng, vừa đương đầu với những thách đố mới trong thời đại hiện nay đang đặt ra cho các tín hữu Kitô giáo.



Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Thiên Chúa

4. Trong kỳ Đại Hội lần thứ XII của Thượng Hội Đồng, các Giám Mục đến từ khắp nơi trên thế giới đã quy tụ quanh Lời Chúa, và một cách biểu trưng, đã đặt bản văn Kinh Thánh ngay trung tâm của Đại Hội, để tái khám phá điều mà trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có nguy cơ xem như đương nhiên, đó là: sự kiện Thiên Chúa nói với chúng ta và trả lời các vấn nạn của chúng ta.9 Chúng tôi đã cùng nhau lắng nghe và cử hành Lời Chúa. Chúng tôi kể cho nhau nghe điều Thiên Chúa thực hiện giữa Dân Ngài, chia sẻ những hy vọng và mối quan tâm của họ. Tất cả những việc làm đó giúp chúng tôi ý thức rằng chúng ta chỉ có thể đi sâu vào mối tương quan của chúng ta với Lời Chúa từ chính “chúng ta” là thành phần của Giáo Hội, qua việc lắng nghe và đón nhận nhau. Do đó, chúng tôi tỏ lòng biết ơn đối với các chứng từ về cuộc sống của Giáo Hội ở các miền khác nhau trên thế giới, được trình bày qua các bài tham luận trong Đại Hội. Chúng tôi cũng thật cảm động khi được nghe quý Đại Biểu anh em, đã chấp nhận lời mời đến tham dự cuộc họp Thượng Hội Đồng này. Tôi đặc biệt nghĩ đến bài suy niệm mà Đức Báctôlômêô I, Thượng Phụ đại kết của Constantinople trình bày cho chúng tôi. Các Nghị Phụ đã tỏ lòng biết ơn sâu sắc về bài suy niệm này.10 Ngoài ra, đây là lần đầu tiên Thượng Hội Đồng Giám Mục đã mời một kinh sư Do-thái đến trình bày với chúng ta một chứng từ quý giá về Kinh Thánh Do-thái vốn là một phần trong Kinh Thánh của chúng ta.11

Như vậy, trong niềm vui và lòng biết ơn, chúng tôi đã có thể nhận thấy rằng “trong Giáo Hội, ngày nay cũng có một lễ Hiện Xuống – nghĩa là Giáo Hội đang nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Không chỉ là bề ngoài hiểu theo nghĩa mọi ngôn ngữ lớn trên thế giới đều hiện diện trong lòng Giáo Hội, nhưng còn theo một nghĩa sâu xa hơn: trong Giáo Hội, có nhiều phương cách khác nhau để cảm nghiệm về Thiên Chúa và về thế giới, về sự phong phú của các nền văn hóa. Chỉ như thế, chúng ta mới thấy được cuộc sống con người thật mênh mông bao la, và cũng từ đó, thấy được tầm mức rộng lớn của Lời Thiên Chúa”.12 Chúng tôi cũng có thể nhận thấy rằng lễ Hiện Xuống vẫn ‘tiếp diễn’; nhiều dân tộc khác vẫn đang trông chờ Lời Chúa được loan báo bằng chính ngôn ngữ và trong nền văn hóa của họ.



Tiếp đến, làm sao mà không nhớ là trong suốt thời gian Thượng Hội Đồng, chứng từ của thánh Tông Đồ Phaolô luôn đồng hành với chúng tôi! Quả vậy, đã là một ơn quan phòng khi Đại Hội thường lệ diễn ra trong năm kính nhớ dung mạo Vị Thánh Tông Đồ vĩ đại của các Dân Ngoại, nhân dịp kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của người. Cuộc đời của thánh nhân hoàn toàn ghi dấu lòng nhiệt thành rao giảng Lời Chúa. Làm sao mà không bị đánh động bởi những lời đầy rung cảm của thánh nhân khi người nói về sứ vụ của mình là người rao giảng Lời Chúa: “Tất cả những điều đó, tôi làm vì Tin Mừng” (1 Cr 9,23); hay trong Thư gửi tín hữu Rôma, người viết: “Tôi không xấu hổ vì Tin Mừng, vì Tin Mừng là quyền năng Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (1,16). Khi chúng ta suy nghĩ về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, chúng ta không thể không nghĩ đến thánh Phaolô và cuộc đời của người dâng hiến để loan báo ơn cứu độ của Đức Kitô cho mọi người.

Lời tựa của Tin Mừng Gioan như kim chỉ nam

5. Qua Tông huấn này, tôi muốn những thành quả của Thượng Hội Đồng tác động hữu hiệu trên đời sống của Giáo Hội: trong mối liên hệ cá nhân chúng ta với Kinh Thánh, trong việc giải thích Kinh Thánh trong cử hành phụng vụ và trong việc dạy giáo lý, cũng như trong việc nghiên cứu khoa học, để Kinh Thánh không đơn thuần là một Lời của quá khứ, nhưng còn là một Lời sống động trong hiện tại. Nhằm mục đích đó, tôi muốn trình bày và khai triển những thành quả của Thượng Hội Đồng bằng cách quy chiếu thường xuyên về Lời tựa của Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 1,1-18), trong đó nền tảng đời sống của chúng ta được thông ban cho chúng ta: Ngôi Lời, từ khởi đầu vẫn hướng về Thiên Chúa, đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Đây là bản văn tuyệt vời trình bày cho chúng ta một tổng hợp về toàn bộ đức tin Kitô giáo. Từ cảm nghiệm bản thân được gặp Đức Kitô và đi theo Người, thánh Gioan mà Truyền Thống đồng hóa với “người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến” (Ga 13,23; 20,2; 21,7.20), “đã xác tín sâu xa rằng: Đức Giêsu là Đức Khôn Ngoan nhập thể của Thiên Chúa, Người là Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở nên người phàm phải chết”.13 Ước gì thánh nhân, đấng “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8), cũng giúp chúng ta biết tựa đầu vào ngực Đức Kitô (x. Ga 13,25), từ nơi đó máu và nước chảy ra (x. Ga 19,34), là biểu tượng của các Bí Tích trong Giáo Hội. Theo gương Thánh Tông Đồ Gioan và các tác giả được linh hứng khác, chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn hầu có thể yêu mến Lời Chúa mỗi ngày một hơn.

PHẦN MỘT
VERBUM DEI

(LỜI Thiên Chúa)
Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.

Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,

Và Ngôi Lời là Thiên Chúa…

Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,1.14)

THIÊN CHÚA LÊN TIẾNG NÓI
Thiên Chúa đối thoại

6. Điểm mới lạ của Mạc Khải Kinh Thánh đến từ sự kiện: Thiên Chúa tỏ mình cho mọi người biết qua cuộc đối thoại mà Ngài muốn thiết lập với chúng ta.14 Hiến chế tín lý Dei Verbum đã diễn tả điều đó khi nhìn nhận rằng “do tình thương chan hòa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (…) đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu để mời gọi họ và chấp nhận họ đi vào cuộc sống của chính Ngài”.15 Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ sứ điệp của Lời tựa của thánh Gioan, nếu chúng ta chỉ dừng lại với sự kiện Thiên Chúa đi vào hiệp thông với chúng ta trong tình yêu. Thực ra, Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhờ Người “vạn vật được tạo thành” (Ga 1,3), và là Đấng “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14), vẫn là chính Ngôi Lời hiện hữu từ “lúc khởi đầu” (Ga 1,1). Nếu chúng ta hiểu ở đây có sự ám chỉ đến khởi đầu của Sách Sáng thế (x. St 1,1), thì quả thực, chúng ta thấy mình đang đứng trước một nguyên lý tuyệt đối, và nguyên lý này vén mở cho chúng ta thấy sự sống thâm sâu của Thiên Chúa. Lời tựa của thánh Gioan đặt chúng ta đứng trước sự kiện này là Logos (Ngôi Lời) hiện hữu thật sự từ đời đời, và từ đời đời Ngôi Lời là chính Thiên Chúa. Do đó, không bao giờ có một thời gian nào Thiên Chúa hiện hữu mà không có Logos. Ngôi Lời có trước tạo thiên lập địa. Vì thế, sự hiệp thông - một trao ban trọn vẹn, luôn hiện diện giữa lòng sự sống của Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16), điều mà thánh Tông Đồ cũng nói ở một nơi khác, qua đó, diễn tả “hình ảnh Thiên Chúa của Kitô giáo, từ hình ảnh này rút ra hình ảnh con người và con đường sống của họ”.16 Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta như một Mầu Nhiệm tình yêu vô tận, trong đó Chúa Cha từ thuở đời đời diễn đạt Lời của Ngài trong Chúa Thánh Thần. Bởi thế, Ngôi Lời, Đấng từ lúc khởi đầu vẫn hướng về Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đã mạc khải chính Thiên Chúa cho chúng ta trong tương quan trao đổi tình yêu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta dự phần vào tương quan tình yêu đó. Vì vậy, một khi được tạo dựng nên theo hình ảnh giống với Thiên Chúa tình yêu, chúng ta chỉ có thể hiểu được chính mình khi biết đón nhận Ngôi Lời và tác động của Chúa Thánh Thần. Chính nhờ ánh sáng của Mạc Khải do Ngôi Lời Thiên Chúa thực hiện mà bí ẩn trong thân phận con người được sáng tỏ trọn vẹn.

Kiểu nói loại suy về Lời Thiên Chúa

7. Dưới ánh sáng của những nhận định trên, phát sinh từ việc suy niệm Mầu Nhiệm Kitô giáo, được trình bày trong Lời tựa của thánh Gioan, bây giờ chúng ta cần nhấn mạnh đến những điều các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định liên quan đến các cách thức khác nhau chúng ta nói về “Lời Thiên Chúa”. Thật chính xác khi nói đến bản hòa tấu Lời Chúa, Lời duy nhất được diễn tả bằng nhiều cách thế khác nhau, “như một bản nhạc nhiều cung bậc”.17 Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nói đến đề tài này khi quy chiếu về Lời Chúa, bằng cách sử dụng kiểu nói loại suy theo ngôn ngữ loài người. Thực vậy, kiểu diễn đạt này, một mặt nói đến việc Thiên Chúa tự truyền thông chính mình, mặt khác còn bao hàm các ý nghĩa khác được liên kết với nhau và cần được xem xét thận trọng, theo quan điểm suy tư thần học cũng như thực hành mục vụ. Như Lời tựa của thánh Gioan đã cho chúng ta thấy rõ, Logos tự nguồn gốc chỉ về Lời vĩnh cửu, nghĩa là, Người Con duy nhất được sinh ra bởi Chúa Cha có trước muôn đời, và cùng bản thể với Chúa Cha: Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhưng thánh Gioan cũng khẳng định chính Ngôi Lời “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14); vì thế Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, đích thực là Ngôi Lời Thiên Chúa và trở nên đồng bản thể với chúng ta. Do đó, kiểu nói “Ngôi Lời” ở đây chỉ con người của Đức Giêsu Kitô, Người Con tự đời đời của Chúa Cha, đã làm người phàm.

Mặt khác, nếu biến cố Đức Kitô chiếm vị trí trung tâm trong Mạc Khải của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận rằng chính toàn thể thụ tạo, cuốn sách thiên nhiên (liber naturae), cũng là thành phần chính yếu của “bản hòa tấu nhiều cung bậc” này, mà trong đó Ngôi Lời duy nhất được biểu lộ. Đồng thời, chúng ta cũng khẳng định rằng Thiên Chúa nói Lời của Ngài trong lịch sử cứu độ, Ngài làm cho mọi người được nghe lời của Ngài; và bằng sức mạnh Thần Khí của Ngài, “Ngài đã nói qua các ngôn sứ”.18 Thế nên, Lời Chúa được tỏ bày trong suốt lịch sử cứu độ và đạt tới mức viên mãn trong mầu nhiệm Nhập Thể, chết và Sống lại của Con Thiên Chúa. Lời Chúa còn là Lời được các Tông Đồ rao giảng theo lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Như vậy, Lời Chúa được lưu truyền trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội. Sau cùng, Lời Chúa, Lời được chứng thực và được Thiên Chúa linh hứng, chính là Sách Thánh, Cựu Ước và Tân Ước. Tất cả điều đó cho chúng ta hiểu tại sao trong Giáo Hội, chúng ta hết mực tôn kính Sách Thánh, dù rằng niềm tin Kitô giáo không phải là một “tôn giáo của Cuốn Sách”: Kitô giáo là “tôn giáo của Lời Thiên Chúa”, không phải là “lời được viết ra và câm lặng nhưng là Lời nhập thể và sống động”.19 Vì thế Sách Thánh phải được công bố, nghe, đọc, đón nhận và được sống như là Lời của Thiên Chúa liên kết với Thánh Truyền của các Tông Đồ.20

Như điều các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định, công thức “Lời Thiên Chúa” được sử dụng một cách loại suy. Vì thế, các tín hữu phải được giúp đỡ nhiều hơn để họ nắm bắt được những ý nghĩa khác nhau của kiểu diễn tả này, cũng như hiểu được tính duy nhất của các ý nghĩa ấy. Cũng vậy, xét về quan điểm thần học, chúng ta cần tìm hiểu sâu xa sự nối kết giữa các ý nghĩa khác nhau của kiểu diễn tả này, hầu làm cho tính duy nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa mà trung tâm điểm là Ngôi Vị Đức Kitô được ngời sáng hơn.21

Chiều kích vũ trụ của Lời Chúa

8. Khi nhận thức được ý nghĩa cốt yếu của Lời Chúa như một quy chiếu về Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ và Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người,22 đồng thời khi lắng nghe Lời này, chúng ta được Mạc Khải Kinh Thánh giúp nhận biết Lời Chúa là nền tảng của mọi thực tại. Dựa vào Ngôi Lời của Thiên Chúa, Lời tựa của thánh Gioan xác quyết rằng: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3); cũng vậy, Thư gửi tín hữu Côlôxê khẳng định về Đức Kitô, “trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” (1,15), rằng: “Muôn vật được tạo thành nhờ Người và cho Người” (1,16). Còn tác giả Thư gửi tín hữu Do-thái cũng nhắc lại rằng “nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi Lời của Thiên Chúa, vì thế những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (11,3).

Đối với chúng ta, lời loan báo đó là một lời có sức giải phóng. Thực vậy, những lời trong Sách Thánh cho thấy rằng mọi vật hiện hữu không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên vô lý, nhưng là do ý muốn của Thiên Chúa và là một phần trong kế hoạch của Ngài, mà cao điểm của kế hoạch này là chúng ta được mời gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Mọi vật được tạo thành đều phát sinh ra từ Logos và đều mang dấu ấn không thể xóa nhòa của một Nguyên Lý tạo dựng vẫn truyền lệnh và hướng dẫn. Các Thánh vịnh đã hát lên niềm xác tín hân hoan này: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6); và “vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,9). Toàn thể thực tại diễn tả Mầu Nhiệm này: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2). Do đó, chính Kinh Thánh mời gọi chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng khi nhìn ngắm các thụ tạo (x. Kn 13,5; Rm 1,19-20). Truyền thống tư duy của Kitô giáo đã biết đào sâu yếu tố quan trọng này trong bản hòa tấu Lời Chúa, chẳng hạn, thánh Bônaventura, dựa vào truyền thống lớn lao của các Giáo Phụ Hy-lạp, khi nhìn thấy mọi khả thể của thụ tạo trong Logos,23 đã quả quyết rằng “mọi thụ tạo đều là lời Thiên Chúa vì nó công bố về Ngài”.24 Hiến chế tín lý Dei Verbum đã tóm lược yếu tố này khi tuyên bố rằng “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời (x. Ga 1,3), không ngừng làm chứng cho loài người về chính mình nơi các thụ tạo”.25



Tạo dựng loài người

9. Như thế, thực tại sinh bởi Lời, như thụ tạo của Lời (creatura Verbi), và mọi sự được kêu gọi để phục vụ Lời. Thực vậy, công trình tạo dựng là nơi diễn tiến toàn bộ lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Ngài. Do đó, công cuộc cứu độ loài người là lý do của tất cả mọi sự. Khi nhìn ngắm vũ trụ trong viễn tượng lịch sử cứu độ, chúng ta khám phá ra vị trí duy nhất và riêng biệt của con người trong công trình tạo dựng: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Điều đó giúp chúng ta nhận biết đầy đủ những hồng ân quý giá mà Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta: giá trị thân xác, ơn lý trí, tự do và lương tâm. Ở đây, chúng ta cũng thấy được điều mà truyền thống triết học gọi là “luật tự nhiên”.26 Thực vậy, “mọi hữu thể con người có lương tâm và trách nhiệm đều cảm nhận được từ nội tâm tiếng mời gọi làm điều tốt”,27 và do đó, tránh làm điều xấu. Thánh Tôma Aquinô cũng từng nhắc lại: mọi giới luật khác của luật tự nhiên đều được đặt nền tảng trên nguyên tắc này.28 Việc lắng nghe Lời Chúa, trước hết, giúp chúng ta biết quý trọng yêu cầu sống theo luật “được ghi khắc trong lòng chúng ta” (x. Rm 2,15; 7,23).29 Hơn nữa, Đức Giêsu Kitô còn ban cho con người một Luật mới, Luật Tin Mừng. Luật mới này củng cố và kiện toàn luật tự nhiên, giúp giải thoát chúng ta khỏi lề luật của tội lỗi, như thánh Phaolô từng nói: “Muốn sự thiện thì tôi có thể, nhưng làm điều thiện thì tôi không thể” (Rm 7,18), và nhờ ân sủng, con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, đồng thời có đủ khả năng thắng vượt tính ích kỷ của mình.30

Tính hiện thực của Lời

10. Ai biết Lời Thiên Chúa thì cũng biết đầy đủ ý nghĩa của mọi thụ tạo. Thật vậy, nếu mọi sự “tồn hữu” trong Đấng có “trước mọi sự” (x. Cl 17), thì ai đặt nền tảng trên Lời của Ngài thì thực sự xây dựng đời mình một cách chắc chắn và bền vững. Lời Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta thay đổi ý tưởng về tính hiện thực: người có tính hiện thực là người nhận ra Ngôi Lời của Thiên Chúa là nền tảng cho tất cả mọi sự.31 Chúng ta đặc biệt cần đến tính hiện thực, trong thời đại chúng ta, thời đại mà nhiều điều chúng ta dựa vào để xây dựng đời sống chúng ta, để đặt niềm hi vọng, đều tỏ ra phù du. Sớm hay muộn, tài sản, lạc thú và quyền lực cũng sẽ tỏ ra không có khả năng thực hiện các nguyện vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Thật vậy, để xây dựng cuộc đời, con người cần những nền tảng chắc chắn, vẫn đứng vững cả khi những xác tín nhân loại mờ nhạt đi. Trong thực tế, bởi vì “muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến ngàn đời trên cõi trời cao” và “lòng thành tín của Chúa trải bao thế hệ” (x. Tv 119,89-90), người nào xây dựng trên Lời ấy, là xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình trên tảng đá (x. Mt 7,24). Ước gì hằng ngày tâm hồn chúng ta có thể thưa với Thiên Chúa: “Chúa là nơi con ẩn náu, là thuẫn đỡ, con vẫn trông cậy ở Lời Ngài” (Tv 119,114), và như thánh Phêrô, ước gì trong mọi hoạt động hằng ngày, chúng ta biết phó thác cho Chúa Giêsu: “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5)!

Kitô học về Lời

11. Từ cái nhìn đó về thực tại như là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, qua Ngôi Lời, chúng ta có thể hiểu lời của tác giả Thư Do-thái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (1,1-2). Nên ghi nhận rằng toàn bộ Cựu Ước đã đến với chúng ta như là lịch sử trong đó Thiên Chúa thông ban Lời của Ngài; “Thật vậy, sau khi đã ký giao ước với Ábraham (x. St 15,18), và với Dân Israel qua Môsê (x. Xh 24,8), Ngài đã dùng lời nói và việc làm để mạc khải cho Dân mà Ngài đã chọn để họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, để Israel nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa theo mà đối xử với loài người, và để nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các ngôn sứ, họ càng ngày càng hiểu biết các đường lối ấy sâu xa và rõ ràng hơn để rồi đem phổ biến rộng rãi nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17)”.32

Sự “hạ cố” của Thiên Chúa đã được thể hiện một cách không thể nào hơn được nữa vào lúc Ngôi Lời nhập thể. Lời vĩnh cửu tỏ bày trong công cuộc tạo dựng và được truyền đạt trong lịch sử cứu độ đã trở nên một con người nơi Đức Kitô, “sinh bởi một người nữ” (Gl 4,4). Trước hết ở đây, Lời không còn bày tỏ qua một lời nói làm thành bởi các ý niệm và quy tắc nữa. Ở đây, chúng ta được đặt đối diện trước Ngôi vị của chính Đức Giêsu. Lịch sử độc nhất và đặc trưng của Người là Lời chung quyết Thiên Chúa nói với nhân loại. Khi đó, ta hiểu tại sao “sự kiện làm người Kitô hữu không bắt nguồn từ một quyết định luân lý hoặc một ý tưởng lớn, mà từ cuộc gặp gỡ với một biến cố, với một Ngôi vị, cuộc gặp gỡ này mở ra cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó, sự định hướng quyết định”.33 Việc lặp lại cuộc gặp gỡ và ý thức ấy gợi lên trong tâm hồn người tín hữu sự thán phục trước sáng kiến của Thiên Chúa mà con người, với những khả năng suy lý tự nhiên và trí tưởng tượng của mình không bao giờ có thể quan niệm được. Đó là một sự mới mẻ không thể tưởng tượng và về mặt nhân loại không thể quan niệm nổi: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14a). Những cách diễn tả trên không phải là một cách nói hùng biện, nhưng là một kinh nghiệm sống! Chính thánh Gioan, chứng nhân tận mắt kể lại: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14b). Đức tin tông truyền chứng thực rằng Lời vĩnh cửu đã trở thành Một người như chúng ta. Lời Thiên Chúa thực sự được diễn tả xuyên qua những lời nói con người.



12. Khi chiêm ngắm “Kitô học về Lời” ấy, truyền thống Giáo Phụ thời Trung Cổ đã dùng một kiểu nói đầy gợi ý: Lời đã được thu ngắn lại 34. Trong bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy-lạp, các Giáo Phụ đã tìm thấy một câu nói của tiên tri Isaia mà Thánh Phaolô cũng trích dẫn để cho thấy rằng những con đường mới của Thiên Chúa đã được loan báo trong Cựu Ước. Ta có thể đọc ở đó: “Thiên Chúa đã rút ngắn Lời của Người, Người đã rút gọn lại” (Is 10,23; Rm 9,28). Chính Chúa Con là Lời của Thiên Chúa, Người là “Logos: Lời hằng hữu đã trở nên nhỏ bé - bé nhỏ đến nỗi có thể nằm gọn trong một máng cỏ. Người trở thành bé thơ, ngõ hầu Lời trở nên có thể nắm bắt được đối với chúng ta”.35 Hiện Lời không chỉ nghe được, không chỉ có một tiếng nói, nhưng giờ đây, Lời có một diện mạo, để nhờ đó mà chúng ta có thể nhìn thấy: Đức Giêsu Nadarét.36

Khi đọc các trình thuật Tin Mừng, chúng ta nhận thấy rằng chính nhân tính của Đức Giêsu xuất hiện trong tất cả tính độc đáo trong liên hệ với Lời Thiên Chúa. Thật vậy, trong nhân tính hoàn hảo, Người thực hiện thánh ý Cha từng giây từng phút. Đức Giêsu lắng nghe tiếng Ngài phán và hết lòng vâng phục Ngài. Người biết Cha và tuân giữ Lời của Ngài (x. Ga 8,55). Người kể cho chúng ta biết những gì Cha đã nói với Người (x. Ga 12,50). “Con đã ban cho họ những lời mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17,8). Vậy Đức Giêsu tỏ ra là Logos thần linh tự trao ban cho chúng ta, nhưng cũng là Ađam mới, con người đích thật, Đấng hoàn thành trong từng giây phút ý muốn của Cha chứ không phải ý riêng của mình. Người “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Người lắng nghe, thực hiện trong chính mình và thông ban cho chúng ta Lời Thiên Chúa một cách hoàn hảo (x. Lc 5,1).

Cuối cùng sứ mạng của Đức Giêsu được hoàn tất trong Mầu nhiệm Vượt Qua: ở đây chúng ta đứng trước “ngôn ngữ thập giá” (1 Cr 1,18). Ngôi Lời im tiếng, Người trở nên thinh lặng trong sự chết, bởi vì Người đã tự “nói” về mình cho đến lúc im tiếng, không giữ lại bất cứ điều cần phải thông truyền. Khi chiêm ngắm mầu nhiệm ấy, Các Giáo Phụ đã đặt lên môi của Mẹ Thiên Chúa kiểu nói đầy gợi ý: “Không lời là Lời của Cha, Lời đã sáng tạo mọi thứ có thể nói, bất động là đôi mắt nhắm lại của đấng mà nhờ lời và cử động của Người, tất cả những gì sống động đã chuyển động”.37 Ở đây, chúng ta thật sự được mạc khải về tình yêu “cao cả nhất”, tình yêu hiến ban sự sống cho bạn hữu của mình (x. Ga 15,13).

Trong mầu nhiệm cao cả nầy, Đức Giêsu tỏ mình ra như là Lời của Giao Ước mới và vĩnh cửu: tự do của Thiên Chúa và tự do của con người cuối cùng đã gặp nhau trong xác thân bị đóng đinh của Người, trong một minh ước không thể hủy bỏ, có giá trị muôn đời. Trong khi thiết lập bí tích Thánh Thể, chính Đức Giêsu trong bữa tiệc ly đã nói tới “Giao Ước mới và vĩnh cửu”, được đóng ấn trong Máu của Người đổ ra (x. Mt 26,28; Mc 14,24; Lc 22,20), Người đã tỏ ra là con Chiên chịu hiến tế đích thực, trong Người hoàn tất công cuộc giải phóng vĩnh viễn khỏi ách nô lệ.38

Trong Mầu nhiệm Phục Sinh rực rỡ, sự im lặng của Lời cho thấy ý nghĩa đích thực và quyết định. Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa nhập thể, đã bị đóng đinh và đã sống lại, là Chúa của mọi sự; Ngài là Đấng Chiến thắng, là Đấng Toàn Năng, Pantocrator, và mọi sự đều được vĩnh viễn quy tụ trong Ngài (x. Ep 1,10). Vì thế Đức Kitô là “ánh sáng cho trần gian” (Ga 8,12), ánh sáng “chiếu soi đêm tối” (Ga 1,5) mà bóng tối không thể diệt được (x. Ga 1,5). Ở đây chúng ta hiểu một cách đầy đủ ý nghĩa Tv 119: “Lời Ngài là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (c. 105); Lời làm cho sống lại chính là ánh sáng quyết định trên đường chúng ta đi. Ngay từ đầu, người Kitô hữu đã ý thức rằng, trong Đức Kitô, Lời Thiên Chúa vốn hiện diện như một con người. Lời Thiên Chúa là ánh sáng thật mà con người cần đến. Đúng thế, trong cuộc Phục Sinh, Con Thiên Chúa đã tỏ hiện như là Ánh sáng cho thế gian. Giờ đây, khi sống với Người và nhờ Người, chúng ta có thể sống trong ánh sáng.

13. Khi đạt đến trung tâm “Kitô học về Lời”, chúng ta có thể nói như vậy, điều quan trọng là nhấn mạnh sự duy nhất của kế hoạch Thiên Chúa trong Ngôi Lời nhập thể: chính vì thế mà Tân Ước cho chúng ta thấy Mầu nhiệm Vượt Qua hòa hợp với Kinh Thánh và là sự hoàn thành Kinh Thánh mỹ mãn. Thánh Phaolô, trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô quả quyết rằng Đức Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta “đúng như lời Kinh Thánh” (15,3) và Người đã sống lại ngày thứ ba “đúng như lời Kinh Thánh” (15,4). Bằng cách đó, Thánh Tông Đồ đặt biến cố sự chết và Sống lại của Chúa trong tương quan với lịch sử Giao Ước cũ giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài. Hơn nữa, người còn giúp chúng ta hiểu rằng chính từ biến cố đó mà lịch sử đã rút ra được cái lô-gích và ý nghĩa đích thực của nó. Trong Mầu nhiệm Vượt Qua, mọi “lời Kinh Thánh đều được hoàn tất; nghĩa là, cái chết được thực hiện đúng như lời Kinh Thánh” là một biến cố mang trong mình một Logos, một lô-gích: cái chết của Đức Kitô chứng tỏ rằng Lời Thiên Chúa đã hoàn toàn mặc lấy “xác phàm”, đã trở thành “lịch sử” nhân loại”.39 Sự Phục Sinh của Đức Giêsu cũng xảy ra “ngày thứ ba đúng như lời Kinh Thánh”: bởi vì, theo cách chú giải trong Do-thái giáo, thân xác bắt đầu phân hủy sau ngày thứ ba, Lời Kinh Thánh hoàn tất trong Đức Giêsu đã sống lại trước khi thân xác bắt đầu phân hủy. Như thế, khi trung thành chuyển thông giáo huấn của các Tông Đồ (x. 1Cr 15,3), thánh Phaolô nhấn mạnh rằng chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết xảy ra là nhờ quyền năng sáng tạo của Lời Thiên Chúa. Quyền năng thần linh ấy mang lại niềm hy vọng và niềm vui: rốt cục, đó chính là nội dung giải phóng của Mạc Khải Phục Sinh. Trong biến cố Phục Sinh, Thiên Chúa tỏ mình ra là quyền năng của tình yêu Ba Ngôi tiêu diệt các mãnh lực tàn phá của sự Dữ và sự chết.

Khi nhắc lại các yếu tố căn bản ấy của niềm tin, chúng ta có thể chiêm ngắm sự duy nhất sâu xa giữa công cuộc tạo dựng và công cuộc tạo dựng mới và sự duy nhất của toàn thể lịch sử cứu độ trong Đức Kitô. Chúng ta có thể mượn hình ảnh “quyển sách” để so sánh vũ trụ nầy, như Galilê cũng đã làm, coi vũ trụ như “tác phẩm của một Tác giả khẳng định mình ngang qua ‘bản hòa tấu’ của tạo dựng. Bên trong bản hòa tấu ấy, vào lúc nào đó, người ta tìm thấy cái mà ngôn ngữ âm nhạc là một màn “độc tấu”, một chủ đề âm nhạc dành riêng cho một nhạc cụ hoặc một giọng ca độc nhất; và chủ đề nầy quan trọng đến nỗi ý nghĩa của cả tác phẩm lệ thuộc vào đó. Bản “độc tấu” ấy chính là Đức Giêsu... Con Người quy tóm nơi mình cả đất và trời, cả thụ tạo và Đấng Tạo hóa, cả xác thịt và Thần Khí. Người là trung tâm của vũ trụ và của lịch sử, bởi vì trong Người, Tác giả và tác phẩm kết hợp với nhau nhưng không hòa lẫn”.40



Chiều kích cánh chung của Lời Thiên Chúa

14. Qua tất cả những điều ấy, Giáo Hội muốn nói lên ý thức của mình rằng, với Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội đang đối diện với Lời chung cục của Thiên Chúa; Người “vừa là Đầu vừa là Cuối” (Kh 1,17). Người đem lại cho tạo thành và lịch sử ý nghĩa chung quyết; chính vì thế mà chúng ta được mời gọi sống thời gian, ở trong tạo thành của Thiên Chúa theo nhịp điệu cánh chung của Lời; “nhiệm cục kitô, vì là Giao Ước mới và chung cục, sẽ không bao giờ qua đi và người ta không phải chờ một mạc khải công khai mới nào khác trước khi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ hiện vinh quang (x. 1 Tm 6,14 và Tt 2,13)”.41 Thật vậy, như các Nghị phụ trong Thượng Hội đồng đã nhắc nhở, “điểm đặc trưng của Kitô giáo chính là biến cố Đức Giêsu Kitô, chóp đỉnh của Mạc Khải, hoàn thành các lời Thiên Chúa hứa và làm trung gian cho sự gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa. Người “đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta” (x. Ga 1,18) là Lời độc nhất và chung quyết được ban cho nhân loại”.42 Thánh Gioan Thánh Giá đã diễn tả chân lý ấy một cách tuyệt vời: “Từ khi ban cho chúng ta Con của Ngài, Lời của Ngài, độc nhất và chung quyết, Ngài đã nói với chúng ta cùng một trật và trong một lần tất cả mọi sự trong Lời duy nhất ấy, và Ngài không còn gì để nói nữa. [...] Vì điều Ngài đã nói từng phần cho các tiên tri, thì Ngài đã nói hết trong Con của Ngài, khi ban cho chúng ta cái tất cả ấy là chính Con của Ngài. Chính vì thế mà giờ đây ai muốn tra vấn Chúa để xin Chúa ban cho những thị kiến và mạc khải, không những là làm một chuyện điên rồ, mà còn xúc phạm đến Thiên Chúa, khi không chỉ nhìn ngắm Đức Kitô mà còn tìm kiếm điều khác hoặc một điều mới mẻ”.43

Bởi thế, Thượng Hội Đồng đã khuyên nhủ hãy “giúp đỡ các tín hữu phân biệt rõ Lời Thiên Chúa với những mạc khải riêng”,44 mà vai trò “không phải là bổ sung Mạc Khải chung cục của Đức Kitô, mà là giúp sống đầy đủ hơn vào một thời điểm nào đó của lịch sử”.45 Giá trị những mạc khải tư hoàn toàn khác biệt với Mạc Khải công độc nhất: Mạc Khải nầy đòi chúng ta phải tin; thật vậy, trong đó chính Thiên Chúa dùng lời con người và qua trung gian cộng đoàn sống động là Giáo Hội để nói với chúng ta. Tiêu chuẩn để phán đoán chân lý một mạc khải tư là nó phải quy chiếu đến chính Đức Kitô. Khi nó làm chúng ta xa Người, thì chắc chắc nó không đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn chúng đến với Tin Mừng chứ không đi ra ngoài. Mạc khải tư là một trợ giúp cho đức tin, và nó tỏ ra khả tín chính vì nó quy chiếu đến Mạc Khải công độc nhất. Chính vì thế việc Giáo Hội công nhận một mạc khải tư chủ yếu cho thấy rằng sứ điệp liên quan không chứa đựng điều gì trái ngược với đức tin và phong hóa. Ta được phép công khai hóa và các tín hữu được phép gắn bó một cách khôn ngoan. Một mạc khải tư có thể đưa vào những cách diễn tả mới, làm phát sinh những hình thức đạo đức mới hoặc đào sâu những hình thức cũ. Nó có thể có một đặc điểm tiên tri nào đó (x. 1 Tx 5,19-21) và có thể là một trợ giúp có giá trị giúp ta hiểu và sống Tin Mừng tốt hơn trong giai đoạn hiện thời. Vậy người ta không được phép coi thường mạc khải tư. Đó là một trợ giúp dành cho chúng ta, nhưng không bắt buộc phải theo. Trong mọi trường hợp, đây phải là một điều nuôi dưỡng đức tin, đức cậy và đức mến, vốn là con đường thường xuyên đưa đến ơn cứu độ cho tất cả mọi người.46



Lời Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần

15. Sau khi dừng lại ở Lời sau cùng và chung quyết Thiên Chúa nói với thế gian, giờ đây chúng ta phải nói về sứ mạng của Chúa Thánh Thần liên quan đến Lời Thiên Chúa. Thật vậy, không thể đạt đến một sự hiểu biết chính đáng nào về Mạc Khải Kitô giáo nếu không có tác động của Đấng Bào chữa. Lý do là vì sự hiệp thông nơi Thiên Chúa luôn đòi hỏi tương quan giữa Con và Thánh Thần, mà Thánh Irênê thành Lyon gọi là “hai bàn tay của Cha”.47 Hơn nữa, chính Kinh Thánh cho chúng ta thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ và đặc biệt trong cuộc đời Đức Giêsu, Đấng đã được cưu mang bởi Đức Trinh Nữ nhờ tác động của Chúa Thánh Thần (x. Mt 1,18; Lc 1,35); ngay khi bắt đầu sứ mạng công khai, trên bờ sông Giođan, Đức Giêsu nhìn thấy Thánh Thần từ trời ngự xuống dưới hình một chim câu (x. Mt 3,16 và tt); nhờ chính Thánh Thần đó, Người hoạt động, nói năng và hân hoan (x. Lc 10,21); và chính trong Thánh Thần mà Người có thể hiến dâng chính mình (x. Dt 9,14). Và theo Tin Mừng thánh Gioan, khi kết thúc sứ mạng, chính Đức Giêsu minh nhiên liên kết ơn ban sự sống của Người với việc sai phái Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ (x. Ga 16,7). Kế đến, Đức Giêsu Phục Sinh, mang nơi thân xác các dấu chỉ của cuộc khổ nạn, tuôn đổ Thánh Thần (x. Ga 20,22), khiến các môn được tham dự vào sứ mạng riêng của Người (x. Ga 20,21). Bấy giờ Thánh Thần sẽ dạy các môn đệ mọi điều và sẽ nhắc nhở cho họ tất cả những gì mà Đức Kitô đã nói (x. Ga 14,26), bởi vì với tư cách là Thần chân lý (x. Ga 15,26), Ngài cần phải đưa các môn đệ vào chân lý toàn diện (x. Ga 16,13). Sau cùng, như chúng ta thấy trong sách Công vụ, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Nhóm Mười Hai đang tụ họp cầu nguyện cùng với Đức Maria trong ngày Hiện xuống (x. 2,1-4), và Ngài đã ban cho họ đầy sức mạnh để thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi dân tộc.48

Như thế, Lời Thiên Chúa được diễn tả qua ngôn ngữ loài người nhờ vào hành động của Chúa Thánh Thần. Sứ mạng của Con và của Thánh Thần không thể tách rời nhau và tạo thành một nhiệm cục cứu độ duy nhất. Chúa Thánh Thần, Đấng tác động trong lúc Ngôi Lời nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, cũng là chính Thánh Thần hướng dẫn Đức Giêsu trong suốt sứ mạng của Người và được hứa ban cho các môn đệ. Cũng chính Chúa Thánh Thần, Đấng đã nói qua trung gian các tiên tri, nâng đỡ và linh hứng Giáo Hội trong trách vụ loan báo Lời Thiên Chúa và trong việc rao giảng của các Tông Đồ. Sau cùng, cũng chính Chúa Thánh Thần linh hứng cho các tác giả Kinh Thánh.



16. Quan tâm đến viễn tượng thần khí ấy, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã muốn nhắc lại tầm quan trọng của hành động của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu trong liên hệ với Kinh Thánh.49 Thật vậy, không có tác động hữu hiệu của “Thần chân lý” (Ga 14,16), người ta không thể hiểu lời Chúa nói. Như Thánh Irênê nhắc nhở: “Những ai không thông phần vào Thánh Thần thì không kín múc từ cung lòng của Mẹ Giáo Hội thức ăn ban sự sống, họ không lãnh nhận được gì cả từ nguồn rất tinh tuyền phát xuất từ Thân Thể Đức Kitô”.50 Như Lời Thiên Chúa đến với chúng ta trong Thân Thể Đức Kitô, trong Thánh Thể và trong Bộ Kinh Thánh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, thì cũng thế Lời Thiên Chúa chỉ có thể được lãnh nhận và được hiểu biết đầy đủ nhờ chính Thánh Thần ấy.

Các nhà văn lớn thuộc Truyền thống Kitô giáo đồng thanh nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong tương quan người tín hữu có với Kinh Thánh. Thánh Gioan Kim Khẩu quả quyết rằng Kinh Thánh “cần đến Mạc khải của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu khi khám phá ý nghĩa đích thực của những điều trong đó, chúng ta rút ra được muôn vàn lợi ích”.51 Thánh Giêrônimô cũng xác tín mạnh mẽ rằng “chúng ta không thể hiểu được Kinh Thánh nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng Kinh Thánh”.52 Còn Thánh Grêgôriô Cả thì nhấn mạnh cách gợi ý công trình của chính Chúa Thánh Thần trong việc hình thành và giải thích Kinh Thánh: “Chính Ngài đã tạo ra ngôn từ trong các Sách Thánh, chính Ngài mở Sách Thánh ra”.53 Còn Richard de Saint-Victor nhắc lại rằng phải có “đôi mắt bồ câu”, được Thánh Thần soi sáng và dạy bảo thì mới hiểu được bản văn thánh.54

Tôi còn muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng từ về Chúa Thánh Thần và Kinh Thánh mà chúng ta tìm thấy trong các bản văn phụng vụ, trong đó Lời Thiên Chúa được công bố, được lắng nghe và được giải thích cho các tín hữu. Đó là trường hợp những lời kinh cổ xưa, dưới hình thức lời khẩn nguyện, khẩn cầu Chúa Thánh Thần trước khi công bố các bài đọc: “Xin hãy sai Thánh Thần An ủi đến trong tâm hồn chúng con để giúp chúng con hiểu Kinh Thánh mà Ngài đã linh hứng; và xin cho con được giải thích những lời ấy một cách xứng đáng, để các tín hữu tụ họp ở đây được hưởng nhờ”. Rồi cũng thế, ở cuối bài giảng chúng ta tìm thấy những lời kinh một lần nữa cầu xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Thần xuống trên các tín hữu: “Lạy Thiên Chúa cứu độ (…) chúng con khẩn cầu Ngài cho dân nầy: xin gửi Chúa Thánh Thần xuống trên họ; xin Chúa Giêsu đến viếng thăm họ, xin Người nói với lương tâm tất cả mọi người và xin Người chuẩn bị tâm hồn họ tiếp nhận đức tin và hướng dẫn tâm hồn chúng con đến với Chúa, lạy Thiên Chúa đầy lòng thương xót”.55 Tất cả những điều đó cho phép chúng ta hiểu tại sao người ta không thể hiểu ý nghĩa của Lời nếu không đón nhận tác động của Đấng Bào Chữa trong Giáo Hội và trong tâm hồn người tín hữu.

Truyền thống và Kinh Thánh

17. Khi tái khẳng định mối liên kết sâu xa giữa Chúa Thánh Thần và Lời Thiên Chúa, chúng ta cũng đã đặt những nền tảng để hiểu ý nghĩa và giá trị quyết định của Truyền thống sống động và Kinh Thánh trong Giáo Hội. Thật vậy, vì “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người” (Ga 3,16), Lời Thiên Chúa, được công bố trong thời gian, đã tự hiến ban và “giao phó” cho Giáo Hội một cách vĩnh viễn, ngõ hầu lời loan báo cứu độ có thể được thông truyền một cách hiệu quả cho mọi thời và ở khắp mọi nơi. Như Hiến chế tín lý Dei Verbum nhắc cho chúng ta, Đức Giêsu Kitô “sau khi đã hoàn tất và bằng chính miệng Người công bố Tin Mừng được hứa trước qua các ngôn sứ, đã truyền cho các Tông đồ của Người rao giảng Tin Mừng ấy cho mọi người như nguồn mạch mọi chân lý cứu độ và luật lệ luân lý, đồng thời thông ban cho họ các ân huệ của Thiên Chúa. Việc nầy đã được thực hiện cách trung thành, một phần do các Tông đồ: hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các định chế các ngài đã truyền lại những gì đã nhận lãnh từ miệng Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý; một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại sứ điệp cứu độ dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần”.56

Ngoài ra, Công Đồng Vatican II cũng nhắc lại rằng Truyền thống bắt nguồn từ các tông đồ ấy là một thực tại sống động và năng động: nó tiến triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, không theo nghĩa là nó thay đổi trong chân lý vốn là vĩnh cửu, nhưng đúng hơn do “các sự việc và các lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn”, nhờ sự chiêm ngưỡng và học hỏi, với sự hiểu biết được ban nhờ một trải nghiệm thiêng liêng sâu xa hơn, và nhờ “lời rao giảng của những đấng kế vị trong chức Giám mục đã lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý” 57.

Truyền thống sống động cũng là điều thiết yếu ngõ hầu theo dòng thời gian Giáo Hội có thể hiểu biết hơn về chân lý mạc khải trong Kinh Thánh: thật vậy, “nhờ chính Thánh Truyền ấy, Giáo Hội biết được toàn bộ Thư Quy Kinh Thánh, và cũng nhờ Thánh Truyền, chính các Sách Thánh được hiểu biết thấu đáo hơn và không ngừng tác động”.58 Sau cùng, chính Truyền thống sống động của Giáo Hội giúp chúng ta hiểu một cách xứng hợp Kinh Thánh như Lời của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngay cả nếu Ngôi Lời của Thiên Chúa có trước và vượt trên Kinh Thánh vì được linh hứng bởi Thiên Chúa, thì Kinh Thánh cũng chứa đựng Lời Thiên Chúa (x. 2 Tm 3,16) “một cách hết sức đặc biệt”.59

18. Như thế, ta thấy rõ tầm quan trọng của việc giảng dạy và đào tạo cho Dân Thiên Chúa biết tiếp cận với Sách Thánh trong liên hệ với Truyền Thống sống động của Giáo Hội, khi biết nhận ra trong Sách Thánh chính Lời của Thiên Chúa. Thúc đẩy các tín hữu biết tiếp cận như thế là điều rất quan trọng về phương diện đời sống thiêng liêng. Về điểm này, có thể nên nhắc lại một loại suy vẫn được các Giáo Phụ triển khai giữa Lời Thiên Chúa đã thành “xác phàm” và Lời đã thành “Sách”.60 Hiến chế tín lý Dei Verbum tiếp nhận truyền thống cổ xưa, như thánh Ambrôsiô đã nói61: “Thân mình Chúa Con chính là Sách Thánh ta đã tiếp nhận”, nay khẳng định rằng: “Các lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người, cũng như khi xưa Lời của Chúa Cha vĩnh cửu, khi mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như loài người”.62 Hiểu như thế, Kinh Thánh xuất hiện ra với chúng ta như là một thực tại thống nhất, dù trong tình trạng đa dạng về hình thức và nội dung. Quả thế, “qua tất cả các lời ở trong Kinh Thánh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là Ngôi Lời duy nhất của Ngài; trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài (x. Dt 1,1-3)”,63 như thánh Augustinô đã khẳng định rõ ràng: “Anh chị em hãy nhớ rằng lời Thiên Chúa nói, đã được khai triển trong toàn bộ Kinh Thánh, chỉ có một, và cũng chỉ có một là Lời đã rền vang trên môi miệng của mọi tác giả thánh”.64

Tóm lại, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần và dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, Giáo Hội truyền đạt lại cho mọi thế hệ tất cả những gì đã được mạc khải trong Chúa Kitô. Giáo Hội sống trong sự xác tín rằng Đức Chúa của mình, Đấng đã nói trong quá khứ, hôm nay vẫn tiếp tục truyền thông Lời của Người trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội và trong Kinh Thánh. Quả thế, Lời Thiên Chúa được ban cho ta trong Kinh Thánh như lời chứng Thiên Chúa soi sáng nhằm mạc khải; cùng với Truyền Thống sống động của Giáo Hội, lời chứng này làm nên quy luật tối cao của đức tin.65




tải về 1.18 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương