Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ



tải về 184.96 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích184.96 Kb.
#10222


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------


Số: 1680/2012/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 09 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ

tỉnh Sơn La đến năm 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 9 tháng 6 năm 2000;

Căn cứ Thông báo kết luận số 234-TB/TW của Bộ Chính trị kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về khoa học và công nghệ; nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 384/QĐ-TTg ngày 09/32006 V/v phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 – 2020;

Căn cứ Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 25/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/ 2012 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 290/TTr- KHCN ngày 02 tháng 8 năm 2012 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Chiến lược) với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Đầu tư phát triển KH&CN trở thành động lực then chốt thúc đẩy CNH - HĐH tỉnh Sơn La: KH&CN phải được ưu tiên đầu tư và phát triển để đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát triển KH&CN trên sở huy động toàn diện tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong các ngành và lĩnh vực nhằm để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập, rút ngắn khoảng cách phát triển của Sơn La với các địa phương khác. Dựa vào KH&CN để chuyển đổi phương thức hoạt động kinh tế theo hướng phát triển theo chiều sâu và bền vững.

2. Phát triển KH&CN phải phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Phát triển KH&CN có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội và chủ động định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Phát triển KH&CN theo hướng tập trung tiềm lực KH&CN phục vụ hiệu quả các ngành, lĩnh vực ưu tiên và các đối tượng kinh tế ưu tiên tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 384/QĐ-TTg ngày 09/3/2006;


Phát triển KH&CN phải dựa vào tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, hướng tới sản xuất hàng hóa, lấy doanh nghiệp làm trung tâm thực hiện, đồng thời tranh thủ huy động tối đa được mọi thành phần kinh tế và nguồn lực của xã hội để đầu tư cho phát triển KH&CN.

Đến năm 2020, KH&CN tập trung nghiên cứu ứng dụng, thích nghi và làm chủ được các công nghệ nhập khẩu, công nghệ sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, ứng dụng các công nghệ mới và tiên tiến, hiện đại, đổi mới sản phẩm và cải tiến công nghệ.


3. Chú trọng phát triển tiềm lực và đổi mới cơ chế quản lý KH&CN: Phát triển tiềm lực KH&CN và đổi mới cơ chế quản lý KH&CN đồng thời là những nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược, trên cơ sở định hướng phát triển nền kinh tế thị trường hàng hóa và KH&CN phải đi trước một bước làm cơ sở và nền tảng cho giai đoạn phát triển kinh tế xã hội tiếp theo. Đổi mới cơ chế quản lý KH&CN mở đường cho phát triển tiềm lực KH&CN, đồng thời phát triển tiềm lực KH&CN củng cố thành quả của đổi mới cơ chế quản lý KH&CN.

4. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh: Tập trung đầu tư nhà nước vào các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động KH&CN, đặc biệt tăng cường đầu tư từ các doanh nghiệp cho KH&CN. Toàn xã hội phải nhận thức rõ vai trò và có trách nhiệm tham gia phát triển KH&CN. Nhà nước tạo môi trường phát huy khả năng sáng tạo của quần chúng, các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội và của mỗi công dân trong hoạt động KH&CN.

5. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác với bên ngoài trên cơ sở phát huy năng lực nội sinh và sử dụng hiệu quả tiềm lực KH&CN của tỉnh: Coi trọng mở rộng quan hệ, khai thác hiệu quả các cơ hội thu hút nguồn lực KH&CN từ bên ngoài để hỗ trợ nguồn lực nội sinh, phát huy vai trò của đội ngũ KH&CN tỉnh để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động KH&CN, các chương trình KH&CN của quốc gia để phục vụ phát triển KH&CN Sơn La.


II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Mục tiêu tổng quát: Phát triển KH&CN phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh đến 2020; hiện thực hóa vai trò động lực then chốt của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN tỉnh Sơn La đáp ứng các yêu cầu của quá trình CNH-HĐH, đổi mới căn bản cơ chế quản lý KH&CN. Đến năm 2020 phát triển KH&CN tỉnh Sơn La đạt mức khá so với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.

2. Các mục tiêu cụ thể


Về đổi mới và phát triển công nghệ: Nâng cao tỷ trọng đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa. Nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp và các ngành kinh tế trong tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới và phát triển các công nghệ có trình độ tiên tiến hiện đại, phát triển ứng dụng công nghệ các lĩnh vực: sinh học, y dược, thông tin và truyền thông, vật liệu mới, tự động hóa, cơ điện tử, năng lượng mới, bảo vệ môi trường...Phấn đấu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 7 - 10%/năm đến 2015 và 15%/năm đến năm 2020; Số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 2 - 5% đến năm 2015 và từ 6 - 8% đến năm 2020.

Về tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng sản phẩm hàng hóa: Đến năm 2020 có 80% các sản phẩm, hàng hoá trọng điểm của tỉnh công bố áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiêu chuẩn khu vực, 95% số phương tiện đo sử dụng trong kinh doanh các sản phẩm hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân được kiểm định theo quy định; 100% các doanh nghiệp sản xuất hàng đóng gói sẵn bảo đảm định lượng quy định; Duy trì điểm thông báo và Hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; xây dựng mạng lưới cơ quan Thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại đến các ngành tại địa phương…

Về sở hữu trí tuệ: Phấn đấu tăng nhanh số lượng các văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2020 số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 2,5 lần (khoảng 300 đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ); Đến năm 2015 có 70% các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh được đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp và quản lý, phát triển thương hiệu bằng các hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và 90% vào năm 2020.

Về ứng dụng công nghệ thông tin: Phấn đấu 100% cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng và làm chủ công nghệ thông tin tiên tiến trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh;

Về nông nghiệp và phát triển nông thôn: Tiếp tục khảo nghiệm và đưa vào sản xuất các loại giống mới, giống cây trồng vật nuôi chủ lực của tỉnh có năng suất chất lượng cao, có khả năng thích nghi với điều kiện từng khu vực. Áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong thâm canh tăng năng suất, chất l­ượng từ khi tạo giống, gieo trồng đến thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến, đóng gói… Tập trung đầu tư đổi mới và làm chủ công nghệ chế biến tiên tiến hiện đại để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Đặc biệt chú trọng đầu tư KH&CN phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, xuất khẩu của tỉnh: Lúa, ngô, chè, cà phê, sữa, mía đường, cao su, rau, hoa, các loại quả (xoài, đào, mận…).

Đầu tư mạnh các hoạt động KH&CN cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Mộc Châu làm nền tảng để phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ gien…

Hình thành và phát triển 01 Trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học của tỉnh.

Phát triển tiềm lực và đổi mới cơ chế quản lý KHCN: Xây dựng tiềm lực KH&CN của tỉnh Sơn La có đủ năng lực thực hiện và giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển tiềm lực gắn với cơ cấu hợp lý lực lượng KH&CN của tỉnh theo hướng tập trung cao vào các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội ưu tiên trong Nghị quyết số 86/2008/NQ-HĐND. Phấn đấu:

Đến 2015: Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 5 - 7 người trên một vạn dân; hình thành và phát triển 1-2 tổ chức nghiên cứu và ứng dụng đạt trình độ khu vực, đủ năng lực giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Hình thành, phát triển 3-5 doanh nghiệp KHCN;

Đến 2020, số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 8 - 10 người trên một vạn dân; Xây dựng được đội ngũ chuyên gia KHCN đủ năng lực quản lý, tư vấn, điều hành và làm chủ được các công nghệ của các ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt của tỉnh và giải quyết được các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chú trọng hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia KH&CN của các ngành các lĩnh vực kinh tế xã hội có trình độ cao, đủ năng lực giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực KH&CN cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng số nhân lực qua đào tạo trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế của tỉnh: Phấn đấu đội ngũ cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện năm 2015 đạt 65-70% có trình độ đại học và trên đại học, năm 2020 đạt 80-85%. Viên chức đến năm 2015 đạt 40%, năm 2020 đạt 50%. Đối với lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp đến năm 2020 khoảng 13,2% có trình độ cao đẳng, 7,75% có trình độ đại học và 0,43% có trình độ trên đại học. Đối với lao động khu vực công nghiệp xây dựng đến năm 2020 có khoảng 13,63% có trình độ cao đẳng, 15,72% có trình độ đại học và 1,2% có trình độ trên đại học. Đối với lao động khu vực thương mại dịch vụ: đến năm 2020 có khoảng 13,18% có trình độ cao đẳng, 11,48% có trình độ đại học và 1,48% có trình độ trên đại học.

Củng cố, phát triển và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho các tổ chức KH&CN của tỉnh (Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Sơn La, Trường Cao Đẳng Y tế Sơn La, Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Sơn La, các tổ chức nghiên cứu triển khai, dịch vụ KH&CN, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm, các Trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường, Trung tâm thông tin KHCN, đầu tư phát triển KH&CN cho Khu nông nghiệp công nghệ cao Mộc Châu.…) đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ KH&CN quan trọng của Sơn La và có khả năng phối hợp với các tỉnh giải quyết những vấn đề chung của vùng Tây Bắc.

Đầu tư phát triển KH&CN: Phấn đấu nâng mức đầu tư kinh phí sự nghiệp KH&CN đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương vào năm 2015. Phấn đấu đưa mức đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN đạt 0,7% GDP vào năm 2015 và 0,8% GDP vào năm 2020.

Xây dựng hoàn thiện Trung tâm Đo lường Thử nghiệm và kiểm soát an toàn bức xạ đủ năng lực thực hiện các dịch vụ công ích về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Hình thành 02 tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 02 phòng thí nghiệm trọng điểm đủ năng lực thử nghiệm chất lượng các sản phẩm hàng hoá trọng điểm, 01 tổ chức tư vấn về năng xuất chất lượng và 100 chuyên gia về năng suất chất lượng; Kiện toàn và phát triển mạnh các Trung tâm tin học và thông tin KHCN, Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Sơn La...

Tiếp tục hoàn thiện các khu chức năng và đầu tư phát triển Trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN tỉnh Sơn La đáp ứng nhu cầu ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến hiện đại để nâng cao trình độ công nghệ của các ngành sản xuất phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Về an toàn bức xạ hạt nhân: Xây dựng bản đồ kỹ thuật số để quản lý các cơ sở bức xạ ion hoá, phóng xạ môi trường, Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân tỉnh Sơn La. Xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường của tỉnh và khu vực. Định kỳ đánh giá an toàn phông bức xạ nền quy mô toàn tỉnh. Đảm bảo 100% các cơ sở bức xạ x-quang y tế của tỉnh được hoạt động an toàn theo quy định.

Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực KH&CN theo hướng hiệu lực hiệu quả.



III. ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1. Nhiệm vụ trong tâm trong khoa học xã hội và nhân văn: Tập trung nghiên cứu tổng kết thực tiễn nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nghiên cứu các vấn đề về củng cố và xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường và nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trước yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và sự nghiệp CNH, HĐH; Nghiên cứu cơ chế chính sách, mô hình, giải pháp phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững; giải pháp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; Nghiên cứu đặc điểm, cơ cấu và xu thế phát triển kinh tế - xã hội Sơn La; mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và biến đổi xã hội; nhận dạng các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường và đề ra các giải pháp khắc phục; giải pháp đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, gắn phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, công bằng xã hội ; Nghiên cứu xây dựng giữ gìn và phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ; Nghiên cứu các luận cứ và giải pháp gắn phát triển kinh tế -xã hội với nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

2. Nhiệm vụ trọng tâm trong khoa học tự nhiên: Tiếp tục điều tra cơ bản đánh giá tiềm năng tài nguyên thiên nhiên để khai thác và sử dụng hợp lý và hiệu quả. Nghiên cứu lựa chọn, làm chủ các công nghệ tiên tiến nhập từ nước ngoài vào tỉnh. Nghiên cứu tác động của thiên tai tự nhiên (bão lũ, biến đổi khí hậu, ...) ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt tập trung vào khu vực xây dựng các công trình thuỷ điện.

3. Nhiệm vụ trọng tâm một số lĩnh vực công nghệ chủ yếu


3.1- Công nghệ thông tin: Tập trung phấn đấu 100% cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và tổ chức xã hội được ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh ; Phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ phần mềm. Tiếp thu, làm chủ và phát triển hệ thống hạ tầng thông tin tiên tiến và hiện đại có thông lượng lớn, tốc độ cao đáp ứng được các yêu cầu phục vụ mọi mặt của phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

3.2 - Công nghệ sinh học: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; xác định và phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh trong nông nghiệp. Ứng dụng rộng rãi công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật trong sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh một số sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao. Ứng dụng công nghệ sinh học bảo tồn, lưu giữ và khai thác hợp lý nguồn gen quý hiếm của địa phương; đặc biệt là hệ thống rừng phòng hộ thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Sơn La, lưu vực Sông Mã và các rừng đầu nguồn quan trọng khác cùng với vùng rừng đặc dụng quốc gia Xuân Nha, Sốp Cộp. Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón chức năng; thuốc sinh học phòng trừ sâu, bệnh. Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường.

3.3- Công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch: Nghiên cứu áp dụng công nghệ trong sơ chế, phân loại, làm sạch, đóng gói có quy mô nhỏ và vừa phục vụ yêu cầu sơ chế tại chỗ của các hộ, nhóm hộ, nhằm cung cấp nguyên liệu có chất lượng tốt cho các cơ sở chế biến tập trung. Chú trọng phổ cập các công nghệ bảo quản sơ chế lúa, ngô và hoa màu sau thu hoạch. Tiếp thu và phổ cập các công nghệ bảo quản lạnh, công nghệ bảo quản theo phương pháp sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, công nghệ an toàn thực phẩm, công nghệ bảo quản bằng phóng xạ, bằng sóng siêu âm,…để bảo quản rau, hoa, quả tươi, các mặt hàng thủy sản, các sản phẩm chăn nuôi. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến nông sản, đa dạng hoá sản phẩm và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ứng dụng các công nghệ sau thu hoạch từ khâu bảo quản, sơ chế và chế biến các sản phầm cho ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch và nâng cao giá trị của các sản phẩm, giảm tỷ lệ nông sản xuất khẩu dạng nguyên liệu thô. Hiện đại hóa hệ thống kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm chế biến theo công nghệ tương hợp với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng hàng xuất khẩu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.

3.4- Công nghệ cơ khí, tự động hóa:Tiếp nhận và làm chủ các công nghệ tự động hoá đo lường và xử lý thông tin, điều khiển tự động các quá trình sản xuất. Nghiên cứu đề xuất phát triển các loại công cụ cơ khí phục vụ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, phục vụ phát triển làng nghề thủ công; hiện đại hoá từng bước các công đoạn trong các dây truyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá.


3.5- Công nghệ năng lượng và vật liệu mới: Nghiên cứu, ứng dụng các dạng năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, nhiên liệu sinh học. Ứng dụng năng lượng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân phục vụ lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, y tế. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp KH&CN sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ. Nghiên cứu ứng dụng các vật liệu mới có các tính năng kỹ thuật cao: hợp kim, vật liệu polyme, vật liệu compozit sử dụng trong công nghiệp, xây dựng, giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường; vật liệu nano, vật liệu y - sinh sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, y dược, bảo vệ môi trường.

4. Nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH&CN các ngành, lĩnh vực


4.1- Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong tuyển chọn tạo giống cây trồng vật nuôi, phân bón, kỹ thuật canh tác, bảo quản, thu hoạch và chế biến. Đặc biệt chú trọng vào các cây, con chủ lực của tỉnh: lúa, ngô, chè, cà phê, cao su, mía, dâu tằm, bò sữa, bò thịt chất lượng cao, dê, lợn...Ứng dụng các tiến bộ KH&CN để phòng chống các loại dịch bệnh, nâng cao giá trị của các nông sản xuất nhẩu.

Trong trồng trọt: Áp dụng quy trình công nghệ cao trong thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng từ khi trồng cho đến khi thu hái sản phẩm, phân loại, bảo quản, chế biến, đóng gói ...đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.

Trong chăn nuôi: Đối với chăn nuôi gia súc lớn - phát triển mạng lưới thụ tinh nhân tạo, tại các vùng sâu, vùng xa sử dụng đực giống để cho phối trực tiếp. Lai kinh tế bò thịt, bò thịt cao sản ôn đới với bò lai sind, bò thịt cao sản nhiệt đới với bò lai sind; chọn lai và nhân giống bò nội; chọn lọc và sử dụng trâu đực nội ngoại hình to để cải tạo đàn trâu nội nhỏ. Phát triển một số cây thức ăn thích hợp để chăn nuôi (cỏ thâm canh). Chế biến dự trữ thức ăn xanh nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng và đảm bảo thức ăn đủ, đều quanh năm. Chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn gia súc lớn. Nghiên cứu phát triển chế biến các loại thức ăn chăn nuôi cho thủy cầm, gia cầm và gia súc đảm bảo an toàn sinh học.

Trong lâm nghiệp: Đưa một số loài cây kinh tế chủ lực đã được tuyển chọn để trồng rừng kinh tế, chủ yếu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng chống sâu bệnh, khô hạn. Sử dụng hoá chất và các biện pháp sinh học để bảo quản lâm sản kéo dài thời gian sử dụng. Áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại trong chế biến lâm sản để sản xuất các mặt hàng gia dụng cao cấp.

Nghiên cứu xây dựng mô hình nông thôn mới gắn với các giải pháp phát triển sản xuất ổn định đời sống khu vực nông thôn. Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến phục vụ quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đối với cơ sở, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, mở các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ của người dân.



4.2- Công nghiệp:

Chú trọng lựa chọn công nghệ phù hợp, kết hợp công nghệ tiên tiến hiện đại với công nghệ truyền thống, đổi mới công nghệ để phục vụ phát triển mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh như: Sản xuất điện năng, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông, lâm sản (chế biến cà phê, chè, ngô, sắn, thức ăn gia súc, chế biến lâm sản,…), công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, ... để tạo ra các sản phẩm hàng hoá có năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Phấn đấu thông qua đổi mới công nghệ, chuyển từ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thô sang chế biến và xuất khẩu sản phẩm tinh, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu. Ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Mường Bú - Mường La; Khu công nghiệp Tà Sa - Mai Sơn; Cụm công nghiệp Mộc Châu; Cụm công nghiệp Thành phố Sơn La.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong phát triển các ngành công nghiệp hiện đại như thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp cơ khí. Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghệp.

Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất công nghiệp để tăng giá trị sản phẩm hàng hóa đảm bảo đạt mục tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đến 2020 đạt 21,83%/năm (công nghiệp địa phương tăng 13,1%/năm). Đầu tư phát triển KH&CN theo cơ cấu ngành công nghiệp địa phương là: Chế biến nông sản thực phẩm: 27,69%, Khai thác và chế biến khoáng sản: 23,5%, Sản xuất phân phối điện năng: 23%; Vật liệu xây dựng: 21,56%, còn lại là các ngành khác. Liên kết các viện nghiên cứu, các trường đại học, hỗ trợ kinh phí cho các công trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, không phân biệt các thành phần kinh tế. Chú trọng ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KH&CN phục vụ hiệu quả Chương trình xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

4.3- Thương mại và dịch vụ:

Nghiên cứu dự báo về xu thế phát triển của các thị trường có liên quan tới sản phẩm của tỉnh; các giải pháp tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu của tỉnh ; các luận cứ khoa học phục vụ quy hoạch mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, trung tâm buôn bán,…Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh ; Phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử ; Phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng đa dạng, đa tiện ích, cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tài chính hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập.



4.4- Xây dựng:

Nghiên cứu luận cứ phục vụ xây dựng và giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển đô thị; luận cứ cho các quy chế phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền trong quản lý và phát triển đô thị. Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong thiết kế, thi công xây dựng các công trình. Phát triển công nghệ thông tin và tự động hóa, nhập có lựa chọn và nội địa hóa các phần mềm chuyên dụng, ứng dụng công nghệ GIS, … trong công tác tư vấn, thiết kế. Làm chủ công nghệ xây dựng nhà cao tầng gồm: Móng sâu (cọc nhồi, tường banene, tường cừ, neo trong đất, làm tầng hầm), phần thân (bơm bê tông lên cao và đi xa, đảm bảo kích thước hình học, bảo đảm chịu lực với các cấp tải trọng gió và kháng chấn đúng theo yêu cầu) và hoàn thiện trang thiết bị kỹ thuật nội thất. Làm chủ công nghệ xây dựng nhà cho các vùng bão, lụt, vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ phù hợp vào sản xuất vật liệu xây dựng. Nghiên cứu phục vụ quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm tính dân tộc, hiện đại và phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ hiện đại nâng cao năng lực và chất lượng quy hoạch, kiến trúc, thiết kế, xây dựng, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin quản lý đô thị.



4.5- Thông tin và Truyền thông.

Tập trung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhằm phục vụ cho việc quản lý điều hành tài chính ngân sách và nhân sự, giao dịch kinh doanh, … Triển khai các chương trình dự án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như thiết kế hệ thống, phát triển các phần mềm ứng dụng. Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin thông lượng lớn, tốc độ cao, tạo nền tảng cho phát triển chính quyền điện tử.



4.6- Về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Từng bước trang bị, hiện đại hoá và làm chủ các kỹ thuật và công nghệ chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán hoá sinh, lý sinh, phòng dịch, di truyền…trong khám, chữa và điều trị bệnh nhân. Áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong xác định một số tác nhân gây dịch bệnh thường gặp, nâng cao năng lực kiểm nghiệm chất lượng thuốc, hóa mỹ phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm …

Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật, thủ thuật, phẫu thuật mới trong điều trị, phục hồi chức năng. Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại tỉnh Sơn La và một số bệnh di truyền, chuyển hóa, nội tiết, tim mạch, ung thư, tâm thần,…

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ thích hợp trong y tế dự phòng. Nghiên cứu đánh giá về chất lượng dân số và mô hình bệnh tật ở địa phương. Nghiên cứu kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Ứng dụng tiến bộ KH&CN vào trồng và chế biến và bảo tồn nguồn dược liệu.

Nghiên cứu cải tiến quản lý hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân. Kết hợp các giải pháp KH&CN với các giải pháp khác để phát triển và duy trì dân số với quy mô và cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.

Xây dựng mô hình và các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về y tế như quản lý dược phẩm, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, kinh tế y tế, nâng cao năng lực hoạt động của y tế cơ sở... trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường

4.7- Giáo dục đào tạo:

Nghiên cứu về quan hệ cung - cầu lao động kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghiên cứu và áp dụng các phương thức gắn kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất ở các trường cao đẳng. Nghiên cứu phục vụ việc biên soạn các giáo trình gắn với đặc thù của địa phương. Đổi mới và hiện đại hóa phương pháp giáo dục. Người học tự chủ động tư duy trong quá trình tiếp cận tri thức; tự thu nhận thông tin một cách hệ thống và có tư duy phân tích, tổng hợp; phát triển được năng lực của mỗi cá nhân; tăng cường tính chủ động, tính tự chủ của học sinh trong quá trình học tập. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào phục vụ hoạt động giáo dục, đào tạo. Tăng cường ứng dụng Internet trong các trường học để năng cao chất lượng giảng dạy và học tập.



4.8- Tài nguyên và môi trường:

Ứng dụng các phương pháp, thiết bị hiện đại trong điều tra, quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, các nguồn tài nguyên thiên nhiên gồm tài nguyên đất, nước, khoáng sản, tài nguyên sinh học. Hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường nhằm dự báo, hạn chế hoặc ngăn chặn các thiên tai, ứng phó với sự biến đổi khí hậu. Nghiên cứu áp dụng, phát triển và hoàn thiện được các công nghệ dự báo tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm thường xảy ra ở Sơn La.

Nghiên cứu xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường cho tỉnh Sơn La. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện của tỉnh để xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường kết hợp với tận dụng chất thải.; đảm bảo thực hiện mục tiêu đến 2015 ít nhất 80% chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế phải được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường. Lựa chọn công nghệ phù hợp để giảm thiểu những tác động xấu về môi trường các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong khai thác chế biến khoáng sản.

4.9- Giao thông vận tải:

Nghiên cứu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế; làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông tiên tiến, ứng dụng các vật liệu mới trong xây dựng các công trình giao thông vận tải. Từng bước hiện đại hóa phương tiện vận tải, áp dụng các công nghệ và phương thức vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức. Ứng dụng công nghệ thông tin và giao thông thông minh trong quản lý, điều hành, tổ chức vận tải trên phạm vi tỉnh: hàng hoá đi đến và lưu giữ trong kho; các trạm kiểm định kỹ thuật phương tiện.



4.10- Văn hoá, thể thao và du lịch:

Nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu phương thức đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa. Nghiên cứu hoàn chỉnh các thiết chế văn hoá cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến tri thức khoa học, về thể dục - thể thao phổ thông cho nhân dân. Áp dụng KH&CN hiện đại trong công tác huấn luyện thể dục, thể thao. Nghiên cứu khai thác các tiềm năng về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh vào phục vụ du lịch. Xây dựng các mô hình tổ chức phát triển du lịch hiện đại phù hợp với điều kiện Sơn La và bối cảnh hội nhập. Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH&CN nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo sản phẩm du lịch mới. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch



5. Các chương trình, đề án, dự án và chính sách ưu tiên thực hiện giai đoạn đến năm 2020.

Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH&CN của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội nêu trên, giai đoạn đến năm 2020, Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Sơn La dự kiến nhu cầu tổng kinh phí cho hoạt động KH&CN trong giai đoạn 8 năm (từ 2013 – 2020) tới ước khoảng 1700 tỷ đồng ưu tiên thực hiện các chương trình, đề án, dự án và chính sách như sau:

(Phụ lục: Danh mục các chương trình, đề án, dự án và chính sách KH&CN ưu tiên thực hiện giai đoạn đến 2020 - kèm theo)

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC


1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và tham gia tích cực của toàn xã hội vào phát triển KH&CN.

Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải coi phát triển KH&CN là một trong những nội dung lãnh đạo và là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên trong thời kỳ CNH-HĐH ; tập trung chỉ đạo từng bước cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược trong công tác quy hoạch, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của các ngành, các cấp và các đơn vị để thực hiện; phân công cán bộ phụ trách và chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; tìm ra những biện pháp thực hiện hiệu quả để đổi mới và nâng cao trình độ KH&CN trong từng lĩnh vực của nền kinh tế, đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào phục vụ hiệu quả cho sản xuất nâng cao đời sống nhân dân;

Các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà nông và toàn xã hội cần nhận thức đầu tư KH&CN, đặc biệt đổi mới công nghệ là nhân tố quan trọng quyết định đến tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

2. Tăng cường đầu tư và nâng cao tiềm lực KH&CN của tỉnh

Về nhân lực KH&CN: Đổi mới chính sách về cán bộ KH&CN. Các ngành, các cấp xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ KH&CN; đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng nhân lực KH&CN, tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ cả về số lượng và trình độ chuyên môn; có chính sách tuyển dụng và các chế độ thoả đáng về lương, điều kiện làm việc, chỗ ở nhằm thu hút mạnh cán bộ khoa học, công nghệ giỏi về tỉnh làm việc. Có cơ chế, chính sách ưu đãi cán bộ giỏi, có năng lực về công tác trên địa bàn các huyện miền núi; đào tạo cán bộ người địa phương để có nguồn cán bộ tại chỗ. Xây dựng chính sách tôn vinh nhân tài, chính sách khen thưởng thoả đáng kết quả sáng tạo KH&CN, các ứng dụng KH&CN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn.

Tích cực phối hợp, cộng tác với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học… trong việc giải quyết những vấn đề thực tế phát sinh trong lao động sản xuất ở tỉnh. Chủ động tham gia các chương trình đào tạo của quốc gia để phát triển nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh.



Về tổ chức KH&CN: Ưu tiên cho đầu tư nâng cấp hệ thống các tổ chức KH&CN cấp tỉnh nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhiệm vụ đặt ra và thực hiện chuyển đổi có hiệu quả sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp KH&CN của tỉnh theo Nghị định 115 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập; Nghị định 80 của Chính phủ về khuyến khích thành lập các doanh nghiệp KH&CN. Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Sơn La. Xúc tiến thành lập Viện nghiên cứu và phát triển để làm hạt nhân cho hệ thống các tổ chức KH&CN của tỉnh. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ KH&CN thuộc mọi thành phần kinh tế trong xã hội. Tăng cường mối quan hệ liên kết, phối hợp giữa các tổ chức KH&CN trên địa bàn Sơn La (các tổ chức KH&CN, đào tạo, khuyến nông, khuyến công, …) và giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp.

Về thông tin KH&CN: Hợp tác, liên kết với hệ thống mạng thông tin KH&CN Quốc gia cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Triển khai mạnh mô hình thông tin điện tử về KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Sở KH&CN xây dựng và phát triển nguồn lực thông tin về KH&CN nhằm chia sẻ, trao đổi cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp thông qua các trang thông tin điện tử của ngành và cổng giao tiếp điện tử của tỉnh.

3. Đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh

Kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở Khoa học và Công nghệ để đảm bảo đủ năng lực quản lý toàn diện hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Phân công, phân cấp rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về KH&CN của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố ; ở cấp huyện cần có cán bộ chuyên trách giúp UBND quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn huyện, thành phố.

Củng cố và nâng cao năng lực, vai trò tư vấn phản biện của Hội đồng KH&CN các cấp, sở, ngành, UBND các huyện thành phố, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tham mưu, tư vấn, thẩm định và tham gia đóng góp xây dựng các chủ trương, quyết sách của tỉnh về phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Về đổi mới cơ chế quản lý KH&CN: Đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo hướng: Bám sát phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường phối hợp giữa các ngành trong việc xây dựng nhiệm vụ KH&CN, đẩy mạnh phân cấp nhiệm vụ KH&CN giữa cấp tỉnh với cấp ngành và huyện, thành phố trong tỉnh. Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực KH&CN để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH&CN theo hướng tranh thủ huy động sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong toàn xã hội trong việc xác định nhu cầu thực tiễn đối với các nhiệm vụ KH&CN của các cấp, ngành; mở rộng thực hiện cơ chế “đặt hàng”, cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN trên nguyên tắc đảm bảo tính công khai, minh bạch, trên cơ sở hệ thống tiêu chí lựa chọn quy định; khuyến khích việc đề xuất các đề tài, dự án triển khai theo cơ chế “khép kín” từ khâu nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng đến chuyển giao áp dụng vào thực tế sản xuất, đời sống để nâng cao tính khoa học, tính khả thi của kết quả nghiên cứu; cải tiến phương pháp và nâng cao chất lượng, tính khách quan trong việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN các cấp, ngành.

4. Đa dạng hóa nguồn kinh phí đầu tư phát triển KH&CN

Đảm bảo tăng chi ngân sách cho KH&CN năm sau cao hơn năm trước. Xúc tiến thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh. Thực hiện cơ chế trích một phần kinh phí từ các chương trình kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia của các ngành, các cấp dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đó. Dành tỷ lệ nhất định kinh phí sự nghiệp kinh tế của tỉnh để đối ứng thực hiện các chương trình, dự án KH&CN cấp nhà nước giao thực hiện trên địa bàn tỉnh và các chương trình, đề tài, dự án hợp tác KH&CN trọng điểm trong và ngoài nước;

Coi trọng huy động nguồn đầu tư cho KH&CN từ các thành phần kinh tế trong xã hội, khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Tăng cường khai thác các nguồn vốn hợp tác, liên doanh, liên kết, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua các hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế. Thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng trong đầu tư đổi mới công nghệ các doanh nghiệp. Đổi mới cơ chế quản lý kinh phí ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học theo hướng khoán gọn trên cơ sở hợp đồng KH&CN.

5. Xây dựng và phát triển thị trường KH&CN

Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo động lực để các thành phần kinh tế cùng tham gia hoạt động nghiên cứu, tổ chức ứng dụng KH&CN. Tăng cường hỗ trợ của tỉnh cho nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đẩy mạnh quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN; Nghiên cứu cơ chế đầu tư của tỉnh cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với doanh nghiệp, với thực tiễn sản xuất và đời sống; ưu tiên đầu tư cho các nghiên cứu tạo ra sản phẩm hàng hóa thương mại; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và ứng dụng chuyển giao công nghệ. Khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ, dịch vụ chuyển giao công nghệ, các dịch vụ về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng; hình thành và phát triển chợ thiết bị và công nghệ, sàn giao dịch điện tử, trung tâm giao dịch chuyển giao công nghệ vùng tại tỉnh.



6. Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển KH&CN

Giai đoạn 2012 - 2020 cần nghiên cứu xây dựng, cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách của nhà nước cho phù hợp điều kiện của tỉnh, gồm: Chính sách tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh; Chính sách thu nhập đối với chủ sở hữu, tác giả và người ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống; Chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa các hoạt động dịch vụ thông tin, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; các dịch vụ về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; phát triển chợ công nghệ và thiết bị, các sàn giao dịch điện tử về khoa học công nghệ; Chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đổi mới và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển.



7. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN

Mở rộng và tích cực hợp tác với các tổ chức KH&CN của Trung ương, với các viện nghiên cứu hàng đầu ở trong nước. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, hợp đồng chuyển giao giữa các tổ chức KH&CN, các trường đại học, cao đẳng với doanh nghiệp, với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực và trình độ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh đủ sức giải quyết các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh; Chú trọng hợp tác quốc tế, gắn kết giữa hợp tác quốc tế về KH&CN với hợp tác về kinh tế. Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ KH&CN, cán bộ quản lý. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế lĩnh vực sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Thực hiện cam kết Hiệp định hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) của tổ chức thương mại thế giới (WTO).



Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

Tổ chức công bố công khai Chiến lược, chủ trì hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chiến lược. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ kết quả thực hiện Chiến lược với UBND tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể thực hiện Chiến lược.

Phối hợp với các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu trong việc chuyển giao các tiến bộ KH&CN mới, hiện đại, tiên tiến để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Lập kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nêu trong Chiến lược. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, ngành và địa phương trong tỉnh tổng hợp, thẩm định các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghệ cao theo phân cấp, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN theo nội dung, chương trình KH&CN của từng giai đoạn của Chiến lược phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về xã hội hóa hoạt động KH&CN, khuyến khích phát triển khu công nghệ cao và thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Định kỳ hàng năm, phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá kết quả thực hiện các dự án đầu tư phát triển KH&CN, các công trình nghiên cứu, ứng dụng và triển khai KH&CN trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm: Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển KH&CN theo yêu cầu phát triển KH&CN và theo quy định. Thẩm định các dự án KH&CN theo phân cấp

3. Sở Tài chính có trách nhiệm: Chủ trì cân đối bố trí nguồn vốn sự nghiệp KH&CN theo quy định; Phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định các dự án KH&CN theo phân cấp, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

4. Các sở, ngành, UBND các huyện thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm: Chủ động đề xuất các nhiệm vụ KH&CN của ngành lĩnh vực đơn vị mình; Phối hợp với sở KH&CN tổ chức thực hiện các nội dung trong Chiến lược; xây dựng chính sách, giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện Chiến lược theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực và đơn vị mình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4.Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

  Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công nghệ ( b/c);
- TT Tỉnh uỷ(b/c)

- TT HĐND(b/c)

- TT UBND
- Như điều 4
- Trung tâm Công báo VP UBND tỉnh

-Phòng KTN,VHXH-VPUBND tỉnh


- Lưu VT, KTTH V. Hải ( 01), 60b.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

(Đã ký)
Cầm Ngọc Minh








Phụ lục

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN KH&CN

ƯU TIÊN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020


(Kèm theo Quyết định số 1680/QĐ-UBND ngày 09./8/2012 của UBND tỉnh v/v Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La giai đoạn đến 2020)


tt

Tên dự án, đề án

Chủ trì

Phối hợp

Phê duyệt

Thực hiện

1

Dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ SX-KD các SP-HH chủ lực của tỉnh Sơn La giai đoạn đến 2020

Sở KH&CN

Đã phê duyệt 2011 theo QĐ2129/QĐ-UB ngày 20/9/2011

2011

Từ 2012

2

Dự án Đầu tư hoàn thiện khả năng kiểm định, thử nghiệm cho Trung tâm ĐLTN Kiểm soát ATBX thuộc Chi cục TĐC Sơn La

Sở KH&CN

Đã phê duyệt 2012, đang thực hiện

2012

Từ 2012

3

Dự án tăng cường năng lực thông tin KH&CN của Trung tâm thông tin KH&CN tỉnh Sơn La

Sở KH&CN

Sở Thông tin và Truyền thông, các sở ngành và đơn vị liên quan

2012

Từ 2013

4

Chương trình KH&CN phục vụ nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La

Sở NNPTNT

Các sở KHĐT, Tài chính, KH&CN và các sở liên quan

2013

Từ 2014

5

Chương trình KH&CN phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp

Sở Công Thương

Các sở KHĐT, Tài chính, KH&CN và các sở liên quan

2013

Từ 2014

6

Chương trình điều tra đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Sơn La

Sở Tài nguyên – Môi trường

Các sở KHĐT, Tài chính, KH&CN và các sở ngành đơn vị liên quan

2013

Từ 2014

7

Chương trình KH&CN phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Sở Y tế

Sở KH&CN, các viện, trường trên địa bàn và trung ương

2013

Từ 2014

8

Dự án Phát triển tiềm lực KH&CN tỉnh đến 2020

Sở KH&CN

Các sở KHĐT, TC và các sở ngành liên quan

2013

Từ 2014

9

Đề án Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh

Sở KH&CN

Các sở KHĐT, TC và các sở ngành liên quan

2013

2014

10

Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học tỉnh Sơn La.

Sở KH&CN

Sở NN&PTNT, Y tế, Công Thương, TN&MT, các đơn vị liên quan.

2013

Từ 2014

11

Đề án nâng cao năng lực Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Sơn La

Sở KH&CN

Các sở KHĐT, Tài Chính và các sở ngành đơn vị liên quan

2013

2014

12

Chính sách, cơ chế đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN

Sở Tài chính

Sở KH&CN

2013

Từ 2014

13

Chính sách thu hút chuyên gia có trình độ cao tham gia hoạt động phục vụ phát triển KH&CN của tỉnh

Sở Nội vụ

Sở Tài chính và sở KH&CN, GD&ĐT.

2013

Từ 2014

14

Dự án xây dựng Trạm Quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tỉnh

Sở KH&CN

Các sở KHĐT, Tài Chính, đơn vị liên quan

2013

2014

15

Chương trình KH&CN phục vụ phát triển Du lịch

Sở VHTTDL

Sở KH&CN, các viện, trường trên địa bàn và trung ương

2014

Từ 2015



















16

Thành lập Quỹ phát triển KH&CN tỉnh Sơn La

Sở KH&CN

Sở Tài chính, các sở ngành liên quan

2015

2016

17

Biên niên sự kiện quân sự lực LLVT tỉnh Sơn La( 1945-1915)

Bộ CHQS tỉnh

Các đơn vị Liên quan

2014

Từ 2015

18

Lịch sử LLVT tỉnh Sơn La 1976-2016

Bộ CHQS tỉnh

Các đơn vị Liên quan

2015

2016

19

Chính sách, cơ chế đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KHCN

Sở Tài Chính

Sở KHCN và các cơ quan liên quan

2013

Từ 2014.







































Каталог: userfiles -> file -> v%C4%83n%20b%E1%BA%A3n%20quan%20tr%E1%BB%8Dng
file -> 29 Thủ tục công nhận tuyến du lịch cộng đồng
file -> BÀi phát biểu củA ĐẠi diện sinh viên nhà trưỜng sv nguyễn Thị Trang Lớp K56ktb
file -> CỦa bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin về việc thành lập tạp chí di sản văn hóa thuộc cục bảo tồn bảo tàng bộ trưỞng bộ VĂn hóa thông tin
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịCH
file -> UỶ ban quốc phòng và an ninh cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> Số: 38/2009/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
file -> KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)
file -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
v%C4%83n%20b%E1%BA%A3n%20quan%20tr%E1%BB%8Dng -> BỘ NỘi vụ CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc

tải về 184.96 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương