Vẻ Vang Dân Việt tại Hải Ngoại Diễn Đàn Hạt Nắng > Thư Viện



tải về 385.89 Kb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu05.09.2016
Kích385.89 Kb.
#31716
  1   2   3   4   5   6   7
Vẻ Vang Dân Việt tại Hải Ngoại
Diễn Đàn Hạt Nắng > Thư Viện > Tài Liệu Vẻ Vang Dân Việt tại Hải Ngoại

 

http://www.hatnang.net/showthread.php?t=41362



SBTN-DC August 28, 2011 [NU DAI TA VIET NAM] - Part1

http://www.youtube.com/watch?v=vdYEfSQCjfI&feature=player_embedded

 

SBTN-DC August 28, 2011 [NU DAI TA VIET NAM] - Part2



http://www.youtube.com/watch?v=sOP34eBGWSU&feature=related

Nữ Đại Tá Không Quân Hoa Kỳ

Trung Tá Bác Sĩ Không Quân Mylene Trần Huỳnh, 44 tuổi, giám đốc của Air Force Medical Service (AFMS), thuộc chương trình Chuyên Viên Y Tế Quốc Tế (International Health Specialist - IHS), trực thuộc văn phòng “Office of the Air Force Surgeon General,” vừa được vinh thăng Ðại Tá trong một buổi lễ được tổ chức hôm 14 tháng 5 vừa qua.

Ở chức vụ Giám Ðốc AFMS, nữ bác sĩ gốc Việt, Trần Huỳnh, có trách nhiệm thiết lập các qui định, hướng dẫn và giám sát cho 65 nhân viên thuộc quyền ở 15 địa điểm khác nhau trên thế giới, và cho cả 150 nhân viên quân y của Không Lực Hoa Kỳ thuộc chương trình IHS.

Ðại Tá Huỳnh hoàn tất văn bằng cử nhân và bác sĩ y khoa tại đại học University of Virginia. Bà phục vụ trong Không Lực Hoa Kỳ suốt 18 năm, và hướng dẫn 25 cuộc trao đổi hợp tác về y tế ở 15 quốc gia, trong đó có hai lần ở Việt Nam.

Bác Sĩ Mylene Trần Huỳnh là ái nữ của cựu bác sĩ quân y, binh chủng Nhảy Dù, QLVNCH, Bác Sĩ Trần Ðoàn, và Dược Sĩ Phan Thị Nhơn. Mylene tròn chín tuổi khi Sài Gòn thất thủ. Gia đình bà tìm cách ra khỏi Việt Nam nhưng bất thành nên quay về quê ở Nha Trang, nơi cha bà bị đưa đi “cải tạo” một năm.
Sau đó mẹ bà chung với ba gia đình khác, mua một chiếc thuyền đánh cá để vượt biên. Sau sáu ngày đêm vượt qua chặng đường dài 703 dặm, họ cập bến Manila.

31 năm sau, Ðại Tá Huỳnh tổ chức công tác nhân đạo giúp đỡ Việt Nam lần thứ hai. Bà triệu tập 45 bác sĩ, y tá, nha sĩ, nhà vệ sinh học, kỹ sư công chánh, cùng những chuyên viên tiếp liệu từ bảy tổ chức khác nhau, gồm cả Không Quân và Lục Quân Hoa Kỳ, và các nhóm nhân sự vụ Mỹ lẫn Việt.

Từ 11 đến 17 tháng 3, toán công tác đã thực hiện những cuộc giải phẫu và săn sóc y tế cho hơn 3,000 người ở tại Huế và vùng phụ cận, kể cả xây dựng lại hạ tầng cơ sở cho các trường ốc. Trong sáu ngày làm việc 10 giờ mỗi ngày, ban đêm phải họp ban để trao đổi về công việc trong ngày, toán y tế của Ðại Tá Huỳnh đã mang lại ánh sáng cho 63 bệnh nhân nhờ mỗ cataract; dạy về tiến trình của toàn nhóm cho tám bác sĩ nhãn khoa cùng với 160 sinh viên y khoa; giải phẫu tim cho một em bé bốn tháng; khám, cấp thuốc và giáo dục cho 2,000 bệnh nhân có bệnh tim và huyết áp cao; khám chữa răng cho 2,711 người; khám chữa mắt cho 1,000 người khác; cấp phát 900 kính đọc sách và biên toa thuốc cho hơn 10,000 bệnh nhân.
Toán chuyên viên y tế Hoa Kỳ trao đổi về những kỹ thuật lâm sàng cũng như giải phẫu với đối tác Việt Nam, và thuyết trình kiến thức y khoa ở trường Ðại Học Huế. Ngược lại, họ cũng học được của đồng nghiệp Việt Nam một số phương cách chữa bệnh như chữa mồ hôi tay bằng phương thức đông y cổ truyền.

Trong buổi lễ thăng chức Ðại Tá của Bác Sĩ Mylene Trần Huỳnh, Cựu Trung Tướng QLVNCH Lữ Lan, phát biểu rằng: “Thành tựu của Bác Sĩ Mylene Trần không những là một niềm vinh dự của riêng cô, mà còn là của cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ 35 năm trước đây khi những người tỵ nạn mới đặt chân lên miền đất hứa này, mấy ai nghĩ rằng cô bé 'thuyền nhân' nhỏ nhắn đã đến đây từ 30 năm trước, lại có ngày trở thành một y sĩ đáng kính trong ngành Quân Y của Quân Lực Hoa Kỳ. Giá như cô không sang được đây, nơi cô được nuôi dưỡng trong môi trường tự do và bình đẳng, tài năng của cô sẽ hoàn toàn bị phí phạm. Ðó là sự khác biệt giữa đời sống trong môi trường tự do với chế độ bạo quyền. Ðiều đáng ca ngợi nơi Mylene hơn nữa là, trong khi đang sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc nơi xứ sở Hoa Kỳ, cô vẫn không quên nguồn cội mình và người dân Việt Nam còn đang sống khốn khổ dưới chế độ cộng sản. Cô cùng toán công tác y tế của mình đã nhiều lần trở về Việt Nam để cung cấp những săn sóc y tế cho người nghèo cùng những kẻ thiếu may mắn.”

Trong đoạn kết của bài phát biểu, Cựu Trung Tướng Lữ Lan nói rằng: “Luôn ghi nhớ, cô đã mang lại niềm hân hoan cho gia đình và cũng là niềm vinh dự của cả cộng đồng. Bất kể đạt được thành tựu đến đâu cũng đừng quên di sản truyền thống của dân tộc và hãnh diện rằng mình là người Mỹ gốc Việt.”

Buổi lễ vinh thăng cấp bậc Ðại Tá cho Bác Sĩ Mylene còn có sự hiện diện của Thiếu Tướng Byron C. Hepburn; thân phụ mẫu của Bác Sĩ Mylene; cựu Thượng Nghị Sĩ VNCH Nguyễn Khoa Phước (em trai Cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam) và phu nhân... (TP)




Chuẩn tướng (Brigadier General) Byron C. Hepburn




Chồng (Kỷ sư Cơ Khí) Huỳnh Quốc Thành & con trai lớn gắn cấp bực mới , áo ngoài


Cha (Bác Sĩ Trần Đoàn, Đại Uý Quân Y Sư Đoàn Dù/QLVNCH) gắn cấp bậc cầu vai áo trong.




Mẹ ( Dược Sĩ Phan Thị Nhơn) gắn cấp bậc, cầu vai áo trong


Đại gia đình & Chuẩn tướng Byron C. Hepburn


Ông-Bà Trần Đoàn - Đại Tá Mylene Huỳnh - Ông-Bà Trung Tướng Lữ Lan


Mẹ và thân quyến


Bà Trần Đoàn & Đại Tá Trịnh Hưng ( US Public Health Service) bạn học

Last edited by nora : 03-15-2011 at 10:36 AM.

Trịnh Hữu Phước từ Bạc Liêu đến NASA
Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước là trưởng nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hỏa tiễn hạng nặng cho NASA

Xuất thân từ một vùng thôn quê, cách thị xã Bạc Liêu 16 cây số, cậu học sinh lớp 11 năm nào, người từng định nhảy xuống biển bơi ngược về nhà trên chuyến tàu vượt biên, giờ đây, đã có thể hãnh diện tự tin ngồi đối thoại, thuyết trình cùng những nhà khoa học Mỹ về các đề án cải tiến kỹ thuật cho việc thám hiểm mặt trăng của cơ quan nghiên cứu không gian NASA.

Cậu học sinh năm nào đó chính là Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước ngày nay.

Giản dị, chân chất, cởi mở là điều dễ nhận thấy ngay trong lần đầu tiếp xúc với tiến sĩ Trịnh Hữu Phước, người đang giữ nhiệm vụ trưởng nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hỏa tiễn hạng nặng cho NASA.

***

“Tôi rời khỏi Việt Nam vào tháng 5, năm 1979, sau khi học hết lớp 11, tại Cà Mau. Ðáng lý ra phải đi chung với một số người trong gia đình, nhưng do trục trặc, cuối cùng chỉ có một mình tôi lên tàu. Trong lúc sợ quá vì không hề chuẩn bị tư tưởng cho việc ra đi một mình, trong người không có đồ đạc, tiền bạc gì hết, tôi đã định nhảy xuống bơi vào bờ.” Tiến Sĩ Phước bắt đầu câu chuyện với phóng viên Người Việt bằng cách kể lại chuyến vượt biên của mình cách đây hơn 31 năm.



Chủ tàu sợ lộ nên hứa với cậu bé Phước hãy cứ yên tâm đi, sang đến đảo ông sẽ giúp đỡ.

Tuy nhiên, như phần đông những thuyền nhân khác, chuyến hải hành tìm tự do của Phước cũng bị cướp. Vì thế, khi đến trại, chủ tàu đã không làm như lời hứa.

16 tuổi, một thân một mình, không có bất cứ hành trang tài sản gì trong người, Phước bắt đầu làm đủ mọi việc để có thể kiếm ăn cho chính mình, từ bán bánh mì đến lên rừng chặt cây làm giường cho người ta trên đảo Kuku, sau đó là Galang.

Thời gian này, Phước tình cờ gặp lại một người bạn học cùng lớp ở Bạc Liêu, qua đảo trước đó 2 tháng. “Trước khi rời đảo Galang sang Mỹ định cư, người bạn đó hứa sẽ tìm người bảo trợ cho tôi, bởi lúc đó tôi còn ở tuổi vị thành niên,” anh Phước kể tiếp.

Với sự giúp đỡ của người bạn này, một cặp vợ chồng thầy giáo người Mỹ, không có con ruột, chỉ có hai con nuôi người Korean, nhận bảo trợ cho Phước từ trại tị nạn Galang đến tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ.

Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước (giữa) cùng vợ, Tiến Sĩ Diệp Trịnh, và con gái út trong ngày nhận huy chương cho những đóng góp xuất sắc, lâu dài của ông cho kỹ thuật hỏa tiễn và những ứng dụng kỹ thuật mới cho phi thuyền Mặt Trăng và Hỏa Tinh, tháng 5 năm 2010.


Sau 6 tháng sống trong sự bảo bọc của hai vợ chồng Mỹ tốt bụng, khi tròn 18 tuổi, Phước dọn ra ở riêng cùng một anh bạn quen lúc ở đảo.

Thời gian tiếp theo, Phước vừa đi học vừa đi làm. Sau 4 năm rưỡi đến Mỹ, anh lấy được bằng đại học về kỹ sư phi hành không gian (Aerospace Engineer). Ðó cũng là lúc anh nộp đơn xin vào làm cho NASA theo một thông báo tuyển người mà anh trông thấy được ở trường đại học của mình.

Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn, anh Phước không được chấp thuận bởi lý do “anh chưa phải là công dân Hoa Kỳ.”

Dẫu vậy, người phỏng vấn đã cho anh một lời hứa: giữ vị trí đó cho đến khi anh trở thành công dân Hoa Kỳ. Ðồng thời người này cũng khuyên anh trong thời gian chờ thi quốc tịch, hãy học tiếp bằng “master.”

Trịnh Hữu Phước chính thức về làm cho NASA sau khi tốt nghiệp cao học năm 1987, chuyên về phát triển động cơ hỏa tiễn “LOX-methan” – sử dụng nhiên liệu oxygen và methan lỏng – cho phi thuyền bay vào mặt trăng.

Như một sự sắp đặt của số phận, người bạn học ngày nào giúp anh đến Mỹ đã trở thành người bạn đời sau đó của Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước. Ðiều đặc biệt, cả 2 người, anh Phước và chị Diệp, tên vợ anh, đều ở trong nhóm kỹ sư của trung tâm phi hành không gian Marshall thuộc NASA ở Huntsville, Alabama.

Trong thời gian làm việc tại đây, hai vợ chồng anh đã tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ.

***

“Với người Việt Nam xưa nay, NASA vẫn là một điều gì đó khiến người ta ngưỡng mộ. Vậy bản thân anh cảm thấy như thế nào khi là một thành viên của NASA?” Tôi hỏi Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước khi anh đang say sưa nói về công việc của mình.



Anh cười thoải mái: “Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng ít nhiều cảm thấy tự hào và hãnh diện về nơi làm việc của mình. Tôi cũng vậy thôi. Mà không chỉ người Việt Nam đâu, cả người Mỹ cũng cảm thấy tự hào khi làm việc cho NASA. Các con tôi cũng cảm thấy hãnh diện khi nhìn thấy sự xuýt xoa của bạn học khi chúng khoe cả ba mẹ đều làm cho NASA.”

Chưa có con số thống kê chính xác xem có bao nhiêu người Việt Nam đang làm việc cho 8 trung tâm NASA trên toàn nước Mỹ. “Riêng tại Trung Tâm Alabama, nơi chịu trách nhiệm về chế hỏa tiễn hạng nặng thì có chừng 6, 7 người Việt, tính luôn cả 2 vợ chồng tôi, trong tổng số 7,500 người làm việc tại đó.” Anh Phước cho hay.

Từ lần thám hiểm mặt trăng lần cuối của Hoa Kỳ vào năm 1972, cho đến nay, cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA mới lại bắt đầu nghiên cứu những cải tiến kỹ thuật về dụng cụ khoa học cho cuộc thám hiểm cũng như chế tạo phi thuyền một cách hoàn hảo thêm. Nhằm mục đích đến mặt trăng trong thời gian tới để khảo sát địa chất và những dữ kiện thiên nhiên như đo nhiệt độ lòng đất, độ động đất, độ từ trường… NASA chọn đề án chế tạo phi thuyền người máy Robotic Lunar Lander (RLL) để dùng cho cuộc thám hiểm này.

Trong đề án này, Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước, trưởng nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hỏa tiễn, chịu trách nhiệm đề án hai loại hỏa tiễn cho phi thuyền RLL. Trong đó, một loại dùng nhiên liệu lỏng điều khiển phi thuyền trong lúc bay và đáp xuống mặt trăng, một loại dùng nhiên liệu đặc để tạo ra phản lực làm giảm tốc độ của phi thuyền trước khi đáp.

***

Ðể có thể đảm đương nhiệm vụ tại trung tâm phi hành không gian Marshall thuộc NASA ở Huntsville, Alabama, không thể không nhắc tới quá trình học hành gian nan của Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước, đặc biệt là những ngày tháng vất vả để học tiếng Anh.



Anh Phước nhớ lại: “Tôi vào một lớp học ESL, học vài tuần cảm thấy không học nổi, vừa xin thầy giáo cho ‘drop’ lớp nhưng đồng thời tôi cũng xin thầy cho tôi được học dự thính để ngồi nghe xem thầy nói gì.”

Thấy người học trò chịu khó quá, thầy giáo dạy tiếng Anh đã cho anh một “đặc ân:” mỗi khi chuẩn bị kiểm tra viết bài luận, thầy cho anh biết đề trước một ngày để anh về “ì ạch viết. Sau đó học thuộc lòng và hôm sau vô chép lại theo trí nhớ!”

Với môn khoa học chính trị, “lúc đó mình mù mịt chẳng biết gì, thầy động viên nếu cố gắng làm bài đạt điểm B, thầy sẽ nâng lên thành A. Và thế là tui ráng được B.” Anh cười hồn nhiên kể lại việc học không dễ dàng của mình ở những năm đầu đến Mỹ.

“Người ta học 1, học 2, mình phải học gấp 10 lần, bởi ngôn ngữ này xa lạ với mình quá mà.” Anh thú nhận.

Trải qua những ngày tháng học hành khó nhọc như vậy, nên ngày nay, khi có thể tự tin cùng ngồi lên đề án, phác thảo mô hình thiết kế hỏa tiễn cho việc nghiên cứu thám hiểm không gian cùng những nhà khoa học tên tuổi của Mỹ, Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước cũng “cảm thấy có phần hãnh diện.”

***


Câu chuyện vượt biên, vượt khó, từ một vùng nông thôn Bạc Liêu tiến đến NASA, được vợ anh Phước kể cho 3 cô con gái họ nghe mỗi ngày.

Tiến Sĩ Phước nói một cách thú vị: “Các con tôi thường nói thời đại ba mẹ khác thời đại chúng con, hay chúng con đã nghe câu chuyện này cả ngàn, lần cả triệu lần rồi. Thế nhưng mỗi lúc cần viết một bài luận về câu chuyện thích nhất, bao giờ chúng cũng viết về câu chuyện của bố mẹ mình.”

Nhìn lại chặng đường đã qua, Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước cảm nhận: “Mỹ là vùng đất cơ hội. Nhiều người Việt mình đã thành công trong nhiều lãnh vực trên đất nước này. Nhìn lại những gì đã qua, tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm với những người trẻ là hãy cố gắng học khi có điều kiện, bởi học vấn luôn là nền tảng để mình có thể tham gia vào nhiều lãnh vực.”

Ngọc Lan


Giao Phan phụ nữ gốc Việt tham gia đóng mẫu hạm USS George H.W. Bush

Bà Giao Phan là Phó Giám đốc cơ quan quản trị các chương trình tiếp thu quân dụng của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ

Chắc hẳn nhiều người Việt đã nghe đến cái tên Hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush của Hải quân Hoa Kỳ, tuy nhiên có lẽ còn khá ít người biết rằng trong số những người tham gia dự án đóng con tàu này có một phụ nữ gốc Việt. Người phụ nữ đó là bà Giao Phan, hiện là Phó Giám đốc cơ quan quản trị các chương trình tiếp thu quân dụng của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ.

Dưới đây là phần chia sẻ của bà Giao Phan về những điều mọi người ít biết liên quan đến Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ.

Hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush là một trong những tàu chiến lớn nhất trên thế giới và là hàng không mẫu hạm thuộc chủng loại Nimitz class thứ 10, hay còn được gọi là siêu Hàng không Mẫu hạm, của Hải quân Mỹ. Dự án xây dựng mẫu hạm này được bắt đầu từ năm 2001 và kết thúc vào năm 2009.

Vào thời gian đó khi còn trên cương vị Trợ lý Giám đốc Dự án, bà Giao Phan được giao nhiệm vụ giám các hoạt động liên quan đến việc thiết kế, xây dựng, kiểm tra, xác định và bàn giao chiếc tàu chiến được coi là niềm tự hào của Hải quân Hoa Kỳ này.

Hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush là 1 trong 10 siêu Hàng không Mẫu hạm, chủng loại Nimitz class, của Hải quân Hoa Kỳ.
Ảnh: United States Navy

Bà Giao nói rằng bà cảm thấy may mắn vì được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy và hơn nữa việc tham gia dự án xây dựng mẫu hạm này còn có một ý nghĩa quan trọng hơn.

“Lúc 30 tháng 4, Ba tôi với người Bác bay trên một máy bay trực thăng với ông phi công, chiếc máy bay đã cũ và không có đủ xăng. Lúc mà họ sợ máy bay bị rớt vì hết xăng cũng là lúc họ nhìn thấy một tàu của Hải quân Hoa Kỳ ở ngoài khơi, chính lúc đó họ đã cảm thấy dấu hiệu của sự sống và tự do. Bởi vậy, lúc nghe tôi nhận chức này, cả ba tôi và tôi đều sung sướng vì coi như đã trả được món nợ cho Hoa Kỳ, mà không có gì trả nợ cho xứng bằng là được tham dự vào dự án xây dựng một hàng không mẫu hạm tối tân nhất. Chiến hạm này còn là biểu tượng cho quyền tối cao của hải quân Hoa Kỳ, cho nên tôi rất thích.”

Bà Giao Phan và gia đình sang Mỹ định cư sau khi cuộc chiến tranh kết thúc lúc bà mới 15 tuổi. Bà còn nhớ đó là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình mình. Bà kể rằng từ một gia đình thượng lưu ở Việt Nam, nhưng khi qua Mỹ gia đình bà đã phải sống nhờ vào các khoản tiền trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ, từ trợ cấp y tế cho tới quần áo, trong một thời gian dài, vì công việc duy nhất mà Ba của bà tìm được là công việc lao công trong khách sạn.

Bà nói rằng nếu không có sự giúp đỡ đó của chính phủ Mỹ thì chị em bà đã không có được sự thành công như ngày hôm nay. Chính vì luôn mang ơn sự cưu mang của nước Mỹ nên bà đã gia nhập Hải quân Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư công chánh tại Đại học Công nghệ Virginia (Virginia Polytechnic Institute) vào năm 1984 với mong muốn làm một điều gì đó để trả nợ cho quê hương thứ hai của mình. Bà Giao đã làm việc cho Hải quân Hoa Kỳ trong suốt hơn 20 năm sau đó.

Vào ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, bà cũng là người đã có mặt tại Ngũ Giác Đài, một trong những địa điểm bị tấn công. Sự kiện đó đã làm bà bắt đầu chú ý và ngưỡng mộ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ vì những hoạt động đối phó với các hoạt động khủng bố của họ, rồi sau đó là các hoạt động đối phó với trận bão Katrina. Bà đã tự hỏi không biết mình có thể làm gì để đóng góp vào những công việc quan trọng như vậy.

Nhưng mãi tới năm 2007, cơ hội được làm việc cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ mới đến với bà khi bà được chọn vào vị trí lãnh đạo cao cấp cho cơ quan tiếp thu quân dụng (US Coast Guard’s Acquisition Programs).

Hiện tại, trên cương vị phó giám đốc, bà quản lý và giám sát dự án tiếp thu quân dụng trị giá 27 tỷ đôla, trong đó gồm việc duy trì và hiện đại hóa các loại máy bay, tàu chiến v..v để phục vụ cho nhiều hoạt động trên biển của lực lượng tuần duyên. Bà cũng đứng trong hàng ngũ những nhân viên dân sự cấp cao nhất trong Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, đơn vị quân sự duy nhất trong khuôn khổ Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.

Bà cho biết thêm về các hoạt động hiện tại của chương trình tiếp thu quân dụng mà bà chịu trách nhiệm:

“Lực lượng bảo vệ bờ biển muốn đạt được kết quả mỹ mãn trong các nhiệm vụ cao cả, thì chúng tôi cần được trang bị với các phi cơ, phản lực, trực thăng, tàu bè mới và tối tân, nhưng hiện nay các tàu bè và máy bay này cũ quá. Vì vậy công việc chúng tôi làm là cơ quan quản trị là phải theo dõi các hoạt động từ việc đấu thầu cho tới việc kiểm tra diễn tiến đóng tàu của nhà thầu, rồi sau đó bàn giao cho tàu mới hay máy bay mới. Mới đây chúng tôi cũng vừa hoàn tất hai tuần dương hạm lớn nhất và tối tân nhất chưa từng có trong lực lượng, cùng hàng trăm chiếc tàu nhỏ để thay thế những chiếc tàu cũ, rồi cũng hoàn thành 10 phi cơ và trực thăng để bổ sung vào tổng số máy bay mà hiện nay được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động ngày càng gia tăng của lực lượng.”

Bà Giao cho biết mặc dù phải đảm trách rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhưng lực lượng bảo vệ bờ biển lại được ít người biết tới:

“Tôi nhận thấy so với những binh chủng khác của quân đội Hoa Kỳ thì Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ không được nhiều người biết tới cho lắm, tuy rằng chúng tôi đã gặt hái được nhiều thành quả trong nhiều lĩnh vực và có rất nhiều trách nhiệm đối với người dân Hoa Kỳ. Nhất là mới đây lực lượng đã được chính phủ Hoa Kỳ giao cho vai trò lãnh đạo tất cả các cơ quan của chính phủ liên bang trong việc đối phó với dầu loang ở vịnh Mexico. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, tức U.S Coast Guard, được thành lập vào năm 1790 và hiện có hơn 40 ngàn nhân viên đang phục vụ khắp mọi nơi trên Hoa Kỳ. Tuy nhiên, rất ít người biết là lực lượng này đã ra đời trước cả hải quân Hoa Kỳ.”

Bà Giao Phan giải thích thêm rằng sở dĩ bà gọi U.S Coast Guard là Lực lượng Bảo vệ Bờ biển thay vì Lực lượng Tuần duyên vì nhiệm vụ của lực lượng này vượt ra ngoài các hoạt động tuần duyên thông thường. Bà nói thêm về tầm quan trọng của lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ:

“Tôi thấy ngoài nhiệm vụ tuần duyên để ngăn chặn các vụ phạm pháp dọc bờ biển, bảo toàn an ninh, lực lượng Hoa Kỳ này còn có nhiệm vụ bảo vệ môi sinh ngoài biển cũng như cứu hộ nhiều người lâm nạn ở đại dương. Bởi vì những nhiệm vụ cao cả này mà lực lượng còn được gọi là người bảo vệ bờ biển. Và khẩu hiệu của chúng tôi là ‘Semper Paratus’ tức là ‘Luôn luôn sẵn sàng’.”

Không chỉ nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp trong Hải quân cũng như Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, bà Giao Phan cũng đã nhận được những giải thưởng cao quí nhất mà Hải quân Mỹ trao tặng cho những nhân viên dân sự có thành tích và những đóng góp suất sắc nhất, trong đó gồm có những huân chương như Superior Civilian Service Award vào năm 2006, và Navy Meritorious Civilian Award vào năm 2004.

Bà Giao Phan khiêm tốn nói về những thành tích mà bà đạt được:

“Được vinh danh những giải thưởng này thì thực sự tôi rất mắc cỡ vì bối rối. Ai cũng biết đâu có người nào có thể đạt được thành công một mình đâu. Bởi vậy, tôi rất ngạc nhiên và rất vinh dự nhưng cũng biết là mình đã may mắn được làm việc chung và được học hỏi trong nhiều năm qua lúc phục vụ hải quan và lực lượng bờ biển Hoa Kỳ, tôi cảm thấy mình còn mang nợ nhiều hơn nữa với những giới lãnh đạo cao cấp của mình, cũng như các bạn đồng nghiệp và nhân viên của mình. Những lúc như vậy tôi cảm thấy mình may mắn và được nhiều người trợ giúp quá.”

Bà Giao cho biết có rất nhiều cơ hội để các bạn trẻ gốc Việt có thể tham gia vào lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ cũng như cơ hội để các bạn thăng tiến tại đơn vị này, nhưng điều quan trọng là phải có niềm tin và quyết tâm cao:

“Tôi tin tưởng rất mạnh vào câu châm ngôn của Việt Nam ‘Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi cách, sông ngăn’. Do đó với lớp trẻ thì tôi có một lời nhắn nhủ các em là điều quan trọng nhất là dù có đi đường nào chăng nữa thì cũng phải đạt được một trình độ đại học, phải học thật tốt vì đó là một nền tảng vững chắc đưa tới sự phát triển sự nghiệp trong tương lai. Cho dù các em có chọn bất cứ ngành nào thì cũng phải có lòng đam mê với công việc và phải linh hoạt và thích ứng với sự thay đổi.”

Quí vị có thể tìm hiểu thêm về bà Giao Phan cũng như các hoạt động của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ tại trang web: www.uscg.mil.

Minh Anh

Nguyễn Cao Hùng - Người Phát Minh Kỹ Thuật "Ultra-Wideband Wireless Technology"


Từ nhiều năm qua, ai cũng đã từng nghe hoặc cũng đã dùng "kỹ thuật vô tuyến siêu băng thông rộng" (Ultra-Wideband Wireless Technology) cho máy điện toán và vô tuyến truyền hình", vì hầu hết các công ty lớn của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan v.v... đều đã ứng dụng kỹ thuật này vào các sản phẩm cao cấp của họ, nhưng chắc chắn chưa mấy người biết đó là một trong hàng chục phát minh của một Việt kiều trẻ tuổi, anh Nguyễn Cao Hùng.

Sang Mỹ ty nan CSVN cùng gia đình từ năm 16 tuổi, Nguyễn Cao Hùng sống tại thành phố Santa Ana, nam California. Năm 1981, Hùng tốt nghiệp trung học tại trường Los Amigos High School. Sau đó, anh học đại học tại University of Southern California, Los Angeles (USC) và đã tốt nghiệp bằng Kỹ sư Điện tại USC với hạng danh dự. Năm 1989, sau khi tốt nghiệp bằng Cao học Kỹ sư Điện tại trường Đại học Santa Clara, California, Nguyễn Cao Hùng lại theo học bán thời gian về Cao học Quản trị Thương mại.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Cao Hùng làm cho hãng IBM (International Business Machines Corporation) là một trong những hãng lớn nhất tại nước Mỹ. Tại IBM, anh bắt đầu nghiên cứu và thiết kế những kỹ thuật mới cho Magnetic Recording Storage (Magnetic Disk Drive/Hard Disk Drive) cho máy điện toán.

Năm 1989, anh làm cho hãng Quantum Corporation, một trong những hãng đứng hàng đầu về ngành Magnetic Recording thời kỳ đó. Tại Quantum, anh là người đầu tiên phát minh ra kỹ thuật Partial Response Maximum Likehood (PRML). Trong thời gian này, anh đã được cấp trên 10 bằng phát minh (US patents) và những phát minh này đã đóng góp lớn lao vào sự xây dựng kỹ thuật PRML cho Magnetic Recording Storage cho những máy điện toán trên thế giới. Tại Quantum Corporation, anh đã được tặng giải thưởng cao quý "Inventor of The Year" trong năm 1995. Hiện nay kỹ thuật PRML đã có trong hầu hết các Hard Disk Drives của tất cả những máy điện toán.

Năm 1996, Nguyễn Cao Hùng làm cho hãng NeoMagic Corporation, và được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc (Director/Deputy General Manager) quản trị việc nghiên cứu và sản xuất cho kỹ thuật Optical Storage. Đây là những semiconductor chip cho DVD. Trong khoảng thời gian này, hãng NeoMagic đã trở thành một trong những hãng đi đầu về sự phát minh semiconductor chip cho DVD-Rom và DVD player. Sau 4 năm, nhóm Optical Storagedivision với khoảng 50 nhân viên dưới sự dẫn đầu của anh đã được hãng LSI Logic mua.

Sau khi làm cho hãng LSI Logic một thời gian ngắn, Nguyễn Cao Hùng mở hãng riêng của mình và trở thành Tổng Giám đốc của hãng Blue7 Communications. Hãng Blue7 Communications được thành lập vào mùa Thu năm 2001. Trong những tháng đầu khó khăn, anh Hùng và những người cộng sự đã phải làm việc trong văn phòng tại nhà của anh. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về kỹ thuật và thị trường, hãng Blue7 quyết định sáng chế và sản xuất semiconductor chip (Integrated Circuits) cho một kỹ thuật mới gọi là: Siêu Cao Rộng Tần Vô Tuyến Điện (Ultra-Wideband Wireless Technology) cho các máy điện toán, vô tuyến truyền hình, và các máy nhỏ di động như máy chụp hình, máy quay phim, MP3 player, PDA, và điện thoại di động. Ultra-Wideband Wireless là kỹ thuật vô tuyến điện (thông tin đi qua không gian mà không cần giây) với tần số cao nhất và rộng nhất (từ 3.1 GHz cho tới 10.7 GHz). Hiện nay chưa có kỹ thuật vô tuyến điện nào có thể đi qua không gian với tần số cao và rộng như vậy. Do đó, kỹ thuật này có thể truyền tin qua không gian rất là nhanh, khoảng chừng 480 Mbps cho tới 1 Gbps. Hiện nay kỹ thuật Ultra-Wideband Wireless là một trong những kỹ thuật đặc biệt và trong tương lai sẽ rất thông dụng trên toàn thế giới.

Vào cuối năm 2002, nhận được tiền đầu tư của người chị gái và người anh rể, anh Hùng quyết định mở rộng hãng và bắt đầu mướn nhân viên làm công việc thiết kế và sản xuất. Ngay sau đó hãng được đầu tư kinh doanh từ những hãng lớn như Mitsubishi và Renesas.

Hãng Blue7 là một trong những hãng đầu tiên trên thế giới đã phát minh ra semiconductor chip (IC) cho kỹ thuật Siêu Cao Rộng Tần Vô Tuyến Điện dùng kỹ thuật mới mẻ và hiện đại gọi là CMOS. Hãng Blue7 sản xuất ra những semiconductor chip và bắt đầu bán ra thị trường cho những hãng lớn ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.

Sau những năm hoạt động thành công trong lĩnh vực thiết kế điện toán, hãng Blue7 Communications đã được một hãng lớn của Mỹ (Sigma Designs) mua vào đầu năm 2006.

Từ khi bắt đầu vào ngành điện tử cho đến nay, anh Nguyễn Cao Hùng đã được chính phủ Mỹ cấp trên 24 bằng phát minh trong những ngành điện tử đặc biệt như: Magnetic Recording Optical Storage, Communication và Wireless (vô tuyến điện).

Năm 2003, anh Nguyễn Cao Hùng kết hôn với chị Nguyễn Vantalie. Hiện anh chị có một bé trai 3 tuổi và một bé gái 1 tuổi. Tuy xa Việt Nam từ nhỏ nhưng trong trái tim anh, hình ảnh quê hương luôn luôn hiện hữu. Bởi vậy mà anh chị đã gây dựng lên một Hội từ thiện tư nhân nhằm giúp đỡ, cứu trợ trẻ mồ côi, tàn tật và những người già không gia đình tại Việt Nam. Ngoài sự giúp đỡ cho những viện mồ côi và chùa chiền tại Việt Nam, hội từ thiện của anh chị Nguyễn Cao Hùng còn giúp đỡ và đóng góp cho những tổ chức y tế chữa bệnh cho các trẻ em bị sứt môi. Hội từ thiện hiện nay đang mở rộng tầm hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Đó chính là sự hỗ trợ về tinh thần, những đóng góp thiết thực của anh để động viên, chia sẻ cùng đồng bào gặp khó khăn trong nước. Đó cũng chính là nghĩa cử cao đẹp, là tấm lòng của người con xa quê hương.


Trọng Minh



Каталог: images
images -> Hướng dẫn sử dụng Dropbox Để sử dụng được Dropbox
images -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
images -> Céng hßa x· héi chñ nghÜa viÖt nam Độc lập tự do hạnh phúc
images -> Lúa gạo Việt Nam Giới thiệu
images -> Trung Tâm kt tc-đl-cl
images -> Số: 105/2008/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
images -> ChuyêN ĐỀ ĐẠi số TỔ HỢP, XÁc suất kiến thức cơ bản Đại số tổ hợp
images -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
images -> Review of Condor, Sun Grid Engine and pbs

tải về 385.89 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương