Về việc ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh An Giang năm 2009



tải về 127.96 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích127.96 Kb.
#14384


ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH AN GIANG Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc

______________ ________________________

Số: 2028 /QĐ-UBND Long xuyên, ngày 07 tháng10 năm 2008.

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

tỉnh An Giang năm 2009





CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc Hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;


Căn cứ Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23/10/2006 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 5 năm (2006-2010);


Căn cứ Quyết định số 1958/2006/QĐ-UBND ngày 02/10/2006 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 20/7/2005 của UBND tỉnh về Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2006-2010;


Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2009 tại Tờ trình số 329/TTr-KHĐT ngày 01/10/2008,

QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh An Giang năm 2009.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận: KT. CHỦ TỊCH

- Bộ Kế hoạch & Đầu tư (b/c); PHÓ CHỦ TỊCH

- Bộ Công Thương (b/c); (Đã ký)

- TT.TU, HĐND, UBND (b/c);

- Chánh, phó VP.UBND tỉnh;

- Sở ban ngành;

- Hiệp Hội DN, AFA;

- UBND huyện, thị, TP;

- Đảng ủy khối DCĐ, Đảng ủy khối DN;

- P. KT, P. TH;

- Lưu VT.

Vương Bình Thạnh

ỦY BAN NHÂN DÂN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH AN GIANG

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc







KẾ HOẠCH

Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh An Giang năm 2009

(Kèm theo Quyết định số 2028 /QĐ-UBND ngày 07/10/2008

của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)



Phần I

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NĂM 2008

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008;

Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai và đạt được một số kết quả như sau:

I. Về đăng ký kinh doanh - thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN):

1. Từ đầu năm đến cuối tháng 9/2008, có 441 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2.412 tỷ đồng, trong đó có 99 doanh nghiệp tư nhân với vốn đăng ký 136 tỷ đồng, 112 công ty TNHH 2 thành viên với vốn đăng ký 689 tỷ đồng, 84 công ty TNHH 1 thành viên với vốn đăng ký 760 tỷ đồng, 24 công ty cổ phần với vốn đăng ký 827 tỷ đồng và 122 chi nhánh, văn phòng đại diện (CN/VPĐD). So sánh năm 2007, về số lượng doanh nghiệp tăng trên 9%, về vốn tăng 113% so cùng kỳ.

Về đăng ký thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh cho 455 doanh nghiệp và 62 CN/VPĐD. Ngoài ra, đã có 42 doanh nghiệp giải thể với lý do hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả hoặc chuyển đổi loại hình hoạt động.

Lũy kế đến thời điểm hiện nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh An Giang là 3.982 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 10.736 tỷ đồng, trong đó có 2.029 doanh nghiệp tư nhân với vốn đăng ký 2.750 tỷ đồng, 853 công ty TNHH 2 thành viên với vốn đăng ký 3.514 tỷ đồng, 121 công ty TNHH 1 thành viên với vốn đăng ký 898 tỷ đồng, 105 công ty cổ phần với vốn đăng ký 3.574 tỷ đồng và 874 Chi nhánh, Văn phòng đại diện.

Trong tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập thì doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ 98%.

2. Đối với Hộ kinh doanh cá thể: từ đầu năm đến nay, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành đã cấp đăng ký kinh doanh cho 3.471 hộ, với tổng vốn trên 208 tỷ đồng, thu hút 8.611 lao động. Tính chung trên địa bàn các huyện, thị, thành hiện nay có 54.551 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 1.954 tỷ đồng và giải quyết 127.866 lao động.

3. Từ đầu năm đến nay, có 02 Hợp tác xã mới được thành lập. Tổng số Hợp tác xã trên địa bàn đến thời điểm hiện nay là 172 Hợp tác xã với tổng vốn đăng ký kinh doanh là 247 tỷ đồng, tổng số xã viên là 111.803 người.

* Mục tiêu của kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010 là phát triển 1.660 doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh là 5.500 tỷ đồng. Theo Kế hoạch, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong năm 2008 là 350 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh là 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch đề ra trong năm 2008 thì số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới vượt 26% kế hoạch, về tổng vốn đăng ký kinh doanh vượt 141% so với kế hoạch đề ra. Mặc dù, kết quả đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, tuy nhiên trong năm 2009 cần phải có một số giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch và yêu cầu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

II. Hoạt động cải cách hành chính nhằm thúc đẩy phát triển DNVVN:

Trong năm 2008, các hoạt động cải cách hành chính có liên quan đến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như sau:

1. Thực hiện Chương trình công tác và Chương trình cải cách hành chính năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo và đang trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông trong giải quyết hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khắc dấu trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong tháng 9/2008 sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Trong tháng 7/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với Chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức khai trương và đưa vào hoạt động cổng thông tin doanh nghiệp và đầu tư tỉnh An Giang. Bên cạnh việc khai trương cổng thông tin doanh nghiệp và đầu tư, công tác đăng ký kinh doanh trực tuyến qua mạng cũng đã được tổ chức thực hiện từ 15/7/2008. Đăng ký kinh doanh trực tuyến qua mạng đã góp phần đáng kể vào công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính theo hướng ngày càng thực chất hơn.

2. Thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2005 và các Nghị định hướng dẫn thi hành; theo đó, các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh được quy định tại các Văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và trong điều kiện Chính phủ và các Bộ, ngành TW chưa có Văn bản hướng dẫn cụ thể. Trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở kế hoạch và Đầu tư có Văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, đồng thời hệ thống lại chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản hướng dẫn thực hiện và đã công bố trên Website của tỉnh, của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3. Ngành Công thương đã thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, minh bạch quy trình đăng ký, hồ sơ, phí, lệ phí, thời gian trả kết quả,…được công khai niêm yết tại trụ sở và đưa lên Website của Sở Công thương. Từ giữa năm 2006, ngành Thương mại đã thực hiện phân cấp cho các Phòng Kinh tế huyện, thị, thành phố tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Kết quả giúp giảm thiểu thời gian và phí tổn đi lại cho doanh nghiệp, giảm thời gian chờ đợi gần 50% (từ 15 ngày xuống còn 8 ngày). Các loại giấy tờ cũng được rà soát để giảm những loại không cần thiết như: bản sao có chứng thực, một số loại Giấy chứng nhận liên quan…Kết quả cấp đổi đối với ngành, nghề kinh doanh xăng dầu từ 9 loại xuống còn 2 - 4 loại, đối ngành, nghề kinh doanh gas từ 6 loại giấy tờ xuống còn 2 loại giấy tờ.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư điều chỉnh, bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư, hồ sơ, thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh - thành lập doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh trong CD-Rom để phục vụ công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư của tỉnh An Giang tại TP. Hồ Chí Minh.

5. Thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành bạn; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành đề xuất chương trình hợp tác; đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 với, tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh, đang chuẩn bị ký kết với TP. Cần Thơ.

Mục tiêu chủ yếu của chương trình hợp tác là nhằm khuyến khích doanh nghiệp của các tỉnh, thành bạn và tỉnh An Giang (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa) triển khai hoặc hợp tác triển các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại mỗi địa phương theo lợi thế của tỉnh, thành đó.

III. Hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Trong năm 2007 - 2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành, chương trình phát triển DNNVV Việt - Đức tại An Giang đã tổ chức được nhiều khóa đào tạo, tập huấn, các chương trình hội thảo chuyên đề và một số lớp học khác, thu hút 20.100 lượt học viên tham dự với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.500 triệu đồng. Nguồn kinh phí thực hiện được huy động từ ngân sách, từ doanh nghiệp, từ các hiệp hội, kể cả từ nguồn kinh phí tài trợ của các Chương trình hợp tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.



IV. Xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư cho DNVVN:

Các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư trong năm 2008 đã góp phần đáng kể giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2008, đã có tổng cộng 40 cuộc với 409 lượt doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư do tỉnh tổ chức. Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại có 30 cuộc với 105 lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia; xúc tiến du lịch có 4 cuộc với 4 lượt doanh nghiệp tham gia; hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước có 6 cuộc với 300 lượt doanh nghiệp tham gia.

UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Dự thảo Quy chế phối hợp xúc tiến đầu tư giữa các Sở ngành và UBND huyện, thị, thành phố; hiện đang lấy ý kiến rộng rãi để trình UBND tỉnh ban hành.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo thành lập Tổ theo dõi xúc tiến đầu tư thuộc Văn phòng UBND tỉnh nhằm mục đích rà soát, nắm tình hình xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư tại địa phương.

V. DNVVN đóng góp ngân sách:

Ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2008 đạt 2.600 tỷ đồng. Trong đó, thu từ kinh tế TW đạt 110 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp quốc doanh địa phương đạt 180 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 8 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp dân doanh là 750 tỷ đồng (chiếm đến 28,8% tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2008).

Với số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ khoảng 98% trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo thống kê sơ bộ từ đầu năm 2008, có khoảng 90% tổng nguồn thu ngân sách từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh là do doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp. Như vậy, có đến khoảng 675 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng thu ngân sách tỉnh là từ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy, đến cuối tháng 9 năm 2008, với tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 675 tỷ đồng. Bình quân 01 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động với vốn đăng ký khoảng 1,8 tỷ đồng đã đóng góp khoảng 530 triệu đồng/doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước.



VII. Giải quyết lao động:

Theo thống kê sơ bộ, bình quân 01 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện đã giải quyết việc làm cho 20 lao động. Với 441 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập mới và 122 chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký hoạt động trong năm 2008 đã giải quyết việc làm cho hơn 11.220 lao động (chưa tính số lao động được giải quyết việc làm mới tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản).

Trong năm 2008, đã có 35.000 lao động được giải quyết việc làm trong năm. Như vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đóng góp đến 32% tổng số lao động được giải quyết việc làm.

VIII. Hoạt động của Chương trình phát triển DNVVN tại An Giang:

1. Chính sách Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Tổ chức Khóa đào tạo Quản trị mạng Cổng thông tin dành cho các cán bộ Sở, ngành liên quan tại Hà Nội, nhằm tăng cường năng lực sử dụng và phát triển Cổng Thông tin Doanh nghiệp và Đầu tư của tỉnh, tham dự có cho 5 cán bộ trực tiếp tác nghiệp trên Cổng của 4 Sở, ngành tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và Cục Thuế tỉnh).

Tổ chức tại Long Xuyên khóa Đào tạo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các Văn bản hướng dẫn thi hành cho các Sở ban ngành, huyện, thị, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia với trên 160 đại biểu.

Thực hiện thí điểm Chương trình phần mềm quản lý công tác đăng ký kinh doanh cho hộ cá thể ở 02 huyện Chợ Mới và Châu Thành.



2. Phát triển kinh tế địa phương:

Thực hiện đối thoại giữa UBND tỉnh với Hiệp hội Doanh nghiệp và các Sở, ngành với một số nhà đầu tư của tỉnh An Giang nhằm trao đổi, lắng nghe ý kiến và giải đáp các vướng mắc của nhà đầu tư khi triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh tại địa bàn tỉnh, có trên 20 cán bộ lãnh đạo Sở, ngành và Doanh nghiệp tham dự.

Phối hợp cùng VNCI và VCCI tổ chức Hội thảo phân tích chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của An Giang năm 2008 và thảo luận các giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh với sự tham dự của gần 200 đại biểu của các Sở, ngành, huyện, thị, thành Hiệp hội, các cơ quan nghiên cứu (các trường), thông tấn báo chí và các Doanh nghiệp.

Tổ chức 15 lớp đào tạo khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp (CEFE): 6 lớp Marketing và kỹ năng bán hàng tại các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh cho hơn 440 học viên là cán bộ quản lý và các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Hỗ trợ nâng cao năng lực của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh như: xây dựng trang web của Hiệp hội Doanh nghiệp ABA để đưa vào khai thác sử dụng.

Hỗ trợ cho Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức 2 lớp đào tạo quản trị doanh nghiệp cho trên 60 lượt doanh nghiệp tham dự.

Tham gia chương trình đào tạo giảng viên quản lý xã hội sinh lời (GHK), An Giang đã cử 2 cán bộ tham gia khóa đào tạo giảng viên tại TP. Hồ Chí Minh và đã tổ chức 2 khóa đào tạo cho doanh nghiệp.

Nằm trong nội dung Nâng cao năng lực cho cán bộ thành viên Ban Điều phối, Chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ban Điều phối đã cử 4 cán bộ của Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Ngoại vụ tham gia lớp Kỹ năng giao tiếp tại Quảng Nam do chương trình GTZ tổ chức.

Khai trương cổng thông tin doanh nghiệp và đầu tư, tiến hành đăng ký kinh doanh qua mạng.

3. Năng lực cạnh tranh các ngành chọn lọc:

Tiến hành thực hiện hoạt động chuỗi giá trị rau sạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức đoàn tham quan 3 ngày (15-17/03/2008) mô hình nuôi cá tra sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường tại Sóc Trăng và mô hình nuôi cá tra theo tiêu chuẩn GAP tại Đồng Tháp; tham dự có 20 cán bộ của các cơ quan Sở Thủy Sản, Trung tâm Khuyến ngư và Nghiên cứu giống thủy sản, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cán bộ khuyến ngư phường, xã.

Tiếp tục thực hiện hoạt động chuỗi giá trị cá tra, cá basa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang phối hợp với trường Đại học Cần Thơ tổ chức khóa đào tạo cán bộ quản lý thủy sản địa phương về kiểm soát dịch bệnh trong ao nuôi cá tra chất lượng cao cho 25 kỹ thuật viên của các phường xã.

Từ tháng 3 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành phân tích mẫu đất, nước cho 5 vùng sản xuất rau an toàn: Mỹ Luông, Chợ Mới, Mỹ An, Kiến An, Hội An. Kết quả tất cả đều đạt chuẩn và đang chờ thủ tục cấp Giấy chứng nhận của Cục Bảo vệ Thực vật.

Tổ chức 02 lớp tập huấn Sản xuất rau an toàn cho nông dân tại 02 xã Kiến An và Thị trấn Mỹ Luông kết hợp với tổ chức điểm trình diễn, mỗi tuần học và thực hành theo tiêu chuẩn GAP.

4. Các hoạt động dự kiến triển khai trong Quý IV/2008:

Tháng 9, triển khai Đối thoại thường niên giữa các Sở, ngành và các Doanh nghiệp trong tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh.

Thực hiện thí điểm 3 mô hình nuôi cá tra tại Mỹ Thạnh, Bình Thạnh và Bình Thủy theo tiêu chuẩn Global Gap.

Xây dựng hệ thống 5 nhà lưới hở tại huyện Chợ Mới vào tháng 8 với diện tích trên 500 m2.

Tổ chức khóa đào tạo về rau sạch kết hợp giới thiệu và hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trong việc sử dụng phân sinh học.

Tiếp tục triển khai 2 khóa CEFE và các khóa GHK trong Quý III.

Tổ chức 1 lớp Quản trị rủi ro trong Doanh nghiệp (Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh) vào tháng 9/2008.

Bổ sung phần mềm ứng dụng Cổng thông tin doanh nghiệp cho 2 huyện.



IX. Đánh giá một số mặt tồn tại:

1. Cải cách thủ tục hành chính:

- Chương trình tin học hóa trong đăng ký kinh doanh chưa kết nối với tất cả các huyện, thị, thành và các Sở, ngành có liên quan nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: đã gây ra một số khó khăn trong công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng sau khi đăng ký kinh doanh.

- Chậm điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đầu tư, đất đai và môi trường như: quy định về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; quy định trình tự, thủ tục thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh…Việc chậm ban hành hoặc chậm điều chỉnh, bổ sung các quy định trên đã tác động không nhỏ đến quá trình gia nhập thị trường - đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa thường dễ bị tác động nhất.

- Hoạt động của Tổ theo dõi xúc tiến đầu tư của tỉnh chưa thật sự đi vào chiều sâu. Hoạt động của Tổ còn mang tính sự vụ, sự việc, chưa có chương trình công tác, kế hoạch hoạt động cụ thể.

- Một số Sở, ngành, huyện, thị, thành chưa thật sự quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Khung pháp lý

a) Ban hành thể chế nhằm phát triển DNVVN

Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực thi hành, các Nghị định hướng dẫn thi hành, Thông tư, Quyết định của các Bộ, ngành để hướng dẫn thi hành cũng đã được ban hành. Do đó, khung pháp lý có liên quan đến thành lập doanh nghiệp, đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đã dần đi vào hoàn chỉnh và có hệ thống. Tuy nhiên, thể chế pháp lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn thiếu, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình gia nhập thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,

- Đến nay, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài Nghị định 90 của Chính phủ, chỉ có một số Thông tư hoặc Quyết định của Bộ, ngành TW quy định hoặc hướng dẫn một số nội dung có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23/10/2006 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 05 năm (2006 - 2010). Trong đó có quy định 07 nhóm giải pháp và 15 giải pháp cụ thể mà Bộ, ngành TW phải tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành thể chế hoặc chính Bộ, ngành đó thực hiện nhằm đạt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa có thể chế pháp lý cụ thể nào được ban hành.

- Một số Văn bản luật có liên quan đến đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đến nay vẫn chưa được hướng dẫn thi hành đã gây ra một số khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể: Các Nghị định có liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam với WTO chưa được Chính phủ, Bộ, ngành quy định chi tiết về việc thực hiện.

b) Chính sách dành riêng cho DNVVN

- TW: ngoài một số chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, đến nay các chính sách dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ được ban hành tại các văn bản: Quyết định số 193/2002/QĐ-TTg và số 115/2004/QĐ-TTg của Thủ tư­ớng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quyết định 143/2004/QĐ-TTg của Thủ tư­ớng Chính phủ về Ch­ương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quyết định số 1473/2004/QĐ-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư­ ban hành Quy chế quản lý Ch­ương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 của Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán áp dụng cho DNNVV và Thông tư­ số 09/2000/TT-BYT h­ướng dẫn chăm sóc sức khoẻ cho ngư­ời lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, việc triển khai các văn bản quy định chính sách dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương đã gặp một số khó khăn nhất định về vốn và nguồn vốn để thực hiện.

- Địa phương: Mặc dù, tỉnh đã thành lập được Quỹ Hỗ trợ xã hội hóa, Quỹ phát triển Hợp tác xã. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh vẫn chưa thành lập được Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định số 193/2002/QĐ-TTg và số 115/2004/QĐ-TTg của Thủ tư­ớng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, do ngân sách tỉnh chưa đủ vốn góp theo quy định để thành lập.



3. Giảm các chi phí khởi nghiệp và vận hành kinh doanh

Một số giải pháp nhằm giảm các chi phí khởi nghiệp và vận hành kinh doanh theo kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai thực hiện hoặc có triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu:

- Đăng ký kinh doanh qua mạng: bước đầu đã thực hiện có hiệu quả nhưng cần phải có kinh phí để duy trì hoạt động cổng thông tin doanh nghiệp và đầu tư trong thời gian tới.

- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành, loại bỏ Giấy phép, điều kiện kinh doanh không cần thiết: chưa thực hiện thường xuyên và triệt để.

- Xây dựng quy trình theo hướng đơn giản hóa việc đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, khắc dấu nhằm rút ngắn thời gian để doanh nghiệp gia nhập thị trường: thực hiện khi có yêu cầu của doanh nghiệp (chưa cụ thể hóa ở cấp địa phương), hiện đang được cụ thể hóa bằng Quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục Thuế, Công an và Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Việc đơn giản hóa quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình thời gian qua đã được đơn giản hóa theo hướng cải cách thủ tục hành chính nhưng nhìn chung vẫn còn phải mất nhiều thời gian, nhiều thủ tục để tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; xác lập quyền sở hữu công trình.

- Hạch toán kế toán và các mẫu biểu báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn là một vấn đề lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Xây dựng các chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực và cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Một số chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực và cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp theo kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai như: chương trình tin học trong đăng ký kinh doanh (đối với cấp tỉnh), “một cửa” liên thông trong đăng ký kinh doanh, hỗ trợ đầu tư; chương trình đào tạo nguồn nhân lực (chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức, các chương trình do địa phương thực hiện); chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; chương trình xây dựng mối liên kết kinh tế giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa...nhưng cần phải có bước đánh giá toàn diện các chương trình này.



5. Hoàn thiện hệ thống cơ quan hỗ trợ DNVVN

Chưa hình thành được hệ thống cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Cơ quan thực thi nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chủ yếu là Sở Kế hoạch và Đầu tư và một số Sở, ngành liên quan.

Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23/10/2006 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 05 năm (2006 - 2010) quy định: tại địa phương “Thành lập Ban Điều phối thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, do một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban”. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn chậm so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Phần II

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ NĂM 2009

I. Một số căn cứ:

1. Căn cứ Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 05 năm (2006 - 2010) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23/10/2006;

2. Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1958/QĐ-UBND ngày 02/10/2006;

3. Căn cứ Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2006 - 2010 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt ngày 20/7/2005;

4. Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang năm 2009;

5. Căn cứ Kế hoạch hoạt động của Chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức tại An Giang ;

6. Căn cứ vào tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2008, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh An Giang trong năm 2008.

II. Định hướng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2009:

1. Một số nội dung định hướng:

- Định hướng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động có tính chuyên môn hóa cao trong sản xuất, phân phối, cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra…

- Tiến hành khảo sát thực tế để xác định các mô hình làm ăn có hiệu quả của doanh nghiệp vừa và nhỏ để tiến tới mô hình hóa và nhân rộng trong toàn tỉnh.

- Vận dụng một cách linh hoạt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mà không trái với quy định của pháp luật.

- Có chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện đổi mới công nghệ và trang thiết bị tiên tiến trong quá trình sản xuất, xử lý nguyên vật liệu và hoàn thiện sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm một cách cơ bản.

- Sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

- Áp dụng các tiêu chuẩn, quy định của quốc tế và khu vực trong quá trình sản xuất kinh doanh.

- Tiếp tục khuyến khích và đẩy mạnh các hình thức liên doanh, liên kết giữa các khu vực kinh tế, giữa các loại hình doanh nghiệp, giữa các hình thức đầu tư để tăng cường vai trò hỗ trợ trong mục tiêu cùng phát triển.

- Thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong kế hoạch chung của quốc gia, của tỉnh và các chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

2. Định hướng ưu tiên:

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bình Hòa; đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp của huyện, thị, thành để tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư.

- Phối hợp với các Tổ chức tín dụng trên địa bàn để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh. Xem xét tăng vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ xã hội hóa để thực hiện chính sách bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa.

- Khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và tham gia sàn thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

- Ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước theo kế hoạch hoạt động của chương trình xúc tiến thương mại năm 2009.

- Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ gia nhập thị trường, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh: tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông trong hỗ trợ hồ sơ, thủ tục đầu tư và trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

- Ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ gia nhập thị trường ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ).

III. Mục tiêu:

Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của tỉnh, mục tiêu phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đề ra (theo kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 - 2010), xuất phát từ tình hình thực tế phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh năm 2008; tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2009 như sau:

1. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập mới: 550.

2. Số lao động trong độ tuổi lao động được giải quyết việc làm mới: 13.500 lao động (bình quân 01 doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết việc làm cho 30 lao động).

3. Thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của TW, địa phương (chủ yếu từ địa phương): số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia 300, số lượt cán bộ của doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo 1.000.

4. Doanh nghiệp vừa và nhỏ báo cáo có khả năng phát triển và có thể phát triển sản xuất kinh doanh: 1.500 doanh nghiệp.

5. Thực hiện cải tiến trong sản xuất và quy trình sản xuất: 50 doanh nghiệp.

6. Doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng thương mại: 1.000 doanh nghiệp.

7. Doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xuất khẩu: có 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xuất khẩu, tổng giá trị xuất khẩu (chính ngạch và tiểu ngạch) 200 triệu USD.

8. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư: thực hiện 65 cuộc với 200 lượt doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.



IV. Giải pháp:

1. Cải cách thủ tục hành chính

- Triển khai chương trình đăng ký kinh doanh qua mạng; vận hành chương trình quản lý doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh đối với cấp huyện; kết nối chương trình thông tin doanh nghiệp với các Sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thị, thành (Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông).

- Thực hiện Quy chế “một cửa” liên thông trong hỗ trợ hồ sơ, thủ tục đầu tư; trong đăng ký kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc Giấy phép kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương).

- Triển khai Quy chế phối hợp liên ngành trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, khắc dấu (Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Cục Thuế).

- Xây dựng cẩm nang doanh nghiệp; chi tiết hóa điều lệ doanh nghiệp áp dụng cho các loại hình công ty thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; cụ thể hóa chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư).

- Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới còn 04 ngày làm việc (quy định 10 ngày làm việc); cấp thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh trong 03 ngày làm việc (quy định là 07 ngày làm việc) (Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện)

- Rà soát báo cáo UBND tỉnh bãi bỏ hoặc UBND tỉnh kiến nghị TW bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết có liên đến thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh; trình tư, thủ tục thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; đăng ký và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; cấp phép về môi trường và thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường trên địa bàn tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường).

- Tiếp tục cũng cố tổ chức và hoạt động của Tổ theo dõi xúc tiến đầu tư (Văn phòng UBND tỉnh).

- Thành lập Tổ công tác rà soát các quy định do địa phương ban hành có nội dung trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan. Qua rà soát đề nghị TW điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, trong trường hợp văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh thì đề nghị tỉnh xem xét thu hồi hoặc bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp (Sở Tư pháp chủ trì phối hợp các Sở, ngành liên quan – Tổ Đề án 30).

- Sở Nội vụ tiến hành rà soát tình hình triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” tại các Sở, ngành, huyện, thị, thành để có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, địa phương. Tiến hành rà soát lại các thủ tục hành chính quy định tại Đề án “một cửa” đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt của các địa phương, của các Sở, ngành cấp tỉnh cho phù hợp với các quy định mới.



2. Khung pháp lý

2.1. Triển khai các thể chế nhằm phát triển DNNVV

- Tiếp tục hoàn chỉnh Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các Nghị định hướng dẫn thi hành, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh và gắn kết với Chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức tại An Giang để tổ chức triển khai đến doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các Sở, ngành, huyện, thị, thành; đồng thời công bố rộng rãi trên Website của tỉnh, của Sở Kế hoạch và Đầu tư, phát hành các tờ rơi, cẩm nang doanh nghiệp và đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư).

- Tổ chức quán triệt Chương trình hành động của Chính phủ và phổ biến sâu rộng về các cam kết của Việt Nam trong WTO đến cộng đồng doanh nghiệp (Sở Công thương).

- Cụ thể hóa ở cấp địa phương 07 nhóm giải pháp trọng tâm và 15 giải pháp cụ thể được nêu tại Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 05 năm (2006 - 2010). (Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện)

- Kiến nghị TW sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành một số Văn bản luật có liên quan đến đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: các Nghị định có liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam với WTO. (Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tùy theo nhiệm vụ được giao, tham mưu đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh).



2.2. Chính sách dành riêng cho DNVVN

- Tăng cường hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Hỗ trợ xã hội hóa. Thực hiện đúng lộ trình tăng vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ xã hội hóa (Sở Tài chính chủ trì phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện).

- Nghiên cứu các phương án khác nhau để thống nhất phương án thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh (Sở Tài chính chủ trì phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện).

- Xây dựng và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với hoạt động xã hội hóa trên địa bàn tỉnh (Sở Tài chính chủ trì phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện).

- Ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh tại: các Khu công nghiệp tập trung của tỉnh, các cụm công nghiệp do huyện, thị, thành quản lý, khu kinh tế cửa khẩu (Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành).

3. Giảm các chi phí khởi nghiệp và vận hành kinh doanh

Để giảm các chi phí khởi nghiệp và vận hành kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần triển khai ngay một số chương trình, công tác sau đây trong năm 2009:

- Đẩy mạnh công tác đăng ký kinh doanh qua mạng (Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông).

- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành, loại bỏ Giấy phép, điều kiện kinh doanh không cần thiết: thành lập Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh (Sở Tư pháp thực hiện).

- Ngoài việc triển khai thực hiện Quy chế “một cửa” liên thông trong hỗ trợ hồ sơ, thủ tục đầu tư; trong đăng ký kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc Giấy phép kinh doanh ở cấp tỉnh; Căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại các Quy chế nêu trên, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành cần xây dựng Quy chế thực hiện “một cửa” liên thông ở địa phương mình (Uỷ ban nhân dân huyện, thị, thành).

- Ban hành Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian so với quy định để doanh nghiệp vừa và nhỏ sớm tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; xác lập quyền sở hữu công trình (Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan).

- Tổ chức hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ ban hành kèm theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 của Bộ Tài chính (Cục Thuế chủ trì, phối hợp các địa phương thực hiện).

4. Xây dựng các chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực và cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Triển khai một số chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực và cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp theo kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt. Cụ thể, các chương trình triển khai trong năm 2009 như sau:

- Chương trình đăng ký kinh doanh qua mạng (Sở Kế hoạch và Đầu tư);

- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn (Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh An Giang);

- Chương trình tiếp cận thị trường quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua tăng cường các tiêu chuẩn kỹ thuật công nghiệp trong nước, phổ biến thông tin tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia của các nước khác (Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư thực hiện);

- Theo nội dung đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ về Đề án 191 giai đoạn 2007 - 2010 trên địa bàn tỉnh.

- Chương trình nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội, của các câu lạc bộ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh An Giang và các Hiệp hội trong tỉnh).

5. Hoàn thiện hệ thống cơ quan hỗ trợ DNNVV

Thực hiện Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23/10/2006 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 05 năm (2006 - 2010): Thành lập Ban Điều phối thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, do một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Thành viên của Ban Điều phối thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh gồm đại diện của các Sở, ngành liên quan và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Thư ký Thường trực của Ban Điều phối (Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ).

Trong quá trình hoạt động, tuỳ theo tình hình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở từng địa phương (cấp huyện, thị, thành) sẽ thành lập Ban Điều phối phát triển doanh nghiệp ở địa phương. Tổ chức và hoạt động của Ban Điều phối địa phương tương ứng với cấp tỉnh.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2009, định kỳ 06 tháng có báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện các mục tiêu, các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch và đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nếu có.

Hỗ trợ cho Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thực hiện các cuộc gặp mặt doanh nghiệp theo quý hoặc 06 tháng một lần để giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo các khó khăn của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng để Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến chỉ đạo.

Theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao của các Sở, ngành, huyện, thị, thành nêu tại Mục IV Phần II của Kế hoạch này. Có báo cáo kịp thời những nhiệm vụ được giao chưa được các Sở, ngành, huyện, thị, thành triển khai thực hiện. Đề xuất các biện pháp để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.



2. Giám đốc, thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao nêu tại Mục IV Phần II của Kế hoạch này; Định kỳ hằng quý có báo cáo tình hình triển khai thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)


Vương Bình Thạnh



Каталог: VBPQ -> vbpq.nsf
vbpq.nsf -> QuyếT ĐỊnh về việc tịch thu sung công quy nhà nước phương tiện giao thông VI phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông chủ TỊch uỷ ban nhân dân tỉnh bắc kạn căn cứ Luật Tổ chức HĐnd và ubnd ngày 26 tháng 11 năm 2003
vbpq.nsf -> QuyếT ĐỊnh củA Ủy ban nhân dân tỉnh v/v Thành lập Hội đồng Quản trị Cty Xuất nhập khẩu Thủy sản
vbpq.nsf -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh an giang độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq.nsf -> QuyếT ĐỊnh v/v Ban hành qui chế tổ chức hoạt động của Sở Giao thông vận tải
vbpq.nsf -> Ủy ban nhân dân tỉnh bắc kạN
vbpq.nsf -> UỶ ban nhân dân cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bắc kạN Độc lập Tự do Hạnh phúc
vbpq.nsf -> TỈnh an giang
vbpq.nsf -> Ủy ban nhân dân tỉnh bắc kạN
vbpq.nsf -> Ñy ban nhn dn
vbpq.nsf -> QuyếT ĐỊnh v/v giao chỉ tiêu mua lúa, gạo vụ Hè thu 1998

tải về 127.96 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương